Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/03/2019

Nước mắm : Nhà nước muốn gian lận tiêu chuẩn sản xuất ?

Nhiều tác giả

Nước mắm truyền thống "lép vế" trước nước chấm công nghiệp ?

Nguyễn Hiền, VNTB, 12/03/2019

Nhưng Masan cũng dính không ít tỳ vết đen, một trong số đó là đạo diễn vụ nước tương có 3MCPD và nước mắm có Asen theo hướng "ngậm máu phun người". Từ việc Chinsu bị phát hiện 3MCPD, nhưng ông Quang đã nhanh chóng tung ra nước tương Tam thái tử và thách thức người dùng phát hiện ra 3MCPD với giá trị giải thưởng lên đến 1 tỷ đồng, đi kèm theo đó là quay ngược tố cáo nước tương các hãng khác nhiễm 3MCPD. Cách thức này đã khiến cho nước tương truyền thống chết, dẫn đến nước tương hóa chất công nghiệp Chinsu chiếm lĩnh thị trường.

mam1

Bà Tiến sĩ nước mắm Trần Thị Dung đang thử nếm nước mắm tại một cơ sở sản xuất - Ảnh minh họa 

Bà "Tiến sĩ mắm" Trần Thị Dung đã bị từ chối cho phát biểu khi bà muốn lên tiếng về dự thảo tiêu chuẩn sản xuất nước mắm, tại Hội nghị vào chiều ngày 8.3 do Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cùng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và công nghệ) đồng tổ chức.

Nhưng tại sao bà "Tiến sĩ mắm" lại tỏ ra giận dữ khi chủ tọa là ông Trần Văn Công, Phó cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (đơn vị soạn thảo Dự thảo) vội vàng tuyên bố kết thúc.

"Kịch bản hơn hai năm trước đã lặp lại. Mọi người hãy nghe tôi nói", bà "Tiến sĩ mắm" hét lên.

Câu trả lời nằm ở khía cạnh, khó có 1 tiêu chuẩn chung cho loại nước mắm (chứ không phải nước chấm) vì quy trình, nguyên nhiên liệu để hình thành sản phẩm là khác nhau. Tiến hành một dự thảo về tiêu chuẩn sản xuất nước mắm nếu không đặt vào tính chất đặc biệt của "quy trình và nguyên nhiên liệu" sản xuất nước mắm, mà áp quy trình sản xuất nước chấm công nghiệp vào thì đồng nghĩa toàn bộ nước mắm thứ thiệt sẽ bị khai tử, trong khi nước chấm công nghiệp sẽ thay thế bằng sự mạo danh mập mờ - "nước mắm".

Dư luận (chủ yếu là mạng xã hội) phản ứng, bởi đằng sau "kịch bản" được lặp lại này, có nghi vấn bàn vô chi phối của "tỷ phú nước mắm đầu tiên của Việt Nam" do Bloomberg đưa tin, đó là Chủ tịch Masan Group - ông Nguyễn Đăng Quang với tài sản 1,2 tỷ USD.

Tỷ phú, và từng là Việt kiều Đông Âu này là chủ doanh nghiệp chi phối các mặt hàng thực phẩm thiết yếu trên thị trường Việt Nam như nước mắm, mỳ gói, xúc xích, cháo hay tương ớt. Và để hình dung, thì Masan như một con bạch tuộc vươn vòi trong mọi ngõ ngách của từng gian bếp gia đình người Việt hiện nay. Lý do, ông Nguyễn Đăng Quang là một người có đầu óc tính toán cực tốt, ông đặt tính tiên phong và hiểu về tâm lý, nhu cầu người Việt. Thế nên, từ việc ra đời của nước mắm Chinsu, đã đánh dấu bước ngoặt trong hành vi ăn uống của người dùng khi họ có thể chấm bằng cách nhúng cả vào chén nước chấm. 

Trong khi giá của sản phẩm chấm rẻ, màu đẹp, vị vừa phải lại thơm đã đánh bật hầu như khuyết điểm của dòng nước mắm truyền thống, vốn hôi và mặn (ngoại trừ dòng sản phẩm của Hạnh phúc). Đó là lý do vì sao, David Anjoubault - Giám đốc hãng nghiên cứu Kantar Worldpanel Vietnam cho biết, "các hãng sản xuất thực phẩm trong nước như Masan hiểu biết rất sâu về nhu cầu và hành vi của người mua tại đất nước mà địa phương hóa là yếu tố thành công sống còn".

Nhưng Masan cũng dính không ít tỳ vết đen, một trong số đó là đạo diễn vụ nước tương có 3MCPD (3-monochloropropane-1,2-diol, hoặc 3-chloro-1,2-propanediol, 3-monochloropropanols) và nước mắm có Asen theo hướng "ngậm máu phun người". Từ việc Chinsu bị phát hiện 3MCPD, nhưng ông Quang đã nhanh chóng tung ra nước tương Tam thái tử và thách thức người dùng phát hiện ra 3MCPD với giá trị giải thưởng lên đến 1 tỷ đồng, đi kèm theo đó là quay ngược tố cáo nước tương các hãng khác nhiễm 3MCPD. Cách thức này đã khiến cho nước tương truyền thống chết, dẫn đến nước tương hóa chất công nghiệp Chinsu chiếm lĩnh thị trường.

