Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/04/2019

Chia rẽ hận thù, tại ai ?

Phạm Trần

Rất chán và nhạt nhẽo để bàn tiếp thất bại của hòa hợp, hòa giải dân tộc sau 44 năm chiến tranh đã kết thúc trên quê hương Việt Nam. Nhưng sẽ hữu ích nếu những người cộng sản cầm quyền ở Việt Nam có can đảm giải thích vì sao sau bằng đó năm mà "dân tộc ta vẫn chưa hòa giải được với nhau" ?

bin1

Bài phỏng vấn nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt trên báo Quốc Tế (nay là báo Thế Giới và Việt Nam). Ảnh Pháp Luật, 22/06/2013

Đó không phải là câu hỏi của riêng trên 4 triệu người Việt Nam, đa phần tị nạn cộng sản ở nước ngoài và của hàng triệu người trong nước mà là nỗi ray rứt của ông Nguyễn Đình Bin, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài.

Ông Bin đã giải bầy tâm tư của mình trong bài viết kỷ niệm 15 năm ra đời Nghị quyết 36 NQ/TW (26/03/2004 – 26/03/2019) do ông đóng vai chính hình thành.

Ông viết :

"Sau 15 năm đi vào cuộc sống, Nghị quyết 36 NQ/TW đã được thực thi phần nào, được cộng đồng hoan nghênh, tạo ra khá nhiều đổi thay. Nhưng tôi vẫn buồn : vết thương dân tộc thực sự vẫn chưa lành ! Với các nước ngoài đã từng đô hộ, xâm lược nước ta, gây ra biết bao tội ác tầy trời, biết bao đau thương, mất mát, hậu quả khủng khiếp, nặng nề… mà nhân dân ta vẫn còn phải gánh chịu, với truyền thống khoan dung, hòa hiếu, chúng ta đã gác lại quá khứ, bình thường hóa quan hệ và kết bạn, trở thành những đối tác chiến lược, hợp tác toàn diện… vì tương lai của mỗi quốc gia, vì hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới. Vậy mà, vì sao, cuộc chiến ác liệt nhất đã kết thúc và đất nước đã thu về một mối hơn 4 thập kỷ mà dân tộc ta, nói cho cùng đều là nạn nhân của sự đô hộ và xâm lược của nước ngoài nói trên, vẫn chưa hòa giải được với nhau ? Cũng chính sự đô hộ và xâm lược của nước ngoài đó đã chia ly bao gia đình Việt và cả dân tộc Việt, gây ra cảnh huynh đệ tương tàn trên đất nước ta. Thế mà ta đã hòa giải được với họ, còn chúng ta, anh em một nhà "nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng", thì lại chưa hòa giải được với nhau ?".

Tại sao "chưa lành" và "chưa hòa giải được với nhau" ? Vì lãnh đạo đảng cầm quyền độc tài, độc quyền và tham nhũng quyền lực cộng sản ngày nay vẫn chưa biết "tránh xa sự tự mãn, tránh xa bệnh say sưa thành tích", như nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói trong cuộc phỏng vấn của báo Quốc Tế, ra ngày 31/03/2005.

Vi trùng ung thư di tính"kiêu ngạo cộng sản" và "ngủ say trên vòng nguyệt quế" vẫn sinh sôi nẩy nở và sống mạnh trong cơ thể nhiều Lãnh đạo đảng nên không ít người đã coi đất nước là của riêng mình và phe nhóm để chia phần và dành quyền được quay lưng ngược đãi những người cô thân, yếu thế, bất đồng chính kiến với mình và những người chẳng may thất trận.

Do đó, vào mỗi dịp 30 tháng Tư về, họ vẫn ngênh ngang tổ chức ăn mừng và vênh vang trên đau buồn của người khác mà không biết rằng :

"Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm nó thêm rỉ máu".

(Võ Văn Kiệt, báo Quốc Tế, 31/03/2005).

Tiền tuyến của xâm lăng

Bằng chứng như trong "Hướng dẫn tuyên truyền, kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong năm 2019" của Ban Tuyên giáo, phần gọi là "Kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2019)" đã ra lệnh phải :

"Nêu bật sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của quân và dân ta ; sức mạnh của hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam" đến "những nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam, đỉnh cao là Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước…".

Ở đây cần minh bạch tại sao đã có "tiền tuyến lớn miền Nam", nếu không có cuộc xua quân xăm lăng miền Nam (Việt Nam Cộng Hòa) của miền Bắc (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) ? Lịch sử cũng sẽ trả lời "có" hay "không" cuộc "nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam", hay hàng triệu người miền Nam đã tán gia bại sản, gia đình tan nát, chia lìa và bỏ của chạy lấy người vì cuộc xâm lược của bộ đội miền Bắc đội lốt quân "giải phóng" cộng sản miền Nam ?

Và trước sau gì sau hai chữ "giải phóng" giả tạo, nhân loại cũng sẽ được trả lời vì sao đã có danh từ "thuyền nhân", hay "boat people" trong từ điển thế giới sau ngày Việt Nam thống nhất dưới quyền cai trị của Đảng cộng sản Việt Nam từ năm 1976.

