Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/06/2019

Tôi đã học được gì khi lãnh đạo phong trào Thiên An Môn ?

Vương Đan

Ba mươi năm trước, một phong trào ngắn ngủi đã đưa tôi ra mắt công chúng, biến tôi từ một sinh viên khoa sử nhút nhát thành một nhà lãnh đạo đam mê và lý tưởng của vài triệu người biểu tình. Tôi đã trả một cái giá quá đắt cho điều đó. Ngoài việc một thời tuổi trẻ sung sức của tôi trải qua trong tù ngục, tôi còn không được phép trở về quê hương, nơi cha mẹ ốm yếu của tôi đang sống. Tuy nhiên, cho dù là có đau đến như vậy, tôi vẫn không hối tiếc về những lựa chọn của mình.

dan01

Người biểu tình trên một chiếc xe bọc thép ngay bên ngoài Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh ngày 4/6/1989 - CreditJeff Widener / Associated Press

Tôi được biết rằng tôi là tên tội phạm bị truy nã gắt gao nhất tại Trung Quốc trong khi đang cắt tóc trên một chiếc tàu hơi nước chật chội, cũ kỹ trên sông Dương Tử. Hệ thống phát thanh hữu tuyến đột nhiên đưa tin rằng Cơ quan an ninh công cộng Bắc Kinh đã ra lệnh bắt giữ 21 sinh viên bị buộc tội xúi giục "các cuộc bạo loạn phản cách mạng" tại Quảng trường Thiên An Môn. Tên tôi đứng đầu trong danh sách.

Đó là tháng 6 năm 1989, chín ngày sau khi quân đội của chính quyền và các xe bọc thép tiến vào trung tâm Bắc Kinh và đàn áp một cách tàn bạo các cuộc biểu tình đòi dân chủ do sinh viên lãnh đạo kéo dài đã bảy tuần.

Bản tin thông báo mà tôi nghe được trên chiếc thuyền hơi nước cũ kỹ trên đã khiến cho tôi hồi hộp. Là một trong những người tổ chức chính của các cuộc biểu tình này, tôi đã chạy trốn khỏi sự lùng bắt của chính quyền thủ đô Bắc Kinh. Tôi đã không ngờ rằng sự khủng bố của chính quyền Bắc Kinh sẽ đạt đến tầm mức này.

Mọi chuyện bắt đầu vào tối ngày 17 tháng 4 năm 1989, khi các sinh viên của Đại học Bắc Kinh tụ tập để bày tỏ niềm tiếc thương đối với cái chết của ông Hồ Diệu Bang, một cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Bang đã bị lật đổ vì ủng hộ cải cách kiểu phương Tây. Một số bạn cùng lớp đã thuyết phục tôi phát biểu vì tôi đã tổ chức một "Salon Dân chủ" trong thời gian tôi còn là sinh viên năm thứ nhất.

Khi tôi bắt đầu nói về những vấn đề mà đất nước Trung Quốc đang phải phải đối mặt, những ức chế của tôi được vợi đi. Tôi đề nghị rằng chúng tôi sẽ diễu hành khoảng 10 dặm đến quảng trường Thiên An Môn, sử dụng cái chết của ông Hồ Diệu Bang để phản đối tệ nạn tham nhũng của chính quyền và thúc đẩy cải cách dân chủ.

dan1

Vương Đan, lãnh đạo sinh viên ở Thiên An Môn ngày 27/5/1989. Ảnh NYT.

Hàng trăm người trong số chúng tôi đã rời khỏi khuôn viên nhà trường vào tối hôm đó và đã ở lại Quảng trường Thiên An Môn. Sinh viên từ các trường đại học khác đã tham gia cùng với chúng tôi, và sau đó, nhiều những người khác từ khắp cả thành phố Bắc Kinh. Vào thời điểm khi mà Trung Quốc đang chuyển mình đoạn tuyệt với kỷ nguyên cai trị của Mao Trạch Đông, phong trào này đã mang lại hy vọng cho những người khao khát thay đổi. Cuộc biểu tình đã nhanh chóng lan sang các thành phố khác.

Trong thời gian biểu tình ngồi, tôi đã được bầu vào Liên đoàn tự trị sinh viên Bắc Kinh, một tổ chức của sinh viên cố gắng để được tham gia đối thoại với chính quyền Bắc Kinh. Các nhà lãnh đạo cấp cao của chính quyền Bắc Kinh đã bác bỏ các yêu cầu của chúng tôi và họ nhìn nhận rằng các cuộc biểu tình của chúng tôi có thể làm suy yếu sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc, và vì vậy họ đã tuyên bố thiết quân luật. Quân đội đã vây chặt thủ đô Bắc Kinh.

