Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

19/01/2019

Thấy gì quanh vụ báo Việt Nam nói Trung Quốc 'cưỡng chiếm Hoàng Sa' ?

Tâm Chánh

Hôm 17/1, làng báo Việt Nam ngạc nhiên trước việc báo Thanh Niên đăng bài "45 năm Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam : Mưu đồ độc chiếm Biển Đông" (1).

Bài viết của tác giả Khánh An mở đầu với câu : "Trung Quốc đã có hàng loạt hành động phi pháp để phục vụ mục tiêu độc chiếm Biển Đông kể từ khi ngang ngược chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam".

biengioi00

Bích chương Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam - Ảnh minh họa

"Cách đây 45 năm, Trung Quốc đưa quân cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào ngày 19/1/1974 sau khi đã chiếm cụm phía Đông hồi thập niên 1950", bài báo viết.

Giọng điệu mạnh mẽ của bài viết nói trên có thể được xem là chỉ dấu của việc báo chí Việt Nam từ nay có thể nhắc tên "Trung Quốc" khi viết bài kỷ niệm 40 năm chiến tranh Biên giới Việt-Trung vào tháng tới, thay vì né tránh như mọi năm hay không ?

Ông Tâm Chánh, cựu tổng biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị, chia sẻ nhận định của mình với BBC hôm 17/1, qua cuộc phỏng vấn dưới đây :

BBC :Dường như Ban Tuyên giáo năm nay có chỉ thị khác khi báo Thanh Niên đăng bài "45 năm Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam…" ? Ông ngạc nhiên hay thấy bình thường khi đọc bài này ?

Tâm Chánh : Thực ra theo chỗ tôi được biết, những nước cờ như vậy đã được nghe nói chuẩn bị từ rất sớm. Trong Đảng từ lâu cũng đã có ý kiến phạm vi áp dụng "4 tốt 16 chữ vàng" với đồng chí láng giềng, phân biệt rõ việc Đảng với việc nước.

Nhưng có lẽ những ý kiến có cả ở lãnh đạo cấp cao ấy chưa đủ sự ảnh hưởng, chưa đủ chiếm thế đa số nên lép vế trong Đảng. Chính trị Việt Nam luôn là một cuộc vận động để đạt đến quyền lực áp đặt quan điểm chính thống trong đảng và xã hội.

biengioi2

Người dân Lạng Sơn, gồm phụ nữ, trẻ em chạy khỏi thị xã hôm 23/2/1979 sau khi quân Trung Quốc tấn công vào các tỉnh biên giới của Việt Nam

BBC : Trong 10 năm qua, ông đã thấy có những thay đổi gì về cách Ban Tuyên giáo chỉ thị báo chí khi viết về cuộc chiến với Trung Quốc, về ngày 17/2 ?

Tâm Chánh : Sự thay đổi căn bản thì… không có. Vẫn là một quy trình : Ban Tuyên giáo chủ trì cùng Bộ Thông tin và Truyền thông, lực lượng an ninh chuyên trách của Bộ Công an tổ chức một lực lượng cộng tác viên chuyên đọc báo, nhận xét về những nội dung xuất hiện trên báo chí.

Thường là cách thức tiếp cận và đánh giá cũ kỹ, không thuyết phục với giới báo chí nhưng họ phải chấp hành.

Thông tin đối ngoại là một lĩnh vực hầu như được chỉ đạo sát sao, tới mức phải đăng ở vị trí nào, độ lớn của bài vở…

Nhưng cũng có một chuyển biến thực sự đáng kinh ngạc là hầu như Ban Tuyên giáo không thể thực hiện quy trình như vậy với báo chí.

Mạng xã hội đã hình thành một môi trường thông tin mới mẻ, nhanh chóng, đa dạng và tự do hơn hệ thống báo chí hiện thời nhiều lần, mà người dân lại được tiếp cận hầu như miễn phí.

