Sau khi bị nghi ngờ về ‘tay trong’ và phải chịu chỉ trích thâm cay không chỉ từ báo chí và dư luận xã hội mà còn từ nhiều đại biểu Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội tháng 5 - 6 năm 2019, Bộ Công an đã phải tổ chức một cuộc họp báo vào ngày 31/5/2019 để thông tin về "ông Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật Nhật Cường, không trình diện, cũng không có mặt ở nơi cư trú kể từ lúc khám xét cho đến khi khởi tố vụ án".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị triển khai Nghị định 01 và ngàn công an vào chiều 7/8. Ảnh : Quang Hiếu
"Sao bắt hàng được mà bắt người thì không ?"
Vẫn là Lương Tam Quang, Chánh văn phòng - Người phát ngôn của Bộ Công an Việt Nam - quan chức đã được phong hàm Trung tướng sau nhiều lần lập thành tích trả lời theo lối ‘chưa có thông tin gì’ trước báo chí về hàng loạt vụ việc mà đến khi đó đã rõ như ban ngày, như Vũ ‘nhôm’ - tức Trần Đại Vũ mà được đồn đoán có họ hàng với Trần Đại Quang - đào thoát sang Singapore, vụ câu lưu và sau đó là bắt giam Trung tướng công an kiêm ‘anh hùng lực lượng vũ trang’ Phan Văn Vĩnh về tội ‘bảo kê đánh bạc công nghệ cao’…
Theo Lương Tam Quang, do trong thời gian khám xét, Bộ Công an chưa khởi tố vụ án, chưa khởi tố bị can đối với Bùi Quang Huy nên chưa thể áp dụng biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật.
"Riêng Bùi Quang Huy, từ lúc khám xét đến lúc khởi tố vụ án, đã không đến trình diện, mặc dù đã vận động gia đình, và cũng không có mặt ở nơi cư trú. Do vậy, ngày 18/5, cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với Bùi Quang Huy" - tướng Quang giải thích thêm trong cuộc họp báo ngày 31/5.
Nhưng Bộ Công an sẽ lẹo lưỡi ra sao trước câu hỏi "Sao bắt hàng được mà bắt người thì không ? Nhẽ ra lúc đó anh có thể khởi tố vụ án và bị can cùng lúc" của đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - một tiếng nói phản biện hiếm hoi trong số gần 500 mái đầu ‘nghị gật’ mà đã bị Bộ Công an gầm ghè vì cái tội ông Nhưỡng lôi tuột ‘thành tích’ tiếp nhận và điều tra quá chậm trễ đơn thư khiếu nại tố cáo của người dân ra trước mặt báo chí và công luận ?
Một câu hỏi không hề dễ nuốt. Nhưng vẫn chưa hết…
"Khả năng thứ nhất là lộ lọt, qua quá trình triển khai nghiệp vụ để lộ lọt thông tin và bị can biết được nên trốn thoát. Khả năng thứ hai là quy trình không chặt chẽ, quá trình làm việc xác minh chưa chặt chẽ. Khả năng thứ ba là có người nào đó báo tin cho bị can Bùi Quang Huy" - khi kỳ họp Quốc hội mới khai mạc, một đại biểu Quốc hội là ông Lê Thanh vân đã liên tiếp xuất hiện trên mặt một số tờ báo nhà nước với những câu hỏi và nhận định ‘chết người’ dành cho Chung ‘con’ và Bộ Công an.
Rốt cuộc, kẻ nào đã mật báo cho Bùi Quang Huy để ông chủ Nhật Cường Mobile bỏ trốn ngay trước mũi Bộ Công an, Nguyễn Xuân Phúc và cả ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng ?
Có ‘dính’ Chung và Hải ?
Hàng loạt đồn đoán và ám chỉ trong dư luận, trên mạng xã hội và trên mặt báo quốc doanh từ trước khi Hội nghị trung ương 10 diễn ra vào trung tuần tháng 5 năm 2019 về sân sau Bùi Quang Huy của Chung ‘Con’, tức Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, giờ đây trở nên phức tạp hơn hẳn bởi sự biến mất của Huy.
Trong khi đó, lại rộ lên dư luận về vụ khám xét công ty Nhật Cường và truy bắt Bùi Quang Huy là nhằm lôi ra chuyện buôn lậu hàng Tàu mà có người nghi là có thể có các thiết bị gián điệp được Trung Quốc cài vào.
Không đề cập trực tiếp về dư luận trên, nhưng báo điện tử Viettimes rút tít một cách hàm ý : "Báo động nguy cơ đối với chủ quyền quốc gia Việt nam nhìn từ vụ án Công ty Nhật Cường", mà cụ thể trong bài là những khái niệm "chủ quyền thông tin" hoặc "chủ quyền trong không gian số".
Cùng thời gian này, vụ Huawei của Trung Quốc vẫn đang gây chấn động trong chính giới quốc tế. Nhiều quốc gia đã cắt hợp tác với Huawei vì lo sợ bị thiết bị tình báo Trung Quốc theo dõi.