Lịch sử thế giới về Việt Nam cũng sẽ không bỏ sót nỗi bi thảm của hàng chục ngàn người Việt Nam, đa số ra đi từ miền Nam Việt Nam Cộng Hòa, đã chết trên Biển Đông, hay bằng đường bộ Việt Nam-Campuchia-Thái Lan trên đường tìm tự do từ sau 1975.

Do đó, một câu hỏi khác cũng cần được đặt ra với Đảng cộng sản Việt Nam : Nếu Việt Nam Cộng Hòa không mất vào tay quân cộng sản Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và tay sai Mặt trận Giải phóng bù nhìn trong Nam thì có danh từ "Thuyền nhân" không ?

Vì vậy, mỗi khi đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam nhắc đến hay tổ chức kỷ niệm 30 tháng Tư như dịp để vui chơi kênh kiệu, hay kên kên ngạo mạn là họ đã mở ra vết thương chưa lành, vì tính "kỳ thị cộng sản" vẫn còn đè nặng lên nhân dân miền Nam. Hiện tượng "đồng ý nhưng không đồng lòng", hay dân coi cán bộ như của nợ không còn là chuyện năm thì mười họa xẩy ra trong xã hội mà là chuyện thường ngày dân phải gánh chịu.

Do đó, không ai ngạc nhiên khi thấy ông Nguyễn Đình Bin đã viết tiếp trong bài 15 năm một nghị quyết – vết thương dân tộc vẫn chưa lành ! "Tôi trộm nghĩ : Tất cả mọi con dân Việt chúng ta, dù đang ở bất cứ nơi đâu, đều phải cùng nhau suy ngẫm, tìm ra nguyên nhân vì sao, và cùng nhau khắc phục !".

Chả cần phải "tất cả con dân Việt" vì trách nhiệm đã rõ sau 15 năm thi hành Nghị quết 36 đều quy vào lãnh đạo đảng và nhà nước phải chịu trách nhiệm thất bại.

Sau đây là những lý do :

Thứ nhất, hãy đọc lại câu hỏi của báo Quốc Tế và câu trả lời của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt năm 2005 :

Hỏi : Thưa ông, để lành được vết thương này phải có sự tham gia của mọi người Việt ?

Đáp : "Đấy là một vấn đề lớn. Chúng ta đang nắm quyền lãnh đạo đất nước, muốn để mọi người Việt cùng chung tay hàn gắn, chung tay tạo dựng thì chúng ta phải thực tâm khoan dung và hòa hợp. Sau 30/4/1975, khi đồng chí Lê Duẩn vào Sài Gòn, vừa xuống thang máy bay đồng chí nắm tay đưa lên cao, giọng đầy cảm xúc, nói :

"Đây là thắng lợi của cả dân tộc, không phải của riêng ai". Sau 30 năm, tôi thấy không phải dễ dàng làm cho mọi người Việt Nam cảm nhận được điều đó".

Vậy tại sao, sau chuyến vào Nam, Bộ Chính trị do ông Lê Duẩn cầm đầu đã ra lệnh "đánh lừa" quân-dân-cán chính Việt Nam Cộng Hòa khăn gói đi gọi là "học tập cải tạo 15 ngày", mà sau đó có nhiều người phải ở tù lao động ngót 20 năm, hoặc bỏ xác ở rừng sâu ?

Thứ hai, Giáo sư, Tiến sĩ ngành xây dựng Nguyễn Đình Cống đã trả lời ông Nguyễn Đình Bin :

"Ông đề nghị tìm ra nguyên nhân và cùng nhau khắc phục. Cùng nhau khắc phục phải chăng có ngầm ý cho rằng mọi người đều có lỗi và phải có trách nhiệm trong việc này, không nhiều thì ít, không trực tiếp thì gián tiếp. Mới nghe thì có vẻ có lý, nhưng liệu ở đấy có cố tình che giấu thủ phạm chính hay không.

Theo tôi thủ phạm chính trong việc dân tộc chưa hòa giải được thật sự với nhau là một số lãnh đạo và đảng viên cộng sản. Họ được gieo rắc đến mức khắc cốt ghi tâm lòng thù hận giai cấp, họ được khuyến khích lòng kiêu ngạo cộng sản, họ tự cho mình là những người chiến thắng đầy vinh quang. Họ muốn hòa hợp trong sự sỉ nhục người chiến bại".

Nguyễn Cao Kỳ - Phạm Duy

Thứ ba, hãy đọc lại những câu trả lời phỏng vấn của nguyên Phó Tổng thống, Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, với báo Tuần Việt Nam năm 2010, vào dịp 30 tháng Tư :

Phóng viên : Đã 35 năm sau sự kiện 30 tháng Tư, những người ở lại và cả những người ra đi đã nói nhiều, làm nhiều việc cho mục tiêu hòa hợp dân tộc, hàn gắn lòng người. Ông đánh giá thế nào những nỗ lực chúng ta đã làm ?