Cơ hội nào cho nước mắm truyền thống ?

Trước đây, các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống chỉ mang tính chất địa phương (Phú Quốc, Nha Trang, Phan Thiết…) nhưng kể từ tháng 5/2017, với quyết định công nhận của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về sự thành lập Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam với 17 thành viên, đã trở thành một động lực để đưa nước mắm truyền thống trở lại thị trường theo đúng nghĩa của nó. Thế nhưng, việc thống nhất dưới một hiệp hội mới chỉ là bước đầu cho tiến trình đưa nước mắm đến tay người dùng, bởi muốn làm được như vậy, thì đấu tranh về mặt pháp lý (qua dự thảo về tiêu chuẩn nước mắm) hay truyền thông (để tiếp cận người dùng) luôn là một bước đệm quan trọng. 

Người tiêu dùng sẽ không thể nào tìm đến nước mắm thay cho nước chấm khi mà nước mắm truyền thống vẫn chưa có một mẫu mã đẹp, vẫn chưa hiểu rõ cách thức pha chế thêm thế nào để nước mắm có thể ngon hơn, hay nước mắm truyền thống "bổ dưỡng" hơn so với nước chấm như thế nào. Họ cũng sẽ thua cuộc, nếu như cứ dựa vào hình thức kinh doanh theo hướng truyền miệng hay là những mối khách hàng quen hàng thập kỷ… Bởi lẽ, với cách thức cũ kỹ về truyền thông (đến nay vẫn chưa có một quảng cáo nào đủ để người dùng nhận biết về nước mắm truyền thống trên đài truyền hình quốc gia), và sự co cụm về nhóm khách hàng, việc chưa mạnh dạn đấu tranh pháp lý cũng khiến các hãng nước mắm như Hạnh Phúc, 584 Nha Trang, Phú Quốc, Hưng Thịnh… không nằm trong ý thức nhận biết của phần đông người dân Việt Nam. 

Nắm mắm truyền thống mãi mãi sẽ bị nước chấm công nghiệp đè nén, nếu không chuyên nghiệp hóa truyền thông, tổ chức, cơ sở pháp lý mang tính lâu dài... Như vậy, nhanh chóng sắp xếp lại tổ chức hiệp hội, tiến hành một quy trình truyền thông, đặc biệt là đấu tranh đòi hỏi Masan phải minh bạch là "nước chấm công nghiệp" chứ không phải là nước mắm, đấu tranh xây dựng một quy chuẩn nước mắm có tính đặc thù truyền thống. Điều này có thể thực hiện được với sự trợ giúp của mạng xã hội Facebook (nơi ít chịu sự áp lực truyền thông của các tập đoàn về nước chấm công nghiệp và hiện đang lên tiếng vạch trần sự giả hiệu "nước mắm" của Masan-group) cũng như sự lên tiếng và hiện diện kịp thời của Hiệp hội nước mắm truyền thống trong bảo vệ bà "Tiến sĩ mắm", và bảo vệ hai chữ "nước mắm" thực sự. 

Ngoài ra, Hiệp hội nước mắm truyền thống có thể chi kinh phí quảng cáo trên truyền thông đại chúng về "nước mắm truyền thống" trong sự kiện này như một cách thức để tạo ra dấu ấn của người dùng, thu hút người dùng trong phong trào tìm kiếm lại "nước mắm" trong gia đình Việt. Và sự kiện "Tiến sĩ mắm" là cơ hội truyền thông mà giới nước mắm truyền thống không nên bỏ qua, bởi nếu không nắm bắt, thì câu chuyện 2 năm trước đây (sự kiện arsen hay 3MCPD sẽ tái lặp), và sự thiệt hại về hướng về doanh nghiệp làm nước mắm truyền thống.

Nguyễn Hiền

Nguồn : VNTB, 12/03/2019

*********************

Nước mắm – ví dụ minh họa cho tham nhũng chính sách

Trân Văn, VOA, 12/03/2019

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản của Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn vừa phân bua về "Dự thảo TCVN 12607:2019 Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm" (gọi tắt là TCVN 12607:2019). Theo đó, mục tiêu soạn thảo TCVN 12607:2019 chỉ nhằm "xác định tiêu chuẩn về quá trình chứ không phải là đặt định yêu cầu về kỹ thuật của nước mắm, cũng không ấn định các chỉ tiêu và giới hạn phải tuân thủ đối với nước mắm trên thị trường" (1).

mam1

Nước mắm trong siêu thị ở vùng Vịnh San Francisco, California (ảnh Bùi Văn Phú)

Đây không phải là lần đầu tiên những dự định, nhận định, qui định từ hệ thống công quyền về nước mắm khiến dư luận dậy lên thành bão. Trước đây, các tổ chức xã hội – nghề nghiệp liên quan đến nước mắm như : Câu lạc bộ Nước mắm truyền thống Việt Nam, Hiệp hội Nước mắm Nha Trang, Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc… nhiều chuyên gia và công chúng từng lên tiếng tố cáo những gian ý, cố tình bóp chết nước mắm.

