Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/03/2019

Bình Dương ô nhiễm : hệ lụy của phát triển quá nhanh khu công nghiệp ?

Trúc Mai

"Bình Dương bệnh nhiều lắm, vô bệnh viện quá trời rồi, như xóm tui nè, hết người này chết vì bệnh đến người kia chết vì bệnh. Mà phần nhiều là ung thư. Vậy mà lại dám ngang ngược nói đã xử lý ô nhiễm thành công", ông Hai Kem chia sẻ... đầy giận dữ.

binhduong01 - Copie

Nguồn nước thải ô nhiễm tại Bình Dương - Ảnh minh họa

Ông Hai Kem bực bội còn là vì mới đây ông Dũng ‘lò vôi’ đã ‘nổ’ đại ý rằng "Chúng tôi đã thử nghiệm đầu tiên tại Bình Dương. Chúng tôi mong được thực hiện việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải bằng vi sinh trên phạm vi cả nước". Đại gia Dũng ‘lò vôi’ khẳng định sẽ đầu tư 10.000 tỷ đồng trên cả nước và phần lớn dành cho Đà Nẵng để xử lý ô nhiễm nguồn nước.

Do phát triển quá nhanh ?

Tường thuật của báo chí cho biết, phát biểu tại buổi Tọa đàm mùa Xuân 2019 do Thành ủy, UBND Thành phố Đà Nẵng tổ chức sáng 1/3, ông Huỳnh Uy Dũng (tức Dũng ‘lò vôi’, Chủ tịch Tập đoàn Đại Nam) cho biết sau những thành công ở Bình Dương, ông chọn Đà Nẵng là quê hương thứ hai để đầu tư. Và dự án đầu tiên của ông là xử lý ô nhiễm nguồn nước ở Đà Nẵng.

Ông Huỳnh Phi Dũng (tên lúc chưa đổi) còn được biết đến là chủ các khu công nghiệp Bình Đường, Sóng Thần 1, 2 và 3 ở tỉnh Bình Dương.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa phát triển kéo theo đó là sự dần biến mất của những cánh đồng và được thay thế bởi các khu công nghiệp. Chúng có mặt ở nhiều nơi : từ Dĩ An cho đến ‘thành phố mới Bình Dương’ ; từ Bến Cát cho đến Bàu Bàng… Việc phát triển ồ ạt các khu công nghiệp tuy có ưu điểm là sẽ đem công việc đến cho nhiều người dân : "Giờ bà con bỏ quê miền Tây lên Bình Dương làm công nhân nhiều lắm", anh Xuân, một thợ làm tầm vông ở miệt Ba Chúc, Thất Sơn của tỉnh An Giang nhận xét. Thế nhưng hệ lụy giờ quá rõ, các khu công nghiệp buông lõng các chuẩn định về xử lý chất thải đã gây ra ô nhiễm môi trường ngày thêm trầm trọng. 

Một trong những điển hình cho sự ô nhiễm ở Bình Dương, đó chính là kênh Ba Bò. Dù nhiều lần cam kết thực hiện quyết liệt xử lý ô nhiễm cứu con kênh Ba Bò, nhưng tình hình đâu vẫn hoàn đấy.

"Có thời gian tui đi làm bên đó. Nước kênh hay có bọt màu trắng lắm. Xung quanh thì đầy các khu công nghiệp. Có cả mấy khu công nghiệp của ông Dũng ‘lò vôi’ chỗ đó nữa. Tui cũng không biết nguyên nhân là do dân xả rác hay do khu công nghiệp xả thải, hay do cả hai. Nhưng nhìn chung kênh Ba Bò ô nhiễm thì cũng lâu rồi, thấy cũng hô hào giải quyết, nhưng rốt cuộc đâu cũng hoàn đó". Ông Hai Kem kể. 

