Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

25/04/2019

Liên Hiệp Châu Âu tìm cách thoát khỏi "giấc mộng" Trung Hoa

Thierry de Montbrial

Trong ba ngày, từ 25-27/04/2019, Trung Quốc trải thảm đỏ đón gần 70 lãnh đạo của 38 nước trên thế giới tham dự diễn đàn Một vành đai một con đường, được tổ chức lần thứ hai tại Bắc Kinh. Mạng lưới Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc phủ rộng châu Á, nối sang châu Âu và ngoặt sang cả châu Phi.

eu1

(Từ trái sang phải) Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Angela Merkel, tại điện Elysée, Paris, ngày 26/03/2019.Thibault Camus/Pool via Reuters

Vào cuối tháng 03/2019, Liên Hiệp Châu Âu thấp thỏm đón chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Chuyến công du của ông Tập được chú ý nhiều hơn, thậm chí gây lo ngại, vì trước đó nguyên thủ Trung Quốc đã ký với chính quyền Roma bản ghi nhớ việc Ý đưa cảng Trieste vào dự án Con đường tơ lụa mới.

Trên trang chủ, OBOReurope nhấn mạnh "trong năm mới này (2019), Liên Hiệp Châu Âu sẽ phải tìm cách xây dựng quan hệ đối tác sáng tạo với Trung Quốc và phối hợp chiến lược kết nối Âu-Á của họ với sáng kiến Một vành đai một con đường". Tuy nhiên, trong một văn kiện ngày 12/03/2019, Liên Hiệp Châu Âu xác định Trung Quốc "luôn là một đối thủ" (rival systématique).

Quyết định của Bruxelles xuất phát từ quan ngại trước những tham vọng địa-chính trị của Trung Quốc, dù Bắc Kinh hứa không chia rẽ Liên Hiệp Châu Âu trong cuộc họp thượng đỉnh với 16 nước Đông-Trung Âu thành viên của Liên Hiệp tại Dubrovnik (Croatia) ngày 11/04/2019.

Tại sao đến giờ Bruxelles mới vội vàng tìm đối sách trước mối đe dọa từ Trung Quốc ? Liệu Liên Hiệp Châu Âu có đủ đoàn kết để đối phó với cường quốc đứng thứ hai thế giới, trong khi Trung Quốc, dưới thời chủ tịch Tập Cận Bình, không che giấu tham vọng vươn lên đứng đầu vào năm 2050 ?

Tại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI) đã dành toàn bộ cuộc hội thảo ngày 10/04/2019 để bàn về "Tương lai của châu Âu trước sự cạnh tranh Trung-Mỹ". RFI tiếng Việt đã phỏng vấn ông Thierry de Montbrial, người sáng lập kiêm chủ tịch Viện IFRI, về quá trình trỗi dậy của Trung Quốc và đối sách của Liên Hiệp Châu Âu trước những tham vọng chính trị, kinh tế của Bắc Kinh.

*****

RFI : Liên Hiệp Châu Âu đánh giá Trung Quốc "luôn là một đối thủ" (rival systhématique) trong một tài liệu được công bố ngày 12/03/2019. Theo ông, nên hiểu cụm từ "đối thủ thường trực" như thế nào ?

Thierry de Montbrial : Cá nhân tôi, có lẽ tôi sẽ không dùng cụm từ "đối thủ thường trực". Tôi nghĩ rằng, trước hết, có một phương diện kinh tế, có nghĩa là phương diện cạnh tranh. Trung Quốc phát triển về mọi mặt nên dĩ nhiên trở thành một đối thủ trong mọi lĩnh vực kinh tế.

Hiện tại, Trung Quốc còn là một cường quốc tìm cách khẳng định mình trên mọi lĩnh vực. Vì thế, điều này đang đặt ra một vấn đề mới trong cách tổ chức của thế giới ngày nay vì mô hình thế giới cho tới những năm gần đây, nói chung, là thế giới được hình thành từ sau khi Liên Xô tan rã, không dành cho Trung Quốc một vị trí quan trọng.