***

Trước giờ, nước mắm vẫn được xem như một thứ "quốc hồn, quốc túy". Tại Việt Nam, loại sản phẩm này có khoảng 90 triệu người cần dùng mỗi ngày, chưa kể còn tới vài triệu người nữa bên ngoài Việt Nam cũng có nhu cầu sử dụng hàng ngày y hệt như vậy. Tuy nhiên hoạt động sản xuất nước mắm càng ngày càng khó khăn. Các cơ sở sản xuất nước mắm tuần tự đóng cửa. Nghề làm nước mắm đối diện với viễn cảnh sẽ mai một.

Cách nay ba thập niên, những người Việt giàu trí tưởng tượng nhất cũng không thể hình dung sẽ có lúc, thứ sản phẩm mà cha ông họ và chính họ dùng mỗi ngày, từ đời này sang đời khác sẽ được định danh lại và trở thành… "nước mắm truyền thống" ! Người Việt đương đại phải đính vào sau nước mắm hai từ "truyền thống" vì thị trường tràn ngập một loại sản phẩm khác cũng được xem là "nước mắm".

Sản phẩm "nước mắm" mới không phải là thành phẩm chắt ra từ quá trình ủ cá kèm muối tối thiểu tám tháng như ngày xưa. "Nước mắm" mới là thành quả kết tinh từ việc pha chế đủ loại yếu tố nhân tạo, phi tự nhiên như đường hóa học, chất tạo hương, chất tạo màu, chất tạo vị, chất tạo độ sệt, chất bảo quản. Sản xuất "nước mắm" mới nhanh, gọn, sản phẩm thì đa dạng và rẻ nên "nước mắm" mới nhanh chóng tràn ngập thị trường.

Nước mắm đột nhiên trở thành "nước mắm truyền thống" là vì giới sản xuất "nước mắm" mới không chấp nhận việc gọi sản phẩm do họ làm ra là nước mắm công nghiệp. Họ cũng không chấp nhận việc gọi sản phẩm do họ làm ra là nước chấm (cách mà trước nay người Việt vẫn dùng để gọi nước mắm đã được pha chế, không còn nguyên chất, không đúng với nguyên nghĩa nước mắm).

Nước mắm công nghiệp, nước chấm "hiện đại" không chỉ đẩy nước mắm đến chỗ chông chênh vì bất khả cạnh tranh về giá mà còn lao đao do bất khả kháng cự vì bị chèn ép bởi các chiến dịch truyền thông bẩn thỉu có hệ thống công quyền đứng sau hỗ trợ. Trước sự công phẫn của dư luận, năm 2016, Bộ Thông tin – Truyền thông Việt Nam từng phải xử phạt 50 cơ quan truyền thông vì tuyên truyền nước mắm nhiễm… thạch tín (2).

***

Dự thảo TCVN 12607:2019 mà Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản của Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn vừa giới thiệu, bị nhiều người xem như phần tiếp theo của một kế hoạch dài hạn : Thủ tiêu nước mắm bằng các qui phạm pháp luật. Nếu dự thảo vừa kể được ban hành, Việt Nam sẽ có một tiêu chuẩn mới, chính thức cho phép nước mắm công nghiệp hay nước chấm "hiện đại" sánh vai với nước mắm.

Chuyện không chỉ ngừng ở đó, ông Vũ Thế Thành, một chuyên gia về an toàn thực phẩm còn khẳng định, Dự thảo TCVN 12607:2019 là một hình thức nhân danh an toàn thực phẩm để đẩy sản xuất nước mắm đến chỗ mệnh một. Ông Thành đã phân tích khá cặn kẽ Dự thảo TCVN 12607:2019 ngớ ngẩn thế nào, ác ý ra sao đối với nước mắm.

Ông Thành nhấn mạnh, bộ phận soạn thảo TCVN 12607:2019 không chỉ không hiểu gì về sản xuất nước mắm mà còn cố tình đặt định những đòi hỏi phi lý như chỉ tiêu histamin trong nước mắm (phải dưới 400 ppm), vốn chỉ có nước mắm công nghiệp, nước chấm "hiện đại" mới… đáp ứng được những tiêu chuẩn có tầm vóc… quốc gia ấy (3). Đó là lý do tại sao Dự thảo TCVN 12607:2019 đầy dẫy sai sót.

Đầu năm 2018, Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế từng tổ chức một hội thảo về chỉ tiêu histamin trong nước mắm. Sau khi nghe phân tích của các chuyên gia, giới sản xuất nước mắm, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm thừa nhận chỉ tiêu histamin trong Bộ Tiêu chuẩn quốc tế về nước mắm không hợp lý và hứa sẽ vận động để nới rộng chỉ tiêu này, tạo điều kiện cho Việt Nam có thể xuất cảng nước mắm.

