Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/02/2019

40 năm sau cuộc chiến : phân tích, phóng sự, bình luận

Nhiều tác giả

Một chín bảy chín

Tre, RFA, 18/02/2019

Năm tôi 11 tuổi, trong một buổi sáng chào cờ đầu tuần ở trường, cô giáo chủ nhiệm lùa hết học sinh ra sân, không mặc kệ lớp trưởng quản sĩ số chúng tôi như mọi lần. Các thầy cô trong trường cũng ngồi ngay ngắn không thiếu một ai trên hàng ghế gần cột cờ. Chúng tôi không đứa nào biết chuyện gì, nhưng đều cảm nhận được không khí căng thẳng khác mọi khi.

40nam1

Hình minh hoạ. Những người dân phản đối Trung Quốc cầm biểu ngữ ngày 17/2/1979 - nhân dân sẽ không quên trong một buổi kỷ niệm 27 năm cuộc chiến biên giới Việt Trung ở Hà Nội hôm 17/2/2016 - AFP

Buổi chào cờ hôm đó chỉ thoáng qua chuyện học hành, kỷ luật và thi đua giữa các lớp một ít, rồi thầy hiệu trưởng hắng giọng… và chúng tôi lần đầu được nghe những khái niệm xa lạ.

Chúng tôi được thông báo quân Trung Quốc đang đánh chiếm biên giới phía Bắc và Tây Nam, nhà trường sẽ chuẩn bị cho học sinh những tình huống báo động để toàn trường tập dượt, sắp tới học sinh các lớp lớn sẽ phải tập quân sự…

Thầy nói chậm, rất lâu, và mặt thầy đầy lo âu.

Đó là một buổi sáng năm 1979.

Tôi nhớ lại những quyển sách trong tủ sách gia đình, nơi tôi đọc tất cả các quyển sách của ba, má, các anh chị lọt vào tay tôi. Có những quyển mang cái tên rất hấp dẫn như Chiến tranh Việt Nam và sự đổi màu da xác chết mà tôi đọc say sưa nhưng chả hiểu được mấy phần, chỉ nhớ là tác giả bảo quân Mỹ cố thay đổi chiến tranh Việt Nam như đổi màu da xác chết, và có những thứ rất gây tò mò như hàng rào điện tử Mc Namara. Có những tiểu thuyết đánh nhau và yêu đương dễ hiểu hơn như Hòn Đất, Gia đình má Bảy. Nhiều hơn cả là tủsách Tuổi hoa : Hoa tím dành cho tuổi mới lớn, bắt đầu có rung động đầu đời, Hoa đỏ phần nhiều là trinh thám đánh nhau cho tuổi choai choai nhỡ nhỡ, và Hoa xanh cho các em bé nhi đồng. Tuổi hoa thì không có báo động, hầm cá nhân, bom đạn và tập quân sự, nhưng các cuốn của các anh chị và ba má tôi thì đều có. Tôi biết báo động nghĩa là gì.

Trong khi thầy hiệu trưởng vẫn đang dặn tập dượt khi có báo động, tôi bắt đầu tưởng tượng hôm nào đó tôi đang ở trường thì có báo động. Còi hú vang trời, loa phóng thanh thúc giục đồng bào chú ý, máy bay địch đang ở cách 10 cây số…, trên đường phố các hầm cá nhân mở ra như những miệng lỗ, chúng tôi chạy tan tác như bầy gà con mà trên trời đàn diều hâu đang lượn vòng, mạnh đứa nào đứa nấy la hét và chui xuống hố. Súng bắn pằng pằng. Rồi đến khi tan học, tôi chạy về nhà thì không thấy ba má đâu nữa. Cả thành phố toàn người chạy nháo nhác. Ba má tôi cũng chạy nháo nhác đâu đó, má tôi sẽ khóc gọi con ơi con ơi, ba tôi thì nghiêm mặt lại như những khi có chuyện nghiêm trọng. Nhưng tôi không thể nào tìm thấy ba má tôi nữa.

Không hiểu sao tôi lại tưởng tượng ra như vậy.

40nam2

Hình minh hoạ. Hình chụp hôm 25/8/1978 : một người lính Việt Nam bị thiệt mạng trong một trận tấn công của Trung Quốc vào Đồng Đăng, Lạng Sơn AFP

Có lẽ tôi đã bị ảnh hưởng rất nhiều từ những cuốn sách thuật lại chiến tranh, cuộc chiến tranh vừa mới chấm dứt cách đó 4 năm, chứ ở lứa tuổi đó tôi chưa từng biết chiến tranh là gì.

Khi ba má tôi phải chia hai gia đình ra sống cách nhau mấy trăm cây số để lỡ mất người này thì còn người kia, tôi còn quá nhỏ. Khi một quả bom rơi xuống sát cạnh chung cư gia đình tôi đang ở, ba má tôi đều đang ở sở, còn cậu tôi thì vừa ôm, vừa bế, vừa đẩy các cháu nhỏ chạy theo dòng người đi lánh dưới những kiến trúc đổnát, tuyệt nhiên tôi không nhớ được chút gì.

