Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/01/2019

Sự kiện Lộc Hưng : nỗi đau, EVFTA, yêu cầu cụ Tổng lên tiếng

Nhiều tác giả

Nỗi đau của anh chị em chính là nỗi đau của chúng tôi

Paulus Lê Sơn, VNTB, 18/01/2019

Ngày 14/01/2019, Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục tiên khởi tân giáo phận Hà Tĩnh, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, cùng với cha Giuse Lê Quốc Thăng, Thư ký Ủy ban đã đến viếng thăm, ủy lạo anh chị em lương-giáo dân oan vườn rau Lộc Hưng.

cuongche1

Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp tại vườn rau Lộc Hưng ngày 14/1/2019 - Ảnh: RFA

Trong lời chia sẻ, Giám mục Hợp nói : "Nỗi âu lo và hi vọng của người khốn khổ cũng là nỗi âu lo và hi vọng của Giáo hội. Trong những ngày đầu năm Tết Kỷ Hợi năm nay sẽ hội ngộ như thế nào, sẽ gặp nhau ở đâu. Đó là nỗi đau của ông bà và anh chị em cũng chính là nỗi đau của chúng tôi".

Giám mục cũng nhắc đến Hiến chế Vui mừng – Hy vọng của Công đồng chung Vatican II : Vui mừng và hy vọng của thế giới, của bà con Lộc Hưng là vui mừng và hy vọng của Giáo hội. Ngài nhấn mạnh : "Chúng tôi biết anh chị em tuân thủ pháp luật, nhưng vì những bức xúc do chính quyền gây ra trong những ngày giáp tết đoàn viên này".

Khi sự kiện nhà cầm quyền địa phương đập phá nhà cửa, tài sản của người dân Lộc Hưng hôm 4/1, thì Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục Việt Nam đã viếng thăm, chúc lành cho bà con và mảnh đất này. Cùng một diễn biến ấy, Giám mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Long, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình Úc Châu đã gởi thư hiệp thông với anh chị em vườn rau Lộc Hưng và lên án chế độ cộng sản độc tài.

Những hình ảnh các vị mục tử nhân lành ở giữa đoàn chiên đang bị ba thù rình mồi cắn xé quả thật hết sức xúc động. Đó như sự hiện diện của Chúa Giêsu giữa các tông đồ trước sự sợ hãi sau cái chết của Chúa trên Thánh giá. "Bình an cho anh em" mà Chúa trao cho các môn đệ như là một sự Phục sinh, là thần khí.

Giờ đây Giám mục Nguyễn Thái Hợp đến nhắc nhớ Hiến Chế Vui mừng và Hi vọng như là một cách thức tương tự khi xưa Chúa đã làm với các môn đệ của Ngài. Các Giám mục, các Linh mục đã đến với họ, tự mình đi vào trung tâm của tình trạng thê thảm mà người dân Lộc Hưng đang gánh chịu. Nỗi đau khổ khốn cùng và sợ hãi của người dân nơi đây cũng chính là nỗi đau của Chúa, của Giáo hội. Và các Ngài đến để trao ban bình an, hi vọng và đem lại sức mạnh để họ thực hành đời sống công bình cho chính mình và cho xã hội.

Đó cũng là tinh thần nói lên sự hiệp thông và đại kết trong Giáo hội Công giáo, sự hiệp thông mang tính phổ quát, hàm ngụ một chiều kích song đôi ; chiều kích hướng về, hiệp thông với Thiên Chúa và chiều kích hướng đến hiệp thông giữa con người với con người.

Chúng ta hẳn không quên câu nói nổi tiếng của Giám mục Phaolo Maria Cao Đình Thuyên, nguyên Giám mục Giáo phận Vinh khẳng định : "Chuyện của Thái Hà là chuyện của Giáo phận Vinh" để tỏ bày hiệp thông với Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà khi xảy ra biến cố nhà cầm quyền muốn cưỡng chiếm mảnh đất thuộc Giáo xứ Thái Hà, Hà Nội vào năm 2008.

