Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/03/2017

Chuyên gia Nga : Chặn đứng chiến lược Biển của Trung Quốc

Lê Hùng – Nguyễn Hoàng

Xin trích một ý trong bài "29 năm CQ-88 : Biển Đông không yên vì dã tâm Trung Quốc" (1).

Bài viết của tác giả Thiên Nam trên DVO ngày 15/3/2017 : "…đã có tin rằng, Trung Quốc dự kiến tăng gấp 5 lần quân số Lực lượng hải quân đánh bộ với lý do "bảo vệ hòa bình và quyền lợi của Trung Quốc trong vùng Biển Đông".

Xin bổ sung thêm cho ý trên bằng bài báo của nhà phân tích quân sự Nga Aleksandr Kochan đăng trên "Russkaia Planeta" (Hành tinh Nga) ngày 14/3/2017 với tiêu đề "Thiên Triều đang hạ thủy" (một cách chơi chữ đầy ẩn ý của tác giả bài báo). Ảnh trong bài là của tác giả.

bd3

"Tờ South China Morning Post mới đây đưa tin : Giới lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) đã lập kế hoạch tăng quân số của lực lượng Lính thủy đánh bộ lên gấp 5 lần : từ 20.000 quân như hiện nay lên 100.000.

Mục tiêu của Bắc Kinh được công bố là đảm bảo bảo vệ các tuyến giao thông đường biển và những lợi ích ngày càng gia tăng của mình ở nước ngoài .

Các quân nhân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) hiện đang có mặt tại quốc gia Châu Phi nhỏ bé Djibouti nằm cạnh eo biển chiến lược quan trọng Bab –el-Mandeb (nối Biển Đỏ với Vịnh Aden). Còn một địa điểm đóng quân nữa của Lính thủy đánh bộ (PLA) - thành phố cảng Pakistan Gvadar cách Vịnh Persic không xa.

Chỉ trong thời gian gần đây, quân số của Lính thủy đánh bộ Trung Quốc đã tăng 2 lần, lên tới 20.000 quân. Điều đáng chú ý là quân số (của Lính thủy đánh bộ) tăng trong khi tổng quân số PLA gần như vẫn giữ nguyên.

Trong các kế hoạch của mình, Trung Quốc còn dự định cắt giảm thêm 300 .000 quân, quân số của PLA sẽ chỉ còn 2 triệu người.

Hiện không có thông tin nào về việc Lính thủy đánh bộ PLA sẽ tuyển quân từ nguồn nào.

Xu hướng "Biển"

Thông tin trên rất quan trọng, trước hết, vì nó liên quan đến an ninh của Liên Bang Nga.

Trong nước chúng ta (Nga) rất phổ biến tâm lý e ngại về sự bành trướng của Trung Quốc. Quả thật, Trung Quốc có một lực lượng lục quân đông nhất trên thế giới, còn trên hướng Bắc (Trung Quốc), nước này bố trí tới 3 tập đoàn quân của Quân khu Thẩm Dương – các tập đoàn quân số 16, 39 và 40.

Tuy nhiên, bắt đầu từ khoảng năm 2012, có thể nhận thấy rõ tầm nhìn "hướng biển" trong chính sách quốc phòng (của Trung Quốc). Một trong những biểu hiện đó là việc Bắc Kinh đã đối đầu với Hải quân Mỹ và những đồng minh của nước này nhằm giành quyền kiểm soát Biển Đông.

Trung Quốc trong nhiều thập kỷ đã nỗ lực giải quyết nhưng bất thành nhiệm vụ này. Đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc vẫn không đủ lực (để làm điều đó), nhưng sau 4-10 năm nữa, Bắc Kinh quyết xây dựng bằng được một lực lượng hải quân mạnh nhất Châu Á- Thái Bình Dương.

Số lượng tàu (chiến) tăng kéo theo sự tăng trưởng quân số Hải quân PLA. Biên chế của Hải quân Trung Quốc đã tăng 15% và số quân đã lên tới 270.000 người.

Ngoài Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông), Trung Quốc còn thèm khát củng cố sự hiện diện quân sự tại Châu Phi và Trung Cận Đông.