Nguyễn Cao Kỳ : Tôi nghe dư luận và có cảm tưởng vẫn còn có khoảng cách giữa nói và làm. Cuối năm vừa rồi, Hội nghị Việt kiều đã thu hút mấy ngàn người về dự. Trả lời phỏng vấn báo chí, nhiều vị đều bày tỏ mong muốn sớm hòa hợp. Điều đó có nghĩa mặc dù chính quyền đã cố gắng, nhưng ở đâu đó vẫn chưa thực sự tích cực.

Phóng viên : Việc tích cực hàn gắn như ông vừa đề cập, cần được hiểu thế nào ?

Nguyễn Cao Kỳ : Phải từ hai phía, nhưng cái chính vẫn phải từ phía những người trong nước. Chúng ta có thực sự muốn làm và tích cực làm hay không …

Nói về đoàn kết toàn dân tộc tôi có cảm giác dân tộc mình mỗi lần bị đe dọa đến vận mệnh thì lại đoàn kết. Thời xưa, chống giặc ngoại xâm phương Bắc thời nay đánh Tây, đánh Mỹ là tự khắc cả dân tộc đoàn kết và chiến thắng. Nhưng khi thắng rồi không hiểu làm sao mà tình cảm lại không được như trước.

Phóng viên : Chẳng phải Nhà nước đã có rất nhiều những động thái tích cực đó sao ? Quyết định dân sự hóa Nghĩa trang quân đội Biên Hòa cũ là một minh chứng rõ rệt cho thấy thiện chí của những người trong nước. Và còn có chính sách cho bà con Việt kiều về nước mua nhà hay chương trình gặp gỡ Việt kiều hàng năm… ?

Nguyễn Cao Kỳ : Tôi cho rằng đó là những động thái tích cực. Chẳng hạn như để có được quyết định dân sự hóa nghĩa trang cũng phải mất nhiều năm trời. Ngay khi trở về quê hương tôi cũng đã đề cập chuyện ứng xử với nghĩa trang quân đội Biên Hòa cũ với các vị lãnh đạo của Việt Nam…

Tôi còn nêu ý tưởng tổ chức đại lễ cầu siêu chung cho những người tử trận không phân biệt bên này hay bên kia, làm thật trang trọng mỗi năm và thông báo rộng rãi cho bà con đang sống trong cũng như ngoài nước biết. Nếu trong số những người về dự, có cả một số cựu chiến binh từng ở bên kia chiến tuyến thì không gì hay bằng.

Thử hỏi có người dân Việt Nam yêu nước nào muốn chia rẽ đất nước không ? Có ai muốn rằng người Việt giữ mãi hận thù với nhau không ?

Theo tôi chỉ khi nào vượt qua được suy nghĩ hẹp hòi thì chúng ta sẽ làm được. Khi ấy vị thế của Việt Nam được nâng lên tầm cao khác. Tự khắc lòng người xích lại với nhau và sẽ không còn phải mất nhiều thời gian bàn chuyện hàn gắn hay hòa giải nữa.

Phóng viên : Ông suy nghĩ như thế nào về việc Nhà nước quyết định dân sự hóa nghĩa trang quân đội cũ ?

Nguyễn Cao Kỳ : Tôi đã ghé thăm nghĩa trang này trước đây còn hoang vắng nhưng giờ đây đã sạch sẽ quang đãng rồi, mọi người được ra vào tự do. Ở đó vẫn còn giữ được 16 ngàn ngôi mộ tử sĩ.

Lịch sử là lịch sử, ngày 30/4 giờ là một sự kiện lịch sử. Việc ứng xử không còn hận thù với những người từng đứng phía bên kia chiến tuyến như thế nào được bên ngoài quan sát để đánh giá cách hành xử văn minh hay không. Cho dù bên này hay bên kia, chết là hết, còn hận thù chi nữa, họ cần được coi sóc chu đáo.

Phóng viên : Ông có thừa nhận một thực tế là chúng ta có thể xóa bỏ hận thù để bắt tay làm bạn với những nước đã từng xâm chiếm chúng ta, vậy mà việc hàn gắn người Việt với người Việt với nhau xem ra lại mất nhiều thời gian hơn thế ?

Nguyễn Cao Kỳ : Theo tôi, cả hai phía vẫn có thiểu số còn quá nặng về dĩ vãng, chưa có tầm nhìn về tương lai. Một người không biết nhìn về tương lai, thì họ chỉ còn sống và ôm dĩ vãng. Mà như vậy thì tư duy của họ vẫn mãi bị ám ảnh bởi những chuyện hận thù, chủ nghĩa hay phe phái. Chúng ta phải thực tế nhìn vào điều này : muốn hòa hợp thì rất không nên nói nhiều mà phải làm.

Phóng viên : Liệu có cách gì để chúng ta không còn phải mất thêm thời gian cho việc hòa hợp, hàn gắn với đa số những người Việt ở bên ngoài đất nước ?

