Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/03/2019

Việt Nam - toàn cầu hóa nhà nước độc đảng

Börje Ljunggren

Việt Nam đã đi theo hướng chủ nghĩa tư bản và hệ thống thị trường nhiều hơn bất chấp sự cai trị của cộng sản. Việt Nam vẫn là một quốc gia độc đảng, với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản được ghi trong Hiến pháp, và Hiến pháp cũng quy định rằng nhiệm vụ của các lực lượng vũ trang Việt Nam là để bảo vệ không chỉ đất nước mà cả đảng. Hai hình ảnh dường như không tương thích xuất hiện, hình ảnh một quốc gia ngày càng hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu và hình ảnh của đảng quyết tâm duy trì độc quyền trong thời đại khi truyền thông xã hội đã trở nên một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày.

toancauhoa1

"Chủ nghĩa xã hội toàn cầu hoá"

Toàn cầu hóa

Đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, hội nghị thượng đỉnh thứ hai Kim Jong-un là sự kiểm tra thực tế chứ không phải là thành công. Tuy nhiên, đối với chủ nhà Việt Nam, hội nghị thượng đỉnh chắc chắn là một chiến thắng lớn. Sự phát triển kinh tế nhanh chóng và ngoại giao khéo léo của Việt Nam đã có được sự chú ý chưa từng thấy trong khi không mấy ai chú đến luật an ninh mạng và việc những người chỉ trích chế độ bị bắt giam gần đây.

Việt Nam đã có được rất nhiều thứ với Trump. Gặp gỡ với Chủ tịch nước và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Trump nói rằng ông "cảm thấy rất tốt về hội nghị thượng đỉnh tại Việt Nam bởi vì Việt Nam thực sự là một ví dụ về những gì có thể xảy ra với suy nghĩ tích cực". Ông Trump còn nói thêm rằng "không như nơi nào trên trái đất phát triển" như Việt Nam và Việt Nam sẽ trở thành một hình mẫu cho Bắc Triều Tiên. Hai vị lãnh đạo đã giám sát việc ký kết các giao dịch thương mại trị giá 20 tỷ đô la.

Quan hệ tốt với Mỹ cũng tăng cường tình hình an ninh Việt Nam. Sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc đang khiến Hà Nội ngày càng trở nên quan trọng và Hoa Kỳ là đối trọng tự nhiên - bất chấp Chiến tranh Việt Nam tàn khốc kết thúc năm 1975, trong đó có hơn 2,5 riệu lính Mỹ tham chiến ở Việt Nam nhằm ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản lan rộng ra khỏi Bắc Việt.

Việt Nam đã đi theo hướng chủ nghĩa tư bản và hệ thống thị trường nhiều hơn bất chấp sự cai trị của cộng sản. Việt Nam vẫn là một quốc gia độc đảng, với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản được ghi trong Hiến pháp, và Hiến pháp cũng quy định rằng nhiệm vụ của các lực lượng vũ trang Việt Nam là để bảo vệ không chỉ đất nước mà cả đảng. Hai hình ảnh dường như không tương thích xuất hiện, hình ảnh một quốc gia ngày càng hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu và hình ảnh của đảng quyết tâm duy trì độc quyền trong thời đại khi truyền thông xã hội đã trở nên một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày.

