Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/03/2017

Không thể không nói về vụ "giải phóng vỉa hè"

Trương Nhân Tuấn

Báo chí đăng lời ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, rằng "thành phố không chủ trương đẩy đuổi người bán hàng rong". Báo chí cũng đăng là ông Phong "yêu cầu các quận huyện tìm vị trí đủ điều kiện để tổ chức các phiên chợ cho người dân buôn bán, đảm bảo cuộc sống nhưng không để ảnh hưởng đến an ninh trật tự, giao thông".

Vấn đề là những người bán hàng rong đã bị "đẩy lùi" ra khỏi thành phố trước khi ông Phong có ý kiến. Trong khi các "vị trí đủ điều kiện" cho người dân nhóm chợ đến nay chưa thấy quận nào tìm ra.

Chưa tìm ra vị trí thuận lợi cho người dân mua bán thì vỉa hè đã "cào bằng" tất cả. Làm sao người ta có thể "tâm phục, khẩu phục" ông Phong ?.

Xem các clip video của báo Tuổi trẻ, ta thấy ông phó quận một chỉ huy "hốt của" của những người buôn bán "lấn vỉa hè". Ta cũng thấy có kẻ "thừa nước đục thả câu", hùa với "lính" của ông quận phó, ăn cắp hàng hóa của người buôn bán. Ta cũng thấy ông phó quận ra lịnh "cẩu" những chậu cây cảnh, những bức tượng, những thứ trang trí cho cửa hàng… lấn ra vỉa hè. Ta cũng thấy ông quận phó ra lịnh miệng cho đập phá những bảng hiệu, những tấm bạt che nắng… treo trên cao. Bất kể các bảng hiệu, những tấm bạt này có trái qui định pháp luật hay không.

Không biết ông Phong nghĩ gì về hành vi của ông phó quận một ?

Xét trên khía cạnh pháp luật, hành vi của ông phó quận là xâm phạm và phá hoại tài sản, của cải của người dân.

Những người lấn vỉa hè hiển nhiên phạm luật. Những người này hiển nhiên bị trừng phạt theo đúng qui định của pháp luật. Nhưng ông quận phó không thể "trừng phạt" người ta bằng cách thức của "luật" thời kỳ "cách mạng".

Lấn vỉa hè người ta chỉ vi phạm "hành chánh". Nhưng hành vi phá hoại tài sản, "tịch thu" tài sản của người dân, mà không theo đúng thủ tục pháp lý, là phạm tội hình sự.

Dĩ nhiên, những tấm bảng hiệu treo trên cao, hay những tấm bạt che nắng (store)... không hề "lấn vỉa hè, làm cản trở" hay đe dọa gây nguy hiểm cho bộ hành. Nó chỉ "lấn không gian" phía trên vỉa hè. Điều này không cấm theo luật về quảng cáo.

caycanh1

Các chậu cây cảnh, những bức tượng trang trí… là những tài sản thuộc "động sản", nếu chúng "lấn vỉa hè" thì chủ nó bị phạt… Luật nào cho phép ông quận phó "hốt của" của người ta như vậy ?

Dựa vào luật nào ông quận phó đập phá, làm hư hại kiến trúc nền tảng nhà cửa của người ta ?

Các chậu cây cảnh, những bức tượng trang trí… là những tài sản thuộc "động sản", tức "di chuyển" được. Nếu chúng "lấn vỉa hè" thì chủ nó bị phạt. Đại diện nhà nước, hợp lý thì phải yêu cầu chủ nó "bưng" nó đi. Luật nào cho phép ông quận phó "hốt của" của người ta như vậy ?

Ông quận phó này có bị "chuyển công tác" hay không ?

Tôi cũng có đọc bài báo trên Vietnam Net nói về những người "bán cơm nắm trên vỉa hè Hà Nội". Bài báo nói rằng những người bán hàng rong như vậy có thể kiếm tới 50 triệu một tháng. Nhưng lời lẽ bài báo khiến tôi có cảm tưởng Việt Nam còn đang sống dưới thời bao cấp xã hội chủ nghĩa. Cái cách làm ra tiền của những người buôn bán trên vỉa hè là đáng bị lên án.

Với tư tưởng như vậy thì chừng nào tư bản ở Việt Nam mới phát triển ?