Djibouti là trung tâm trung chuyển chủ chốt đối với dầu mỏ nhập từ Xu đăng. Còn thành phố cảng "Gvadar (Pakistan) gần eo biển Ormuz – chính là nơi mà các tàu chở dầu của Trung Quốc đi qua, nhưng những tàu này chở dầu Iran.

Vào thời điểm hiện tại có thể khẳng định chắc chắn là Bắc Kinh muốn đổ bê tông cốt thép đảm bảo an ninh cho các tuyến hàng hải mà nước này đang tích cực sử dụng. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là thế thì tại sao (Trung Quốc) lại cần phải tăng quân số Lính thủy đánh bộ - tức lực lượng chuyên được sử dụng để bảo vệ các căn cứ quân sự và tiến hành các chiến dịch đổ bộ (đánh chiếm các tuyến duyên hải và các mục tiêu hải quân của đối phương) lên tới 5 lần ?

Tất nhiên, vấn đề ở đây không phải là kinh tế, mà là tham vọng của Bắc Kinh muốn lập thế cân bằng (lực lượng) với Mỹ ở Đông Nam Á và Trung Cận Đông. Lực lượng Lính thủy đánh bộ đối với Washington – đó phương pháp chủ yếu để tăng cường ảnh hưởng (của Mỹ) tại rất nhiều các quốc gia ven biển.

Lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ (chất lượng tác chiến của nó tương đương với đặc nhiệm) cũng đã không ít lần được điều đi thực hiện những sứ mệnh trên bộ (như ở Syria và Iraq).

Quân số của Quân đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ là 200.000 người. Để so sánh : Quân đội Nga chỉ có 760.000 người, còn quân số Lính thủy đánh bộ Nga, theo các nguồn số liệu khác nhau, vào khoảng từ 12.500 đến 35.000.

Và dù hơn một nửa đường biên giới Nga là ở trên biển, nhưng không có mối đe dọa trực tiếp nào đối với khu vực duyên hải Nga, còn chính sách hiện nay của Matxcova không tính tới khả năng tiến hành các chiến dịch đổ bộ quy mô lớn ở nước ngoài.

Vì thế mà Bộ Quốc phòng Nga không nhất thiết phải tăng quân số Lính thủy đánh bộ. Nhưng đối với các "đồng nghiệp" (của Bộ Quốc phòng Nga) tại Trung Quốc thì tình hình lại hoàn toàn khác : Lính thủy đánh bộ cần cho Trung Quốc không chỉ để bảo vệ các cơ sở hạ tầng ven biển (của Trung Quốc).

Nếu tính tới những yêu sách lãnh thổ và tham vọng của Trung Quốc, Lính thủy đánh bộ nước này cần phải có khả năng trong một khoảng thời gian cực ngắn (nguyên văn – chớp nhoáng) đổ bộ đánh chiếm các đảo và những mục tiêu khác của đối phương, cùng với đó là làm cho Mỹ với hàng chục căn cứ ở Châu Á- Thái Bình Dương, trên Vinh Persic phải khiếp sợ.

Tham vọng bành trướng bị chặn

Bắc Kinh đang tìm cách hiện đại hóa hoàn toàn tất cả các lực lượng vũ trang, nhưng ưu tiên hàng đầu được dành cho Hải quân và cho nhiệm vụ tăng cường khả năng tác chiến của Lính thủy đánh bộ - nhằm đạt mục tiêu : thành phần chủ yếu của lực lượng này (Lính thủy đánh bộ) sẽ là các chiến binh thiện chiến nhất.

Và như vậy, đối thủ địa chính trị trời định của Trung Quốc sẽ là Mỹ. Nếu như cả hai cường quốc đều sẽ thực hiện được các kế hoạch đã có, thì trong thời gian ngắn sắp tới, căng thẳng trong đối đầu giữa hai nước sẽ ngày càng tăng nhiệt.

Ông chủ mới của Nhà Trắng Donald Trump đã chấp nhận những thách thức từ Trung Quốc.

