Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

31/10/2016

2016 : Một năm nhiều gãy nứt

Lê Mạnh Hùng

Brexit

Brexit : rạn nứt giữa Anh và Liên Hiệp Châu Âu trong năm 2016

Một số năm có tầm quan trọng hơn những năm khác. Nhắc đến chúng gợi lại cho người ta những chuyển biến khi thế giới chuyển từ một trật tự chính trị văn hóa này sang một trật tự khác. Những năm này, không nhiều nhưng đáng nhớ, tỷ như 1968 với sự bùng nổ của các sự nổi dậy của thanh niên thế giới phương tây ; 1989 với sự sụp đổ của thế giới cộng sản và 2001 với sự nổi lên của khủng bố Hồi giáo.

Liệu 2016 có phải là một trong những năm bản lề đó không ?

Ông Donald Trump rỏ ràng là chỗ bắt đầu cuộc thảo luận về vấn đề này. Năm 2016, Hoa Kỳ bầu lên vị tổng thống khác hẳn tất cả các vị tổng thống khác trong lịch sử. Một doanh nhân chưa từng có một kinh nghiệm chính trị hay quân sự nào. Ông ra tranh cử với một khẩu hiệu chính : "trở về". Trở về một quá khứ huy hoàng mà vị thế bá chủ của Hoa Kỳ không bị ai thách thức ; mang trở về một trật tự trong một thế giới hỗn loạn.

"Chỉ có mình tôi là có thể hàn gắn được nó", ông đã tuyên bố như vậy trong bài diển văn nhận sự đề cử là ứng cử viên tại đại hội đảng Cộng Hòa tại Cleveland.

Và bây giờ thì ông có cơ hội để thực hiện hứa hẹn đó.

Nhưng ông Trump chỉ là một phần của một chiều hướng. Các cử tri trên khắp thế giới phương Tây đều đã nổi dậy chống lại tầng lớp lãnh đạo của họ. Họ mệt mỏi về tiến trình toàn cầu hóa, về di dân và thất vọng vì tình trạng kinh tế của đại đa số trong họ ngày một sa sút.

Brexit, cú sốc mà cử tri Anh đưa ra vào tháng 6 khi quyết định rút ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu chỉ là bước bắt đầu. "Frexit" có thể là bước thứ hai. Bà Marine Le Pen, ứng cử viên của tổ chức cực hữu Front National đã hứa hẹn dân Pháp cho trưng cầu dân ý rút ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu nếu đắc cử tổng thống vào năm 2017, và các cuộc thăm dò dư luận cho thấy bà đang dẫn trước các ứng cử viên khác.

Và tình trạng này cũng đang nổi lên tại Ý, Hungary, Ba Lan, Na Uy, Hy Lạp và ngay cả tại Đức. Các nhà phân tích gộp tất cả chúng dưới danh từ "chủ nghĩa mỵ dân" và giải thích chúng là sự giận dữ của đa số trước cái tham lam của một thiểu số. Nhưng vấn đề không phải chỉ là kinh tế mà còn có dính líu đến dân tộc và những e sợ của những người bản xứ trước vị thế của họ ngày một thay đổi. Nó cũng dính dáng đến giai cấp và hiện thực là một văn bằng đại học nay trở thành con đường ngăn cách xã hội sâu đậm nhất ; và nó cũng dính dáng đến tốc độ thay đổi kỹ thuật với hết "app" này nối "app" khác xuất hiện làm rối loạn cuộc sống.

Thành ra nhiều cử tri tại phương Tây muốn chậm lại và quay lưng với bên ngoài. Và họ đã bác bỏ thế giới mà ông bà của họ đã xây dựng sau thế chiến thứ hai, một thế giới bao gồm một mạng luới các liên minh nối liền bởi những quan hệ thương mại và tự do đi lại với nền tảng dựa trên sự bá quyền chính trị và quân sự Hoa Kỳ.

