Theo tự điển mở của Wikipedia định nghĩa thì "Thần tượng là hình ảnh hay một vật chất khác tượng trưng cho một vị thần được hướng đến để thờ phụng, tôn sùng trong tôn giáo, hoặc còn có thể là bất kỳ người nào hay thứ gì được quan tâm bằng sự ngưỡng mộ, yêu mến hay sùng bái".
Lê Hoàng Anh Tuấn, người được Trường Trung học phổ thông Nghi Lộc 3 đón về như một thần tượng - Ảnh minh họa
Trong lĩnh vực con người thần tượng được định danh qua tài năng, sự nổi tiếng cũng như con đường hoạt động trên một lĩnh vực nào đó được cộng đồng chia sẻ và tôn vinh. Thần tượng có thể là một ca nhạc sĩ, một nhà hoạt động chính trị, một tỷ phú thành tựu bởi năng lực làm việc hay một nhà khoa học cống hiến sự nghiệp của mình cho nhân loại.
Ở Việt Nam có một loại thần tượng khác mà thế giới chưa hoặc không có, thần tượng được cả triệu người trẻ tôn vinh bởi tài năng "chửi bới" được nâng lên hàng "thánh chửi" hoặc tệ hơn, kẻ được tôn làm thần tượng được báo chí lăng xê, vinh danh tới điểm cao nhất là người của "quốc tế".
Thánh chửi có Khá Bảnh và Dương Minh Tuyền, hai nhân vật từng làm cho sinh viên học sinh cả nước sôi lên từng ngày qua các video clip chửi bới, hằn học, lên án mọi thứ. Những người theo dõi như lên đồng với từng câu chửi rủa của hai nhân vật này và hơn hai triệu người theo dõi đã khiến cho Khá Bảnh ngang hàng với Bi Rain, một ngôi sao Hàn Quốc từng làm điên đảo tuổi trẻ Việt Nam nhiều năm trời. Câu hỏi đặt ra cho các nhà phân tâm học về hiện tượng này và phần lớn câu trả lời đều cho rằng xã hội Việt Nam xuống thấp vì nhận thức lệch lạc của giới trẻ qua phương tiện thông tin của mạng Internet đã ảnh hưởng sâu đậm tới tư duy của họ.
Nhưng câu hỏi tiếp được đặt ra : tại sao chỉ một mình Việt Nam là có hiện tượng này trong khi cả thế giới đều có hệ thống Internet trong từng gia đình ?
Lại nữa, không chỉ người trẻ cuồng lên với hiện tượng Khá Bảnh hay Dương Minh Tuyền mà có chỉ dấu cho thấy một sự cuồng khác từ những người "không còn trẻ" qua câu chuyện của Lê Hoàng Anh Tuấn, người được Trường Trung học phổ thông Nghi Lộc 3 đón về như một thần tượng vì Tuấn từng là cựu học sinh của ngôi trường này. Nhà trường bắt hơn 1.400 em học sinh ngồi nghe "cựu học sinh lừng danh" kể chuyện gương thành công của anh dưới tấm biểu ngữ trên khán đài ghi rành rành cho nội dung buổi lễ : "Chào mừng nhà báo quốc tế, thạc sĩ Luật học Lê Hoàng Anh Tuấn. Tiến sĩ cựu học sinh khóa 1995-1998, Tiến sĩ danh dự từ Vương quốc Anh. Tổng Biên tập tạp chí Chống tham nhũng".
Trong buổi lễ "vinh quy" tại trường Trung học phổ thông Nghi Lộc 3 có mặt Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam Mai Đức Lộc, ông Nguyễn Thành Lợi, Phó Giáo sư Tiến sĩ, ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng bí thư Tạp chí Người làm báo. Chính ông này đã ca ngợi hết lời Lê Hoàng Anh Tuấn chẳng khác lấy danh dự của riêng ông ra bảo kê cho tên tuổi của Lê Hoàng Anh Tuấn.
