Nhận diện phụ huynh thí sinh ‘thủ khoa’ ở Sơn La
Trân Văn, VOA, 19/04/2019
Cho dù liên ngành giáo dục – đào tạo và công an vẫn… kiên định với chủ trương… không công bố tên những thí sinh đã được sửa bài thi, nâng điểm trong Kỳ thi Tốt nghiệp Phổ thông trung học 2018 nhưng tuần này, một số cơ quan truyền thông chính thức ở Việt Nam vẫn tìm cách này hay cách khác bạch hóa một phần danh tính thí sinh và nhân diện của phụ huynh những thí sinh đã được sửa bài thi, nâng điểm.
Báo Người Đưa tin đăng danh sách 44 thí sinh được nâng điểm thi ở Sơn La. Photo Báo Người đưa tin.
Tuy hệ thống truyền thông chính thức chỉ bật mí… chức vụ của cha mẹ 44 thí sinh được sửa bài thi, nâng điểm ở Sơn La, không nêu đầy đủ danh tính, song chừng đó đủ hâm nóng dư luận. Công chúng sôi sùng sục vừa vì những thí sinh thi ba môn, tổng số điểm thực đã đạt chỉ có… 1/30 mà trở thành thủ khoa, vừa vì tất cả những thí sinh này đều là con, cháu cán bộ, đảng viên thuộc đủ mọi ngành, ở đủ mọi cấp.
Đó cũng là lý do nhiều người sử dụng Internet nhận xét giống như Nguyễn Thiện : Không thấy cháu nào có bố mẹ là công nhân hốt rác làm việc ở Công ty Vệ sinh Môi trường của tỉnh cả (1) ! Bởi con cháu cán bộ, đảng viên từng được cán bộ, đảng viên ví von như một thứ… hồng phúc của dân tộc, rất nhiều người bày tỏ ước muốn phủi sạch thứ "phúc" này ở cả hiện tại lẫn tương lai.
Do cám cảnh, có những facebooker như Đào Tuấn, phân tích các nghịch lý ở thời của… "hồng phúc" : Trong khi nhiều phụ huynh bán mặt cho đất, bán lưng cho Trời để kiếm tiền nuôi con ăn học, rồi ra Văn Miếu, lên chùa Ba Vàng, khấn vái cho con đỗ đạt thì có người… "gắp điểm bỏ tay các… hồng phúc". Trong khi nhiều đứa trẻ kết quả thi đạt 30/30 điểm vẫn trượt khỏi đại học thì có những "hồng phúc" thi ba môn chỉ 1 điểm vẫn là… thủ khoa. Trong khi con cháu thường dân đậu đại học vẫn phải nhập ngũ thì các "hồng phúc" của "hồng phúc" nghiễm nhiên trở thành lãnh đạo rồi "cả lò các hồng phúc trở thành… hồng phúc". Trong khi con cháu thường dân tốt nghiệp đại học hạng thủ khoa nhưng không tìm được việc làm, phải về nhà nuôi heo viết tâm thư cho "hồng phúc" thì "hồng phúc" bảo buồn vì "hồng phúc của hồng phúc" bị… nâng điểm (2)...
Trên mạng xã hội, trường hợp nam sinh ở Sơn La, thi ba môn chỉ đạt 1/30 điểm nhưng được sửa bài thi, nâng điểm và trở thành… Thủ khoa của trường Sĩ quan Lục quân 1 được nhiều người xem như điển hình đồi bại không chỉ trong lĩnh vực giáo dục. Đào Tuấn bình : Có nghĩa là cậu thủ khoa ấy đ.. thèm động bút để đánh vài dấu "x" vào bài thi trắc nghiệm nên ông Vũ Đình Ánh cay đắng than rằng, việc biến 0 điểm thành 9 điểm là bài toán mà không học sinh chuyên toán nào giải được, bản chất vụ sửa - nâng điểm là tham nhũng quyền lực, họ đang dùng giả dối, tiền bạc dựng thang cho con cháu của họ. Tương tự, Nguyen Dan mỉa mai : Thi trắc nghiệm mà bài thi không đạt điểm nào là một thứ… tài năng đặc biệt. Dan khẳng định : Chọn bừa, đánh dấu bậy cho cả trăm câu mà không đúng câu nào là chuyện không dễ chút nào (3) !
***
Việc báo chí bạch hóa một phần kết quả điều tra vụ sửa bài thi – nâng điểm cho 44 thí sinh tham dự Kỳ thi Tốt nghiệp Phổ thông trung học 2018 ở Sơn La, tiếp tục được mổ sâu, bàn kỹ. Canh Le cho rằng, "một thằng quan chức tham nhũng rao giảng về ‘phê và tự phê’, ‘trong sạch. vững mạnh’,… có ‘quan hệ biện chứng’ với một thiếu nữ chỉ 17 tuổi, trở thành ‘thủ khoa’ nhờ sửa bài – nâng điểm, chỉ dẫn người khác về ‘cách thức học tập’ của mình". Bởi ông Trọng từng… dạy, "phải có cái nhìn ‘khách quan, biện chứng’ về tham nhũng", nên Canh Le đề nghị, "cũng phải có cái nhìn ‘khách quan, biện chứng’ về dối trá" : Cộng sản dối trá dẫn tới chính quyền dối trá, quan chức dối trá, dân chúng dối trá. Thượng bất chính, hạ tắc loạn ! Dối trá đã di căn sang thế hệ trẻ. Đó không phải "chuyện lẻ tẻ" nữa. Tương lai quốc gia giờ thực sự đáng lo (4) !
