Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

15/03/2017

Rừng thông chết, một Formosa trên đất liền ?

Huyền Trang

Hàng ngàn cây thông chết rũ tại Thiên An, một Formosa thứ hai ?

Nhiều vạt rừng thông lâu năm trong khu đất-nhà-rừng thông của Đan viện Thiên An (Huế) được các Đan sĩ vun trồng, chăm sóc đang chết dần chết mòn, chết khô vì mất nhựa sống với những vết cắt hình chữ V hằn sâu xâm phạm đến thân cây, nhằm mục đích vắt kiệt nhựa – nguồn nuôi sống cây thông. Nguy cơ môi trường sinh thái tại Thiên An đang bị hủy diệt trong nay mai. Phải chăng một "Formosa" thứ hai sẽ tàn phà môi trường ?

rung0

Nhiều cây thông bị chặt, đốn trong rừng thông thuộc quyền quản lý và sở hữu của Đan viện Thiên An - Ảnh : CTV GNsP

Hàng ngàn cây thông bị vắt kiệt nhựa, chết khô

Cánh rừng thông màu xanh bạt ngàn cách xa khu dân cư, ẩn mình trong rừng sâu và phủ kín Đan viện Thiên An đang dần chuyển sang màu vàng úa của những cây thông chết rũ do bị tước đoạt sự sống bởi những con người "cố tình" cầm dụng cụ sắc nhọn, tạo nên những vết cứa hình chữ V hằn sâu trên thân các cây thông – kể cả các cây đang phát triển – vét cạn nhựa sống của cây. Mất nhựa sống, cây sẽ không phát triển, tự chết khô.

Trong quy trình khai thác lấy mủ thông, phương pháp đẽo hình chữ nhật hoặc hình xương cá bằng dụng cụ chuyên dụng – không xâm phạm vào mạch gỗ – thường được sử dụng với mục đích vừa khai thác lấy mủ vừa nuôi dưỡng cây. Tuy nhiên, phương pháp chích nhựa, hoặc vạt hình chữ V dài khoảng 25 cm2 phạm sâu vào mạch gỗ như tình trạng hàng ngàn cây thông ở Thiên An hiện nay là cách thức lấy cạn nguồn nhựa cây, hủy diệt sự sống của cây.

rung1

Những vết cứa hình chữ V hằn sâu trên thân các cây thông với mục đích lấy cạn nhựa sống, nguồn nuôi sống cây thông. Mất nhựa sống, cây sẽ không phát triển, tự chết khô. Ảnh : CTV GNsP

Hàng ngàn cây thông xung quanh đập Chatađê – cách Đan viện Thiên An khoảng 700m, thuộc quyền quản lý và sở hữu của Đan viện Thiên An – không những bị vạt sâu vào mạch gỗ vắt kiệt mủ, mà còn bị đốn hạ thay vào đó trồng xen kẽ các cây keo (tràm) trên diện tích này.

Rừng thông Thiên An có nguy cơ "biến" thành đồi núi trọc !

Theo đánh giá của các chuyên gia cho biết, khu vực đồi núi ở Quảng Nam, Quảng Ngãi đang dần biến thành đồi trọc do tập trung trồng, sản xuất cây keo (tràm) gây ra xói mòn đất, biến dạng đồi núi trơ ra những đồi đá, phá vỡ hệ sinh thái… Mặc dù giá trị kinh tế cây keo (tràm) không cao, nhưng dễ trồng và mau thu hoạch với chu kỳ khai thác cây keo (tràm) ngắn từ 5-7 năm.

rung3

Hàng ngàn cây thông gần khu vực đập Chatađê – cách Đan viện Thiên An khoảng 700m, thuộc quyền quản lý và sở hữu của Đan viện từ những năm 1940 – đang chết rũ, sau khi bị giới chức địa phương vạt thân lấy cạn nhựa sống. Ảnh : CTV GNsP

Rừng thông mang lại nhiều giá trị ích lợi cho đất rừng hơn so với cây keo (tràm). Giá trị của rừng thông góp phần tích cực trong việc cải tạo đất, tạo nguồn nước, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, ổn định hệ sinh thái… Đặc biệt rừng thông trên đồi Thiên An – do Đan viện Thiên An quản lý và sở hữu hơn 107 hécta từ những năm 1940 – đóng một vài trò quan trọng "như lá phổi của thành phố Huế, tạo nên một môi trường sinh thái tốt lành, một mảng thiên nhiên phong phú, gia tăng vẻ xinh đẹp cho cảnh quan đất Thần kinh".

"Ai" chặt, phá rừng thông của Đan viện Thiên An ?

Vấn đề đặt ra ở đây "ai" đã "tiếp tay, bảo kê" cho người dân vạt thân cây thông vắt kiệt nhựa, chặt- đốn-phá rừng thông thuộc quyền quản lý và sở hữu của Đan viện Thiên An ?