Những tưởng Lê Hoàng Anh Tuấn tự tôn vinh mình qua một danh sách dài ngoằn những chức danh cùng với hai chữ "quốc tế" do sự háo danh đã thành dịch tại Việt Nam thì cũng không đáng làm lạ, đằng này cả hệ thống báo chí cũng thi nhau nâng Lê Hoàng Anh Tuấn lên tới đỉnh vinh quang thì đáng phải suy gẫm. Lê Hoàng Anh Tuấn cũng viết lách và được tờ báo quốc doanh cao cấp là báo Nhân Dân trân trọng đăng bài "Chống tham nhũng, câu chuyện từ Xin-ga-po" vào tháng 9 năm 2018 là một quả lừa cay đắng cho tờ báo vốn mang tiếng nhất nước này (1).
Còn nhiều bài báo vinh danh anh ta rải rác trên báo chí "cách mạng" không đếm xuể, tựu trung nhằm xác nhận danh vị của anh ta là nhà báo "quốc tế’ để dễ dàng hù dọa người không biết chuyện cũng như tạo ra một thần tượng cho giới trẻ Việt Nam với ảo tưởng về sự thành công vượt qua khó nghèo của một nhân tài đất Việt.
Một tờ báo đã mạnh dạn phỏng vấn Nguyễn Hoàng Anh Tuấn và giới thiệu rằng anh "thông thạo 4 ngoại ngữ tiếng Anh, Séc, Slovakia, Ba Lan, Lê Hoàng Anh Tuấn có 10 năm học tập và nghiên cứu tại Séc về kinh tế học, ngôn ngữ học, báo chí học. Đầu năm 2018, anh được Hội đồng các Nhà khoa học quốc tế của Tạp chí Chống tham nhũng & Hợp tác quốc tế bầu chọn làm Phó Tổng Biên tập, đồng thời được cấp thẻ Nhà báo quốc tế thông qua các bộ ngành và hợp pháp hóa lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Séc. Anh cũng từng đoạt nhiều giải quán quân thể thao các môn Boxing, Karate, đua ô tô hạng A1 và từng là niềm tự hào lớn của cộng đồng người Việt tại Séc".
Điều đáng nói hơn là Tuấn được Học viện Chính trị quân sự và một số trường khác trong đó có Học viện Báo chí mời về dạy như một giáo sư có kinh nghiệm. Vậy Lê Hoàng Anh Tuấn là ai và những danh hiệu anh ta được trưng bày một cách trang trọng là có thật đáng để học sinh trường Trung học phổ thông Nghi Lộc lấy đó làm tiêu biểu cho một thần tượng mà các em nên theo ?
Không may cho anh ta, câu chuyện bị phanh phui và người ta biết được chính xác tên tuổi, nghề nghiệp, công ăn việc làm của Lê Hoàng Anh Tuấn không phải là nhà báo "quốc tế" như báo chí PR, cũng không phải là Tiến sĩ hay Thạc sĩ như nhà trường Nghi Lộc 3 bị lừa mà anh là một tài xế Taxi, từng đi xuất khẩu lao động tại Cộng hòa Séc, sau đó lấy một cô vợ làm việc trong ngành công an, sau bị cô vợ phát hiện anh ta là người lừa đảo nên chủ động ly hôn vì sợ ảnh hưởng tới công việc trong ngành công an. Hiện nay Tuấn đang lái xe cho cục Phòng chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ.
Vời thành tích lửa đảo như thế Tuấn vẫn hiên ngang đứng giữa trường Nghi Lộc 3 nơi anh ta từng học những ngày đầu tiên nói về những điều không có thật về mình với sự tiếp tay của báo chí mà cụ thể là hai ông Mai Đức Lộc và Nguyễn Thành Lợi, những cây đa cây đề trong ngành báo chí Việt Nam thì xã hội tất phải lên tiếng vì hành vi lừa đảo có tổ chức này.
Nếu lừa để kiếm tiền thì luật pháp sẽ lấy lại số tiến ấy bằng những bản án phù hợp nhưng lừa học sinh ngây thơ bằng ảo tưởng một thần tượng thi di hại của nó làm sao trả lại cho các em, những người sẽ đặt niềm tin đầu đời của mình vào một thứ thần tượng giả ?
