Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

30/12/2016

Trận Hải Chiến Hoàng Sa 1974

Lê Mạnh Hùng

Lời nói đầu : Trận hải chiến Hoàng Sa diễn ra vào năm 1974, tuy nhỏ nhưng nó đóng một vai trò lịch sử quan trọng. Nó mở đầu cho sự bành trướng ra biển của Trung Quốc mà đến nay người ta mới bắt đầu thấy rõ. Cho đến nay người ta cũng còn chưa biết đến nhiều về những chi tiết của cuộc hải chiến này, nhưng những tài liệu vừa đươc giải mật gần đây của phía Trung Quốc cho thấy một chiến dịch phức tạp nhiều hơn là người ta nghĩ. Nó cho thấy Trung Quốc dùng một hỗn hợp các lực lương chính quy và bán chính quy để đạt đến những mục tiêu chiến tranh mà họ muốn. Và đó chính là chiến thuật mà Trung Quốc còn áp dụng lúc gần đây tại Viễn Đông chống lại các nước láng giềng kể cả Việt Nam, Philippines và Indonesia.

Nó cũng cho thấy hải quân Việt Nam Cộng Hòa đáng lẽ phải thắng trong cuộc đụng độ này, nhưng tiếc thay có lẽ sự khinh địch và thiếu kinh nghiệm hải chiến đã làm cho ta bị thua một trận đánh không đáng thua. Tuy nhiên vì thiếu những tài liệu về phía Việt Nam Cộng Hòa, bài này phải dùng các tài liệu của Trung Quốc - mà sự chủ quan cũng như khuyếch đại thành tích của mình và bôi nhọ đối thủ là một điều hầu như mọi nhà nghiên cứu đều đã biết - cùng với một số nhỏ hồi ký của các sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa có tham gia vào cuộc chiến này thành ra có thể có nhiều thiên lệch.

Lê Mạnh Hùng

 

***********************

hoangsa1

Bản đồ Hải chiến Hoàng Sa 1974. Các chiến hạm Việt Nam Cộng Hòa (ảnh nhỏ, góc trên)

Trận chiến Hoàng Sa là bước đầu tiên trong một cố gắng kéo dài nhiều thập niên của Trung Quốc trong việc thiết lập và mở rộng sự kiểm soát của mình trên Biển Đông. Năm 1988, Trung Quốc đã chiếm thêm sáu bãi cạn và đảo san hô tại quần đảo Trường Sa sau một đợt đụng độ mới với Việt Nam tại Đá Gạc Ma (Johnson South Reef). Cuối năm 1994, Trung Quốc bắt đầu xây dựng các công trình trên Đá Vành Khăn (Mischief Reef). Kể từ đó đến nay Trung Quốc đã xây dựng những công trình khổng lồ trên nhiều đảo mình chiếm với các phi đạo dài và kiên cố đủ để dùng cho các máy bay quân sự, bến cảng nước sâu khiến tầu chiến lớn có thể cập bến, cơ sở cho quân trú phòng và những cơ sở yểm trợ khác. Tổng số công trình xây dựng lên đến hàng ngàn mẫu tây.

Tất cả những điều đó bắt đầu từ trận hải chiến Hoàng Sa cho Trung Quốc đủ tự tin để tiến ra biển khơi. Như các tài liệu Trung Quốc nhấn mạnh, trận hải chiến Hoàng Sa là trận hải chiến đầu tiên mà hải quân Trung Quốc thực hiện chống lại một kẻ địch bên ngoài. Và nó cũng là lần đầu tiên mà hải quân Trung Quốc hiện đại hoạt động xa bờ đến như vậy. Thành ra đối với Trung Quốc nó đã được huyền thoại hóa như là điều phục hồi vinh quang của hải quân Trung Quốc (lần chót mà hải quân Trung Quốc đụng độ với một đối thủ bên ngoài là trận hải chiến năm 1895 tại Bột Hải ngoài khơi bán đảo Triều Tiên, hạm đội Trung Quốc đã bị thua thê thảm, hầu như toàn bộ bị Nhật đánh chìm).