Trong chương trình (hành động) của vị đảng viên cộng hòa này có mục tăng số lượng tàu chiến từ 272 chiếc như hiện nay lên 350 chiếc.

Tổng thống mới của Mỹ cho rằng Hải quân Mỹ đang già yếu, mặc dù chính Hải quân Mỹ sở hữu cụm tàu sân bay mạnh nhất thế giới (10 chiếc) và Quân đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ cũng mạnh nhất thế giới.

Nếu Donald Trump thuyết phục được Quốc hội Mỹ, thì Hải quân Mỹ sẽ nhận thêm 01 tàu sân bay, 16 chiếc tàu nổi cỡ lớn, 18 tàu ngầm đa năng, 4 tàu đổ bộ và 52 tàu bảo vệ các khu vực duyên hải.

Quân số Hải quân Mỹ sẽ lên tới 360.000 - 380.000 người.

Và như vậy, tính toán của D. Trump là tăng cường thành tố tấn công và khả năng đổ bộ trên biển. Các chuyên gia tin chắc rằng, cường quốc duy nhất có thể đua với Mỹ trên các đại dương, đó là Trung Quốc, nhưng không phải Trung Quốc hiện tại mà là Trung Quốc trong tương lai.

Và chính quyền Washington cũng thừa hiểu được là quyền bá chủ trên biển (của Mỹ) sẽ sụp đổ, nếu như Trung Quốc thực hiện thành công chương trình "cải tổ" các lực lượng vũ trang của mình.

Tăng cường hiện diện quân sự trên biển, chắc chắn sẽ là phương pháp chủ chốt để thực hiện mưu đồ bành trướng và chiếm ưu thế toàn cầu của Trung Quốc. Trên đất liền thì những tham vọng đại bá của Bắc Kinh bị chế ngự bởi Nga, Ấn Độ, các quốc gia có tâm lý thù địch (với Bắc Kinh) là Nhật Bản, Nam Triều Tiên...

Tham vọng bành trướng của Bắc Kinh bị chặn đứng ở hướng Bắc, Đông Bắc, Tây Nam - nơi có Ấn Độ và ở hướng Tây, - tức khu vực Trung Á có nhiều căn cứ quân sự của Nga. Hướng mở một cách tương đối duy nhất (để bành trướng) đối với Trung Quốc là hướng Đông –Nam và hướng Biển Đông.

Trung Quốc nhận thức được rằng con đường dẫn tới vị thế siêu cường phải đi qua biển. Để làm được điều đó, Bắc Kinh cần phải có ít nhất là một lực lượng hải quân mạnh thứ hai trên thế giới và lực lượng lính thủy đánh bộ với quân số cũng đứng hàng thứ hai trên thế giới.

Liệu có lúc nào đó Hải quân Trung Quốc trở thành đối thủ của Hải quân Nga – hiện Hải quân Nga cũng đang mở rộng phạm vi hoạt động với chiến dịch Syria và bắt đầu đối đầu với Phương Tây ? Rõ ràng là, sự hiện diện kinh tế của Bắc Kinh ở Trung Cận Đông chắc chắn sẽ kéo theo sự hiện diện quân sự ở khu vực này.

Các chuyên gia đều thống nhất quan điểm cho rằng Trung Quốc sẽ trở thành một "tay cờ" có ảnh hưởng ở khu vực và sẽ can thiệp vào cuộc xung đội ở Syria. Nhưng Bắc Kinh sẽ hành động như một diễn viên độc lập.

Thực tế trên khó có thể gọi là một tin tốt lành cho Nga – vì Nga đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc chia miếng bánh Syria với Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Israel, Jordany, người Kurd và người Mỹ.

Một liên minh quân sự thực sự giữa Nga và Trung Quốc – nó là một cái gì đó nằm trong số những câu chuyện hoang đường (tức không bao giờ có –ND). Moskva cần phải hết sức chăm chú theo dõi sự phát triển cuộc xung đột giữa Bắc Kinh và Washington, nhưng tuyệt đối không được tham gia vào một liên minh nào đó , trong bất kỳ trường hợp nào .