Cũng với cách nhìn như thế, Nguyen Son nhắc mọi người nên ngẫm kỹ hơn. Gian lận thi cử như đang thấy hiện nay chắc chắn khởi đi từ tình trạng hàng loạt viên chức vốn không đủ thời gian họp hành song vẫn gom nhặt được đủ loại học vị, học hàm mà chẳng ai thắc mắc họ học hành, nghiên cứu vào lúc nào (?). Đó cũng là hệ quả từ thực trạng nhiều tiến sĩ nhất Đông Nam Á nhưng chẳng có thành tựu nào trong nghiên cứu khoa học. Thời gian vừa qua, điểm tuyển sinh của các trường đại học thuộc quân đội, công an rất cao nhưng thí sinh xin dự tuyển chủ yếu chỉ là học sinh các tỉnh. Nếu thẩm tra lại kết quả thi cử của những năm trước nữa, số trường hợp gian lận thi cử sẽ không ngừng ở mức như đã biết. Luồn lọt, chạy chọt để thăng tiến, dối trá không chút ngập ngừng vốn có quá trình, đã trở thành truyền thống và một thứ "hồng phúc" quốc gia (5) !
Thay vì chỉ trích, có vài facebooker như Trần Mạnh an ủi những thí sinh đang phải đối diện với hậu quả của việc sửa bài thi – nâng điểm chẳng may bị lộ. Theo Mạnh, khi cha mẹ đã là quan, họ có thể sắp xếp để con cái ngồi vào những vị trí mà người thật sự giỏi phấn đấu cả đời cũng chẳng có chỗ. Đó chính là con đường mà cha mẹ những thí sinh ấy từng đi : Không có bằng cấp song nhờ lý lịch tốt, hiểu cơ chế nên ai cũng tốt nghiệp đại học, thậm chí là thạc sĩ, tiến sĩ. Sửa bài thi – nâng điểm chẳng qua chỉ là một kiểu "trưởng giả học làm sang" để có thêm chuyện mà vênh vang. Do đó cứ yên tâm về quê tịnh dưỡng hoặc đi du lịch, vừa chờ thiên hạ quên như đã quên nhiều chuyện, vừa chờ cha mẹ tự kiểm – rút kinh nghiệm xong ắt sẽ xếp đặt giống như ông bà nội ngoại đã từng xếp đặt cho cha mẹ (6).
Trần Mạnh bảo thế không ngoa. Đó là thực trạng mà nhiều người, thuộc nhiều giới tuyệt vọng kêu Trời, bởi mức độ suy đồi càng ngày càng trầm trọng nhưng không chặn được. Bất kể số người bất bình tăng không ngừng thì thiên hạ cũng chỉ có thể phản ứng như Trần Thái Hòa : Nhìn đám con cái của giới ‘tinh hoa’ trở thành ‘hồng phúc’ của dân tộc, lãnh đạo đất nước mà thấy ớn, sợ (7). Hay như Phuc Kim Đinh, sửa khẩu hiệu : "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", thành : "Quan giàu. nước mạt, xã hội tanh bành, dân chửi ấu dâm (8) ! Đến giờ, vẫn chưa có gì lay chuyển được hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam, khiến những viên chức hữu trách cảm thấy phải xử lý đến nơi, đến chốn tất cả các bên tham gia gian lận thi cử. Truy cứu trách nhiệm hình sự cả phụ huynh những thí sinh được sửa bài – nâng điểm.
Có thể do liên ngành giáo dục – đào tạo và công an vẫn… kiên định với chủ trương… không công bố tên những thí sinh đã được sửa bài thi, nâng điểm trong Kỳ thi Tốt nghiệp Phổ thông trung học 2018, một số facebooker như Le Duc Duc mới nửa đùa, nửa thật : Sau danh sách "con đồng chí nào" ở Sơn La, tuần tới sẽ là danh sách "con đồng chí nào ở Hòa Bình hoặc Lạng Sơn"... Phụ huynh ngồi chờ "điểm danh" như vậy rồi… tăng xông và chết thì báo chí ráng mà chịu trách nhiệm nha (9). Hoặc dọa già, dọa non như Hoàng Tư Giang : Đừng chê chuyện giấu danh sách thí sinh dính tới gian lận điểm. Việc báo chí khui, công bố nhỏ giọt tên các phụ huynh của những thí sinh dính dáng tới gian lận điểm thi mới là một kiểu tra tấn tinh thần… vô đối (10). Tác động từ tạo và giữ "hồng phúc dân tộc" hóa ra phong phú, đa dạng đến mức khó tưởng !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 19/04/2019
Chú thích :
(1) https://www.facebook.com/nguyenthien.haihuoctutrao/posts/10214395078730885
(2) https://www.facebook.com/tuan.dao.9828/posts/2273106146045288
(3) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10156552151759833&set=a.10151888993554833&type=3&theater
(4) https://www.facebook.com/canh.le.353/posts/1274892212649200
(5) https://www.facebook.com/quangson.nguyen11/posts/10156267645941589
(6) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=2449651571712558&set=a.1708604202483969&type=3&theater
(7) https://www.facebook.com/dulichvietnam360/posts/10156668155788025
(8) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=2353243604895275&set=a.1751687995050842&type=3&theater
(9) https://www.facebook.com/duc.leduc/posts/10213124674048597
(10) https://www.facebook.com/hoang.t.giang.58/posts/10158358429748098
****************
Hãy chấp nhận sự thật đi các ngài cán bộ
Cánh Cò, RFA, 19/04/2019
Vụ gian lận điểm thi tại Kỳ thi quốc gia bị phát hiện ở Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La sau gần 1 năm cuối cùng cũng bị vạch trần bởi báo chí và mạng xã hội. Hàng trăm thí sinh bị phát hiện cùng với phụ huynh tai to mặt lớn trong các cơ quan công quyền đã nhúng vào chậu mực mang tên giáo dục không những làm cho nó đen thêm mà còn hôi hám hơn bởi những lời lẽ chạy tội ngây ngô và xem thường dư luận.
Số thí sinh từ Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La được xác định gian lận điểm thi với chênh lệch từ 1 đến 9 điểm/1 môn thi. Đồ họa: Nguyễn Tường
Soi rọi từng chi tiết trong đại án giáo dục này người ta thấy sâu giòi nhung nhúc đang rúc rỉa con em lẫn cha mẹ chúng, những người cam chịu số phận của mình vì thiếu tiền, thiếu quyền lực để được những số điểm tròn trĩnh của tha hóa. Những con sâu giòi ấy đang mang trên người những vị trí cao nhất của ba tỉnh phía Bắc những tỉnh mà tài nguyên không trù phú, con người luôn tiếp cận với sơn lam chướng khí nhưng chính quyền thì mông muội và có biểu hiện cát cứ một cách rõ rệt trong chế độ cộng sản.