Bối cảnh địa chính trị

Quần đảo Hoàng Sa (Anh ngữ : Paracel ; Hoa ngữ : Tây Sa 西沙) nằm hầu như chính giữa Việt Nam và Trung Quốc, cách Du Lâm (Hải Nam) 300 km về phía nam và cách Đà Nẵng 370 km về phía đông. Quần đảo này bao gồm nhiều đảo san hô, cồn cát và bãi cạn và đưa chia thành hai nhóm đảo. Về phía đông bắc là nhóm An Vĩnh (Amphitrite ; Tuyên Đức 宣德) trong đó đảo Phú Lâm (Woody ; Vĩnh Hưng永兴) là đảo lớn nhất. Về phía tây nam là nhóm Lưỡi Liềm (Crescent ; Vĩnh Lạc永乐bao gồm ba đảo lớn Hoàng Sa (Pattle ; San Hô 珊瑚),Quang Ánh (Money ; Kim Ngân金银), Hưu Nhật (Robert ; Cam Tuyền甘泉) ở phía tây và đảo Duy Mộng (Drummond ; Tấn Khanh晋卿về phía đông. Khoảng 80 km đường biển ngăn cách hai nhóm đảo An Vĩnh và Lưỡi Liềm.

Hoàng Sa có một tầm quan trọng chiến lược tại Biển Đông. Tuyến đường hàng hải nối liền đông bắc Á với châu Âu và vùng Trung Đông đều phải đi qua gần quần đảo này. Đối với Trung Quốc nó lại càng quan trọng. 

Bộ quân sử chính thức của hải quân Trung Quốc viết :

"Tây Sa (Hoàng Sa) là bình phong bảo vệ tự nhiên cho Trung Quốc và là tiền đồn. Các đường hàng không và hàng hải đi từ Trung Quốc đến Singapore và Jakarta đều phải đi qua vùng này".

Với vị trí cách quần đảo Pratas 660 km về phía tây nam, cách bãi đá Scarborough 550 km về phía tây và quần đảo Trường Sa 700 km về phía tây bắc Hoàng Sa được các nhà chiến lược Trung Quốc coi như là hòn đá đầu tiên không thể thiếu được của tiến trình xâm chiếm các đảo khác tại Biển Đông.

Trước chiến tranh thứ hai, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bị Nhật chiếm vào năm 1938. Sau thế chiến thứ hai, hai quần đảo này trở thành mục tiêu tranh chấp giữa các nước chung quanh, quan trọng nhất là giữa Việt Nam và Trung Hoa. Năm 1947, chính quyền Quốc Dân Đảng tại Hoa Lục chiếm nhóm đảo An Vĩnh ở phía bắc trong lúc Pháp, nhân danh chính quyền Việt Nam tại Đông Dương chiếm đảo Hoàng Sa và nhóm đảo Lưỡi Liềm tại đầu kia quần đảo. Khi Cộng Quân đánh chiếm đảo Hải Nam, một trong những căn cứ địa cuối cùng của Quốc Dân Đảng tại Hoa Lục khiến việc chiếm giữ nhóm đảo An Vĩnh trở thành không thể được, quân Quốc Dân Đảng rút khỏi quần đảo này. Trung Quốc chiếm dảo Phú Lâm vào năm 1950. Tại hội nghị San Francisco năm 1951 lập lại hòa bình với Nhật Bản, Nhật tuyên bố từ bỏ mọi đòi hỏi về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nhưng để việc giải quyết ai có chủ quyền trên hai quần đảo này trống. Trong hội nghị này, thủ tướng TrầnVăn Hữu, nhân danh chính phủ Quốc Gia Việt Nam, tuyên bố xác nhận chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo này. Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được chính thức sáp nhập vào lãnh thổ Việt Nam vào năm 1956 dưới thời của Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Trong những năm sau đó, Trung Quốc và miền Nam Việt Nam tiếp tục cai trị hai nửa của quần đảo Hoàng Sa. Năm 1955, một công ty quốc doanh Trung Quốc bắt đầu khai thác phân chim tại đảo Phú Lâm. Đầu năm 1959, hải quân Việt Nam bắt giữ và trục xuất một nhóm ngư dân Trung Quốc tại đảo Quang Hòa (Duncan) chính thức xác định chủ quyền của Việt Nam trên nhóm Lưỡi Liềm. Trong suốt thập niên 1960, một tình trạng cân bằng mong manh chế ngự hai nửa của quần đảo này với hai bên xây dựng một số cơ sở trên các đảo này và cho tầu tuần tiễu chung quanh các đảo của mình. Sự hiện diện của hải quân Mỹ có lẽ là một trong những răn đe chính khiến Trung Quốc không dám có âm mưu đánh chiếm các đảo này của Việt Nam.

