Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/03/2019

Dự án Vành đai Con đường chết một cái chết lặng lẽ ?

Tina Hà Giang, Trọng Đức

Trung Quốc sẽ để Vành đai Con đường lặng lẽ chết ?

Tina Hà Giang, BBC, 21/02/2019

Chuyên gia Bùi Mẫn Hân gần đây đặt câu hỏi là liệu Trung Quốc có sẽ để cho dự án Vành đai Con đường chết một cái chết lặng lẽ.

dai1

Sri Lanka đã phải bàn giao cảng Hambantota cho Trung Quốc để giúp trả nợ nước ngoài

Vành đai Con đường là sáng kiến đầu tư rộng lớn, đầy tham vọng của Trung Quốc, do Chủ tịch Tập Cận Bình đề ra với mục đích kéo thế giới lại gần và biến quốc gia này thành trung tâm chính trị và kinh tế của hơn 60 quốc gia trong vòng quét của dự án.

Nhiều nước 'lưỡng lự, tẩy chay'

Đưa ra phân tích của mình trong bài "Will China let Belt and Road die quietly ?" tác giả Bùi Mẫn Hân trước tiên đề cập đến những thái độ tẩy chay, hay ít ra là xét lại của hàng loạt các nước quanh vùng.

Thủ tướng Mahathir Mohamad của Malaysia đã hủy bỏ hai dự án Vành đai Con đường lớn, một tuyến đường sắt trị giá 20 tỷ USD, với lý do là chi phí quá cao.

Chính phủ mới của Pakistan kêu gọi xem xét lại viên ngọc quý của Vành đai Con đường - Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC), mà Trung Quốc cam kết tài trợ hơn 60 tỷ đôla.

dai2

Sri Lanka là quốc gia vay 1 tỷ đô la của Trung Quốc trong sáng kiến Vành đai và Con đường

Chính phủ Myanmar vừa nói với Bắc Kinh rằng việc xây dựng một đập thủy điện đã bị đình chỉ do Trung Quốc tài trợ sẽ không được khởi động lại.

Maldives, quốc đảo nhỏ bé ở Ấn Độ Dương, đang cố gắng đàm phán lại khoản nợ 3 tỷ đôla - bằng hai phần ba tổng sản phẩm quốc nội - mà nước này đã vay từ Trung Quốc để tài trợ cho các dự án Vành đai Con đường.

Ngoại hối suy giảm, ngân sách thâm hụt

Dự án đầy tham vọng này của Trung Quốc không chỉ khó tồn tại vì sự tẩy chay của các nước trong vùng, nó đang gặp khó khăn vì tình hình kinh tế của nước này.

Môi trường tài chánh của Trung Quốc giờ đây không còn giống như thời Tập Cận Bình tung ra Vành đai Con đường vào năm 2013. Lúc đó, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đạt gần 4 nghìn tỷ đôla. Và với số tiền ấy, việc dùng một số hối đoái nước ngoài là một ý tưởng tuyệt vời để đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Cùng với việc sử dụng các nhà thầu và vật liệu của Trung Quốc, Vành đai Con đường còn có thể giúp giải quyết vấn đề thặng dư của Trung Quốc trong các ngành công nghiệp thép, xi măng và xây dựng.

Nhưng trong 5 năm qua suy thoái kinh tế đã rút đi hơn 1 nghìn tỷ đôla từ dự trữ ngoại hối nói trên. Nếu tính thêm ảnh hưởng của chiến tranh thương mại với Mỹ, Trung Quốc sẽ khó có thể tạo ra đủ thặng dư ngoại hối để tài trợ cho Vành đai Con đường ở một quy mô như trước. Thuế quan áp đặt bởi Mỹ cộng với sự không chắc chắn về quan hệ thương mại giữa hai bên sẽ làm giảm đáng kể xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ và, ở mức độ thấp hơn, các thị trường phát triển khác.