Sơn La có 44 thí sinh được nâng điểm, 28 thí sinh tại Hòa Bình và Hà giang có tất cả 114 thí sinh. Tất cả đều là con cái của cán bộ cao cấp đang phục vụ trong guồng máy chính quyền. Những hạt giống đỏ ấy bị dư luận lôi ra ánh sáng và câu chuyện âm ỉ từ trước giờ được thổi bùng lên với cơn giận dữ của dư luận.
Những con số thí sinh được nâng điểm cho thấy các Sở Giáo dục và Đào tạo của ba tỉnh này cùng chung một ý thức xem thường luật pháp. Những Giám đốc sở có trách nhiệm tự cho mình vô tội ngay khi cầm bài thi của thí sinh có số báo danh đã được gửi gấm với tâm trạng bình thản như duyệt xét một lá đơn tìm việc vào cơ quan của mình. Tư duy quan lại rơi rớt từ thời phong kiến cộng với kiêu ngạo cách mạng đã hình thành một lớp cán bộ xem thường luật pháp đến nỗi phát biểu những câu chữ ngạo mạn và coi người dân như những vật nuôi làm cảnh. Những khuôn mặt cao ngạo dần dần bị lôi ra trước đám đông lộ rõ cái hào quang cách mạng vốn được bơm thổi nay trở thành thứ nến leo lét giữa ban ngày với màu xanh ngắt của sợ hãi nhưng không kém phần lì lợm.
Giận dữ của đám đông dân chúng đã lung lay sự lì lợm cố hữu của các nơi cao hơn, không thể im lặng như trước đây nên Thanh tra của Bộ Giáo dục buộc phải vào cuộc, thế nhưng kết luận của ban bệ này về điểm thi ở Lạng Sơn làm cho dư luận càng thêm thất vọng : "Năng lực chấm của một số giám khảo còn hạn chế và không đồng đều về chuyên môn, ngoài ra có lý do nữa là giám khảo cộng nhầm điểm".
Như đổ thêm dầu vào lửa, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang là Triệu Tài Vinh, người có con được nâng điểm khẳng định rằng không biết gì về vụ này và câu nói tiếp theo làm cho mọi người sửng sốt : "Con gái tôi nằm trong danh sách bị nâng 2 điểm thì tôi không biết thế nào. Có thể họ lợi dụng việc đó để đưa con lãnh đạo vào tròng thì sao ?".
Dựa vào chức vụ để biện bạch và đổ tội cho thế lực khác là thói quen khó bỏ của lãnh đạo. Càng cao chức tước càng nhiều lưu manh là thế.
Thấy sự việc đã quá căng cứng trước dư luận, Quốc hội vào cuộc tuy vẫn còn bị áp lực không nhỏ từ phía "bị hại". Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu nhiên và nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết sẽ có cuộc họp kín để nghe giải trình về những tiêu cực, gian lận trong thi cử thời gian qua giữa Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cùng với Bộ Giáo dục, Bộ Công an. Mục đích là "muốn các cơ quan hành pháp giải thích rõ chuyện gì đang xảy ra".
Người dân lại phừng phừng ngọn lửa của giận dữ : Tại sao lại họp kín ? Và tại sao hai cơ quan này có dấu hiệu sẽ không giải thích cặn kẽ những chuyện đã xảy ra trong lúc báo chí đã nêu lên từng tên tuổi của các sĩ tử lẫn cha mẹ chúng ?
Quốc hội muốn bao che hay lo sợ một kết quả bẩn thỉu sẽ làm cho hệ thống giáo dục lẫn công an vỡ trận khi hai bộ này có nhân viên dám làm những chuyện xem thường cả nước. Thái độ này không phải là giúp cho hai Bộ Giáo dục và Công an dám nói sự thật mà trái lại sự thật sẽ vĩnh viễn không được soi sáng khi người ta bàn thảo về nó trong bóng tối.
Sự thật ấy không cần hai cơ quan này giải bày vì người dân đã đủ chứng cứ. Thái độ duy nhất của Quốc hội trong lúc này là xem xét hành vi của cả hai bộ này đã làm gì để xảy ra một vụ án xảy ra trên diện rộng như vậy ? Sự tắc trách đến từ đâu và ai là người trách nhiệm trực tiếp trước cơn chấn động này.
Vẫn biết Quốc hội không đủ quyền lực để bắt buộc hai cơ quan này nhưng ít ra cũng cho thấy là hệ thống dù sao vẫn còn biết diễn kịch. Vở kịch nào dù tồi cũng có khả năng vuốt ve đám đông trong lúc giận dữ cho dù chỉ trong chốc lát.
Và người xem kịch sau một lúc hả hê, khi màn hạ lại ra về với tâm trạng não nề hơn vì sự đốn mạt không giới hạn của những người tạo nên nó.
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 19/04/2019 (canhco's blog)
****************
Mạng xã hội Việt Nam nóng lên với vụ nâng điểm ở Hòa Bình
BBC, 19/04/2019
Dư luận Việt Nam thời gian này nóng lên vì vụ sửa điểm thi được cho là tai tiếng nhất từ trước tới nay tại tỉnh miền núi Hòa Bình.
Nhiều thí sinh có cha mẹ là quan chức tại tỉnh Hòa Bình không đủ điểm để thi đại học, nhưng nhờ được sửa điểm mà thành thủ khoa, á khoa.
Có tổng cộng 140 thí sinh kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia 2018 tại Hòa Bình bị phát hiện được sửa điểm, trong đó có 44 em ở Sơn La.
Đa số học ngành quân đội, công an
Kết quả điều tra của cơ quan chức năng Việt Nam cho thấy một số lớn các thí sinh được sửa điểm hiện đang học tại các trường quân đội và an ninh. Trong đó nhiều em 'đỗ' thủ khoa, á khoa, theo Tuổi Trẻ.