Tình hình bắt đầu đổi khác sau hội nghị Paris và với triển vọng tìm thấy dầu hỏa tại Biển Đông. Vào giữa năm 1973, Sài Gòn bắt đầu cung cấp giấy phép thăm dò dầu hỏa tại Biển Đông và thực hiện những cuộc thăm dò địa chất tại vùng biển chung quanh nhóm đảo Lưỡi Liềm. Cũng năm đó Bắc Kinh công khai tuyên bố đòi chủ quyền tại những vùng biển chung quanh con đường chín đoạn bọc quanh Biển Đông và trên các tài nguyên nằm dưới đáy biển vùng này. Tháng 12/1973, Bắc Kinh bắt đầu khoan một giếng thăm dò dầu hỏa trên đảo Phú Lâm.

Thế là sự hội tụ giữa kinh tế, chính trị, địa lý và tranh chấp chủ quyền đã lôi kéo Trung Quốc và Việt Nam Cộng Hòa vào một cuộc đối đầu bằng vũ lực.

Tác chiến tiền tịch

Vào mùa hè 1973, một loạt các cuộc khiêu khích và trả đũa đã dẫn hai bên đến con đường đối đầu trực tiếp. Tháng 10, hai tầu đánh cá vũ trang Trung Quốc - số 402 và 407 - xuất hiện tại nhóm đảo Lưỡi Liềm và bắt đầu đánh cá tại đây. Đám dân đánh cá này cũng cắm cờ Trung Quốc trên những đảo mà Việt Nam đã xác lập chủ quyền và lập một căn cứ tiếp tế trên đảo Quang Hòa (Duncan) mà trước đó hơn một thập niên đã bị Việt Nam trục xuất. Tháng 11, tầu Hải quân Việt Nam Công Hòa từ Đà Nẵng được gởi tới Hoàng Sa và bắt đầu ngăn chặn và bắt giữ các ngư dân Trung Quốc. Một số ngư dân Trung Quốc bị đưa về Đà Nẵng và buộc phải thú nhận là đã vi phạm chủ quyền Việt Nam.

Ngày 10 tháng giêng 1974, Trung Quốc cho xây một nhà máy chế biến hải sản trên đảo Hưu Nhật (Robert). Ngày hôm sau Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố khẳng định chủ quyền "bất khả chối cải" của Trung Quốc trên các quần đảo Hoàng Sa (Paracel ; Tây Sa), Trường Sa (Spratly ; Nam Sa) và bãi cạn MacClesfield (Trung Sa).

Bốn ngày sau, Việt Nam Cộng Hòa cử khu trục hạm HQ-16 (Lý Thường Kiệt) đến nhóm đảo Lưỡi Liềm. Khi gặp hai tầu cá Trung Quốc, HQ-16 ra lệnh cho hai tầu này phải dời ngay khu vực và bắn cảnh cáo qua đầu họ, HQ-16 cũng pháo kích đảo Hữu Nhật giật đổ cờ Trung Quốc treo tại đây. Ngày 17 tháng giêng khu trục hạm HQ-04 (Trần Khánh Dư) đến tăng cường thêm cho HQ-16. Biệt hải trên HQ-04 đổ bộ xuống các đảo Hữu Nhật (Robert) và Quang Ánh (Money) phá bỏ các cờ Trung Quốc treo tại đây. Đồng thời, Đề đốc Lâm Ngươn Tánh, tư lệnh phó hải quân Việt Nam Cộng Hòa, bay ra Đà Nẵng để chỉ huy toàn bộ lực lượng tham chiến của Việt Nam tại Hoàng Sa. Hai chiến hạm HQ-05 và HQ-10 cũng được gởi tăng cường ra cho Hoàng Sa với HQ-05 làm soái hạm với Đại tá hải quân Hà Văn Ngạc trên tầu chỉ huy toàn bộ hải đoàn (chỉ huy trưởng HQ-05 là Trung tá Phạm Trọng Quỳnh)

Ngày hôm sau, khi thấy tầu Trung Quốc không chịu đi, HQ-04 và HQ-16 đâm vào tầu cá 407 gây thiệt hại cho tầu này. Về phía Trung Quốc, sau khi nhận được tin từ các tầu cá 402 và 407 rằng hải quân Việt Nam đã đến Hoàng Sa, lập tức có báo cáo về Quảng Châu và Bắc Kinh.