Vào ngày 3 tháng 6, sau khi đề xuất của tôi về việc rút lui khỏi quảng trường Thiên An Môn đã bị các nhà lãnh đạo sinh viên khác bác bỏ, tôi trở về ký túc xá của trường đại học để nghỉ ngơi. Ngay tối hôm đó, bạn bè đã gọi điện cho tôi báo tin rằng quân đội đã nổ súng vào những người biểu tình, và tôi thực sự bị sốc. Chúng tôi không bao giờ tin rằng giới lãnh đạo chính quyền sẽ sử dụng vũ lực, bởi vì chúng tôi đã thúc đẩy Đảng Cộng sản tự cải thiện, không bao giờ chúng tôi đòi hỏi họ chuyển giao quyền lực cho chúng tôi.

Trong suốt những tuần trốn tránh, tôi theo dõi tin tức trên truyền hình khi các bè bạn cùng hoạt động của tôi bị bắt từng người một. Tôi quyết định quay trở lại Bắc Kinh, biết rằng trước sau thế nào rồi tôi cũng sẽ bị bắt. Ngày 2 tháng 7, cảnh sát tìm thấy tôi vào và bắt giữ tôi sau một cuộc đuổi bắt. "Tên tiểu yêu Vương Đan đã bị bắt !", một sĩ quan gọi điện báo cáo lên cấp trên với một sự phấn khích như vậy.

Tôi đã ở tù ba năm và bảy tháng. Trái tim tôi thường nặng trĩu cảm giác lỗi lầm và đau khổ. Một số lượng lớn sinh viên và cư dân Bắc Kinh đã chết trong cuộc đàn áp đẫm máu. Tôi cảm thấy có một phần trách nhiệm.

Vào năm 1993, khi Trung Quốc thực hiện những nỗ lực đầu tiên để giành quyền tổ chức Thế vận hội, tôi đã được thả ra trong một động thái của chính quyền nhằm thể hiện dường như có sự nới lỏng về đời sống chính trị. Tôi bị bắt trở lại hai năm sau đó, và bị kết án 11 năm, vì đã hoạt động để hỗ trợ cho các tù nhân chính trị và vì đã ký tên vào một bản kiến ​​nghị kêu gọi chính quyền xin lỗi về vụ thảm sát Thiên An Môn. Một lần nữa tôi được thả ra trước thời hạn, vào năm 1998, vào một thời điểm tan băng chính trị khác, ngay trước khi Tổng thống Bill Clinton có chuyến thăm tới Trung Quốc. Sau đó, tôi đến Hoa Kỳ và bị cấm trở lại Trung Quốc kể từ đó.

30 năm trước, phong trào của chúng tôi đã thất bại vì chúng tôi thiếu sự hỗ trợ và thiếu kinh nghiệm trong việc thúc đẩy thay đổi dân chủ. Nhiều người trong số chúng tôi đã đặt hy vọng vào các phe nhóm tự do trong giới lãnh đạo Đảng Cộng sản để khởi xướng những thay đổi từ trong hệ thống, nhưng chúng tôi cũng đã đánh giá thấp quyền lực của các bá lão trong đảng. Vụ thảm sát đã đập tan mọi ảo tưởng của chúng tôi, giúp chúng tôi thấy được sự tàn bạo của ách cai trị độc đảng của Trung Quốc.

Sinh viên chúng tôi không phải là những người ngây thơ duy nhất. Vài năm sau vụ thảm sát Thiên An Môn, nhiều chính phủ phương Tây đã dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc. Chính sách can dự của phương Tây - dựa trên hy vọng rằng thương mại và đầu tư sẽ mang lại những thay đổi dân chủ ở Trung Quốc - đã thắng thế.

Nhưng thay vì khơi gợi công cuộc tự do hóa, tư bản phương Tây đã làm đầy những chiếc túi của các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản, tạo thêm cho họ sức mạnh để kéo dài sự cai trị của họ bằng cách bóp chết giới bất đồng chính kiến ​​trong nước và mở rộng ảnh hưởng toàn cầu của nhà nước cộng sản Trung Quốc.

Mặc dù chúng tôi đã thất bại, nhưng tôi tin rằng những người biểu tình đã tạo ra một sự khác biệt. CNN đã tường thuật trực tiếp về những gì xảy ra ở Quảng trường Thiên An Môn và chính quyền Trung Quốc đã nhận ra rằng họ không còn có thể tàn sát công dân của mình khi cả thế giới đang theo dõi họ. Chúng tôi đã nâng cao được nhận thức chung về dân chủ ; nhiều luật sư và các nhà hoạt động nhân quyền đã thách thức tính hợp pháp của Đảng cộng sản Trung Quốc trong những năm sau vụ thảm sát Thiên An Môn đều là những người đã tham gia hoặc ủng hộ phong trào năm 1989. Và ngày nay, rốt cuộc phương Tây cũng đã nhận ra sự nguy hiểm của chế độ toàn trị Trung Quốc.

Ước nguyện của tôi để mang lại một nền dân chủ cho Trung Quốc, một giấc mơ dường như xa vời, nhưng cho đến nay vẫn còn là một ước mơ mạnh mẽ. Chính quyền Trung Quốc đã xóa bