Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

20/03/2017

Ai thua trong cuộc chiến "Cán bộ - Quy trình" ?

Xuân Dương

Khi "quy trình" chẳng làm gì được "cán bộ" thì hoặc là phải làm lại "quy trình" hoặc phải làm lại "cán bộ", chứ chẳng lẽ "làm lại" Nhân dân ?

Chuyện bố bổ nhiệm con, chồng bổ nhiệm vợ, anh bổ nhiệm em,… làm lãnh đạo trong đơn vị mình quản lý, nói gọn là "bổ nhiệm người nhà" đã tạo nên câu thành ngữ hiện đại "đồng chí này là con đồng chí nào", câu này đã thay thế một cách "tuyệt vời" câu ca dao cổ "con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa".

Tuy nhiên nếu xem xét việc các vị Nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, nguyên Giám đốc sở Nguyễn Thành Rum (Thành phố Hồ Chí Minh)…, bổ nhiệm cán bộ thì câu "bổ nhiệm người nhà" lại sai bét. 

Phiên bản 2.0 của câu "đồng chí này là con đồng chí nào", sẽ phải đổi thành "đồng chí này thuộc nhóm đồng chí nào" ?

Một tờ báo điện tử có uy tín ngày 26/10/2015 đăng bài với tiêu đề : "Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc" [1].

quytrinh1

Quy trình bổ nhiệm cán bộ. (Ảnh minh họa : Khều/ Tienphong.vn)

"Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc" là chuyện quốc gia đại sự, bàn đến chuyện này e là tầm phải cao chót vót, thế nên bài viết chỉ dám đề cập đến chuyện "bé tí tì ti" liên quan đến cấp phòng, cấp sở, đôi lúc quá đã đến cấp bộ chứ không hơn.

Bạn đọc hẳn chưa quên câu chuyện ông nguyên Bí thư tỉnh Quảng Nam tâm sự : "Tôi thấy xu hướng kinh tế khó khăn nên khuyên con thôi bây giờ quay về hướng nhà nước". 

Chỉ khuyên có "một tí" là con ông thành Giám đốc Sở, nếu ông còn "khỏe", còn "nói dài, nói dai, nói … đại" được, ông khuyên thêm "hai tí" biết đâu cậu nhà sẽ thành Chánh, Phó địa phương ?

Cùng chung "chiến hào" với ông Bí thư, ông Đinh Văn Thu, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam còn khẳng định "nhiều cán bộ ở tỉnh được bổ nhiệm không phải xem xét tiêu chuẩn do Bộ Nội vụ quy định". (Nld.com.vn 13/10/2015).

"Tiêu chuẩn do Bộ Nội vụ quy định" chính là phần cốt lõi của quy trình bổ nhiệm cán bộ, nhưng không ít "cán bộ" khi đã "ấm chỗ" thì lại "lật kèo", lại xem "quy trình" không khác mớ giấy lộn - như ý kiến nguyên chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam - vì sao thế ?

Từ nhiều năm trước, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam từng có bài : "Con trai, con rể Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương băng băng trên đường quan lộ" [2].

Không biết hai ông "nguyên Bí thư" nêu trên có phải là "điển hình tiên tiến" của người đứng đầu, chỉ biết không chỉ các đồng chí cấp tỉnh, cấp sở mà cả cấp huyện, cấp bé hơn huyện ở nhiều nơi (chứ không chỉ ở hai tỉnh nêu trên) đều học tập, đều vận dụng một cách nhuần nhuyễn tác phong làm việc sâu sát đến tận "hộ gia đình" của các "đồng chí" ấy ?

Chuyện Giám đốc Sở Nội vụ Hải Dương, ông Phạm Văn Tỏ bổ nhiệm (không qua thi tuyển) con trai làm Phó Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ là một trong vô số ví dụ minh họa.

Nó không phải là cá biệt vì nghe đồn một ông lãnh đạo ở Hải Dương là chú bác gì đó cái ông vụ phó "thần tốc" ở Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, chẳng biết là ruột thịt hay họ hàng "bắn ca nông" hay là cư dân mạng đồn thổi ác ý ?