Đêm 17 tháng 1 năm 1974, Chu Ân Lai nhận báo cáo tình hình Hoàng Sa từ Trường Lý Lực, Cục phó Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu Giải phóng quân nhân dân. Sau đó Chu Ân Lai cùng với Diệp Kiếm Anh viết báo cáo gửi Mao Trạch Đông đề nghị phái quân ra quần đảo Hoàng Sa. Mao Trạch Đông phê vào bản báo cáo của Chu Ân Lai, Diệp Kiếm Anh : "Đồng ý !", và nói rằng, "trận này không thể không đánh". Mao Trạch Đông giao cho Diệp Kiếm Anh và Đặng Tiểu Bình trực tiếp chỉ huy trận đánh tại quần đảo Hoàng Sa. Đây là trận đánh đầu tiên của Đặng Tiểu Bình khi mới được phục chức sau 7 năm đi "cải tạo".

Trước đó, hạm đội Nam Hải của Trung Quốc ra lệnh cho hai tầu săn ngầm lớp Kronstadt số 271 và 274 đến đảo Phú Lâm. Ngày 16 hai tầu này rời căn cứ hải quân Du Lâm (Hải Nam) với một lực lượng dân quân hàng hải (maritime militia) và tới đảo Phú Lâm vào ngày hôm sau. Hai tàu này sau đó tiến tới nhóm đảo Lưỡi Liềm. Đồng thời từ Quảng Châu, hải quân Trung Quốc cũng gởi hai trục lôi hạm viễn dương (oceangoing minesweeper) số 386 và 389 xuống tăng cường cho hai chiếc 271 và 274. Ngoài ra Bắc Kinh cũng gởi thêm hai chiếc tầu săn mìn lớp Hải Nam 281 và 282 từ Sơn Đầu đến tăng cường cho bốn tầu trên.

Sự kiện Trung Quốc phải phái tầu từ ba nơi đến Hoàng Sa cho thấy cuộc Cách Mạng Văn Hòa đã ảnh hưởng thế nào đến lực lượng hải quân Trung Quốc. Nó cũng thể hiện qua việc các chiến hạm hiện đại nhất của hạm đội Nam Hải Trung Quốc, khu trục hạm lớp-065 đã phải nằm ụ vì những vấn đề kỹ thuật.

Tương quan lực lượng :

Việt Nam

HQ-16 (Lý Thường Kiệt)  HQ-05 (Trần Bỉnh Trọng) khu trục hạm hộ tống lớp Barnegal : tầm choán nước 2.800 tấn, vận tốc tối đa : 18 knots (33,7 km/h), 1 đại bác ở mũi cỡ 127mm, 2 súng cối đa năng 81mm, 10 đại bác 40mm liên thanh, gồm 4 khẩu 2 nòng quanh đài chỉ huy và 2 khẩu hai bên sau. Ngoài ra còn có thêm 6 đại bác 20mm bắn nhanh.

HQ-04 (Trần Khánh Dư) khu trục hạm hộ tống lớp Edsall tầm choán nước 1.590 tấn, vận tốc tối đa 21 knots (39 km/h). Tầu có 3 tháp súng, mỗi tháp súng có 1 đại bác 76,2mm nạp đạn tự động (bắn nhanh 20 phát/phút). Ngoài ra tàu có 2 đại bác 40mm bắn nhanh, 8 súng liên thanh 20mm. HQ-4 được trang bị radar trinh sát (DER - Destroyer Escort Radar) kết nối với 3 khẩu đại bác 76,2 ly nạp đạn tự động và có radar điều khiển (radar control) với khả năng tự dò tìm góc độ và tầm xa để "khóa chặt" (lock on) mục tiêu,

HQ-10 (Nhật Tảo) trục lôi hạm lớp Admirable tầm choán nước 650 tấn, vận tốc tối đa 14 knots (27,4 km/h). Trang bị 1 đại bác 76mm, 4 ổ 40mm, 6 ổ 20mm.