Tiêu chuẩn hiện hành của cộng đồng quốc tế về nước mắm vốn do Việt Nam và Thái Lan hợp soạn. Tại sao Việt Nam – một trong hai bên tham gia vào việc soạn thảo tiêu chuẩn này lại chủ động đặt định chỉ tiêu histamin trong nước mắm bất hợp lý như vậy để cuối cùng, nước mắm không có lối xuất dương, cơ hội xuất cảng chỉ dành riêng cho nước mắm công nghiệp, nước chấm "hiện đại" ?

Việt Nam chỉ có một chính phủ, trong chính phủ chỉ có một Cục An toàn thực phẩm của Bộ Y tế, một Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản của Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn. Chính phủ hoạt động theo kiểu nào, phối hợp với nhau ra sao mà Cục An toàn thực phẩm thì vừa xác nhận, vừa cam kết sẽ vận động để thay đổi chỉ tiêu về histamin, còn Cục Chế biến và Phát triển nông thôn thì toan lấy chỉ tiêu ấy làm tiêu chuẩn quốc gia ?

***

Mỗi năm, người Việt sử dụng khoảng 300 triệu lít nước mắm, tổng số tiền chi cho tiêu dùng nước mắm tại Việt Nam được ước đoán khoảng 11.300 tỉ đồng (4). Giới sản xuất nước mắm công nghiệp, nước chấm "hiện đại" đang chiếm khoảng 80% thị phần của thị trường nước mắm.

Thỉnh thoảng người ta lại thấy, hệ thống truyền thông Việt Nam đồng loạt báo động về những ẩn họa, nguy hại cho sức khỏe, tính mạng từ một loại sản phẩm tiêu dùng nào đó. Khi sự hoang mang lan rộng trong cộng đồng tiêu dùng, hệ thống truyền thông bắt đầu quảng bá những sản phẩm thay thế an toàn, ưu việt hơn. Hết nước tương nhiễm 3-MCPD, tới nước mắm nhiễm thạch tín,…

Trong những chiến dịch gây khủng hoảng niềm tin về mức độ an toàn của nhiều loại sản phẩm tiêu dùng, thiên hạ không chỉ có cơ hội mục kích hệ thống truyền thông công khai tự bán chính mình mà còn thấy bóng dáng của không ít chuyên gia, nhân dạng của không ít viên chức, diện mạo của không ít cơ quan hữu trách tham dự như những công cụ tác động để gia tăng hiệu quả.

Cũng vì vậy, hoang mang dễ dàng đi thẳng từ mơ hồ đến kinh hoàng vì… có đầy đủ luận cứ vững chắc rồi thở phào khi có sản phẩm thay thế đã được kiểm định chặt chẽ về chất lượng. 3-MCPD đã khai tử các cơ sở sản xuất nước tương, thạch tín đã bóp mũi làm các cơ sở sản xuất nước mắm ngắc ngoải.

Trước, chỉ có các chuyên gia, công chúng nói xa, nói gần về tham nhũng chính sách (hối lộ để lót đường cho những chủ trương, qui phạm pháp luật đem lại lợi ích riêng cho một nhóm, một tầng lớp cụ thể). Giờ, các viên chức trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam vừa thừa nhận, vừa cam kết chống "tham nhũng chính sách". Vẫn chăm chăm nhắm vào, khống chế tỉ lệ histamin trong nước mắm, biến tỉ lệ vốn đã được phân tích – chứng minh cẩn thận, thậm chí đã được công khai thừa nhận là không nên áp đặt ở mức như thế để khai tử các cơ sở sản xuất nước mắm, tạo điều kiện cho nước mắm công nghiệp, nước chấm "hiện đại" độc chiếm thị trường chẳng lẽ không phải là "tham nhũng chính sách" ?

Diện mạo của Dự thảo TCVN 12607:2019 đã khiến con gái của bà Nguyễn Thị Tình, chủ cơ sở nước mắm Thanh Quốc ở Phú Quốc, hỏi bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Điều hành Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp : Họ (chủ một số đại doanh nghiệp sản xuất nước mắm công nghiệp, nước chấm "hiện đại") giàu quá rồi và đến bao nhiêu thì họ vừa lòng ? Cô gái đó bảo các cơ sở làm nước mắm bị đánh hoài nên đã quen với lao đao nhưng lần này cô sợ sẽ chết hết vì có "nhà nước cùng đánh" (5).

Đánh các cơ sở sản xuất nước mắm bằng qui phạm pháp luật có phải là "tham nhũng chính sách" không ? Nếu có, ai đánh trả ?

Trân Văn

Nguồn : VOA, 12/03/2019

Chú thích :

(1) https://tuoitre.vn/se-tiep-thu-y-kien-truoc-khi-ban-hanh-tieu-chuan-san-xuat-nuoc-mam-20190308201107053.htm

(2) https://tuoitre.vn/xu-phat-50-co-quan-bao-chi-vu-nuoc-mam-1222939.htm

(3) http://soha.vn/chuyen-gia-vu-the-thanh-dung-nap-duoi-cai-ao-an-toan-thuc-pham-day-nuoc-mam-truyen-thong-vao-cua-tu-2019030618110767.htm ?