Nếu xét quá trình phát triển ở Đài loan, Nam Hàn, Singapour trước kia, hay Thái lan hiện nay. Ta thấy nhà nước "nâng niu" những người làm ra tiền như nâng trứng. Bất kỳ người nào làm ra tiền, bằng các phương cách hợp pháp, đều được nhà nước hoan nghênh, giúp đỡ. Nếu tôi không lầm thì chủ tập đoàn Formosa hiện nay, tổ tiên của họ chỉ là người làm thủ công rổ rá, thau, chậu... bằng plastic. Còn thua xa mấy nhà sản xuất đồ nhựa ở Chợ lớn trước 75.

Người bán cơm nắm kiếm lời 50 triệu, thậm chí 50 tỉ một tháng thì đã sao ? Ta phải mừng cho họ mới đúng. Tiền đó là do sáng kiến, mồ hôi, nước mắt, là sức lao động của họ.

Tại sao không nghĩ có ngày "cơm nắm" Việt Nam cạnh tranh với Mc Donald, Pizza, bánh mì hay các món cầm tay ăn liền của Tây phương ?

Nếu Phở làm được thì "cơm nắm" cũng sẽ làm được thôi.

Đến bây giờ Việt Nam không có "thương hiệu" nào thế giới biết tiếng.

Những thứ kỹ lục bánh chưng, bánh tét, tô hủ tiếu… lớn nhứt thế giới là vô ý nghĩa. Nhưng nó cho thấy dân Việt Nam có khát vọng về một viễn tượng huy hoàng của con người và đất nước.

Cán bộ, công nhân viên chức nhà nước phải là "bạn đồng hành của dân", có nhiệm vụ hướng dẫn người dân sinh hoạt "trong vòng luật lệ", chớ không phải "hành dân", kẻ thù của dân như ông quận phó.

Nhà báo cũng vậy. Đến nay vẫn còn mang tư tưởng thời "đánh tư sản", trong khi đại diện nhà nước đi tới đâu năn nỉ các nước "nhìn nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường" tới đó.

"Giải phóng" như vậy là "giải phóng" thái độ, tư tưởng của cán bộ, nhà báo ; chớ không phải "giải phóng vỉa hè" kiểu "đánh tư sản" của ông quận phó.

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : FB Nhân Tuấn Trương, 13/03/2017

*******************

Vụ "giải phóng vỉa hè" của ông phó quận nhứt tính không nói nữa. Nói nhiêu đó đủ rồi. Nhưng khi coi thêm mấy cái video clip do báo chí trong nước đưa lên, thấy rằng không thể không nói.

viahe1

Ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND quận 1 trực tiếp chỉ đạo các lực lượng xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè.

Thực chất của cuộc "giải phóng vỉa hè" của ông quận phó tương tự như cuộc "đánh tư sản mại bản" thời sau 1975. Về hình thức, từ vị "tư lịnh" là ông quận phó, cho tới "quân lính", điệu bộ y chang bọn "hồng vệ binh" thời "cách mạng văn hóa" bên Tàu thập niên sáu mươi thế kỷ trước. Thử nhìn gương mặt và điệu bộ của ông quận phó, tất cả thể hiện sự hung hăng ác độc của một người cộng sản vô học. Nhưng nạn nhân bây giờ, thay vì là dân tư bản, dân trí thức… lại là đám dân nghèo, tài sản quẩn quanh vài bộ bàn ghế bày bán bên vỉa hè.

viahe2

Cuộc "giải phóng vỉa hè" của ông quận phó tương tự như cuộc "đánh tư sản mại bản" thời sau 1975

Vết thương "đánh tư sản" đến nay vẫn chưa lành. Đất nước "cất cánh" không được, vì tầng lớp tư sản dân tộc đã bị tiêu diệt. Thành phố phát triển không thành công, nếu không nói là phát triển trong bệnh hoạn, vì nhân tố rường cột, là thành phần tư sản, tiểu tư sản và dân trí thức có thực học, đã không còn.

Tư sản dân tộc không có, kinh tế quốc gia lệ thuộc vào tư bản nước ngoài. Trí thức thực học không còn, đưa tới việc đào tạo con người phi đạo đức, kiến thức không tới nơi, tới chốn.

Cuối cùng là con người trong xã hội thiên về phần trình diễn, hào nhoáng bề ngoài. Khi xem nặng "bề ngoài", chuộng nước sơn hơn là gỗ tốt, thì dối trá đã lên ngôi.