(theo Jane’s Fighting Ships, 1975-76)

Trung Quốc

Tầu săn ngầm (Submarine hunter/chaser) số 271 và 274 lớp Kronstadt ; tầm choán nước 310 tấn ; tốc độ tối đa 20,5 Knots (38 km. giờ). Vũ khí trang bị : 1 đại bác 85 mm đa năng ; 2 cỗ 37 mm ; 6 đại liên "Colt Browning" 12,7 mm.

Tầu vớt mìn viễn dương (Ocean minesweeper) số 389 và 396 Lớp 010 (Thự Quang) ; tầm choán nước 580 tần ; tốc độ tối đa 14 knots (27,4 km/giờ) vũ khí trang bị : 2 đại bác 37mm ; 2 ổ pháo đôi 25mm ; 2 ổ đôi đại liên 14.5 mm.

Tầu săn ngầm số 281 và 282 lớp Hải Nam mức choán nước 500 tần ; vũ khí trang bị : 2 đại bác 76,5mm. Hai tầu này đến Hoàng Sa sau khi trận đánh kết thúc thành ra không tham gia.

Diển biến trận đánh

Sáng ngày 19 tháng Giêng hải đoàn Việt Nam tiến gần đến hải đoàn Trung Quốc từ hai phía. HQ-04 và HQ-05 đi vòng qua đảo Quang Ánh (Money) và bãi ngầm Sơn Dương (Antelope Reef) từ phía nam tiến tới các đảo Quang Hòa Đông và Quang Hòa Tây (Palm và Duncan) trong lúc HQ-10 và HQ-16 đi băng qua vũng san hô trung ương của nhóm đảo Lưỡi Liềm từ phía Tây bắc. Phía Trung Quốc cử hai tầu 271 và 274 theo dõi HQ-04 và HQ-05 trong lúc hai tầu 396 và 398 ngăn chặn HQ-10 và HQ-16.

Sau một thời gian hai bên vờn nhau, không ai khai hỏa trước, nhằm phá vỡ thế tắc nghẽn, HQ-16 lấn vào băng qua giữa hai tầu Trung Quốc và thả hai đội biệt hải xuống hai đảo Quang Hòa Đông và Tây. Nhưng cả tại hai đảo này các toán biệt hải đều bị quân Trung Quốc đóng trên đảo đẩy lui phải rút về tầu. Tại đảo Quang Hòa Tây, một binh sĩ Việt Nam tử trận và ba người khác bị thương. Trong lúc vận hành để đổ bộ quân, HQ-16 húc vào tầu số 389 của Trung Quốc làm tầu này bị thiệt hại.

Cho đến lúc đó, cả hai bên đều chưa bắn môt phát nào vào nhau vì cả hai bên đều đợi bên kia khai hỏa trước theo lệnh trên. Nhưng khi thấy không thể dùng cách nào khác để đuổi được đối thủ ra khỏi vùng biển của mình, các chiến hạm Việt Nam chuyển sang đội hình tác chiến và bắt đầu khai hỏa vào tầu Trung Quốc.

Những loạt đạn đầu khiến cho chính ủy tầu 247 của Trung Quốc tử trận và làm tầu 389 bốc cháy và bắt đầu bị ngập nước. Phía Trung Quốc phản pháo và áp dụng chiến thuật tiến sát lại gần để đánh cận chiến (tiếng Hán贴身战 chiêm thân chíến) chống lại tầu Việt Nam lớn hơn nhưng khó điều khiển hơn và bắn chậm hơn. Mục tiêu của chiến thuật này là tiến gần đủ để cho hải pháo chính của tầu Việt Nam bắn vượt qua mục tiêu làm triệt tiêu ưu thế về tầm bắn và công phá của tầu Việt Nam. Tuy rằng hai tầu Viêt Nam tìm cách rút lui ra xa hơn nhưng các tầu Trung Quốc đã cắt ngắn khoảng cách giữa hai bên từ vài cây số đến chỉ còn vài trăm mét tầm mức mà ngay cả đại liên 12,7 mm cũng có thể tham dự, với các tầu 271 và 274 tập trung tấn công vào HQ-04 và 396 và 389 tấn công vào HQ-16. Pháo của tầu Trung Quốc tập trung và hệ thống chỉ huy liên lạc và radar nhằm làm mù và điếc tầu Việt Nam. Sau một loạt hỗn chiến HQ-04 bắt đầu bị bốc khói. Về phía bắc sau khi 396 và 389 đẩy lui HQ-16 chúng tập trung tấn công vào HQ-10. Trong lúc hổn chiến, hầm đạn của HQ-10 bị trúng một phát trực tiếp và nổ tung. Vào lúc này các tầu hai bên chỉ còn cách nhau có vài chục thước. Với tầm gần như vậy, thuyền trưởng tầu HQ-10 bị trúng đạn đại liên và tử trận.