Tất cả những yếu tố trên cho thấy chúng ta đang bước vào một thế giới mới. Tôi cho rằng nên hiểu cụm từ "đối thủ thường xuyên" theo hướng này. Nhưng giả sử tôi là người soạn văn bản trên, tôi sẽ không sử dụng cụm từ đó. Có hai khái niệm mà tôi cho là thích hợp hơn, một mặt là vấn đề "cạnh tranh quyền lực", mặt khác là sự "cạnh tranh về kinh tế".

RFI : Khi thăm Liên Hiệp Châu Âu, chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu rằng Trung Quốc đã thực hiện được trong vòng 40 năm những gì mà châu Âu làm trong ba thế kỷ. Châu Âu nói chung và Pháp nói riêng có ngạc nhiên và cảm thấy bị đe dọa trước sự lớn mạnh của Trung Quốc không ?

Thierry de Montbrial : Tôi thấy phát biểu trên là buồn cười nhưng không có ý nghĩa lớn, bởi vì sự phát triển của châu Âu liên quan đến quá trình phát triển lâu dài về khoa học, công nghệ trong nội bộ châu Âu. Theo tôi được biết, cuộc cách mạng khoa học đã diễn ra ở châu Âu chứ không phải ở Trung Quốc, cũng như không phải ở nơi khác.

Trung Quốc được hưởng một nền văn hóa trong quá trình phát triển của nước này trong 40 năm trở lại đây, và cũng không bao giờ được quên phần đóng góp của người Hoa ở hải ngoại. Dù sao cũng có ít nhất 50 triệu người Hoa sống ở nước ngoài, con số này gần ngang với số dân của một nước như Pháp và họ phát triển rất mạnh về kinh tế. Ngoài ra, Trung Quốc còn có khả năng bắt chước công nghệ của phương Tây. Vì thế câu nói so sánh của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không mang ý nghĩa lớn.

Nhưng có một thực tế, đặc biệt trong những năm gần đây nhờ vào nỗ lực đáng kể của họ trong lĩnh vực giáo dục, giảng dạy đại học, Trung Quốc đã cho thấy rõ khả năng của họ trong việc đạt được kết quả công nghệ mới, có nghĩa là thay vì là một nước chuyên đi cóp nhặt, bắt chước, Trung Quốc trở thành một quốc gia sáng chế. Theo tôi, đây là thành quả nhờ vào hệ thống giáo dục hiệu quả, cũng như cách tổ chức xã hội của Trung Quốc.

RFI : Từ khi nào Pháp và Liên Hiệp Châu Âu mới thức tỉnh trước sự đe dọa của Trung Quốc ?

Thierry de Montbrial : Tôi nghĩ rằng điều này diễn ra từ từ. Một ví dụ thường được nêu lên, đó là "sự cố" cảng Piraeus ở Hy Lạp mà Trung Quốc mua lại. Thương vụ này dẫn đến hậu quả về tâm lý, không phải ngay lập tức, nhưng rất mạnh. Và khi Trung Quốc muốn đầu tư vào hệ thống đường sắt nối cảng Piraeus với Budapest, thủ đô của Hungary, thì người ta thấy ngạc nhiên.

Tôi nghĩ là dự án Một vành đai một con đường của Trung Quốc đều bị cả thế giới coi là một chiến lược khiêu khích về mặt chính trị, chứ không chỉ về mỗi kinh tế. Châu Âu bắt đầu thức tỉnh từ khoảng 5-6 năm trở lại đây. Tóm lại, thời điểm này cũng gắn liền với việc ông Tập Cận Bình trở thành chủ tịch Trung Quốc, thay ông Hồ Cẩm Đào. Từ lúc đó, Trung Quốc bắt đầu tìm cách khẳng định là một cường quốc với những phát ngôn ngày càng cứng rắn hơn, ví dụ như về các vấn đề Biển Đông, Đài Loan…

RFI : Trung Quốc từng bị coi là công xưởng của thế giới và các nhà công nghiệp phương Tây thu được lợi nhuận. Giờ đến lượt Trung Quốc tìm cách thực hiện tham vọng của họ nhưng bị phản đối. Liệu có bất công không ?