"Vì thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ chiếm gần như toàn bộ thặng dư tài khoản vãng lai, việc xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ sẽ giảm đáng kể dẫn đến tình trạng thâm hụt tài khoản ̣(vãng lai) cho Trung Quốc, nếu không thể bù đắp được sự thiếu hụt bằng cách xuất khẩu sang các thị trường khác (một điều khó thực hiện). Khả năng thanh toán xấu đi sẽ buộc Bắc Kinh sử dụng dự trữ ngoại hối chủ yếu để bảo vệ đồng Nhân dân tệ và duy trì niềm tin của các nhà đầu tư vào sự ổn định kinh tế vĩ mô của Trung Quốc". Chuyên gia Bùi Mẫn Hân dẫn giải.

Chưa hết ! Về mặt đối nội, Bắc Kinh phải đương đầu với một cơn bão về chi phí lương hưu tăng, tăng trưởng kinh tế làm chậm và tiền thu thuế giảm dần.

Thẳng thừng cảnh báo về triển vọng tài chính nghiệt ngã này, cuối tháng 12 năm ngoái, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lưu Côn nói : "Tất cả các cấp của chính phủ phải lãnh đạo bằng cách thắt lưng buộc bụng và làm hết sức mình để giảm chi phí hành chính". Và ngay sau cuộc họp, Thượng Hải, thành phố giàu nhất Trung Quốc, đã ra lệnh cắt giảm 5% cho hầu hết các cơ quan trong năm 2019.

Lỗ hổng ngân sách lớn nhất của Bắc Kinh là lương hưu cho dân số già hóa nhanh chóng. Tỉnh Hắc Long Giang thâm hụt 23 tỷ nhân dân tệ trong tài khoản lương hưu tính đến năm 2016, và sáu tỉnh khác, với dân số kết hợp là 236 triệu người, đã tham gia đóng góp lương hưu ít hơn so với chi trả trong năm 2016. Bức tranh lương hưu cho toàn Trung Quốc trông cũng đen tối không kém. Bộ Tài chính nước này cho biết chính phủ đã phải đóng góp 1,2 nghìn tỷ nhân dân tệ trong năm 2017 để tài trợ cho những thiếu hụt cho lương hưu.

Bùi Mẫn Hân kết luận :

"Trong tình trạng kinh tế bị trì hoãn vì chiến tranh thương mại với Mỹ, và phải đối mặt với sự chỉ trích từ các quốc gia nhận tiền Vành đai Con đường, những người hoài nghi dự án này, bao gồm các học giả, nhà kinh tế và doanh nhân, đang lặng lẽ hỏi liệu chính phủ có đang xử dụng đúng đắn nguồn lực khan hiếm của quốc gia hay không".

"Các dự án vĩ đại được hình thành và ra chào đời khi túi ngoại hối còn đầy sẽ phải được Bắc Kinh đánh giá lại. Một số sẽ phải bị giới hạn hoặc thậm chí bị bỏ rơi hoàn toàn. Điều dường như đang xảy ra ở Bắc Kinh là trong khi giới lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục sát cánh với Vành đai Con đường, tham vọng ban đầu của ông Tập đang bị đẩy lùi khỏi tầm nhìn của công chúng. Sẽ không nên ngạc nhiên nếu cuối cùng Bắc Kinh để cho Vành đai Con đường, ít nhất là Vành đai Con đường phiên bản 1, chết một cái chết lặng lẽ".

dai3

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tiếp Tổng giám đốc Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) Francis Gurry trong một sự kiện liên quan đến Sáng kiến Vành đai và Con đường ở Bắc Kinh

Những nhận định khác

Không có thông báo chính thức nào cho thấy Bắc Kinh sắp sửa dập tắt giấc mơ Vành đai Con đường của Tập Cận Bình. Điều này không có gì ngạc nhiên. Kiểm duyệt chặt chẽ đã loại bỏ bất kỳ lời chỉ trích trực tiếp nào, nếu có, về dự án này khỏi mọi phương tiện truyền thông.

Thế nhưng, nếu để ý kỹ, người ta vẫn thấy được dấu hiệu. Trong tháng 1 năm 2018, tờ The People's Daily, tiếng nói của Đảng Cộng sản Trung Quốc có 20 bài viết về Vành đai Con đường. Tháng 1 năm nay, tờ báo này chỉ có 7 bài viết về cùng đề tài.