Nhiều trang cá nhân trên mạng xã hội có sự tín nhiệm cao của cộng đồng, bởi không bị kiểm điểm xử lý, lại có những tiếp cận, tác nghiệp độc đáo. Ngày càng có nhiều các chuyên gia uy tín, những nhân vật có ảnh hưởng "chơi" mạng xã hội cung cấp những thông tin sâu sắc, nóng bỏng, đa diện tạo thành những điểm tựa suy nghĩ cho người đọc trong thời buổi đa dạng thông tin hiện nay.

BBC : Được biết ông viết trên trang cá nhân : "Nhiều năm qua, chúng tôi chưa từng được giải thích về mệnh lệnh không cho báo chí đăng tin về cuộc chiến biên giới". Vậy theo ông, ai sẽ giải thích và sẽ giải thích thế nào ?

Tâm Chánh : Tôi rất mong các nhà báo đang là đại biểu Quốc hội chất vấn bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, các ủy viên Trung ương Đảng là nhà báo có thể chất vấn lãnh đạo Đảng về nội dung này. Và đại hội Đảng sắp tới ở các cấp phải chất vấn Ban Tuyên giáo về cũng cách lãnh đạo báo chí và đặc biệt là về việc thực hiện thỏa thuận cấp cao liên quan đến thông tin, tuyên truyền về cuộc chiến tranh với Trung Quốc năm 1979, cũng như các xung đột, và chạm với người hàng xóm phía Bắc này.

Tôi nghĩ ở cấp cao, Ban Đối ngoại Trung ương, Ban Tuyên giáo và cao nhất là tổng bí thư phải có trách nhiệm trả lời những chất vấn này.

biengioi3

Nghĩa trang liệt sĩ Trung Quốc ở Malipo. Các nguồn của Trung Quốc được AFP trích dẫn nói ít nhất 26.000 quân Trung Quốc bị giết sau bốn tuần giao tranh ở Việt Nam

BBC : Giả sử 10 năm trước, khi còn là tổng biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị, ông cương quyết đăng trọn ba kỳ của ký sự "Biên giới tháng Hai" do tác giả Huy Đức viết thì hệ lụy gì sẽ xảy ra ?

Tâm Chánh : Đương nhiên là tôi sẽ bị phế chức. Tờ báo có thể bị đóng cửa ngay lập tức. Vì trong thực tế, báo chí trong nước đang được điều hành chủ yếu bới các qui định của Đảng.

Các đảng viên hoạt động báo chi phải tuân thủ quy định về thông tin nhạy cảm, hay được gọi nôm na bằng số của văn bản này là Quy định 157 của Ban Bí thư. Đây là bùa "phế võ công" các tổng biên tập có hiệu lực lập tức và hầu như có thể vận dụng trong hầu hết các trường hợp được coi là "nhạy cảm". Thông tin về Trung Quốc được coi là món nhạy cảm trong nhiều năm vừa qua.

BBC : Khi đặt ra những câu hỏi trên trang cá nhân : "Ai đục bia mộ liệt sĩ chống Trung Quốc theo khẩu vị chính trị của lãnh đạo ? Ai đã để diễn ra tình cảnh hoang tàn, lạnh lẽo ở các nghĩa trang liệt sĩ dọc tuyến biên giới phía Bắc ?", ông có kỳ vọng được trả lời ?

Tâm Chánh : Chính trị Việt Nam chuyển động theo cách như tôi nói ở trên luôn cần đến công luận như một áp lực.

Dư luận xã hội được hình thành và tìm đến được nghị trình chính trị có thể tạo được thay đổi phải đi qua cánh cửa công khai. Tôi không nghĩ những người lãnh đạo hiện thời sẽ trả lời không nể mặt mũi tiền bối là những lãnh đạo cấp cao chịu trách nhiệm về các chỉ đạo hay chung hơn là chủ trương này.

Nhưng tôi hy vọng nhiều đảng viên sẽ hiểu, sử dụng đúng đắn quyền và trách nhiệm của mình. Cũng như vậy, người dân biết mình có quyền yêu cầu chứ không phải xin được cung cấp thông tin rằng một nội dung không phải là quy phạm pháp luật, chỉ là một biện pháp chính trị thỏa thuận giữa hai đảng cầm quyền có bắt buộc được nhân dân tuân thủ hay không.