Sau khi bom ngừng, ba má tôi chạy xe như điên về nhà, nước mắt đầm đìa trên má vì nghĩ rằng mấy cậu cháu đã chết hết. Khi cậu tôi níu má tôi lại không cho đi làm nữa, để lỡ bị bom đạn chết thì cũng không ai phải chết một mình mà cả nhà cùng chết với nhau. Vâng, tôi cũng không nhớ.

Nhưng mặc dù tôi không nhớ thì câu chuyện này vẫn được kể đi kể lại trong gia đình tôi, những lúc cả nhà sum vầy. Còn ba má và cậu tôi thì vừa kể vừa nghiêng đầu ngắm nghía kỹ từng đứa con đứa cháu, như đến giờ vẫn còn ngạc nhiên không tin nổi cả nhà vẫn còn sống với nhau đây, không mẻ chút da thịt sau những phen kinh hồn. Là chúng tôi không mẻ, nhưng những người lớn đều phải trả giá. Sức ép bom đạn đã làm hại đến mắt và tai của ba má chúng tôi, cũng đã cướp đi một người cậu họ của tôi lúc cậu mới 17 tuổi. Cậu tôi rất đẹp trai. Hàng bốn chục năm sau, có năm ngay trưa mùng 1 Tết, mới vừa xong bữa cơm sum vầy cả gia đình, má tôi chợt nhớ cậu rồi cứ thế òa khóc mếu máo, vừa khóc vừa kể.

40nam3

Hình minh hoạ. Những người lính Việt Nam ở đồi Chậu Cảnh, Lạng Sơn hôm 21/2/1979 AFP

Cũng cái năm 1979 đó, có những người bạn của anh chị tôi đã nhập ngũ. Có những người cắt tay lấy máu viết thư xin đi bộ đội. Anh chịtôi toàn đầu to mắt cận nên không trúng nghĩa vụ quân sự, ba má tôi cũng dặn ngầm không cho đứa nào đi bộ đội cả. Trong bữa cơm chiều, các chị tôi bắt đầu kể hôm nay trong lớp có bạn này đi bộ đội, bạn kia đi bộ đội, hầu như lớp cấp 3 nào cũng có người đi bộ đội. Nhà trường cấp hai của tôi bắt đầu phát động phong trào viết thư cho chiến sĩ. Chúng tôi được giao chỉ tiêu mỗi đứa viết một lá thư, tính vào xếp loại lao động. Cô chủ nhiệm gom lại, đếm rồi chuyển lên trường. Trường nào cũng có phong trào này nên số thư chuyển ra biên giới chắc là lớn lắm. Hiềm nỗi toàn con nít, vốn ham chơi hơn ham làm, đã vậy còn ở vào cái thời đói khổ nên trí óc hướng về xoong thịt kho hơn là hướng ra chiến trường, tuyệt đại đa số thư nào cũng như thư nào, em chào anh bộ đội, chúc anh vững tay súng… cuối thư em xin gửi lời chúc anh sức khỏe. Nét mực tím vụng dại, buổi sáng trước ngày nộp thư, bọn con trai mượn thư mấy đứa giỏi văn trong lớp ngồi bặm miệng ngoẹo cả đầu ra chép lại.

Các anh chị lớn đi bộ đội được ít lâu thì có người bị thương, cụt chân, cụt tay trở về. Có người chết, được phong liệt sĩ hay tử sĩ. Cả lớp mặc áo trắng xếp hàng thắp hương trước bàn thờ bạn. Cha mẹ ngất xỉu thẫn thờ. Một hai năm sau, có người xuất ngũ, quay về trường học, học muộn hơn các bạn một hai năm, rồi cũng vào đại học hoặc đi học nghề.

Tôi đã đọc đi đọc lại Giải khăn sô cho Huế của nhà văn Nhã Ca. Tôi nghĩ rằng những cảnh người dân quẩn quanh chạy loạn trong thành Huế giữa hai làn đạn khốc liệt, gia đình chia lìa, chịu cảnh đói khát vì bom đạn làm tan tành tất cả, gục xuống chết âm thầm trong một xó vườn xa lạ trên đường trốn chạy… chưa kịp phai mờ trong trí nhớ của nhiều người.

Thì mới có hòa bình được 40 năm thôi. Mới có 40 năm ngắn ngủi, quá ngắn ngủi cho một đất nước.

Ông bà dạy "an cư lạc nghiệp". Cho đến giờ, nghiệp của Việt Nam chưa thể gọi là "lạc", vẫn là nước nghèo trên thế giới, ngay trong ASEAN cũng đứng sau hầu hết các nước, chỉ trên Campuchia và Lào. Điều hành tồi tệ, tham nhũng là một nguyên nhân chính, nguyên nhân còn lại vẫn là chưa đủ thời gian "an cư". Ngay bây giờ, bom mìn trên cánh đồng, núi rừng, sông suối vẫn chưa gỡ hết. Ngay trong thành phố, lâu lâu đào móng xây nhà lại đào được một quả bom. Dường như mùi thuốc súng chưa bao giờ thực sự nhạt hẳn trong không khí Việt Nam.