Nguyễn Cao Kỳ : Chuyện quốc gia cũng giống như trong một gia đình. Những việc chung thì cần đánh tiếng để mọi người xúm tay vào làm. Tôi nghĩ đối với đa số người Việt ở bên ngoài thì sẵn lòng góp sức cùng trong nước. Với đất nước có gì phải ngại ngần. Vấn đề là họ cần được thông tin đầy đủ về tình hình và những nhu cầu thực sự mà nhà nước đang cần sự góp sức của họ.

Hòa hợp dân tộc sẽ tập hợp được sức mạnh. Cứ đặt lợi ích dân tộc lên trên thì chúng ta tự khắc biết phải ứng xử thế nào cho hợp lẽ.

Nhưng khi đã kêu gọi thì cũng phải tạo điều kiện thoải mái cho người ta về. Lời nói và việc làm phải đi đôi với nhau.

---------------------

Nên biết ông Nguyễn Cao Kỳ từng là Thủ tướng và Phó Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa và Nhạc sĩ Phạm Duy là hai người nổi tiếng đã được ông Nguyễn Đình Bin móc nối về Việt Nam trong nỗ lực tuyên truyền một thiện chí hòa giải của Đảng cộng sản Việt Nam.

Ông Kỳ về Việt Nam năm 2004, nhưng sau ít năm không thành công trong tiến trình "hòa giải" với Đảng cộng sản Việt Nam, ông sang sống ở Ma Lai Á là nơi ông được Chính phủ nước này coi như bạn thân và được ưu đãi mọi phương tiện. Ông qua đời năm 2011, hưởng thọ 81 tuổi.

Riêng Nhạc sĩ Phạm Duy, trở về Việt Nam năm 2005, không tham gia các hoạt động chính trị ngoài âm nhạc và đã qua đời tại Sài Gòn năm 2013, hưởng thọ 92 tuổi.

Tuy nhiên, Nhạc sĩ nổi tiếng Phạm Duy từng đi kháng chiến trong hàng ngũ Việt Minh rồi bỏ hàng ngũ, quay về sinh sống và hoạt đồng âm nhạc với phía chính quyền quốc gia.

Trước ngày Sài Gòn rơi vào tay quân cộng sản tháng Tư năm 1975, ông được Chính phủ Mỹ giúp di tản ngày 28/04/1975.

Nhạc sĩ Phạm Duy từng nói về việc quay về Việt Nam của ông là "Lá rụng về cội".

Với tâm tư của ông Nguyễn Đình Bin, của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và nhận xét về sự thật lòng hay không muốn hòa giải dân tộc của Đảng cộng sản Việt Nam của hai ông Giáo sư Nguyễn Đình Cống và nguyên Phó Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Cao Kỳ, thiết tưởng vấn đề đã rõ ràng : Quả bóng đang ở bên sân đội bóng Đảng cộng sản Việt Nam.

Câu chuyện chỉ ngã ngũ khi nào Đảng cộng sản Việt Nam thật sự muốn vào cuộc chơi.

Phạm Trần

(04/04/2019)

********************

Số phận bài báo "triệu người vui, triệu người buồn"… (Pháp Luật, 22/06/2013)

Ông Vĩnh kể đó là một trong những bài báo in trên Quốc Tế được xây dựng công phu nhất nhưng cũng lại là bài báo có số phận trải đủ cung bậc thăng trầm...

bin2

Ông Nguyễn Vĩnh, nguyên Tổng Biên tập báo Quốc Tế (nay là báo Thế Giới và Việt Nam), kể về một câu chuyện trắc trở xung quanh bài phỏng vấn nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

"Đăng và gỡ"…

. Xây dựng công phu nghĩa là thế nào, thưa ông ?

+ Cuối năm 2004, anh em nghiên cứu chính sách đối ngoại bên ngoại giao và báo Quốc Tếđược gặp ông Võ Văn Kiệt nhằm trao đổi một số vấn đề đối ngoại. Sau buổi gặp, một phó tổng biên tập được phân công chấp bút, lựa những điều ông Kiệt trăn trở và tâm đắc nhất để soạn lại thành một bài viết dạng phỏng vấn. Hướng nhắm tới là cột mốc quan trọng năm 2005 : 30 năm ngày giải phóng miền Nam, rất thích hợp để phát đi một tín hiệu đối ngoại quan trọng từ một nhân vật nguyên là lãnh đạo cấp cao. Bài được gửi xin ý kiến và được nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đồng ý cho đăng với kế hoạch thời gian sẽ đăng Quốc Tế số tết Ất Dậu 2005.

. Vậy còn thăng trầm?

+ Đó là khi bài đã lên khuôn ở nhà in thì tôi nhận được chỉ đạo qua điện thoại không cho phép đăng bài đó.

. Một bài báo quan trọng như thế thông thường khi chưa lên trang chỉ nhân vật và tòa soạn biết, tại sao lại rò rỉ để đến mức bị chỉ đạo gỡ bài ?