(4) https://nhipcaudautu.vn/magazine/tap-chi-so-ra-506-3316731

(5) https://www.facebook.com/vu.k.hanh.52/posts/10157384852636122

*******************

Nước mắm lại lội ngược dòng

Mặc Lâm, VOA, 11/03/2019

Hơn hai năm trước, một văn bản của Vinastas (Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam) cho rằng 105/150 mẫu nước mắm đóng chai của 88 nhãn hiệu do Vinastas lấy mẫu trên thị trường có chứa hàm lượng arsen tổng hợp (thạch tín) cao hơn mức cho phép. Tiếp theo sau là hàng loạt bài báo công kích nước mắm truyền thống và tuyên dương nước mắm công nghiệp. Báo Thanh Niên không ngần ngại bên cạnh bài viết về arsen đi quảng cáo nước mắm Chinsu và Nam Ngư có slogan : "phải ngon, nhưng trước hết phải an toàn".

mam2

Nước mắm trong một siêu thị ở vùng Vịnh San Francisco, California. (ảnh Bùi Văn Phú)

Hơn hai năm sau, nước mắm truyền thống tiếp tục bị tấn công. Lần này rất bài bản, được che chắn kỹ lưỡng hơn trước và núp dưới hình thức "Tiêu chuẩn quốc gia" khi Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đưa ra dự thảo về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm 2019 gọi là TCVN 12607:2019.

Dự thảo này ngay lập tức bị phản ứng dữ dội không những của chính các nạn nhân của bản dự thảo là các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống mà đa số người dân biết chuyện đều cho rằng đây là hành vi nhằm triệt hạ nước mắm truyền thống bằng chi phí, bởi nếu dự thảo này được thông qua thì chi phí để thỏa mãn yêu cầu trong dự thảo sẽ nâng giá thành nước mắm truyền thống lên cao, và rõ ràng kẻ có lợi không ai khác hơn là các thương hiệu nước chấm công nghiệp.

Nếu như hơn hai năm trước Vinastas lập lờ thông tin arsen trong nước mắm truyền thống gây ung thư thì dự thảo TCVN 12607:2019 đưa ra tiêu chuẩn histamin để làm chao đảo người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống. Histamin có đặc tính chịu nhiệt, thậm chí khi được nấu chín cũng không bị phá hủy, vì vậy, nếu cá biển có chứa lượng histamine cao vẫn không mất đi trong quá trình đun nấu. Độc tính của histamine phụ thuộc vào tổng lượng histamine ăn phải.

Mặc dù cho tới nay chưa có một phát hiện nào trong nước mắm có chứa hàm lượng histamine gây nguy hiểm cho người tiêu dùng nhưng bản dự thảo vẫn cố o ép doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống phải chứng minh trong khi ủ cá thì lượng histamine vẫn trong vòng kiểm soát. Đây là một thách thức cho người làm nước mắm và không ngoa khi nói rằng dự thảo đang làm khó hơn 2.800 doanh nghiệp vốn đã chịu mọi thứ lao đao.

Bản dự thảo đề nghị thay đổi tiêu chuẩn Codex để phù hợp với tiêu chuẩn chung của các nước và dựa vào đó khi trao đổi hàng hóa. Tuy nhiên theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Dung, một chuyên gia về nước mắm cho biết tiêu chuẩn Codex là của Thái Lan đặt ra cho nước mắm của họ, mà nước mắm Thái chỉ là nước mắm công nghiệp không ủ cá tươi làm nước mắm vì vậy tiêu chuẩn này chỉ phù hợp cho loại nước chấm có mùi vị giống như nước mắm nhưng hoàn toàn không có con cá nào được chế biến để hoàn thành sản phẩm.

Trong khi các nước có quyền ra tiêu chuẩn Codex cho riêng sản phẩm của mình thế thì tại sao bản dự thảo lại đề nghị lấy tiêu chuẩn của Thái để áp dụng vào Việt Nam ?

Bản dự thảo cũng yêu cầu các thùng chứa nước mắm truyền thống phải có màu sáng. Tuy nhiên ai cũng biết các bể ủ nước mắm đều làm bằng xi măng, hay thùng gỗ, còn gọi là thùng liều làm sao có màu sáng được ? Màu sáng như yêu cầu của bản dự thảo có hai mục đích, thứ nhất làm ra vẻ công nghiệp hiện đại, thứ hai nhằm làm kiệt quệ các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống vì nếu thay đổi toàn bộ các thùng chứa theo như yêu cầu thì các cơ sở này sẽ phá sản.

Dáng vẻ công nghiệp hiện đại sẽ giết chết hình ảnh truyền thống của một sản phẩm, bất cứ sản phẩm nào. Chẳng hạn như rượu vang, hàng trăm năm nay các hãng rượu danh tiếng thế giới không nổi tiếng vì hiện đại mà nổi tiếng về cách ủ rượu trong các thùng gỗ truyền thống. Nếu bị thay đổi chắc chắn các hãng rượu này sẽ phá sản vì tính cách duy mỹ của bản dự thảo.