Cũng chính trong biến cố Thái Hà, đã có nhiều anh chị em giáo dân Giáo xứ Lộc Hưng hiệp thông một cách mạnh mẽ và trọn vẹn bằng kinh nguyện, bằng sự lên tiếng, bằng sự hiện diện. Ngay thời điểm đó, người dân Lộc Hưng cũng bị rình rập, bị khủng bố bởi nhà cầm quyền địa phương, nhưng họ không quên Thái Hà mãi tận ngoài Bắc.

Giờ đây, họ lâm vào cảnh nhà cửa bị san phẳng, đất đai ruộng vườn bị phá nát, con đường kiếm kế sinh nhai bị chặn đứng, tài sản bao đời bỗng chốc bị cướp sạch bởi bàn tay vấy máu cộng sản thì ai đang bên họ, ai đồng hành cùng họ, ai dám liều thân vì họ ? Chắc chắn có nhiều người khắp nơi trong nước và hải ngoại, trong đó có những luật sư, các vị trí thức, những đấng bậc lãnh đạo tôn giáo đã, đang và sẽ đồng hành cùng người dân Lộc Hưng. Nhưng hình như vẫn chưa đủ, vẫn còn thiếu bóng dáng của những người cần phải có ?

Paulus Lê Sơn

Nguồn : VNTB, 18/01/2019

*******************

"Vườn rau" và "EVFTA"

Thục Quyên, VNTB, 18/01/2019

"Vườn Rau" nghe còn mường tượng là cái gì có thể hiểu được nên còn muốn đọc. Chứ "EVFTA", ngay cả dùng tiếng Việt Nam "Hiệp định Thương mại Tự do Việt nam-Liên minh Âu châu" thì cũng qúa xa lạ, đọc chắc cũng không hiểu, nên không đọc luôn cho rồi. 

cuongche2

Vườn rau Lộc Hưng trước ngày bị cưỡng chế

Nhưng không phải chỉ có vậy. "Vườn Rau" và EVFTA có liên quan với nhau.

Cái tựa phản ảnh tình trạng đang rất bi đát của đất nước và con người Việt Nam.

"Vườn rau" Lộc Hưng

Người lưu tâm theo dõi diễn biến vụ việc này từ ngày 4/01/2019 (tới nay là 13 ngày) hầu như chỉ có thể đọc trong Facebook và trên vài báo mạng lề trái. Mỗi ngày tối thiểu phải đầu tư 1 tiếng đồng hồ để sàng lọc tin tức, nhưng tuy vụ việc xảy ra công khai trước mắt đám đông, những chi tiết xác thực rất hiếm, còn mong chi tìm được hai hay ba nguồn khác nhau để kiểm chứng ?

Vụ "Vườn Rau" quan trọng ở chỗ xảy ra sau một thời gian rất dài diễn biến, nạn nhân lại là một xóm đạo, với sự có mặt thường xuyên và trực tiếp của một số linh mục Công giáo Rôma. 

Khi chùa Liên Trì bị đập nát ngày 8/09/2016, chùa là một trong những cơ sở nhỏ bé và hiếm hoi còn sót lại của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, lúc đó còn dám phát quà cho thương phế binh của chế độ cũ, trợ giúp dân oan mất đất hay họp mặt các cựu tù chính trị hoặc các hội đoàn xã hội dân sự. Vị trụ trì, Hòa thượng Thích Không Tánh, đứng bất lực chứng kiến, lẻ loi cô độc như mọi người dân oan khác, vì Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất chỉ còn là một cái tên không chút sinh khí sau 40 năm đảng cộng sản cai trị đất nước. Trong khi gần đó, Nhà thờ Thủ Thiêm và tu viện Mến Thánh Giá còn được tồn tại (tới ngày nay), tưởng chừng nhờ nội lực tự bảo vệ của Giáo hội Công giáo Việt Nam với ảnh hưởng mạnh mẽ của Vatican, nhưng lại cũng chưa chắc sau vụ "Vườn Rau" này.

Lẽ dĩ nhiên Vườn Rau không phải là một cơ sở tôn giáo. 

Nhưng là một xóm đạo, sống và hoạt động rất mật thiết với Văn phòng Công Lý Hòa bình Dòng Chúa Cứu Thế, và, như Liên Trì (nhưng mạnh hơn nhiều), là nơi nương tựa của một số thương phế binh chế độ cũ, dân oan mất đất, các cựu tù binh chính trị, một số thành viên của vài hội đoàn xã hội dân sự.