+ Đó cũng chính là câu tôi đã hỏi vị lãnh đạo đó. Nhưng ông ấy từ chối trả lời mà chỉ yêu cầu tôi thực hiện không cho bài ấy xuất hiện. Cuối cùng, chúng tôi phải bóc hết một "tay in" là tám trang, rồi thay vào một bài khác.

. Bài bị gỡ thường là "có vấn đề", lúc đó ông có sợ trách nhiệm cá nhân của mình không ?

+ Khi thực hiện bài phỏng vấn đặc biệt này, tôi đều có báo cáo với cơ quan chủ quản của báo là Bộ Ngoại giao. Bài viết hoàn thành, chúng tôi cũng gửi lại cho nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đọc, sau đó ông có phê vào bản thảo là đồng ý cho đăng.

. Phản ứng của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi biết bài không được đăng như thế nào?

+ Ông ấy không hài lòng. Nguyên Thủ tướng còn viết thư riêng gửi cho một lãnh đạo cao cấp yêu cầu giải thích về việc này. Tôi vẫn còn giữ hai lá thư đó, bản gửi cho tôi biết, như một kỷ niệm công việc.

. Nhưng cuối cùng bài báo đó cũng được đăng với tựa đề là "Những đòi hỏi mới của thời cuộc".

+ Đúng rồi, sau lá thư của ông Võ Văn Kiệt, không rõ từ lý do nào và ra sao mà một thời gian sau ngày bị dừng thì tổng biên tập lại nhận được chỉ đạo phải đăng bài này. Nhưng đúng lúc đó thì nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt lại không đồng ý để bài đó được đăng nữa.

. Báo Quốc Tế đã làm gì để thuyết phục ông Võ Văn Kiệt đồng ý ?

+ Việc này vượt ra ngoài tầm của Ban Biên tập. Đích thân đồng chí Nguyễn Phú Bình lúc đó là thứ trưởng Bộ Ngoại giao vất vả lắm mới nhận được cái gật đầu của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt và bài báo đã được in vào ngày 30/3/2005.

"Triệu người vui, triệu người buồn"

. Dư luận về bài báo đó ra sao, thưa ông ?

+ Dư luận rất tốt, rất nhiều báo ở trong nước và ngoài nước in lại hoặc đưa lên mạng bài báo này.

Bài báo hay ở nội dung và tư tưởng. Ngay mở đầu bài viết, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt tái khẳng định rằng chiến thắng 30/4 là vĩ đại nhưng người Việt Nam cũng "đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều sự mất mát". Vì thế một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại theo các lối cũ vẫn làm sẽ "có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn". Vết thương chung của dân tộc như vậy cần được giữ lành, "thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu". Và muốn để mọi người Việt Nam chung tay hàn gắn thì chúng ta, người chiến thắng và đang lãnh đạo đất nước, "phải thực tâm khoan dung và hòa hợp". Ở một lãnh đạo cấp cao, ý trên thật mới và rất quan trọng cho hòa hợp dân tộc.

. Trong bài trả lời phỏng vấn đó, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn có đánh giá về tướng Dương Văn Minh ?

+ Đúng, nguyên Thủ tướng phân tích tướng Minh nhậm chức tổng thống Việt Nam Cộng hòa ngày 28/4/1975 là thời điểm mà "một nhà quân sự như ông có thể đoán được sự thất thủ của Sài Gòn", rồi Sài Gòn không "tử thủ" như các tướng tá khác muốn, trái lại thành phố giữ được nguyên vẹn do ông Minh chấp nhận đầu hàng. Sự việc được ông Kiệt kể lại : "Tôi và Thành ủy do anh Mai Chí Thọ phụ trách, sáng 30/4, khi nghe ông Minh kêu gọi binh lính buông súng để chờ bàn giao chính quyền cho cách mạng đã thở phào nhẹ nhõm. Phải ở chiến trường và vào đúng giờ phút ấy mới cảm nhận được tầm quan trọng của quyết định này". Với cách nhìn nhận như vậy, ông Kiệt muốn nêu lên một thực tế, ông nói : "Điều quan trọng tôi muốn nói ở đây là tất cả những ai đã vì lòng yêu nước thương nòi, bằng nhiều con đường khác nhau, từng đóng góp vào cái chung và không đòi hỏi gì cho riêng mình thì đều có quyền tự hào về những đóng góp đó và hãy tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa nhằm xây dựng Tổ quốc Việt Nam chúng ta giàu mạnh, văn minh, dân chủ và hạnh phúc".

. Việc đánh giá về ông Dương Văn Minh như thế phải chăng cũng là một nguyên do khiến bài phỏng vấn đó bị yêu cầu dừng xuất bản ?

+ Nguyên nhân thực sự tôi không rõ. Tuy nhiên, với hai ý lớn như thế, lại xuất hiện ở thời điểm 2005, khi mà trong nội bộ chúng ta còn có nhận thức và đánh giá chênh nhau, thậm chí khác nhau về thực chất của hòa hợp dân tộc và lực lượng thứ ba có liên quan đến tướng Dương Văn Minh, thì việc bài báo bị dừng lại, tôi nghĩ cũng là điều có thể hiểu được.

