Cú đổ bệnh đột ngột của ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng ngay tại vùng ‘căn cứ địa cách mạng gia tộc Nguyễn Tấn’ vào ngày 14/4/2019 - trùng với ngày sinh nhật của Trọng - rất có thể đã phá vỡ một kế hoạch (nếu có) của ông Trọng đi Trung Quốc để dự Hội nghị Một vành đai, Một con đường (BRI - Belt and Roand Initiative) do Bắc Kinh tổ chức .
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.
Choáng, ổn hay tai biến ?
Không bao lâu sau cơn chấn động ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng bị đột ngột cấp cứu hồi sức ở Bệnh viện đa khoa Kiên Giang và liền sau đó được đưa về Bệnh viện Chợ Rẫy ở Sài Gòn vào ngày 14/4/2019, một số trang facebook của những người ‘lề đảng’ và giới dư luận viên trấn an dư luận : "Sau khi kết thúc buổi làm việc trưa ngày 14/4, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã bị choáng, do thời tiết thay đổi, miền Tây Nam bộ nói chung, tỉnh Kiên Giang nói riêng đang vào đợt nắng nóng kỷ lục… Trong đó riêng việc vừa đi thị sát ngoài trời không mũ nón dưới cái nhiệt độ 38 độ rồi lại vào thị sát trong xưởng chế biến tôm với nhiệt độ dưới 15 – 20 độ C… Tổng bí thư, Chủ tịch nước nay tuổi đã cao, việc nước gánh nặng trên vai nên chuyện bị choáng, ảnh hưởng sức khỏe là chuyện bình thường…", ‘Sức khỏe Cụ Tổng vẫn ổn’, thậm chí còn ‘Cụ Tổng đã xuất viện’, đồng thời lên án ‘các thế lực phản động và thù địch’ đã xuyên tạc về "Người lãnh đạo cao cấp kính yêu của Đảng và Nhà nước ta"…
Nhưng nếu Nguyễn Phú Trọng chỉ bị choáng thông thường, tại sao Bệnh viện Kiên Giang lại không xử lý được mà phải chuyển về Chợ Rẫy ở Sài Gòn - bệnh viện thuộc loại ‘tuyến trên’ mà chỉ đưa từ tỉnh về đây những trường hợp trầm trọng và nguy hiểm ?
Một khi đã phải chuyển Nguyễn Phú Trọng về Sài Gòn, tại sao không đưa về Bệnh viện Thống Nhất là nơi điều trị cho cán bộ trung cao cấp mà lại phải chuyển về Chợ Rẫy là bệnh viện ‘ngoài’ và có điều kiện đảm bảo an ninh cho giới chóp bu mỏng hơn nhiều so với Bệnh viện Thống Nhất ?
Và tại sao không chuyển thẳng Nguyễn Phú Trọng từ Bệnh viện Kiên Giang ra Bệnh viện 108 ở Hà Nội - nơi điều trị cán bộ cao cấp - mà lại để ở Chợ Rẫy ?
Cần chú ý, Chợ Rẫy là bệnh viện nổi tiếng về chuyên khoa điều trị chấn thương sọ não và thần kinh, trong khi Thống Nhất bị xem là yếu hơn nhiều, thậm chí còn xuất hiện giai thoại dân gian về ‘mổ khuyến mãi’ (phải mổ đi mổ lại) ở bệnh viện này.
Chính vì thế, việc Nguyễn Phú Trọng được chuyển thẳng từ Kiên Giang về Chợ Rẫy mà không phải Thống Nhất hay Bệnh viện 108 cho thấy bệnh tình của ông Trọng không phải là ‘choáng’, mà rất có thể ông ta đã bị đột quỵ dạng tai biến mạch máu não. Một trong những yêu cầu cao đối với loại bệnh này là cực kỳ hạn chế di chuyển bệnh nhân để tránh tổn thương và làm vỡ mạch máu não.
Về thực chất, một cơn bạo bệnh đến với Nguyễn Phú Trọng vào lúc này sẽ khiến xáo trộn toàn bộ chính trường Việt Nam và ảnh hưởng đến cả quan điểm và quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam với Trung Quốc, Hoa Kỳ và cả Liên minh Châu Âu.
Trung Quốc hả hê…
Trước khi xảy ra vụ ‘Nguyễn Phú Trọng bị choáng’, một nguồn tin thường có tin nội bộ và khá đáng tin cậy đã cho biết Nguyễn Phú Trọng sẽ đi Trung Quốc từ ngày 24 đến 28 tháng 4 năm 2019 để dự hội nghị Sáng kiến Vòng đai Con đường (Belt and Road Initiative- BRI). Theo đó, Nguyễn Phú Trọng sẽ một lần nữa ‘đi Trung Quốc trước khi đi Mỹ’, mang lại một sự lặp lại đến u tối cái dĩ vãng ‘chầu thiên triều’.
Trước đó nữa, ‘đồng chí Nguyễn Phú Trọng sẽ có chuyến công du Hoa Kỳ’ - Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận.
Chuyến đi trên có thể diễn ra vào mùa hè năm 2019 và đặc biệt quan trọng với ngân sách của chính thể Việt Nam và với người vừa chạm ghế chủ tịch nước chưa được bao lâu.
Nếu sau cuộc cuộc gặp Trump - Trọng sắp tới tại Washington hiện ra một văn bản được ký giữa hai bên như kiểu’ Hiệp ước tương trợ quốc phòng’ mà Mỹ đã ký với Philippines, hoặc ít ra cũng là một bản ghi nhớ về việc sẽ tiến hành chuyện đó, và hơn nữa là sự chuẩn bị cho ‘quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Mỹ - Việt’, Bộ Chính trị ở Hà Nội sẽ có thể như ‘sống lại’ để nhảy vào khai thác mỏ Cá Voi Xanh mà không còn phải mắt trước mắt sau trước thói đe nẹt của ‘đồng chí bốn tốt’.