Việc san bằng Vườn Rau chỉ trong vài ngày thay vì 90 ngày như nhà cầm quyền dự tính, là do không gặp sự phản đối mạch lạc theo trình tự pháp luật của những chủ đất từ bao năm nay (trong đó có Giáo hội Công giáo Rôma), cũng như tại chỗ, đã không gặp sức chống cự bất bạo động nhưng mãnh liệt của vài trăm người dân sống tại đó.

Chuyện gì đã xảy ra nếu trước đó có sự theo dõi, đánh giá tình hình kỹ lưỡng, có sự suy nghĩ tổ chức đề phòng và chống cự khi có tình huống ? Chuyện gì đã xảy ra nếu vài trăm người dân Vườn Rau không bỏ mặc cho dăm ba người kêu gào mà cùng nhau ngồi xuống chặn đường công an và xe ủi đất ? Nếu thay vì vài trăm dân cư Lộc Hưng lại là vài ngàn, vài chục ngàn giáo dân, vài trăm linh mục ? Nếu những hồi chuông của 300 nhà thờ Công giáo Rôma tại Sài Gòn cùng đổ vang khi bạo lực tiến gần, thì chắc dân Sài Gòn khắp nơi, ngay cả các tòa lãnh sự, các đại diện những tổ chức quốc tế tại Sài Gòn, đều bắt buộc phải ghi nhận đang có sự oan khiên xảy ra giữa lòng thành phố. Liệu việc san bằng Vườn Rau có thể nhanh chóng và tốt đẹp ngoài sức tưởng tượng của kẻ chủ mưu hay không ?

EVFTA và giấc mơ của Tiến sĩ Nguyễn Quang A (1) 

Định mệnh "Hiệp định Thương mại Tự do Việt nam-Liên Hiệp Châu Âu" EVFTA đang tùy thuộc sự kiện có được thông qua hay không bởi Hội đồng Châu Âu, rồi còn phải được Nghị viện Châu Âu phê chuẩn.

Ngày 10/01/2019 Tổ chức Theo dõi Nhân quyền HRW đã lên tiếng kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu hoãn bỏ phiếu về EVFTA vì lý do các yêu cầu về Nhân quyền chưa được đáp ứng mà sự đàn áp còn gia tăng trong suốt năm 2018. Lời kêu gọi này nhắc lại nỗ lực kêu gọi của nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có "VETO! Mạng lưới những người bảo vệ Nhân quyền" vận động trực tiếp với những dân biểu các đảng phái thuộc Nghị viện Châu Âu và đưa ra một danh sách những đòi hỏi rất cụ thể. 

Tiến sĩ Nguyễn Quang A trong 2 bài viết trên FB ngày 11/01/2019 đã đăng lời kêu gọi của HRW nhưng đồng thời đưa ra ý kiến ngược lại "TÔI THÌ BẢO : HÃY KÝ NGAY VÀ THÔNG QUA NGAY EVFTA!" vì ông cho rằng sau khi EVFTA được ký và đi vào hiệu lực thì Liên Hiệp Châu Âu sẽ có một khí cụ để can thiệp hiệu quả, buộc chính quyền Việt Nam phải cải thiện nhân quyền.

Trên lý thuyết thì Tiến sĩ Quang A không sai, nhưng trên thực tế thì e rằng đây lại sẽ là một cái khí cụ vô ích vì chẳng ai dùng tới. Đó là chưa muốn nhắc tới những lỏng lẻo, yếu điểm của khí cụ này.

Hãy nhìn khu Vườn Rau giữa Sài Gòn, thủ đô của miền Nam Việt Nam, trở thành bình địa trong ít tiếng đồng hồ, để thấy có luật mà không thể dùng, hoặc không dùng được đúng lúc và đúng chỗ thì cũng vô ích. Người dân Việt Nam hoàn toàn không có chút nội lực nào cả để tự vệ, ngay cả khi liên quan trực tiếp đến miếng cơm manh áo hàng ngày của mình và gia đình mình. Thì ai ở đó để hiểu về những liên lạc phức tạp thương mại mà lên tiếng hay tranh đấu ?