Thierry de Montbrial : Đặc thù của lĩnh vực kinh tế là người ta tìm cách thu được lợi nhuận ở những nơi họ có thể làm. Nhưng vấn đề không phải ở chỗ đó, mà liên quan đến luật chơi. Ví dụ một số ý kiến chỉ trích Trung Quốc vì họ cho rằng quy định của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới không được áp dụng một cách đúng đắn, như đối với các doanh nghiệp Trung Quốc được Nhà nước hỗ trợ. Có rất nhiều cuộc tranh luận về mối liên hệ giữa các doanh nghiệp Trung Quốc với Nhà nước.

Theo quy định của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, các doanh nghiệp phải cạnh tranh lành mạnh, chứ không được cạnh tranh bất hợp pháp nhờ hỗ trợ của Nhà nước.

Ngay cả châu Âu và Hoa Kỳ, khi các doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ từ Nhà nước, điều này cũng gây ra vấn đề. Bên cạnh đó, đây còn là những vấn đề phức tạp bởi vì các khoản hỗ trợ thường được thực hiện một cách gián tiếp, như Mỹ cũng gián tiếp trợ giá rất nhiều cho một số ngành công nghiệp.

Tôi nghĩ rằng những vấn đề hiện nay là những vấn đề cụ thể, không còn chung chung kiểu như anh đã thu lợi, giờ đến lượt tôi, mà là những vấn đề tinh vi hơn.

RFI : Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc ký một tuyên bố chung về "chuyển giao công nghệ". Tại sao phải chờ đến 18 năm, kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế giới, vấn đề này mới được đề cập dứt khoát ?

Thierry de Montbrial : Về vấn đề chuyển giao công nghệ, đúng là từ rất lâu, chính sách của Trung Quốc nhấn mạnh vào việc đón các doanh nghiệp phương Tây đến hoạt động để tiếp thu công nghệ. Điều này nằm trong các thỏa thuận được ký kết trong các điều kiện kinh tế không có gì là đặc biệt.

Nhưng giờ Trung Quốc đã đạt được đến độ chín muồi nào đó về công nghệ, đến một mức độ phát triển cao, khiến nhiều nước phương Tây lo sợ bị tước mất công nghệ của họ. Đây là điều dễ hiểu !

RFI : Những người tham gia hội thảo nhấn mạnh đến "đoàn kết", "dân chủ tự do"… từ các nước thành viên để đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc. Ông có tin vào điều đó không ?

Tôi cho rằng có rất nhiều vấn đề. Trước hết, cần phải hiểu là quốc gia lớn nhất, đông dân nhất của Liên Hiệp Châu Âu, cũng không có nhiều dân như một số vùng ở Trung Quốc. Dĩ nhiên ngoài vấn đề dân số, Liên Hiệp Châu Âu còn là tập hợp nhiều nước khác nhau, thường có diện tích nhỏ, vì thế rất khó có được một chính sách nhất quán. Trong khi đó, Trung Quốc, với hơn 1,3 tỉ dân, mỗi tỉnh của Trung Quốc, dù được cho là tự chủ, nhưng vẫn theo một đường lối chung để tất cả cùng tiến theo một hướng.

Các nước Liên Hiệp Châu Âu ở thế bất lợi vì Trung Quốc có dân số đông hơn rất nhiều và một chính phủ tập trung chuyên quyền. Trong khi đó, dân số Liên Hiệp Châu Âu chỉ tương đương khoảng 40% dân số Trung Quốc, rất phân tán, không có sự phối hợp giữa các chính sách. Và đó là cả một vấn đề !

Cuối cùng, phải trở lại vấn đề được đề cập ở trên. Đối với chúng tôi, các doanh nghiệp Trung Quốc có mối liên hệ "khó hiểu" với Nhà nước.

RFI : RFI tiếng Việt xin chân thành cảm ơn ông Thierry de Montbrial, chủ tịch Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp, IFRI.

Thu Hằng thực hiện

Nguồn : RFI tiếng Việt, 25/04/2019

*******************

Anh có thể điều tra hình sự vụ tiết lộ nội dung cuộc họp về Huawei (BBC, 25/04/2019)

Chính phủ Anh "không thể loại trừ" việc mở cuộc điều tra hình sự đối với vụ tiết lộ thông tin cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC).

eu2

Bộ trưởng Văn hóa Jeremy Wright lên án việc tiết lộ thông tin cho báo Daily Telegraph về nội dung thảo luận với chủ đề dùng công nghệ Huawei cho mạng lưới 5G của Anh như thế nào.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Sir Michael Fallon nói vấn đề này "quá nghiêm trọng", không thể chỉ mở cuộc điều tra tiết lộ thông tin như các vụ thông thường, và nói cần phải yêu cầu cảnh sát tham gia.

Hội đồng An ninh Quốc gia gồm các thành viên cao cấp trong nội các Anh.

Do thủ tướng chủ trì, hội đồng họp hàng tuần nhằm thảo luận về các mục tiêu của chính phủ liên quan tới vấn đề an ninh quốc gia. Thành phần tham dự có cả các quan chức cao cấp từ các lực lượng vũ trang và các cơ quan tình báo, nếu cần.

Đây là nơi mà tin tình báo có thể được GCHQ, MI6 và MI5 chia sẻ, và tất cả các cơ quan này đều đã ký vào Đạo luật Bí mật Chính thức.

Tuy nhiên, sau cuộc họp hôm thứ Ba, tờ Daily Telegraph tường thuật rằng NSC đã đồng ý để Huawei, hãng công nghệ khổng lồ của Trung Quốc, được tham gia xây dựng mạng 5G mới của Anh, giữa lúc có các cảnh báo về nguy cơ rủi ro cho an ninh quốc gia.

Báo này cũng tường thuật rằng nhiều bộ trưởng, quan chức cao cấp đã nêu quan ngại về kế hoạch trên.

Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia, Lord Ricketts nói với BBC rằng đây là lần đầu tiên có người tiết lộ thông tin quan trọng từ NSC ra, kể từ khi hội đồng bắt đầu hoạt động, 2010.

Ông nói thêm rằng ông ủng hộ việc có một cuộc điều tra đầy đủ, mà có thể có sự tham gia của các điều tra viên thuộc MI5, "để kẻ chủ mưu cảm thấy rất không thoải mái".

Sir Michael, từng giữ chức bộ trưởng quốc phòng từ 2014 đến 2017, nói tất cả những ai có mặt tại cuộc họp cần phải bị "điều tra thỏa đáng bởi Scotland Yard", và sự việc "tiết lộ các thông tin bí mật từ cơ quan bí mật nhất trong các cơ quan chính phủ, tức Hội đồng An ninh Quốc gia, là một hành vi phạm tội".

Phát ngôn viên của thủ tướng từ chối xác nhận liệu có xảy ra cuộc điều tra về vụ tiết lộ thông tin này không.

Nội dung gì bị tiết lộ ?

Các thành viên NSC họp bàn việc liệu có cho các thiết bị của Huawei được sử dụng cho việc xây dựng mạng lưới dữ liệu 5G mới ở Anh hay không, một quyết định có thể sẽ có những hậu quả dài hạn cho an ninh quốc gia.