Người lớn trót bị lịch sử lừa qua không ít thần tượng giả đã dẫn dắt đất nước ra khỏi u tối của phong kiến thực dân, hôm nay chỉ biết chịu đựng sự thật phô trần những dối trá mà thần tượng được tôn vinh như thánh sống. Trẻ nhỏ tiếp tục bài học lịch sử ấy qua sự tiếp tay của báo chí lề phải để mỗi ngày thâm nhập tư tưởng phải làm theo gương của những thần tượng ngụy tạo thì đất nước này sẽ trôi về đâu trên dòng nước đục ngầu đầy sự giả dối ấy ?
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 08/05/2019 (canhco's blog)
***********************
Bảy cách phát hiện nhà báo quốc tế rởm
Nguyễn Hùng, VOA, 09/05/2019
Cả tuần nay làng báo Việt Nam dậy sóng với chuyện hàng ngàn học sinh trung học ở Nghệ An và cả các lãnh đạo báo chí, kiểm sát và giáo dục bị "lừa" bởi một người tự xưng là nhà báo quốc tế.
Hình trích xuất từ một bài báo đã bị xóa trên trang của Hội Nhà Báo, với chú thích nguyên thủy : "Chủ tịch Hiệp hội đối ngoại Châu Âu – Tiến sĩ Pavel Janasek trao bằng Tiến sĩ danh dự chuyên ngành "Ngôn ngữ học" cho Nhà báo quốc tế Lê Hoàng Anh Tuấn - Ảnh : Marie Leova"
Chữ lừa trên đây được để trong ngoặc kép vì chả chắc gì những người có mặt tại buổi tri ân của ông Lê Hoàng Anh Tuấn như phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, tổng biên tập Tạp chí Người Làm báo hay viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An… đã bị lừa thật.
Ông Tuấn tự nhận là tổng biên tập Tạp chí Chống tham nhũng và Hợp tác quốc tế và cũng còn là tiến sĩ danh dự được Vương quốc Anh công nhận. Ông về trường Trung học Phổ thông Nghi Lộc 3 để cảm ơn trường cũ và chia sẻ với các học sinh hiện tại của trường.
Ngoài trường trung học phổ thông này, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng đã từng mời ông Lê Hoàng Anh Tuấn tham gia giảng dạy vì các nhãn mác ông tự dán cho bản thân.
Vậy có cách nào để nhận biết một nhà báo quốc tế rởm không ? Thực ra có rất nhiều cách và chỉ cần trình độ trung học là đã có thể kiểm tra được rồi.
1. Nhà báo quốc tế ấy có thạo tiếng mẹ đẻ không ? Thứ nhất hãy xem nguyên văn băng rôn mà chính ông Tuấn được cho là tự thiết kế và mang về trường Trung học Phổ thông Nghi Lộc 3 trong đó phần giới thiệu nhân vật ghi :
‘NHÀ BÁO QUỐC TẾ.
THẠC SĨ LUẬT HỌC.
LÊ HOÀNG ANH TUẤN, TIẾN SĨ’.
Tiếp theo đó là :
‘TIẾN SĨ DANH DỰ TỪ VƯƠNG QUỐC ANH’
và
‘TỔNG BIÊN TẬP TẠP CHÍ CHỐNG THAM NHŨNG & HỢP TÁC QUỐC TẾ.
Chỉ nhìn cách sử dụng mấy dấu chấm, dấu phẩy cùng với việc sắp xếp thứ tự chức danh là đã thấy nhà báo này tiếng Việt cũng chẳng thạo.