Người Việt không có nội lực để gây sức ép thì Liên Hiệp Châu Âu nào phải bận lòng can thiệp vào những vi phạm Nhân quyền tại Việt Nam, mảnh đất thật xa vời với người dân của họ ? Chính phủ Liên Hiệp Châu Âu trước hết phải lo cho quyền lợi của Liên Hiệp Châu Âu. Đó là chuyện dĩ nhiên.

Vấn đề trước sau vẫn nằm nơi phía người dân Việt

Thật ra đa số người Việt không dốt hay tắc trách hơn những dân tộc khác, nhưng trong các quốc gia khác, những lớp người có ăn học, những chuyên viên các ngành nghề, lo giữ trách nhiệm tìm hiểu, suy nghĩ, lên tiếng, đóng góp, tác động vào những việc thuộc ngành chuyên môn của mình.

Việt Nam không có những lớp người có khả năng và có trách nhiệm đó.

Cứ đếm số những người Việt Nam có hiểu biết và quan tâm đến những Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP, Hiệp định EVFTA...trong suốt thời gian họp bàn, thương lượng, thì ắt nhìn thấy tình trạng đi về đâu. 

Sau khi Mỹ rút ra khỏi TPP, thì Hiệp định CPTPP được ký với 22 điểm bị tạm hoãn, trong đó có những điểm rất quan trọng liên quan đến Nhân quyền, Quyền của Người Lao động... Không hề thấy một người hay một nhóm người Việt Nam nào lên tiếng về sự kiện này.

Tiến sĩ Quang A có lý khi kêu gọi phải lên tiếng chống lại "bọn đã và đang phá hoại EVFTA bằng cách tăng gia vi phạm Nhân quyền", nhưng người dân cho tới nay chỉ nghĩ ra được phương cách than khóc hay lải nhải kiến nghị chỗ này chỗ kia, thì ăn thua gì ?

Trao đổi thương mãi như là ổ bánh hai bên ký kết chia nhau. Hai bên đều muốn thủ lợi là chính, bảo vệ quyền người dân là phụ. Dân Việt Nam không có sức ép lên nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thì chỉ còn cơ hội gây sức ép lên phía đối tác với họ là Liên Hiệp Châu Âu, là những nước coi trọng Nhân quyền và tuân thủ những luật lệ dân chủ. Không có khả năng để gây sức ép thì đừng hy vọng người khác tự ý, nghiễm nhiên gánh những khó khăn hộ mình. 

Suy tính Liên Hiệp Châu Âu có mặt tại Việt Nam vẫn đỡ hơn là bỏ mặc Việt Nam cho Trung quốc chỉ đúng khi Việt Nam có một lực lượng có thể hợp sức và đồng thời ép Liên Hiệp Châu Âu thực tình đặt vấn đề can thiệp bảo vệ Nhân quyền và Môi sinh cao tương đương với những mối lợi kinh tế, thương mại của họ.

Bao nhiêu sự trợ giúp của Âu Châu và Mỹ mấy chục năm nay đã không đưa Việt Nam tới chỗ mong muốn, vì dân Việt vẫn quên là mình phải đóng vai chính, không thể mong ước Tự do Dân chủ sẽ đến như một món quà từ nơi khác.

Trong chiều hướng giấc mơ của Tiến sĩ Nguyễn Quang A, hy vọng người Việt thử hết mình cộng tác với những nước đã ký CPTPP để xử dụng hiệp ước này như "CÂY GẬY lớn và hiệu quả để buộc chính quyền Việt Nam phải cải thiện nhân quyền".

Hoãn EVFTA là hết sức hợp lý

Trong năm 2019 nếu "CÂY GẬY" CPTPP có hiệu qủa thì Nghị viện Châu Âu sẽ nhìn thấy sự cải thiện nhân quyền tại Việt Nam, và mau chóng phê chuẩn EVFTA .

Chuông nhà thờ không đổ thì không ai biết xóm đạo bị nạn.

Mong rằng vài trăm vài ngàn tiếng nói từ Việt Nam cất lên để Hội đồng Châu Âu và Nghị viện Châu Âu biết người dân Việt Nam muốn gì ?