Cũng đang xuất hiện dư luận cho rằng vụ Nhật Cường sẽ ‘đốt’ không chỉ Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung mà cả Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải. ‘Đốt’ như thế nào và với nhiệt lượng đến mức độ nào thì chưa rõ, nhưng xác suất Chung và cả Hải ‘vô can’ trong vụ Nhật Cường thì gần như không thể có.
Vết đen nhơ nhớp
Trong khi đó, Bộ Công an lại phải nhận một vết đen nhơ nhớp bởi cách thông tin cái sau đá cái trước của về vụ Bùi Quang Huy. Bởi vào ngày 14/5/2019, chính Bộ Công an thông báo là đã khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét đối với ông Bùi Quang Huy và 8 người khác vì tội "Buôn lậu và tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" - được hiểu rõ ràng là Huy đã phải tra tay vào còng. Nhưng đến ngày 19/5/2019, cũng Bộ Công an lại thông báo Bùi Quang Huy đã bỏ trốn từ ngày 9/5.
Cho đến nay, vở kịch vẫn được tái công diễn và còn nguyên giá trị lịch sử ‘và giá trị ‘nghệ thuật’ của nó kể từ vụ Dương Chí Dũng vào năm 2012, Trịnh Xuân Thanh năm 2016, Vũ Đình Duy và Vũ ‘Nhôm’ trong năm 2017…Tất cả đều có thời gian để cao bay xa chạy khiến người ta không khỏi nghi ngờ rằng nhờ được mật báo bởi những người ‘trong ngành.’
Đặc biệt là vụ Trịnh Xuân Thanh đầy kỳ bí. Bởi cho dù Thanh đã ‘tự nguyện về nước đầu thú’ theo cách tuyên truyền của Bộ Công an và đã có quá đủ thời gian để cơ quan điều tra Bộ này bắt Thanh phải mở miệng, cho tới nay vẫn không có bất kỳ công bố nào bởi bất kỳ quan điều tra nào về việc nhóm nào hoặc quan chức cao cấp nào đã bắn tin và mở đường cho Thanh ‘ra đi tìm đường cứu nước’ ở tận Đức.
Còn nhớ vào năm 2012 sau khi bị bắt lại ở Campuchia và bị đưa ra tòa, cựu tổng giám đốc Vinalines Dương Chí Dũng đã khai về một ‘ông anh trên Bộ Công an’ đã mật báo để Dũng kịp thời đào thoát chỉ ít tiếng đồng hồ trước khi lực lượng cảnh sát điều tra từ từ bước vào nhà y theo một cung cách rất ‘đúng quy trình’. Khi đó đã ồn ào dư luận về kẻ mật báo chính là Phạm Quý Ngọ - Thứ trưởng Bộ Công an. Nhưng rất may cho Ngọ là ông ta đã tránh bị truy tố vì căn bệnh xơ gan cổ trướng trong bụng, nhưng ông ta đã không thể tránh khỏi cửa địa ngục.
Những viên tướng nào phải chịu trách nhiệm ?
Rốt cuộc, vụ Bùi Quang Huy đào thoát ngay trước mũi công an khi vụ việc đã được đưa vào ‘tầm ngắm’ - mà bằng chứng rõ nhất là vụ khám xét cơ sở doanh nghiệp Nhật Cường - phải được ‘giải thích’ như thế nào để đầu xuôi đuôi lọt ? Vụ khám xét cơ sở Nhật Cường có phải là động tác đánh động cho Bùi Quang Huy bỏ trốn ? Các cơ quan an ninh điều tra, cảnh sát điều tra và quản lý xuất nhập cảnh của Bộ Công an đã ‘làm ăn’ đến nông nỗi nào mà khiến lại phát sinh thêm một Bùi Quang Huy đến mức phải ‘truy nã quốc tế’, sau những tiền lệ đậm màu sắc ‘phe cánh chính trị’ như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy, Lê Chung Dũng, Phan Văn Anh Vũ ?
Vụ Bùi Quang Huy đào thoát ngay trước mũi công an khi vụ việc đã được đưa vào ‘tầm ngắm’ - Ảnh minh họa
Rốt cuộc và sau tiền lệ Tổng cục 5 tình báo Bộ Công an phải giải thể với hàng loạt tướng lĩnh bị khởi tố và tống giam vì cung cách làm tình báo chỉ toàn mùi ‘hai đê’ (đất và đô), những viên tướng nào trong đội ngũ có đến 200 tướng công an phải chịu trách nhiệm về vụ Bùi Quang Huy đang biến mất và sẽ có thể biến mất mãi mãi ?
Một chuyên án an ninh quốc gia về ‘gián điệp’ và tội danh ‘phản bội’ nữa chăng ?
Nếu Bùi Quang Huy bỏ trốn không đơn thuần bởi tội danh ‘buôn lậu’ mà là ‘xâm phạm an ninh quốc gia’, vụ việc sẽ trở nên ghê gớm và sắc máu hơn nhiều. Lẽ đương nhiên là khi đó không chỉ Nguyễn Đức Chung mà cả Hoàng Trung Hải sẽ phải cùng chịu trách nhiệm về vụ này, để Ủy ban Kiểm tra trung ương sẽ có thêm một đầu việc kiểm tra hoặc thêm một đầu vụ án.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 06/06/2019