Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/04/2019

Thánh đường Đức Bà Paris vừa cất cánh bay, nhìn lại di sản Việt

Nhiều tác giả

Notre Dame de Paris bốc cháy

Từ Thức, 17/04/2019

Hỏa hoạn thiêu rụi nóc Thánh đường Notre Dame de Paris đã bị dập tắt vào khoảng ba giờ sáng nay. Lính cứu hỏa vẫn tiếp tục làm việc để bảo đảm không còn một ngọn lửa nào có thể bùng cháy trở lại. Việc trước mắt là điều tra nguyên nhân hoả hoạn và gây quỹ tái thiết một kỳ công của nghệ thuật kiến trúc ra đời từ thế kỷ 12.

bocchay1

Thánh đường Notre Dame de Paris bốc cháy

Nóc nhà thờ hầu hết bằng gỗ chêne đã bốc cháy từ 18 giờ 50 ngày thứ Hai 15/ 04 . Mũi tên (la flèche) trên nóc nhà thờ, cao 96 mét, nhìn thấy từ xa rực lửa đã sụp đổ đầu tiên. Lính cứu hỏa đã chiến đấu tích cực, và từ 22h50 cho hay đã cứu được hai tháp (tours), mặt tiền và sườn (cơ cấu kiến trúc căn bản) nhà thờ, một yếu tố quan trọng trong công cuộc tái thiết.

Tổng thống Pháp tuyên bố "chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng lại Notre Dame", vì nhà thờ Đức Bà là bảo vật chung của nhân loại.

Một cuộc quyên góp rộng lớn sẽ được phát động trong những ngày tới, nhưng nhiều foundations đã hứa đóng góp hàng trăm triệu Euros. Chính phủ Pháp sẽ vận động những chuyên gia trên khắp thế giới để xây lại một Notre Dame như cũ, nhưng vững chắc hơn

850 năm lịch sử

Hai phần ba nóc nhà thờ, những tấm tranh lớn vô giá đã bị thiêu rụi, nhưng một phần kho tàng nghệ thuật và lịch sử trong ngôi nhà thờ xây cất tại trung tâm thành phố từ 850 năm đã được bảo toàn.

Trên 400 lính cứu hỏa với 18 giàn phun nước từ sông Seine ngay bên cạnh, đã làm việc tích cực, nhưng hầu như bất lực trước ngọn lửa vũ bão. May mà người ta đã không dùng máy bay chữa cháy, như Donald Trump khuyên từ những phút đầu, vì theo các chuyên viên, sức nước quá mạnh từ máy bay đổ xuống sẽ làm sụp luôn toàn bộ nhà thờ. Hỏa hoạn đã được báo động nhanh chóng, không một thiệt hại nhân mạng nào cho 2000 người đang có mặt trong khuôn viên nhà thờ.

Vương miện gai

Ban trị sự Notre Dame cho hay một số di sản văn hóa cuả nhà thờ đã được cứu khỏi ngọn lửa, hiện lưu trữ ở toà thị chính Paris, trong đó có vương miện gai Chúa Jésus đội đầu khi bị đóng đinh trên thánh giá.

Những bức tranh lớn, những thảm quý treo tường đã bị lửa thiêu hủy, nhưng nhiều tranh nhỏ, một số cửa kính muôn màu (vitraux) và một phần kho tàng nghệ thuật còn nguyên vẹn. Cây đàn ống (grand orgue), một tác phẩm nghệ thuật trong nhà thờ từ 6 thế kỷ bị hư hại, nhưng có thể sửa chữa.

Quan trọng nhất đối với tín đồ tôn giáo là vương miện bằng gai nhọn (couronne d’épines) mà hàng triệu người hành hương đến chiêm ngưỡng đã thoát khỏi mồi lửa. Trước khi đóng đinh, những người lính La Mã, để chế diễu Jésus, đã đội lên đầu ngài một vương miện bằng cỏ gai. Vương miện gai đã được lưu giữ, truyền tay từ vương quốc này sang vương quốc khác, trước khi được trao tặng cho vua Pháp St Louis từ năm 1239.

Tới nay, khoa học chưa xác nhận vương miện gai thực sự thuộc về Chúa, nhưng là một thánh tích cực kỳ linh thiêng đối với giáo dân trên khắp thế giới từ 16 thế kỷ. Vương miện gai, từ 1896, được đặt trong một ống tròn bằng pha lê mạ vàng.