Bài học lịch sử 

Độ tuổi trung bình ở Việt Nam là 31, vì vậy thế hệ trẻ chỉ được nghe nói về những cuộc đấu tranh trong và sau chiến tranh. Thập kỷ ngay sau chiến tranh với Việt Nam khó khăn hơn nhiều so với dự đoán. Đất nước thống nhất được xây dựng dựa trên mô hình Bắc Việt, hơn 2 triệu người bỏ nước ra đi, thuyền nhân tỵ nạn và người Việt gốc Hoa. Hà Nội tham gia một hiệp ước hữu nghị với Liên Xô, gây căng thẳng cho mối quan hệ Trung-Việt và sau một thời gian đối đầu ở biên giới, quân đội Việt Nam tháng 12 năm 1978 đã tiến vào Campuchia và xóa bỏ chế độ Pol Pot. Đặng Tiểu Bình vì muốn dạy cho Hà Nội một bài học, đã phát động một cuộc tấn công tốn kém vào khu vực biên giới phía Bắc Việt Nam năm 1979. Trung Quốc đã huy động hơn 600.000 quân, với 200.000 quân được đưa sang Việt Nam. Quan hệ hai bên vẫn đóng băng trong hơn một thập kỷ. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đã thành lập một liên minh không khoan nhượng để ủng hộ Hoàng tử Sihanouk và Khmer Đỏ của Campuchia - và Việt Nam nhận thấy họ bị cô lập và hầu như không thể tự nuôi sống.

Năm 1986 là một bước ngoặt với quá trình đổi mới của Việt Nam. Chính phủ phi tập thể hóa nông nghiệp, tạo không gian cho tư nhân và mở cửa nền kinh tế cho thương mại cũng như đầu tư trực tiếp nước ngoài. Một quốc gia có thâm hụt gạo khổng lồ nhanh chóng thành thặng dư gạo, và Việt Nam nhanh chóng trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba trên thế giới. Trong một lá thư năm 1995 gửi Bộ Chính trị, Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói rằng đừng sợ tương lai. Ông Nguyễn Cơ Thạch, bộ trưởng ngoại giao huyền thoại, mô tả năm 1995 là một năm bội thu. Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ ; ký một thỏa thuận với EU ; và trở thành thành viên của ASEAN, một tổ chức ban đầu được thành lập vào năm 1967 nhằm kìm chế Việt Nam và chủ nghĩa cộng sản.

Kinh tế phát triển nhưng chưa đủ

25 năm qua là một giai đoạn của động lực kinh tế và xã hội. Chính sách đối ngoại của Việt Nam đã thành công, tạo ra một môi trường quốc tế thuận lợi, với nền kinh tế tăng trưởng khoảng 7% mỗi năm. Các chỉ số xã hội cũng rất ấn tượng. Tỷ lệ dân số sống dưới mức nghèo khổ đã giảm từ trên 50% vào năm 1992 xuống còn 3% hiện nay, với sự bất bình đẳng thu nhập ngày càng tăng mà không đến mức cực đoan.

Vai trò của ngoại thương đã tăng lên đáng kể, tổng giá trị ngoại thương hiện lớn gấp đôi GDP, với đầu tư trực tiếp nước ngoài là chủ yếu. Năm 2018, khối lượng cam kết FDI mới tương đương 8% GDP. Hải sản, dầu thô, cà phê và gạo là những mặt hàng xuất khẩu lớn, nhưng không đủ năng lực tăng trưởng kinh tế. Đầu tư Samsung của Hàn Quốc vượt lên trên hết. Hàng triệu điện thoại thông minh được lắp ráp tại nhà máy Samsung ở Thái Nguyên, phía bắc Hà Nội và sử dụng hơn 150.000 công nhân. Xuất khẩu của Samsung góp phần gần 25% tổng thu nhập xuất khẩu của Việt Nam với hơn 50 tỷ USD trong năm 2018.

Vấn đề nan giải là giá trị gia tăng từ đầu tư trực tiếp nước ngoài, chủ yếu là lao động, vẫn còn thấp và mối liên kết với nền kinh tế trong nước vẫn còn khá yếu. Việt Nam đang ở phổ thấp hơn trong chuỗi giá trị. FDI dành ưu tiên trong khi cải cách các doanh nghiệp nhà nước vẫn chậm còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn không nhận được sự thừa nhận hợp lý. Các tập đoàn lớn như Vingroup với tỷ phú Phạm Nhật Vượng được chào đón nhiều hơn và với sự tham gia của các công ty khởi nghiệp thú vị, nhưng mô hình hiện tại không cung cấp đủ không gian cho sự phát triển nội địa năng động thực sự.

Cải cách Giáo dục và Chính trị !?