Nhiều ngày nay báo chí Việt Nam nói rất nhiều đến cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc năm 1979. Trên mạng xã hội facebook, ngoài những nhận định tỉnh táo, cũng phảng phất mùi thuốc súng từ những tay chơi mạnh miệng. Trên trang nhà, Facebooker Bùi Hoàng Tám nói nếu như chiến tranh xảy ra thì ông sẽ làm chiến sĩ trên mặt trận thông tin, viết báo làm thơ động viên chiến sĩ. Ông nói chắc chắn sẽ động viên con cháu ra trận.

Nhiều người cũng tâm đắc nghe lại bài hát nổi tiếng thời chiến tranh biên giới. Tôi cũng nhớ nó, gần như thuộc lòng :

Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới

Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới

Quân xâm lược bành trướng dã man đã giày xéo mảnh đất Việt Nam

Lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp dải non sông

Đất nước của ngàn chiến công vẫn sục sôi khí thế hào hùng

Những Chi Lăng Bạch Đằng Đống Đa đang gọi tiếp theo những bản hùng ca

Việt Nam ôi nước Việt yêu thương

Lịch sử đã trao cho người một sứ mạng thiêng liêng

Mang trên mình còn lắm vết thương, người vẫn hiên ngang ra chiến trường (…)

Việt Nam, nước Việt yêu thương ư ? Tôi nghĩ trong văn cảnh của bài hát, phải đổi lại là "nước Việt đau thương" mới chuẩn xác. Một nước Việt đau thương rách rưới, đầy mình vết thương vẫn không được yên lành để chữa trị, mà phải tiếp tục đứng lên chiến đấu. Hiên ngang lẫm liệt cũng có đấy, nhưng chữ liệt ấy tính ra gần với "liệt sĩ" làm sao !

Những bản hùng ca đâu có làm màu mỡ đất đai, đâu có trả lại chân tay cụt mất, đâu có mang lại người yêu chồng vợ về cho nhau. Chiến tranh không phải trò đùa, chiến tranh là tang thương và chết chóc, là khi và chỉ khi không thể còn cách nào khác mới buộc phải cầm súng lên để giữ mạng sống, là thế dựa lưng vào tường, là thế sống tao chết mi. Tuổi xuân, sức trẻ và trí tuệ của hàng triệu người lẽ ra vun bồi cho gia đình xã hội giàu có văn minh thì thay nhau vùi chôn vào đất vĩnh viễn, kéo lùi phát triển đến hàng chục hàng trăm năm, là ngồi dưới hố trơ mắt nhìn người ta đi dạo trên mặt trăng. Dân tộc ta có tội tình gì mà phải gánh lấy một "sứ mạng (thiêng liêng)" thiệt thòi đến thế ?

Chiến tranh chỉ lãng mạn, chỉ "sục sôi hào hùng" trong văn thơ nhạc họa được "sản xuất" đểphục vụ cho ý đồ của người cầm trịch. Mà theo lịch sử Việt Nam thì phần lớn những người say mê ca ngợi khía cạnh hùng ca của cuộc chiến thường lại chưa ngửi thấy khói súng bao giờ.

Cho nên, ông Bùi Hoàng Tám nói thiệt hay nói đùa tôi không rõ lắm, nhưng tôi chúc cho ông không phải bao giờ phải động viên con cháu ông ra trận, dĩ nhiên càng không bao giờ được động viên con cháu người khác ra trận, chỉ để thỏa cái khát khao của những chàng thi sĩ tâm hồn treo ngược lên cành cây mơ được làm anh hùng, được "lịch sử chọn làm điểm tựa". 

Tôi mong cầu cho nước nhà hòa bình, cầu cho dân tôi yêu một lòng yêu nước dày đặc tếbào não để mỗi sáng lại được thức dậy trong bình yên, không ai phải đi giết ai để giành sựsống, không người mẹ nào phải nhìn những đứa con mình lần lượt chết hết, chết sạch trong khi tóc còn xanh. Tất cả đều cần mẫn lao động cho nền văn minh giàu có và nhân bản. Đó mới là thắng lợi thật sự của Việt Nam.

Tre

Nguồn : RFA, 18/02/2019

*****************

40 năm sau cuộc chiến biên giới Việt-Trung-tiếp tục những sai lầm

Song Chi, RFA, 18/02/2019

40 năm đã trôi qua kể từ khi cuộc chiến tranh biên giới Việt Trung xảy ra vào ngày 17/2/1979. Cuộc chiến tuy chỉ kéo dài có 1 tháng, nhưng trên thực tế thì xung đột giữa 2 bên vẫn tiếp tục đến tận 10 năm sau.

Điều đáng nói hơn là sau 40 năm nhìn lại, đảng cộng sản Việt Nam đã chứng tỏ họ không học được gì từ bài học lịch sử qua cuộc chiến này. Trái lại, họ lại càng mắc nhiều sai lầm hơn.

40nam4

New York Times: Cựu binh Trung Quốc 'vỡ mộng' về cuộc xâm lược : Nghĩa trang tử sĩ chết trong cuộc chiến 1979

1. Vội vàng bắt tay với cựu thù trong tư thế yếu

Đó là sai lầm nghiêm trọng nhất. Sau khi Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan rã, quá lo sợ trước sự tồn tại của phe xã hội chủ nghĩa trên thế giới nói chung và tương lai của đảng cộng sản Việt Nam nói riêng, Hà Nội đã nhanh chóng quay trở lại làm thân với Bắc Kinh trong tư thế quỵ lụy. Xuất phát điểm của quyết định này, cũng tương tự như trong mọi quyết định lớn có liên quan đến vận mệnh đất nước, dân tộc khác của đảng cộng sản Việt Nam, đó là luôn luôn đặt quyền lợi của đảng lên trên lợi ích của đất nước, dân tộc.