/rung2

Đan sĩ Đan viện Thiên Ân giương biểu ngữ phản đối nạn phsa rừng trong Đan viện - Ảnh : CTV GNsP

Các Đan sĩ Đan viện cho biết, giới chức cầm quyền luôn huy động người canh gác ngày lẫn đêm, kể cả ngày lễ tết cổ truyền của Việt Nam với mục đích theo dõi các sinh hoạt Tôn giáo của Đan viện, thậm chí họ không ngần ngại đưa phụ nữ xâm nhập vào nội vi Đan viện xúc phạm các thầy.

Đan sĩ Thiên An có quyền định đoạt các tài sản trên khu đất thuộc quyền quản lý và sở hữu của Đan viện Thiên An. Tuy nhiên, nếu các Đan sĩ chỉ cần lợp mái tôn tại khu vực đồi Đức Mẹ, xây chuồng gà, chặt hoặc cưa một cây thông bị chết khô… ngay sau đó, rất nhanh, có rất đông công an, an ninh mặc thường phục, Bí thư xã, Chủ tịch xã, côn đồ, cán bộ Lâm trường Tiền Phong, … có mặt tại Đan viện, nơi xảy ra vụ việc. Họ đến lập biên bản, gây áp lực, khủng bố, sách nhiễu, ngăn cản không cho các Đan sĩ làm với lý do "không xin phép", "xây dựng trái phép"… !

Thậm chí, cán bộ của Lâm trường Tiền Phong lập chốt trên đồi Đức Mẹ kèm theo bảng hiệu "trạm quản lý bảo vệ rừng". Đây là hành vi vi phạm pháp luật, bởi lẽ đồi Đức Mẹ thuộc quyền quản lý và sở hữu của Đan viện, và họ không được sự cho phép của các Đan sĩ.

Giả sử rằng, Lâm trường Tiền Phong được giới chức cầm quyền giao nhiệm vụ "quản lý bảo vệ rừng" thông của Đan viện Thiên An. Vậy họ lý giải như thế nào về việc hàng ngàn cây thông bị cứa lấy mủ, nhiều vạt thông bị đốn hạ để trồng cây keo (tràm) chỉ cách Đan viện Thiên An chưa đầy 700m… nơi họ được giao quản lý và bảo vệ ? Nếu không có sự "đồng ý, tiếp tay, bảo kê" của giới chức cầm quyền địa phương, liệu có ai đó dám bén mảng vào khu vực rừng thông của Đan viện Thiên An để lấy mủ thông, trồng keo (tràm), chặt phá rừng với mục đích kinh tế ? Hay, đây là kế hoạch "hợp thức hóa" và "biến" rừng thông của Thiên An thành đất tư ?

Hành vi của những kẻ vạt thân cây thông vắt kiệt nhựa, chặt- đốn-phá rừng thông thuộc quyền sở hữu của Đan viện Thiên An được xem là hành vi có dã tâm, hủy diệt môi trường sinh thái thiên nhiên. Thêm một hành động tàn phá môi trường kiểu "Formosa" có bảo kê !

Giới chức cầm quyền thôn tính 107 hécta đất-nhà-rừng thông của Đan viện Thiên An

Như GNsP chúng tôi đã loan tin, sau năm 1975, giới chức cầm quyền địa phương luôn tìm mọi thủ đoạn tinh vi, vi phạm pháp luật "hợp thức hóa" 107 hécta nhà-đất-rừng thông thuộc quyền quản lý và sở hữu của ĐVTA từ những năm 1940, tại thôn Cư Chánh, xã Thủy Bằng, Thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Được biết, trước đây, do các Đan sĩ không quản lý hết 107 hécta đất-rừng thông, nên nhà cầm quyền quản lý nhưng không giao đất. Các Đan sĩ khẳng định, hơn 107 hécta đất-rừng thông của Đan viện Thiên An sử dụng ổn định, không có tranh chấp với bất kỳ ai, tổ chức nào từ năm 1940 cho đến nay. Tuy nhiên, với lòng tham lam, giới chức cầm quyền "lật lọng", dùng mọi thủ đoạn "cướp" toàn bộ khu đất này, "tự ý" lấy đất của Đan viện "giao" cho các cá nhân, tổ chức có liên quan với nhà chức trách, sử dụng sai mục đích, điển hình như : hơn 63 hécta đất-nhà-rừng thông bị "cướp, chiếm" xây dựng khu du lịch hồ Thủy Tiên và hiện nay đang bỏ hoang, xuống cấp một cách trầm trọng ; Nhà hàng Bội Trân ; Nhà hàng Cát Tường Quân ; Cty TNHH MTV Lâm Trường Tiền Phong – trước đây là ngôi trường Thánh Mẫu…

rung4

Cán bộ của Lâm trường Tiền Phong lập chốt trên đồi Đức Mẹ kèm theo bảng hiệu "trạm quản lý bảo vệ rừng", là hành vi vi phạm pháp luật, bởi lẽ đồi Đức Mẹ thuộc quyền quản lý và sở hữu của Đan viện, và họ không được sự cho phép của các Đan sĩ. Ảnh : CTV GNsP

Trong suốt nhiều năm qua, quý Đan sĩ làm nhiều đơn thư gửi đến các cấp có thẩm quyền từ địa phương đến trung ương, yêu cầu nhà cầm quyền tỉnh Thừa Thiên Huế trả lại các tài sản mà họ đã "chiếm dụng, tiếp quản" sau năm 1976. Nhưng, cánh cửa quan và các quan tham vẫn "im hơi lặng tiếng" ! Thậm chí, nhà cầm quyền còn cho côn đồ canh gác nhiều khu vực ở Đan viện và lộng ngôn với quý Đan sĩ rằng, "đi tu không lo đi tu mà còn đi cướp đất" !

