Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/03/2019

Trung Quốc mở rộng cuộc chiến chống Hồi giáo : Giờ đây họ đụng đến người thuộc sắc tộc Kazakh

Reid Standish

Trung Quốc mở rộng cuộc chiến chống Hồi giáo : Giờ đây họ đụng đến người thuộc sắc tộc Kazakh

Chính quyền Kazakhstan đã tuyên bố rõ ràng rằng họ không phản đối Trung Quốc trong việc cố xóa bỏ bản sắc văn hóa của người Hồi giáo ở Tân Cương. Nhưng việc xây dựng các trại giam ngay bên cạnh quốc gia Kazakhstan chứa đầy người Kazakh, người Duy Ngô Nhĩ (Uighur)và các nhóm thiểu số khác, sự thật về Tân Cương đã trở nên quá lộ liễu để có thể bị bỏ qua.

kazack1

Zharqynbek Otan cùng vợ, Shynar Kylysheva, và con trai 6 tuổi tại nhà riêng ở Almaty, thủ đô của Kazakhstan, ngày 26 tháng 2 - Ảnh Washington Post

Đôi khi mọi người phát hiện thấy Zharqynbek Otan, vào giữa đêm khuya, đứng im đầy suy tư bên cạnh giường ngủ, nơi riêng tư của hai vợ chồng anh. Shynar Kylysheva, vợ anh nói rằng trí nhớ của anh nay đã phản lại anh, và anh thường xuyên lang thang trên các đường phố của Almaty, thành phố lớn nhất của Cộng hòa Kazakhstan. Khi gia đình tìm thấy anh, anh không thể nhận ra họ - những người thân trong gia đình và không chịu trở về nhà.

Otan, một đầu bếp 31 tuổi, đã trải qua gần hai năm trong nhiều hình thức giam giữ tại nước Trung Quốc láng giềng, bao gồm cả việc bị giam giữ tại một trong những trại cải tạo khét tiếng đối với người Hồi giáo ở Tân Cương, Trung Quốc, khu vực phía tây rộng lớn có chung biên giới 1.100 dặm với Kazakhstan. Vợ anh đã làm đơn từ không mệt mỏi để anh được thả ra khỏi một trại ở quận Zhaosu, nhưng khi về được đến nhà vào hồi cuối năm 2018, anh đã mang về một chấn thương của những thử thách ở bên kia biên giới : Otan không còn là chính mình nữa.

Các trường hợp như của anh là phổ biến ở khu vực này của đất nước Kazakhstan. Và họ đại diện cho một sự thay đổi đáng kể trong cách tiếp cận mang tính đàn áp của Bắc Kinh đối với những người thiểu số Hồi giáo. Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã đàn áp ngôn ngữ và đức tin của các công dân Hồi giáo. Nhưng cho đến gần đây, nỗ lực này phần lớn vẫn còn nằm trong biên giới riêng của Trung Quốc. Còn giờ đây, cuộc càn quét đã bao gồm cả khu vực vùng biên lỏng lẻo nơi công dân Trung Quốc và công dân Kazakhstan từ lâu đã tự do qua lại giữa hai quốc gia của họ, với những người ở hai bên đường biên giới hòa nhập và kết hôn và làm việc cùng nhau.

Giống như hàng ngàn người dân tộc Kazakh khác bị cuốn vào cuộc đàn áp, Otan là người quốc tịch Trung Quốc kết hôn với một công dân Kazakhstan và sống ở Kazakhstan với tư cách là cư dân hợp pháp. Vào cuối năm 2016, anh đã trở về Trung Quốc làm giấy tờ cần thiết để chuyển sang quốc tịch Kazakhstan. Thay vào đó, tháng 1 năm 2017, các quan chức đã bắt giữ anh, tịch thu hộ chiếu và đưa anh đến một trại giam, Otan cho biết, nơi anh sống cùng với những người thuộc nhiều sắc dân, khác biệt với đa số người Hán nắm quyền kiểm soát Trung Quốc, các sắc dân khác này dường như khiến Bắc Kinh sợ hãi. Các tù nhân tại những nơi này được dạy rằng phải từ bỏ tiếng mẹ đẻ của người Thổ Nhĩ Kỳ và từ bỏ những biểu hiện bên ngoài của đạo Hồi. Và trong khi các mục tiêu trong nhiều năm qua được cho là những kẻ thù trong nước, Trung Quốc hiện truy đuổi một số người Kazakh với cùng một tâm thế sắt máu-chia tách các gia đình và thậm chí vi phạm chủ quyền của CH Kazakhstan trong việc bắt buộc họ phải cải tạo tại hệ thống các trại cải tạo mở rộng.

