Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

25/04/2019

Gian lận thi cử : thói quen hay biệt lệ của chế độ cộng sản Việt Nam ?

Nhiều tác giả

Quyền tự chủ đại học sẽ giúp chấm dứt ‘nâng đỡ không trong sáng’ ?

Minh Châu, VNTB, 25/04/2019

Cái mới năm nay là việc chấm thi sẽ do các thầy cô giáo đang giảng dạy ở bậc đại học, cao đẳng đảm nhận.

thi1

Phải chăng suốt thời gian dài ở các mùa thi tốt nghiệp Trung học phổ thông trước đây, nhiều tỉnh đã ‘tận dụng’ quyền ‘chánh chủ khảo’ để ‘nâng đỡ không trong sáng’ thí sinh tỉnh nhà ?

Giống như năm ngoái, năm nay Bộ Giáo dục và đào tạo vẫn tổ chức 5 bài thi. Trong đó có 3 bài thi độc lập : toán, ngữ văn, ngoại ngữ ; 2 bài thi tổ hợp là khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) và khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục trung học phổ thông ; tổ hợp các môn lịch sử, địa lý đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông.

Vẫn là kỳ thi "hai trong một"

Theo thông báo của Bộ Giáo dục và đào tạo, đề thi Trung học phổ thông quốc gia 2019 được xây dựng theo ngưỡng vừa cơ bản để đạt mục đích xét tốt nghiệp, đồng thời có độ phân hóa phù hợp để xét tuyển đại học - cao đẳng. Nội dung chủ yếu thuộc chương trình lớp 12. Các bài thi toán, ngoại ngữ và các bài thi tổ hợp thi theo hình thức trắc nghiệm, bài thi ngữ văn theo hình thức tự luận.

Thay vì để Sở Giáo dục các địa phương tổ chức chấm thi trắc nghiệm như mọi năm, năm 2019, Bộ Giáo dục và đào tạo giao cho các đại học chủ trì tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm tại Hội đồng thi. Sở Giáo dục địa phương chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, tài chính ; hệ thống máy tính, máy quét ảnh và các thiết bị phụ trợ đáp ứng yêu cầu ; phối hợp với công an, bảo vệ đảm bảo an ninh, an toàn cho việc chấm thi trắc nghiệm.

Vấn đề đặt ra, phải chăng suốt thời gian dài ở các mùa thi tốt nghiệp Trung học phổ thông trước đây, nhiều tỉnh đã ‘tận dụng’ quyền ‘chánh chủ khảo’ để ‘nâng đỡ không trong sáng’ thí sinh tỉnh nhà ?

Ở đây muốn nhắc đến câu chuyện thi cử vừa qua tại tỉnh Hòa Bình và tỉnh Sơn La đang là xì căng đan lớn trong ngành giáo dục.

Danh sách các thí sinh được ‘nâng điểm’ ở Hòa Bình, Sơn La cho thấy các em đều có phụ huynh là quan chức, viên chức của địa phương. Trong số đó có không ít phụ huynh là tỉnh ủy viên, thành ủy viên. Liệu ở đây có phải chỉ là vì địa phương muốn chạy theo thành tích trên bản đồ giáo dục về tỷ lệ tốt nghiệp Trung học phổ thông với điểm cao chót vót nên có phần ‘hơi quá tay’ trong ‘nâng điểm’ ?

Người viết cho rằng lý do thành tích chỉ là thứ yếu. Điểm chính dường như là một dạng hối lộ, hoặc tham nhũng chính sách. Thậm chí, theo nhận xét của một số thầy cô giáo là bạn của người viết, không loại trừ khả năng trong một số môn thi liên quan đến trắc nghiệm, đã có kịch bản của sở giáo dục địa phương soạn trước để các thí sinh cứ vậy mà thực hiện.

Theo nhận xét của thầy giáo môn toán – lý Trần Tiến Sĩ, có sự giống nhau ở các em được nâng khống điểm, đó là đều thuộc về các môn thi trắc nghiệm. Cách đơn giản nhất là các em này được dặn trước là hãy chủ động không chọn đáp án, việc điền đáp án sẽ diễn ra sau đó từ một thầy cô giáo XYZ. Như vậy, dẫu có chấm thi trắc nghiệm bằng máy, vẫn có thể dễ dàng đánh lừa lập trình của máy.

