Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/05/2019

Điều gì thực sự đáng lưu ý từ Hội nghị Trung ương 10 ?

Hà Hoàng Hợp

Hội nghị Trung ương 10, khóa XII của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vừa bế mạc sau ba ngày diễn ra ở Hà Nội, với sự trở lại làm việc của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

tư1

Hội nghị Trung ương 10, khóa XII của Đảng Cộng sản Việt Nam bế mạc hôm 18/05/2019 tại Hà Nội

Nhân dịp này, BBC tiếng Việt phỏng vấn một nhà phân tích chính trị Việt Nam, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cao cấp khách mời thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas, Singapore), sau đây là nội dung cuộc trao đổi :

BBC : Trước hết, xin Tiến sĩ vui lòng cho biết đánh giá, nhận xét chung của ông về Hội nghị Trung ương10 khóa XII vừa diễn ra ? Theo ông điểm đáng lưu ý nhất từ Hội nghị này là gì ?

Hà Hoàng Hợp : Theo tôi, Hội nghị trung ương 10 về nội dung không có gì đặc biệt. Đấy là hội nghị tiếp tục xây dựng các văn kiện cho Đại hội 13, trong đó có các văn kiện về chính trị, tư tưởng, tổ chức, nhân sự, đường lối phát triển kinh tế, phát triển xã hội, chính sách quốc phòng, an ninh, ngoại giao. Về chính trị, tiếp tục đổi mới hệ thống chính trị VN trong đó tiếp tục mở rộng dân chủ trong đảng, nâng cao minh bạch, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo đối với Đảng, Nhà nước.

Cụ thể là về cương lĩnh, tổng kết thực hiện cương lĩnh 2011, rút thêm các bài học từ cương lĩnh 1991 (Đại hội 7). Không thấy nói đến bổ sung gì cho cương lĩnh đại hội 13 tới đây. Về cương lĩnh, tổng kết thực hiện cương lĩnh 2011, rút thêm các bài học từ cương lĩnh 1991 (Đại hội 7). Cũng không thấy nói đến bổ sung gì cho cương lĩnh đại hội 13 tới đây.

Về kinh tế, xây dựng kinh tế thị trường, đảm bảo các nhân tố định hướng xã hội chủ nghĩa. Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, chưa thấy nói đến bất kỳ điều gì mới, chỉ thấy nhấn mạnh chính sách đang có. Về xã hội, đề cập đến nguyện vọng của nhân dân, các vấn đề xã hội đang tồn tại (ví dụ người dân kêu ca, phàn nàn về vấn đề đất đai...)

BBCÔng có nhận xét gì về vai trò của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng xuất hiện trở lại và chỉ đạo Hội nghị này ? Các phát biểu, phát ngôn chính trị của ông Trọng từ hôm 14/5 tới hôm nay 18/5/2019 có điều gì mà giới quan sát cảm thấy quan tâm nhất ?

Hà Hoàng Hợp : Hai cuộc họp ngày 14 và 15/5, phát biểu của ông Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng có các điểm như trình bày trong Hội nghị Trung ương 10.

Câu nói "đừng kỳ thị kinh tế tư nhân" và các câu sau đó, theo tôi không phải là nhân tố đường lối hay chính sách mới của Đảng.

Quan hệ của Đảng và của nền kinh tế đối với kinh tế tư nhân, đã được nêu cụ thể trong Cương lĩnh 1986, Cương lĩnh 1991, được luật hóa bởi các bộ luật như luật doanh nghiệp và nhiều luật khác.

Có gì mới về nhân sự ?

BBCVề nhân sự, truyền thông tin tức của Việt Nam đưa tin bế mạc Hội nghị có nhắc tới nội dung gọi là nhân sự khóa 13 và giới thiệu những nhân tố mới có triển vọng. Theo ông thế nào là mới và có triển vọng ? Thực chất của việc chuẩn bị nhân sự này như thế nào ? Có gì khác so với lộ trình khoảng 20 tháng trở lại trước thềm Đại hội XII lần trước hay không ? Có chuyện được cho là sửa hay ban hành quy định mới, tiêu chuẩn mới để phù hợp với "tình hình mới, yêu cầu mới" như Đại hội đó hay không ?

Hà Hoàng Hợp : Nói về nhân sự, Hội nghị trung ương 10 không bàn cụ thể gì về nhân sự.

Cũng không có văn bản mới nào về quy hoạch cán bộ, không có bổ sung nào cho quy trình quy hoạch, lựa chọn cán bộ. Như vậy công tác cán bộ thời gian tới vẫn theo các quy định đang có.

Khó hình dung về các nhân tố mới bởi vì các quy định đã nêu rõ về tiêu chuẩn, độ tuổi, kinh nghiệm, thành tích công tác, cơ cấu vùng - miền, nam, nữ, người dân tộc... Cũng không thấy các dấu hiệu bổ sung nhân sự cho các vị trí đang khuyết.

