Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

15/04/2019

Quốc hội chuẩn bị thông qua một số dự luật bị dân phản đối

Nhiều tác giả

‘Luật chung’ cho Luật Đặc khu có biến tướng từ các ‘luật riêng’ ?

Thường Sơn, VNTB, 15/04/2019

Chính phủ Việt Nam, cùng lờ mờ sau đó là các nhóm lợi ích bất động sản, đang đánh đố hơn 90 triệu người dân về khái niệm ‘luật chung’ liên quan đến việc ‘hoàn thiện Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (gọi tắt là Luật Đặc khu, hoặc ‘Luật bán nước) - một cái tên mà người dân đặt cho luật này và vẫn tồn tại cho đến giờ đây).

luat1

Cho tới nay dự thảo luật Đặc khu vẫn bị phản ứng dữ dội về nhiều điều khoản rất bất lợi

"Hoàn thiện dự án Luật Đặc khu theo hướng xây dựng một luật chung (thay vì dành cho riêng 3 đặc khu)" là thông tin "được Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo giao Bộ Kế hoạch và đầu tư phối hợp với Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xây dựng phương án chỉnh lý", nêu ra tại phiên họp thường vụ quốc hội ngày 10/04/2019. 

Về thực chất, thông báo trên đã mở đường cho luật Đặc khu - bị hoãn vô thời hạn vào tháng Mười năm 2018 - nảy nòi trở lại. Ngay trước mắt, một chiến dịch ‘đánh’ giá đất đang bùng nổ ở các khu vực dự kiến ‘lên đặc khu’ là Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang) và có thể cả ở Vân Phong (Khánh Hòa). Vô số đất mà giới quan chức đã ‘tậu giá rẻ’ ở những nơi này sẽ có cơ hội bằng vàng để ‘thoát hàng’ với giá trên trời.

Khái niệm ‘luật chung’ mà thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ thông báo lại khiến người ta càng nghi ngờ về việc đã từng tồn tại một thứ ‘luật riêng’ - luật Đặc khu mà nhiều nội dung của nó chứa đựng quá nhiều ưu ái cho Trung Quốc và cứ như thể đó là một hình thức trá hình mà chính thể độc đảng ở Việt Nam luồn lách nhượng địa hoặc nói trắng ra là bán đất cho kẻ ‘ngàn năm Bắc thuộc’.

Sau khi nổ ra cuộc biểu tình phản đối ‘Luật bán nước’ ở Sài Gòn với nhân số lên đến hàng trăm ngàn người và lan rộng trên 50% tỉnh thành trong cả nước vào tháng 6 năm 2018, tại kỳ họp quốc hội tháng Mười năm 2018, bản dự luật Đặc khu đã bị Ủy ban Thường vụ quốc hội ‘quyết’ không mang ra bàn mà để ‘lùi lại’ nhưng không xác định thời hạn. Nguyễn Phú Trọng - khi đó còn là tổng bí thư mà chưa ngồi hẳn vào ghế chủ tịch nước của kẻ quá cố là Trần Đại Quang - có gặp một ai đó và thốt lên ‘Nó lừa mình !’.

Nhưng sau ‘luật riêng’ của những Phạm Minh Chính và Nguyễn Thị Kim Ngân, giờ đây vai trò ‘luật chung’ của Nguyễn Xuân Phúc có thể được hiểu ra sao ? Có phải chỉ là một biến tướng từ ‘luật riêng’ mà chẳng có gì được cải thiện về nội dung ? Liệu ông Phúc có lợi ích gì trong các phi vụ đầu cơ tài chính và chính trị của ‘luật bán nước’ ?

Ngay trước mắt, một nguy cơ rất hiển hiện đối với chế độ cầm quyền là nếu các nhóm lợi ích trong nội bộ đảng - với tư chất cố đấm ăn xôi - vẫn bằng mọi cách ‘đi đêm’ để thông qua luật Đặc khu, sẽ khiến làn sóng biểu tình chống ‘luật bán nước’ này trong dân chúng tiếp tục diễn ra sôi sục hơn, có thể biến thành một phong trào rất lớn trên mạng xã hội và cả trên đường phố trong năm 2019 và cả những năm sau đó.