Trở lại với kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2019 vào tháng 6 tới đây. Việc giao chấm thi cho các thầy cô giáo bậc đại học, cao đẳng được kỳ vọng sẽ chấm dứt chuyện gian lận như từng xảy ra ở hai địa phương đã bị lộ mặt là Hòa Bình và Sơn La. Tuy nhiên một khi vẫn tiếp tục sử dụng phương thức xét tuyển vào bậc đại học – cao đẳng từ kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, xem ra chất lượng tuyển sinh đầu vào của các trường đại học – cao đẳng vẫn tiếp tục là điều lo ngại.

Kỳ thi "Đánh giá năng lực" được sự ủng hộ của 20 trường đại học ở miền Nam

"Nước đôi" trong tuyển sinh đầu vào bậc đại học năm nay tại khối các trường thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, là tổ chức những đợt thi gọi là "Đánh giá năng lực", được xây dựng theo cùng cách tiếp cận với các bài thi đánh giá năng lực phổ biến trên thế giới như SAT (Scholastic Assessment Test) của Hoa Kỳ và bài thi TSA (Thinking Skills Assessment) của Anh.

Cụ thể, bài thi này đánh giá các năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh như sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. Nội dung bài thi được tích hợp đầy đủ về mặt kiến thức cả về mặt tư duy dưới hình thức cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản.

Kết quả thi được 12 trường đại học, cao đẳng khác ngoài Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng để tuyển sinh năm 2019, song song với kết quả kỳ thi "hai trong một" đã nói ở trên [*]. Đặc biệt, thí sinh có thể thi nhiều lần trong năm để sử dụng kết quả thi cao nhất (trong thời hạn công nhận) đăng ký xét tuyển. Điều đó cho thấy quyền tự chủ đại học bắt đầu được xác lập cụ thể hơn.

Như vậy một vấn đề khác lại được đặt ra trùng với đề xuất hôm 23/04/2019 từ nhóm nghiên cứu của Viện Đo lường đánh giá phát triển giáo dục.

Theo nhóm nghiên cứu, tính từ năm 1975 đến nay đã có 7 lần đổi mới. Nhưng dù thay đổi nhiều, nhất là trong khoảng hơn một thập kỷ qua, có một điểm chưa thay đổi được đó là áp lực căng thẳng, đòi hỏi sự huy động cùng lúc nhiều lực lượng phục vụ nhưng chưa đảm bảo loại bỏ được yếu tố tiêu cực can thiệp vào kết quả thi. Việc tổ chức các kỳ thi trong 5 niên học vừa qua, dường như chủ yếu nhằm để phía Bộ Giáo dục và đào tạo ‘thử nghiệm’ cho việc tác động để điều chỉnh chính sách quản lý.

Nhóm đã đề nghị việc tuyển sinh đại học hãy để cho các trung tâm khảo thí thực hiện, và hãy xét tốt nghiệp Trung học phổ thông thay cho phải thi cử như lâu nay.

Có lẽ cũng nên nói thêm, trong 2 năm 2015, 2016, Đại học Quốc gia Hà Nội từng tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực và lấy kết quả kỳ thi này làm căn cứ xét tuyển Đại học. Tuy nhiên, tháng 12/2016, bất ngờ giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội thông báo năm 2017 Đại học này không tổ chức một kỳ thi riêng đánh giá năng lực nữa, mà sẽ dựa vào kết quả kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia.

Lý do đưa ra vào thời điểm ấy, là những đổi mới trong phương án tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2017 của Bộ Giáo dục và đào tạo đã cơ bản gần với định hướng, mục tiêu, triết lý của đổi mới tuyển sinh ở bài thi đánh giá năng lực chung mà Đại học Quốc gia Hà Nội đã triển khai trong 2 năm trước đó. Không rõ vụ việc này có liên quan gì đến chuyện ông Phùng Xuân Nhạ rời Đại học Quốc gia Hà Nội vào đầu tháng 4-2016 để ngồi vào ghế Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo.

