Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

15/02/2019

Miền Nam, con vịt đen trong chính sách phát triển của Đảng cộng sản

Thanh Trúc

Mất cân đối trong đầu tư phát triển Vùng Miền

Thanh Trúc, RFA, 15/02/2019

Sau sự kiện quốc lộ chính từ Đông và Tây Nam Bộ lên Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh bị tắc nghẽn do lượng người đổ về quá tải, trong khi đó lại có cảnh người dân trải chiếu nhậu ngay trên đường cao tốc ở ngoài bắc, công luận đã thắc mắc vì sao cơ sở hạ tầng ở Nam Bộ, điển hình các trục giao thông quan trọng, không được đầu tư phát triển thỏa đáng như ở miền Bắc.

miennam1

Nông dân chăn vịt trên đồng lúa ở huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang, Việt Nam ngày 16 tháng 1 năm 2007. AP

Đây là câu hỏi này đọc được trên các báo mạng trong nước mà mới nhất là bài có tựa đề Nói thẳng đầu Xuân với tác giả tự xưng "một người con Nam Bộ, quê quán Bắc Bộ", viết rằng khúc ruột của miền Nam tức Quốc lộ 1 của các tỉnh Nam Bộ sao mà chật hẹp khốn khổ, thậm chí nhiều đoạn tỉnh lộ quá kém so với các tuyến đường thênh thang của miền Bắc.

Số liệu tác giả nêu trong bài viết cho thấy Nam Bộ, gồm hai tiểu vùng Đông và Tây Nam Bộ với 19 tỉnh thành và 34 triệu người, là vùng kinh tế trọng điểm có tiềm năng và có mức tăng trưởng GDP hơn 12,6% so với tầm 7% cả nước, cống hiến 60% sản lượng công nghiệp, chưa kể 40% giá trị GDP là phần đóng góp từ Nam Bộ và 70% giá trị xuất khẩu của đất nước.

Tại sao lại có sự mất cân đối trong đầu tư trầm trọng giữa Bắc, Trung và Nam tới như vậy, là nguyên văn câu hỏi trong bài. "Người con Nam Bộ quê quán Bắc Bộ" này cho rằng nếu cứ vắt sức nộp ngân sách mãi mà không được tập trung tái đầu tư vào cơ sở hạ tầng thì liệu con gà Nam Bộ có còn đẻ trứng vàng mãi nữa hay không.

Không phải lần đầu tiên mà từ trước những câu hỏi tương tự về sự mất cân đối trong việc phân bổ phát triển cơ sở hạ tầng giựa Bắc, Trung Nam từng được báo chí trong nước trực tiếp hay gián tiếp đề cập đến.

Trao đổi cùng đài Á Châu Tự Do, ông Tống Văn Công, cựu tổng biên tập báo Lao Động, cho biết :

Tôi đồng ý với những ý kiến trên báo mà tôi đã đọc, đó là hiện tượng mất cân đối phải sửa chữa. Tôi biết tiềm lực của miền Nam, của Sài Gòn và Đồng bằng sông Cửu Long rất lớn, đầu tư không thỏa đáng như vậy sẽ hạn chế sự phát triển. Ý kiến mất cân đối rất đúng, và nếu đúng như nhận xét đó thì phải điều chỉnh lại kế hoạch đầu tư cho Sài Gòn và Đồng bằng sông Cửu Long. Phát triển các công trình, các con đường huyết mạch cũng nằm chung trong xây dựng cơ sở. Nếu các con đường huyết mạch không tốt thì lưu thông sẽ đình trệ. Nói chung ở nước mình tam quyền phân lập không rõ, có phân quyền nhưng mà do đảng lãnh đạo hết. phải có điều kiện tổng quát để phát triển đất nước cho cân đối mới được.

miennam2

Sản xuất nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long tuy vẫn phát triển nhưng hơn 90% công việc làm trên đồng ruộng đều cơ giới hóa - Ảnh minh họa

Các yếu tố gọi là vùng- miền hoặc trung ương-địa phương đã chi phối, dẫn đến sự mất cân đối trong chính sách phân bổ đầu tư phát triển hạ tầng ở Nam Bộ, là phân tích của nhà quan sát chính trị Phạm Chí Dũng :

Trung ương phải hơn địa phương, Hà Nội vẫn coi các tỉnh ở miền Bắc phải hơn các tỉnh ở khu vực miền Nam, cho nên mức độ đầu tư ở miền Bắc, thậm chí miền Trung, cao hơn miền Nam.