Lê Hùng – Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn : Đất Việt, 18/03/2017

*********************

(1) 29 năm CQ-88 : Biển Đông không yên vì dã tâm Trung Quốc (Đất Việt, 15/03/2017)

Hãng thông tấn Nga Sputnik vừa có bài viết nói về hành động của Trung Quốc xâm chiếm các đảo ở Quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam.

Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi về Hoàng Sa và Trường Sa

Ngày 14/3, chuyên gia Nga Alexei Syunnerberg đã có bài viết trên trang web của Hãng thông tấn Nga Sputnik để bàn về cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc  nhằm vào các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Quần đảo Trường Sa.

Vào trung tuần tháng 3, Việt Nam kỷ niệm 29 năm trận chiến Trường Sa, mà Hà Nội gọi là trận chiến "bảo vệ chủ quyền Tổ quốc". Đây không phải là lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại Việt Nam phải đối đầu Trung Quốc, nước luôn thực thi chính sách bành trướng "xuống phía Nam".

Các nhà sử học Trung Quốc nói rằng, ngay trước công nguyên các nhà địa lý của nhà Hán đã biết về quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, trên nhiều bản đồ thời nhà Minh thấy rõ đảo Hải Nam là cực nam biên giới phía nam của Trung Quốc, không có Hoàng Sa và Trường Sa.

Trên các bản đồ thời nhà Thanh từ năm 1848 đến năm 1905 cũng không có hai quần đảo này. Đến năm 1895, triều đình Trung Hoa thậm chí đã gửi văn bản chính thức cho Chính phủ Anh trong đó viết rõ rằng quần đảo Trường Sa không thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Hơn nữa, vào năm 1906, Bắc Kinh đã phát hành sách giáo khoa địa lý, trong đó lãnh thổ của Trung Quốc không bao gồm quần đảo Trường Sa.

Chỉ đến năm 1947, Tổng thống Trung Hoa Dân quốc (chính quyền Quốc Dân Đảng kiểm soát Đài Loan) Tưởng Kinh Quốc mới ký sắc lệnh, theo đó tất cả các hòn đảo ở vùng Biển Đông được đưa vào khu hành chính Hải Nam.Dưới thời Liên bang Đông Dương, Pháp đã thực thi chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa. Nguyên nhân kết nối quần đảo vào thành phần Liên Bang Đông Dương là các tài liệu ghi rõ rằng, ngay từ thế kỷ 17 những quần đảo này luôn luôn thuộc về Việt Nam.

bdtq2

Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

Ngay vào nửa đầu thế kỷ 17, trên bản đồ "Tứ chí lộ đồ" do Đỗ Bá Công Đạo vẽ thì quần đảo Trường Sa - Hoàng Sa được gọi là vùng phủ Quảng Ngãi, xứ Quảng Nam.

Vào năm 1816, vua Gia Long, vị vua đầu tiên của vương triều Nguyễn, đã tuyên bố chủ quyền quần đảo Hoàng sa và Trường sa.

Một thế kỷ sau đó, đoàn thám hiểm khoa học của Pháp ghé thăm các hòn đảo này và kết luận rằng, về mặt địa lý các đảo này thuộc về Việt Nam. Năm 1930, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định xác định quần đảo Trường Sa là lãnh thổ Pháp. Và sau khi kết thúc thời kỳ Pháp thuộc, các quần đảo này thuộc chủ quyền Việt Nam.

Tổng diện tích hơn một trăm đảo lớn nhỏ và các rạn san hô của quần đảo này còn ít hơn 5 km vuông. Tuy nhiên, vùng lãnh hải của quần đảo này ở Biển Đông rộng tới 400.000 km2 và có nhiều dự trữ dầu mỏ, đồng thời là tuyến đường biển huyết mạch nối với Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Biển đảo Việt Nam chưa bao giờ yên vì dã tâm của Trung Quốc