Cho tới nay dự thảo luật Đặc khu vẫn bị phản ứng dữ dội về nhiều điều khoản rất bất lợi - có thể vẫn chưa được chỉnh sửa một cách cầu thị thật sự, mà thậm chí chỉ được gia cố hết sức sơ sài và mang tính đối phó mà vẫn giữ nguyên quan điểm và quy định chi tiết về ‘cho thuê đất đến 99 năm’ hoặc gần như thế ; ‘kiến tạo’ những điều kiện cực kỳ dễ dãi để người Trung Quốc có thể ồ ạt di cư vào các đặc khu, đặc biệt là đặc khu kinh tế Vân Đồn ở Quảng Ninh, một khi luật Đặc khu đực chính thức thông qua ; vẫn giữ nguyên quyền tài phán nếu có tranh chấp và xử lý người di cư hoặc doanh nghiệp của Trung Quốc không thuộc về Việt Nam mà thuộc về ‘quốc tế’ ; vẫn không có những điều kiện chặt chẽ để loại trừ tương lai các đặc khu, nhất là đặc khu Vân Đồn, sẽ trở thành bãi thải công nghiệp khổng lồ của rác từ Trung Quốc đổ vào ; và vẫn không có quy định chặt chẽ để lại trừ tương lai một số doanh nghiệp cá mập Việt Nam (chẳng hạn như Tập đoàn FLC của Trịnh Văn Quyết - nhân vật không biết là tỷ phú đô la thực hay giả) trở thành con nợ khổng lồ khi sẵn sàng đi vay của các ngân hàng Trung Quốc để đầu tư vào đặc khu nhưng lại không thể bảo đảm năng lực thanh toán, để cũng như nhiều phi vụ vay ODA nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam đẩy toàn bộ hậu quả mất khả năng thanh toán cho chính phủ…

Thủ tướng Phúc sẽ xử lý những khúc xương quá khó nuốt trên như thế nào khi tìm cách cho ‘thây ma’ hồi sinh ?

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 15/04/2019

*******************

Dự luật về Hội rục rịch quay trở lại nghị trường

Thảo Vy, VNTB, 15/04/2019

Có lẽ mọi chuyện đang chờ đợi cái gật đầu của ông Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu Bộ Chính trị, về liệu ở kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 tới đây, dự luật về hội sau thời gian dài ‘nhắc lên – đặt xuống’, sẽ được bấm nút thông qua để kịp cho việc Nghị viện châu Âu xem xét thông qua Hiệp định EVFTA ?.

luat2

Một hội thảo về dự Luật về Hội tại Hà Nội.

Dự luật về Hội sẽ ‘cứu nguy’ cho Bộ luật Lao động ?

Tại phiên họp hôm 10/4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo chí mô tả về sự sốt ruột của bà chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân : "Chúng ta đã cam kết với Nghị viện châu Âu về thời hạn xem xét sửa đổi Bộ luật Lao động. Đó chính là cơ sở quan trọng để Nghị viện châu Âu xem xét thông qua Hiệp định EVFTA, vậy mà bây giờ các bước cần thiết vẫn chưa được tiến hành. Thay vì trình hồ sơ dự án thì cơ quan trình lại chỉ báo cáo, xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số vấn đề, như thế có phải là làm ngược quy trình hay không ? !" (1).

Bà chủ tịch Quốc hội đồng thời yêu cầu xem xét sửa đổi cả Luật công đoàn để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. "Tôi rất quan tâm tới luật này, việc thông qua sửa đổi, bổ sung luật ảnh hưởng đến uy tín quốc tế", bà chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và yêu cầu các cơ quan soạn thảo, thẩm tra gấp rút hoàn thiện hồ sơ dự án, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình ra Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào cuối kỳ họp tháng 5 tới đây.