Lý do thứ ba, những nhóm lợi ích ở trung ương có mối quan hệ mật thiết, gần gũi và hiệu quả hơn các nhóm lợi ích ở miền Nam, thành thử dành được nhiều dự án đầu tư hạ tầng cơ sở từ vốn ngân sách và ODA nhiều hơn, từ đó dẫn tới tình trạng hạ tầng cơ sở miền Bắc và miền Trung được đầu tư và phát triển hơn ở miền Nam là như vậy.

Mất cân đối trong đầu tư phát triển hạ tầng giữa Bắc Bộ và Nam Bộ đến từ chính sách phân bổ ngân sách bất hợp lý, là nhận xét của ông Nguyễn Văn Mỹ, công ty du lịch lữ hành Lửa Việt ở Sài Gòn.

Trong bài viết tựa đề Cần sự công bằng trong thu nộp và chi ngân sách đăng trên các báo trong nước, tác giả Nguyễn Văn Mỹ căn cứ trên số liệu của Tổng Cục Thống Kê để viết như sau :

Thành phố Hồ Chí Minh năm 2017 nếu thu được 100 đồng thì chỉ được giữ lại 18 đồng để chi cho đủ thứ, chưa kể chuyện bị thất thoát hoặc sử dụng không đúng. Ngân sách để lại ít ỏi như vậy thì có thể đầu tư được gì cho hạ tầng hay cho phúc lợi xã hội.

Được biết chỉ tiêu nộp ngân sách mà trung ương giao cho thành phố Hồ Chí Minh năm 2017 là trên 347 ngàn tỷ đồng. Năm 2018 chỉ tiêu này tăng lên gần 10%. Như vậy mỗi ngày thành phố phải thu được 1.032 tỷ đồng tiền thuế, mỗi giờ phải thu được 43 tỷ và mỗi phút là 717 triệu đồng bất kể buổi tối hay ngày nghỉ. Năm 2019, chỉ tiêu giao nộp ngân sách về trung ương tăng thêm thành 400 ngàn tỷ đồng nhưng tỷ lệ được giữ lại thì càng giảm :

Đại biểu thành phố Hồ Chí Minh là ông Phan Nguyễn Như Khuê có từng nói thẳng với Bộ Tài Chính là các anh đối xử với thành phố như là con bò sữa. Tôi thì tôi bảo rằng thật ra bò muốn có sữa thì phải được chăm sóc được bồi dưỡng, còn cứ tận thu như hiện nay thì có khi nó không có sữa đâu, có khi nó chết queo thì không biết lấy gì mà thu nữa..

Trong tất cảc tỉnh thành hiện nay, trích nộp nhiều nhất là thành phố Hồ Chí Minh tới 82% tiền thu được. Hà Nội ít hơn với 65%, Bình Dương 64%. Đà Nẵng miền Trung được trích lại 32% trong lúc tỉnh miền núi như Vĩnh Phúc lại được trích tới 47% và tỉnh Hải Dương chỉ đóng góp 2% thôi. Bên cạnh đó, 47 tỉnh còn lại, được cho là làm bao nhiêu xài bấy nhiêu, còn được trung ương hỗ trợ ngân sách. Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, điều phi lý hơn nữa nữa là các tỉnh làm bao nhiêu xài bấy nhiêu và được hỗ trợ đó thì cơ ngơi của các cơ quan văn phòng rất to lớn, bộ máy nhân sự thì rất cồng kềnh.

Về phần Nam Bộ, đặc biệt Đồng bằng sông Cửu Long, ông Nguyễn Văn Mỹ nói :

Người ta thường kháo nhau ngoài Bắc thừa đường mà thiếu xe, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thì ngược lại thừa xe mà thiếu đường, nói lên việc mất cân đối giữa đầu tư cho các vùng. Có thể vì là thủ đô thì Hà Nội được ưu tiên hơn, đặc biệt trong lãnh vực hạ tầng và giao thông vận tải, nhiều cầu lớn được xây dựng, nhiều đường cao tốc và cầu cống được phát triển rất tốt.