Dù cái loa tuyên truyền của Bắc Kinh không còn lớn tiếng quảng bá Vành đai Con đường, tác giả David Hutt, chuyên gia theo dõi chính trị Châu Á, không đồng ý với nhận định của Bùi Mẫn Hân.

Trả lời phỏng vấn của BBC hôm 15/2, ông nói :

"Cũng không đáng ngạc nhiên là thoạt nhìn thì mọi thứ đang không suôn sẻ lắm đối với Vành đai Con đường. Không ai nghi ngờ là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang đặt ra một vấn đề lớn cho nền kinh tế Trung Quốc."

"Một số nhận định, tuy nhiên, có thể hơi được phóng đại. Một số nhà phân tích cho rằng việc xuất khẩu chậm lại thực sự có thể là điều tốt, vì Bắc Kinh giờ đây sẽ tăng gấp đôi nỗ lực để làm cho nền kinh tế trở nên hướng nội và tự chủ hơn, vì hy vọng sẽ biến nó thành một khuynh hướng dài hạn, và chuyển công dân từ việc chi tiêu quá mức sang tiết kiệm nhiều hơn và chi tiêu nhiều hơn cho dịch vụ, hơn là hàng hóa. Nhưng tôi không nghĩ điều này sẽ có tác động tiêu cực đến chính sách Vành đai Con đường".

Ông phân tích :

"Nhìn vào chuỗi cung ứng. Campuchia, chẳng hạn, bán rất nhiều sản phẩm may mặc cho EU và Mỹ. Nhưng hầu hết chỉ đơn giản là nguyên liệu thô được mua từ Trung Quốc, sau đó được sản xuất nhẹ ở Campuchia và được bán dưới dạng hàng hóa do Campuchia sản xuất. Với các biện pháp trừng phạt hiện nay với các sản phẩm của Trung Quốc vào Mỹ, thậm chí còn có nhiều lý do để thúc đẩy chuỗi cung ứng toàn cầu của Trung Quốc hơn, như xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài, nơi chúng có thể được thay đổi một chút và sau đó được bán lại như là hàng hóa sản xuất bởi nước ngoài (nhưng Trung Quốc vẫn có lời)".

"Hơn nữa, trong khi Trung Quốc đang mất một số đồng minh ở Châu Á (Malaysia, Pakistan, Sri Lanka, v.v...) Bắc Kinh dường như không nhận ra rằng người dân ở các quốc gia này tức giận với số lượng tiền đầu tư của Trung Quốc vào nước họ - thay vào đó, lãnh đạo Trung Quốc có vẻ nghĩ rằng chỉ đơn giản là phải chuyển hướng đầu tư Con đường Vành đai sang nhiều quốc gia khác".

Tác giả Nadege Rolland, trong bài Reports of Belt and Road's Death Are Greatly Exaggerated cũng cho rằng những suy đoán rằng Vành đai Con đường đang chết hay rồi sẽ chết, 'có tính phóng đại cao' :

"Vành đai Con đường không chỉ là một dự án xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc thậm chí reo rắc hạt giống hợp tác kinh tế. Thay vào đó, như Tập Cận Bình đã nói rõ Trung Quốc coi dự án là một phương tiện để "cải thiện hệ thống quản trị toàn cầu" và đưa ra một "cộng đồng có định mệnh chung".

Giải thích về "cộng đồng' này, ông Nadege Rolland nói :

"Vành đai Con đường phản ánh tầm nhìn của Bắc Kinh về vai trò cường quốc đứng đầu một trật tự khu vực của Trung Quốc - một trật tự không bị ràng buộc bởi những quy tắc, chuẩn mực và giá trị tự do mà Bắc Kinh bác bỏ là di tích của một trật tự không công bằng và lỗi thời do phương Tây quy định".