Thí sinh D.A.T có điểm thi thực ba môn toán, lý, hóa là 3,6 ; 2 ; 3,75 điểm. Sau đó, D.A.T được 'tặng' thêm tới 20,95 điểm, trở thành Thủ khoa Trường Sĩ quan phòng hóa.
Thí sinh Đ.T.G chỉ đạt 10 điểm cho ba môn thi, trong đó sinh học đạt 1,5 điểm, ngoại ngữ chỉ 3,8 điểm. Điểm của Đ.T.G sau đó được nâng lên thành 27,95, trở thành Thủ khoa Học viện Hậu cần.
Thủ khoa Học viện Kỹ thuật quân sự được nâng thêm 18,7 điểm, trong khi điểm thực tế chưa tới 10.
Thí sinh N.T.L. và L.Đ.K.L. được nâng thêm tương ứng 9,65 điểm và 10,9 điểm, trở thành hai Thủ khoa Học viện An ninh Nhân dân.
Thí sinh Phương Thảo, Thủ khoa Đại học Sư Phạm Hà Nội, cũng bị phát hiện nâng điểm và đã tự thôi học.
Thí sinh N.H.H.Đ được 'cho thêm' tới 18,8 điểm, trở thành Á khoa Học viện Hậu cần.
Kinh khủng hơn, thí sinh đứng top 3 điểm đầu vào cao nhất trường Sĩ quan lục quân 1 được 'cho không' tới 26,45 điểm. Điểm ban đầu của thí sinh này là vật lý 0, hóa học 0, toán 1.
Cơ quan An ninh điều tra tỉnh Sơn La đang điều tra vụ việc này. Trong khi đó, các trường công an đã trả 25 thí sinh phát hiện nâng điểm về lại tỉnh Sơn La.
Bố mẹ là quan chức
Theo thống kê của báo Tuổi Trẻ, trong số 44 thí sinh bị phát hiện nâng điểm ở Sơn La, có 21 em có bố mẹ giữ các chức vụ chủ chốt trong các cơ quan nhà nước ở tỉnh.
Ví dụ, thí sinh được nâng điểm nhiều nhất có số báo danh 14000430, được nâng tới 25 điểm. Thí sinh này có bố là công an tỉnh Sơn La và mẹ là cán bộ trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quyết Tâm, Thành phố Sơn La.
Thí sinh số báo danh 14000764 có được nâng 23,35 điểm. Bố thí sinh này là cục trưởng Cục thống kê tỉnh Sơn La và mẹ là trưởng phòng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật.
Hai thí sinh được nâng điểm ít nhất là 3 điểm, có em bố là phó Giám đốc Sở Giáo dục Sơn La.
Các thí sinh còn lại đều có bố mẹ làm cán bộ nhà nước và giữ các chức vụ khác.
Mạng xã hội nói gì ?
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa, người trở nên nổi tiếng sau vụ việc chống gian lận trong thi cử ở Đồi Ngô, Bắc Giang năm 2012, chia sẻ trên Facebook cá nhân về trải nghiệm của ông trong lần trông thi ở Trung học phổ thông Nam Lương Sơn- Hòa Bình năm 2014.
"Tôi nhận được tin từ phụ huynh học sinh và giáo viên trường đó, rằng nhà trường thông báo thu 300 ngàn đồng/học sinh để bồi dưỡng cán bộ coi thi".
"Tôi đành nhờ người chụp hộ cái tờ thông báo nộp tiền chống trượt 300 ngàn đồng, đóng dấu đỏ hẳn hoi của trường và lên kế hoạch thực hiện như vụ Đồi Ngô (Bắc Giang 2012)".
"Phía ngoài, tôi cùng 2 bạn trẻ nữa với máy quay zoom X50 chĩa vào tận nơi. Quay được 4 môn/6 môn thì nhóm bên ngoài chúng tôi bị lộ. Công an huyện ào ra vây chúng tôi, khiến 3 người chúng tôi phải rời vị trí thật nhanh".
"Hậu quả là một loạt cán bộ bị kỷ luật. Họ gọi cho hiệu trưởng trường tôi (Trung học phổ thông Thường Tín- tôi chuyển đến sau vụ tố cáo tay hiệu trưởng Lê Xuân Trung ở Trung học phổ thông Vân Tảo) than vãn là cả cái tỉnh này khổ vì ông Khoa" (1).
Danh tính 17 thí sinh nâng điểm ở Hòa Bình (1)
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa cũng cho rằng "nên cấm thi 2 năm đối với những học sinh gian lận vừa qua. Đây là quy chế thi, cần tôn trọng. Những học sinh đã gian lận, lại không trung thực tự rút lui khi bị lộ, vẫn cố tình nhập học, thì càng đáng bị đình chỉ".
Facebooker Hồng Hoàng viết : "Chuyện của ngày hôm nay là bạn thí sinh nào đó thi đại học, được 1 điểm 3 môn (Toán 1, Lý 0, Hóa 0), nhưng được nâng 26,45 điểm và trở thành thủ khoa. Mọi người nên vui vì may là bạn ý thi trường Sĩ quan Lục quân 1. Chứ nếu bạn ý thi trường Y thì... toàn dân chắc tự khỏi bệnh luôn không ai dám mắc bệnh".
Facebooker Hà Phan : "Còn rất nhiều trường hợp nâng điểm khác trong số 44 thí sinh được cơ quan điều tra xác định trong vụ án gian lận thi cử tại Sơn La. Hầu hết trong số này là con em của cán bộ ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Sơn La, ngành công an, lãnh đạo ngành thuế, Văn phòng tỉnh ủy, con em một số gia đình buôn bán có "máu mặt" tại Sơn La… Nâng đủ vào Đại học được rồi, dốt lại còn đòi làm thủ khoa ! Tham quá thể".