Nhưng rất có thể Hội nghị trung ương 11 sẽ có các quy định mới cho phù hợp với 'tình hình mới'.

BBCDường như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gần đây đã làm nhiệm vụ 'Ba trong một' khi thay Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng xuất hiện tại Diễn đàn Sáng kiến Vành đai & con đường ở Bắc Kinh, đọc điếu văn trong Tang lễ cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh và tham gia điều hành (phiên khai mạc…) trong Hội nghị Trung ương10, mặc dù ông Nguyễn Phú Trọng đã trở lại, nhưng nếu ông lại tái diễn vấn đề sức khỏe, thì Ban lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước có thấy có rủi ro gì không và sẽ xử lý như thế nào để được hiệu quả nhất ? Xin mở ngoặc là trong Bộ Chính trị đã có một Ủy viên được cho là có vấn đề sức khỏe, tạo ra sự vắng mặt khá lâu trong Bộ Chính trị và tạo thành một ghế khuyết, đó là trường hợp của ông Đinh Thế Huynh.

Hà Hoàng Hợp : Vâng, thời gian ông Trọng vắng mặt, thì ông Phúc thủ tướng được chỉ định đi dự Diễn đàn Sáng kiến Vành đai và Con đường, việc đó là bình thường.

Ông Trọng nắm hai trong bốn chức quan trọng nhất, nên đương nhiên, khi ông ấy vắng mặt, thì phải có người làm thay trong các sự kiện công cộng.

Trường hợp ông Huynh nghỉ chữa bệnh lâu dài, cùng với việc trống hai vị trí trong bộ chính trị nữa (một là do ông Trần Đại Quang qua đời, hai là vụ ông Đinh La Thăng bị cho thôi), đến nay chưa thấy Ban Chấp hành Trung ương nói gì về có bẩu bổ sung hay không.

tư2

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo tại Hội nghị Trung ương 10, sự kiện được truyền thông Việt Nam đưa tin khá đậm nét dịp này

'Chỉ thị 90 là chưa đủ'

BBCCuối tháng trước, ông có tham gia một bài viết trên trang mạng của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas Singapore), đề cập một số phương án và nguyên tắc thay thế, bổ sung nhân sự cấp cao và cao cấp nhất trong ban lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam, tới thời điểm này, ông có gì điều cập nhật mà muốn nói rõ thêm ?

Hà Hoàng Hợp : Bài viết ngắn (780 chữ) chúng tôi viết ở ISEAS, dựa trên Chỉ thị số 90 của Ban chấp hành Trung ương về công tác quy hoạch nhân sự.

Trong đó, đã viết rằng nội dung Chỉ thị số 90 là một bước tiến mới để minh bạch hóa quy hoạch cán bộ, hạn chế các tác động lợi ích nhóm.

Tuy nhiên, Chỉ thị đó chưa đủ, vì còn có các điểm mà khi vận dụng, có thể chưa chắc chắc.

Cho nên có thể sẽ có thêm các quy định bổ sung, để quy hoạch cán bộ cho Đại hội 13 được tốt hơn.

BBCHội nghị Trung ương10 đã khép lại, từ nay đến Đại hội 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam dự kiến sẽ có vài hội nghị nữa, hội nghị nào theo ông sẽ có tầm quan trọng chính yếu, nội dung, nghị trình của sự kiện đó có thể có điểm gì đáng quan tâm với công chúng và các giới ?

Hà Hoàng Hợp : Hội nghị trung ương nào cũng quan trọng. Nhưng các hội nghị chuyên đề về tổ chức, nhân sự là quan trọng nhất.

Từ nay đến Đại hội 13, có thể sẽ có 4 hội nghi trung ương nữa. Trong đó, có thể có ít nhất hai hội nghị trung ương có chuyên đề tổ chức - nhân sự.

Ngoài ra, sẽ có các hội nghị Bộ chính trị, Ban bí thư. Hy vọng đảng sẽ cho đưa lên mặt báo Việt Nam nội dung của các hội nghị, các cuộc họp của Bộ chính trị/Ban bí thư như hôm 14 và 15/5/2019 vừa rồi.

Cuối cùng, tôi xin được nói thêm một ý liên quan đến nhân sự, đó là mới đây khi xuất hiện trở lại, ông Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh rằng sẽ chống chạy chức, chạy quyền. "Chạy chức là không dùng !"

Vì thế trong khi quy hoạch, đảng sẽ cần vận dụng nghiêm túc các quy định sao cho không để xảy ra chuyện chạy chọt chức quyền, hoặc hạn chế chuyện chạy chọt này, như ông Trọng đã công khai phát biểu trước tất cả mọi người".