BBC : Vậy thì theo ông, đến bao giờ, báo chí Việt Nam không còn khái niệm "nhạy cảm" khi viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc, lịch sử như thời gian qua ?

Tâm Chánh : Tôi không thể biết được chính xác là lúc nào. Nhìn vào những vấn đề được coi là nhạy cảm thì một nền chính trị khỏe mạnh không thể yếu ớt như vậy.

Tôi nghĩ sự tham gia của người dân vào việc nước, việc xã hội càng nhiều, càng đông thì chắc chắn sẽ chữa được cái bệnh như cảm nhiệt này. Bởi sự tham gia đó một mặt buộc lãnh đạo quốc gia phải tôn trọng pháp luật, một mặt chủ quyền quốc gia được ủy quyền một cách thận trọng và chính xác hơn.

BBC : Ông có những dự báo gì về tình hình báo chí tại Việt Nam trong thời gian tới ?

Tâm Chánh : Ở Việt Nam, dự báo được hiểu như kỳ vọng của người dự báo. Tôi hy vọng người dân biết dùng quyền tiếp cận thông tin của mình mà luật tiếp cận thông tin đã quy định để có nhiều hơn nữa những bài báo duy trì và lôi cuốn ngày một nhiều hơn sự tham gia chính trị của người dân. Tôi nghĩ đó cũng là đất sống cho một nền báo chí chuyên nghiệp.

Ben Ngô thực hiện

Nguồn : BBC, 18/01/2019

*******************

(1) Bài viết trên báo Thanh Niên ngày 17/1/2019

45 năm Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam : Mưu đồ độc chiếm Biển Đông

Khánh An, Tiền Phong, 17/01/2019

Trung Quốc đã có hàng loạt hành động phi pháp để phục vụ mục tiêu độc chiếm Biển Đông kể từ khi ngang ngược chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

biengioi4

Tàu cảnh sát biển Việt Nam tuần tra tại vùng biển Hoàng Sa - Ảnh : MAI THANH HẢI

Cách đây 45 năm, Trung Quốc đưa quân cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sacủa Việt Nam vào ngày 19/01/1974 sau khi đã chiếm cụm phía đông hồi thập niên 1950.

Từ đó đến nay, nước này liên tục ngang ngược tiến hành hàng loạt biện pháp nhằm củng cố hiện diện dân sự lẫn quân sự phi pháp tại Hoàng Sa, nhất là trong những năm gần đây, bất chấp sự phản đối quyết liệt của Việt Nam và làn sóng lên án từ cộng đồng quốc tế.

Ngoài mục tiêu áp đặt tuyên bố chủ quyền phi pháp tại Hoàng Sa, những hành động này còn nhằm tạo cơ sở bàn đạp để tiếp tục bành trướng ra toàn bộ Biển Đông.

Từ phát triển trái phép…

Tại Hoàng Sa, Bắc Kinh từ năm 2005 đã tiến hành xây dựng bia chủ quyền phi pháp tại một số điểm trên quần đảo này. Đến năm 2007, Quốc vụ viện Trung Quốc ngang ngược phê chuẩn thành lập cái gọi là "Thành phố Tam Sa" thuộc tỉnh Hải Nam để đơn phương áp đặt quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam

Từ cuối tháng 5/2010, Trung Quốc đưa tàu khảo sát M/V Western Spirit cùng nhiều tàu bảo vệ tiến hành khảo sát địa chấn tại khu vực đảo Tri Tôn và tại các lô dầu khí 141, 142 và 143 trên thềm lục địa Việt Nam, cách đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi khoảng 90 - 116 hải lý. Nước này còn tiến hành san lấp, mở rộng đảo Tri Tôn để xây dựng công trình phi pháp.