Minh Châu

Nguồn : VNTB, 25/04/2019

Chú thích :

[*] Ngoài 8 đơn vị thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (Đại học Bách khoa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc tế, Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Kinh tế – Luật, Đại học An Giang, Viện Môi trường – Tài nguyên), còn có 12 trường khác là Đại học Công nghiệp thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Kinh tế - tài chính, Đại học Lạc Hồng, Đại học Nha Trang, Đại học Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, Đại học An Giang, Đại học Thủ Dầu Một, Đại học Bình Dương, Đại học Kiến trúc Đà Nẵng và Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng.

*******************

Gian lận điểm thi đã như một "tập quán" của chế độ cầm quyền

Nguyễn Đình Ấm, VNTB, 24/04/2019

Từ mấy tháng nay,cả nước xôn xao về chuyện gian lận điểm khủng khiếp trong kỳ thi Trung học phổ thông năm 2018 ở các tỉnh : Lào Cai, Sơn la, Hòa Bình.

thi2

Việc hầu hết các cán bộ có con em nâng điểm tuyên bố mình "không biết" chỉ thể hiện thứ đạo đức đồi bại chuyên dối trá vô liêm sỉ của họ mà thôi.

Theo đó, nhiều thí sinh là con cháu quan chức, công an, nhà giàu được nâng điểm một cách táo tợn, khủng khiếp. Thí sinh NHQ ở Hòa Bình chỉ được 1 điểm môn toán , hai môn lý, hóa không điểm nhưng người ta dám nâng lên toán 9,2 điểm, lý 9 điểm, hóa 9,25 điểm, trúng thủ khoa trường sĩ quan lục quân 1. Rất nhiều thí sinh các tỉnh trên cũng được nâng điểm bạt mạng như thế.Có thể khẳng định người chưa quen với sự gian lận thì không thể nào dám bịa ra điểm một cách táo tợn như vậy.

Gian lận điểm thi đã là một phong trào rộng lớn

Theo tôi thấy thì từ vài chục năm qua hiện tượng chạy đua thành tích giữa các trường trong huyện, tỉnh và cả nước bằng cách gian lận điểm thi là rất phổ biến.Không riêng gì ở trường Vân Tảo mà thầy Đỗ Việt Khoa tố cáo, có lần tôi về quê (Vĩnh Phúc) được biết trước khi thi Trung học phổ thông nhiều hội đồng thi diễn ra chuyện như thế này : Mỗi thí sinh nộp một số tiền(mỗi năm một khác) để "bồi dưỡng" giám thị. Theo đó, khi bóc niêm phong bài thi, các thầy giải cấp tốc rồi photocopy ra nhiều bản phát cho mỗi bàn, nhóm bàn một bài giải để các thí sinh chép và trường đỗ đến 97- 98%.Với "bệnh thành tích" trầm kha, một trường làm như thế thì các trường khác cũng "không ngu gì" mà lại nghiêm túc.Thế nên dù trường ở vùng xa xôi, khó khăn học sinh nặng gánh gia điình, đường xa, nghèo khó học "buổi đực, buổi cái" thì số học sinh trúng tốt nghiệp cũng cứ hơn 90%, phần lớn 96-98%.Số ít học sinh trượt là không đủ trình độ để chép đủ, đúng đáp án hoặc hội đồng thi phải chọn ra một vài thí sinh không cho đỗ nhằm "tránh nghi ngờ".

Đặc biệt, dư luận nhân dân rất bình thản, nhất trí với hiện tượng này.Việc thầy Khoa sau khi tố cáo gian lận thi ở trường Vân Tảo ảnh hưởng đến "quyền lợi" của nhiều thí sinh,gia đình, thành tích của nành giáo dục địa phương nên bị tín nhiệm quá thấp, "mất uy tín" là như vậy.Việc gian lận này có "lợi" cho tất cả : Trường, thầy cô chủ nhiệm, giáo viên bộ môn đều "mở mày mở mặt", thành tích sẽ tính vào nhiều thứ lợi ích như nâng lương,lên chức, quyền còn các thí sinh có cái bằng tốt nghiệp có thể đi xin việc, học tiếp trung cấp, đại học...Tôi cam đoan nếu nay rà xét tất cả các bài thi của hàng chục triệu thí sinh các loại từ 10 năm trở lại đây phải có ít nhất 50% các thí sinh ở vùng sâu, vùng xa và 20% thí sinh ở các thành phố được nâng điểm thi.