Thế nhưng 2016 không phải là 1930. Những ý thức hệ tệ hại nhất của những năm này không hồi sinh. Chủ nghĩa phát xít, vẫn còn chưa phục sinh mặc dầu những cố gắng của một thiểu số ; cộng sản chỉ còn sống thoi thóp tại Bắc Hàn. Và cái chết của Fidel Castro vào năm nay là biểu tượng của sự ra đi - hy vọng là vĩnh viển - của những cung cách toàn trị trong việc tổ chức xã hội con người.

Và mặc dầu bất mãn, những người mỵ dân cũng không chiếm được đa số. Chính ông Trump cũng đã thua nếu tính theo tổng số phiếu và ông chỉ trở thành tổng thống vì những thiên lệch của Cử Tri Đoàn. Chỉ cần thay đổi vài chục ngàn phiếu từ California hay New York sang cho Wisconsin, Michigan hay Pennsylvania thì ta đã có tổng thống Hillary Clinton.

Tại Châu Âu, các đảng cực hữu hầu như không thắng tại bất cứ nước nào, tuy rằng chúng có thể trở thành những đảng lớn nhất nhờ vào sự hăng say của những người ủng hộ chúng. Thành ra theo Cas Mudde, một chuyên gia về những nhóm cực đoan của Hòa Lan, giải thích : "Chúng ta sẽ rơi vào cái bẫy nếu chúng ta nghĩ rằng đó là tiếng nói của quần chúng".

Một điều đáng chú ý nữa là sự bất mãn và bác bỏ này không phải là hiện tượng toàn cầu. Nó chỉ xảy ra tại những nước dân chủ phát triển tại Châu Âu và Hoa Kỳ, nơi mà ảnh hưởng của toàn cầu hóa và di dân mạnh nhất và tạo ra những bất mãn sâu đậm nhất vì những phân phối bất công trong thành quả của toàn cầu hóa. Trên thế giới có tất cả 7 tỷ dân và chỉ có 1 tỷ dân tại thế giới phương Tây là nơi các vấn đề về di dân, mất công ăn việc làm, mậu dịch tự do trở thành những động cơ chính trị.

Nhưng số một tỷ người này là phần quan trọng nhất của dân chúng thế giới. Và sự giận dữ của một phần quan trọng những công dân các nước này đối với thành phần lãnh đạo họ là hiển nhiên. Brexit là một cú sốc khổng lồ cho giới lãnh đạo chính trị Anh và Châu Âu nói chung. Nay thì thủ tuớng Theresa May sẽ phải thương thuyết một cuộc ly dị khó khăn làm sao tách rời nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu trong lúc giữ cho Anh có thể tham gia vào với Châu Âu và thị trường chung Châu Âu càng nhiều càng tốt.

Chiến thắng của ông Donald Trump là "Brexit nhân làm ba" theo lời của Nigel Farage lãnh tụ đảng UKIP của Anh. Nhưng ông Trump còn gặp khó khăn hơn là bà Theresa May nữa trong việc làm sao giữ được những hứa hẹn mình đưa ra cho những người bỏ phiếu cho mình.

Trump hấp dẫn được những người có một bất mãn. Khẩu hiệu của ông "Make America Great Again" có nghĩa là thế nào ? Đối với nhiều người ủng hộ ông Trump, nó có nghĩa là mang trở lại thời kỳ mà không có bấm số hai để nghe giải thích bằng tiếng Tây Ban Nha ; nó có nghĩa là mang lại nhiều công việc công nghiệp chế biến ; nó cũng có nghĩa là thời kỳ mà ra đường hầu như chỉ thấy người da trắng theo đạo Thiên Chúa thay vì một tập hợp đủ thứ sắc tộc với các tôn giáo và tiếng nói khác nhau. Nhưng tất cả những cái đó đều là quá khứ và ông Trump không thể nào có thể mang trở lại được.

Lê Mạnh Hùng

(12/2016)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lê Mạnh Hùng
Read 1386 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)