Đứng vững ngàn năm

Thật buồn và khó tin nổi là ngôi nhà thờ khởi công xây từ thế kỷ 12, đã chứng kiến bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, đã đứng vững trước bão tố, chiến tranh, khủng bố đã bị thiêu rụi trong vài giờ vì tai nạn trong cuộc trùng tu.

Đầu tháng, người ta đã dùng trực thăng gỡ 16 bức tương cao trên 3 thước rưỡi trên nóc nhà thờ, để khởi đầu công cuộc trùng tu nhà thờ dự trù kéo dài 3 năm, với ngân khoản khởi đầu trên 6 triệu Euros.

Những giàn gỗ cất chung quanh nhà thờ để công nhân làm việc đã góp phần cho mồi lửa cháy nhanh hơn và mãnh liệt hơn. Cảnh sát sẽ điều tra để biết rõ nguyên nhân của hỏa hoạn.

Xây cất từ đầu thế kỷ 12, tới đầu thế kỷ 14 mới hoàn tất, Notre Dame de Paris là một trong những kiến trúc cổ kính nhất ở Âu Châu. Mỗi năm, nhà thờ đón tiếp từ 12 tới 14 triệu du khách.

Cùng với tháp Eiffel, Notre Dame de Paris tiêu biểu cho Paris, cho nước Pháp và một phần văn hóa nhân loại.

Notre Dame cháy, Paris mang một vết sẹo lớn trên mặt, nhức nhối.

Trầm cảm tập thể

Sáng nay, 16 tháng Tư, Paris thức dậy trong không khí ảm đạm của một ngày tang. Mỗi người cảm thấy mất mát, đau xót, như vừa đưa tang một người thân. Kể cả những nguời không theo Thiên Chúa giáo, kể cả những người chưa bao giờ đặt chân tới nhà thờ

Sáng sớm, xuống uống café ở một tiệm gần nhà. Quán café đông hơn thường lệ. Có những lúc người ta không muốn ngồi một mình, muốn ở giữa những người khác. Câu chuyện xoay quanh hỏa hoạn Notre Dame.

Không ai cười đùa, kể chuyện tiếu lâm như thường lệ. Quầy café là nơi người ta trao đổi những câu chuyện tếu. Có người đã thu thập những chuyện tiếu lâm, những câu nói buồn cười hay ngớ ngẩn in thành sách, gọi là " Brèves de Comptoir " (Trao đổi bên quầy café) .

Mặt người nào cũng buồn xo, như đưa đám. Y khoa nói tới hiện tượng trầm cảm tập thể. Dépression collective. Ông Tây bên cạnh, vốn ba hoa, nói : "c’est bien triste, tout ça" (đáng buồn thật) rồi ngậm tăm cả buổi, không nói gì nữa. Một bà : suốt đêm hôm qua trằn trọc, không ngủ được Nghe như tiếng thở dài. Hay tiếng khóc. Sáng nay, mỗi người thấy mất mát một cái gì đó.

Paris 16/04/2019

Từ Thức

Nguồn : tuthuc-paris-blog.com, 16/04/2019

Tham khảo :

http://www.rfi.fr/diaporama/20190416-cathedrale-notre-dame-paris-joyau-architecture-medievale-devoree-flammes

******************

Notre Dame de Paris, khi một linh hồn vĩnh viễn ra đi

Tôi viết những dòng này không bằng những giọt mực mà bằng những giọt nước mắt. Những giọt nước mắt nhỏ xuống một linh hồn của nước Pháp vừa cất cánh bay vào vĩnh cửu và sẽ không bao giờ trở lại.

dame1

Thánh đường Notre Dame Paris trước ngày 15/04/2019

Linh hồn của Thánh đường Notre Dame Paris đã ra đi. Linh hồn của chàng Quasimodo tật nguyền, song có trái tim nhân hậu, trong sáng, đã xả thân cứu cô gái di gan Esmeranda trong tiểu thuyết 'Thằng Gù nhà thờ Đức bà' không còn chốn quay về dưới mái vòm 800 năm tuổi nữa rồi.

