Cuộc bầu cử tổng thống Pháp đang bước vào hiệp cuối vô cùng căng thẳng, với nhiều màn bi hài kịch. Cuối năm qua, qua cuộc bầu cử sơ bộ, đảng Xã hội đã cử đại biểu của mình để vào vòng cuối vào tháng 4 và tháng 5/2017, là ông Benoit Hamon 50 tuổi, vốn là thủ tướng dưới thời Tổng thống François Hollande. Cánh hữu và cánh trung qua bầu cử sơ bộ cũng cử ra đại biểu của mình là ông François Fillon từng là thủ tướng dưới thời Tổng thống Nicolas Sarkozy. Trong khi đó ông Emmanuel Macron, 38 tuổi, nguyên bộ trưởng kinh tế tuyên bố lập Phong trào "En marche" (Hành quân), không tả mà cũng không hữu, ra ứng cử, trong khi các nhân vật rất đáng chú ý là Tổng thống Hollande không ra ứng cử, còn nguyên Tổng thống Sarkozy và nguyên Thủ tướng Alain Juppé ra ứng cử đều bị loại ngay từ vòng đầu của các đảng hữu và trung ngày 20/11/2016, do bị ông Fillon vượt qua.
Ứng cử viên François Fillon của đảng Cộng Hòa phát biểu tại một cuộc mít tinh ở Paris, ngày 5/3/2017.
Cuộc bầu cử vòng cuối sẽ diễn ra ngày 23/4/2017, gồm có các ứng cử viên François Fillon của đảng Cộng Hòa, Benoit Hamon của đảng Xã hội, Emmanuel Macron của Phong trào Hành quân, bà Marie le Pen của đảng Quốc gia, Jean-Luc Mélenchon của đảng cánh Tả... và một vài ứng cử viên khác ít ảnh hưởng. Nếu cuộc bầu này không có ai đạt trên 50% số phiếu bầu thì cuộc bầu cuối cùng sẽ diễn ra ngày 7/5/2017 để chọn 1 trong 2 người có nhiều phiếu nhất trong cuộc bỏ phiếu ngày 23/4. Người thắng sẽ là tổng thống mới của nước Pháp.
Trong tháng 11/2017, đa số dư luận và các cuộc thăm dò dư luận đều cho rằng cuộc đọ sức cuối cùng sẽ là cuộc đọ sức giữa bà le Pen và ông Fillon hoặc là giữa bà le Pen và ông Macron. Và bà le Pen sẽ thua, có nhiều khả năng ông Fillon sẽ thắng.
Thế nhưng đầu tháng 12/2017, báo le Canard enchainé đăng tin động trời về chuyện nguyên thủ tướng và nguyên đại biểu quốc hội Fillon đã tham ô một số tiền lớn gần 1 triệu Euro dưới danh nghĩa trả phụ cấp cho những trợ lý của mình gồm có vợ và 2 con, mà những người này không hề đến cơ quan để làm việc, thường gọi là "làm việc ma trơi" (emploi fictif). Tòa án và ngành tư pháp đã vào cuộc, mở nhiều cuộc điều tra, xem xét các hồ sơ cũ, cho biết sẽ có thể truy tố ra trước tòa và xử lý theo luật.
Thái độ của ông Fillon trước các cáo buộc trên là bác bỏ mọi lời lên án, nhưng không thể tự chạy tội hoàn toàn. Ông nhận một số thiếu sót là trả lời chậm trễ và xin lỗi nhưng cho rằng ông là người trong sạch trong suốt 36 năm cầm quyền, ông tuyên bố chỉ bỏ cuộc tranh cử khi bị đưa ra trước tòa án, sau lại tuyên bố chỉ bỏ cuộc khi bị tòa án tuyên án do phạm luật.
Dư luận xã hội ngày càng nghi ngờ, tỷ lệ tín nhiệm của ông do các hãng thăm dò đưa ra giảm từ gần 50% xuống dưới 20%. Chắc chắn ông sẽ bị loại ngay từ ngày đầu của vòng cuối ngày 23/4 tới. Công luận Pháp cho rằng cái vụng về của ông Fillon là đã xúc phạm ngành tư pháp, hô hoán lên rằng ông ta là nạn nhân của một cuộc đảo chính mang tính chất nội chiến, một cuộc chơi xấu do cánh tả của ông Hollande dựng lên, mà không đưa ra được bằng chứng nào. Trên Facebook, truyền đi kiến nghị mang hàng chục ngàn chữ ký đòi ông Hollande phải hoàn lại gần một triệu tiền tham ô và đòi tòa án cần xử lý đến cùng. Tất cả công luận và thăm dò đều cho rằng nếu ông Fillon hiểu rõ tình hình, tự nguyện rút lui và tự nguyện nhường chỗ cho ông Juppé thì ông Juppé sẽ thắng ngay từ cuộc bầu ngày 23/4, và chắc chắn sẽ trúng cử trong cuộc bầu cuối ngày 7/5/2017. Ông Juppé và lãnh đạo đảng Cộng hòa cũng chỉ mong chờ điều ấy từ ông Fillon, hy vọng ở thái độ có công tâm, tự nguyện của ông Fillon, nhưng điều này đã không xảy ra, vì ông Fillon vẫn còn quá ư ảo tưởng tự tin về cá nhân mình. Phần lớn ban lãnh đạo đảng Cộng hòa cũng cố thuyết phục ông Fillon nên vì đại cuộc, vì lợi ích của đảng Cộng hòa mà nhường chỗ cho ông Juppé, hoặc là nhường cho ông François Baroin, 52 tuổi, nguyên bộ trưởng kinh tế. Cái kẹt của đảng Cộng hòa là đảng không có quyền ép cá nhân đảng viên phải phục tùng đa số trong đảng, vì theo Hiến pháp và thể lệ bầu cử đây là quyền bất khả xâm phạm của từng công dân, không một tổ chức nào có quyền vượt qua. Hoàn toàn không như dưới chế độ độc đoán phản dân chủ, đảng quyết theo đa số là mọi đảng viên buộc phải tuân theo.
