Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/03/2019

Ký giả không biên giới lên tiếng về tù nhân lương tâm Việt Nam

RFA tiếng Việt

RSF lên tiếng về trường hợp các nữ tù chính trị (RFA, 07/03/2019)

RSF vào ngày 7 tháng 3 năm 2019 ra thông cáo báo chí về tình trạng của những nữ tù nhân nữ trên khắp thế giới đang bị giam giữ trong những điều kiện được mô tả là khủng khiếp.

rsf1

RSF lên tiếng bênh vực những nữ tù nhân lương tâm đang bị cầm tù, trong đó có bà Trần Thị Nga, một nhà hoạt động xã hội Việt Nam. Ảnh RSF nhân Ngày Phụ nữ thế giới 8/3

Trường hợp của tù nhân Trần Thị Nga của Việt Nam được xếp vào nhóm những nữ tù trên thế giới bị giam giữ trong những điều kiện ‘vô nhân đạo’.

Theo RSF thì bà Trần Thị Nga, một blogger hoạt động bảo vệ cho những công nhân nhập cư, bị biệt giam hơn 6 tháng sau khi bị bắt ngay trước tết âm lịch vào ngày 21 tháng 1 năm 2017. Đến ngày 25 tháng 7 năm 2017 bà bị tòa kết án 9 năm tù giam.

Ngay trước phiên xử, luật sư được gặp bà một lần và nhận thấy sức khỏe của bà sa sút trầm trọng nên phải lên tiếng đánh động với mọi người.

Bà bị trại giam từ chối không cho gọi điện thoại về nhà cũng như thân nhân không được thăm nuôi gần một năm trời chỉ vì bà ‘không nhận tội’.

Bà Trần Thị Nga, sinh năm 1977, là mẹ của hai con nhỏ. Bà từng là một lao động xuất khẩu làm việc ở Đài Loan, bị tai nạn. Sau đó bà về nước và giúp cho những công nhân xuất khẩu lao động bị lừa đảo khi ở nước ngoài.

Bà cũng tham gia các phong trào xã hội dân sự trong việc biểu tình chống Trung Quốc gây hấn với Việt Nam, cổ xúy cho dân chủ, nhân quyền, chống tham nhũng, bất công…

Thống kê của RSF cho thấy hiện có 27 nữ phóng viên đang bị giam tù trên khắp thế giới. Trong số này có những người bị biệt giam, có người là nạn nhân của tra tấn và xâm hại tình dục.

RSF kêu gọi các nước phải trả tự do ngay và vô điều kiện cho những nữ tù nhân này.

*******************

RSF lên tiếng về trường hợp nhà báo Việt Nam bị bạc đãi trong tù (RFA, 07/03/2019)

Tổ chức Phóng viên Không Biên Giới-RSF, lên tiếng về tình trạng đối xử tệ hại ngày càng tăng đối với những nhà báo bị tù ở Việt Nam.

rsf2

RSF vinh danh nhà báo Nguyễn Văn Hóa (giữa) tại phiên tòa ở Hà Tĩnh - Photo : RSF

Theo thông cáo báo chí được đưa ra vào ngày 7 tháng 3, RSF nêu trường hợp tù chính trị Nguyễn Văn Hóa tiếp tục cuộc tuyệt thực kéo dài sang tuần lễ thứ hai nhằm phản đối việc bị đánh đập trong khi giam giữ.

RSF nhắc lại anh Nguyễn Văn Hóa bị bắt từ tháng giêng năm 2017 và đang phải thụ án 7 năm tù giam. Từ ngày 22 tháng 2, Nguyễn Văn Hóa bắt đầu tuyệt thực và có thư gửi đến các cơ quan chức năng địa phương, tỉnh cũng như Viện Kiểm Sát Tối Cao ở Hà Nội nêu ra những trường hợp bản thân bị hành xử tệ hại.

Anh Nguyễn Văn Hóa nói sẽ tiếp tục tuyệt thực nếu như tất cả những người bị cho có tránh nhiệm trong hành vi đối xử tệ hại với anh không được điều tra theo Hiến Pháp và luật pháp nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

Ông Daniel Bastard, người đứng đầu văn phòng Châu Á- Thái Bình Dương của RSF, cho rằng hoàn toàn không thể chấp nhận việc một phóng viên bị bỏ tù chỉ vì thông tin cho đồng bào của mình và phải tuyệt thực để đòi hỏi các quyền căn bản của cá nhân được tôn trọng, trong đó có quyền không được xâm phạm thân thể.

RSF cho biết đang chuyển đến Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tra tấn tình trạng gia tăng đối xử tệ hại đối với các nhà báo bị cầm tù ở Việt Nam.

Trường hợp của nữ tù chính trị Nguyễn Đặng Minh Mẫn được RSF nêu ra trong thông cáo báo chí. Theo đó thì cô Nguyễn Đặng Minh Mẫn, một blogger và cũng là một nhà nhiếp ảnh, bị giam cầm từ năm 2011. Cô cũng bị đối xử tệ hại như trường hợp anh Nguyễn Văn Hóa.

