Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

23/03/2019

Nếu Trung Quốc làm đường cao tốc ở Việt Nam theo kiểu 'còn Đảng - còn mình'...

Nguyễn Hồng Phúc

"Ông, bà nghĩ sao nếu mai đây Hà Nội đồng ý để Trung Quốc bỏ vốn làm đường cao tốc đi suốt chiều dài đất nước Việt Nam ?", là câu hỏi trong một khảo sát ‘bỏ túi’ tại Sài Gòn của người viết.

caotoc01

Năm 2019 sẽ khởi công xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam. Ảnh minh họa

Họ sẽ làm trong bao lâu, có tốt như Đại Hàn không ?

Đó là câu hỏi ngược lại của ông Nguyễn Văn Sang, cựu quân nhân binh chủng Bộ Binh của quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Ông kể sau Tết Mậu Thân 1968, lính Đại Hàn đã làm làm đường vành đai bảo vệ phi trường Tân Sơn Nhất và Sài Gòn trong hai năm 1969-1970. Họ làm nhanh và con đường này vẫn tốt cho đến tận hôm nay. Xa lộ Đại Hàn là con đường quan trọng nối liền miền Đông Nam Bộ và miền Tây Nam Bộ. Trước năm 1975, con đường này không hề có thu phí BOT như bây giờ.

"Đầu năm 1960, ở Sài Gòn có xa lộ Biên Hòa dài 31 cây số, rộng 21 mét. Việc thi công do nhà thầu RMK-BRJ của Mỹ phụ trách từ năm 1959 đến ngày 28-04-1961 thì hoàn thành xa lộ Biên Hòa. Đơn vị này đặt đại bản doanh tại một ngã tư trên xa lộ, người dân sau này quen gọi thành ngã tư RMK, hiện tại thuộc quận 9. Tôi nghĩ rằng tại sao chúng ta không mời người Mỹ sang đây làm đường cao tốc Bắc – Nam ?". Ông Nguyễn Văn Sang, thắc mắc.

Bài học nào từ đường sắt Cát Linh – Hà Đông ?

"Tôi không tin bất kỳ nhà thầu, hoặc tổng thầu nào đến từ Trung Quốc. Có thể tôi định kiến về họ. Song bài học nhãn tiền về tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông là quá đủ để hình dung ra tất cả những dối trá mà nhà đầu tư hạ tầng đến từ Trung Quốc đã gây ra cho Việt Nam. Hơn nữa, quân đội của họ đang tiếp tục xâm chiếm biển đảo của Việt Nam, thì cớ gì ta lại rước họ vào để làm đường sá tại Việt Nam, nhất là hệ thống xương sống chạy dài xuyên Việt là cao tốc Bắc – Nam ?". Ông Nguyễn Minh Hùng, giáo viên Anh văn của một trung tâm tại quận 3, Sài Gòn, bày tỏ quan điểm.

Dự án Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông dài 13,05 km, được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn tài trợ từ Chính phủ Trung quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30-5-2008 giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc. Dự án được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt dự án tại quyết định số 3136/QĐ - BGTVT ngày 15-10-2008. Tính từ thời điểm khởi công đến nay, dự án trải qua gần 7 năm thi công và vẫn chưa hoàn thành. Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc là tổng thầu EPC của dự án này. [*]

Những công ty nào của Trung Quốc đang là ‘bình phong’ tại Việt Nam ?

Phản đối việc doanh nghiệp Trung Quốc tham gia dự án đường cao tốc Bắc – Nam, theo góc nhìn của ông Nguyễn Thọ, cựu trinh sát Sư đoàn 5, Quân khu 7, "cần phải có cảnh báo mạnh mẽ hơn nữa về những doanh nghiệp bình phong của Trung Quốc tại Việt Nam".

Ông Nguyễn Thọ nói rằng một khi đồng ý doanh nghiệp Trung Quốc được đầu tư làm đường cao tốc Bắc – Nam, thì quá trình khảo sát địa tầng, họ có thêm dịp để cài cắm sâu hơn hệ thống chân rết của họ tại Việt Nam. Họ cũng thêm dịp để biết tường tận hơn các vị trí địa lý hiểm yếu về quân sự trên đất nước Việt Nam. 

"Công ty Hasan đặt trong khu dân cư phường Bình Hưng Hoà B, quận Bình Tân, TP.HCM là doanh nghiệp bình phong cho trùm ma túy người Trung Quốc, mà công an vừa đánh án hôm 20-3, cho thấy cần cảnh báo mạnh mẽ hơn về chiêu thức lũng đoạn kinh tế, đầu độc người Việt Nam của Trung Quốc. 

Trên biển, họ đã bất chấp để tấn công tàu cá của người Việt. Hai cuộc chiến tranh biên giới ở phía Bắc và Nam vừa qua chưa đủ giúp chúng ta thêm sáng mắt về Trung Quốc hay sao ?. Từng là một người lính, tôi phản đối rước những kẻ đang là giặc xâm lược biển đảo của Việt Nam về làm con đường cao tốc Bắc – Nam". Ông Nguyễn Thọ bức xúc nói.

Chính phủ có chịu tiếp thu các phản biện ?

"Tôi nghĩ rằng các phản biện về chuyện nhà thầu Trung Quốc đang làm ăn tại Việt Nam, là nghe đầy lỗ tai. Dân chúng phản đối nhà thầu Trung Quốc bằng cảm tính cũng đăng tải tràn ngập trên các trang cá nhân mạng xã hội. Vấn đề chính là vị đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam có đủ dũng khí thoát khỏi sự đe dọa đô hộ của Trung Quốc hay không ? Tôi lo lắng về điều đó, vì nếu vẫn giữ nếp nghĩ kiểu ‘còn Đảng – còn mình’, thì chắc chắc Việt Nam đành phải tiếp tục lệ thuộc vào đảng cộng sản Trung Quốc. 

Tôi cũng hiểu về sự mềm dẻo trong sách lược đối ngoại. Vậy thì tại sao Việt Nam không mạnh dạn dựng lên những hàng rào kỹ thuật, và chấm dứt ngay cái lệ nhũng nhiễu đòi phần trăm hoa hồng khi đàm phán các hợp đồng kinh tế với nhà đầu tư. Chính phủ nếu chịu nghe những phản biện đa chiều, chấm dứt việc duy ý chí kiểu ‘còn Đảng – còn mình’ thì mới hy vọng rằng dù có là nhà thầu quốc tịch nào đi nữa, chúng ta vẫn đường hoàng có những xa lộ Biên Hòa, xa lộ Đại Hàn như ở miền Nam trước đây !". Một nhà báo đề nghị không nêu tên, diễn giải như vậy.

Nguyễn Hồng Phúc

Nguồn : VNTB, 23/03/2019

Chú thích :

[*] Hợp đồng tổng thầu EPC, tên đầy đủ là Hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (tiếng Anh : Engineering Procurement and Construction), là một loại hợp đồng xây dựng mà nhà thầu thực hiện toàn bộ các công việc từ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công, cung ứng vật tư, thiết bị đến thi công xây dựng công trình, hạng mục công trình và chạy thử bàn giao cho chủ đầu tư.

Quay lại trang chủ
Read 563 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)