Ngày 5/3, Ban vận động bầu cử của ông Fillon tổ chức một cuộc mít tinh lớn giữa Paris ở quảng trường Trocadéro để ủng hộ ông Fillon. Ông Fillon càng tự tin tuyên bố mạnh mẽ, dù thế nào cũng không bỏ cuộc. Một cuộc họp của ban lãnh đạo đảng Cộng hòa đành phải theo và trong cơn bế tắc đành kêu gọi sự tập họp mới sau lưng ông Fillon, một nghị quyết cực chẳng đã, đầy đắng cay và hậu quả khôn lường. Báo Huffington Post nhận định đây là một cuộc tự sát tập thể của đảng Cộng hòa, có thể ví với cuộc đắm tàu bi đát lớn nhất thế kỷ của tàu viễn dương hiện đại mang tên Titanic tháng 4/1912 gây nên cái chết tập thể rùng rợn từ từ của hơn 1.500 con người.
Chính vì vậy mà bi kịch và ác mộng của ông Fillon và của đảng Cộng hòa Pháp chưa chấm dứt mà còn trầm trọng hơn. Sự cứng cỏi ra vẻ vững vàng nhưng cứng đầu, cá nhân, bướng bỉnh của ông Fillon không chắc gì mang lại kết quả tốt đẹp như mong muốn.
Theo thăm dò mới nhất đáng tin cậy chiều 7/3, trong cuộc bỏ phiếu vòng cuối, ngày 23/4 tới, bà Le Pen sẽ dẫn đầu với tỷ lệ 36%, ông Macron thứ nhì với 25%, ông Fillon thứ 3 với 19%, ông Hamon chỉ đạt 13% và ông Mélenchon 12%. Hầu như chắc chắn ông Fillon sẽ bị loại. Trong cuộc bỏ phiếu chót ngày 7/5 hầu như chắc chắn ông Macron sẽ trúng cử. Phong trào "Hành quân" của ông chỉ vài tháng đã có 97.000 người tham gia, phần lớn là tuổi trẻ và trí thức. Một nhân vật không thuộc phe tả cũng chẳng thuộc phe hữu, ông tự nhận phong trào này là của chung người Pháp, từ tả sang hữu.
Cơ hội cuối cùng của đảng Cộng hòa và ông Fillon là kêu gọi sự hậu thuẫn của đảng Liên minh Dân chủ Độc lập của Christine Lagarde và Jean-Louis Borloo, thuộc cánh trung, nhưng các vị này đã làm ngơ khi thấy con tàu Cộng hòa đang đắm. Cần chỉ rõ thêm là ông Fillon chủ trương thân thiện với nước Nga của ông Putin trong chính sách đối ngoại.
Chỉ còn hơn 40 ngày đến vòng bỏ phiếu quyết định. Ông Fillon kiên trì tổ chức các cuộc diễn thuyết khắp nơi. Nhưng so sánh lực lượng hiện nay là hầu như cố định, khó có thể đổi khác. Có nhiều khả năng là ông Macron, nhà nghiên cứu 38 tuổi, ứng cử viên trẻ nhất, ít người biết đến, người xóa bỏ ranh giới tả hữu, trung, sẽ trúng cử, đẩy lùi khả năng trúng cử của bà le Pen thuộc phe cực hữu, con người mà các nhà dân chủ và nhân dân Pháp rất e ngại và đề phòng. Các hãng thăm dò cho biết tỷ lệ người đi bỏ phiếu vòng cuối sẽ thấp, vì chất lượng tranh cử thấp, các chương trình ná ná như nhau, không có sự lựa chọn hay ho, lý thú, bị vướng vào các nhược điểm tư cách cá nhân, khiến các cử tri chán ngán.
Xem ra đảng Cộng hòa là đảng nổi trội nhất từ nền cộng hòa thứ V sau Thế chiến II, với các Tổng thống Charles de Gaulle, George Pompidou, Giscard d'Estaing, Jacques Chirac và Sarkozy đang lâm vào thế yếu chưa từng có. Đảng Xã hội là lực lượng thứ 2 với 2 Tổng thống Mitterrand (3 khóa) và Hollande cũng lâm vào khủng hoảng sâu sắc. Phong trào "Hành quân" của ông Macron bao gồm cả tả, hữu và trung có thể mở ra một thời kỳ chính trị mới cho nước Pháp chăng ? Ta hãy chờ kết quả cuối cùng vào tối 7/5 tới.
Bùi Tín
Nguồn : VOA, 11/03/2017