Sau nhiều cố gắng để giải cứu cho HQ-10 bị chặn lại, cuối cùng HQ-16 phải rút ra vùng biển sâu. Và sau vài đợt trao đổi pháo kích khác, cuối cùng cũng rút ra khơi để lại HQ-10 đối đầu với 4 chiếc tầu Trung Quốc. Tuy nhiên tầu Trung Quốc 389 cũng bị thiệt hại nặng và phải nhờ hai tầu cá 402 và 407 kéo vào bãi cạn trên đảo Quang Hòa Đông để khỏi bị đắm. Vào lúc đó hai tầu tăng viện của Trung Quốc 281 và 282 cũng từ đảo Phú Lâm tới và thay thế các tầu kia của Trung Quốc tấn công vào HQ-10. Sau ba lần bị tấn công, cuối cùng HQ-10 bị đánh chìm vào lúc trưa tại phía nam bãi ngầm Sơn Dương. HQ-16 và HQ-04, HQ-05 lúc đó vẫn còn quanh quẩn tại phía tây nhóm đảo Lưỡi Liềm nhưng không tìm cách tái giao chiến với các tầu Trung Quốc nữa.

Với các chiến hạm của hải quân Việt Nam rút ra khỏi quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc đã mau chóng lợi dụng cơ hội để đánh chiếm các đảo còn lại của Việt Nam đặc biệt là đảo Hoàng Sa vốn có một trung đội binh sĩ Việt Nam trấn giữ. Ngoài ra, e ngại Việt Nam có thể gửi hải quân tăng viện để lấy lại, bộ tư lệnh Trung Quốc ra lệnh động viên một frigate, năm tầu phóng lôi và tám tầu tuần duyên để chuẩn bị chống lại nếu Việt Nam có tìm cách trở lại.

Khi trận chiến kết thúc, kết quả thắng thua đã thấy rõ. Phía Trung Quốc đã đánh đắm một chiến hạm và gây thiệt hại cho ba chiến hạm khác của Việt Nam, đánh chiếm ba đảo có quân của Việt Nam trấn giữ và kiểm soát toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Phía Việt Nam đánh hỏng một tầu Trung Quốc và gây thiệt hại cho ba tầu khác, nhưng để bãi chiến trường lại cho Trung Quốc và mất các đảo của quần đảo Hoàng Sa của mình.

Diển biến sau trận đánh

Ngay sau khi trận hải chiến kết thúc, phía Việt Nam đã chuẩn bị phục thù. Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam gởi hai khu trực hạm ra tăng cường cho Đà Nẵng và ra lệnh cho 6 chiến hạm khác chuẩn bị ra Hoàng Sa. Bộ tư lệnh quân lực Việt Nam cũng ra lệnh cho các đơn vị hải và không quân chuẩn bị cho chiến tranh. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đích thân bay ra Đà Nẵng để coi sóc việc chuẩn bị đồng thời yêu cầu sự trợ giúp của Hạm đội 7 của Mỹ nhưng bị Mỹ từ chối.