Trong bối cảnh ngân sách Việt Nam đang nhanh chóng cạn kiệt và đặc biệt đang quá thiếu ngoại tệ để trang trải nợ quốc tế – lên tới 10 - 12 tỷ USD/năm – và để phục vụ cho nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ các nước, đồng thời phải bảo đảm dự trữ ngoại hối, 60 tỷ USD dự kiến khai thác được từ dự án dầu khí lớn nhất của Việt Nam là Cá Voi Xanh (con số dự đoán mới nhất được nêu ra bởi chính quyền Việt Nam, gấp đến 3 lần con số dự đoán trước đây là 20 tỷ USD) - được xem là giá trị rất đáng để giới lãnh đạo Việt Nam tỏ một chút can đảm trước "đồng chí tốt" Trung Quốc.
Nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy Nguyễn Phú Trọng có thể đang rơi vào tình cảnh bệnh nhân bất đắc dĩ vì chứng xuất huyết não và thậm chí còn có thể bị liệt nhẹ, đang đe dọa không chỉ chuyến đi Trung Quốc mà còn cả chuyến đi Mỹ của ông ta.
Nếu Trọng không kịp phục hồi sức khỏe trong những tháng tới thì đương nhiên ông ta không thể đi Washington gặp Trump với tư cách một nguyên thủ quốc gia - điều mà hẳn Trọng rất lấy làm tự hào vì ‘mình có như thế nào thì người ta mới đón tiếp như thế chứ’, đúng theo tâm trạng hồ hởi bột phát mà ông ta đã thể hiện sau khi được Tổng thống Mỹ Barak Obama đặc cách tiếp tại Phòng Bầu dục vào tháng 7 năm 2015.
Và nếu Trọng không thể đi Mỹ vào mùa hè này, chắc chắn Trung Quốc sẽ cảm thấy hả hê nhất, bởi Việt Nam sẽ không có cơ hội để bàn với Mỹ về việc hợp tác với Tập đoàn dầu khí Hoa Kỳ ExxonMobil về khai thác mỏ Cá Voi Xanh, cũng chưa thể bàn sâu hơn về những nội dung ‘quan hệ đối tác chiến lược’ với Mỹ mà từ đó Việt Nam có thể chính thức tham gia vào khối liên minh quân sự Đông Bắc Á - một khối gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc đối trọng với Trung Quốc tại Biển Đông.
Cần nhắc lại, ngay trước khi có tin về ‘Trọng đi Trung trước’, Trung Quốc đã tung ra động thái sẽ đưa giàn sản xuất dầu khí lớn thứ hai là Dongfang 13-2 CEPB vào Lưu vực Yinggehai ở Biển Đông vào ngày 10/04/2019.
Logic của những dự kiện lịch sử cận đại trong quan hệ Trung - Việt cho thấy chẳng cần hoài nghi rằng sự xuất hiện của Hải Dương 981 trước đây và Dongfang 13-2 CEPB vào năm 2019 là những động tác dằn mặt đối với giới lãnh đạo cao cấp của Việt Nam trong thế đu dây dễ lộn cổ giữa Trung Quốc và Mỹ.
Chiến thuật ép và lấn từng bước của Trung Quốc là quá dễ nhìn ra : trước chuyến đi Mỹ của Nguyễn Phú Trọng vào mùa hè năm 2019, tùy thuộc vào thái độ của Trọng với Tập ra sao mà Dongfang 13-2 CEPB sẽ nằm yên ở vùng chồng lấn biển hoặc lao thẳng vào hải phận Việt Nam theo đúng cái cách của Hải Dương 981 vào năm 2014.
Có từ bỏ quyền lực ?
Liệu Nguyễn Phú Trọng có giao phó cho một quan chức nào khác dẫn đầu đoàn Việt Nam đi Trung Quốc dự Hội nghị BRI và cả đi Mỹ ?
Với Hội nghị BRI, khả năng nhiều sẽ là nhân vật số 2 trong đảng - Thường trực ban bí thư Trần Quốc Vượng và là người được Trọng tin cậy nhất hiện thời - có thể thay thế Trọng đi Bắc Kinh. Nhưng chuyến đi này không quá quan trọng với Việt Nam.
Chuyến đi quan trọng hơn hẳn sẽ là đi Washington gặp Trump. Trong trường hợp đến lúc đó mà Nguyễn Phú Trọng vẫn chưa thể phục hồi sức khỏe, thậm chí bệnh tình của ông ta còn tồi tệ hơn, việc đi Mỹ sẽ không còn tùy thuộc vào việc Trọng phân công cho một ai đó trong Bộ Chính trị đảng Việt Nam, mà phụ thuộc vào việc Trump có đưa ra lời mời cho nhân vật thay thế hay không, hoặc Trump sẽ gác lại cuộc gặp với Trọng hoặc với nguyên thủ quốc gia mới của Việt Nam vào năm sau - 2020.
Kịch bản Trump vẫn mời một chóp bu Việt Nam mà không phải Trọng đến Washington vào mùa hè năm 2019 có thể chỉ xảy ra với điều kiện nhân vật chóp bu đó phải có thực quyền để quyết định ngay những chủ đề được thống nhất trong cuộc hội đàm Mỹ - Việt, đồng nghĩa với tình trạng bệnh tình của Nguyễn Phú Trọng suy yếu đến mức ông ta phải tạm ủy quyền cho một quan chức khác, hoặc Trọng ‘dũng cảm’ từ bỏ hẳn quyền lực của ghế chủ tịch nước và cả ghế tổng bí thư.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 17/04/2019