Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/06/2019

Quản trị quốc gia yếu kém thì ai chịu trách nhiệm ?

Nguyễn Hồng Phúc

"Gian lận thi cử trung học phổ thông quốc gia 2018 : Bộ trưởng nhận trách nhiệm, rồi sao nữa ?"

giaoduc1

"Gian lận thi cử trung học phổ thông quốc gia 2018 : Bộ trưởng nhận trách nhiệm, rồi sao nữa ?"

Nếu câu hỏi này được đặt ra với người đứng đầu Chính phủ : "Để đất nước nợ nần, môi trường ngày càng ô nhiễm, dân tình ta thán… thì trách nhiệm của Thủ tướng ra sao ?", thì câu trả lời sẽ như thế nào ?

Niềm tin vào tài năng quản trị của quan chức là canh bạc may rủi ?

Phạm vi hẹp hơn, nhiều nhật báo phát hành sáng 3-6 tại Sài Gòn có bản tin nội dung : "Sáng 3/6, Hội đồng nhân dân Thành phố Cần Thơ khoá IX, nhiệm kỳ 2016-2021 tiến hành họp kỳ thứ 12 (kỳ họp bất thường), bầu bổ sung chức danh Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố. Theo đó, các đại biểu Hội đồng nhân dân đã bầu ông Lê Quang Mạnh, Phó Bí thư Thành ủy Cần Thơ giữ chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố với kết quả 51/52 phiếu đồng ý (đạt 94,44%)".

Giả dụ mai này Cần Thơ bết bát trong mọi chuyện liên quan đến khả năng điều hành của ông quan đầu tỉnh mới chân ướt, chân ráo từ Hà Nội vào, liệu phải trách ai đây, vì người dân, tức cử tri Cần Thơ chẳng có ai bỏ lá phiếu bầu ông Lê Quang Mạnh. Họ cũng chẳng biết ông là ai, nên làm gì có niềm tin để mà xa xỉ dành cho ông.

Phát biểu tại buổi lễ nhậm chức, tân Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Cần Thơ Lê Quang Mạnh, nói : "Tôi trân trọng cảm ơn quý đại biểu Hội đồng nhân dân đã dành sự tin tưởng, tín nhiệm bầu tôi giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố. Trong điều kiện bản thân chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn tại địa phương để xứng đáng với sự tín nhiệm, niềm tin của đại biểu, nhân dân, tôi hứa sẽ cố gắng mức cao nhất, tận tuỵ trách nhiệm trong công việc ; trân trọng, học hỏi, kế thừa những thành quả quý báu của các bậc lão thành tiền nhiệm".

Mẫu câu "điều kiện bản thân chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn tại địa phương", xem ra tương tự với câu "trình độ, năng lực, sự hiểu biết của tôi có hạn, tuổi tác lại đã lớn" mà ông Nguyễn Phú Trọng đọc lúc tuyên thệ nhận chức Chủ tịch nước.

Vậy tại sao Cần Thơ lại không thể tìm ra một nhân sự có nhiều kinh nghiệm thực tiễn ở địa phương, để có thể giúp Cần Thơ phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững hơn ? Nếu mai này Cần Thơ bị tụt hậu, có lẽ ông Lê Quang Mạnh chỉ phải chịu trách nhiệm trong phạm vi "chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn tại địa phương". Điều đó đang ứng với ông Nguyễn Phú Trọng, khi vấn đề tuổi tác, sức khỏe đang khiến ông không thể xuất hiện ‘lành lặn’ trước công chúng.

Trong bối cảnh độc đảng toàn trị, rõ ràng vấn đề nhân sự cho các chức danh quản trị quốc gia tại Việt Nam đang từng bước lâm vào cảnh khủng hoảng. 

Theo cơ cấu trong Đảng, các ủy viên Bộ Chính trị giữ tất cả những cương vị chủ chốt trong bộ máy chính quyền : Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (cá biệt như các ông Hoàng Minh Giám, Ung Văn Khiêm, Xuân Thủy, Nguyễn Dy Niên không ở trong Bộ Chính trị).

Các ủy viên Bộ Chính trị khác giữ những cương vị chủ chốt của bộ máy đảng : Trưởng ban Tổ chức trung ương Đảng (đảm nhiệm công tác tổ chức, cán bộ), Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Đảng (kiểm tra tổ chức đảng, tư cách đảng viên, chống tham nhũng), Trưởng ban Tuyên giáo, Bí thư thành ủy Thành phố Hà Nội, Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Trưởng ban Dân vận trung ương cũng khá thường xuyên xuất hiện trong Bộ Chính trị.