Ngọn lửa cuồng nộ

Tám thế kỷ tồn tại, trải qua những cuộc chiến tranh tôn giáo, cuộc cách mạng Pháp 1789 cướp đi đầu của Vua Louis XVI, Hoàng hậu Marie-Antoinette d'Autriche, Công xã Paris quật mộ các vua chúa trong các thánh đường, những ngày năm 1871 quân Phổ kéo thần công và gươm giáo kỵ binh đen ngập Paris, ngày quân phát xít duyệt binh trên quảng trường Khải Hoàn Môn đau đớn, tủi nhục năm 1940 ấy… Notre-Dame vẫn tồn tại, vẫn thơ mộng như một lời an ủi bằng sự trường tồn của mình rằng bóng tối sẽ qua đi. Vậy mà sao có ngày hôm nay, tháng Tư, ngày 15 của Thế kỷ 21 ?

Buổi tối Định mệnh gọi tên linh hồn của Paris, các bạn Pháp của tôi trở nên cuồng phẫn. Họ thét gào, phẫn uất, "Thời đại này, với những công nghệ, những 4.0, với máy bay chống cháy, với trực thăng, những ông nghị, những nhà rao giảng đạo đức… chúng mày đi đâu hết rồi mà để lửa thiêu như thế ? Sao các người có đổ tại gió, tại đường xá, người đi… Ôi, những thần linh, các ngài ở đâu trong giờ phút này ? Làm gì đây với bất hạnh khủng khiếp này ?".

Chẳng còn ai bình tĩnh nổi khi nhìn ngọn lửa réo gào, hung hãn quật đổ ngọn tháp cao 96m.

Họ như cảm nhận lại cảnh tòa Tháp Đôi tại New York bị nung chảy và sụt xuống ngày 11/9 đau thương. Mà cuối tuần là Chủ nhật Lễ Phục Sinh (Pâques) rồi, Lễ trọng nhất trong cuộc sống tâm linh của người Công giáo.

dame2

Tổng thống Emmanuel Macron nói đây là một "bi kịch khủng khiếp" và cam kết sẽ phục chế lại nhà thờ

'Trái tim Paris'

Với người Pháp, Notre Dame de Paris không thuần chỉ là một công trình kiến trúc. "Đó là trái tim Paris, nơi tình thương của Chúa trên trời chia sẻ cho thành phố", Đức cha Tổng giám mục Chánh tòa Philipe de Maistre nói.

Người ta tin rằng vào thời kỳ đầu, kỷ nguyên Kitô giáo đã tồn tại trên khu vực của nhà thờ Đức Bà hiện nay, cũng là nơi phát tích của thành phố Paris. Năm 1771, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những nền móng của Thánh đường thờ thần Jupiter thời kỳ trung đại, sau đó vào Thế kỷ 4 (trước năm 452 sau CN), một ngôi nhà thờ khác thế chỗ cho phế tích này là nhà thờ St. Etienne.

Trước sự bùng nổ dân số, Paris bức thiết cần có một chốn giao lưu mới cho tín hữu. Các chuyên gia ước tính rằng dân số Paris đi qua trong một vài năm từ 25.000 cư dân vào năm 1180, bắt đầu triều đại Vua Philip II Augustus vào năm 1220, đã tăng lên thành 50.000 người, biến Paris thành thành phố Thiên Chúa giáo lớn nhất ở Châu Âu, sau Rome.

Năm 1160, những viên đá đầu tiên, trong số đó là những phiến đá của các thánh đường trước đó được gọt đẽo lại, được thu thập cho việc khởi công xây dựng Notre Dame Paris tại vị thế hiện nay, dưới sự hiện diện của Giáo hoàng Alexandre III, Vua Pháp Louis VII và Giám mục Maurice de Sully.

Tên của kiến trúc sư đầu tiên đã không được nhắc tới. Giám mục Maurice de Sully chỉ đạo công việc xây dựng cho tới năm 1196, rồi tiếp tục bởi Giám mục Eudes de Sully.

Việc thi công đầu tiên gồm bốn giai đoạn chính :

1163-1182 : Xây dựng điện và hai hành lang chính diện

1182-1190 : Xây dựng hai gian cuối, các gian bên và diễn đàn

1190-1225 : Xây dựng mặt ngoài, hai gian đầu của nhà thờ

1225-1250 : Xây dựng hành lang thượng, hai tháp cùng thay đổi, mở rộng các cửa sổ

1350 : Chính thức xây dựng xong

Các xây dựng tiếp theo từ cuối Thế kỷ 13 cho tới đầu Thế kỷ 14. Tên tuổi các kiến trúc sư được ghi lại có Jean de Chelles, Pierre de Montreuil, Pierre de Chelles, Jean Ravy và Jean le Bouteiller.