Nguồn : BBC tiếng Việt, 19/04/2019
(1) Đã công khai danh tính 17 thí sinh nâng điểm ở Hòa Bình :
Có tất cả 17 thí sinh gian lận điểm thi Trung học phổ thông Quốc gia 2018 đến từ Hòa Bình bị trường học viện Cảnh sát Nhân dân trả về địa phương, trong số này có những em đã được nâng tới hàng chục điểm cho 3 môn thi.
Cục Đào tạo, bộ Công an, cho biết trong số 28 thí sinh liên quan gian lận điểm thi, vừa bị trả về Hòa Bình, 17 em trúng tuyển Học viện Cảnh sát Nhân dân. Kết quả xác minh cho thấy học viện Cảnh sát Nhân dân có 17 thí sinh được nâng điểm trúng tuyển vào trường năm 2018.
Theo danh sách báo Người Đưa Tin có được, 17 em này đều đăng ký xét tuyển ở 2 khối : A1 (Toán, Lý, Anh) và C03 (Văn, Toán, Sử).
Cụ thể, thí sinh Nguyễn Huy Hoàng (SBD 23000174) có điểm chấm lần đầu Toán 9,0, Ngoại Ngữ 9,6, Lý 9,0 nhưng đến khi chấm thẩm định thì đã giảm tới 10,25 điểm (Toán 7,2, Lý 4,75, Ngoại Ngữ 5,4). Hoàng là cựu học sinh của trường Trung học phổ thông chuyên Hoàng Văn Thụ, Hòa Bình.
Nguồn tin riêng của báo Người Đưa Tin cho biết, bố của Hoàng là người có "vai vế" trong ngành công an Hòa Bình.
Một thí sinh khác cũng có bố làm trong ngành công an tại Hòa Bình là thí sinh Vũ Đức Huy (SBD23007862). Huy sinh năm 1997, đạt điểm Toán 8,6 ; Văn 8 ; Sử 9,5 sau khi chấm thẩm định là lần lượt là 4,4 ; 8 và 4,75. Được biết, khi còn là học sinh cấp 3, Huy có học lực khá tuy nhiên để đạt tới mức điểm như vừa rồi thì nhiều bạn học của nam sinh này đánh giá là không thể.
Trong danh sách này có thì sinh Đới Nhật Tân (SBD 23007169), em này là cựu học sinh trường Trung học phổ thông Lương Sơn, Hòa Bình. Để đỗ vào trường học viện Cảnh sát Nhân dân, Huy đã được các cán bộ sở Giáo dục và đào tạo phù phép 11,1 điểm. Nam sinh này có điểm thi thật là Toán 2,5 ; Sử 4,5 ; Văn 8, còn điểm nâng là Toán 8,6 ; Sử 9,5 và Văn 8.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và đào tạo, cho rằng : "Lâu nay, khi bàn đến việc công khai danh tính thí sinh liên quan đến gian lận, chúng ta vẫn bị luẩn quẩn giữa nhân văn hay không nhân văn. Tôi cho rằng nói nhân văn chỉ là ngụy biện. Ở góc độ luật pháp đã có quy định rõ ràng. Những người vi phạm pháp luật thì cần phải công khai".
Trước đó cũng theo báo Người đưa tin : Nam sinh Hòa Bình đỗ trường Sĩ quan Lục quân 1 được nâng khống 26,45 điểm là Nguyễn Hồng Quân là thí sinh đến từ Hòa Bình đã xin thôi học vì gian lận điểm thi. Điểm chấm lần đầu của thí sinh Quân được công bố trước đó lần lượt là : Toán 9,2 điểm; Vật lí 9 điểm, Hóa học 9,25 điểm và cộng 0,75 điểm ưu tiên khu vực.
Tuy nhiên, điểm của thí sinh này sau khi chấm thẩm định lần lượt là : Toán 1 điểm, Vật lí 0 điểm, Hóa học 0 điểm. Như vậy, thí sinh này đã được nâng lên tới 26,45 điểm để đỗ vào Trường Sĩ quan Lục quân 1.
Công Luân - Thu Huyền
*****************
Bao biện’ của cán bộ chạy điểm cho con và mức độ xử phạt
RFA, 18/04/2019
Ngay sau khi vụ việc bị phát hiện và truyền thông đưa tin mạnh mẽ, ông Triệu Tài Vinh, bí thư tỉnh Hà Giang vào ngày 19/7/2018 có khẳng định với báo Dân Trí rằng không việc gì ông phải đi xin điểm cho con mình.
Danh sách phụ huynh là cán bộ công chức có con em được nâng điểm. RFA Edited
Trích nguyên văn phát biểu của ông rằng "Con gái tôi học ở trường chuyên của tỉnh. Cháu học như thế nào thì trường biết, lớp biết và mọi người biết cả. Cháu học giỏi, đứng top đầu của lớp. Cháu nó học như thế nào thì báo chí có cách để nắm thông tin cơ mà… Con gái tôi nằm trong danh sách bị nâng điểm 2 môn thì tôi không biết thế nào. Có thể họ lợi dụng việc đó để đưa con lãnh đạo vào tròng thì sao ?".
Khi danh tính của một số cán bộ đương chức, người thân của các cán bộ Nhà nước, doanh nhân bị nêu ra, một số phản bác. Trường hợp người thân ông Vũ Trọng Lương, Phó phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng, Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Hà Giang có con em được nâng điểm phát biểu rằng họ cảm thấy sốc và cho rằng ông Lương làm vậy là ‘hại chết em nó rồi. ‘
Dư luận xã hội phản ứng cho rằng những lập luận của các vị này chỉ mang tính đánh lừa dư luận mà thôi.
Anh Nguyễn Lân Thắng một nhà hoạt động xã hội dân sự tại Hà Nội cho chúng tôi biết, người dân từ lâu đã quá quen với những lời phát biểu và bạo biện như thế rồi.