Trước khi về trường cũ, mà sau người ta tra ra không thấy có học sinh nào là Lê Hoàng Anh Tuấn cả, nhà báo quốc tế đã xuất hiện tại một sự kiện khác trong đó ông chém gió về cách mạng 4.0. Ông nói : "Chúng ta phải làm gì với Cách mạng Công nghiệp 4.0 ? Đó chính là, chúng ta phải thách thức nó, phải gây chiến với nó. Tại sao ? Là bởi vì, một cá nhân, một tập thể, một quốc gia muốn phát triển bền vững thì không thể thiếu sự thành công trong đối nội và đối ngoại, đối ngoại là cánh tay nối dài của đối nội, mà chính sách của đối ngoại chính là gây chiến, là thách thức, để thách thức được thì phải có "thế" và "lực". Đọc hiểu chết liền thế này mà cũng có trang mạng đăng và những người khác không chịu khó Google tên ông mà đọc để hiểu sự thông thái của nhà báo quốc tế thì thật lạ. Tôi cũng có gửi email cho nhà báo quốc tế theo địa chỉ trên danh thiếp – Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser. từ hôm 7/5 và giờ vẫn đợi hồi âm.
2. Trình độ tiếng Anh của nhà báo quốc tế thế nào ? Một bài báo mà nay có vẻ đã bị xóa trên trang nguoilambao.vn nhưng vẫn được thế giới mạng lưu giữ cho biết ông Tuấn thông thạo tiếng Anh, Séc, Slovakia, Ba Lan. Bài báo được đăng nhân dịp ông Tuấn được giải thưởng báo chí tại Châu Âu trích lời nhà báo quốc tế nói : "Và từ trái tim, tôi xin cảm ơn "sự cố tồi tệ" của quá khứ, bởi "pain past is pleasure", tạm dịch là "sự đau đớn của quá khứ thì hiện tại là hạnh phúc". Tôi sống ở Anh gần 20 năm nay chưa bao giờ nghe thấy người ta nói tiếng Anh như thế. Và khả năng dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt thế này thì có lẽ người Việt cũng không hiểu nhà báo muốn nói gì. Bài báo cũng từng được một trang mạng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đăng tải nhưng nay cũng đã bị gỡ bỏ. Tìm tên nhà báo xem có sản phẩm báo chí nào bằng tiếng Anh không thì kết quả là không có bài nào cả.
3. Địa chỉ email của nhà báo có đáng tin không ? Thứ nhất địa chỉCette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser. nghe rất kỳ. Eagle tiếng Anh là con đại bàng còn eafer là viết tắt của European Association for External Relations, tức Hiệp hội đối ngoại Châu Âu. Thường những người làm cho các công ty nước ngoài thường có địa chỉ email là tên.họ@têncôngty.co.tênnướcviếttắt, chẳng hạn khi tôi còn làm cho BBC email của tôi là Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser..
4. Nhà báo quốc tế có trang web nào không ? Vào trang eafer.eu chỉ thấy vỏn vẹn 15 dòng ngắn ngủi giới thiệu Hiệp hội đối ngoại Châu Âu, không thấy ảnh hay bất cứ tài liệu nào khác.
5. Hiệp hội đối ngoại Châu Âu có thật không ? Nghe tên hiệp hội người ta cứ nghĩ đó là một tổ chức đối ngoại của Liên minh Châu Âu EU nhưng thực ra không phải vậy. Trang web eafer.eu của hội mới được đăng ký ngày 23/10/2017 bởi một người có email Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser. và có địa chỉ ở Praha. Trang web được đặt tại máy chủ ở Cộng hòa Séc. Hiệp hội tự nhận xuất bản Tạp chí Chống tham nhũng & Hợp tác quốc tế. Rồi chính người có email đăng ký trên, ông Pavel Janasek lại là người đứng tên trao cái gọi là "giải thưởng báo chí" cho ông Tuấn hồi tháng 8/2018. Như vậy ông Chủ tịch Hiệp hội đứng ra xuất bản tạp chí kia lại trao giải cho ông tổng biên tập tạp chí nhà trồng được. Thật là màn hề mà chỉ có những ai ngớ ngẩn mới có thể tin được.
6. Tạp chí của nhà báo quốc tế có thật không ? Thời buổi này cái gì thuộc về lĩnh vực xuất bản mà Google không ra thì khó có của thật. Cái gì không có trên mạng xã hội cũng khó có thật. Và một tạp chí quốc tế không có nổi một trang web là đáng ngờ. Trong thời buổi thông tin số mà lãng phí ba cơ hội để người ta tìm đọc mình – trang mạng riêng, công cụ tìm kiếm, và mạng xã hội – thì không đáng gọi là tạp chí quốc tế. Tôi có tìm ra duy nhất hình ảnh của tạp chí trên một trang mạng của Cộng hòa Séc. Trang này cũng nói tạp chí đã xuất bản được 13 số. Tôi đã email đề nghị được xem hình chụp vài trang của tạp chí và đang đợi họ trả lời.