Việc xây dựng kéo dài đến 200 năm, nên kiến trúc Notre Dame de Paris mang nhiều phong cách. Song không vì thế mà vị thế của Notre Dame bị gièm pha hay ghẻ lạnh.

Gắn liền với lịch sử, tôn giáo

Hoàng đế Pháp được biết đến nhiều nhất, cũng là người viết ra bộ Dân Luật ảnh hưởng rất nhiều tới các bộ luật dân sự trên toàn thế giới là Napoleon Bonaparte đã cử hành hôn lễ ngày 2/12/1804 tại Notre Dame de Paris.

00613957

Lễ tấn phong Hoàng đế Napoleon Bonaparte được cử hành tại Thánh đường Notre Dame de Paris ngày 2/12/1804

Napoleon cũng chỉ nối bước theo vết chân của một vị vua Pháp khác cũng lẫy lừng không kém, cũng để lại thánh tích tại Notre Dame de Paris.

Đó là Vua Louis IX, được phong thánh vào ngày 11/08/1297 dưới tên Thánh Louis bởi Giáo hoàng Boniface VIII, cùng sự có mặt của Vua Philip IV.

Thánh Louis (Saint Louis) đóng vai trò vĩ đại như Sa hoàng Nga Petrer le Great (1672-1725), nhưng trước đó cả bốn thế kỷ.

Một ông vua được lưu truyền về những đạo luật ngăn cản việc tra tấn, nhục hình hay trả thù trong các phiên tòa sử tại các lãnh địa của các thân vương, hay đưa nền tảng luật 'bào chữa vô tội' đối với bị can.

Những tệ nạn xã hội như tội báng bổ, đánh bạc, cho vay lãi và mại dâm đều có khung hình trừng phạt. Dân oan có quyền kháng cáo lên tận của vua, nhờ phán xử lại.

Thậm chí việc xung đột, tranh chấp đất đai, lãnh thổ giữa các quốc gia hoặc lãnh địa của các thân vương được khuyến nghị bằng Hội đồng hòa giải với lời mời các Nhà nước quân chủ khác tại Châu Âu.

Danh tiếng của Saint Louis vượt qua biên giới Pháp. Dưới triều đại của ông, một đồng tiền tệ duy nhất lưu hành trong Vương quốc và tiền thân của Nghị viện và Tòa án được thành lập, nền tảng của Đại học Sorbonne được xây dựng.

Rất ngoan đạo, nhân ái, Vua Louis đã cho xây dựng nhiều nhà thờ, tu viện và nhà tế bần, giúp đỡ dân nghèo, xây dựng Thánh Đường Sainte Chapelle vào năm 1242.

dame4

Một buổi lễ trình diễn ánh sáng có tên 'Dame de Coeur' bên trong Notre-Dame trong dịp kỷ niệm 100 năm Đệ nhất Thế chiến, hồi 10/2018

Trong tầng hầm của Notre Dame còn gìn giữ chiếc áo choàng trắng của Thánh Louis, và được coi là bảo vật quốc gia. May mắn thay, theo thông báo mới nhất thì hỏa hoạn không đụng chạm được tới thánh tích này.

Vua Louis cũng là một trong những thủ lĩnh của Cuộc Thập tự chinh thứ bảy giải phóng đất Thánh cùng với các vương hầu Robert of Artois, Alphonse of Poitiers và Charles of Anjou.

Một trong những thánh tích được St.Louis mua về năm 1239 và cũng gìn giữ tại Notre Dame de Paris trong một vòng pha lê rút chân không là chiếc vòng gai được cho là đội trên đầu Chúa Jesus ngày chịu nạn.

Chiếc 'vương miện' bện bằng rơm và cỏ gai này do các binh lính Roma nhạo báng Chúa đặt lên đầu người khi người nói mình là 'vua xứ Nazareth'. Thông báo đầu tiên ngay sau vụ hỏa hoạn là những báu vật kể trên đã được đưa về Tòa thị Chính Paris bảo quản.

