Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

20/04/2019

Chính quyền cảng và chính quyền đặc khu

Nguyễn Hồng Phúc

"Chính quyền cảng" là cụm từ đến nay vẫn được nhà nước Việt Nam ngần ngại trong áp dụng vào cơ chế quản lý hệ thống cảng biển Việt Nam. Điều này cho thấy một "chính quyền đặc khu" cũng sẽ không dễ được chấp nhận, bởi lo ngại sẽ tạo tiền đề nảy sinh vấn đề ‘đa nguyên’.

Từ chính quyền cảng thành ban quản lý khai thác cảng

Trên thế giới, mô hình chính quyền cảng được áp dụng khá rộng rãi và cơ quan này đóng vai trò trung tâm trong quá trình xây dựng và khai thác cảng, đặc biệt là với các cảng container.

cang1

Hiểm họa đặc khu Vân Đồn

Ban đầu khi được thành lập, chính quyền cảng thường là một đơn vị công, thực hiện các chức năng quy hoạch, đầu tư và quản lý tại vùng đất và vùng nước cảng biển được giao. Trong 20 năm qua, chính quyền cảng tại nhiều quốc gia trên thế giới như Canada, Hà Lan, New Zealand, Singapore, Hàn Quốc, Anh… đã bắt đầu được các chính phủ cho hoạt động tự chủ hơn, chú trọng hơn đến mục tiêu lợi nhuận. Đây được cho là bước cải cách quan trọng trong việc nâng cao vai trò của chính quyền cảng từ một cơ quan chức năng trở thành một doanh nghiệp.

Và mô hình thành công tiêu biểu là của PSA (Port of Singapore Authority), từ một cơ quan nhà nước chuyên về cảng biển của Singapore đã phát triển thành tập đoàn khai thác cảng container hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên khi bàn luận về vấn đề này tại nghị trường cho sửa đổi Bộ luật hàng hải vào năm 2015, nhiều ý kiến cho rằng "chính quyền cảng" sẽ gây nhầm lẫn với quy định về chính quyền địa phương trong Hiến pháp, nên chỉ đồng ý áp dụng một số điểm của mô hình chính quyền cảng, thông qua việc cho phép thành lập Ban quản lý và khai thác cảng tại một số khu vực cảng biển sẽ được đầu tư mới.

Kết quả bốn năm đi qua, việc áp dụng thí điểm nửa vời này đã không mang đến một hiệu quả nào như mong muốn.

Có lẽ cần nói thêm, ông Đinh La Thăng lúc giữ cương vị bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ủng hộ áp dụng phương thức quản lý với tên gọi "chính quyền cảng", với việc thí điểm "chính quyền cảng Lạch Huyện", "chính quyền cảng Vân Phong". Tuy nhiên đã không nhận được sự đồng ý của Bộ Chính trị.

Chính quyền đặc khu sẽ như thế nào ?

Trong dự thảo về Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (gọi tắt là Luật đặc khu) trình Quốc hội ở thời gian qua [1], dành hẳn chương IV để mô tả cơ cấu hành chính của chính quyền đặc khu sẽ như thế nào trong tương lai. Các quyền khác của chính quyền đặc khu lại rải đều trong toàn bộ dự thảo.

Bộ máy hành chính của chính quyền đặc khu có hai tầng nấc : Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu, và Trưởng Khu hành chính.

"Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu là người đứng đầu Ủy ban nhân dân đặc khu, lãnh đạo, điều hành công việc của Ủy ban nhân dân đặc khu, quyết định, tổ chức thực hiện các biện pháp, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn theo quy định của Hiến pháp, Luật này, pháp luật có liên quan và phân cấp, ủy quyền của cơ quan nhà nước cấp trên".

(trích Điều 62.1)

"Trưởng Khu hành chính là người đứng đầu khu hành chính, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, thực hiện các giải pháp quản lý dân cư và các hoạt động quản lý nhà nước khác trên địa bàn khu hành chính theo phân cấp, ủy quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu, bao gồm nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường theo quy định của pháp luật có liên quan và các nhiệm vụ, quyền hạn khác, trừ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trưởng Khu hành chính chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao".

(trích Điều 64.1)

"Chính quyền địa phương ở đặc khu, theo dự thảo, gồm có Hội đồng nhân dân đặc khu và Ủy ban nhân dân đặc khu. Hội đồng nhân dân đặc khu gồm các đại biểu Hội đồng nhân dân do cử tri ở đặc khu bầu ra. Tổng số đại biểu của Hội đồng nhân dân đặc khu không quá 15 người, trong đó đa số là đại biểu hoạt động chuyên trách".