Còn trong Nam, đặc biệt vùng Đông Nam Bô, đường sá phát triển không tương xứng. Riêng miền Tây, mật độ xe cộ trên Quốc lộ 1 từ thành phố Hồ Chí Minh về miền Tây là nhiều nhất và gần như đó là độc đạo. Thậm chí khi cây cầu Long An bị xà lan tông hư không đi được thì lúc đó Bộ Giao thông và vận tải mới hốt hoảng lập tức làm ngay cái cầu một bên. Trước đây nếu nhỡ có chuyện gì mà cầu hỏng là không đi được. Chuyện kẹt xe liên tục từ miền Tây về thành phố ngày Tết ngày lễ là hồi chuông cảnh báo. Hiện nay theo tôi biết Trung ương đang đầu tư vào việc phát triển hệ thống đường Hồ Chí Minh song song với đường Quốc lộ 1 nhưng mà phải khẩn trương hơn. Vấn đề hiện nay là phải tập trung hơn cho Đồng bằng sông Cửu Long.

Tóm lại, phản ảnh từ các bài viết trên mạng cũng như qua báo giới đã cho thấy để khắc phục tình trạng mất cân đối trong phân bổ đầu tư cơ sở hạ tầng thì Việt Nam cần hoạch định chính sách hợp lý, có tầm nhìn thiết thực, tương xứng với khả năng và tiềm lực của Nam Bộ, nhất là Đồng bằng sông Cửu Long vốn là vựa lúa trù phú và nguồn nông sản dồi dào của cả nước.

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 15/02/2019

*******************

Thiếu hụt lao động tại Đồng bằng sông Cửu Long

Thanh Trúc, RFA, 13/02/2019

Bản tin của Việt Nam Thông Tấn Xã cho thấy Đồng bằng sông Cửu Long vốn là vùng trọng điểm của lúa gạo, nông sản, thủy sản trên cả nước, nay tình trạng thiếu hụt lao động đang là vấn đề khó khăn mà nhà nông, doanh nghiệp chế biến thủy sản và các công ty sản xuất nông phẩm tại các nơi như Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu… phải đương đầu bao năm qua.

miennam3

Thu hoạch lúa tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long AFP

Báo Tiền Phong thì dẫn lời một nông dân ở Sóc Trăng rằng làng quê của ông bây giờ gần như toàn người già và trẻ con thôi, còn thanh niên trai tráng đều bỏ lên Bình Dương để làm công nhân trong các hãng xưởng trên đó.

Thiếu hụt lao động là một trong những thực tế chung khi một nước nông nghiệp chuyển sang giai đoạn công nghiệp, và Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực bị tác động nhiều nhất bởi tiến trình công nghiệp hóa này, là nhận định của tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược nông nghiệp, hiện tại là viện trưởng Viện Nghiên cứu Thể chế và thị trường nông thôn :

Trong sản xuất nông nghiệp khi phát triển lên thì máy móc cũng tăng lên nên nó đẩy bớt lao động ra, và khi giá chênh lệch giữa lao động đô thị cao hơn so với nông thôn thì lao động thường chuyển về các vùng công nghiệp đô thị. Có lẽ ở Việt Nam vùng chịu tác động rõ rệt nhất chính là Đồng bằng sông Cửu Long.

Giáo sư Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ, cũng đồng ý rằng tình trạng thiếu hụt lao động ở các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, viếc máy móc thay thế sức người càng ngày càng phổ biến và trở thành một vấn đề cho khu vực :

Đúng là lao động ở Đồng bằng sông Cửu Long càng ngày càng yếu đi vì các vùng công nghiệp của thành phố Hồ Chí Minh, của Bình Dương, của Long An ngày càng thu hút thêm nhiều lao động. Có thể nói sản xuất nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long tuy vẫn phát triển nhưng cơ giới hóa là phần lớn, hơn 90% công việc làm trên đồng ruộng đều cơ giới hóa, người nông dân không tham gia bao nhiêu trong việc sản xuất lúa. Còn các công việc khác, thí dụ trồng mía người ta cũng trồng bằng máy, chỉ còn một số ít trồng bằng tay thôi. Tới lúc thu hoạch cũng bằng máy, nếu thu hoạch bằng tay thì rất đắt tiền. Ngay cây lúa cũng vậy nữa, người nông dân không thể nào có đủ tiền để trả cho công nhân. Đây là sự thật đang xảy ra ở Đồng bằng sông Cửu Long của mình.