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, dự án luật về hội đã được Ban Cán sự Đảng Chính phủ báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị. Nếu được sự gật đầu của Bộ Chính trị, thì dự luật này có thể nhanh chóng trình Quốc hội phê chuẩn vào tháng 5/2019. Khi ấy với quyền tự do lập hội, hy vọng sẽ sớm hình thành những tổ chức công đoàn độc lập nằm ngoài hệ thống công đoàn nhà nước. Dĩ nhiên yêu cầu về tính thống nhất của hệ thống pháp luật trong lãnh vực này sẽ vẫn khập khiểng, song đó lại là một căn cứ khác cho việc điều chỉnh sửa đổi Luật công đoàn, cũng như với Bộ luật Lao động.

Một phần tư thế kỷ ‘nâng lên – đặt xuống’

Luật về hội là một dự luật có số phận thăng trầm. Vốn có mục đích luật hóa Sắc lệnh số 102 năm 1957, cách đây đã 60 năm của Hà Nội, dự thảo lần đầu tiên được đưa ra Quốc hội bàn năm 2006 nhưng đã phải rút về. Từ đó đến nay, phải có tới 15 đến 16 lần sửa, dự thảo luật về hội vẫn còn quá nhiều vấn đề tranh cãi, ‘nâng lên - đặt xuống’ khoảng 25 năm, đến độ có ý kiến gọi đây là một ‘cụ luật’ ; và quá trình soạn thảo là một ‘bản trường ca’, vì có quá nhiều ý kiến của các nhà khoa học, những đối tượng bị tác động, đã không được phía soạn thảo tiếp thu để chỉnh lý.

Ghi nhận của trang web Thư viện Quốc hội, nơi đăng tải để lấy ý kiến các dự án luật, cho thấy dự thảo luật về hội còn có một kỷ lục nữa trong quá trình soạn thảo, đó là mức độ quan tâm của dư luận : 10,3 triệu kết quả so với trên dưới 1 triệu kết quả của nhiều luật khác, đồng thời kiến nghị đã đến lúc làm luật không phải chỉ để có luật nữa, mà phải đổi mới tư duy : Luật vị nhân sinh và phát triển.

"Thật ra cái lấn cấn bao trùm cho tất cả những người chấp bút soạn dự luật, đó là yêu cầu mang tính nguyên tắc của Điều 4, Hiến pháp, khi Đảng muốn hiện diện vai trò xuyên suốt của mình trong tất cả các tổ chức hội đoàn dân sự. Nay thì hy vọng người đứng đầu đảng cộng sản cũng đồng thời là chủ tịch nước, ông ấy sẽ hiểu vai trò của ông trong thực thi các điều ước quốc tế ; đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership - CPTPP) mà chính ông đã trình Quốc hội phê chuẩn vào cuối năm ngoái !". Luật gia Cao Minh Tâm nhận xét.

Từ câu chuyện nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp

Vừa qua, sau khi phía các nhà thùng nước mắm trên cả nước lên tiếng về việc Bộ Nội vụ không đồng ý cho thành lập Hiệp hội Nước mắm Truyền thống, với lý do phía doanh nghiệp sản xuất nước mắm công nghiệp cũng đang xúc tiến thủ tục thành lập Hiệp hội Nước mắm Việt Nam. "Trong cùng một ngành, không thể có cùng hai tổ chức hiệp hội" là lý do Bộ Nội vụ đưa ra.

Ở dự thảo luật về hội, phía chấp bút Bộ Nội vụ cũng nói rằng "một trong những điều kiện được thành lập hội là "Lĩnh vực hoạt động chính không trùng lắp với lĩnh vực hoạt động chính của hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trong cùng phạm vi hoạt động".