Cho tới nay người dân Việt Nam vẫn chưa hề được biết nội dung Hội nghị Thành Đô (hay gọi là Mật ước Thành Đô) ngày 3-4/9/1990 về việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước là như thế nào, nhưng rõ ràng những điều kiện, thỏa thuận trong đó đã dẫn tới sự thay đổi trong đối nội và đối ngoại, không chỉ giữa Việt Nam với Trung Quốc, mà còn giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và các nước trong khu vực, đồng thời cũng dẫn tới những hệ lụy lâu dài mà cho tới nay chúng ta có thể cảm nhận được.

Sau khi bắt tay với kẻ thù xong, đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam lại tiếp tục mất cảnh giác, mở rộng cửa đối với Trung Quốc trong mọi lĩnh vực. Và sau 40 năm thì chúng ta có thể nhìn thấy sự hiện diện cũng như mức kiểm soát, ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Việt Nam trên cả hai nghĩa bóng và nghĩa đen, từ trên khắp lãnh thổ lãnh hải cho tới hậu trường chính trị ở Ba Đình, từ ngoại giao, chính trị, kinh tế cho tới an ninh, tình báo, văn hóa, tinh thần.

2. "Muốn có hòa bình thì hãy chuẩn bị chiến tranh"

Pháp đến rồi đi, Mỹ đến rồi đi, Pháp hay Mỹ chẳng lấy của Việt Nam một rẻo đất, ngược lại với Pháp, với Mỹ, Việt Nam có mất mà có được- mất bao nhiêu xương máu không tính nổi nhưng cũng nhận ở khía cạnh văn hóa, văn minh. Còn Trung Quốc thì mãi mãi ở bên cạnh, là kẻ thù từ nghìn năm trước, cho tới bây giờ vẫn luôn luôn là mối đe dọa lớn nhất, và dù chơi với Tàu hay đối đầu với Tàu thì Việt Nam cũng chỉ mất và mất. Mất đất, mất đảo, biển, kể cả môi trường sống bị đầu độc cũng là những cái thấy được, nhưng mất về mặt chủ quyền, độc lập cho tới văn hóa, tâm linh mới là cái nguy hiểm hơn nhiều. Đáng tiếc là đối với Trung Quốc, đảng cộng sản Việt Nam thay vì cảnh giác, thoát ra thì lại càng lún sâu vào vòng lệ thuộc với Tàu. Muốn có hòa bình thì phải chuẩn bị cho chiến tranh và họ đã không làm được như thế.

Về phía Trung Quốc đã kịp rút ra bài học về sự yếu kém, lạc hậu của quân đội, vũ khí và kinh nghiệm chiến đấu của quân lính họ qua cuộc chiến tranh biên giới với Việt Nam, từ đó ra sức đầu tư cho quân sự, quốc phòng. Bắc Kinh đã tăng ngân sách quốc phòng lên mức 2 con số trong một thập kỷ, sau đó giảm xuống còn một con số và giờ đây lại tăng trở lại. Hiện nay ngân sách đầu tư cho quốc phòng của Trung Quốc chỉ thua có Hoa Kỳ (1).

VN tất nhiên không thể so sánh vì đất nước ta nghèo hơn nhiều, nhưng nếu không bị mất một số tiền đáng kể hàng năm vì nạn tham nhũng, làm ăn lãng phí, kém hiệu quả thì cũng có thể tập trung đầu tư nhiều hơn vào một vài lĩnh vực mũi nhọn, nhất là hải quân.

Quan trọng hơn là xây dựng tinh thần chiến đấu cho quân đội. So với thời đánh Mỹ đánh Pháp, tinh thần chiến đấu của quân đội Việt Nam bây giờ chắc chắn thua xa vì nhiều lý do : không còn lý tưởng, việc quân đội được phép làm kinh tế khiến ai cũng có tài sản và sợ mất, nhất là tầng lớp tướng tá, quan chức cấp cao, có quá nhiều thứ để họ không muốn mất và do đó, khiến họ bạc nhược, sợ hãi chiến tranh.

40 năm trước Trung Quốc tuy đông hơn gấp bội mà không dễ gì thắng được Việt Nam, nhưng bây giờ thì người viết bài này hoàn toàn không còn chắc về điều đó nữa.

3. Tự làm yếu mình về mặt tinh thần

Trong hai cuộc chiến tranh đánh Pháp, đánh Mỹ, người cộng sản lúc đó có thể bị xem là sắt máu nhưng không ai nói họ hèn, họ dường như không biết sợ là gì. Còn bây giờ trước Trung Quốc, chính họ luôn luôn tự hù dọa mình với những suy nghĩ, lập luận kiểu như Trung Quốc mạnh như thế, làm sao đánh nổi, hoặc định mệnh buộc Việt Nam là hàng xóm láng giềng của Trung Quốc, không thể bê nước mình đi chỗ khác thì phải sống hòa thuận với Trung Quốc thôi v.v… Đó là với chính quan chức, những người lãnh đạo trong bộ máy cầm quyền từ trung ương đến địa phương.