Thục Quyên

Nguồn : VNTB, 18/01/2019

Ghi chú :

Để có khái niệm về EVFTA xin đọc :

https://boxitvn.blogspot.com/2018/09/evfta-co-hoi-hanh-ong-phan1.html

https://baotiengdan.com/2018/09/06/evfta-co-hoi-hanh-dong-phan-2/

************************

Làm ơn cụ Tổng nói một lời ‘công đạo’

Minh Châu, VNTB, 18/01/2019

"Tôi thấy đa số dân bị cưỡng chế ở khu vườn rau Lộc Hưng chủ trương đòi hỏi ‘công lý’. Ý nguyện này không có gì khó khăn. Nếu thực hiện thì chỉ khẳng định những quyết tâm của cụ Tổng mà thôi... Làm ơn cụ Tổng nói một lời công đạo".

cuongche3

Vụ đập phá nhà dân ở khu vườn rau Lộc Hưng, phường 6, quận Tân Bình, Sài Gòn vẫn tiếp tục nóng đối với tất cả nhà dân nằm trên con đường Chấn Hưng, Hưng Hóa, khi suốt tuyến đường này vẫn rải đầy lực lượng công an, dân phòng, an ninh thường phục. Tất cả những ai đi qua đây mà dừng xe lại rồi đưa điện thoại lên để quay phim, chụp hình là lập tức bị lực lượng sắc phục lẫn thường phục ập tới cản ngăn. Nếu người dân phản ứng, họ sẽ bị thu luôn điện thoại.

Xin ghi nhận một số ý kiến từ cư dân Lộc Hưng, và khu xóm lân cận đó cũng trên địa bàn phường 6, quận Tân Bình.

* Ông Quang, người trồng rau : Sáng chủ nhật rồi, nhân viên chính quyền gặp tôi nói là lên phường để nhận tiền hỗ trợ 18 triệu đồng cho việc miếng đất trồng rau, chuồng gà của tôi nơi đây đã bị họ đập phá tan hoang. Quá vô lý, họ cướp công khai tài sản, gia cầm, hoa màu tôi trồng để bán mùa Tết thì sao gọi là tiền hỗ trợ ? Nếu từ đầu họ thương lượng với giá cả hợp lý, tôi nghĩ sẽ không ai phản ứng khi nơi đây sẽ có một dự án trường học tử tế.

Dĩ nhiên đó phải là xây dựng trường học, chứ không phải là cái cớ để sau đó chuyển đổi sang mục đích kinh doanh chung cư, căn hộ mà chính quyền đã từng toan tính nhiều lần ở khu đất vườn rau Lộc Hưng.

* Ông Nguyễn Minh Hùng, giáo viên môn tiếng Anh : Tôi từng thuê một căn nhà ở kề khu vườn rau Lộc Hưng để mở lớp dạy thêm, và tham gia lớp tình thương cho trẻ em nghèo khu vườn rau.

Tôi không am tường về luật đất đai, nhưng về chuyện xây dựng trường lớp nơi đây thì tôi thấy là trên cương vị Bí thư Thành ủy, đồng thời cũng từng là phó chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh, rồi giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục, tin chắc ông Nguyễn Thiện Nhân biết rõ ràng là làm gì có chuyện chỉ với vật chất của một ngôi trường được xây dựng là có thể đạt chuẩn quốc gia, như tên của dự án trên tấm bảng đang cắm ở đất của bà con khu vườn rau Lộc Hưng, là "cụm trường học đạt chuẩn Quốc gia".

Tôi nghe nói ông Nguyễn Thiện Nhân cũng từng đứng lớp. Tôi muốn nói chi tiết hơn với thầy giáo Nguyễn Thiện Nhân rằng cụm từ "trường chuẩn quốc gia" đã trở thành nỗi ám ảnh không chỉ với ban giám hiệu các trường, mà với tất cả giáo viên như chúng tôi. Khi trường học nào đó được khoác trên mình danh hiệu "trường chuẩn quốc gia mức độ 1, 2 hoặc 3" như một điều hiển nhiên phải nổi trội hơn các trường khác, dù thực chất không có được điều đó.