Vấn đề này có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, quy định như trên của phía soạn thảo không tạo được cơ chế khuyến khích các hội nâng cao chất lượng hoạt động, và sẽ là hạn chế quyền lập hội của công dân. Loại ý kiến thứ hai cho rằng, quy định như trên là phù hợp nhằm tránh tình trạng thành lập hội tràn lan, phức tạp trong việc huy động nguồn lực xã hội, đồng thời phòng ngừa lợi dụng việc thành lập hội để hoạt động trái tôn chỉ, mục đích của hội, trái pháp luật, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước.

Tuy nhiên qua vụ ‘nước mắm truyền thống – nước mắm công nghiệp’ (2), thì bất ngờ vào hạ tuần tháng 3/2019, phía Bộ Nội vụ lại đưa ra ý kiến là nếu mai đây có Hiệp hội Nước mắm Truyền thống, thì nên cấp phép luôn cho tên gọi Hiệp hội Nước mắm Việt Nam. Lý do : giới chủ nhà thùng sản xuất thủ công có tổ chức đại diện, thì những doanh nghiệp sản xuất nước chấm theo quy trình công nghiệp, cũng phải có tổ chức đại diện.

Khi ấy đề xuất kể trên của Bộ Nội vụ được hoan nghênh là phù hợp với nội dung CPTPP, và tạo ra một tiền lệ khác : doanh nghiệp có thể tự mình thành lập một Hiệp hội, mà không cần qua đầy đủ các bước thủ tục hành chính rườm rà như lâu nay. Vấn đề lấn cấn ở đây là tên gọi ‘nước mắm’ đối với loại ‘nước chấm công nghiệp’ là nhập nhèm kiểu đánh lận con đen.

Liệu trong bản dự thảo luật về hội sẽ trình Quốc hội vào tháng 5-2019, Bộ Nội vụ có bỏ hẳn điều kiện "Lĩnh vực hoạt động chính không trùng lắp với lĩnh vực hoạt động chính của hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trong cùng phạm vi hoạt động" ? Nếu vẫn giữ nguyên yêu cầu đó, coi như sẽ vẫn là những hội đoàn độc quyền nhà nước. Bởi, đã có Hội Nhà báo Việt Nam rồi, thì sẽ không thể có Hội Nhà báo độc lập Việt Nam ; đã có Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì sẽ không có Tổng Nghiệp đoàn Lao động Việt Nam…

Thảo Vy

Nguồn : VNTB, 15/04/2019

(1) http://bit.ly/2DnEBeT

(2) http://www.vietnamthoibao.org/2019/04/vntb-ang-co-su-thay-oi-ve-quyen-tu-do.html

*******************

‘Rút 2 dự án Luật ra khỏi chương trình năm 2019’ - một thủ đoạn vừa đấm vừa xoa

Thường Sơn, VNTB, 15/04/2019

Nguồn cơn nào khiến chính phủ của thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ đề nghị rút ra khỏi chương trình 2 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai vì ‘các dự án luật cần có thêm thời gian để nghiên cứu, hoàn thiện’ ?

luat3

Việt Nam - 'cường quốc dân oan'

Thông tin ‘rút ra’ đó được thông báo bởi Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tại phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 10/4/2019.

Đấm

Không thể cho rằng những quan chức của chính phủ trực tiếp liên quan đến đất đai như Nguyễn Xuân Phúc - thủ tướng, Trương Hòa Bình - phó thủ tướng thường trực… và cả giới quan chức bên đảng của ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng không nằm lòng những bản báo cáo của các cơ quan Thanh tra chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường về một chủ đề cực kỳ nhạy cảm : đơn thư khiếu tố đất đai chiếm đến 85 - 90% tổng số đơn thư khiếu nại tố cáo, đưa chính thể độc đảng độc trị ở Việt Nam trở thành một trong những dẫn chứng chói lọi nhất trên bảng vàng tham nhũng đất đai và cưỡng đoạt nhân dân - theo thống kê của các tổ chức nhân quyền quốc tế.