'Đặt trong bối cảnh mới'

Trong một nội dung có liên quan, tuần này Bàn tròn thứ Năm từ London của BBC Việt ngữ đã đặt câu hỏi cho một nhà nghiên cứu trong nước nhân Hội nghị 10 nhóm họp, bình luận về khía cạnh văn kiện và đường lối, trong bối cảnh mới trong nước ở Việt Nam và quốc tế, hướng tới Đại hội XIII, Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Quý Thọ từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói :

"Nếu chúng ta đẩy xa về các vấn đề thể chế thì cũng rất phức tạp, nhưng tập trung vào Hội nghị Trung ương10, tôi thấy rằng các văn kiện cũng rất quan trọng, bởi vì hiện nay Đảng và nhà nước đang tồn tại như thế này, chúng ta chưa nói khác được. Điều này rất quan trọng vì sao ? Bởi vì sau một thời gian khủng hoảng của nhiệm kỳ trước, kể cả về mặt kinh tế, xã hội, kể cả về mặt nhân sự, ý thức hệ, có rất nhiều cái thay đổi.

"Bây giờ lại thêm vào nữa là các bối cảnh quốc tế, đặc biệt là cuộc Thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc, thì Đại hội tới này cần phải đưa được những yếu tố đó vào, phải đánh giá đúng hoàn cảnh lịch sử bây giờ để mà có những thay đổi rất quyết liệt.

"Thứ nhất tôi muốn nói là chính sách phải cởi mở và luật pháp hóa rất nhiều các vấn đề để chúng ta [Việt Nam] có thể hội nhập tốt, đặc biệt quan hệ với Mỹ hoặc quan hệ với một số nước, chuẩn bị cho chuyến đi Mỹ này [của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng], phải nhấn mạnh là thể chế phải được thay đổi và phải luật hóa việc này.

"Đặc biệt là chuẩn bị ký kết đối với các Hiệp định thương mại tự do với EU, rồi với một loạt các nước là cần phải thay đổi rất nhanh, trong đó có Luật lao động mà rất nhiều người nhắc đến.

"Cái thứ hai là về kinh tế. Kinh tế thì nhiệm kỳ trước và nhiệm kỳ này rất khác nhau, cho nên phải đưa vào. Thí dụ như trước kia chúng ta nói nhiều về các 'Quả đấm thép', rồi Tập đoàn nhà nước. Thời kỳ này người ta đang đẩy mạnh về tư nhân hóa cũng vậy, cũng phải đưa vào.

"Tất cả những cái này có một điểm nữa rất quan trọng về xã hội, xã hội cũng chịu tác động của những chính sách kinh tế mà hiện nay được cho là rất thực tế hay rất thực dụng, cái này cũng phải được đưa vào. Tôi nghĩ rằng nếu anh lẩn tránh cái này, thì nó sẽ rất tai hại, bởi vì nó để lại những tác động không chỉ về kinh tế mà cả về xã hội, mà lúc nào có thời gian, BBC nên bàn tiếp về những vấn đề này.

"Đó là những cái rất quan trọng về văn kiện, tôi cho là rất quan trọng, nếu chúng ta quan sát văn kiện này, nếu không có gì thay đổi thì tôi e là vẫn giữ nguyên như thế thôi", nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách & Phát triển, thuộc Bộ Kế hoạch & Đầu tư nói với Bàn tròn thứ Năm từ London của BBC.

Cũng trong dịp này, một số ý kiến của nhà quan sát trong nước không muốn tiết lộ danh tính, bình luận với BBC nhân Hội nghị về vấn đề mà họ cho là có thể có hiện tượng "cạnh tranh quyền lực nội bộ" hay "đấu đá phe phái" và chống tham nhũng mà truyền thông Việt Nam hay đề cập đến là "củi lửa và đốt lò" :

"Có hai loại củi là củi loại A và củi loại B. Theo tôi, củi loại A là củi có tội thật (tham nhũng, phạm luật...), còn củi loại B là củi có thể có màu sắc 'chính trị và phe phái', một ý kiến nói.

"Có người nói từ nay đến gần Đại Hội có thể 'bắt bớ' nhiều lên, nhưng sát gần Đại hội thì tạm dừng, có vẻ các phe đã đang có 'thỏa thuận với nhau'.

"Song cũng có người nói là phải đến thật gần Đại hội, tức là các Hội nghị trung ương cận Đại hội thì lò mới càng nóng thực sự. Lần trước có vị lãnh đạo phiên khai mạc rất hồ hởi, nhưng càng về sau thì càng căng thẳng, có vị thậm chí còn có dấu hiệu bỏ ngang đi làm việc khác", một ý kiến khác chia sẻ với BBC.

Quốc Phương thực hiện

Nguồn : BBC, 18/05/2019

Quay lại trang chủ
Read 687 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)