St. Louis cũng đã từng đứng đây, trước Quảng trường nhà thờ này năm 1270 đọc di chiếu của mình trước khi đáp thuyền mở đầu cuộc Thập Tự chinh thứ tám. Và vĩnh viễn ra đi.

dame5

Do đang trong giai đoạn trùng tu nên nhiều bức tượng của Nhà thờ Đức Bà Paris đã được đưa đi trước khi xảy ra vụ hỏa hoạn

Đơn cử thêm những sự kiện quan trọng khác đã diễn ra tại đây :

  • Vua Henri VI d' Angleterre lên ngôi ở năm 1431, kết thúc cuộc chiến tranh 100 năm (1337-1453).
  • Năm 1447, vua Charles VII cử lễ cầu hồn sau khi giành lại Paris.
  • Năm 1456, làm lễ phục hồi lại danh dự cho Jeane d'Arc, bị xử tử vì kết tội tà giáo, trở thành Nữ Thánh của nước Pháp sau này.

- 24/04/1558, hoàng hậu, vua xứ Scotland cử hành hôn lễ với François II.

- Napoleon III cử hành hôn lễ ngày 30/01/1853.

- Ngày 26/8/1944, bản Thánh ca Magnificat cất lên tại đây trong Ngày Giải phóng Paris khỏi tay phát xít.

- Tháng 8/2008, Giáo hoàng Benoit XVI đã làm Thánh lễ tại Notre Dame.

- 15/11/2015, lễ tưởng niệm những vong hồn vụ khủng bố Paris cũng được cử hành trọng thể tại Notre Dame

Khi mới đến Paris, Notre Dame de Paris cũng là nơi tôi đón nghe những bài học tiếng Pháp đầu tiên.

Thầy Bảo, giáo sư của trường Quốc học Huế năm đó đã 95 tuổi, sau những buổi chiều dạy tôi phát âm tại nhà thầy thường khuyên tôi nên đi ra nhà thờ nghe các thánh lễ.

Buổi đầu đến đây, tôi không để ý là đổi giờ mùa đông sang mùa hè, nên đến sớm hơn một tiếng.

Tại đây tôi cũng gặp một cô gái Ba Lan cũng ở tình trạng tương tự. Cả hai cùng cười về sự vô tâm, song cũng là cái duyên thành bạn. Cô gái chia cho tôi nửa chiếc bánh croissant, chiếc bánh mang nỗi nhớ của Hoàng hậu Antoinette từ nước Áo xa xôi tới đất này, dạy dân Pháp làm. Cũng vì nhắc tới chiếc bánh croissant mà vợ vua Louis XVI bị rơi đầu, khi bà nói 'Chúng nó không có bánh mỳ thì cho ăn bánh croissant'.

Hôm nay quay lại chốn này, hồi tưởng lại những ngày đi học. Nhìn lại kè đa, nơi thời xa vắng mà hai đứa ngồi ngắm nhìn những chiếc du thuyền vui vẻ trôi trên dòng Seine.

Quasimodo, linh hồn chàng tạm trú ngụ trên những vòm cây quanh đây vậy nhé. Chữa xong Notre Dame thì về.

Không có Notre Dame, sông Seine côi cút làm sao.

Bài thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả, một nhà báo tự do sống tại Paris, Pháp.

Nguyễn Cao Phong, BBC, 16/04/2019

******************

Chỉ quân nhà nghèo mới khóc thương di sản !

Tre, RFA, 17/04/20149

Giời, đúng là quân thực dân. Cháy có mỗi tí cái nhà thờ già cỗi cũng khóc ầm lên. Tại vì ít di sản quá đấy mà, chứ giàu như Việt Nam di sản cả rổ thì buồn buồn đốt chơi vài cái cũng vô tư thôi chứ đáng gì mà khóc ?

dame6

Hình minh họa. Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn với kiến trúc hao hao Notre Dame ở Paris, Pháp, bị cháy hôm 15/04/2019 - AFP

Đây ngay ở Sài Gòn có một nhà thờ đệ của Notre Dame Paris đây, cũng được gọi là Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, với kiến trúc hao hao Notre Dame. Nằm giữa trái tim Sài Gòn, trong không gian đầy lá xanh và những cánh bồ câu xây tròn bay liệng. Xây bằng những viên gạch trần đỏ ong không mọc rêu mang từ Pháp qua. Gần 150 năm, qua bao binh lửa, hai ngọn tháp mũi tên vẫn kiêu hãnh vút lên trời.