Việc gian gian lận cũng được thể hiện như thế này.Thử hỏi, tại sao số thí sinh vào các trường công an, quân đội phần lớn là con cháu công an,quân đội ?Đã đành, bố mẹ thường hướng nghiệp con cái vào ngành mình đã làm nhưng "hướng" là một chuyện còn trình độ của con cháu họ lại là chuyện khác. Có phải con cháu công an, quân đội,quan chức, đại gia thì giỏi hơn con cháu các thành phần khác ? Chưa chắc, thậm chí có khi ngược lại.

Tại sao ở học viện báo chí tuyên truyền phần lớn thí sinh là con cháu các quan chức trong các cơ quan truyền thông, báo chí, nhà giàu ?Có phải các con, cháu quan chức, nhà báo thì có "zen" giỏi hơn con cháu các thành phần khác ?

Theo tôi, nếu nay rà soát lại tất cả các bài thi của những thí sinh ở các trường công an, quân đội, báo chí mấy chục năm qua một cách nghiêm túc thì không dưới 30% là nâng điểm.Tuy không nói công khai nhưng trong chỗ riêng tư nhiều trường hợp người ta không dấu diếm phải "chạy" để đỗ vào trường công an, báo chí.... Sở dĩ có nhiều con cháu công an đỗ vào trường công an, con cháu quân đội đỗi vào trường quân đôi, con cháu nhà báo, quan chức truyền thông đỗ vào học viện báo chí(mà nhờ gian lận điểm) bởi vì họ là đồng nghiệp, có quan hệ với trường sĩ quan quân đội, công an, học viện báo chí...nên "có cửa" để chạy chọt. Mấy năm trước tôi đã từng nhận được một số thư tố cáo tiêu cực tuyển sinh ở học viện báo chí tuyên truyền và biết rõ giá vào học viện của năm nọ, năm kia là bao nhiêu.Theo đó,con, cháu "ruột" của cán bộ trong học viện thì người đầu tiên được "miễn phí" nhưng từ người thứ hai phải "như bên ngoài" ra sao... Tôi tin những tố cáo ấy là có cơ sở bởi dưới con mắt nghề nghiệp thì con cái các anh chị A,B,C... kia không thể có hai, ba con đều giỏi đỗ vào Học viện Báo chí và tuyên truyền. Đặc biệt, dù thang lương thấp nhưng nhiều giáo viên Học viện Báo chí và tuyên truyền có tham gia truyển sinh không kinh doanh gì nhưng khá giàu.Riêng nhiều cán bộ tuyển sinh ở nhiều trường, học viện quân đội, công an thì "thôi rồi" !

Mưu đồ, kế hoạch mua điểm là rõ ràng

Việc cả loạt thí sinh là con cháu quan chức, công an, đại gia ở Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình được nâng điểm khủng khiếp để đỗ vào các trường công an, quân đội có điểm chuẩn cao nhất chứng tỏ cha mẹ, gia đình và bản thân các thí sinh đã tính toán rất kỹ. Đầu tiên là muốn rồi ghi nguyện vọng vào trường công an, quân đội trong khi họ biết rõ trình độ của thí sinh đến đâu nên phải chi tiền hoặc lệnh cho cấp dưới (nếu là quan chức)thực hiện kế hoạch nâng điểm để đạt mục đích. Không phải ngẫu nhiên mà các thí sinh được nâng điểm khủng khiếp lại ghi nguyện vọng vào trường công an, quân đội từ trước. Chứng tỏ nguyện vọng của họ đã có kế hoạch để thực hiện một cách "đồng bộ". Vì thế, việc hầu hết các cán bộ có con em nâng điểm tuyên bố mình "không biết" chỉ thể hiện thứ đạo đức đồi bại chuyên dối trá vô liêm sỉ của họ mà thôi.

Nguyễn Đình Ấm

Nguồn : VNTB, 24/04/2019

Quay lại trang chủ
Read 791 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)