Phía Trung Quốc cũng e ngại một cuộc phục thù của Việt Nam và đặt toàn bộ các lực luợng tại đây trong tình trạng báo động. Hải quân Trung Quốc cũng điều động ba khụ trục hạm mang hỏa tiển đạn đạo lớp Thành Đô từ hạm đội Đông Hải xuống tăng cường cho hạm đội Nam Hải. Trang bị loại hỏa tiển tuần du (cruise missile) chống hạm SY-1, các chiến hạm này có một khả năng tác chiến vượt quá khả năng của các tầu của hạm đội Nam Hải cũng như của Việt Nam. Để rút ngắn thời gian, Mao Trạch Đông đích thân ra lệnh cho các tầu này thay vì đi ven biển hãy đi thẳng băng qua eo biển Đài Loan (con đường ngắn nhất đến Hoàng Sa) bất chấp mọi e ngại rằng các lực lượng Quốc Dân Đảng trên đảo Đài Loan và Bành Hồ quần đảo có thể phục kích các tầu này trên đường đi qua eo biển. Tiếng bạc của Mao thành công và ba tầu này đến Hoàng Sa bình yên. Hạm đội Nam Hải cũng động viên bốn tầu ngầm lớp Romeo đi tuần quanh Hoàng Sa và vùng biển giữa Đà Nẵng và Hoàng Sa (theo phía Trung Quốc, mặc dầu Hạm đội Mỹ từ chối không chịu giúp Việt Nam, nhưng tầu ngầm họ cũng phát hiện một tầu ngầm hạch nhân Mỹ loại tấn công theo dõi họ trong tất cả các hoạt động này).

Tuy nhiên mặc dầu tất cả những chuẩn bị, cuối cùng phía Việt Nam Cộng Hòa cũng bỏ việc tìm cách lấy lại Hoàng Sa, một phần là vào lúc đó tình hình trong nước cũng bắt đầu khó khăn hơn với việc gia tăng hoạt động của Cộng Sản trong nước và viện trợ Mỹ ngày một giảm sút.

Lượng định trận đánh

Vì sao Việt Nam Cộng Hòa với một lực lượng chiến thuyền tham chiến hùng mạnh hơn nhiều so với Trung Quốc lại bị thua trong trận hải chiến này ?

Phía Trung Quốc tự hào là chiến thắng này của họ nhờ vào tinh thần chiến đấu dũng cảm và khả năng tác chiến của sĩ quan và thủy thủ của họ, cũng như là chiến thuật cận chiến của Mao Trạch Đông tiến sát lại gần đối thủ để triệt tiêu ưu thế về hỏa lực của địch. Thế nhưng điều này không thể giải thích được thất bại của Việt Nam Cộng Hòa và chiến thuật cận chiến của Mao sau này khi áp dụng trong cuộc chiến Việt Trung năm 1979 đã chứng tỏ thất bại một cách thảm hại.

Về phía Việt Nam Cộng Hóa, Trung tá Lê Văn Thự, chỉ huy chiến hạm HQ-16 bị thiệt hại nặng nhất trong trận này (sau HQ-10) bị đánh chìm đã cực lực chỉ trích những khuyết điểm dẫn đến thất bại của hải quân Việt Nam. Ông viết : "Trong trận hải chiến Hoàng Sa, Hải Quân Việt Nam không có loại tàu thích hợp cho trận chiến. HQ-5, HQ-16, HQ-10 là loại tàu cồng kềnh, vận chuyển chậm, súng quay bằng tay nên theo dõi mục tiêu khó khăn cũng như nhịp bắn chậm. Chỉ có HQ-4 là tối tân, các súng đều điều khiển bằng điện, tốc độ bắn nhanh, radar có tầm xa, vận tốc chiến hạm cao. Nhưng HQ-4 lại gặp trở ngại kỹ thuật nên rút lui ngay từ đầu. Thêm vào đó, hải đội của Việt Nam Cộng Hòa tham chiến trận Hoàng Sa không có kế hoạch hành quân. Chỉ huy HQ-16 chỉ nhận được một lệnh duy nhất từ đại tá Ngạc đổ quân lên đảo Quang Hòa bằng bất cứ giá nào. Ngoài ra ông không biết gì về hoạt động của HQ-4 và HQ-5 cũng như nhiệm vụ của họ. Khi trận chiến diễn ra, ông cũng không biết đại tá Ngạc đã chia Hải đoàn thành hai phân đoàn : phân đoàn I gồm HQ-4 và HQ-5, phân đoàn 2 gồm HQ-10 và HQ-16. Vì không có kế hoạch hành quân nên máy truyền tin bị Trung Quốc phá sóng không liên lạc được mà không có tần số dự trù thay thế nên hạm đội phải dùng máy PRC-25 liên lạc với nhau vì thế việc liên lạc không được liên tục, ổn định".