Hai yếu tố rất quan trọng là chất lượng giáo dục đại học và thái độ của Đảng Cộng sản. Thu hút vốn FDI được coi là dễ quản lý hơn là tích cực thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ với ý nghĩa chính trị tiềm năng.

Năm 2007, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Là thành viên ASEAN, Việt Nam là thành viên của các hiệp định thương mại với Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc và, trong những năm gần đây, đã đàm phán một số hiệp định thương mại tự do lớn, bao gồm hiệp định song phương với Hàn Quốc năm 2015 và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, TPP của cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama. Obama đặc biệt ưu ái Việt Nam khi mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào Nhà Trắng năm 2015. Trump đã từ bỏ thỏa thuận này, nhưng 11 quốc gia khác vẫn kiên trì theo đuổi, và Hiệp định toàn diện và tiến bộ về Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương, CPTPP, hiện đã có hiệu lực. Việt Nam và Liên minh châu Âu cũng đã hoàn tất một thỏa thuận vào năm 2015, nhưng vẫn chưa được Nghị viện châu Âu phê chuẩn vì một số thành viên bày tỏ lo ngại về nhân quyền. Cả hai thỏa thuận bao gồm các điều khoản quan trọng tiềm năng về quyền lao động và, trong EVFTA là vai trò giám sát của xã hội dân sự cho thấy không gian mới sẽ mở ra cho lao động.

Sự phát triển kinh tế quốc tế như vậy trái ngược hoàn toàn với mặt trận chính trị, khi Đảng không sẵn sàng từ bỏ độc quyền về quyền lực. Ông Trọng kiêm luôn chủ tịch quân uỷ trung ương và năm ngoái lại trở thành Chủ tịch nước, là người xây dựng đảng chứ không phải là nhà cải cách, ông ta tập trung vào việc tăng cường tính hợp pháp của đảng bằng cách chống tham nhũng. Một cựu thành viên Bộ Chính trị đã nhận án tù chung thân. Tuy nhiên, trong bảng xếp hạng Minh bạch quốc tế, thứ hạng của Việt Nam đã thụt lùi xuống hạng 117 trên 180 quốc gia vào năm 2018, cho thấy những hạn chế của chiến dịch chống tham nhũng do đảng điều khiển thay cho cải cách hệ thống.

Vào giữa năm 2018, chính phủ đã phơi bày tham vọng kiểm soát phương tiện truyền thông xã hội bằng việc đưa ra dự luật an ninh mạng dẫn đến các cuộc biểu tình rộng rãi. Vào tháng 1, một phiên bản luật sửa đổi một chút đã có hiệu lực. Việt Nam, trái ngược hoàn toàn với Trung Quốc, cho phép sử dụng Facebook và Google. Luật mới yêu cầu Facebook kiểm duyệt nội dung chống chính phủ trong số 38 triệu người dùng Facebook chiếm 40% dân số và cho phép chính quyền truy cập dữ liệu trực tuyến của người dùng. Tuy nhiên, việc cũng đã rồi. Đảng có nguy cơ đào sâu hình ảnh quá khứ hơn là tương lai.

Cho đến nay, đảng đã đi được trên con đường không chính thống về hướng nền kinh tế thị trường, nhưng có thể sớm phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn. Thách thức lớn của Việt Nam là mạo hiểm chọn một con đường rộng mở hơn về phía trước so với Trung Quốc, để cuối cùng dám vượt qua nhà nước độc đảng và nhận ra tiềm năng to lớn của đất nước.

Börje Ljunggren

Nguyên tác : Vietnam – Globalized Party-State, Yaler Global online,14/03/2019

Khánh Anh dịch

Nguồn : VNTB, 17/03/2019

Börje Ljunggren là cựu Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam và Trung Quốc, tác giả của sách Den kinesiska drömmen THER Xi, makten och utmaningarna (Giấc mơ Trung Hoa - Tập Cận Bình, Quyền lực và thách thức) (2017) và đồng biên tập của một quyển sách sắp tới về Việt Nam đương đại.

Quay lại trang chủ
Read 488 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)