"Từ lâu người dân cũng đã quá quen với những lời bao biện dối trá trong rất nhiều vấn đề của các quan chức Việt Nam và đây cũng không phải là lần đầu tiên, sự việc này có gây ra sự phẩn uất rất là lớn không chỉ những người vốn quan tâm đến tình hình chính trị xã hội như các nha hoạt động mà ngay cả trong giới bình dân, người bình thường, ai cũng có con em cũng có trẻ con đang đi học nhưng khi có đối tượng được nâng điểm như thế này thì đó là một sự bất công vô cùng lớn và ăn cướp đi sức lao động vô vàng của các em học sinh khác, mất đi cơ học học hành cũng như sự phấn đấu của các em khác".
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa trao đổi với chúng tôi rằng, những lời nói đó chỉ là chữa cháy và thủ đoạn của những người làm lãnh đạo khi bị phát hiện. Cứ nhìn là thấy rõ toàn bộ trong danh sách đó có trường hợp nào là con em nông dân hay dân thường, mà đa phần là con em công chức có vai vế chức sắc rõ ràng.
Thầy còn chia sẻ thêm rằng :
"Có một điều không lạ là từ trước đến nay ở đâu có báo động có tiếng ồn thì Bộ Giáo dục mới vào cuộc để làm còn không Bộ biết cũng mặc kệ. Những sai phạm đã xảy ra hơn một năm nay như thế mà đến nay các cơ quan chức năng mới trả lời chính thức dư luận trong khi các em học sinh đã học gần một năm học rồi thì đó là một sự khá chậm trễ, sự bảo thủ, bao che sai phạm và xử lý không đến nơi đến chốn, bất chấp những quy chế mà ngành giáo dục đưa ra, rất là phổ biến từ xưa đến nay như thế".
Ảnh minh họa. AFP
Vào ngày 18/4, dư luận mạng xã hôi lan truyền danh sách 44 thí sinh được nâng điểm mà trong đó đa phần là vào các trường công an và an ninh. Truyền thông nhà nước trước đó cũng loan tin việc bắt giữ và truy tố các cán bộ liên quan vụ nâng điểm ; rồi biện pháp buộc thôi học đối với các thí sinh được nâng điểm.
Luật sư Võ An Đôn, người được biết đến qua việc bào chữa cho những nhà hoạt động cũng như dân nghèo rồi bị Liên đoàn luật sư Phú Yên rút thẻ hành nghề và xóa tên khỏi danh sách đoàn luật sư, nhận định rằng việc khởi tố vài người như thế cũng chỉ là hình thức và xoa dịu dư luận mà thôi.
"Vừa rồi tại Sơn La cũng đã khởi tố rồi nhưng chẳng qua cũng chỉ khởi tố vài người chỉ mang tính hình thức thôi nhưng thật ra phải khởi tố những người đưa là những phụ huynh và những quan chức liên quan đến vụ này. Việc khởi tố vài người như vậy mục đích cũng để xoa dịu dư luận mà thôi nhưng thật ra người ta không muốn làm hết đâu vì nhiều phụ huynh là những người có chức có quyền nên đụng tới rất là khó".
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình từ Hà Nội thì có ý kiến cho rằng, việc xử lý là buộc học sinh thôi học như báo chí đưa tin được xem là quá giới hạn đối với Việt Nam rồi. Nhà báo giải thích
"Thứ nhất nhưng người có trách nhiệm nâng điểm lên mà tố những người phụ huynh là đưa tiền ra lệnh các thứ mà những người này họ cứ từ chối đi thì cũng khó trong việc xử và thứ hai nếu mà xử đồng loạt thì đối với nhà nước nó sẽ gây ra một sự xáo trộn nào đó mà họ không muốn cho nên đối với vụ này tôi thấy việc đuổi học sinh là nó đã lên quá giới hạn của nó rồi và có cùng lắm cũng chỉ khiển trách, cảnh cáo cha mẹ mà thôi".
Còn đối với thầy Đỗ Việt Khoa thì vụ nâng điểm này không còn là gian lận mà phải hình sự hóa vụ việc. Trường hợp nhận tiền, dùng tiền để nâng điểm thì mắc tội hối lộ, trường hợp nào tự ý nâng điểm thì mắc tội lợi dụng chức vụ quyền hạn mà Việt Nam các quy định pháp luật đều có đủ cho các tội đó.
Tuy nhiên, thầy cũng không hy vọng về việc đưa vụ việc ra ánh sáng vì các người có chức có quyền họ đủ khả năng để vô hiệu hóa luật pháp và luật pháp chỉ được dùng cho người dân chứ không được tôn trọng bởi các lãnh đạo.
Nguồn : RFA, 18/04/2019
******************
Hé lộ danh sách phụ huynh có con được nâng điểm
RFA, 18/04/2019
Danh sách 44 thí sinh có điểm thi Trung học phổ thông 2018 ở tỉnh Sơn La được nâng khống cho thấy có nhiều em là con cán bộ công chức đương nhiệm tại địa phương này.
Hình minh họa. Sở Giáo dục và đào tạo Sơn La - vov.vn
Truyền thông trong nước đưa tin ngày 18/4.
Theo đó đại tá Trần Anh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh Sơn La, cho biết đang tiếp tục làm rõ vụ việc cán bộ công an của địa phương nằm trong danh sách chạy điểm cho con, với phương châm sẽ xử lý nghiêm theo qui định của ngành.
Truyền thông trong nước cũng dẫn lời đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân - thành phố Hải phòng cho rằng phải đình chỉ chức vụ bố mẹ có con được nâng điểm.
Đại biểu Quốc hội Đinh Công Sỹ - tỉnh Sơn La nhận định vụ việc làm mất niềm tin của người dân, đặc biệt tạo nên một hình ảnh xấu về đội ngũ cán bộ, công chức. Theo lời đại biểu Đinh Công Sỹ mà truyền thông trong nước dẫn lại thì ‘thật đáng buồn khi có những người vi phạm là cán bộ trong ngành giáo dục và công an, đang trực tiếp đi tuyên truyền pháp luật về vấn đề này.’