Nhà thờ Đức bà Sài Gòn đẹp như thế, nên rất nhiều người Việt Nam đến đây muốn để lại dấu ấn. Họ viết, vẽ bằng bút mực, bút xóa màu trắng lên những viên gạch, họ dùng cả vật nhọn khắc thật sâu. Những góc khuất của nhà thờ (nhìn từ trên xuống, nhà thờ mang hình chiếc thánh giá), người ta đái vào thật đẫm, đến nỗi gạch không bao giờ khô nổi, chuyển màu nâu và tróc lở, rơi rụng từng mảng. Cha xứ phải quây rào sắt và dán bảng thông báo nơi tôn nghiêm, thì người ta đái luôn vào rào sắt.

dame7

Một phần bức tường Nhà thờ Đức Bà ở Thành phố Hồ Chí Minh Photo by Tre

Đấy là nhà thờ.

Di tích quốc gia chùa Sổ (huyện Thanh Oai, Hà Nội) được mô tả "xây dựng từ thời Mạc, đến năm 1634 được tu sửa, tạc thêm 20 pho tượng và đúc chuông, lưu giữ một phong cách kiến trúc độc đáo với những viên gạch đất nung, hòm sớ thời Mạc, trang trí các hình rồng, cua, lân, hoa cúc, rắn, ngựa long mã, rùa, hổ, chim, thỏ…". Báo chí Việt Nam viết : "Năm 2014, đoàn kiểm tra của Bộ Văn hóa-Thông tin-Du lịch đến kiểm tra chỉ biết thở dài. Vì giống như ở đình Hương Canh (tỉnh Vĩnh Phúc) cũng được trùng tu trong năm ấy, những người thợ được thuê trùng tu đã dỡ ngói bằng cách dùng cuốc xẻng bổ vỡ mái ngói rồi gạt thẳng từ trên xuống".

Quang cảnh được đoàn kiểm tra nói trên tả lại là "như một đống đổ nát sau chiến tranh".

Notre Dame 855 tuổi. Chùa Sổ mới chừng… gần 2.000 tuổi thôi.

Di tích quốc gia chùa Đậu (Hà Nội), được xây dựng vào thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên Trong cuốn sách bằng đồng có từ thời Sĩ Nhiếp đầu thế kỷ thứ III (năm 200 - 210) hiện còn cất giữ tại chùa, có ghi rõ sự tích nàng Man Nương và Phật giáo Ấn Độ du nhập vào Việt Nam, là nơi lưu giữ chứng tích của sự phát triển Phật giáo ở Việt Nam. Vì vậy, chùa còn có tên gọi khác là chùa Vua, chùa Bà.

Cũng theo "Sách đồng", chùa Đậu được xây dựng vào thế kỷ thứ 3 sau công nguyên, cách đây gần 2000 năm. Chùa đã được nhiều đời vua chúa sau đó sửa chữa, tôn tạo và được gọi là Đệ nhất đại danh lam.

dame8

Các bức tượng La Hán ở Chùa Đậu (Hà Nội). Photo by Tre

Nhưng theo tác giả Trinh Nguyễn (Báo Thanh Niên), lần tu tạo mới nhất, người ta đã tô môi, sơn móng tay móng chân đỏ chót và bóng loáng cho… các bức tượng La Hán trong chùa. Tác giả Trinh Nguyễn viết : "Giáo sư Trần Lâm Biền, một chuyên gia mỹ thuật cổ, đánh giá : Đấy là xu hướng đĩ thõa hóa tượng".

Di tích quốc gia đặc biệt, đền Gióng (Hà Nội) ít nhất hơn ngàn năm tuổi. Nhưng trong lần tu bổ gần nhất, những mảng gỗ chạm khắc nghệ thuật và vì kèo từ thế kỷ 17, 18 đã bị sơn một lớp sơn đỏ rực rất dày lên toàn bộ chi tiết khiến không thể phục hồi như cũ. "Chuyên gia mỹ thuật sau giám định cho biết, nếu bóc lớp sơn này đi sẽ làm hỏng mảng chạm tốt nhất, đẹp nhất ở đây"(trích báo Thanh Niên).