Trung tá Thự cũng chỉ trích đặc biệt hai tầu HQ-04 và HQ-05 được phân công là chủ lực nhưng lại không tích cực chiến đấu mà chỉ đứng bên ngoài chờ đợi rồi "bắn vào lòng chảo năm bảy phát trước khi rút lui". Thành ra hai tầu HQ-16 và HQ-10 tuy rằng trên nguyên tắc chỉ đóng vai trò yểm trợ lại phải giao chiến với 4 tầu Trung Quốc nên thiệt hại nặng.

Còn Đại tá Hồ văn Ngạc, chỉ huy trưởng hải đội tại Hoàng Sa, thì công nhận rằng trong cuộc hải chiến Hoàng Sa ông đã bị "bị bất ngờ về chiến thuật của địch, có sự sai lầm về ước tính tình báo và nhầm lẫn về chiến thuật điều quân".

Theo giáo sư Toshi Yoshihara của trường Đại học Hải Quân Hoa Kỳ (Naval War College) trong bài nhận định về hải chiến Hoàng Sa thì chiến thắng của Trung Quốc phần lớn nhờ vào những sai lầm của Việt Nam. Theo ông sai lầm lớn nhất là hải quân Việt Nam đã chia lực lượng cùa mình thành hai phân đội trong giai đoạn tiến gần tới trận đánh. Nếu phía Việt Nam tập trung lục lượng và hỏa lực thì có thể lần lượt đánh chìm các tầu Trung Quốc. Ngoài ra việc HQ-16 lấn vào giữa các tầu Trung Quốc là một hành dộng thiếu thận trọng vì nó đánh vào đúng ưu điểm của Trung Quốc trong lúc triệt tiêu ưu thế của Việt Nam về hỏa lực và tầm bắn. Nếu phía Việt Nam đứng từ xa bắn vào thì họ có thể tránh được tình trạng cận chiến vốn làm lợi cho đối thủ của họ rất nhiều. Phía Trung Quốc cũng được lợi nhờ vào thời tiết tốt. Cuộc chiến xảy ra đúng vào mùa gió mùa đông bắc nơi mà những đợt gió có tộc độ trên 40 hải lý có thể đổ vào Viễn Đông bất cứ lúc nào. Nếu một trận bão như vậy xảy ra thì các tầu nhỏ của Trung Quốc khó có thể hoạt động được trong lúc biển động như vậy.

Nói tóm lại nếu gặp phải một đối thủ khác và một thời tiết khác thì kết quả cũng sẽ khác hẳn. Thành ra Trung Quốc có thể đã rút ra một bài học sai lầm cho trận đánh, mà họ coi như là một chiến thắng vẻ vang. Đối diện với một hải quân có khả năng hải chiến thực sự, lực lượng Trung Quốc khó mà chiến thắng.

Lê Mạnh Hùng

Tài liệu tham khảo :

Việt Nam :

Đỗ Kịểm & Julie Kane, Counterpart : A South Vietnamese Naval Officer’s War (Annapolis, Md. : Naval InstitutePress, 1998)

Hà Văn Ngạc, Tường thuật trận hải chiến lịch sử Hoàng Sa, Nguyệt San Đoàn Kết, Austin, Texas

Lê Văn Thự, Sự Thật Về Trận Hải Chiến Hoàng Sa, báo Thời Luận, Los Angeles, 3/2004

Trung Quốc

Vương Chuyên Hữu, Hồ Diên Ba và Quách Hồng Bân : 海防安全论 (Hải phòng an toàn luận)Beijing : Haiyang, 2007, pp. 86-88

Phương Công Lợi, Dương Học Quân và Tương Vỹ : 中国人民解放军海军60 (1949-2009) (Trung Quốc Nhân Dân Giải Phóng Quân 60 Niên (1949-2009), Qingdao, Qingdao 2009

Anh Ngữ

Hayton, W The South China Sea : The Struggle for Power in Asia (New Haven, Conn. : Yale Univ. Press, 2014)

 

Yoshihara. Toshi : The 1974 Paracels Sea Battle : A Campaign Appraisal Naval War College Review, Spring 2016 pp 41-65

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lê Mạnh Hùng
Read 1170 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)