Còn đối với người dân, việc không dám nhắc đến cuộc chiến tranh biên giới trong suốt một thời gian dài khiến cho giới trẻ Việt Nam không thực sự hiểu được chuyện gì đã xảy ra, việc ngăn chặn người dân quan tâm đến chính trị nói chung và đàn áp, sách nhiễu không cho người dân được phép bộc lộ lòng yêu nước…mỗi khi có "yếu tố Trung Quốc" nói riêng, đã vô hình chung làm nhụt đi lòng yêu nước, tinh thần bất khuất quật cường của nhân dân-một vũ khí lợi hại của bất cứ nhà cầm quyền nào nếu muốn đương đầu với thế lực ngoại bang.

Đó là chưa nói đến chuyện cần phải tích cực hòa giải, hòa hợp với người miền Nam, hàn gắn lại những vết thương chiến tranh vẫn chưa lành do cuộc chiến Việt Nam và do những chính sách hẹp hòi, thiển cận của "bên thắng cuộc" đã gây nên, xóa bỏ những chính sách có phần phân biệt vùng miền, để tạo nên khối đoàn kết dân tộc vững mạnh hơn thì càng có thêm sức mạnh đối phó bên ngoài.

4. Bỏ lỡ bao nhiêu cơ hội "thoát Trung", bao nhiêu cơ hội kết bạn với các nước dân chủ, tiến bộ, giàu mạnh trên thế giới để có bạn bè, đồng minh hỗ trợ khi cần thiết

Chính sách "ba không" trong quốc phòng của Việt Nam (không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia) tưởng là khôn ngoan, thật ra lại có hại cho Việt Nam trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng mạnh, ngày càng có sức ảnh hưởng trên thế giới cũng như là mối đe dọa thường trực đối với Việt Nam và các nước trong khu vực. Việt Nam là một nước nghèo và cần các nước giàu mạnh hơn là họ cần Việt Nam, nếu Việt Nam tỏ ra "không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào’ thì cũng chẳng nước nào buộc phải liên kết với Việt Nam cả.

5. Không nên giải quyết mọi chuyện với Trung Quốc theo kiểu song phương

Trung Quốc luôn luôn muốn ép Việt Nam giải quyết mọi mâu thuẫn, bất đồng giữa 2 bên theo kiểu song phương để dễ bắt nạt. Điều phải làm là quốc tế hoá để giải quyết các mối xung đột, đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ quốc tế. Nhưng Việt Nam lại không làm như vậy.

6. Muốn có một nền độc lập lâu dài, muốn không bị láng giềng to mạnh ức hiếp thì phải tự lực xây dựng đất nước giàu mạnh

Sau 40 năm, nói gì thì nói, đảng cộng sản Trung Quốc đã xây dựng Trung Quốc trở thành một cường quốc về kinh tế và quân sự, vị trí và tiếng nói của Trung Quốc đã khác xưa nhiều, trong khi đó thì Việt Nam, dưới sự lãnh đạo bất tài của đảng cộng sản vẫn cứ là một nước nghèo, chẳng để lại được gì cho các thế hệ tương lại ngoài những món nợ chồng chất, tài nguyên bị khai thác cạn kiệt, môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề…

Câu hỏi cuối cùng là bao giờ thì những sai lầm này sẽ được khắc phục ?

Song Chi

Nguồn : 18/02/2019 (songchi's blog)

(1) "US, China and Saudi Arabia top list of military spending", Aljazeera, "US remains top military spender, SIPRI reports", Defense News

***********************

Kỷ niệm rầm rộ 40 năm chiến tranh với Trung Quốc trên mặt báo nhưng chặn tưởng niệm trong thực tế (RFA, 17/02/2019)

Ngày 17/02/2019, các nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã không thể tổ chức tưởng niệm 40 năm ngày Trung Quốc đem quân đánh các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam như thường lệ.

40nam5

Nhà thơ Hoàng Hưng và nhà báo Kha Lương Ngãi phải tưởng niệm ở nhà. Courtesy of FB Kha Lương Ngai

Trong khi ở Thành phố Hồ Chí Minh, những người mặc đồ công nhân vệ sinh đặt các xe thu gom rác chắn tượng đài Đức Thánh Trần tại bến Bạch Đằng và cẩu cả lư hương đem đi nơi khác, thì ở Hà Nội chỉ có một số ít người ra được tượng đài vua Lý Thái Tổ để thắp hương trong vòng vây của lực lượng an ninh.

Sài Gòn xuất hiện công văn "mật" chỉ đạo chặn tưởng niệm

Hôm 16/2, xuất hiện văn bản đóng dấu MẬT của đảng ủy Cộng sản khối cơ sở bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn trên trang Facebook của các nhà hoạt động cho biết về cuộc tưởng niệm ngày 17/2 tại tượng đài Trần Hưng Đạo, tuy nhiên công văn này lại gọi những người chuẩn bị việc này là "một số đối tượng trong câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng" và việc dâng hương là "lợi dụng sự kiện Chiến tranh biên giới phía Bắc ngày 17 tháng 02 năm 1979".