7. Bằng Tiến sĩ danh dự của nhà báo quốc tế có thật không ? Đọc bài đã bị xóa trên trang của Hội Nhà báo nhưng vẫn còn bản sao đã có thể thấy màn lừa đảo quen thuộc lại được lặp lại. Người ta lại thấy người thay mặt Đại học Leeds của Anh trao bằng chính là ông Pavel Janasek. Chỉ cần vào trang web của Đại học Leeds là thấy danh sách 15 người được trao bằng Tiến sĩ danh dự trong năm 2018, đứng đầu là cây piano tài ba người Trung Quốc Lang Lang. Trường cũng có danh sách tất cả những người đã từng được trao bằng danh dự từ năm 1904. Tôi tìm xem kể từ khi tôi sang Anh năm 2000 đã có người Việt nào trong danh sách chưa và kết quả là chưa có ai.
Mọi sự đã rõ ràng thế mà ông nhà báo quốc tế vẫn còn tiếp tục nói đã gửi hồ sơ tới tổ chức quốc tế để họ gửi công hàm sang Việt Nam làm rõ trắng đen. Khi được phóng viên Tiền Phong hỏi đó là tổ chức nào, ông Tuấn trả lời : "Đó là Chủ tịch Hiệp hội đối ngoại Châu Âu -cơ quan chủ quản của Tạp chí chống tham nhũng và hợp tác quốc tế mà tôi đang phụ trách, có chỉ số ISSN quốc tế, trung tâm tại Pháp cấp, có giấy phép xuất bản của Bộ văn hóa Cộng hòa Séc".
Mong nhà báo quốc tế Lê Hoàng Anh Tuấn nghĩ ra trò gì mới hơn được không ? Trò chủ tịch rởm của hiệp hội rởm mới chưa đầy hai năm tuổi đó nhàm quá rồi.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 09/05/2019
***************
Sống với nền văn hóa ‘nổ’
Mạnh Kim, VOA, 08/05/2019
Vụ "nhà báo quốc tế" Lê Hoàng Anh Tuấn tự xưng với một lô lốc "danh hiệu" đang gây ồn ào thật ra là "sự kiện" mới nhất của chuỗi hành vi lố bịch của mốt khoe danh xưng bùng nổ nhiều năm qua. Nó phản ánh chính xác diện mạo xã hội như là kết quả tất yếu của một nền giáo dục không được xây dựng và bồi đắp dựa trên yếu tố "học làm người". Nó cũng cho thấy khi mà xã hội được dựng trên căn bản của sự "nói láo không chớp mắt" thì đương nhiên xã hội nhan nhản kẻ nói láo…
Ông Lê Hoàng Anh Tuấn khi về thăm trường cũ. (Hình : Trích xuất từ Soha.vn)
Chỉ có nền giáo dục tử tế mới có những con người tử tế và biết cách khiêm cung, biết cách giới hạn lòng tự tôn và biết cách kiểm soát bản thân trước những lời khen cũng như biết mắc cỡ không dám khoe khoang bản thân. Những người thật sự tài năng thường hiếm khi, hoặc không bao giờ, phô trương cá nhân, đặc biệt phô trương sự học. Họ ý thức rõ biển học và tri thức là vô cùng tận. Thử nhìn lại thái độ khiêm nhường của những học giả đích thực ngày trước. Sự khiêm cung thể hiện ở ngay trong tác phẩm họ soạn hoặc dịch.