kazack2


Zharqynbek Otan cùng với con trai tại tư gia ở Almaty, Kazakhstan, ngày 26 tháng 2 năm 2019, đang đọc giấy phép cư trú vĩnh viễn tại Cộng hòa Kazakhstan. Ảnh Washington Post

Không rõ chính xác là có bao nhiêu người hiện đang bị giam giữ tại Tân Cương, nhưng Bộ Ngoại giao (Mỹ) ước tính rằng có khoảng từ 800.000 đến 2 triệu người đã bị giam giữ kể từ năm 2017. Sau lúc ban đầu phủ nhận sự tồn tại của các trại cải tạo, Bắc Kinh nay đã chuyển sang biện hộ cho những trại cải tạo này như một sự cần thiết để chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và khủng bố. Nhà nước Trung Quốc chủ yếu nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ, nhóm người Thổ Nhĩ Kỳ, là 2 nhóm chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số những người Hồi giáo tại Trung Quốc, nhưng các nhóm thiểu số Hồi giáo khác, như là người Kyrgyz, người Hồi, và, ngày càng tăng, là người Kazakh-gồm những công dân của CH Kazakhstan và người thuộc sắc dân Kazakh có quốc tịch Trung Quốc-đều bị mắc kẹt trong lưới quét mở rộng.

Rian Thum, một nghiên cứu viên cao cấp thuộc Đại học Nottingham và là một chuyên gia về Tân Cương, nói với tôi rằng ông rất ngạc nhiên khi thấy người Kazakh bị đưa vào các trại giam cùng với người Duy Ngô Nhĩ, vì người Kazakh từ lâu đã được nhà nước Trung Quốc nhìn nhận là một nhóm người Hồi giáo kiểu mẫu chấp nhận sự cai trị của Đảng Cộng sản. Có gần 1,5 triệu người dân tộc Kazakh sống ở Tân Cương, khiến họ trở thành nhóm Hồi giáo lớn thứ hai trong khu vực, sau người Duy Ngô Nhĩ. Thum nói rằng đường lối cứng rắn mới chống lại người Kazakh được thúc đẩy bởi một "sự pha trộn tương tự của chủ nghĩa bài Hồi giáo và phân biệt chủng tộc" đối với người thiểu số Hồi giáo và điều này đã khiến người Duy Ngô Nhĩ bị xem là nguy hiểm.

Ông cho biết "sự nghi kỵ đã lan sang bất kỳ một nhóm sắc tộc nào khác có sự tương đồng về văn hóa với người Duy Ngô Nhĩ. Nếu bạn không phải là người Trung Quốc và cộng đồng Hồi giáo lớn thì bạn bị đảng cộng sản Trung Quốc nhìn nhận là mối đe dọa".

Rất khó tìm kiếm những thông tin chi tiết về những gì đang diễn ra ở Tân Cương. Khu vực này đã trở thành một tiểu nhà nước cảnh sát bấn loạn, trong đó hệ thống camera giám sát công khai, các thiết bị số soi quét thường xuyên và thẻ ID mã hóa được sử dụng để theo dõi từng chuyển động của mỗi người dân. Những người đã tìm cách trốn khỏi nhà tù và đã rời khỏi Tân Cương đều cho biết rằng họ được yêu cầu không được tiết lộ về những thử thách mà họ đã phải trải qua trong các trại giam, nếu không những người thân của họ ở Trung Quốc sẽ bị giam lỏng. Nhưng sau khi thực hiện 60 cuộc phỏng vấn ở Kazakhstan với những người từng bị giam giữ và những người có người thân mất tích ở Tân Cương, tôi đã có được một bức tranh ảm đạm đang dần xuất hiện từ bên trong khu vực này.

Không có một lý do nào cho việc đàn áp của Trung Quốc tại Tân Cương hoặc cho mở rộng đàn áp. Mọi thứ đã thay đổi vào năm 2009 sau khi các cuộc bạo loạn ở Tân Cương đã cướp đi 200 sinh mạng người Hán. Các cuộc tấn công khủng bố của người Duy Ngô Nhĩ trong những năm sau đó đã khiến tình hình an ninh leo thang, đỉnh điểm là sự trả đũa nhanh chóng của Bắc Kinh dưới danh nghĩa chống lại chủ nghĩa cực đoan.