"Dự án này ​​nằm ở cốt lõi của chiến lược lớn của Đảng Cộng sản, điều này có nghĩa là giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ không dễ dàng từ bỏ nó. Nhưng Vành đai Con đường cũng là một phòng thí nghiệm. Đã gạt sang một bên lời khuyên của Đặng Tiểu Bình là Trung Quốc nên "tránh thu hút chú ý" trong các vấn đề quốc tế, giới lãnh đạo Trung Quốc đang cảm thấy tự tin, và, theo cách nói của ông Tập, "phấn đấu để đạt được thành tựu". Nhưng nó vẫn "băng qua sông bằng cách cảm nhận những viên đá" (một chủ nghĩa khác của Đặng). Giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc hiểu rằng vì đây là sáng kiến ​​đầu tiên mà Bắc Kinh thực hiện với quy mô lớn như vậy, cần phải có nỗ lực và thời gian cho cả đảng lẫn thế giới bên ngoài thích nghi".

Nadege Rolland khuyến cáo "các nhà quan sát phương Tây không nên diễn giải quá mức các dấu hiệu đẩy lùi Vành đai Con đường là dự án này đang thất bại, cũng không nên đánh giá thấp khả năng thích nghi và học hỏi của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Và khi Hoa Kỳ và các quốc gia khác đang phải tìm cách tốt nhất để bảo vệ phiên bản trật tự quốc tế tự do và cởi mở của họ, giới lãnh đạo Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện bước đi tiếp theo".

Vậy số phận Vành đai Con đường của Trung Quốc rồi sẽ ra sao ? Chúng ta hãy chờ xem !

Tina Hà Giang

Nguồn : BBC, 21/02/2019

***********************

Trung Quốc sẽ để con đường tơ lụa mới lặng lẽ chết đi ?

Trọng Đức, trithuc.vn, 22/02/2019

Chương trình đầu tư toàn cầu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang phải đối mặt với chỉ trích trong nước, tẩy chay ngoài nước cũng như những khó khăn về kinh tế và tài chính. Chuyên gia đặt câu hỏi, liệu để giảm bớt phí tổn, giới lãnh đạo Bắc Kinh có thể để cho dự án này một cái kết âm thầm lặng lẽ ?

dai4

Sơ đồ Sáng kiến "Vành đai & Con đường" của Trung Quốc.

Vành đai Con đường (BRI) hay còn được gọi là Con đường tơ lụa mới là sáng kiến đầu tư khổng lồ đầy tham vọng mục đích kéo thế giới lại gần và biến Trung Quốc thành trung tâm chính trị và kinh tế của hơn 60 quốc gia trong vòng quét của dự án.

Trong bài viết đăng trên tạp chí Nhật Nikkei Asian Review, "Will China let Belt and Road die quietly ?" tác giả Bùi Mẫn Hân cho rằng có rất nhiều quốc gia đang xét lại hoặc bày tỏ thái độ tẩy chay với dự này của Trung Quốc.

Nước ngoài tẩy chay

Thủ tướng Mahathir Mohamad của Malaysia đã hủy bỏ hai đại dự án thuộc Vành đai Con đường, bao gồm một tuyến đường sắt trị giá 20 tỷ USD, với lý do là chi phí quá cao.

Chính phủ mới của Pakistan kêu gọi xem xét lại vương miện ngọc của Vành đai Con đường – Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC), mà Trung Quốc cam kết tài trợ hơn 60 tỷ đôla.

Chính phủ Myanmar vừa nói với Bắc Kinh rằng họ sẽ không khởi động lại việc xây dựng một đập thủy điện do Trung Quốc tài trợ vốn bị đình chỉ trước đó.

Quốc đảo Maldives tại Ấn Độ Dương, đang cố gắng đàm phán để giảm khoản nợ 3 tỷ đôla – bằng hai phần ba tổng sản phẩm quốc nội – mà nước này đã vay từ Trung Quốc để tài trợ cho các dự án xây dựng thuộc Vành đai Con đường.

Tuy vậy, trong nước Trung Quốc khó tìm thấy bất cứ một tiếng nói nào bộc lộ sự lung lay trong việc ủng hộ Vành đai Con đường, đặc biệt từ chủ tịch Tập Cận Bình vốn kiệm lời. Với ông Tập, kiến trúc sư của BRI, đại dự án kết nối một nửa trái đất với trung tâm Trung Quốc thể hiện tầm nhìn và Trung Quốc mộng của ông trong thời đại mới.