Trong "Nam Hoa Kinh" (Tủ sách Tân Việt xuất bản, 1962), dịch giả - cụ Nhượng Tống - viết lời mở đầu như sau : "… Tôi mong các bạn sẽ phân-tích và được chịu những lời dạy-bảo cao-minh. Tài học tôi có lẽ chưa đủ hiểu hết phần cao-siêu trong học-thuyết Trang và chưa đủ quyền nói đến những chuyện mà phạm-vi là "vô cực"… Trong "Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam" (Nhà xuất bản Hiện Tại, 1959), Linh mục Mậu Hải viết lời giới thiệu cho tác giả-Linh mục Nguyễn Hồng : "… Nhưng trí một người có hạn, óc cá nhân có mức nên tác giả cũng như kẻ cầm bút viết mấy lời này vẫn thành thực thầm ước được nghe lời chỉ giáo của chư độc giả bốn phương". Trong "Việt Nam Văn học Sử yếu" (Trung tâm Học liệu, Bộ Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa, 1968), cụ Dương Quảng Hàm viết : "Quyển sách này còn có nhiều chỗ thiếu-thốn sơ-lược, sau này cần phải bổ-khuyết hoặc giải-thích thêm…, ngõ-hầu một ngày kia tìm thấy những hoa lạ quả quý hiện nay còn ẩn khuất trong đám cành lá rậm-rạp, thì thật là hân-hạnh cho chúng tôi lắm". Và trong "Việt-Nam Văn-Phạm", tác giả Trần Trọng Kim (cùng làm với Phạm Duy Khiêm và Bùi Kỷ - Nhà xuất bản Lê Thăng, Hà Nội, 1940) viết : "Chúng tôi không dám chắc rằng sách này đã là hoàn-toàn, không có chỗ khiếm-khuyết và sai-lầm. Điều đó xin để độc-giả xét cho. Chúng tôi chỉ xin độc-giả lượng-tất cho ít nhiều vì nỗi chúng tôi muốn vỡ cánh đồng bỏ hoang mà mở ra một con đường mới. Mong rằng các nhà thức-giả cùng với chúng tôi đi vào con đường ấy, rồi chỉ-bảo giúp chúng tôi mà sửa đổi những điều lầm-lỗi. Nếu mọi người biết cho chúng tôi vì chút lòng nhiệt-thành muốn nâng cao cái địa-vị tiếng nước nhà lên cái chỗ xứng-đáng, được như thế thì chúng tôi đã là mãn-nguyện lắm vậy".
Không phải trong giới nghiên cứu học thuật mới có sự khiêm cung và thái độ chừng mực. Có thể thấy điều này trong giới khoa học lừng lẫy hải ngoại. Người ta đã nghe nói đến kỹ sư Đinh Trường Hân (đoạt giải môi sinh của Nhà Trắng năm 2006, được tạp chí Public Works chọn là một trong 50 nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn nhất nước Mỹ năm 2006) ; từng nghe nói đến bà Lê Duy Loan (kỹ sư Texas Instruments-TI ; với hàng chục bằng sáng chế ; trở thành phụ nữ đầu tiên và là gương mặt Châu Á đầu tiên được bầu làm viện sĩ TI – chức danh trước đó chỉ được trao cho bốn gương mặt nam trong lịch sử TI) ; từng nghe nói đến bà Dương Nguyệt Ánh (cựu tổng giám đốc Phòng khoa học-kỹ thuật thuộc Trung tâm chiến sự Hải quân Hoa Kỳ, người thiết kế bom cực mạnh chuyên phá hầm bêtông) ; từng nghe nói đến ông Trung Dũng (tiến sĩ khoa học máy tính Đại học Boston ; cử nhân toán và khoa học máy tính Đại học Massachusetts ; từng xuất hiện trên các tạp chí Forbes, Financial Times, Wall Street Journal, San Francisco Chronicle cũng như trong quyển The American Dream của nhà báo kỳ cựu Dan Rather)… Nhiều người đã nghe về tài năng và sự nổi tiếng của họ. Điều người ta chưa nghe đến, và có lẽ không bao giờ, là thái độ ngạo mạn, tự cao, tự đại của họ.