Thành phố bây giờ phát triển hai mặt : một mặt "lung linh" là dân cán bộ giàu có với xe hơi nhà lầu mặt tiền ở trung tâm thành phố. Mặt khác "tối ám" là đại đa số dân nghèo, sinh sống bám vào "kinh tế vỉa hè".

Có lẽ ông quận phó (và những người chủ trương phía sau) là một trong những người "có tiền, có xe, có nhà mặt tiền ở trung tâm thành phố". Mà tài sản của lớp giàu này đều không minh bạch. Họ giàu nhờ quyền lực sẵn có, nhờ thượng đội hạ đạp. Đồng tiền làm ra do tham nhũng thì không đổ mồ hôi. Vì vậy họ coi đồng tiền không ra gì. Từ đó họ cũng coi dân nghèo như kẻ thù cần tiêu diệt.

Thành phố phát triển theo hai vận tốc, cũng như đất nước. Cán bộ, kẻ có chức quyền hay lớp tư bản "có chỗ dựa lưng" ngày càng giàu thêm. Còn dân nghèo, ngày càng đông. Dân ở các vùng "ngoại ô", thực ra là dân quê làm ruộng, không có công ăn việc làm, hết đường xoay sở phải "lên tỉnh" hoặc kiếm việc làm, hoặc bám vào "vỉa hè" mà sinh sống.

viahe3

Xe máy, ôtô leo lên vỉa hè đã bị lập biên bản, cẩu về phường xử lý.

Tình trạng "kinh tế vỉa hè" ngày càng "phát triển" là do hệ quả của các chính sách sai lầm của người lãnh đạo. Thành phố, cũng như đất nước, bị "phân cực" như hai bước chân khập khểnh: chân lành chân què, bên tối bên sáng, bên sang bên hèn, bên giàu bên nghèo…

Bây giờ, chỉnh trang lại thành phố, không lẽ chặt cái chân "què" kia đi ?

Hay là chữa trị cho nó lành ?

Hệ quả "đánh tư sản", "xây dựng văn hóa mới xã hội chủ nghĩa"... bốn thập niên sau xây dựng, sửa sai vẫn chưa hồi phục được những gì đã đổ vỡ.

Bây giờ lại chủ trương "giải phóng vỉa hè", trả lại vỉa hè cho người đi bộ, thực chất là "đánh" vào nồi cơm của đông đảo dân nghèo. Mà dân nghèo tụ tập ở vỉa hè thành phố, chỉ là phần nổi của băng sơn, đại diện tiêu biểu cho những tỉnh cực kỳ nghèo chung quanh.

Những người như ông quận phó, hay những người đứng sau, là những đảng viên cộng sản. Tất cả đều xuất thân từ "giai cấp vô sản", tức giai cấp nghèo trong xã hội. Bây giờ, đổi đời, rủng rỉnh tiền bạc, họ lại trở mặt với tầng lớp đã nuôi sống, cũng như đưa họ lên đỉnh quyền lực.

Làm chính trị, nguyên tắc đạo đức cốt lõi, là không phản bội lại quần chúng đã ủng hộ mình.

Người dân nghèo Việt Nam, không chỉ ủng hộ cho đảng cộng sản, mà còn đổ xương máu xây đài vinh quang cho Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bây giờ hô hào phát triển thành phố, đưa thành phố vào nếp sống "hiện đại văn minh".

Thành phố "cất cánh" đi đâu? Ai bay lên và ai còn sót lại ?

Thành phố chỉ "hiện đại văn minh" khi và chỉ khi những tỉnh chung quanh cũng "hiện đại và văn minh".

Dân nghèo, chiếm đại đa số dân chúng cả nước.

Đất nước này là của cả dân tộc này. Thành phố này là của cả dân sống trong thành phố này. "Cất cánh" lên là tất cả cùng bay lên, không bỏ ai ở lại.

Cái nghèo mới là "kẻ thù" cần tiêu diệt. Cái nghèo đã làm cho bộ mặt đất nước nhếch nhác, thành phố hỗn độn, bẩn thỉu.. Khi cái nghèo còn ngự trị là vỉa hè còn bị chiếm đóng.

Làm công chuyện, biết trước là "bắt cóc bỏ dĩa", nhưng vẫn làm. Chỉ có những người "cộng sản duy ý chí" mới làm vậy mà thôi.

Đất nước nghèo xác xơ là đúng.

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : Facebook Nhân Tuấn Trương, 12/03/2017

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trương Nhân Tuấn
Read 864 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)