Nếu nước mắm truyền thống bị ảnh hưởng thì các đại gia nước chấm công nghiệp không hề tổn hại một đồng nào vì đơn giản họ chỉ pha chế nước lạnh và hóa chất, được che đậy bằng mỹ tự phụ gia, để thành "nước mắm" nên không cần thùng để ủ trong vòng từ 6 tháng đến 1 năm để cho ra sản phẩm.

Từ hơn mười năm nay, nhiều nhà thùng ở Phú Quốc hay Phan Thiết đã xuất khẩu nước mắm truyền thống sang châu Âu, Mỹ, Nhật, Úc… là những thị trường khó tính, hàng rào kỹ thuật rất nghiêm ngặt song nước mắm Việt Nam chưa hề gặp phải bất cứ cảnh báo nào về an toàn thực phẩm, và chẳng ai yêu cầu Việt Nam phải thay đổi thùng liều có màu sáng mới cho bán nước mắm tại nước của họ.

Hiện nay có khoảng 2.800 cơ sở chế biến và doanh nghiệp chế biến nước mắm truyền thống. Nhìn vào các kệ hàng nước mắm trong các siêu thị là thấy sự đa dạng của các thương hiệu đã dày công vun xới cho sản phẩm của họ trong nhiều năm qua. An toàn thực phẩm chưa bao giờ liên quan đến nước mắm ngoại trừ chúng bị cáo gian như vụ Vinastas.

Bản dự thảo nếu được thông qua bất kể sự chống đối của các doanh nghiệp chế biến nước mắm truyền thống sẽ tạo ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Thứ nhất, một ngành nghề truyền thống vốn không được nhà nước tạo cơ hội thăng tiến nay sẽ phá sản và biến mất trên thị trường thế giới. Thứ hai, chấp nhận thông qua dự thảo là chấp nhận hành vi tham nhũng chính sách của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, nơi phác thảo bản dự thảo có lợi cho các nhóm lợi ích núp bóng dưới các công ty sản xuất nước chấm công nghiệp. Thứ ba, người dân sẽ tẩy chay nước chấm công nghiệp để ủng hộ các thương hiệu nước mắm truyền thống mà họ đã dùng trong gia đình suốt bao năm qua, từ khi nước chấm công nghiệp chưa xuất hiện. Việc tẩy chay này sẽ gây ảnh hưởng tới nhiều người, nhiều công ty và nhà nước sẽ không có một chút lợi lộc gì. Thứ tư, kể từ nay hai chữ "truyền thống" sẽ trở thành khôi hài khi áp dụng vào bất cứ lãnh vực nào do sự vấy bẩn mà bản dự thảo đã cố tình bức tử hai chữ "truyền thống" đối với nước mắm Việt Nam.

Nhiều dấu hiệu cho thấy đang có vài cơ quan nhà nước dùng thẩm quyền của mình để đưa ra định nghĩa mập mờ ranh giới giữa nước mắm truyền thống với nước mắm pha chế. Cái được gọi là nước mắm công nghiệp chỉ là xảo ngôn của các công ty sản xuất vì trong đó không có "mắm" mà chỉ có nước mắm được mua từ các thùng liều mang về pha thêm nước, chất phụ gia rồi mang ra thị trường tiêu thụ.

Bênh vực và ủ mưu cho việc làm trái đạo đức này là các "chuyên gia" của các cơ quan "thẩm quyền." Ông PGS-TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế là một trong các thành phần này khi phát biểu trong một cuộc họp báo : "Anh dựa vào đâu mà phân biệt nước mắm truyền thống với nước mắm công nghiệp ? Tiêu chuẩn của Nhà nước người ta chỉ gọi là nước mắm và nước mắm nguyên chất. Tại sao phải phân ra nước mắm truyền thống với nước mắm công nghiệp để gây mất đoàn kết trong ngành nước mắm của mình".

Mặc Lâm

Nguồn : VOA, 12/03/2019

******************

Tham nhũng chính sách tại liên Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn – Bộ Khoa học và công nghệ

Minh Châu, VNTB, 11/03/2019

Tham nhũng chính sách được chính phủ Việt Nam gọi là "lợi ích nhóm". Đó là khi những người có quyền lực (chủ yếu là tiền) sử dụng nó để điều chỉnh chính sách theo hướng có lợi cho họ trong tương lai. Tất nhiên, quá trình "điều chỉnh" này đồng thời tước đoạt lợi ích của những người yếu thế hơn. Người giàu giàu hơn và người nghèo nghèo đi.

Chiều ngày 8/3, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cùng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã gặp gỡ báo chí để trao đổi về những nội dung liên quan đến Dự thảo TCVN 12607:2019 Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm. Lợi ích nhóm được tái xác nhận tại buổi họp báo này.

nuocmam1

Nước mắm nhỉ

Gần 24 tiếng sau cuộc họp báo đó, gần như không thấy các báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người Lao Động, Phụ Nữ, Nhân Dân đưa tin về một người đàn bà đã bị đuổi thô bạo khỏi phòng họp báo ngay chiều 8 tháng 3, Quốc tế Phụ nữ.