Không những vậy, giới chức địa phương có nhiều hành vi mạ lị, xúc phạm đến biểu tượng của Giáo Hội Công Giáo là Thánh Giá. Họ "xông" vào nội vi Đan viện, "tự tiện" tháo dỡ cây Thánh Giá, đập nát tượng Chúa Giêsu chịu nạn và vứt bỏ trong rừng sâu. Sau một thời gian, các Đan sĩ tìm thấy Tượng thánh bị đập vỡ vụn và mang về lại.

Hiện nay, tại khu vực cây Thánh Giá có tượng Chúa Giêsu chịu nạn bị chính nhà cầm quyền cộng sản đập nát từng mảnh vụn, có nhiều bà con giáo dân khắp nơi đến hành hương kính viếng, cầu nguyện và nhang khói hàng tuần.

Tình trạng hàng ngàn cây thông bị vết cứa chữ V hằn sâu vào thân nhằm vắt kiệt nhựa sống, chặt-đốn-phá rừng thông của Đan viện Thiên An do nhà cầm quyền Thừa Thiên Huế tiếp tay, bao che đang trong tình trạng báo động. Khu vực Miền Trung sẽ dần mất đi một môi trường sinh thái đa dạng, phong phú, hữu ích mang lại nhiều ích lợi cho cộng đồng dân cư. Trong khi Miền Trung nói riêng và quê hương Việt Nam nói chung đang phải oằn mình gánh chịu thảm họa hủy diệt nòi giống từ độc tố do Formosa xả thải ra biển, vào những ngày tháng 4/2016. Chính nhà cầm quyền đã tiếp tay, bảo kê, bao che cho thủ phạm Formosa tồn tại và hoạt động ở Việt Nam. Và, cũng chính nhà cầm quyền đang trực tiếp ra tay phá hủy môi trường sinh thái tại Thiên An, nơi các Đan sĩ kiên quyết giữ và bảo vệ đất cho Giáo Hội đến cùng.

Huyền Trang

Nguồn : GNsP, 14/03/2017

***********************

Đan viện Thiên An Huế có nguy cơ mất hàng trăm hécta đất (CTM Media, 16/06/2016)

rung5

Đan viện Thiên An - Huế

Ngày 10 tháng Sáu 2016 giới chức Sở Tài Nguyên Môi Trường đã gửi thông báo tới các đan sĩ, cho biết sẽ tiến hành "khôi phục, tăng dày và cắm mốc ranh giới Đan viện Thiên An" với lý do "nhiều vị trí mốc đến nay đã bị hư hỏng". Theo đó trong hai ngày tới 15-16 tháng Sáu đoàn công tác thực hiện công tác cắm mốc trên khu đất khuôn viên Đan viện, khu vực canh tác nông nghiệp và rừng thông thuộc quyền sở hữu và quản lý của Đan viện Thiên An mà diện tích lên tới hơn 107 hécta.

Được biết, các đan sĩ từ trước tới nay là chủ sở hữu và không có tranh chấp với bất kỳ bên nào từ những năm 1940 với tổng diện tích trên 107 hécta. Khu đất này luôn là mục tiêu mà nhà cầm quyền lăm le cướp đoạt toàn bộ.

Cần nói thêm, trong biến cố Mậu Thân 1968, quân cộng sản đã tấn công vào Huế, bom đạn mặc sức bắn phá vào Đan viện gây thiệt hại nặng nề. Đan viện bị san thành bình địa và các đan sĩ phải di tản để lánh nạn thảm sát. Sau biến cố năm 1975, một lần nữa Đan viện lại bị nhà cầm quyền thôn tính Đan viện. Cụ thể là hơn 107 ha đất và rừng thông thuộc sở hữu của Đan viện Thiên An bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam "tiếp quản" từ năm 1976.

Trong thời gian vài năm gần đây, nhà cầm quyền đã cướp gần 50 ha đất khi cho xây dựng khu du lịch sinh thái mang tên "Hồ Thủy Tiên". Khu du lịch này hoạt động chưa được bao lâu đã nhanh chóng đi vào hoang phế.

Không bỏ tham vọng chiếm đoạt khu đất đắc địa này, nhà cầm quyền luôn sách nhiễu và phá hoại tu viện này.

Tổng cộng 8 thửa đất với tổng diện tích 99.201m2 của Đan viện Thiên An Huế đang có nguy cơ bị nhà cầm quyền tỉnh Thừa Thiên Huế chiếm đoạt và sử dụng cho những mục đích khác.

Huế (CTM Media)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Huyền Trang
Read 850 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)