Tuy nhiên, nhìn qua lớp bề mặt, người ta có thể thấy có một sự không hài lòng đang ngày càng lớn dần tại Trung Quốc về dự án này. Theo BBC, dự án đầy tham vọng này của Trung Quốc không chỉ khó tồn tại vì sự tẩy chay của các nước trong vùng, nó đang gặp khó khăn vì tình hình kinh tế của nước này.

Với việc kinh tế chững lại trong khi phải đối mặt với cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ và tẩy chay từ những nước nhận đầu tư BRI, những người hoài nghi dự án này tại Trung Quốc, bao gồm cả các học giả, các nhà kinh tế và giới doanh nghiệp đang âm thầm đặt câu hỏi liệu Bắc Kinh có đang đặt các nguồn lực khan hiếm của họ vào đúng mục đích sử dụng.

Sự kiểm duyệt chặt chẽ của nhà nước Trung Quốc đã loại bỏ bất cứ chỉ trích trực tiếp nào đối với giấc mộng BRI của Tập trên truyền thông. Tuy nhiên, người ta có thể mơ hồ thấy các dấu hiệu rằng Bắc Kinh đã đang kiềm lại BRI, ít nhất là về mặt tuyên truyền. Không lâu trước, cỗ máy tuyên truyền khổng lồ của Đảng cộng sản Trung Quốc còn mở hết tốc lực để khoe khoang về thành tựu của BRI, nay đã giảm âm lượng. Hồi tháng 1/2018, Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Trung Quốc, đăng 20 câu chuyện về BRI. Trong tháng 1 năm nay, chỉ còn 7 bài viết. Nếu so sánh những tin bài về BRI trên truyền thông chính thống Trung Quốc trong năm nay và những năm trước, chúng ta có thể có một bức tranh rõ ràng hơn về tương lai của BRI.

Những khó khăn kinh tế rõ ràng của BRI

Đầu tiên, môi trường tài chánh của Trung Quốc giờ đây không còn giống như thời Tập Cận Bình tung ra Vành đai Con đường vào năm 2013. Lúc đó, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đạt gần 4 nghìn tỷ đôla. Và với số tiền ấy, việc dùng một số hối đoái nước ngoài là một ý tưởng tuyệt vời để đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Cùng với việc sử dụng các nhà thầu và vật liệu của Trung Quốc, Vành đai Con đường còn có thể giúp giải quyết vấn đề thặng dư của Trung Quốc trong các ngành công nghiệp thép, xi măng và xây dựng.

Nhưng thế giới đã thay đổi trong 5 năm qua. Suy thoái kinh tế đã rút đi hơn 1 nghìn tỷ đôla từ dự trữ ngoại hối của Trung Quốc. Nếu tính thêm ảnh hưởng của chiến tranh thương mại với Mỹ, Trung Quốc sẽ khó có thể tạo ra đủ thặng dư ngoại hối để tài trợ cho BRI trên một quy mô rộng lớn như trước. Thuế quan áp đặt bởi Mỹ cộng với sự không chắc chắn về quan hệ thương mại giữa hai bên sẽ làm giảm đáng kể xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ và, ở mức độ thấp hơn, các thị trường phát triển khác.

Tác giả Bùi Mẫn Hân lý giải : vì thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ chiếm gần như toàn bộ thặng dư tài khoản vãng lai, việc giảm đáng kể xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ sẽ dẫn đến tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai cho Trung Quốc, nếu không thể bù đắp được sự thiếu hụt bằng cách xuất khẩu sang các thị trường khác (một nhiệm vụ bất khả thi). Cán cân thanh toán xấu đi sẽ buộc Bắc Kinh sử dụng dự trữ ngoại hối chủ yếu để bảo vệ đồng Nhân dân tệ và duy trì niềm tin của các nhà đầu tư vào sự ổn định kinh tế vĩ mô của Trung Quốc.