Các ủy viên Bộ Chính trị giữ các cương vị Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch quốc hội và Thường trực Ban bí thư được gọi là "các cán bộ chủ chốt của Đảng, Nhà nước". Các ủy viên Bộ Chính trị này được gọi là các ủy viên Bộ Chính trị phụ trách chung, để phân biệt với các ủy viên Bộ Chính trị phụ trách lĩnh vực. 

Quyền hạn của ủy viên Bộ Chính trị (cũng như quyền hạn ủy viên Trung ương Đảng, ủy viên Ban bí thư) được quy định trong văn bản quy chế của Đảng. Các ủy viên Bộ Chính trị giữ các cương vị Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch quốc hội có quy định riêng. Quyền hạn của Tổng bí thư và Thường trực Ban bí thư được quy định riêng.

Hệ lụy của việc độc quyền quản trị quốc gia

Như phân tích ở trên cho thấy quyền lực trong bộ máy cầm quyền ở Việt Nam đan xen nhau, nên thực tế rất khó quy trách nhiệm cụ thể.

Đơn cử, Tổng bí thư là người đứng đầu toàn Đảng, là cấp trên của Bí thư cấp ủy, tổ chức đảng, là người đứng đầu Ban Chấp hành trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng và thay mặt Ban Chấp hành trung ương chủ trì công việc ba cơ quan quan trọng nhất trong hệ thống tổ chức của Đảng : Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, đồng thời là Bí thư quân ủy trung ương, là nhân vật quyền lực cao nhất.

Chủ tịch nước kiêm Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và an ninh, là nhân vật quyền lực đứng ở vị trí thứ hai trong Đảng.

Ông Nguyễn Phú Trọng hiện giữ cả hai vị trí quyền lực thứ nhất và thứ hai đó. Còn ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng chính phủ kiêm Bí thư Ban cán sự đảng Chính phủ, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh. Có thể coi như vị trí quyền lực thứ ba thuộc về ông Nguyễn Xuân Phúc.

Để xảy ra đất nước chồng chất nợ nần, môi trường ô nhiễm, dân tình oán than, quan chức chia bè kết nhóm lũng đoạn… thì trách nhiệm chính ở đây không ai khác ngoài ông Nguyễn Phú Trọng. Thế nhưng ở Việt Nam thì chưa có một quy định nào về xử lý kỷ luật đối với chức danh Tổng bí thư Đảng.

Hiến pháp 2013, Điều 4.2 ghi : "Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình".

"Chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình" có nghĩa một khi Đảng tuyên bố về quyền lực của mình là "lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội" (Điều 4.1, Hiến pháp), thì nếu không hoàn thành phần việc "Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân ; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân ; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện", ghi ở Điều 3, Hiến pháp, thì phần việc được giao, hoặc coi như được giao cho và phải bảo đảm làm tròn, nếu kết quả không tốt thì phải gánh chịu phần hậu quả.

Phần hậu quả đó là sự trừng phạt của pháp luật, hoặc là gánh lấy lấy sự thiệt hại từ quyết định hoặc từ lời hứa. Ở vai trò lãnh đạo một ngành hoặc một vùng nào đó trong bộ máy nhà nước, từ ‘chịu trách nhiệm’ nó bao hàm hoặc phải bị truy cứu trước pháp luật, hoặc phải chịu mất chức. 

Trong trường hợp chính thể độc đảng thì không hiện diện cách hiểu ‘chịu trách nhiệm’, bằng việc có một đảng chính trị khác lên thay quyền "lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội". Điều này đồng nghĩa với việc khi quản trị quốc gia yếu kém, nếu ai đó kiên quyết đòi hỏi việc quy trách nhiệm, thì ‘tập thể Bộ Chính trị’ sẽ cùng chịu trách nhiệm.

Trên thực tế thì bất kỳ ai dám thắc mắc về trách nhiệm của Bộ Chính trị, dám kêu gọi ‘tập thể’ ấy từ chức, sẽ có thể đối mặt với cáo buộc chống phá Đảng và Nhà nước. Danh sách ‘tù nhân lương tâm’ ở Việt Nam cứ mãi dài ra cũng từ nguyên do ấy.

Nguyễn Hồng Phúc

Nguồn : VNTB, 04/06/2019

Quay lại trang chủ
Read 465 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)