Đề nghị rút Luật Đất đai của phía chính phủ - bị nghi ngờ rất lớn về việc có bàn tay ‘thày dùi’ của một số nhóm lợi ích, tài phiệt, quan chức "vấy máu ăn phần" trong đó, xảy đến trong bối cảnh cơn ung thư cưỡng chế đất vẫn không hề thuyên giảm trên toàn cõi Việt Nam, khiến cho ngày càng nhiều người dân trắng tay ngay trên mảnh đất chôn rau cắt rốn của mình. Vụ ‘cướp sạch’ 5 ha đất Vườn Rau Lộc Hưng do chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đích danh thủ phạm vào giáp tết nguyên đán 2019 là chứng cứ mới nhất, quá đủ để thiết lập một phiên tòa xử giới quan chức về tội, lợi dụng chức vụ quyền hạn, cố ý làm trái và biến người dân thành kẻ thù bất đắc dĩ của chế độ cầm quyền cường bạo này.

Một lần nữa, đảng cầm quyền cố tình luồn lách nhằm kéo dài thời hạn trình ra Quốc hội Luật Đất đai - bộ luật mà đã trở thành một trong những tội ác lớn nhất trong lịch sử đảng cộng sản Việt Nam khi luôn mặc định ‘sở hữu đất đai toàn dân’ mà không chịu công nhận quyền sở hữu đất đai tư nhân và đã làm lợi cho vô số nhóm lợi ích - quan chức khi biến Đất thành Đô (dân gian đương đại Việt Nam thường gọi là ‘Hai Đê’), trong khi biến hàng triệu người dân Việt thành dân oan đất đai.

Xoa

Cùng với đấm là xoa.

Hãy nhìn lại lịch sử của Luật thuế Bảo vệ môi trường.

Vào năm 2017, trong lúc nền kinh tế Việt Nam lao vào năm suy thoái thứ 9 liên tiếp khiến rất nhiều gia đình phải thắt lưng buộc bụng bởi thu nhập ngày càng eo hẹp và đồng tiền ngày càng mất giá, đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường xăng lên đến 8.000 đồng/lít của ‘Bộ Thắt Cổ’ (một hỗn danh mà dân gian đương đại dành cho Bộ Tài chính) đã gặp phải phản ứng dữ dội từ dư luận xã hội.

Đến năm 2018, do chưa thể tăng ngay được thuế "bảo vệ môi trường" lên 8.000 đồng/lít xăng, mới đây Bộ Tài chính đã đề xuất tăng sắc thuế này lên 4.000 đồng/lít xăng. Cách tăng dần, tăng từng bước này đã được một đại biểu quốc hội mớm ý "tăng thuế cứ như vặt lông vịt. Phải vặt từ từ để vịt khỏi kêu toáng lên".

Việc chính phủ Việt Nam xin rút đề xuất nới khung thuế bảo vệ môi trường xăng lên tối đa 8.000 đồng/lít tại dự thảo Luật thuế bảo vệ môi trường khỏiChương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 đã khiến dậy lên một dấu hỏi lớn : chính phủ này đang ‘hồi tâm’ và ‘vì dân’, hay lại một thủ đoạn ngoắt ngoéo theo kiểu ‘vặt lông vịt’ như cách tham mưu của một quan chức chuyên nghề thày dùi tăng thuế và bóp họng dân ?

Hầu như chắc chắn, "chính phủ rút đề xuất tăng thuế xăng kịch khung 8.000 đồng/lít" chỉ là một thủ đoạn ‘lùi một bước để tiến nhiều bước’ của nhóm lợi ích xăng dầu trong mối quan hệ thông đồng với các quan chức bộ ngành và chính phủ.

Bằng chứng gần nhất là Bộ Công thương và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam vừa bất ngờ phóng giá xăng dầu thêm 1.500 đồng/lít, trút lên đầu người dân gánh nặng của chế độ.

Chẳng cần hoài nghi rằng thủ đoạn trên nhằm xoa dịu phần nào phản ứng dữ dội của dư luận và cũng là một cách để ‘cân đối’ với việc rút Luật ‘Hai Đê’ khỏi chương trình pháp luật.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 14/04/2019

Quay lại trang chủ
Read 659 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)