Sau sự thất bại của Pháp trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, Trung Quốc đã chiếm phần phía Đông của quần đảo Hoàng Sa, mặc dù theo Công ước Geneva, văn kiện mang chữ ký của Trung Quốc, quần đảo thuộc quyền quản lý của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.Sau khi ký kết hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, Trung Quốc rất nhanh chóng tổ chức chiến dịch chiếm các đảo phía Tây thuộc quần đảo Hoàng Sa vào tháng 1 năm 1974, chiếm đóng quần đảo này không chờ đợi sự tái thống nhất Việt Nam.

bdtq33

Bản đồ Trung Quốc xuất bản năm 1933, lãnh thổ Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam

Hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã kháng cự quyết liệt trong 5 ngày. Thậm chí đã sẵn sàng đưa các tàu chiến lên bờ để khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo này và đặt hết hy vọng vào sự yểm trợ của Hạm đội 7 Mỹ.

Cũng cần nói thêm rằng, không có nước nào trên thế giới công nhận Hoàng Sa là lãnh thổ của Trung Quốc. Còn chính phủ Việt Nam trước sau vẫn khẳng định rằng, Hoàng Sa là một phần máu thịt của đất nước, là lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam.

Trong chiến dịch giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975, Việt Nam đã giải phóng các đảo thuộc Quần đào Trường Sa, sau đó, Việt Nam cũng gia đã điều quân đến đồn trú ở đó.

Theo chuyên gia Alexei Syunnerberg, sau khi Việt Nam hoàn toàn giải phóng, Bắc Kinh lo ngại ảnh hưởng ngày càng lớn của Việt Nam đối với các nước Đông Dương nên đã tìm đủ mọi cách ly gián quan hệ giữa các nước này.

Trong khi tiếp tục thực thi chính sách bành trướng "xuống phía Nam", Trung Quốc đã tăng cường viện trợ kinh tế, quân sự, hậu thuẫn cho chế độ diệt chủng Pol Pot ở Campuchia quấy rối biên giới Tây Nam của Việt Nam.

Và trong năm 1979, Bắc Kinh đã bất ngờ huy động hơn 60 vạn quân và hàng nghìn máy bay, xe tăng, thiết giáp mở cuộc tấn công ồ ạt sang lãnh thổ Việt Nam, trên toàn tuyến biên giới phía Bắc để trừng phạt Việt Nam vì đã lật đổ chính quyền Khơ me Đỏ.

Tuy nhiên, vấp phải sự kháng cực mãnh liệt của quân dân Việt Nam đang phòng thủ biên giới (chủ lực Việt Nam không tham chiến), quân Trung Quốc đã bị thiệt hại nặng nề. Trung Quốc buộc phải rút quân, kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam kéo dài 30 ngày.

Thế nhưng, Việt Nam chưa bao giờ yên bình được với nhà cầm quyền Bắc Kinh. Vào tháng 3 năm 1988, đến lượt quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, cách điểm cực nam lãnh thổ Trung Quốc tới hơn 1000km đã trở thành mục tiêu xâm chiếm của chiến lược bành trướng bá quyền Bắc Kinh.

Trung Quốc không từ bỏ dã tâm xâm lược Biển Đông

Bắt đầu từ năm 1987, hải quân Trung Quốc bắt đầu tuần tra khu vực quần đảo Tường Sa, đến đầu năm 1988, Trung Quốc đã đổ quân chiếm giữ một số đảo không người ở quần đảo Trường Sa và nhanh chóng gia cố các đảo này thành cứ điểm phòng thủ.Đến tháng 3/1988, trong vụ đụng độ chiếm đá Gạc Ma (Johnson South Reef), tàu chiến Trung Quốc đã bắn cháy 3 tàu vận tải của Việt Nam.

bdtq4

Tàu HQ-604 của Việt Nam bị tàu Trung Quốc xâm lược bắn chìm ngày 14/3/1988

Chuyên gia Alexei Syunnerberg cho biết, nhiều chuyên gia, ví dụ như nhà phân tích chính trị Nga Vladimir Kolotov nhận xét rằng, diễn biến sự kiện nguy hiểm nhất đối với Việt Nam là việc Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể đạt thỏa thuận riêng.