Thêm ví dụ nữa để khẳng định chuyện lùm xùm tại Hải Dương không phải cá biệt, đó là "hộ liền kề" với Hải Dương, ở Hải Phòng, ông Giám đốc Sở Xây dựng "thừa nhận đã sai một số bước trong quy trình bổ nhiệm cán bộ, song Giám đốc Sở Xây dựng khẳng định con trai đủ năng lực làm Phó phòng" [3].

Phát biểu của ông Giám đốc Sở ở Hải Dương tuy không giống 100% nhưng ý nghĩa thì chẳng khác gì câu mà ông nguyên Bí thư Quảng Nam khẳng định :

"Và tôi có thể khẳng định việc đó (con trai làm Giám đốc Sở) thừa sức, B. có uy tín để làm".

Liệu con các ông lãnh đạo làm Giám đốc hay Phó phòng có phải là "hạnh phúc"… của tỉnh nhà ?

Người xứ Quảng vốn chất phác, nói năng "thẳng ruột ngựa" nên ông Bảy Phúc (Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc) mới bảo "tìm người tài, không tìm người nhà". 

Dân Bắc Kỳ nói năng văn hoa nên ông cựu Giám đốc Sở ở Hải Dương - trong vụ "Sở có 46 người thì 44 là lãnh đạo" - cho rằng ông đưa người làm cán bộ là "vì nhân dân, vì cán bộ" chứ tuyệt nhiên không có "cái kim, sợi chỉ" nào !

Cuộc chiến giữa "quy trình" và "cán bộ" diễn ra mấy chục năm nay, phần thắng lúc thuộc bên này, lúc thuộc bên kia, cũng có lúc "huề". 

Bất kể hai bên tham chiến "thắng, thua hay huề", người thua vẫn là Nhân dân, là thể chế.

Nếu "quy trình" thắng "cán bộ", Nhân dân thua vì "cán bộ" đều do Hội đồng Nhân dân bầu chọn ;

Nếu "cán bộ" thắng "quy trình", Nhân dân thua vì chẳng ai làm gì được "cán bộ" ;

Nếu hai bên "huề", Nhân sân vẫn thua vì trong "cuộc chiến" giữa "quy trình" và "cán bộ" chẳng có "quy trình" nào bỏ tiền túi cho xăng xe, vé máy bay…, đó đều từ ngân sách tức là tiền thuế của dân. 

Mặt khác chẳng có "cán bộ" nào "phản pháo" mà lại không dùng quỹ thời gian công sở cũng như hệ thống chính trị dưới quyền.

Chuyện thành phố Đà Nẵng trả lại xe do doanh nghiệp tặng, rốt cuộc mất bao nhiêu tiền của và thời gian của truyền thông, của Chính phủ, rốt cuộc cái biển xe "siêu khủng" ấy rơi vào tay ai, rốt cuộc thì Nhân dân được gì, mất gì ?

Sớm muộn gì thì dân chúng cũng sẽ ngơ ngác hỏi nhau "bên nào đúng" ? 

Khi "quy trình" chẳng làm gì được "cán bộ" thì hoặc là phải làm lại "quy trình" hoặc phải làm lại "cán bộ", chứ chẳng lẽ "làm lại" Nhân dân ?

Đến đây thì bắt đầu sinh chuyện vì muốn làm lại "quy trình" thì phải có "cán bộ", ngược lại, muốn làm lại "cán bộ" thì phải có "quy trình".

Không thể nào lại bắt đầu từ "thủa hồng hoang", nghĩa là bỏ cả "quy trình" lẫn "cán bộ" để làm lại từ đầu ?

Đương nhiên không thể làm theo kiểu "tung hê" như thế mà nên làm theo lời tiền nhân "cờ ngoài, bài trong". 

"Cờ ngoài" ở đây là Nhân dân, cứ để cho Nhân dân ở ngoài bày cho, mọi việc sẽ đâu vào đấy, vấn đề là "bài trong" có nghe lời "cờ ngoài" không, có muốn "cờ ngoài" tham gia, góp ý không ?