Như vậy sau Đồng bằng Bắc Bộ, đến lượt Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục đối mặt tình trạng thiếu hụt lao động ngày càng nhiều. Tiến sĩ Đặng Kim Sơn phân tích :

Trong tất cả các vùng sinh thái ở Việt Nam thì chỉ có Đồng bằng sông Cửu Long là tăng trưởng âm về mặt lao động, tức là số người chuyển ra khỏi vùng nhiều hơn số người đẻ ra hoặc đi đến. Cái này vừa đúng theo qui luật nhưng mà mặt khác thì nó cũng thể hiện một điều là ở Đồng bằng sông Cửu Long thì cơ hội về sản xuất phi nông nghiệp, về công nghiệp… là không có nhiều, cho nên sức hút về giá lao động đã kéo người lao động trẻ ra khỏi vùng. Đó là lý do khiến lao động nông nghiệp rất khó khăn để có đủ người lao động. Ngay cả những đô thị như Cần Thơ chẳng hạn cũng là tình trạng phổ biến.

Chuyện bỏ quê lên tỉnh kiếm sống khiến là nhiều cặp vợ chồng phải gởi con trẻ lại cho cha mẹ để đi làm ăn xa, các cháu thiếu thốn tình thương và sự chăm sóc của bố mẹ trong lúc tuổi còn quá nhỏ. Mặt khác, mức lương cao trên thành phố có sức hấp dẫn đặc biệt đối với những người trẻ không kiếm được việc làm ở nông thôn. Giáo sư Võ Tòng Xuân :

Các doanh nghiệp thủy sản, đóng giày, may mặc, thường thu hút một lượng lớn lao động tương đối lớn, nhưng mà sau khi nghĩ Tết rồi thì số người trở lại không đủ, nhiều doanh nghiệp bị thiếu lao động bởi vì người ta có thể tìm được việc làm khác có thu nhập cao hơn. Sau đợt Tết này nhiều công ty đã có trường hợp phải tăng mức lương cho công nhân lên để người lao động có thể trụ lại làm việc với họ. Tôi nghĩ khuynh hướng này cũng giống như bên Thái Lan, Singapore hoặc Trung Quốc. Bây giờ mấy chỗ đó đâu phải là chỗ lao động rẻ nữa đâu.

miennam4

Những xóm nhà lưa thưa ở vùng biên giới An Giang - RFA

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn của Viện Nghiên cứu Thể chế và thị trường nông thôn, đề nghị cách khắc phục tình trạng mất cân bằng trong phân bổ lao động ở nông thôn và thành thị :

Năm nay, ngày mùng Năm mùng Sáu Tết, lúc các doanh nghiệp quay lại làm việc thì đường từ Cần Thơ lên Sài Gòn tắc nghẽn hàng chục tiếng đồng hồ, cho thấy mức độ di chuyển của lao động lên là khủng khiếp.

Để ngăn chặn tình trạng này thì có một cách làm mà một số nước một số nền kinh tế đã làm và đã khá thành công như trường hợp Đài Loan, và gần đây ở giai đoạn cuối của công nghiệp hóa thì Nhật Bản và Hàn Quốc cũng áp dụng, tức là đưa cơ sở hạ tầng về nông thôn, nhất là đường xá rồi là điện và đặc biệt là đào tạo nghề. Làm được như thế thì điều kiện đầu tư ở nông thôn trở nên thuận lợi không kém gì ở đô thị, các nhà máy sẽ chuyển về nông thôn, các khu công nghiệp sẽ đưa về nông thôn, nhất là những vùng đồng bằng có nhiều lao động.