40nam6

Công văn được lan truyền trên mạng xã hội - Courtesy of FB Lê Công Định

Công văn số 695 ban hành ngày 15/02/2019 chưa được kiểm chứng về độ xác thực, nhưng có đóng dấu đỏ và ký tên của Phó Bí thư thường trực Ban thường vụ đảng ủy Nguyễn Duy Vũ được nhạc sĩ Tuấn Khanh và luật sư Lê Công Định đăng tải trên Facebook cá nhân.

Theo văn bản này thì Ban Thường vụ Đảng ủy khối yêu cầu các cấp ủy, chính quyền tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và đoàn "vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên, người lao động và người thân không tham gia tụ tập, biểu tình, gây rối an ninh trật tự tại khu vực tượng đài Trần Hưng Đạo trong ngày Chủ nhật, 17 tháng 02 năm 2019 ; đồng thời kịp thời phát hiện, thu gom, giao chính quyền, cơ quan chức năng các tờ tiền có viết, vẽ kêu gọi biểu tỉnh, các băng rôn, khâu hiệu có nội dung xấu về chính trị".

Ông Trần Bang, một cựu binh trong chiến tranh biên giới phía Bắc với Trung Quốc cho hay, không thể khẳng định tính xác thực của công văn này nhưng nó trùng hợp với việc ông và một số người bạn bị an ninh mặc thường phục canh nhà, và chính quyền mang xe rác chắn tường đài, cẩu lư hương đi đúng vào ngày 17/2.

Cũng theo thành viên câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng thì chính ông và một số người mà ông biết như nhà báo Sương Quỳnh, Lê Phú Khải, Phạm Đình Trọng… đều bị lực lượng an ninh canh nhà.

Có 3 người sáng nay đến được tượng đài Trần Hưng Đạo để thắp hương tưởng niệm như các ông Kha Lương Ngãi, Phan Đắc Lữ, Hoàng Hưng đều bị xua đuổi hoặc bắt đưa về đồn công an nơi cư trú.

Nhận xét về việc báo chí nhà nước được "cởi trói" để thoải mái nói về cuộc chiến với Trung Quốc trên mặt báo, nhưng lại chặn những người dân đi tưởng niệm, ông Trần Bang khẳng định :

"Việc này chứng tỏ nó vẫn sợ thằng cộng sản Trung Quốc và vẫn sợ mất quyền lực của Đảng cộng sản Việt Nam này nên họ muốn dựa vào Đảng cộng sản Trung Quốc để giữ quyền lực và phản bội nhân dân, vi phạm quyền tự do của người dân và vô ơn, bội nghĩa với những người đã hy sinh", ông Trần Bang nói qua ứng dụng Messenger.

Cô Võ Hồng Ly cũng đăng tải trên Facebook cá nhân việc dâng vòng hoa và thắp nhang tưởng niệm tại tượng đài Trần Hưng Đạo vào chiều 16/1/2019 một cách bình thường.

Hà Nội : Cựu chiến binh bị "xốc nách đưa đi" khi đang khấn vái

Tình hình tại thủ đô Hà Nội không khác gì trong Thành phố Hồ Chí Minh khi những nhà hoạt động quen mặt đều bị lực lượng an ninh thường phục canh giữ từ nhiều hôm trước.

Theo nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh, sáng 17/02/2019 có ít nhất 5 người khi ra tượng đài vua Lý Thái Tổ và tượng đài liệt sĩ Bắc Sơn bị chặn bắt đưa về công an phường hoặc ép về nhà như cựu chiến binh Phan Khang, bà Ngọc Anh, Hoàng Hà, Lê Hồng Hạnh và Đặng Bích Phượng.

Cựu chiến binh Phan Trí Đỉnh đăng tải những hình ảnh trên Facebook cá nhân kể lại việc đến tượng đài vua Lý Thái Tổ ở bờ hồ Hoàn Kiếm vào sáng 17/02/2019 để thắp hương tưởng niệm cuộc chiến biên giới Việt Trung và bị "một số người trẻ khỏe đẹp trai kẹp hai bên như là xốc nách đưa ra khỏi khu vực" khi đang khấn vái.

40nam7

Người dân tưởng niệm những liệt sĩ và đồng bào đã hy sinh trong cuộc chiến biên giới năm 1979, Hà Nội ngày 17/02/2019 Photo : RFA

Nhà hoạt động Lê Hoàng từ Hà Nội chia sẻ, việc ngăn cản tưởng niệm dịp 40 năm ngày quân và dân Việt Nam chống Trung Quốc xâm lược là một điều vô lý.

"Thực ra báo chí đưa tin rầm rộ cả tuần nay, đưa hình ảnh các thứ rất là mạnh mẽ, mọi người ai cũng đều nghĩ là đưa tin như thế này thì chính quyền chắc đã đổi chiều một chút rồi và họ đã có chiều hướng vì nhân dân rồi, thế nhưng mà hôm nay lại như thế này.