Kết quả là Bắc Kinh sẽ phải rà soát cẩn thận lại các cam kết đầu tư với nước ngoài. Các dự án vĩ đại được hình thành và khởi động khi họ có nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào sẽ phải đánh giá lại, một số sẽ bị cắt gọt hay thậm chí bỏ ngỏ toàn bộ.

Chưa hết, tại nội bộ Bắc Kinh đang phải đương đầu với một cơn bão về chi phí lương hưu tăng, tăng trưởng kinh tế làm chậm và tiền thu thuế giảm dần. Triển vọng tài chính ảm đạm được khẳng định bởi tuyên bố bất thường của Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lưu Côn: "Tất cả các cấp chính phủ phải lãnh đạo bằng cách thắt lưng buộc bụng và làm hết sức mình để giảm chi phí hành chính". Ngay sau cuộc họp, Thượng Hải, thành phố giàu nhất Trung Quốc đã ra lệnh cắt giảm 5% chi phí cho hầu hết các cơ quan trong năm 2019.

Cơn bão cắt giảm này được dồn tích bởi sự suy giảm thu tài chính và quyết định giảm thuế của Bắc Kinh để khuyến khích tăng trưởng. Trong năm 2018, tỷ tệ tăng trưởng thu tài chính giảm 1,2 điểm phần trăm so với 2017. Triển vọng tài chính được dự đoán còn tồi tệ hơn trong năm nay do giảm thuế và tốc độ tăng trưởng chậm.

Lỗ hổng ngân sách lớn nhất của Bắc Kinh là chi phí lương hưu cho dân số ngày càng già hóa nhanh chóng. Tỉnh Hắc Long Giang chịu thâm hụt ròng 23 tỷ nhân dân tệ trong tài khoản lương hưu tính đến năm 2016. Cũng trong năm này, sáu tỉnh khác với tổng cộng số dân 236 triệu người, đã phải chi trả lương hưu nhiều hơn số tiền thu về từ những người lao động trẻ. Bức tranh tiền lương hưu cho toàn Trung Quốc cũng khó khăn như vậy.  Bộ Tài chính nước này cho biết chính phủ đã phải góp thêm 1,2 nghìn tỷ nhân dân tệ trong năm 2017 bù vào thâm hụt trong tài khoản lương hưu.

Một số người có thể cho rằng BRI sẽ nằm ngoài vòng cắt giảm ngân sách của Bắc Kinh bởi vì nó là ưu tiên đối ngoài hàng đầu của chủ tịch Tập. Nhưng thực tại kinh tế khốc liệt sẽ đưa ra trước mặt giới lãnh đạo Trung Quốc những lựa chọn ngày càng không thuận mắt bởi có các nhu cầu khác cần được sử dụng nguồn lực khan hiếm của quốc gia. Chủ tịch Tập và những người ủng hộ ông ta có thể tiếp tục BRI, nhưng họ phải biết rằng BRI ngày càng kém hấp dẫn người Trung Quốc và việc cứ lấy tiền ra khỏi quỹ lương hưu của họ để xây dựng những con đường không dẫn đến đâu ở những đất nước xa lạ là một chính sách ngày càng khó thuyết phục.

Trong một động thái có thể coi là dấu hiệu của sự chính sách chi tiêu tằn tiện mới của Bắc Kinh ở nước ngoài, chính phủ Trung Quốc mới đây chỉ thông qua cho Pakistan 2,5 tỷ USD trong các khoản vay mới, ít hơn nhiều so với khoản 6 tỷ USD mà Islamabad ban đầu mong muốn nhận được.

Tác giả của tờ Nikkei kết luận : "Điều dường như đang xảy ra ở Bắc Kinh là trong khi giới lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục cố đấm ăn xôi với Con đường Tơ lụa mới, tham vọng ban đầu của ông Tập đang bị đẩy lùi khỏi tầm mắt của công chúng. Chúng ta không nên ngạc nhiên nếu cuối cùng Bắc Kinh để cho BRI, ít nhất là BRI phiên bản một, chết một cái chết lặng lẽ".

Trọng Đức

Nguồn : trithuc.vn, 22/02/2019

Quay lại trang chủ
Read 507 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)