Trong khi đó, đến thời điểm hiện nay, Cục đào tạo Bộ Công An cho biết, các trường trực thuộc Bộ đã buộc thôi học 53 sinh viên, trong đó 25 sinh viên đến từ Sơn La, và 28 sinh viên đến từ Hòa Bình do liên quan đến gian lận điểm thi. Tất cả số thí sinh này đã theo học năm thứ nhất tại Học viện An ninh Nhân dân, Học viện Cảnh sát Nhân dân và Đại học Phòng cháy Chữa cháy".
Trong danh sách này, cá biệt có em được nâng khống trên 26 điểm. Một thí sinh khác được nâng 25 điểm và trúng tuyển vào Học viện cảnh sát nhân dân.
Trường hợp một thí sinh thuộc top 3 thí sinh cao nhất trường Đại học Y Hà Nội, với 28.4 điểm ; sau khi Bộ Giáo dục Đào tạo chấm thẩm định, số điểm thực là 13,1 điểm.
Nguồn : RFA, 18/04/2019
********************
Bùng nổ bức xúc về vụ nâng điểm ‘con ông cháu cha’ ở Sơn La
VOA, 18/04/2019
Danh tính hàng chục thí sinh ở Sơn La được nâng điểm để vào các trường an ninh vừa được tiết lộ, đáng nói là hầu hết đều có bố mẹ là quan chức chính quyền. Việc công bố này đang làm xôn xao dư luận về một hệ thống giáo dục ‘có vấn đề, đầy lỗ hổng’ và đạo đức công chức ‘xuống cấp ở mức báo động’.
Từ Hà Nội, nhà giáo Đỗ Cao Sang, nói với VOA rằng việc con em của các quan chức nhà nước được nâng điểm để lọt vào các trường công an, cảnh sát nhân dân là điều "không thể chấp nhận được".
Ông nói :
"Thông báo danh tính như thế là một điều rất tốt, ngoài ra còn cho biết cha mẹ làm những chức gì. Những gia đình có con chạy như thế thì cha mẹ không còn tư cách gì, họ đã làm những điều xấu xa trong xã hội".
Báo Người Đưa tin hôm 18/4 đã nêu đầy đủ danh tính của hơn 40 thí sinh được nâng điểm thi ở Sơn La, mà hầu hết trong số này đều được xét tuyển vào các trường ngành công an.
Báo Người Đưa Tin cho biết : "Cơ quan điều tra đã xác định có 44 thí sinh tại Sơn La có bài thi gian lận. Trong số này, có 25 thí sinh vừa bị bộ Công an trả về đơn vị sơ tuyển ở địa phương, các sinh viên này hiện đang theo học các trường khối công an nhân dân. Trong số các thí sinh bị trả về, có 7 thí sinh trúng tuyển vào học viện An ninh Nhân dân, 16 thí sinh trúng tuyển vào học viện Cảnh sát Nhân dân và 2 thí sinh trúng tuyển vào trường đại học Phòng cháy Chữa cháy".
Ông Đỗ Cao Sang nhận định các quan chức ở khu vực này được ví như những "ông vua" :
"Việc chạy điểm này phần lớn là vào ngành quân đội, công an, vào các trường khác rất hiếm vì các ngành khác đều phải học, đều phải đi xin việc. Những người xin điểm này có học lực kém, lại ở vùng sâu xa, ít bị kiểm tra, còn lãnh đạo địa phương thì như ông vua…"
Báo Tiền phong cho biết một thí sinh có bố là phó Chủ tịch huyện Quỳnh Nhai, mẹ là cán bộ Công an tỉnh Sơn La, có điểm thi môn ngoại ngữ từ 2,8 điểm được nâng thành 9,8 điểm để lọt vào Đại học Luật Hà Nội.
Sơn La không phải là tỉnh duy nhất có gian lận trong kỳ tuyển sinh vào ngành công an.
Trước đó, hôm 17/4, truyền thông trong nước cho biết trong số 28 thí sinh liên quan gian lận điểm thi, vừa bị trả về tỉnh Hòa Bình, có 17 thí sinh trúng tuyển Học viện Cảnh sát Nhân dân năm 2018, trong đó có một thí sinh được nâng khống 26,45 điểm để lọt vào trường Trường Sĩ quan Lục quân 1.
"Hầu hết đây là con em có bố mẹ là lãnh đạo từ phó phòng, trưởng phòng, cục trưởng, giám đốc... Dư luận quan tâm những trường hợp là cán bộ, đảng viên thì sẽ bị xử lý thế nào ?" báo Một Thế giới đặt nghi vấn.
Blogger Trần Gia Tiến viết trên Facebook : "Trò ăn gian điểm ở Sơn La có đủ mặt hết dàn cán bộ từ ủy ban tỉnh, ủy ban thành phố, công an, cục thuế, thanh tra, các sở này sở kia cho đến cục trồng trọt…"
Blogger Nguyễn Việt nhận định trên Facebook : "Vụ nâng điểm cho học sinh ở các tỉnh vùng cao phía Bắc, về bản chất, không khác gì các bằng thạc sĩ, tiến sĩ tại chức của các quan được cấp ngày nay".
Nhà giáo Đỗ Cao Sang chia sẻ với VOA :
"Thực chất việc gian lận thi cử, đặc biệt trong các ngành công an, quân đội đã có từ lâu lắm rồi. Ở Việt Nam có rất nhiều tỉnh khác cũng trong tình trạng như thế, chẳng qua là chưa có quyết tâm ngó đến. Chúng ta có thiết chế gì để ngăn chặn hay không ? Chứ dùng một chiêu bài gian lận để hạ bệ nhau, người này thay người kia để lên thì chẳng có ích quốc an dân gì cả".
Trang VietnamNet trích lời ông Đinh Công Sỹ, Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, nói hôm 18/4 : "Đây là sự việc rất đáng buồn đối với Sơn La nói riêng và ngành giáo dục nói chung", và ông đề nghị "đình chỉ chức vụ bố mẹ có con được nâng điểm".