Tôi nghĩ hay là họ lừa bịp quốc tế để có cái gì đó, ví dụ như là với Trung Quốc thì Việt Nam cũng phân biệt rõ chứ không phải giấu giếm. Nhưng mà họ nói một đằng nhưng lại làm một nẻo chả hiểu rằng như thế nào nữa, hay là họ không cần nhân dân để chống Trung Quốc nữa ? " - ông Lê Hoàng nói qua điện thoại với Đài Á Châu Tự Do.

Hôm 14/02/2019, khoảng 20 người Hà Nội đi theo đoàn của Trung tâm Minh Triết của Giáo sư Nguyễn Khắc Mai đến nghĩa trang liệt sĩ trong cuộc chiến với Trung Quốc năm 1979 ở Vị Xuyên, Hà Giang để thắp hương tưởng niệm cho những người nằm xuống.

Một số người mặc áo "nói không với đường lưỡi bò" như các ông Lê Hoàng, Hoàng Công Cường… lên đây đều bị lực lượng an ninh của quân đội cho là nhạy cảm và bắt thay áo.

Trong đoạn clip của nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh, ông Hoàng Công Cường thậm chí phải cởi chiếc áo "NO-U" duy nhất của mình trước đòi hỏi của phía quân đội.

Đây không phải là lần đầu tiên những người hoạt động ở Việt Nam bị ngăn chặn tưởng niệm các cuộc chiến với Trung Quốc.

Vào ngày 17/02/2017, hàng chục người ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh bị bắt giữ và câu lưu khi đến các nơi đã hẹn trước để thắp nhang cho những người đã mất trong cuộc chiến. Hay 6 người ở Hà Nội phải bất ngờ tưởng niệm vào ngày 15/02/2018 để tránh bị phá rối như mọi năm.

*****************

Vẫn còn nguyên nỗi sợ hãi

Nguyễn Tường Thụy, RFA, 18/02/2019

Sau khi thấy báo chí được "mở miệng" dịp kỷ niệm 40 năm Trung Quốc xâm lược Việt Nam (Việt Nam), nhiều người nghĩ rằng việc cấm đoán các hoạt động tưởng niệm liệt sĩ chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược năm nay sẽ được nới lỏng nhưng cũng có nhiều người đầy cảnh giác. Thực tế những gì xảy ra vào ngày 17/2/2019 cho thấy những người cảnh giác đã đúng. 

40nam8

Công văn được cho là của đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh Internet

Chưa bao giờ, hoạt động tưởng niệm liệt sĩ chống Trung Quốc bị ngăn chặn ráo riết quyết liệt như dịp 40 năm chiến tranh biên giới 17/2. 

Hà Nội đã huy động một lực lượng khổng lồ công an, từ thành phố đến quận/huyện, phường/xã để ngăn chặn. Rất nhiều người bị canh chặn tại nhà. Riêng tôi cũng đã "tiêu tốn" trên dưới 10 cán bộ chiến sĩ công an. Ai thoát ra được chỉ cần mon men đến các nơi có thể đặt vòng hoa viếng các liệt sĩ, lập tức bị tóm gọn đưa về câu lưu ở các đồn. Câu chuyện cảm động nhất và cũng phẫn nộ nhất là chuyện của ba chị Đặng Bích Phượng, Hoàng Thị Hà và Nguyễn Hồng Hạnh. Suốt đêm trằn trọc không ngủ, vừa hồi hộp nghĩ đến giờ phút thiêng liêng bày tỏ lòng tri ân đến các liệt sĩ, vừa lo lắng cho công việc ngày mai. Các chị dậy từ lúc "gà chưa gáy sáng" bí mật liên lạc với nhau, lên tận Quảng Bá chọn mua 100 bông hoa đẹp nhất để gửi tới các liệt sĩ. Tuy nhiên, mọi sự chuẩn bị từ nhiều hôm trước bị phá trong tích tắc. Ba chị mới mon men đến đài Liệt sĩ Bắc Sơn, chưa kịp đặt hoa thì bị tóm gọn. Công an khá hào phóng tiền thuế của dân, bố trí mỗi chị một xe riêng đưa về các đồn giam giữ. 

Tại thành Hồ, cũng vẫn là chuyện canh chặn nhà riêng của từng người. Một công văn được cho là của đảng bộ thành phố này chỉ đạo việc ngăn chặn mọi hoạt động tưởng niệm ngày 17/02. Công văn này nêu đích danh Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, gọi họ là "đối tượng" và hồ đồ cho là Câu lạc bộ này "lợi dụng sự kiện chiến tranh biên giới phía Bắc ngày 17 tháng 2 năm 1979". Đây là một lối ăn nói bừa bãi, tùy tiện của những kẻ quen chụp mũ và coi thường quyền con người. Táo tợn hơn, chúng (gián điệp hoặc tay sai Trung Quốc) cho xe chở rác xếp quanh Tượng đài Đức Thánh Trần nhằm cản trở và gây ra mùi khó chịu cho những ai đến tưởng niệm. Chưa hết, chúng còn đưa xe cẩu, cẩu lư hương ở tượng đài đi nơi khác. Thế là người yêu nước hết chỗ thắp hương. Phải chăng chúng căm thù Trần Hưng Đạo đã đánh cho tổ tiên chúng tháo chạy tơi bời cách đây hơn 7 trăm năm ? 