Nhưng cuộc "chiến tranh nhân dân" chống khủng bố hiện nay không hẳn chỉ liên quan đến tầm quan trọng chiến lược của Tân Cương và sự căng thẳng gia tăng của chủ nghĩa dân tộc Hán. Tân Cương vốn nằm về phía tây của Trung Quốc nên điều này đã khiến cho nó trở thành một điểm khởi đầu quan trọng đối với dự án cơ sở hạ tầng toàn cầu Một vành đai, Một con đường trị giá nghìn tỷ đô của Bắc Kinh, và chính quyền Trung Quốc đã sử dụng mọi hình thức để bóp chết bất kỳ một diễn biến nào được cho là bạo loạn hoặc là dẫn đến tình trạng vô luật pháp mà có thể ảnh hưởng xấu đến những triển vọng kinh tế của nó. Trong khi đó, chủ nghĩa dân tộc đã dẫn đến những nỗ lực mạnh mẽ hơn trong việc đồng hóa văn hóa cưỡng buộc đối với người thiểu số và sự nghi ngờ sâu sắc đối với tất cả các tôn giáo, trong đó đạo Hồi bị nghi ngờ nhiều nhất. Hệ thống trại cải tạo một phần là những nỗ lực để buộc các nhóm thiểu số Hồi giáo chấp nhận một bản sắc Trung Quốc, buộc họ phải học tiếng Trung Quốc phổ thông, học thuộc các bài hát của Đảng Cộng sản và ăn thịt lợn. Tôn giáo, đặc biệt là Hồi giáo, được coi là mâu thuẫn với bản sắc Trung Quốc, và các quan chức đã nói thẳng toẹt về sự cần thiết của việc Hán hóa Hồi giáo và làm cho phù hợp với chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, những nỗ lực này, lại ở dạng một dự án kỹ thuật cực đoan đối với con người. 

"Họ nói rằng tôi là một kẻ phản bội vì tôi đã sống ở Kazakhstan", Gulzira Auelkhankyzy, một người Trung Quốc thuộc sắc tộc Kazakh đã sống 15 tháng trong một trại cải tạo ở Tân Cương. Auelkhankyzy hiện là thợ may làm công ăn lương và sống ở Kazakhstan với tư cách là cư dân hợp pháp với chồng, người đã từ bỏ quốc tịch Trung Quốc để có quốc tịch Kazakhstan. Hai đứa con của họ, là công dân Trung Quốc, ở lại Tân Cương cùng với ông bà của chúng và Auelkhankyzy bị giam giữ tại Trung Quốc trong khi đưa chúng đến sống ở Kazakhstan. Trong thời gian bị giam giữ, Auelkhankyzy nói, cô đã bị thẩm vấn về các mối quan hệ của mình ở nước ngoài và bị buộc tội làm gián điệp vì đã có thời gian sống ở Kazakhstan. Sau khi được thả ra khỏi trại, nơi cô bị buộc phải học tiếng Trung Quốc phổ thông và sống trong tình trạng bẩn thỉu, các quan chức Trung Quốc yêu cầu Auelkhankyzy ký hợp đồng làm việc tại một nhà máy may găng tay ở Tân Cương với giá 88 đô la một tháng. Cô đã làm việc trong ba tháng ở đó trước khi được phép trở lại Kazakhstan vào tháng Giêng. Cô hiện đang đoàn tụ với chồng, mặc dù các con của họ vẫn bị kẹt lại ở Tân Cương.

Auelkhankyzy nói rằng cô vẫn nghĩ về những người phụ nữ mà cô đã cùng bị giam giữ với họ. "Nhiều người trong số chúng tôi là mẹ, nhưng chúng tôi không được nhìn thấy con mình và thường tự hỏi ai là người chăm sóc chúng", cô nói. "Tân Cương đã trở thành vùng đất của những đứa trẻ mồ côi".