Ngoại giao văn hóa

. Về hưu nhưng ông dường như vẫn quan tâm đến thời cuộc với nhiều bài viết trên blog cá nhân và Facebook... Ông nghĩ thế nào về ngoại giao của ta trong thời điểm hiện nay ?

+ Chúng ta vẫn thường nghe câu "thêm bạn bớt thù" trong quan hệ quốc tế. Như vậy tức là chúng ta vẫn thừa nhận có thù, làm như điều này "không thể hết được". Nhưng tôi nghĩ không nên tư duy về thù và "sắp xếp" hai khái niệm bạn/thù theo lối cũ, được như thế thì vẫn tốt hơn. Nói cách khác là nên xác định ở thời nay sẽ chẳng có bạn hay thù nào là vĩnh viễn mà chỉ có quyền lợi đất nước và dân tộc là vĩnh viễn và vĩnh cửu.

. Nhưng có lúc đấu tranh để bảo vệ quyền lợi dân tộc, chúng ta phải chạm trán với kẻ thù, thưa ông ?

+ Như thế chúng ta mới cần phải có đường lối và chính sách ngoại giao đúng đắn. Cần nhiều cách ứng xử và biện pháp khác nhau vận dụng khôn ngoan. Trong quan hệ là hợp tác cùng có lợi và bình đẳng, là mềm mỏng nhưng cần thì phải đấu tranh khi lợi ích dân tộc bị xâm hại. Trải qua bao chục năm dâu bể, tôi thoáng nghĩ đến phương cách trung lập. Cái thế địa-chính trị của nước ta nó mách bảo điều này. Lãnh đạo cấp cao chúng ta chẳng nói là nước ta không liên minh với nước này chống lại nước kia, cũng không cho ai đặt căn cứ quân sự và nếu phải sắm vũ khí cũng là để phòng thủ… Đây là một chủ đề rất lớn nên chúng mình để lúc khác bàn đến…

Hồ Viết Thịnh thực hiện

Ông Nguyễn Vĩnh tốt nghiệp khoa Ngữ  Văn Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội khóa 1963-1967, ra trường ông được nhận vào làm việc như một biên tập viên tập sự tại NXB Ngoại văn. Từ năm 1998 ông được Bộ Ngoại giao bổ nhiệm làm tổng biên tập báo Quốc Tế cho đến năm 2006. Tiếp đó, ông còn là một trong những người gây dựng tuần báo Thời Đại của Liên hiệp Các Tổ chức hữu nghị Việt Nam, là tổng biên tập đầu tiên của tờ báo này đến năm 2008.

********************

Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt kêu gọi hòa hợp hòa giải (RFA, 06/01/2007)

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Thấy gì qua những quan điểm được mô tả là cởi mở của nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt. Phải chăng trong tương lai Việt Nam sẽ có một thủ tướng là người ngoài Đảng, và trong khả năng nào điều 4 Hiến pháp qui định một đảng cai trị sẽ được sửa đổi. Đây là đề tài chúng tôi chọn đọc báo trên mạng tuần này.

bin3

Tổng bí thư Nông Đức Mạnh (giữa), cựu Chủ tịch nước Võ Chí Công (trái), và Cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt (phải) tại hội nghị Ban chấp hành Đảng cộng sản Việt lần thứ 9. AFP PHOTO

Xem VietnamNet ngày đầu năm 2007 người đọc thấy được một sự kiện hiếm có, báo điện tử này đưa lên mạng toàn văn một bài của tờ tuần báo Viet Weekly có trụ sở ở nam California Hoa Kỳ. Đây là bài trả lời phỏng vấn của nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt với ba nhà báo Lê Vũ, Etecera Nguyễn và Vũ Hoàng Lân. Các nhà báo vừa nói đã gặp gỡ ông Võ Văn Kiệt trong dịp họ đi Việt Nam nhân Hội Nghị APEC 14 hồi tháng 11 năm ngoái.

Chúng tôi phối kiểm với Nhà báo Etecera Nguyễn của Viet Weekly : 

"Chúng tôi gặp ở trong Nam ở Sài Gòn tại nhà khách đối diện căn nhà của ông Võ Văn Kiệt, 39 đường Tú Xương thì phải. Chúng tôi chủ động yêu cầu được phỏng vấn, từ khi ở Hà Nội nhưng phải khi vào Saigon họ mới đáp ứng… nghĩa là cũng hơi lâu khoảng hai tuần…

Họ không yêu cầu phải đưa câu hỏi trước, chúng tôi cũng muốn một cuộc trao đổi theo hình thức đó, nghĩa là không đưa câu hỏi trước".

Theo sự mô tả của VietnamNet thì ông Võ Văn Kiệt đã trao đổi thẳng thắn với ba nhà báo hải ngoại về một số vấn đề thời sự mà người dân trong nước và người Việt ở nước ngoài quan tâm. Ông Võ Văn Kiệt nay 84 tuổi, từng là thủ tướng Việt Nam trong thập niên 1990, ông kinh qua nhiều chức vụ trước khi lên đến cương vị đứng đầu chính phủ Việt Nam. Giai đoạn ông cầm quyền là thời gian Việt Nam chập chững bước vào đổi mới.