Song song đó, các hoạt động quân sự được tăng cường từ tháng 2/2011 khi Hạm đội Nam Hải diễn tập phòng ngự tại Hoàng Sa, theo Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc (CRI). Cũng trong năm này, Cục Hải dương nhà nước Trung Quốc công bố "Báo cáo phát triển hải dương Trung Quốc năm 2011", trong đó đơn phương tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông và 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, in một số bản đồ có vẽ "đường lưỡi bò" chiếm đến 80% diện tích Biển Đông, đồng thời nêu kế hoạch triển khai tự thăm dò, khai thác dầu khí ở khu vực quần đảo Trường Sa và mở tuyến du lịch ra quần đảo Hoàng Sa.

biengioi5

Giàn khoan Hải Dương 981 cùng nhiều tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển Hoàng Sa vào năm 2014 - Ảnh : ĐỘC LẬP

Sự ngang ngược của Bắc Kinh lại lấn thêm một bước lớn vào năm 2012 khi giới chức tỉnh Hải Nam thông báo kế hoạch tăng tốc xây dựng cơ sở hạ tầng cái gọi là "Thành phố Tam Sa" tại đảo Phú Lâm. Đến tháng 12.2012, Trung Quốc thông báo xây các trạm giám sát biển và khởi công dự án mở rộng 2 con đường ở đảo Phú Lâm để kết nối với bến tàu, các đơn vị dân sự và quân sự đồn trú trái phép tại đây. Song song đó, biên đội tàu hộ vệ của Trung Quốc tiến hành huấn luyện bắn đạn thật ở vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa và Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) ngang nhiên mời thầu dầu khí 19 lô ở khu vực phía bắc Biển Đông, trong đó có lô 65/24 cách đảo Cây thuộc Hoàng Sa khoảng 1 hải lý.

Cũng trong năm 2012, tàu du lịch Coconut Princess của Công ty cổ phần vận tải biển Hải Hiệp Hải Nam bắt đầu thực hiện hành trình thử nghiệm tuyến du lịch đường biển từ Tam Á (Hải Nam) đến đảo Đá Bắc ở Hoàng Sa. Ngày 29/09/2012, giới chức Trung Quốc phác thảo kế hoạch phát triển cho 4 dự án cơ sở hạ tầng ở đảo Phú Lâm. Các dự án bao gồm tu sửa và xây mới 7 con đường với tổng chiều dài 5 km, xây dựng cơ sở tách muối để lọc nước biển có công suất 1.000 m3 mỗi ngày và hệ thống cấp thoát nước cùng bến tàu, mạng lưới vận tải trên đảo Phú Lâm.

Mới đây, vào tháng 7/2018, truyền thông Trung Quốc dẫn văn bản của Cục Hải dương và Ngư nghiệp Hải Nam ngang nhiên kêu gọi "mọi tổ chức hay cá nhân" đăng ký tham gia "phát triển du lịch và xây dựng" những đảo không người ở tại các khu vực mà nước này chiếm đóng phi pháp trên Biển Đông. Kế hoạch này bước đầu chủ yếu nhằm vào Hoàng Sa, nơi vẫn còn hàng trăm thực thể chưa có người ở. Rõ ràng, Trung Quốc đang tiến hành bước tiếp theo để thể hiện cái gọi là "chủ quyền" tại những địa điểm chiếm đóng phi pháp thông qua dân sự.

Trả lời Thanh Niên, Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Thanh Ca, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam), nhận định : "Trung Quốc biết rõ rằng chỉ củng cố quân sự các đảo đá thì không bao giờ có thể hợp pháp hóa tuyên bố chủ quyền trái luật pháp quốc tế của họ. Vì vậy, họ đang tìm cách dân sự hóa các hoạt động của họ, trong đó có các hoạt động cho phép các cá nhân khai thác những đảo đá nêu trên".