Thế là mọi hoạt động ở trường phải chạy đua, phải gồng mình lên để theo kịp những cái danh vừa đạt được. Cứ như việc trường lên hạng, mọi thứ bỗng chốc buộc phải lên hạng theo. Như tỉ lệ học sinh khá, giỏi phải luôn đạt mức cao, thấp nhất cũng từ 75% trở lên ; học sinh lên lớp thẳng khoảng 99%...

Chẳng thế mà có trường mới chỉ năm ngoái thôi khi chưa được công nhận là "trường chuẩn quốc gia" thì học sinh yếu còn được phép lưu ban để học lại cho chắc. Nhưng năm nay các em không được phép ở lại, dù học sinh ấy có học yếu cỡ nào…

Nói dông dài như vậy để xin khẳng định một điều, là chắc chắn trong tất cả các văn bản pháp lý liên quan đến vấn đề giáo dục, không hề có ý niệm về xây cất một, hoặc cụm trường học đạt chuẩn Quốc gia như tấm bảng đang cắm trên đất của bà con vườn rau Lộc Hưng.

* Bà Nguyễn Thu Dung, giáo viên môn địa lý : Tôi có đứa em đang dạy mầm non ở khu dân cư 50 héc ta tại Cát Lái, quận 2. Xin mời thầy Nguyễn Thiện Nhân đến đây tham quan để biết thế nào là chuẩn quốc gia đối với trường học.

Trường mầm non Cát Lái nằm trong cụm các trường từ mầm mon, tiểu học đến trung học cơ sở, xây dựng rất bề thế ở phía sau trụ sở của Tòa cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trường mầm non này được thành lập 2001, với cảnh quan thoáng mát, môi trường học tập xanh - sạch - đẹp - an toàn. Tất cả phòng học, phòng chức năng đều đầy đủ trang thiết bị, phục vụ tốt việc chăm sóc, giáo dục cho hơn 336 trẻ đang theo học tại trường.

Đến tháng 11/2017, trường mầm non Cát Lái được công nhận đạt chuẩn Quốc gia và Kiểm định chất lượng giáo dục. Còn 2 trường nằm liền kề trong cụm thì chưa đạt chuẩn Quốc gia, mặc dù cơ sở rất rộng rãi, lớn hơn nhiều so vị trí tính xây dựng ở khu vườn rau Lộc Hưng.

Thầy Nguyễn Thiện Nhân ơi, họ phải mất tới 16 năm, trường mầm non Cát Lái mới có thể đạt chuẩn Quốc gia. Và thầy Nhân cũng lưu ý luôn là chuyện "chuẩn Quốc gia" này được tính theo niên hạn mỗi 5 năm, chứ không phải đạt một lần là… mãi mãi như tấm bảng cắm ở đất bà con vườn rau Lộc Hưng đâu.

* Bà Chinh, cựu Hội thẩm nhân dân : Khu đường Chấn Hưng và Hưng Hóa có chiều ngang hẹp. Trông nó giống con hẻm nhiều hơn. Thử tưởng tượng cảnh phụ huynh đón con mỗi khi tan trường đồng loạt ở 3 cấp từ mầm non đến trung học cơ sở, sẽ hình dung ra ngay chuyện kẹt xe, tắc đường khi họ phải len lõi chạy ra con đường chính Cách Mạng Tháng Tám nằm bên ngoài.

Mà thôi, đó là chuyện tương lai. Biết đâu giờ chót chính quyền đổi ý để xây dựng cái khác thì sao ?. Ngay lúc này, tôi thấy đa số dân bị cưỡng chế ở khu vườn rau Lộc Hưng chủ trương đòi hỏi ‘công lý’. Ý nguyện đó không có gì khó khăn. Nếu thực hiện thì chỉ khẳng định những quyết tâm của cụ Tổng mà thôi...

Làm ơn cụ Tổng nói một lời công đạo, xin đừng để tiếng oán than dậy trời khi ngày Tết đang đến gần. Thất nhân tâm lắm rồi.

Minh Quân

Nguồn : VNTB, 18/01/2019

Quay lại trang chủ
Read 452 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)