Hang động đá vôi Đầu Gỗ ở Hạ Long, được tạo thành từ cách đây 2 triệu năm, di sản UNESCO, được một doanh nghiệp tổ chức hòa nhạc bên trong cho 150 người dự, thắp nhiều nến và đóng cọc thẳng vào những cột đá.

Vẫn theo báo chí Việt Nam, năm 2013, suối Khe Thẻ tại di sản thế giới, thánh địa Mỹ Sơn, Quảng Nam) gây kinh ngạc cho giới bảo tồn vì được đổ bê tông làm kè cứng. Trưởng ban quản lý khu di tích Mỹ Sơn giải thích do mùa lũ dòng suối này chảy rất dữ, gây xói lở và sắp làm nghiêng một tháp cổ nên phải làm vậy. Lịch sử bảo tồn cho thấy trước kia người Pháp đã từng làm đập để can thiệp dòng chảy của suối Khe Thẻ nhưng không thành công, do vậy những giải pháp cực đoan này không được xem là tối ưu. tha

Cùng tuổi với Notre Dame có ngọn tháp Chăm hùng vĩ mang tên Po Klong G’Rai nằm trên đồi Trầu, TP Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận. Đây được đánh giá là ngọn tháp đẹp nhất còn lại, là di tích đặc biệt cấp quốc gia và cho đến tận bây giờ vẫn là nơi tế lễ của cộng đồng người Chăm. Cũng như nhiều di tích khác, tháp được du khách viết, vẽ, khắc lên những viên gạch không nung hiếm có, trèo lên chụp ảnh bất chấp biển cảnh báo gây tổn thương cho tháp. 

dame9

Tháp Po Klong G’Rai, Phan Rang Photo by Tre

Trong lòng một ngọn tháp Chăm khác là tháp Po Sha Inư tại Bình Thuận, được xây dựng từ thế kỷ 15, là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, người viết bài này có lần tận mắt chứng kiến một chiếc chiếu cũ nát cuộn tròn trong lòng tháp, cùng với đầy phân dơi.

Thôi nói túm lại, hầu như bất cứ di sản chùa chiền nhà thờ đình miếu đền quán nào của Việt Nam cũng đã và đang bị xâm phạm thô bạo. Phổ biến nhất là viết vẽ khắc chạm, đóng đinh… lên chính di sản, phổ biến nhì là trùng tu theo cách phá hoại.

Tính đến năm 2014, Việt Nam có hơn 40.000 di tích, thắng cảnh trong đó có hơn 3.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia và hơn 7.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Trong số di tích quốc gia có 62 di tích quốc gia đặc biệt, 8 di sản thế giới. Ngoài 3 di sản thiên nhiên thế giới (vịnh Hạ Long, vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng và cao nguyên đá Đồng Văn), Việt Nam có tới 15 di sản văn hóa thế giới và 4 di sản tư liệu thế giới được UNESCO vinh danh.

Ấy thế nhưng chẳng thấy ngôi sao MC nào nửa đêm chợt bừng giấc hoang mang khóc nghẹn cho những di sản tuyệt vời ấy cả.

Giàu mà lị ! Phong cách quý s’ tộc nó phải coi khinh mọi sự như thế chứ ai như bọn nhà nghèo Pháp mất có tí cái tháp gỗ cũ mốc meo cũng khóc ầm cả lên, lêu lêu, rõ xấu !

Tre

Nguồn : RFA, 17/04/2019

Tham khảo :

https://dulich.tuoitre.vn/van-hoa/chum-anh-muon-kieu-buc-tu-thap-co-po-klong-garai-1181397.htm

https://vtv.vn/vtv8/xot-xa-di-tich-bi-viet-ve-bay-20180507094013047.htm

https://news.zing.vn/cong-trinh-xuyen-loi-di-san-trang-an-bat-dau-bi-thao-do-post830362.html

https://nhandantv.vn/di-san-lai-ton-thuong-va-nhung-van-de-dat-ra-n79852.htm

Quay lại trang chủ
Read 848 times

1 comment

  • Comment Link Hoàng vendredi, 19 avril 2019 09:36 posted by Hoàng

    mấy ông Huyện ông Xã nhận tiền tỷ xong mướn mấy anh thợ hồ lấy xi măng trám trét di tích xong lấy sơn Bạch Tuyết vẽ vời bậy bạ lên di tích. VN coi như hoàn tất việc xóa sổ di tích.

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)