Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/02/2019

Hà Nội muốn đưa kinh tế chưa quan sát vào GDP

Thanh Trúc

Băn khoăn về việc Hà Nội muốn đưa Kinh tế chưa quan sát vào GDP

Chính phủ Hà Nội đã phê duyệt đề án đưa khu vực kinh tế chưa quan sát vào việc tính toán GDP trong thời gian tới. Mục tiêu được nói nhằm thể hiện một cách đầy đủ qui mô của một nền kinh tế theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế đồng thời phù hợp với bối cảnh thực tế.

gdp1

Nhiều mặt kinh tế Việt Nam, ảnh minh họa - AFP

Nếu khu vực kinh tế chưa quan sát (gồm kinh tế ngầm và kinh tế không chính thức) được phản ánh hết thì qui mô GDP sẽ tăng lên và hiển nhiên dư địa nợ công đầu tư cho nhu cầu phát triển cũng tăng theo.

Đó là phần mở đầu bài viết trên trang Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn số ra ngày Chúa Nhật 24 tháng Hai 2019 của tác giả Phan Minh Ngọc. Theo người viết thì qui mô GDP tăng sẽ kéo theo dư địa đầu tư công tăng nhưng xét kỹ thì tình thế cũng không mấy ổn.
Theo chuyên gia tài chính Ngô Trí Long, có nhiều ý kiến cho rằng cách tính GDP của Việt Nam là không bao gồm khu vực kinh tế chưa được quan sát. Ông cho biết tổng sản phẩm của khu vực chưa được quan sát tầm 25% đến 30% một năm, vì thế yêu cầu lúc này là nên tính thêm kinh tế chưa quan sát và phải đưa nó vào GDP :

Chính vì vấn đề này mà khi Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế IMF sang Việt Nam thì thủ tướng cũng có đề nghị giúp đỡ. Theo tôi được biết thì chính phủ đang giao cho Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư làm phương án này, hiện nay Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư đã có Dự Thảo và đang xin ý kiến các bộ.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Kinh Tế Và Chính Sách Đại Học Kinh Tế Quốc Gia Hà Nội, giải thích khái niệm kinh tế chưa quan sát khác với kinh tế chính thức như thế nào :

Gọi là kinh tế chưa quan sát được tức là chưa thống kê được, ta vẫn gọi là kinh tế phi chính thức, là informal sector, Còn khu vực gọi là formal sector tức là những đơn vị kinh tế có đăng ký với chính quyền để được bảo hộ về mặt pháp luật.

Thông qua việc đăng ký để được bảo hộ thì mới thống kê được các cơ sở kinh tế chính thức đó. Nay tôi hiểu là họ đang muốn thống kê luôn cái khu vực informal sector kinh tế phi chính thức mà trước giờ không thống kê được. Bằng bất kỳ hình thức nào thí dụ như thông qua các cơ quan đăng ký của Nhà Nước hay Ngân Hàng. chuyển khoản hay quan thuế vân vân….

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh cần phân biệt rạch ròi khi nhắc đến những thuật ngữ mà báo chí trong nước đang sử dụng với nội dung này như kinh tế phi chính thức và kinh tế ngầm :

Nó khác nhau về mặt phân chia, khu vực kinh tế ngầm hàm ý mang tính chất illegal bất hợp pháp, là những hoạt động mà xã hội hay pháp luật không thừa nhận, Còn phi chính thức thì như một bà bán rau, bà vẫn là người đàng hoàng và sống bằng nghề bán rau, bà không ngầm không phi pháp gì cả nhưng hoạt động bán rau ngoài chợ thì không ai ghi lại cả, bà thuộc về khu vực kinh tế phi chính thức thôi.

Thế còn kinh tế ngầm ví dụ như kinh doanh ma túy hoặc súng đạn hoặc những gì pháp luật không đồng ý thì tôi nghĩ Cục Thống Kê họ không thống kê được, thứ hai là họ cũng không định thống kê những cái đấy. Thống kê là thống kê cái bà bán rau kìa, nói nôm na là như vậy, tức là những người không đăng ký mà vẫn sống lương thiện và có đóng góp cho xã hội.

Vì sao đến giờ Việt Nam mới tính đến việc đưa kinh tế chưa quan sát vào GDP, viện trưởng Nguyễn Đức Thành của Viện Nghiên Cứu Kinh Tế và Chính Sách viện dẫn 2 lý do :

Một là vấn đề kỹ thuật có thể là bây giờ mới bắt đầu có kỹ thuật để tiếp cận khu vực phi chính thức này. Tôi biết nhiều nhà khoa học đã làm việc rất chăm chỉ trong 10 năm qua mới có thể định hình cũng như có nhận định nhất định. Cách thống kê này đòi hỏi Việt Nam phải học hỏi mới làm được.