...đến quân sự hóa phi pháp

Bên cạnh các kế hoạch phát triển dân sự ngang ngược, Trung Quốc tiếp tục tiến hành tập trận và nhiều lần đưa tàu hải giám, trực thăng đến tuần tra phi pháp ở Biển Đông trước khi đưa giàn khoan Hải Dương 981 đến Hoàng Sa. Vụ việc bắt đầu từ ngày 1/5/2014 và kéo dài suốt 2 tháng rưỡi khiến tình hình khu vực vô cùng căng thẳng. Trung Quốc thậm chí huy động hơn 120 tàu thuyền ngang ngược đâm va tàu của Việt Nam đến khẳng định chủ quyền và kêu gọi Bắc Kinh dừng các hành động phi pháp xâm phạm lãnh hải.

Cũng trong thời gian này, Trung Quốc gấp rút tiến hành kế hoạch xây dựng phi pháp ở Hoàng Sa, bao gồm hải đăng trên đảo Đá Bắc, Đá Hải Sâm, Cồn cát Nam, Duy Mộng và Hòn Tháp. Đến tháng 10, đường băng quân sự dài 2 km trên đảo Phú Lâm được xây dựng hoàn tất.

//www.flickr.com/photos/145347866@N03/45896876785/in/dateposted-friend/" title="biengioi6" data-flickr-embed="true" data-mce-href="https://www.flickr.com/photos/145347866@N03/45896876785/in/dateposted-friend/">biengioi6

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng và biến thành trung tâm hành chính phi pháp - Ảnh : AFP

Đường băng cùng các cơ sở hạ tầng tiếp tục được cải tạo và đến tháng 2/2016, ảnh chụp từ vệ tinh của trung tâm ImageSat (ISI) cho thấy Trung Quốc đã triển khai trái phép 2 hệ thống tên lửa đất đối không với 8 giàn phóng và một radar tại đảo Phú Lâm. Đài Fox News dẫn lời một quan chức Mỹ cho rằng đây là hệ thống tên lửa phòng không HQ-9, tương tự loại S-300 của Nga với tầm bắn lên đến 201 km, có thể là mối đe dọa cho bất cứ máy bay quân sự hoặc dân sự nào bay gần đó. Chưa hết, Bắc Kinh còn triển khai gần 10 máy bay chiến đấu gồm tiêm kích J-11 và máy bay chiến đấu ném bom JH-7 cùng máy bay không người lái trinh sát tầm xa Harbin BZK-005 đến đảo này.

Theo Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), đến năm 2017, Trung Quốc đã nâng cấp hàng loạt cơ sở quân sự phi pháp trên 8 đảo ở Hoàng Sa gồm đảo Cây, Phú Lâm, Lin Côn, Tri Tôn, Quang Ảnh, Quang Hòa, Hoàng Sa và Duy Mộng. Hình ảnh vệ tinh cho thấy 3 trong số 8 đảo (đảo Cây, Phú Lâm và Quang Hòa) hiện có những cảng có thể tiếp nhận một số lượng lớn các tàu dân sự và hải quân. Năm đảo có sân bay trực thăng, đảo Quang Hòa có một căn cứ trực thăng và đảo Phú Lâm có đường băng, nhà chứa máy bay và các dàn tên lửa đất đối không HQ-9.

Tin liên quan

Trong năm 2018, Trung Quốc tiếp tục tiến hành nhiều cuộc tập trận tại Hoàng Sa, bao gồm diễn tập của oanh tạc cơ H-6K và tập trận bắn đạn thật vào tháng 5. Tờ PLA Daily còn ngang nhiên đưa tin một số tàu hải cảnh và tàu hải quân nước này lần đầu tiên tuần tra chung tại vùng biển xung quanh Hoàng Sa.

Mới đây vào tháng 11, chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI) chia sẻ hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc tiếp tục hành vi phi pháp ở Biển Đông khi xây dựng cấu trúc trái phép nghi phục vụ mục đích quân sự, được giấu dưới mái che radar trên Đá Bông Bay tại Hoàng Sa.

Khánh An

Trung Quốc đã có hàng loạt hành động phi pháp để phục vụ mục tiêu độc chiếm Biển Đông kể từ khi ngang ngược chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Quay lại trang chủ
Read 743 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)