Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

23/02/2019

Quan hệ Việt-Đức trở lại bình thường sau vụ Trịnh Xuân Thanh ?

Nhiều tác giả

‘Đưa quan hệ Đối tác chiến lược tiếp tục phát triển sâu rộng’ : Lại dối trá !

Thường Sơn, VNTB, 23/02/2019

Lần đầu tiên kể từ khi Nhà nước Đức cáo buộc bị mật vụ Việt Nam sang tận Berlin bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vào tháng 7 năm 2017 và gây ra cơn địa chấn khủng hoảng ngoại giao quan hệ Đức - Việt, đến nay một ít tờ báo nhà nước Việt Nam mới dám hé lộ sự thật về ‘khôi phục quan hệ Việt - Đức’.

ducviet1

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas và Ngoại trưởng Phạm Bình Minh cùng với 2 phái đoàn hội đàm vào ngày 20.02.2019 tại Berlin (Foto : Auswärtiges Amt © Thomas Trutschel /thoibao.de)

Tờ báo mà gần đây được xem là ‘thân đảng’ như Thanh Niên, với tựa đề "Đức muốn 'làm mới' quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam" - là một trong số tờ báo hiếm hoi trên mà có lẽ đã quá chán ngán cái cảnh ‘đảng và nhà nước ta’ phủ áo lên mặt cố che giấu một sự thật đã từ lâu rành rành trong dư luận xã hội.

Nhưng nhiều tờ báo đảng vẫn dối trá không biết liêm sỉ : "Đưa quan hệ Đối tác chiến lược tiếp tục phát triển sâu rộng", hay ‘Thắt chặt quan hệ đối tác chiến lược với Đức’…

Vậy ‘đối tác chiến lược’ ấy thực chất ra sao ?

2 tháng sau khi ra thông báo phản đối Việt Nam về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, Nhà nước Đức đã tuyên bố tạm ngừng vô thời hạn vào tháng 9 năm 2017. Tháng tiếp theo, Đức hoãn thêm một hiệp định về miễn thị thực cho cán bộ Việt Nam đi công tác ở Đức. Cùng lúc , hàng loạt chương trình viện trợ kinh tế - xã hội của Đức cho Việt Nam cũng bị đình hoãn.

Hơn một năm rưỡi qua, trong lúc phía Việt Nam vẫn chưa chịu trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức và ‘xin lỗi, cam kết không tái phạm’ về vụ này, quan hệ Đức - Việt đã hầu như đóng băng, khiến giá trị giao thương song phương giữa hai nước có phần sút giảm, đặc biệt là hàng Việt Nam khó khăn hơn khi vào thị trường Đức - thị trường mà nhờ đó hàng năm Việt Nam xuất siêu được đến 5 tỷ Euro.

Vào tháng 11 năm 2017, lần đầu tiên phía Đức bắn tiếng ‘phục hồi quan hệ đối tác chiến lược’, cùng lúc với quá trình đàm phán vụ Trịnh Xuân Thanh tưởng đâu đã có lối ra. Nhưng sau đó phía Việt Nam lại ngậm miệng và tất cả chìm vào bóng tối. 

Còn vào lần này, tháng 2 năm 2019 - lần đầu tiên mà cấp bộ trưởng ngoại giao như Phạm Bình Minh công cán đến Đức kể từ vụ khủng hoảng Trịnh Xuân Thanh, những điều kiện cho triển vọng phục hồi đối tác chiến lược đã không còn dễ thở như năm 2017.

"Trong thời gian qua đã có những khác biệt có thể nhận thấy rõ rệt giữa Đức và Việt Nam – đặc biệt là vì vụ bắt cóc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh ở Berlin. Hôm nay chúng tôi đã trao đổi với nhau về việc chúng tôi có thể điều chỉnh lại mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Đức như thế nào và làm sao có thực chất trở lại. Theo quan điểm của chúng tôi, một quan hệ đối tác chiến lược cũng bao gồm sự tôn trọng các giá trị chung, đặc biệt là tôn trọng nhân quyền phổ quát" - một thông cáo báo chí cho biết như thế sau cuộc họp của Ngoại trưởng Đức Heiko Maas với Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh tại Berlin.

Một từ ngữ đặc biệt mà Ngoại trưởng Đức Heiko Maas dùng là ‘điều chỉnh’ trong quan hệ đối tác chiến lược, nếu quan hệ này được phục hồi. Điều đó có nghĩa là sẽ có những thay đổi, thậm chí là thay đổi đáng kể về nội dung quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

Hoàn toàn có thể hiểu rằng kể từ nay trở đi và chỉ sau khi Trịnh Xuân Thanh được trao trả lại cho Đức, quan hệ đối tác chiến lược mới được đàm phán lại, nhưng sẽ được bổ sung vào đó ít nhất nội dung nhân quyền.