Lý do thứ hai, ông Nguyễn Đức Thành giải thích tiếp, là có thể bản thân chính phủ cũng không hài lòng với thống kê chính thức về GDP mà lại bỏ qua khu vực phi chính thức :

Bởi vì khi mà không thống kê đủ những giá trị về bản chất của GDP là các giá trị do con người Việt Nam này tạo ra chính thức không thôi và bỏ qua cái phi chính thức, bây giờ tính được phi chính thức vào thì nó giúp GDP được chính xác hơn, biết được thực sự mức sống của người Việt Nam là như thế nào. Các nhà khoa học và bản thân tôi khi nghiên cứu cũng hình dung rằng cái GDP không quan sát được không thống kê được lên đến 30% của cái GDP chính thức và quan sát được.

Như vậy nếu đưa khu vực này vào sẽ cho thấy con số thống kê GDP của Việt Nam cũng như GDP trên đầu người Việt Nam tăng lên, phản ánh gần cái mức
sống thật của người Việt hơn.

Các chuyên gia kinh tế, tài chính và thị trường đồng ý rằng đưa kinh tế chưa quan sát vào GDP thì dư địa đầu tư công tăng, tuy nhiên đây là công việc phức tạp và nếu thiếu chuẩn xác thì hệ lụy của nó không hề nhỏ. Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành giải thích khía cạnh tế nhị khá là tế nhị mà phức tạp này :

Dư địa là không gian chính sách, policy space, không gian chính sách rộng hơn cho phép người ta làm cái gì đấy. Nhiều người lo rằng GDP mà bao gồm cả phần không quan sát được, và luật của Việt Nam cho phép nợ công của chính phủ bằng 65% GDP thì bây giờ GDP tăng lên 30% vì cộng thêm 30% phần không chính thức vào.

Đây là thí dụ minh họa mà ông Nguyễn Đức Thành đưa ra, thể hiện điều chuyên gia lo ngại là chính phủ sẽ dựa vào cái GDP mới đó để tăng nợ công lên :

Vấn đề là nợ công hay những khoản chi tiêu của chính phủ và cái khoản để chính phủ trả nợ trong tương lai chỉ có thể thu được từ khu vực chính thức thôi, còn cái không thu được, không thống kê được thì gọi là phi chính thức, vì thế tăng GDP lên cộng thêm khu vực phi chính thức không thu được thuế vào thì khả năng trả nợ không tăng lên.

Tôi cho rằng khu vực không chính thức thống kê được là tốt nhưng tôi không đồng tình là đưa cái đấy vào trong GDP chính thức để từ đó tăng nợ lên. Tôi nhắc lại vấn đề ở chỗ là cái thuế sẽ không tăng được tương ứng.

Chuyên gia tài chính Ngô Trí Long cho rằng ở các nước thường người ta không tính tổng sản phẩm của khu vực chưa quan sát vào với GDP vì thực tế rất khó mà tính toán cho chính xác.

Nếu tính không chính xác thì nó ảnh hưởng rất lớn, nó tạo ra một cái GDP ảo có tác động có những mặt hệ lụy khác. Còn trong bối cảnh hiện tại của Việt Nam thì sao, khi mà theo tiến sĩ Ngô Trí Long thì những điều như thống kê, số liệu hay đầu vào đều chưa đủ mức độ tin cậy :

Đối với Việt Nam thì ngay những con số chính thức cũng còn chưa chuẩn xác huống chi tính đến khu vực kinh tế chưa được quan sát. Tính không chính xác thì nó gây ảo tưởng cho người ta, thực tế chỉ là 10 nhưng tính lên 30 thì ngoài ảo tưởng phải chăng còn là bệnh thành tích.

Ngoài ra trần nợ công là điều quan trọng thứ hai mà tiến sĩ Ngô Trí Long muốn đề cập tới để củng cố cho quan ngại của ông và nhiều người khác :

Quốc hội qui định trần nợ công là 65% GDP mà nếu tính không thực, ví dụ thực tế chỉ là 5 mà tính lên thành 20 hoặc 30 thì trần nợ công sẽ tăng và không phản ảnh đúng. Nếu tính thì căn cứ vào cơ sở nào để tính chuẩn xác và có mức độ tin cậy, chứ còn theo tôi bối cảnh của Việt Nam cực kỳ là khó khăn, một thách thức rất lớn chứ không hề đơn giản.

Thận trọng, nghiêm túc, chính xác và đáng tin cậy là yêu cầu mà cũng là cảnh báo của giới chuyên gia trong nước đối với đề án đưa kinh tế chưa kiểm soát vào GDP mà Nhà Nước đã phê duyệt.

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 27/02/2019

Quay lại trang chủ
Read 484 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)