Đây là hành động vô cùng hỗn láo, xấc xược với tiền nhân, sẽ bị muôn đời nguyền rủa. Chắc chắn bọn này sẽ bị quả báo bởi luật nhân quả. Danh sách những kẻ gây tội ác với dân, xúc phạm Chúa, Phật, Thánh bị quả báo, do giới xã hội dân sự thống kê ngày càng dài thêm. 

40nam9

Cẩu lư hương ở tượng đài Trần Hưng Đạo (Sài Gòn) -Ảnh Internet

Kể từ năm 2011, mọi hoạt động tưởng niệm các liệt sĩ chống Trung Quốc đều được cố gắng tổ chức hàng năm. Mỗi năm có 3 lần vào các dịp 19/1 (Trung Quốc cướp Hoàng Sa), 17/2 (Trung Quốc xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc) và 14/3 (Trung Quốc cướp đảo Gạc Ma). Tất cả những hoạt động tưởng niệm này đều bị nhà cầm quyền tìm mọi cách cản phá, nhưng dịp kỷ niệm 40 năm Trung Quốc xâm lược Việt Nam bị ngăn chặn ráo riết, triệt để nhất. 

Tại sao tưởng niệm liệt sĩ bảo vệ Tổ quốc bị cấm, không cho người dân tôn vinh những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh chống xâm lược, thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" ? 

Tại sao không dám gọi Trung Quốc là kẻ thù xâm lược ? 

Tại sao lại gọi những người chống kẻ thù là phản động. Tại sao lại theo dõi, ngăn cản và cho họ là "đối tượng", ghi vào "sổ đen" ? Họ vi phạm điều khoản pháp luật nào ? 

Đảng cộng sản Việt Nam trả lời ra sao về những câu hỏi này ? 

Càng cấm đoán bao nhiêu, người dân càng nghi ngờ lòng trung thành với Tổ quốc của họ (đảng cộng sản Việt Nam) bấy nhiêu ? 

Không bao giờ họ hỏi, tại sao người dân Việt Nam căm thù Trung Quốc nhưng không căm thù Pháp và Mỹ. Thậm chí chế độ Pol Pot người dân cũng không nhắc đến nữa. 

Vì Trung Quốc vẫn còn nguyên dã tâm xâm lược Việt Nam. Chúng luôn luôn dòm ngó, chỉ chờ cơ hội là thôn tính tiếp lãnh thổ còn lại của người Việt Nam, lăm le đồng hóa người Việt Nam. Vì chúng luôn chơi bẩn, tìm mọi cách hại người Việt Nam bằng các con đường du lịch, thương mại, và nguy hiểm hơn là chúng đã cài cắm rất nhiều gián điệp vào bộ máy điều hành ở Việt Nam. Điều này người dân không tưởng tượng ra mà hãy hỏi ông Trương Giang Long, nguyên thiếu tướng Giám đốc Học viện chính trị công an thì biết. 

Đảng cộng sản Việt Nam có thể nhớ ơn Trung Quốc đã giúp họ chiến thắng Pháp, Mỹ và chiến thắng đồng bào miền Nam nhưng việc nào ra việc đó. Không phải vì ân huệ mà đem giang sơn đi cầm cố. Còn người Việt Nam chẳng việc gì phải nhớ ơn chúng. Ơn đối với Đảng cộng sản mà bắt người dân phải nhớ là sao ? Nếu Trung Quốc không can thiệp vào Việt Nam thì đất nước và số phận người dân Việt Nam bây giờ đã khác. Với Trung Quốc, người Việt Nam chỉ có sự căm ghét. Ghi nhớ tội ác mà Trung Quốc đã gây ra cho nhân dân Việt Nam không phải là để khơi lại hận thù, kích động chiến tranh mà là để nhắc nhở nhau hãy cảnh giác. Người dân Việt Nam biết phân biệt tập đoàn hiếu chiến Bắc Kinh với nhân dân Trung Quốc. 

Ai sợ thì cứ việc sợ, nhưng người Việt Nam không hề sợ Trung Quốc. Nếu sợ thì đã không có hàng vạn quân xâm lược Trung Quốc phơi thây ở chiến trường Việt Nam cách đây 40 năm. 

Giới lãnh đạo hiện nay có bao giờ biết xấu hổ với giới lãnh đạo thời Lê Duẩn và xa hơn là tiền nhân thời phong kiến về tinh thần chống Trung Quốc ? 

Chưa bao giờ, lòng dân và ý nhà cầm quyền khác biệt tới mức như bây giờ. 

Nếu Trung Quốc đem quân xâm lược Việt Nam lần nữa, có thể họ không dám kháng cự, có thể có một hòa ước nào đó đáp ứng tham vọng lãnh thổ của kẻ thù nhưng chắc chắn sẽ có những cuộc khởi nghĩa trong nhân dân nổ ra. Đó là tinh thần Trương Công Định : "Triều đình hòa nghị thì cứ hòa nghị, còn việc của Định thì Định cứ làm. Định thà đắc tội với Triều đình chứ không nỡ ngồi nhìn giang san này chìm đắm" 

Nguyễn Tường Thụy

Nguồn : RFA, 18/2/2019 (nguyentuongthuy's blog)

Quay lại trang chủ
Read 660 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)