Trong chương trình "Tôi Là Người Việt Nam" (Paris By Night 99), MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên đã kể đến trường hợp ông Trịnh Tiến Trinh, người dù từng được giải "NASA's Inventor of The Year 1992" nhưng vẫn thấy… "mắc cỡ" khi được ông Ngọc Ngạn dùng từ "khoa học gia" gọi mình ! Hoặc chuyện ông Đinh Xuân Anh Tuấn (bác sĩ, giáo sư, nhà nghiên cứu). Khi được ông Ngạn hỏi "Ông vừa là một bác sĩ vừa là một nhà giáo vậy ông muốn tôi xưng bác sĩ hay giáo sư ?". Ông Tuấn trả lời : "Thưa anh Ngạn, tôi chỉ là một bác sĩ khi đứng trước bệnh nhân và một giáo sư khi đứng trước học trò, còn ở đây anh cứ gọi bằng tên thường được rồi".
Tại sao những vị này nhún mình khiêm cung ? Họ hẳn hiểu rằng chẳng ai có thể toàn bích và sự hiểu biết dù mênh mông của họ vẫn luôn có những giới hạn nhất định. Thái độ này cũng là kết quả của một nền giáo dục không chỉ biết dạy người ta học những điều tử tế mà còn biết hướng người ta đến việc làm thế nào để "hành" cho đúng mực. Ngày nay, tính khiêm cung đã phải nhường chỗ cho lối thể hiện kiểu khác. "Nhà báo quốc tế" Lê Hoàng Anh Tuấn không là người duy nhất "nổ" và "xạo không có căn". "Nổ" đã trở thành "hiện tượng thời đại". "Nổ" càng "phát huy" khi người ta "tin" rằng thế giới quanh họ có nhiều người mù hơn người sáng mắt. Tỷ lệ những "ông chột" do vậy cứ thế bùng nổ, đặc biệt khi mà nền giáo dục không tạo ra một môi trường cạnh tranh bằng năng lực và do đó không thể có nhiều người tài thật sự để họ nể nang nhau và phải thể hiện sự khiêm cung và khiêm nhường cần có.
Cái sự "nổ", nói rộng ra, còn nảy sinh bởi nền văn hóa "nổ" hình thành một phần từ nền chính trị "nổ". Báo chí hàng ngày vẫn nói dối công khai về "thành tích" và "thành tựu". Báo chí vẫn "được phép" nói láo, hoặc "buộc phải" nói láo, về "tài năng" điều hành của chính phủ, trong khi thành viên chính phủ và bộ máy chính quyền nói chung cũng nói láo về năng lực lẫn bằng cấp của mình. Báo chí vẫn cứ tô vẽ "công trạng" những vị "công thần" và "tài liệu lịch sử" vẫn dựng lên những "chiến công", thậm chí "con người", không có thật. Trong một xã hội như vậy thì trách sao không xuất hiện những kẻ như Lê Hoàng Anh Tuấn, mà nói cho cùng, chẳng là gì so với các ông trùm nói láo, dù luôn miệng "không có gạt bà con", đang ngồi ở vị trí "lãnh đạo nhân dân".
Những kẻ như Lê Hoàng Anh Tuấn thật ra là "sản phẩm" của một xã hội đảo điên, từ một nền giáo dục đảo điên, "có được" từ một nền chính trị thường xuyên tỏ ra "thiếu khiêm tốn" đến mức luôn khiến người dân thắc mắc không biết chính quyền này đang tỉnh hay điên. Dân chúng vẫn cứ phải sống chung với những cái "thùng rỗng kêu to" cùng với nền văn hóa "nổ", không giới hạn và không một chút ngượng, rằng Việt Nam là quốc gia có "nền giáo dục thuộc hàng top 10 thế giới", rằng Việt Nam là "hình mẫu phát triển kinh tế của Đông Nam Á", rằng đất nước ta rồi sẽ "hóa rồng"… Những quả bom kiểu Lê Hoàng Anh Tuấn xét cho cùng chẳng ảnh hưởng gì mấy với xã hội nhưng "bom" từ chính quyền thì luôn mang lại mức độ "sát thương" đáng kể cho chính nhà cầm quyền. Nó trực tiếp tàn phá uy tín chính quyền và tiêu diệt niềm tin người dân. Điều này chẳng phải là "cảnh báo" gì cả. Vì nó đang xảy ra...