Ông Sỹ cho rằng sự việc này không chỉ làm mất đi sự công bằng trong đánh giá kết quả thi cử mà còn làm mất niềm tin của người dân với nhiều lĩnh vực quan trọng, có tác động to lớn đối với xã hội như giáo dục, y tế, công an, an ninh quốc phòng…
Nhà giáo Phạm Toàn, người cũng tích cực hoạt động và lên tiếng vì sự tiến bộ ở Việt Nam, nhận xét với VOA sau sự cố gian lận điểm thi ở Hà Giang vào năm ngoái rằng những bê bối trong lĩnh vực giáo dục nói riêng cũng phần nào cho thấy "sự suy đồi về đạo lý và văn hóa".
Nguồn : VOA, 18/04/2019
******************
Nâng điểm vì "hồng phúc dân tộc"
RFA, 17/04/2019
Trong các vụ nâng điểm gần đây (không chỉ năm 2019) có 3 điều đáng chú ý : Một. Con cái quan chức ; Hai. Các vùng xa của miền Bắc ; cuối cùng là việc nâng điểm thường dùng để học ở trường đào tạo cán bộ lãnh đạo hoặc chủ yếu là ngành công an.
Các chiếc xe bán đồ chơi trẻ em, trang phục công an, dùi cui giả, súng ngắn… đang thay thế dần các nhân vật có sức mạnh truyền thống như Batman, Spiderman. (Hình : Facebook Tuấn Khanh)
Miền Bắc cũng là một trong nhưng nơi bùng phát nhiều, tình trạng mê đắm thi, xin học, mơ ước vào trường của ngành công an. Hiện tượng này cũng cho thấy quan điểm của giới phụ huynh về xã hội và quốc gia của mình không còn mưu cầu tìm kiếm cho con cái hành trang vào đời là khoa học hay tri thức tiến bộ, mà đi tìm kiếm một vị trí quyền lực xã hội.
Hoặc ở góc nhìn khác là tìm kiếm sự an toàn và bảo đảm sống còn trong một xã hội ngày càng lộ rõ hình thức công an trị.
Đây không phải là một nhận định chủ quan. Mà trong Phúc trình Thực thi Nhân quyền Thế giới năm 2018 của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ phát đi ngày 13/03/2019, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Michael Pompeo tại buổi họp báo tuyên bố tình trạng nhân quyền tồi tệ trong chế độ cộng sản Việt Nam. Trong đó, Hoa Kỳ chính thức cáo buộc Việt Nam duy trì chế độ "công an trị".
Nhưng cáo buộc này, khá chậm trễ so với các nhà bình luận thời sự quốc tế ghi nhận. từ năm 2013, giáo sư Adam Fford của Đại học Victoria, Australia đã từng phát đi nghiên cứu của mình về chính trị Việt Nam, nhận định rằng Việt nam ngày càng công an trị.
Năm 2017, giáo sư Carl Thayer cũng viết trên blog của mình, nhận định về sự bùng phát của ngành công an Việt Nam, với ước tính, cứ 15 người dân là có một công an.
Dĩ nhiên, trong việc bùng nổ về nhân lực và ngân sách của ngành công an, tác động không ít đến xã hội, kể cả trong suy nghĩ về giáo dục và tiến thân của giới trẻ hôm nay. Trên các chiếc xe đẩy bán trang phục vui chơi của trẻ em, nhiều năm nay người ta nhìn các bộ trang phục công an, dùi cui giả, súng ngắn… đang thay thế dần các nhân vật có sức mạnh truyền thống như Batman, Spiderman… Giá trị anh hùng cá nhân trong trí tưởng tượng đang chuyển đổi qua các giá trị quyền lực thực tế mà trẻ em Việt Nam nhìn thấy hàng ngày, và thậm chí được nghe cha mẹ chúng trò chuyện. Bao gồm cả những chuyện người dân bị bắt và đồn công an và chết bất thường.
Những vụ nâng điểm để học, và trở thành công an, hay cán bộ ở các vùng xa Hà Nội, cho thấy tâm lý muốn đứng trên kẻ khác vẫn còn rất mạnh. Con cái của quan chức thi muốn tiếp tục cai trị, có quyền thế. Còn con cái của dân thường thì mang tâm lý quyết chí đổi đời, muốn không bị là kẻ thấp cổ bé miệng. Dĩ nhiên, trong các xu hướng thầm kín đó, kiểu nói hoặc suy nghĩ vô giáo dục như của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, cựu chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Sài Gòn "Con cái lãnh đạo làm lãnh đạo là hồng phúc dân tộc" cũng cổ vũ không ít cho tư duy nối ngôi của các gia đình quan chức tỉnh.
Cần phải nói thêm, án oan, ép cung, đánh chết dân… trong ngành công an, cũng thường xuất phát từ giới ít học, ham hố vị trí và khen thưởng. Việc học dốt, chạy điểm, vốn có từ cả thập niên nay, ắt hẳn cũng đã tạo ra một tầng lớp cán bộ, đặc biệt là những công an viên không có thực lực và sẳn sàng tuân lệnh mù quáng vì bản thân luôn có tỳ vết là vô học, được nâng điểm. Và từ các yếu tố thiếu thực tế tri thức và tố chất văn minh tiến bộ trong người, tầng lớp ấy sẽ hủy hoại quốc gia, khi đứng trong guồng máy được coi là quan trọng bậc nhất của Việt Nam hiện nay.
Đó là một phần của bộ mặt thế hệ mới của Việt Nam. Được gọi là hậu duệ của người Việt hôm nay và tương lai. Và trong đó, có không ít "hồng phúc của dân tộc".
Chợt nhớ năm 2014, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam từng có câu nói gây nhiều tranh cãi "Đời tôi và các bạn chưa đòi được Hoàng Sa thì đời con cháu sẽ làm được". Hãy tự hỏi, con cháu chúng ta là những kẻ nâng điểm, được cha mẹ là quan chức hậu thuẫn cho sự lừa dối. Những đứa trẻ lớn lên trong giấc mơ quyền hành và chạy theo danh lợi ấy sẽ làm được chuyện đòi Hoàng Sa ?
Bài viết của tôi là câu trả lời phần mình. Còn bạn, bạn có tin vào điều ấy không ?
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 17/04/2019 (tuankhanh's blog)