Người dân tộc Kazakh trước đây đi lại dễ dàng giữa Trung Quốc và Kazakhstan, nơi được coi là quê hương bản quán của những người Kazakh di cư rộng khắp Âu Á sau khi Liên Xô sụp đổ. Khoảng 200.000 công dân Trung Quốc đã trở thành công dân của Kazakhstan để họ có thể sống tại đó sau khi đất nước Kazakhstan 18 triệu người này giành được độc lập (từ sự sụp đổ của Liên bang Xô-viết) vào năm 1991. Nhưng những mối quan hệ xuyên biên giới đã trở thành trách nhiệm đối với những người ở bên trong Trung Quốc và khiến họ bị nghi ngờ. Theo báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, các mối liên hệ với nước ngoài hiện bị coi là một hành vi phạm tội đáng bị trừng phạt, với việc chính quyền ở Tân Cương nhắm vào những người có quan hệ với 26 "quốc gia nhạy cảm", nước CH Kazakhstan là 1 trong số 26 quốc gia đó. Gene Bunin, một nhà văn và dịch giả người Mỹ gốc Nga, người đang điều hành Cơ sở dữ liệu nạn nhân Tân Cương, một dự án ghi lại lời khai của những người bị giam giữ và gia đình họ, cho biết rằng "Rất nhiều người Kazakh ở Trung Quốc có những mối liên hệ với nước ngoài rất mạnh. Ở Tân Cương, người ta không thể sử dụng các biện pháp đàn áp mà không nhắm mục tiêu vào người Kazakh, bởi vì, nếu không thì thông tin sẽ lọt ra thế giới bên ngoài nhiều hơn là nó có".

Hiện vẫn chưa có một bản tường thuật chính xác về việc đàn áp các sắc dân thiểu số trong hệ thống các trại giam giữ cải tạo, và các tập hợp các dữ liệu khác nhau có sẵn đã làm nổi bật những khó khăn và các lợi ích đối nghịch nhau trong việc thu lượm toàn bộ những gì đang diễn ra với người Kazakh ở Tân Cương. Atajurt Eriktileri, một tổ chức cơ sở ở Almaty giúp đỡ các gia đình có người thân mất tích ở Tân Cương, nói với tôi rằng họ đã ghi nhận hơn 10.000 trường hợp người dân tộc Kazakh bị giam giữ tại Trung Quốc. Cơ sở dữ liệu nạn nhân do Bunin đứng đầu đã thu thập được gần 3.000 lời khai trong năm qua, khoảng một nửa trong số những lời khai đó là của người thuộc sắc tộc Kazakh, nhưng con số đó chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số ước tính. Chính quyền Kazakhstan chỉ nói công khai về các trường hợp liên quan đến công dân của mình, nói rằng 29 người đã bị giam giữ trong những năm gần đây tại Trung Quốc, trong đó 15 người đã được thả ra, nhưng nó (chính quyền Kazakhstan) nhìn nhận vấn đề này như một sự cố quan liêu hơn là một sự giam giữ phi pháp. Đối với hàng ngàn người thuộc sắc tộc Kazakh bị gửi đến các trại, những người này có quốc tịch Trung Quốc-thậm chí ngay cả đối với những người là công dân thường trú của Kazakhstan - có rất ít những phương cách để kêu cầu sự giúp đỡ, và các trường hợp như Otan chanh và Auelkhankyzy không phải là các ngoại lệ.

Trong khi các trại là hình thức giam giữ cực đoan nhất, những người Kazakh khác đã bị bỏ tù hoặc bị quản thúc tại gia, hoặc đơn giản là hộ chiếu của họ bị tịch thu khi nhập cảnh vào Trung Quốc và hiện không thể xuất cảnh. Zhanabil nói với tôi rằng cha anh, ông Turan Mukhametkan, một công dân Trung Quốc sống ở Kazakhstan, đã bị giam giữ khi đến Tân Cương để lĩnh lương hưu vào hồi tháng 9 năm 2017. Zhanabil không biết lý do chính thức của việc giam giữ cha mình, nhưng sau gần một năm ở trong trại, hồi tháng 1 (2019), ông Mukhametkan được thả ra nhưng vẫn bị quản thúc tại gia ; hiện ông vẫn chưa thể xuất cảnh khỏi Trung Quốc.

Các trường hợp khác là nhạy cảm hơn về mặt chính trị đối với chính quyền độc tài chuyên chế Kazakhstan, một chính quyền đang đánh giá cao mối quan hệ của họ với Bắc Kinh. Q. Azatbek, một cựu quan chức Tân Cương, người hiện đã là công dân của CH Kazakhstan, hồi tháng 12 năm 2017 đã bị bắt giữ một cách trắng trợn khi đang ở Khorgos, một khu vực tự do thương mại trên đất của CH Kazakhstan. Azatbek lúc đó đang cùng với một người bạn thì có hai hai chiếc xe ô tô từ phía Trung Quốc lao đến và bắt giữ họ. Người bạn đã được thả ra, nhưng Azatbek bị đưa sang Trung Quốc và kể từ đó cho đến nay những người thân vẫn không liên lạc được với anh.