Tiếp đấy, các đô thị lớn cũng giảm bớt các chức năng không cần thiết, ví dụ các trường đại học, các bệnh viện lớn. thậm chí các khu đô thị vệ tình được giãn về nông thôn. Nhờ thế cho nên điều kiện sống ở nông thôn và cơ hội việc làm ở nông thôn xuất hiện nhiều. Trong trường hợp đấy người dân nông thôn có thể không làm nông nghiệp nữa nhưng cũng không phải di chuyển lên thành phố. Đây là một trong những mô hình mà gần đây người ta gọi là ‘tăng trưởng bao trùm" .

Cách làm như thế rất tốt và có lẽ là cách duy nhất, tiến sĩ Đặng Kim Sơn khẳng định, để vừa giảm tải cho các thành phố lớn vừa không rút rỗng nông thôn đi, không để lại nông thôn chỉ toàn người già và trẻ em như hiện nay ở Việt Nam và đắc biệt ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Với câu hỏi Việt Nam đã nỗ lực đến mức nào để tiếp cận và tiến hành mô hình khắc phục mà tiến sĩ Đặng Kim Sơn gọi là mô hình tăng trưởng bao trùm, viện trưởng Viện Nghiên cứu Thể chế và thị trường nông thôn trả lời :

Ở Việt Nam các nhà hoạch định chính sách cũng như người dân đã nhìn thấy. Tuy nhiên cách của chúng ta trong thời gian qua nhiều khi vẫn còn tiếp cận theo cách cũ, tức là thu hẹp khoảng cách đô thị và nông thôn bằng thuế thu ngân sách khá mạnh ở những vùng tăng trưởng cao, sau đó phân bổ trở lại cho những vùng nông thôn tăng trưởng thấp, để một mặt là xóa đói giảm nghèo, mặt khác là giản bớt chênh lêch thu nhập giữa đô thị với nông thôn nhằm giữ chân người lao động ở lại với nông thôn.

Thế nhưng cách làm này đã không mang lại hiệu quả như mong muốn bởi cách làm vừa qua tập trung quá nhiều vào đầu tư công để phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ của đô thị :

Chiến lược đó vô hình chung đã tạo sức hút về mặt thị trường, tạo điều kiện rất thuận lợi cho đầu tư tư nhân. Đặc biệt đầu tư nước ngoài tập trung vào hai trục tăng trưởng lớn của đất nước là chung quanh thành phố Hà Nội và chung quanh thành phố Hồ Chí Minh.

Chính mô hình tăng trưởng như vậy đã tạo điều kiện để hút tài nguyên ra khỏi hai vùng đồng bằng lớn là Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng Đồng bằng sông Hồng trong chừng mực nào đấy là còn gần các khu công nghiệp, gần với các khu đô thị, trong khi đó Đồng bằng sông Cửu Long hoàn toàn là bị rút rỗng để chuyển về Đông Nam Bộ và quanh thành phố Hồ Chí Minh.

Khắc phục không hiệu quả khiến Đồng bằng sông Cửu Long bị rút rỗng lao động dần đi như hiện nay :

Nếu thực sự muốn giải quyết tận gốc rễ vấn đề chênh lêch về bố trí dân cư, chênh lệch về phân bổ lao động, ông Đặng Kim Sơn nhấn mạnh, thì cách tốt nhất để khắc phục là phải phát triển cơ sở hạ tầng ở hai vùng đồng bằng.

Đồng bằng sông Cửu Long mà cả Tây Nguyên vốn có lợi thế rất mạnh về và Tây Nguyên là hai nơi có lợi thế rất mạnh về phát triển nông nghiệp thì phải đưa về đây các ngành công nghiệp và dịch vụ hậu cần phục vụ cho nông nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông sản.

Đây là giải pháp căn cơ nhất để có việc làm và thu nhập cho cư dân nông thôn ngay tại chỗ. Nói một cách khác, đây chính là mô hình tăng trưởng vừa vững bền vừa bao trùm mà trong thời gian tới Việt Nam chắc chắn phải tính đến như kết luận mà Tiến sĩ Đặng Kim Sơn nêu ra.

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 13/02/2019

Quay lại trang chủ
Read 677 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)