Chẳng phải đã có những ví dụ nhờ có "cờ ngoài" mách nước mà mấy vị Trịnh Xuân ThanhVõ Kim CựHồ Thị Kim Thoa… bị đưa ra xem xét đó sao ? Gần đây rộ lên mấy nước "cờ ngoài" liên quan đến ông Huỳnh Phong Tranh, Huỳnh Đức Thơ,… không biết rồi "bài trong" sẽ làm gì, hay là "huề" ?

Truyền thông đưa tin nhiều - nói theo cách thận trọng là "không ít" - những cuộc "huề" nổi đình nổi đám gần đây khiến "cờ ngoài" xuýt xoa tiếc rẻ. 

Đơn cử như trường hợp ông nguyên Bí thư tỉnh Quảng Nam nói : "Tôi khẳng định B. (con trai ông) chưa có chuyên viên chính nhưng nó có cái tương đương", vậy nên việc "cháu nó" làm Giám đốc Sở là … đúng quy trình. 

Người dân nín thở chờ đợi và cuối cùng mới vỡ lẽ mình nhầm vì kết luận thanh tra của cấp trên đã xem "cái tương đương" nó có là "đúng quy trình", là đúng như "cán bộ" (ông cựu Bí thư) khẳng định ?

Mới vài hôm trước, Bộ Nội vụ có công văn khẳng định việc Thành phố Hải Phòng bổ nhiệm ông Đào Trọng Đức - lãnh đạo một doanh nghiệp - làm Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố khi chưa được tuyển làm công chức là trái luật [4].

Cứ tưởng viện dẫn đến "Luật" thì không có gì phải bàn cãi, hóa ra không phải.

Luật có thể có giá trị ở đâu đó chứ không có giá trị ở Hải Phòng, chẳng thế mà ông Cao Xuân Liên - Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hải Phòng - phản pháo : "Việc bổ nhiệm ông Đào Trọng Đức là không sai quy định" [4].

Vụ này rồi không biết bên nào "thắng" hay cuối cùng cũng là "huề", nói theo kiểu "làng Vũ Đại" tuy "trái luật" đấy nhưng "không sai quy định (của Thành ủy ?)" ! 

Nếu sự "huề" diễn ra, nghĩa là người có cái tên rất nhân văn "Trọng Đức" vẫn ngồi ghế Phó Giám đốc Sở thì thua cuộc không chỉ là người dân thành phố Hoa Phượng đỏ nói riêng mà còn cả "Luật" nói chung. 

Riêng Bộ Nội vụ có thể nói là "không thua" vì đã có công văn thể hiện quan điểm, chỉ có điều "phép vua thua lệ làng", nên "công văn" ấy thua "quy định của Hải Phòng" một tí !

Chưa có thống kê chính xác tỷ số trận đấu giữa "quy trình" và "cán bộ", tuy vậy dựa vào ý kiến Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, có thể thấy phần thắng luôn nghiêng về phía "cán bộ".

Ông Tân nói : "Công tác cán bộ ở nhiều nơi có tình trạng đưa ra tiêu chuẩn điều kiện gì cũng thấy đáp ứng được cả. 

Quy trình lựa chọn, bổ nhiệm thì cũng làm đủ, lấy phiếu đều trên 50%, thông qua các cấp đầy đủ hết nhưng lại có trường hợp bổ nhiệm xong rồi thì một năm, mấy năm là thấy bị kỷ luật, bị bắt đi tù.

Quy trình, thủ tục làm đúng hết, chỉ có chọn người là không đúng" [5].

"Quy trình, thủ tục làm đúng hết, chỉ có chọn người là không đúng" bởi "chọn người" là việc của "Người", của cán bộ chứ không phải của "quy trình" !

"Cán bộ" có thể thắng "quy trình" nhưng sao có lúc "cán bộ" lại thua đầu gấu ?

Vì sao với quyền lực được giao, ông Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh lại không làm gì được "cát tặc", lại phải cầu cứu Thủ tướng ? Liệu có phải ông không điều khiển được đội ngũ dưới quyền hay ông sợ để địa phương làm sẽ hỏng việc ?

Chỉ trong vòng hơn một năm, kể từ khi bế mạc đại hội Đảng, chẳng hiểu sao lại xuất hiện không ít "đồng chí" cán bộ cao cấp - cả đương chức lẫn đã "hạ cánh" - được Ủy ban Kiểm tra Trung ương đưa vào tầm ngắm hoặc đã nhận án kỷ luật. 

Liệu có phải sự suy thoái đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên là hiện tượng chỉ mới xuất hiện một hai năm trở lại đây ? 

Câu trả lời có thể tìm trong di huấn của Hồ Chủ tịch, ngay sau khi giành được chính quyền, năm 1947 Hồ Chủ tịch đã phải viết "Sửa đổi lối làm việc". 

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 12/10/2015 trong bài viết "Những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cán bộ công chức Việt Nam" trích dẫn lời Hồ Chủ tịch như sau : 

"Tin vào dân chúng. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta. 

Nhân dân là người có quyền lực cao nhất, là người có ý kiến tối hậu về hiệu quả mọi công tác của Chính phủ, phẩm chất của mọi cán bộ công chức - thậm chí nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ"  [6].

Cụ Hồ dạy như thế nhưng đầu năm 2017 này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn phải nói : "Việt Nam còn có thứ văn hóa không nhúc nhích" [7].

Có lẽ chính cái thứ "văn hóa không nhúc nhích" tồn tại ngót nghét 70 năm nên mãi gần đây, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mới thấy một vài "đồng chí bị lộ" ?

Tương lai, có lẽ con số "đồng chí bị lộ" sẽ tăng bởi hai vị Chủ tịch thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đều nêu câu hỏi có sự "chống lưng" của cán bộ cho sai phạm không ? 

Báo chí tường thuật lời ông Nguyễn Đức Chung, rằng : "Nếu lần này không làm, ông sẽ chỉ rõ chỗ nào Bí thư quận nào, Chủ tịch, Trưởng công an phường, kể cả lãnh đạo sở (chống lưng cho sai phạm)".

Tuy con số còn quá ít ỏi so với "một bộ phận không nhỏ" song dẫu sao cũng đáng mừng, vì ít ra số lượng "đồng chí bị lộ" trong thời gian ngắn vừa qua cũng xấp xỉ cả mấy chục năm cộng lại.

Có điều, sau khi bị kỷ luật mà vẫn đương chức, vẫn đứng trong hàng ngũ thì thật khó ăn, khó nói với Nhân dân vì đất nước này, dân tộc này liệu có thiếu người tài đến mức vẫn phải dùng những người bị kỷ luật làm lãnh đạo ?

Xuân Dương

Nguồn : GDVN, 20/03/2017

Tài liệu tham khảo :

[1] http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/con-lanh-dao-lam-lanh-dao-la-hanh-phuc-cua-dan-toc-269501.html

[2] http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Con-trai-con-re-Bi-thu-Tinh-uy-Hai-Duong-bang-bang-tren-duong-quan-lo-post135344.gd

[3] http://www.tienphong.vn/xa-hoi/giam-doc-so-xay-dung-hai-phong-tran-tinh-viec-bo-nhiem-con-trai-1012317.tpo

[4] http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/hai-phong-bo-nhiem-mot-pho-giam-doc-so-ke-hoach-va-dau-tu-trai-quy-dinh-646958.bld

[5] http://nld.com.vn/chinh-tri/dung-quy-trinh-nhung-bo-nhiem-xong-la-bi-ky-luat-di-tu-20170310172507645.htm

[6] http://dangcongsan.vn/tu-lieu-van-kien/tu-lieu-ve-dang/lich-su-dang/doc-5101220159011346.html

[7] http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/thu-tuong-viet-nam-con-co-thu-van-hoa-khong-nhuc-nhich-20170112165517541.htm

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Xuân Dương
Read 753 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)