Còn nếu chính quyền Việt Nam vẫn không chịu trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức và không có bất kỳ cải thiện nào về nhân quyền, cái gọi là ‘đưa quan hệ Đối tác chiến lược tiếp tục phát triển sâu rộng’ trên mặt báo đảng Việt Nam sẽ biến thành một vết đen đúa không cách nào tẩy xóa được khi quan hệ đối tác chiến lược này sẽ bị người Đức thẳng tay hủy bỏ.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 23/02/2019

*********************

'Chỉ có Đức mới cần Việt Nam' (!?)

Phương Thảo, VNTB, 23/02/2019

Chuyến công du tới Đức không chính thức lần này của ông Phạm Bình Minh không gì khác hơn là nhằm hâm nóng lại mối quan hệ giữa Đức và Việt Nam đã bị đóng băng từ năm 2017 sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

ducviet2

'Chỉ có Đức mới cần Việt Nam' (!?)

Nói láo quen mồm ...

Báo chí Việt Nam đã đưa tin " Đức muốn nối lại quan hệ với Việt Nam" và trong đó đã lặp lại thông tin rằng hai quốc gia Việt-Đức đã có những điều khác biệt kể từ khi Trịnh Xuân Thanh trở về nước đầu thú hơn một năm rưỡi về trước.

Vậy là cho đến giờ họ vẫn có thể nói ngược được như thể người dân trong nước không ai biết gì hoặc không người dân nào có thể đọc được các thông tin chính thức được chính quyền Đức đưa ra. 

Có những điều truyền thông lề phải không dám nhắc đến vì không được phép mở miệng như việc ông Đại sứ Việt Nam ở Đức đã phải chờ mấy tháng trời mới được phép trình quốc thư bổ nhiệm Đại sư lên tổng thống Đức. Ông Nguyễn Minh Vũ đã được bổ nhiệm làm tân Đại sứ của Việt Nam tại Đức sau từ ngày 25 tháng 7 năm 2018 để thay thế ông Đoàn Xuân Hưng, nhưng cho đến tận cuối tháng 12 ông Vũ mới đến Đức. 

Báo Đảng cũng không nhắc đến việc ông Phúc tại Davos hồi cuối tháng 1 năm 2019 cũng đã phải tránh mặt không dám gặp bà Merkel để hối thúc bà và nước Đức thúc đẩy việc ký kết EVFTA như đã hào phóng và hồ hởi đưa tin ông Phúc đã lên tiếng nhờ vả lãnh đạo các quốc gia châu Âu và chủ tịch các tập đoàn kinh tế lớn giúp cho thoả thuận EVFTA sớm được Quốc hội Châu Âu thông qua. 

Báo đảng lại càng tuyệt nhiên không dám đề cập đến việc Trinh Xuân Thanh đã bị mật vụ Việt Nam bắt cóc ngay trên đất Đức dưới sự chỉ huy của ông tướng Công an Tô Lâm người vừa mới được phong hàm Đại Tướng mới đây khiến cho mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Đức đã bị đình chỉ từ ngày 27 tháng 9 năm 2017. Chính ông cựu đại sứ Đoàn Xuân Hưng cũng đã từng được báo chí Đức nhắc đến tên vì đã cho nhốt Trịnh Xuân Thanh 2 ngày tại Đại sứ quán trước khi bi bắt đưa về Hà Nội qua ngả Slovakia đồng thời gây tổn hại luôn mối quan hệ với quốc gia Đông Âu anh em Slovakia. 

Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Đức về cuộc gặp gỡ với ông Phạm Bình Minh mới đây đã cho biết hai bên đang xem xét điều chỉnh lại mối quan hệ đối tác chiến lược và rằng " đã từng có những khác biệt đáng chú ý giữa Đức và Việt Nam - đặc biệt là vì vụ bắt cóc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh ở Berlin". Nhưng báo chí Việt Nam và cơ quan chủ quản lại một lần nữa lại bỏ qua chi tiết quan trọng này và không muốn thừa nhận sự thật một cách công khai. 

Chỉ có Đức cần !?

Đảng, ban tuyên giáo và báo chí lề phải cứ làm như vì Đức cần Việt Nam nên "muốn nối lại quan hệ chiến lược" chứ Việt Nam chẳng cần phải cạy cục gì.

Nhưng thực tế cho thấy các cán bộ ngoại giao Việt nam đã phải chạy xấp ngửa ngược xuôi kể từ tháng 9 năm 2017 để hầu mong nối lại được quan hệ ngoại giao chiến lược mà Đức đã đơn phương đình chỉ sau khi Việt Nam không đáp ứng yêu cầu trả lại Trịnh Xuân Thanh cho phía Đức. 