Trở lại với câu chuyện ông Dũng ‘lò vôi’. Hạ tuần tháng 2/2019, UBND Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu chủ đầu tư khu công nghiệp Sóng Thần 1 và 2 sớm xây dựng 2 tuyến thoát nước độc lập cho từng khu công nghiệp và tăng cường kiểm tra giám sát nguồn xả thải ra kênh Ba Bò.

Chính quyền đã… ‘chào thua’ ?

Ô nhiễm là thế. Song đối với những khu vực "xa mặt trời" như trong Bàu Bàng, chính quyền địa phương tựa như "vua một cõi". Nhóm cộng tác viên Việt Nam Thời Báo cho biết : "Thời gian cá ở hồ Từ Vân chết, bọn tôi có đến tận nơi tìm hiểu. Bọn tôi vào nhà người dân để hỏi thăm, để ghi hình. Người dân thì chịu chia sẻ đó, nhưng không dám lên hình. Họ nói, cá chết là có liên quan đến chính quyền địa phương che giấu. Nghe đâu là do doanh nghiệp xả thải nên cá mới chết".

Công bằng mà nói, bên cạnh những lý do từ các nhà máy, ô nhiễm còn xuất phát từ chính người dân. Có những người vì ham muốn ‘thêm một chút’ nên sẵn sàng phun, xịt các loại thuốc trừ sâu, thuốc hóa học vào các loại cây trồng, rau củ. Nguồn nước ngầm có thể sẽ phải đứng trước nguy cơ bị ô nhiễm. 

"Họ phun, xịt đủ thứ. Rồi theo hướng gió xuống nhà mình, rồi thấm vào mạch nước ngầm, lâu ngày dài tháng rồi bệnh. Đó là chưa kể bông, trái ăn vào bệnh nữa. Với mấy trái có vỏ dày như cam, bưởi, để một thời gian rồi bán, còn đỡ đỡ. Còn mấy trái như chôm chôm, thuốc nó dính vào mấy cái lông, thấm vào bên trong. Ăn vào ớn chết luôn". Bà Út, một nông dân ở Tân An, Thủ Dầu Một, kể. 

"Tình hình này, riết rồi không biết sẽ như thế nào. Lúc còn nhỏ, chạy ra vườn chơi, rồi ra sông ngắm tàu, ghe. Giờ bà con, cả trong họ hàng cứ nhăm nhe bán đất, khu công nghiệp mọc lên. Rồi lại ô nhiễm, không biết sau này con cháu mình sẽ như thế nào ?". Một cư dân Bình Dương, nói.

"Đồng ý là công nghiệp hóa, hiện đại hóa là bắt kịp xu thế thời đại, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân. Nhưng chí ít cũng phải nghĩ, đất nước mình thế mạnh là nông nghiệp. tại sao không phát triển mà còn thu hẹp cái thế mạnh đó ?. Hàng loạt khu công nghiệp, xả khói vào không khí, xả thải ra sông, rồi chất thải rắn. Mấy anh thấy nhà máy Lee & Man ở Hậu Giang không ? Xuống đó mà hửi, thúi um luôn. Rồi cá nào sống nổi, nước nào xài được ? Làm gì thì làm, cũng phải nghĩ cho đời sống người dân địa phương nữa chứ". Nhóm phóng viên một kênh truyền hình ở Sài Gòn, bức xúc.

Bình Dương là địa phương nổi tiếng nhất nhì Việt Nam với những chính sách thu hút đầu tư cả trong lẫn ngoài nước. Tuy nhiên để phát triển nền kinh tế bền vững, không chỉ là chăm chăm tạo nguồn thu ngân sách bao nhiêu ngàn tỷ bạc, mà còn đòi hỏi tiên quyết môi trường sống, sức khỏe của người dân phải được nâng cao, chứ không thể mỗi năm lại thêm khốn khó vì bệnh tật, vì ung thư do ô nhiễm.

Trúc Mai

Nguồn : VNTB, 06/03/2019

Quay lại trang chủ
Read 511 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)