Theo một nguồn tin chúng tôi nhận được thì chỉ có người sử dụng Internet mới đọc được bài báo nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt trả lời báo chí hải ngoại, do VietnamNet đăng lại. Sự phổ biến vẫn còn trong giới hạn nhất định :

"Bài phỏng vấn ông Võ Văn Kiệt không có tờ báo in nào đăng tải lại cho tới nay (03/01/2007)"

Nội dung bài phỏng vấn khá dài khoảng hơn 4 ngàn từ được trình bày theo dạng hỏi đáp. Những câu hỏi trọng tâm của ba nhà báo hải ngoại xoay quanh vấn đề đa nguyên đa đảng bàng bạc trong cuộc trao đổi, dù là về sự đánh giá quan hệ của chính phủ Việt Nam với cộng đồng người Việt hải ngoại, hay là vấn đề hoà giải và khả năng tham gia xây dựng đất nước của người Việt ở nước ngoài.

"Dân tộc là tối thượng"

Ông Võ Văn Kiệt nói rằng, mọi người phải hết sức quan tâm đến sự hoà hợp, phải đặt dân tộc là tối thượng. Ông nhắc lại sự kiện Việt-Mỹ khép lại quá khứ thù địch để hoà bình hữu nghị và cùng phát triển. Bởi vậy theo ông không lý nào người Việt Nam với nhau lại không thể khép lại quá khứ. Ông Võ Văn Kiệt nhìn vấn đề như là một vận hội, cơ hội cho sự hoà thuận, và ông nhấn mạnh là nếu cứ cố chấp với nhau dân tộc không lớn mạnh lên được.

Viet Weekly đáp lại rằng, ở hải ngoại có rất nhiều khuynh hướng. Trong đó có bộ phận đồng ý với ông Võ Văn Kiệt rằng dân tộc là tối thượng, nhưng họ cho rằng họ mới là những người coi dân tộc là tối thượng, còn những người cộng sản đặt chủ nghĩa đại đồng quốc tế lên trên quyền lợi dân tộc. Vì thế theo Viet Weekly những người đó hoài nghi, dù bây giờ thấy nước Việt Nam đã có nhiều thay đổi.

Ông Võ Văn Kiệt trả lời rằng, có một số người chống đối quyết liệt sinh tử với cộng sản, nhưng theo ông số đó chắc không nhiều và là những người cực đoan. Ông Kiệt thêm rằng, dân tộc, tôn giáo ngay cả trong đảng cộng sản lúc nào cũng có một số cực đoan vì nhiều lý do. Nếu các bên sòng phẳng ngồi nói chuyện với nhau vì đất nước, hoàn toàn có thể gặp nhau. Cần đấu tranh xây dựng, đấu tranh vì lẽ phải vì lợi ích dân tộc.

Ông Kiệt đưa ra ví dụ rằng đối với những sai trái có hại cho đất nước như tham nhũng, lãng phí, những hành vi làm tổn thương lợi ích dân tộc thì mọi người có quyền phê phán để xây dựng ngôi nhà chung của mình.

Theo ông Kiệt, bây giờ có cơ hội để anh em bên ngoài có thể có tiếng nói xây dựng. Và ông thấy vui mừng vì nhiều người Việt hải ngoại đã tham gia nhiều lãnh vực đóng góp rất lớn cho kinh tế Việt Nam. Ông Võ Văn Kiệt nhấn mạnh rằng, mỗi người cần có trách nhiệm của mình, dân tộc là của chung không phải của riêng người cầm quyền hiện giờ.

Ông Võ Văn Kiệt không trả lời thẳng vào một câu hỏi của Viet Weekly, theo đó người Việt trong ngoài nước đều đồng ý về việc đóng góp vào công việc chung của dân tộc. Nhưng người hải ngoại đặt vấn đề cao hơn, họ muốn thấy một cơ cấu cơ chế bảo đảm ổn định và phát triển lâu dài của dân tộc Việt Nam thay vì dựa vào một vài lãnh đạo cá nhân tốt sáng suốt của từng thời kỳ, biết lắng nghe, biết kêu gọi sự đóng góp, biết sử dụng người tài.

Tại sao không xây dựng một cơ chế bảo đảm được nguồn lực nhân tài của đất nước được tham gia, có sự phân quyền để giám sát lẫn nhau để tránh việc lạm dụng, dẫn đến quyết định sai lầm như từng xảy ra trong quá khứ.

Câu trả lời của ông Võ Văn Kiệt là chương trình hành động của nhiệm kỳ Đại hội 10 vừa rồi có nhiều nỗ lực của các nhà lãnh đạo. Theo ông, từ trong Đảng đến Quốc Hội, Hội Đồng Nhân Dân và các cơ quan Nhà nước đang tiếp tục đổi mới để phát huy cho được dân chủ và minh bạch. Và ông Kiệt thêm rằng luật pháp của quốc gia, hệ thống chính trị nói chung cũng phải đổi mới để phù hợp kinh tế thị trường, với hội nhập quốc tế và sự phát triển. Ông Kiệt cho rằng các nhà lãnh đạo của Việt Nam đã có nhiều nỗ lực về vấn đề vừa nói.