Có những lo sợ rằng việc này sẽ trao cho công ty của Trung Quốc một vai trò then chốt trong dự án, qua đó sẽ mở cửa cho hệ thống mạng của Anh bị do thám.

Theo Daily Telegraph, Huawei có thể tham gia giúp xây dựng các phần "không trọng yếu" trong mạng 5G của Anh, chẳng hạn như phần antenna.

Hiện chưa có xác nhận chính thức về vai trò của Huawei trong mạng 5G, và chính phủ Anh nói quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra vào cuối mùa xuân.

*****************

Anh sắp cho phép Hoa Vi tham gia mạng 5G (RFI, 24/04/2019)

Anh Quốc chuẩn bị cho phép Hoa Vi (Huawei) tham gia một cách hạn chế vào mạng lưới 5G, một động thái được tập đoàn viễn thông Trung Quốc, đang bị Mỹ nghi ngờ làm gián điệp cho Bắc Kinh, nhanh chóng lên tiếng hoan nghênh. Theo nhật báo Daily Telegraph hôm nay, 24/04/2019, thủ tướng Theresa May đã có quyết định như trên trong cuộc họp hôm qua của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia (NSC).

eu3

Công nghệ 5G nổi bật tại Hội nghị Quốc tế về thiết bị di động Mobile World Congress tại Barcelona (Tây Ban Nha) tháng 02/2019. Josep LAGO / AFP

Cuộc họp tập hợp các bộ trưởng và viên chức cao cấp về an ninh. Tuy nhiên Hoa Vi không được can dự vào trung tâm mạng lưới, mà chỉ ở các thiết bị ít nhạy cảm như ăng-ten.

Phủ thủ tướng từ chối bình luận về thông tin của Telegraph. Về phần quốc vụ khanh phụ trách kỹ thuật số Margot James, bà cho biết quyết định "cuối cùng" vẫn chưa được đưa ra. Tuy nhiên tập đoàn Hoa Vi ngay sau đó đã ra thông cáo hoan nghênh "quan điểm dựa trên thực tế" của chính phủ Anh.

Tin này nếu thành sự thực sẽ gây bực tức cho Hoa Kỳ, vốn đã loại Hoa Vi ra khỏi mạng lưới 5G của Mỹ và đang thuyết phục các đồng minh hành động tương tự.

Châu Âu có vẻ không hăng hái theo chân Mỹ. Đức vừa gọi thầu thiết lập mạng lưới 5G tương lai, nhưng không cấm Hoa Vi tham dự. Ủy Ban Châu Âu trình bày một kế hoạch để bảo đảm an toàn cho việc triển khai 5G, và cũng không ngăn trở Hoa Vi.

Cũng theo Telegraph, cơ quan an ninh mạng Anh nhận định rằng các nguy cơ từ Hoa Vi là có thể "quản lý được", điều này có thể ảnh hưởng đến quyết định của bà May. Tuy nhiên nhiều cơ quan và quan chức Anh vẫn tỏ ra cứng rắn đối với tập đoàn Trung Quốc.

Chẳng hạn bộ trưởng Quốc Phòng Gavin Williamson hồi tháng 12/2018 cho biết "vô cùng quan ngại" về sự tham gia của Hoa Vi. Cuối tháng Ba vừa qua, báo cáo từ ủy ban giám sát của trung tâm đánh giá an ninh mạng (HCSEC) cũng cảnh báo "những rủi ro mới", và chủ tịch Ủy Ban Đối Ngoại Nghị Viện, Tom Tugendhat hôm nay cho rằng quyết định của Luân Đôn "có thể làm các đồng minh nghi ngờ về khả năng bảo đảm an toàn dữ liệu, làm xói mòn lòng tin trong việc hợp tác của Five Eyes" - nhóm các nước Mỹ, Anh, Úc, Canada, New Zealand chia sẻ tin tức tình báo.

Thụy My

Quay lại trang chủ
Read 584 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)