"Kịch bản hơn hai năm trước đã lặp lại. Mọi người hãy nghe tôi nói"

Người phụ nữ đã thảng thốt ‘la làng’ như vậy tại buổi họp báo vào chiều ngày 8/3, đã bị chủ tọa là ông Trần Văn Công, Phó cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (đơn vị soạn thảo Dự thảo TCVN 12607:2019) ‘mời’ ra khỏi phòng, và còn lệnh cho bảo vệ phải đuổi bà này khỏi hẳn trụ sở của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Người phụ nữ ấy chính là Tiến sĩ Trần Thị Dung, chuyên gia nước mắm, nguyên cán bộ Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Thủy sản, nay thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn). Bà cũng là người đầu tiên lên tiếng minh oan cho nước mắm truyền thống khi bị gắn mác "nhiễm arsen" cách đây hơn 2 năm về trước.

nuocmam2

"Tiến sĩ nước mắm" - Tiến sĩ Trần Thị Dung, nguyên cán bộ Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Thủy sản, nay thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn)

Báo Giao thông, tính đến đầu giờ trưa ngày 9/3, là tờ duy nhất đưa tin về vụ Tiến sĩ Dung bị đuổi khỏi phòng họp báo.

"Cả hai lần Tiến sĩ Trần Thị Dung giơ tay phát biểu về dự thảo tiêu chuẩn sản xuất nước mắm song đều bị từ chối phũ phàng. Khi chủ tọa là ông Trần Văn Công, Phó cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (đơn vị soạn thảo Dự thảo) vội vàng tuyên bố kết thúc, bà Dung đã phải hét lên : "Kịch bản hơn hai năm trước đã lặp lại. Mọi người hãy nghe tôi nói". Tuy nhiên ông Công lập tức yêu cầu nữ chuyên gia rời khỏi khán phòng họp. Thậm chí khi bà Dung đã ra tới ngoài sân, còn bị bảo vệ gây khó. Chỉ tới khi báo chí lên tiếng, nữ chuyên gia này mới được đứng lại trao đổi thông tin". Báo Giao thông đưa tin trong bài báo trên trang điện tử lúc 21g31 ngày 8/3.

Theo bà Dung, có đến hơn 50 nội dung quy định hoặc từ ngữ chưa sát, chưa phù hợp với thực tế sản xuất nước mắm. Ví dụ như yêu cầu kiểm soát các loại thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật của nước mắm trong khi nguyên liệu làm nước mắm chủ yếu là cá biển chứ không phải cá nước ngọt (cá nuôi)… Còn nguồn nguyên liệu sản xuất nước mắm từ cá nước ngọt của một số nơi chủ yếu được lấy từ phụ phẩm của cá tra thì việc kiểm soát các chỉ tiêu trên không cần thiết, bởi trên thực tế phụ phẩm của cá tra, khi sử dụng làm hàng xuất khẩu đã được kiểm soát các chỉ tiêu an toàn thực phẩm.

"Mặc dù tiêu chuẩn không bắt buộc nhưng sẽ là cơ sở cho cơ quan quản lý làm việc. Tôi lo ngại đang có sự dùng thẩm quyền của cơ quan nhà nước để đưa ra định nghĩa xóa nhòa ranh giới giữa nước mắm truyền thống với nước mắm pha chế. Đây cũng cũng chính là điều lo ngại của hơn 2.800 doanh nghiệp và các hộ sản xuất chế biến nước mắm truyền thống. Họ chỉ muốn được trả lại tên nước mắm cho nước mắm truyền thống". Tiến sĩ Trần Thị Dung, nói với báo chí ở bên ngoài phòng họp báo.

Đã có địa chỉ rõ ràng lợi ích nhóm là những ai !

Nhà báo Thảo Vy, nguyên Trưởng ban Kinh tế - Chính trị của tạp chí Tiếp Thị Việt Nam, nguyên trợ lý pháp luật của Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết đang có ngờ vực về trục lợi ích nhóm ở đây, gồm có tập đoàn Masan - Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng.

"Vì những hợp đồng quảng cáo mà báo chí chùn tay trước các vấn đề lùm xùm có liên quan đến Masan. Những thương hiệu chủ chốt của Masan trong lãnh vực thực phẩm chế biến có Chin-su, Nam Ngư, Tam Thái Tử, Omachi, Kokomi, Vinacafé, Wake Up, Kachi, Vĩnh Hảo, bia Sư Tử Trắng. Họ còn là chủ nhà băng Techcombank, chủ dự án mỏ đa kim Núi Pháo". Nhà báo Thảo Vy nhận định.

Câu hỏi đặt ra : Masan lợi ích gì nếu Dự thảo TCVN 12607:2019 ‘Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm’ được thông qua ?

Theo phân tích của nhà báo Thảo Vy, dự thảo có đoạn viết "Mọi bề mặt tiếp xúc với cá phải làm bằng vật liệu có màu sáng". Thực tế là các thùng ủ chượp cá làm bằng gỗ, hoặc lu sành, hoặc bể xi măng… những vật liệu này làm sao mà có màu sáng được. Chỉ có thể là sản xuất trong nhà máy công nghiệp như Chin-su, Nam Ngư. 