Vấn đề đa đảng

Viet Weekly dẫn tới câu hỏi hóc búa nhất, theo đó trong điều 4 Hiến pháp có qui định chỉ có Đảng cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất lãnh đạo quốc gia. Và chính ông Võ Văn Kiệt vừa nói quốc gia là quốc gia chung của 80 triệu người, vậy qui định như vậy có nghịch lý không?

Cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt trả lời rằng, xã hội mong muốn đất nước tiếp tục ổn định để đổi mới và phát triển, để không xảy ra rối rắm như nhiều nước khác. Điều này theo ông đòi hỏi phải tập hợp được sức mạnh của dân tộc, phải đại đoàn kết dân tộc.

Ông Kiệt biện giải rằng, Đảng cộng sản Việt Nam đã có vai trò đối với lịch sử của đất nước, nếu như đảng này làm đầy đủ mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh, mà đây là một đòi hỏi hết sức chính đáng, nếu Đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục giữ được vai trò này, được sự đồng thuận của dân tộc Việt Nam thì ông cho rằng đảng cầm quyền như đảng cộng sản Việt Nam là tin cậy được.

Nhưng nếu Đảng cộng sản không thực hiện được mục tiêu đề ra, dân tộc Việt Nam sẽ không chấp nhận. Ông Võ Văn Kiệt trình bày quan điểm rằng không nhất thiết phải đa đảng mới xây dựng đất nước.

Viet Weekly tiếp tục câu hỏi, cho rằng chế độ độc đảng đồng nghĩa với việc bỏ qua một bộ phận người Việt hải ngoại không phải là đảng viên, họ sẽ không có cơ hội để tham gia, nhất là không thể tham gia ở mức độ cốt lõi trong hệ thống cầm quyền để giúp đỡ đất nước. Đó có phải là một sự mất mát cho Việt Nam hay không.

Ông Võ Văn Kiệt cho rằng, theo nghị quyết Đại hội 10, trong hệ thống quản lý Nhà nước, trong cơ cấu tổ chức bây giờ không nhất thiết là uỷ viên trung ương đứng đầu. Trong quá trình thúc đẩy cho sự đổi mới phải hơn một bậc nữa đó là người đứng đầu không nhất thiết là đảng viên. Ông Kiệt dẫn chứng thời kỳ đầu của Nhà nước cộng sản Việt Nam, dưới thời ông Hồ Chí Minh trong cơ quan của lãnh đạo Nhà nước, cấp cao nhất của nhà nước nhiều người cũng không phải là đảng viên.

Trả lời tiếp một câu hỏi khác của Viet Weekly, nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt đưa ra quan điểm của mình, theo đó một đảng cầm quyền như đảng cộng sản Việt Nam có thể chấp nhận một thủ tướng là người ngoài đảng.

Theo ông, trước đây trong lúc đảng còn yếu nhiều bộ trưởng không phải là đảng viên, họ là nhân sĩ trí thức yêu nước. Ông Kiệt nói rằng lấy làm tiếc là trong quá trình xây dựng đất nước Việt Nam chưa làm được điều này, nhưng ông cho rằng cũng phải trở lại hướng này. Theo ông Kiệt những người thât sự yêu nước có đức có tài, không nhất định là người trong Đảng cộng sản, đều có thể làm bất cứ cương vị gì trong bộ máy Nhà nước.

Viet Weekly tiếp tục xoáy sâu câu hỏi liệu trong tương lai ngắn hoặc dài có thể là 20 năm, 50 năm, 100 năm hay kể cả dài hơn nữa, có khi nào điều 4 của Hiến pháp sẽ được tái khẳng định để cho phép nhiều đảng phái hơn tham gia vào công việc của quốc gia hay không.

Nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt không né tránh câu hỏi này, ông nói rằng Đảng cộng sản phải tự đổi mới mình để thích hợp với thực tế, với bước đi của dân tộc. Trách nhiệm lãnh đạo đất nước của Đảng không phải là quyết giữ những điều trong Hiến pháp, mà đòi hỏi Đảng phải làm được trong thực tế vai trò của mình đối với dân tộc để giữ trọng trách lãng đạo đất nước, giữ được sự ủng hộ của nhân dân đối với Đảng. Nếu không giữ được, không làm được đầy đủ chuyện này, dân tộc sẽ quyết định.

Vừa rồi là một phần nội dung cuộc phỏng vấn nguyên thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt do tuần báo Viet Weekly ở nam California loan tải. Vietnam Net đăng lại nguyên văn cuộc phỏng vấn này ngày đầu năm 2007. Mục đọc báo trong nước trên mạng Internet hôm nay kết thúc ở đây. Nam Nguyên thân chào quí vị và các bạn nghe đài.

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Quay lại trang chủ
Read 719 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)