Tháng 11 năm 2018, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt nam Bùi Thanh Sơn mới có mặt ở Berlin. Tin tức về vụ Trịnh Xuân Thanh không được đưa ra nhưng cả ông Sơn lẫn ông Đoàn Xuân Hưng đều tiết lộ " mối quan hệ chiến lược sẽ có những tiến triển mới" và phát triển mạnh hơn trong tương lai.

Mãi cho đến cuối tháng Hai năm 2019, Việt Nam mới được Đức chấp thuận cho cấp bộ trưởng có một chuyến công du không chính thức đến nước này mà ai cũng có thể hiểu được là chuyện được ưu tiên trong chương trình nghị sự sẽ lại vẫn là Trịnh Xuân Thanh, nguyên nhân chính của khủng hoảng ngoại giao Đức Việt. 

Nếu không nối kết lại quan hệ đối tác chiến lược thì ai sẽ thiệt ? 

Thương mại song phương Đức và Việt Nam lên tới 13,8 tỷ Euro trong năm 2018, trong đó 9,7 tỷ Euro là hàng nhập khẩu từ Việt Nam và 4,1 tỷ euro xuất khẩu sang Việt Nam. Nếu EVFTA được ký kết thì có khả năng kim ngạch thương mại hai nước sẽ tăng lên mức 20 tỷ đô la vào năm tới. Một con số đáng kể cho Hà Nội.

Chỉ có Đức cần thì tại sao từ vài năm nay cứ mỗi lần quan chức Việt Nam sang công cán ở EU lại nghe nói đến "mong muốn được EU sớm thông qua EVFTA". Hết báo đài tới quan chức cứ trông cho EVFTA được thông qua cuối năm 2018 rồi lại phải dời mong muốn vào quý một năm 2019 rồi lại tiếp tục nuôi hi vọng trước tháng 4.

Trong lần ông Phạm Bình Minh đi Đức lần này, người đồng cấp của ông, ông Maas, cuối cùng cũng đã đưa cho Hà Nội củ cà rốt khi cho biết sẽ "tác động" vào việc phê chuẩn hiệp định thương mại EVFTA.

Còn giờ chưa có được EVFTA thì Phạm Bình Minh lại ngỏ lời xin viện trợ ODA của Đức tạm vậy. 

Đức cần Việt Nam thật ! 

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Đức đã nêu rõ điều Đức cần ở Việt Nam đó là"sự tôn trọng các giá trị chung, đặc biệt là tôn trọng các quyền con người phổ quát". 

Cái cần đầu tiên mà phía Đức đã nói rõ từ tháng 9 năm 2019 là Trịnh Xuân Thanh. Không phải Đức cần bản thân Trịnh Xuân Thanh nhưng đó là biểu tượng của sự tôn trọng pháp luật của một quốc gia có chủ quyền, một trong những giá trị chung mà Việt Nam đã không thèm đếm xỉa đến hồi tháng 8 năm 2017. Phía Đức vẫn đang tiến hành điều tra vụ việc và chắc chắn sẽ đi cho tới cùng. 

Hà Nội vẫn cứ trì hoãn không chịu đáp ứng nhu cầu của Đức. Báo bên nhà vẫn cứ lải nhải nhắc cho dân chúng biết bắt được Trịnh Xuân Thanh " về nước đầu thú" là nước cờ cao tay của kỳ thủ đốt lò theo luật rừng rồi bỏ mặc cho chính phủ và bộ Ngoại giao phải đi hàn gắn khủng hoảng ngoại giao với Đức. Trịnh Xuân Thanh có được trở lại Đức hưởng hậu vận nhàn hạ hay không vẫn còn phải "hạ hồi phân giải" vì Tổng Chủ vẫn né chưa quyết gì. 

Đức cần Việt Nam tôn trọng quyền con người. Cái quyền này lại là một thứ xa xỉ ở quốc gia cộng sản cầm quyền khi ngay đầu năm họ đã ban hành luật An ninh Mạng để bóp chặt quyền tự do ngôn luận, bỏ tù hàng trăm nhà bất đồng chính kiến chỉ vì dám lên tiếng phản đối chính quyền. Những quyền tự do tôn giáo, tự do hội họp, biểu tình, tự do tôn giáo, công đoàn độc lập… đều được nhà cầm quyền cho vào cái khung " tự do trong khuôn khổ" để biện minh cho các cáo buộc xâm phạm nhân quyền liên tục trong thời gian qua. 