Gia đình cô Nguyễn Đặng Minh Mẫn sống tại Trà Vinh ở miền nam trong khi đó cô bị giam ở Thanh Hóa thuộc bắc Trung phần Việt Nam. Vào tháng 11 năm 2014, cô chỉ còn 35 kilogram sau những lần tuyệt thực vào năm đó. Vào tháng 3 năm 2017, cô Nguyễn Đặng Minh Mẫn lại phải tuyệt thực để phản đối những bạo lực mới nhất đối với cô trong trại giam.

Theo Chỉ số Báo Chí Thế giới năm 2018 của RSF thì Việt Nam xếp hạng 175 trên tổng số 180 quốc gia.

******************

Cập nhật tin tù chính trị Nguyễn Văn Hóa sau chuyến thăm mới nhất của gia đình (RFA, 05/03/2019)

Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa tuyệt thực đến ngày thứ 12. Bà Nguyễn Thị Huệ, chị gái của tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa có chuyến thăm em trai mình vào sáng ngày 5 tháng 3 tại trại giam An Điềm, tỉnh Quảng Nam.

rsf3

Tổ chức Freedom Now lên tiếng cho Nguyễn Văn Hóa - RFA

Trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự Do vào chiều cùng ngày, bà Huệ cho biết đã khuyên bảo em mình và cho biết tình trạng của anh Nguyễn Văn Hóa hiện nay :

Tình hình sức khỏe của em thì nó vẫn yếu vì tuyệt thực đến ngày 12 mà. Sắc mặt rất nhợt nhạt và gầy đi rất nhiều. Ngày hôm nay thì hy vọng ngày mai Hóa sẽ suy nghĩ và sẽ ngừng. Tôi cũng đã nói rõ và hy vọng là lần tới đi thăm vào đầu tháng 4 thì mọi chuyện sẽ trở lại bình thường. Hóa nói Hóa hứa với chị.

Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa đã bắt đầu tuyệt thực từ ngày 22/2/2019 để phản đối cách hành xử của cán bộ trại giam An Điềm cũng như yêu cầu điều tra những người đánh đập anh này không được đáp ứng.

Trong thư cầu cứu của bà Nguyễn Thị Huệ viết ngày 26/2 cho biết 3 lý do tuyệt thực của anh Hóa là : thứ nhất vì trại giam không cho Hóa gửi đơn tố cáo việc mình bị công an bắt cóc, đánh đập, ép cung ; thứ nhì là vì một trung úy có thái độ quát tháo lớn tiếng để đội trại giam áp dụng luật pháp tùy tiện và độc đoán ; và thứ ba là một cán bộ trại giam tự ý xâm phạm vào buồng giam quay phim mà không có quyết định của tại giam.

Chị Huệ chia sẻ với chúng tôi thêm những điều anh Nguyễn Văn Hóa đã nói với chị vào sáng nay :

Sáng hôm nay là ngày 5 tháng 3 thì có một đồng chí vẫn còn xông vào phòng giam của Hóa quay phim, chụp hình bình thường. Hóa cũng nói em sẽ suy nghĩ những vấn đề mọi người quan tâm, động viên, thăm hỏi thì em sẽ ngừng. Nhưng vấn đề liên quan đến đơn kiện tố ở trại giam 800 nếu họ không chuyển đơn đi thì Hóa cũng sẽ tiếp tục làm đơn khiếu nại, khởi kiện bình thường.

Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa năm nay 24 tuổi, từng là một nhà hoạt động xã hội ngụ tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Anh là người đầu tiên cho phát hình trực tiếp các cuộc biểu tình của người dân Hà Tĩnh phản đối Nhà máy Formosa gây ô nhiễm biển ở bốn tỉnh miền Trung Việt Nam vào giữa năm 2016.

Anh Nguyễn Văn Hóa bị bắt vào ngày 11/1/2017 mà theo anh này là bị công an bắt cóc, sau đó bị tống lên xe thùng đưa ra thị xã Hồng Lĩnh giam giữ trong vòng 9 ngày. Trong thời gian này, anh Hóa nói đã có 8 công an đánh đập, ép cung anh bằng cách buộc dây trói 2 tay lên và tát nước vào mặt.

Trong phiên xử nhà hoạt động Lê Đình Lượng vào ngày 16/8/2018, anh Nguyễn Văn Hóa xuất hiện trong một video với vai trò là nhân chứng buộc tội ông Lê Đình Lượng. Tuy nhiên, tại tòa anh Hóa phản cung cho rằng những lời khai trước đây về ông Lượng là vì bị đánh đập và bức ép.

Ngày 6/11/2018, Hai tổ chức Freedom Now và Công ty luật toàn cầu Dechert LLP thay mặt gửi đến Nhóm Làm việc của Liên Hiệp Quốc về Bắt giữ tùy tiện và yêu cầu có hành động ngay lập tức về trường hợp Nguyễn Văn Hóa.

Freedom Now nêu rõ Việt Nam tiếp tục giam giữ anh Nguyễn Văn Hóa là vi phạm Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị cũng như Tuyên Ngôn Nhân quyền Quốc Tế.

Hôm 18/1/2019, Freedom Now cũng đề cử anh Nguyễn Văn Hóa cho giải thưởng Tự do báo chí 2019 của UNESCO.

Quay lại trang chủ
Read 593 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)