Sayragul Sauytbay, một người Trung Quốc thuộc sắc dân Kazakh làm việc trong một trại cải tạo và vượt biên trái phép sang Kazakhstan vào tháng 4 năm 2018 sau khi phát hiện ra rằng bản thân cô sẽ bị giam giữ ở trại, là một rắc rối ngoại giao khác đối với chính phủ Kazakhstan. Sauytbay đang cố gắng xin tị nạn và nói rằng cô biết hoạt động bên trong của các trại, nhưng đơn thỉnh cầu của cô đã bị chính quyền Kazakhstan từ chối hai lần. Khi tôi phỏng vấn cô ấy vào tháng 1 (2019) cho tạp chí Chính sách đối ngoại, cô ấy nói rằng các quan chức Trung Quốc đã cố gắng bắt buộc cô phải giữ im lặng bằng cách đe dọa những người thân của cô vẫn còn lại ở Tân Cương. Cô sợ rằng Kazakhstan sẽ sớm chịu áp lực ngày càng tăng từ Bắc Kinh và sẽ dẫn độ cô trở về Trung Quốc. 

Những trường hợp này là một bãi mìn ngoại giao đối với chính phủ Kazakhstan. Trung Quốc là một trong những nhà đầu tư chính của Kazakhstan và là đối tác chiến lược trong sáng kiến ​​Một vành đai Một con đường. Trước đây, chính quyền Kazakhstan đã gửi trả những người xin tị nạn Duy Ngô Nhĩ trở về Trung Quốc, và hồ sơ nhân quyền nghèo nàn của chính quyền Kazakhstan cho thấy họ không quan ngại về việc ngược đãi chính người dân của mình. Nhưng trường hợp Sauytbay, và tình cảnh thống khổ của những người dân thuộc sắc tộc Kazakh ở Tân Cương đã tạo sức ép dư luận lên họ, và chính phủ Kazakhstan sau đó đã tham gia vào các cuộc đàm phán hậu trường với Trung Quốc để đảm bảo việc thả một số người Kazakh trong các trại này.

Mặc dù hoạt động ngoại giao này gieo hy vọng cho các gia đình có người thân bị giam giữ tại Tân Cương, nhưng vẫn có những dấu hiệu cho thấy chính quyền Kazakhstan không khỏi lo lắng về việc có quá nhiều sự lên tiếng ủng hộ ở trong nước đối với những người Kazakhstan bị giam giữ. Serikzhan Bilash, người đứng đầu Atajurt Eriktileri, đã bị tòa án Almaty trừng phạt vào tháng Hai vì điều hành một tổ chức không đăng ký, mặc dù trước đó anh đã cố gắng đăng ký, nhưng bị từ chối. Bilash nói với tôi rằng anh đoán rằng chính quyền Kazakhstan sẽ cố nhiều hơn nữa trong việc sử dụng các biện pháp hợp pháp để cản trở tổ chức của anh hoạt động. Và Sauytbay đã sa thải luật sư của mình sau khi cô không liên hệ được với vị luật sư này vào những thời điểm quan trọng trong vụ án và khuyến khích cô im lặng, cô nói vậy.

Chính quyền Kazakhstan đã tuyên bố rõ ràng rằng họ không phản đối Trung Quốc trong việc cố gắng xóa bỏ bản sắc văn hóa của người Hồi giáo ở Tân Cương. Nhưng với việc các trại giam giữ ngay bên cạnh quốc gia Kazakhstan liên tục có đầy người Kazakh, người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số khác, sự thật về Tân Cương đã trở nên quá lớn để có thể bị bỏ qua.

Reid Standish & Aigerim Toleukhanova

Nguyên tác : China's expanding war on Islam: Now they're coming for the Kazakhs, The Washington Post, 02/03/2019

Mai Hưng dịch

Nguồn : VNTB, 04/03/2019

Reid Standish, cựu biên tập viên của tạp chí Foreign Policy, là một nhà báo tự do, hiện có mặt tại Astana, Kazakhstan, chuyên viết về Trung Á.

Aigerim Toleukhanova, một nhà báo người Kazakhstan tự do có trụ sở tại Almaty, đã đóng góp cho bài viết này.

Quay lại trang chủ
Read 596 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)