Nội dung khiến nhiều người phản đối nhất là việc dự thảo chỉ phân thành 2 loại là nước mắm nguyên chất và nước mắm. Trong khi đó, trên thị trường đang tồn tại 2 loại sản phẩm là nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp, còn gọi là nước chấm. Nội dung thứ hai trong dự thảo cũng gây khó hiểu khi trong nước mắm truyền thống chỉ có cá biển và muối lại bị yêu cầu kiểm soát thuốc thú y và thuốc bảo vệ thực vật.

Phía soạn thảo nói rằng đây là tiêu chuẩn về quá trình, chứ không phải tiêu chuẩn về yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm, không đưa ra các chỉ tiêu và mức giới hạn cần tuân thủ đối với các chỉ tiêu đó cho sản phẩm cuối cùng. Tiến sĩ Đào Trọng Hiếu, Phó trưởng phòng phát triển thị trường thuỷ sản của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, nói rằng theo luật thì tiêu chuẩn là đưa ra khuyến nghị tự nguyện, không bắt buộc, còn quy chuẩn bắt buộc phải áp dụng. 

Nếu Dự thảo TCVN 12607:2019 được thông qua ?

Giả dụ như Dự thảo TCVN 12607:2019 Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm thông qua, và không bắt buộc áp dụng. Khi ấy, trên tất các phương tiện truyền thông, sẽ có những chiến dịch quảng cáo rầm rộ về Chin-su, Nam Ngư không bị nhiễm các loại thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, được chế biến trong các thiết bị inox theo đúng TCVN 12607:2019. Điều này lặp lại kịch bản tương tự vụ truyền thông nước mắm nhiễm thạch tín (arsen).

Trong tiếp thị, người ta gọi đó là công thức tăng trưởng dựa trên "nỗi sợ hãi" của người tiêu dùng. Năm 2005 – 2007 xảy ra vụ nước chấm có chất gây ung thư 3-MCPD do nước ngoài phát hiện qua xét nghiệm một sản phẩm của nhóm Masan tại thị trường Đông Âu. Sau đó, Masan tung ra nước tương Tam Thái Tử và tuyên bố trao thưởng 1 tỷ đồng cho ai tìm thấy chất 3-MCPD trong nước tương. Tương tự, hàng loạt slogan "nước mắm không cặn" của Nam Ngư và Chinsu đã lập lờ giữa nước mắm truyền thống, và nước mắm chế biến công nghiệp.

Năm 2017, nghi vấn bàn tay của Masan trong kịch bản nước mắm nhiễm arsen (thạch tín). 

Sự việc bắt đầu vào ngày 17/10/2017, Công ty trách nhiệm hữu hạn Liên doanh T&A Ogilvy đã thông qua Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, công bố kết quả một cuộc kiểm nghiệm về thị trường nước mắm, trong đó có đến 67% mẫu nước mắm kiểm nghiệm phát hiện có hàm lượng arsen vượt ngưỡng tối đa cho phép. Các loại nước mắm bị nhiễm arsen hầu hết đều là nước mắm truyền thống có độ đạm cao.

T&A Ogilvy là một doanh nghiệp có vốn nước ngoài, khá tên tuổi trong những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu. Rất nhanh sau đó, Masan mở chiến dịch về nước mắm không arsen. Trước phản ứng mạnh mẽ của các nhà thùng nước mắm truyền thống, phía Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam mới nói thêm rằng 67% mẫu nước mắm có hàm lượng arsen vượt chuẩn đó, đều là arsen hữu cơ. Trong lúc đó, arsen vô cơ mới là kim loại độc hại. 

Với cách thông tin chung chung rằng nước mắm nhiễm arsen đã tạo nên một cuộc khủng hoảng niềm tin của dân chúng về độ an toàn của nước mắm. Nhóm thương hiệu nước mắm công nghiệp của Masan đã kịp thắng rất đậm trong chiến dịch truyền thông dựa trên "nỗi sợ hãi" của người tiêu dùng. 

Nước mắm truyền thống chỉ có cá và muối chượp ra trong khung thời gian từ 6 tháng đến trên một năm. Phụ thuộc vào lựa chọn loại cá, muối của các vùng miền mà cho ra những loại nước mắm đặc trưng giữa các địa phương. Nước mắm công nghiệp là pha loãng nước mắm truyền thống, cho thêm hương liệu nhân tạo, phẩm màu..., và có thể sản xuất với số lượng tùy thích, không chịu sự giới hạn của thời gian kỹ thuật ủ chượp như kỹ thuật truyền thống.

Như vậy, nếu Dự thảo TCVN 12607:2019 được thông qua, sẽ đồng nghĩa dùng thẩm quyền của cơ quan nhà nước để đưa ra định nghĩa xóa nhòa ranh giới giữa nước mắm truyền thống và nước mắm pha chế công nghiệp. Nếu không gọi đó là 'tham nhũng chính sách', thì phải gọi là gì ?

Minh Châu

Nguồn : VNTB, 11/03/2019

Quay lại trang chủ
Read 752 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)