(trích Điều 60)

Như vậy có thể thấy rõ mô hình "chính quyền đặc khu" của Việt Nam tương tự như đặc khu Hồng Kông của Trung Quốc ; khác chăng ở đây là không rõ sắp tới khi dự thảo luật được thông qua, liệu có trường hợp "một tỉnh hai chế độ" vì dự thảo luật quy định đặc khu kinh tế là đơn vị hành chính thuộc tỉnh ?

Mô hình đặc khu đã lỗi thời !

Sở dĩ gọi là lỗi thời, vì đặc khu là thiết lập không gian tự do trong một môi trường phi tự do. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đang tham gia vào CPTPP cũng như nhiều hiệp định thương mại song phương khác, đưa đến các khuôn khổ pháp lý cho tự do hóa đầu tư và thương mại toàn cầu đã được thiết lập rồi. Mỗi nước đều đang cải cách để đạt hội nhập vào cuộc chơi chung thì cần gì phải tạo ra các vùng tự do con con như vậy.

Mặt khác, quan điểm soạn thảo dự luật đặc khu của Việt Nam vẫn tuân thủ theo nguyên tắc "Đảng lãnh đạo toàn diện", nên có sự lúng túng trong vấn đề tổ chức quản lý nhà nước. Theo đó, dự thảo trao cho Chủ tịch đặc khu là người đứng đầu đơn vị hành chính tương đương cấp huyện, nhưng lại nắm giữ một số quyền hạn như của người đứng đầu một tỉnh (chỉ khác về phạm vi lãnh thổ thực hiện quyền), và thực hiện các quyền đó trong phạm vi lãnh thổ đặc khu. Tính hợp lý sẽ thế nào trong khi đặc khu cũng giống như huyện, thành phố là đơn vị hành chính thuộc tỉnh ?

Liệu Chủ tịch đặc khu có thể quyết định các vấn đề trong thẩm quyền của mình một cách độc lập, hay sẽ chịu sự tác động của lãnh đạo cấp tỉnh ? Hơn nữa, lãnh đạo tỉnh, cơ quan quản lý hành chính cấp tỉnh thực hiện quyền quản lý của mình trên phạm vi toàn tỉnh thì liệu có giới hạn nào đối với họ khi can thiệp vào các vấn đề của đặc khu, làm "mờ đi" tính đặc thù trong cơ chế quản lý đặc khu ?

Vấn đề khác, trong dự thảo, cách tiếp cận theo hướng tạo thêm ưu đãi về thuế, tiếp cận đất đai, hạ thấp việc bảo vệ quyền của người lao động và tiêu chuẩn môi trường… trong hoàn cảnh độc đảng toàn trị như Việt Nam, dễ xảy ra các kịch bản quen thuộc trong trục lợi chính sách đang diễn ra tại Việt Nam.

Một nhận xét liên quan của chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong trên báo Nhân Dân điện tử :

"Thực tế cho thấy, thành công của đặc khu không đến dễ dàng. Theo Ngân hàng Thế giới, việc 50% số đặc khu và khu kinh tế tự do trên toàn cầu đã thất bại sẽ đặt ra không ít vấn đề, nhất là về cơ sở pháp lý cho mô hình tổ chức, quản lý sự phân cấp và thẩm quyền của người đứng đầu đặc khu ; cơ chế giám sát quyền lực và phòng ngừa nạn tham nhũng, lộng quyền, trục lợi chính sách ; định hướng phát triển ngành nghề phù hợp...

Hơn nữa, bên cạnh các khoản chi phí lớn và áp lực tăng nợ hoặc vỡ nợ do đầu tư hạ tầng, sự phát triển thái quá, nguy cơ thất thu thuế,... một số đặc khu kinh tế cũng có thể tạo ra sự méo mó trong đời sống kinh tế - xã hội của địa phương và quốc gia, không tạo ra cơ hội việc làm tương xứng với chi phí, và phát triển theo mục tiêu" [2].

Cá nhân người viết cho rằng nên khép lại dự thảo luật đặc khu, vì nếu luật này được ban hành dù có sửa đổi ra sao đi nữa, thì nó đưa đến một hệ lụy khác, là sự cạnh tranh tự nhiên về chính sách đầu tư ở cấp địa phương giữa các vùng miền, qua đó tạo ra sự bất ổn vĩ mô nhất định và điều này chưa chắc là tốt đối với tổng thể nền kinh tế.

Nguyễn Hồng Phúc

Nguồn : VNTB, 20/04/2019

[1] http://bit.ly/2UZOEAv

[2] http://bit.ly/2GnEzoR

Quay lại trang chủ
Read 607 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)