Nhưng không chỉ có Đức và Châu Âu lại cũng cần Việt Nam ở đây. Châu Âu trước giờ vốn không gắt gao về vấn đề nhân quyền, nhưng cho đến giờ, Châu Âu lại sử dụng cây gậy nhân quyền để buộc Việt Nam phải chấp nhận và thực thi các giá trị lâu đời nhằm đảm bảo quyền con người thật sự cho người dân Việt Nam.

Phương Thảo

Nguồn : VNTB, 23/02/2019

**********************

Việt Nam lại hứa hẹn sẽ trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức ?

Thường Sơn, VNTB, 22/02/2019

Người ‘ăn ốc’ chưa bao giờ lộ mặt mà toàn bộ quy trình đàm phán vụ Trịnh Xuân Thanh chỉ phó thác cho Bộ Ngoại giao Việt Nam...

ducviet3

Thông báo mới nhất từ Ngoại trưởng Đức Heiko Maas vào ngày 20/2/2019 cho thấy cuộc đàm phán về vụ Trịnh Xuân Thanh giữa Việt Nam và Đức đã một lần nữa nhuốm chút hy vọng ‘phục hồi quan hệ đối tác chiến lược’ giữa hai nước - quan hệ mà Nhà nước Đức đã tuyên bố tạm ngừng vô thời hạn vào tháng 9 năm 2017 - 2 tháng sau khi ra thông báo phản đối Việt Nam cho mật vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin.

Sau khi kết thúc cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh, Bộ Ngoại giao Đức đã ra một bản tin và một Thông cáo báo chí, trong đó Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức Heiko Maas đã nhấn mạnh mối quan tâm của ông đến một sự hợp tác chặt chẽ dựa trên sự tôn trọng các giá trị chung :

"Trong thời gian qua đã có những khác biệt có thể nhận thấy rõ rệt giữa Đức và Việt Nam – đặc biệt là vì vụ bắt cóc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh ở Berlin. Hôm nay chúng tôi đã trao đổi với nhau về việc chúng tôi có thể điều chỉnh lại mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Đức như thế nào và làm sao có thực chất trở lại. Theo quan điểm của chúng tôi, một quan hệ đối tác chiến lược cũng bao gồm sự tôn trọng các giá trị chung, đặc biệt là tôn trọng nhân quyền phổ quát". (Thoibao.de)

Cách nói mở đường của Maas cho thấy nhiều khả năng Phạm Bình Minh đã hứa hẹn ‘Việt Nam sẽ trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức’.

Tuy nhiên theo thông tin từ phía Bộ Ngoại giao Đức và được giới truyền thông quốc tế đưa tin, trước đây Việt Nam cũng đã hứa hẹn không dưới một lần về ‘Việt Nam sẽ trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức’, nhưng sau đó bặt tăm.

Liệu có gì bảo chứng cho những hứa hẹn của Phạm Bình Minh vào lần này, không chỉ bởi bộ ngoại giao của ông Minh đã ‘hứa lèo’ không ít lần với Đức, mà còn bởi trọng lượng thật sự của Ủy viên bộ chính trị Phạm Bình Minh đã được lịch sử chứng minh là khá nhẹ cân.

Người ta vẫn còn nhớ một sự kiện bi hài chính trị : 3 tháng sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, Đảng cộng sản Việt Nam tổ chức Hội nghị trung ương 6, trong đó Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh hiện ra với bản báo cáo chuyên đề về… dân số.

Về sau này, nhiều thông tin không chính thức cho rằng ông Minh đã bị thất sủng từ sau vụ Trịnh Xuân Thanh với lý do tế nhị là ông ta không muốn bị biến thành kẻ ‘đổ vỏ’. Còn trên bình diện ngoại giao, đã có những dấu hiệu cho thấy Phạm Bình Minh và bộ ngoại giao của ông ta muốn ‘chạy làng’ khỏi vụ Trịnh Xuân Thanh.

Vậy có giá trị gì cho lời hứa của một đương sự ‘đổ vỏ’, trong khi ngồi trên ông ta mới có thể là một đương sự khác - chính là người ‘ăn ốc’ - nhưng có quyền lực mang tính quyết định hơn nhiều, người mà nếu chính miệng ông ta nói rằng ‘sẽ trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức’ thì người Đức mới có chút cơ sở để tin đó là sự thật.

Nhưng bởi người ‘ăn ốc’ chưa bao giờ lộ mặt mà toàn bộ quy trình đàm phán vụ Trịnh Xuân Thanh chỉ phó thác cho Bộ Ngoại giao Việt Nam, chẳng có gì chắc chắn là báo cáo và kiến nghị của Phạm Bình Minh sau cuộc đàm phán với Đức vào tháng 2 năm 2019 sẽ nhận được cái gật đầu dễ dàng của ‘Tổng chủ’.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 22/02/2019

Quay lại trang chủ
Read 708 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)