Mạnh Kim
Nguồn : VOA 08/05/2019
*********************
Đã xóa tên "nhà báo quốc tế" Lê Hoàng Anh Tuấn khỏi Hội Nhà báo Việt Nam
Văn Duẩn, Người Lao Động, 08/05/2019
Hội Nhà báo Việt Nam ngày 8/5 đã ban hành quyết định xóa tên nhà báo quốc tế" Lê Hoàng Anh Tuấn khỏi danh sách hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.
Thẻ Nhà báo quốc tế của ông Lê Hoàng Anh Tuấn
Hôm nay ngày 8/5, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi đã ký quyết định số 36/QĐ-HNBVN, về việc xóa tên hội viên.
Theo đó, xét công văn số 69-CV/CHNBKBC ngày 6-5 của Chi hội nhà báo Khoa báo chí, Học viên Báo chí và Tuyên truyền về việc đề nghị xóa tên hội viên. Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam đã chuẩn y việc xóa tên hội viên Lê Hoàng Anh Tuấn thuộc Chi hội nhà báo Khoa báo chí.
Như vậy, "nhà báo quốc tế" Lê Hoàng Anh Tuấn đã chính thức bị xóa tên khỏi hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.
Quyết định của Hội Nhà báo Việt Nam về việc xóa tên hội viên Lê Hoàng Anh Tuấn.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, những ngày qua, cộng đồng mạng đang xôn xao trước việc có một người tên Lê Hoàng Anh Tuấn, xưng danh là nhà báo quốc tế, thạc sĩ luật học, tiến sĩ, Tổng biên tập Tạp chí Chống tham nhũng và Hợp tác quốc tế, cựu học sinh khóa 1995-1998 tại Trung học phổ thông Nghi Lộc III (Nghệ An).
Đáng chú ý, theo thông tin được đăng tải trên một số tờ báo, tạp chí, sáng 27/02/2019, Trường Trung học phổ thông Nghi Lộc III, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đã tổ chức buổi lễ "Ngày trở về", chào mừng nhà báo quốc tế, thạc sĩ luật học, tiến sĩ Lê Hoàng Anh Tuấn, cựu học sinh khóa 1995-1998 Trung học phổ thông Nghi Lộc III, tiến sĩ triết học danh dự từ Vương quốc Anh 2018, Tổng Biên tập Tạp chí Chống tham nhũng và Hợp tác quốc tế.
Tham dự buổi lễ có sự tham dự của Tiến sĩ Mai Đức Lộc, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thành Lợi, Ủy viên Ban chấp hành trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo - Hội Nhà báo Việt Nam ; ông Tôn Thiện Phương, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An, cùng nhiều đại biểu khác.
Ông Lê Hoàng Anh Tuấn đã bị xóa tên khỏi Hội Nhà báo Việt Nam
Bà Phạm Thị Tuyết Mai, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nghi Lộc III, cho biết để tổ chức buổi lễ, nhà trường cho học sinh toàn trường nghỉ 1 tiết học, buổi lễ có sự tham gia của hơn 1.200 em học sinh. Cũng theo đại diện Trường Trung học phổ thông Nghi Lộc III, trong danh sách của nhà trường khóa học 1995 - 1998 không có ai tên là Lê Hoàng Anh Tuấn.
Được biết, năm 2016, ông Lê Hoàng Anh Tuấn, tự ứng cử đại biểu Quốc hội ở Hà Tĩnh nhưng không trúng.
Những ngày gần đây, trên mạng xã hội xôn xao trước thông tin một người có tên Lê Hoàng Anh Tuấn, xưng danh là nhà báo quốc tế, thạc sĩ luật học, tiến sĩ, Tổng Biên tập Tạp chí Chống tham nhũng và Hợp tác quốc tế, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.
Ngoài ra, chiều tối ngày 6/5, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An cho biết sẽ cho các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh thông tin về ông Lê Hoàng Anh Tuấn bị một số người dân tố cáo có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Văn Duẩn
Nguồn : Người Lao Động, 08/05/2019