Điều này đã từng xảy ra với Quần đảo Hoàng Sa. Sau chiến lược "Ngoại giao bóng bán" và chuyến thăm Bắc Kinh vào năm 1972, Tổng thống Mỹ Nixon từ bỏ chính sách kiềm chế cả Liên Xô và Trung Quốc, và bắt đầu cùng với Trung Quốc thực thi chính sách kiềm chế Liên Xô.

Washington trả ơn Bắc Kinh về việc đứng cùng phe với Hoa Kỳ để đấu với Liên Xô bằng cách im lặng về việc Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, không hề hỗ trợ gì cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa là đồng minh của Mỹ lúc đó.

Và rồi trong năm 1988 cả Mỹ lẫn Liên Xô đều "không để ý" đến trận Hải chiến Trường Sa - Giáo sư Kolotov nhận xét.

Hoa Kỳ có lợi ở việc duy trì sự căng thẳng giữa hai nước xã hội chủ nghĩa lớn trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương là Trung Quốc và Việt Nam. Hơn nữa, Mỹ và Trung Quốc có rất nhiều lợi ích chung nên đương nhiên là Washington sẽ im lặng.

Nếu nói về Liên Xô, thì vào thời điểm đó Liên bang các nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa đã đặt một chân vào bờ vực tan rã và đang trong tình hình quốc tế rất phức tạp.9 năm trước đó, trong thời gian cuộc chiến biên giới của Trung Quốc chống Việt Nam, Liên Xô đã hỗ trợ rất tích cực cho Việt Nam. Nhưng, vào cuối thập niên 1980, ban lãnh đạo của Liên Xô đã rút khỏi công việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong cả nước và đối ngoại.

bdtq5

Trung Quốc đang sử dụng "Đường lưỡi bò" để đòi chủ quyền phi pháp trên Biển Đông

Do đó, trong cuộc chiến xâm lược của Trung Quốc đối với Quần đảo Trường Sa, Việt Nam đã phải đơn độc chống lại một đối thủ mạnh hơn mình rất nhiều lần và nhiều đảo, đá thuộc 2 quần đảo của Việt Nam đều bị xâm chiếm vì những "cái móc ngoặc đáng ngờ" giữa Trung Quốc và Mỹ.

Sau khi chiếm được các đảo ở Trường Sa, Trung Quốc thông báo đặt cả Hoàng Sa và Trường Sa vào "Đường chín đoạn" mà Việt Nam gọi là "Đường lưỡi bò". Bắc Kinh tuyên bố về cái gọi là "quyền lịch sử" để tuyên bố chủ quyền đối với vùng lãnh hải Biển Đông, với diện tích kiểm soát lên tới 80% Biển Đông.

Hiện nay, Trung Quốc đang kiểm soát 9 đảo và đang ồ ạt xây dựng các công trình quân sự trên các hòn đảo nhân tạo mà nước này cải tạo trái phép, nhằm thay đổi hiện trạng Biển Đông, phục vụ cho mục đích tranh đoạt chủ quyền quần đảo này, hòng nuốt trọn diện tích trên 2 triệu km vuông Biển Đông.

Trước thềm Việt Nam kỷ niệm 29 năm chiến dịch bảo vệ quần đảo Trường Sa (chiến dịch CQ-88) đã có tin rằng, Trung Quốc dự kiến tăng gấp 5 lần quân số Lực lượng hải quân đánh bộ với lý do "bảo vệ hòa bình và quyền lợi của Trung Quốc trong vùng Biển Đông".

Chuyên gia Alexei Syunnerberg nhận xét, Bắc Kinh chưa bao giờ từ bỏ  chính sách bành trướng "xuống phía Nam". Còn Việt Nam cũng chưa bao giờ mất cảnh giác và đang làm tất cả để bảo vệ chủ quyền của mình, kể cả việc đẩy mạnh hợp tác quốc phòng đa phương, mua sắm vũ khí trang bị hiện đại như các tàu ngầm Kilo, máy bay Su-30MK2 có khả năng tác chiến biển rất hiện đại của Nga…

Thiên Nam

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lê Hùng, Nguyễn Hoàng
Read 981 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)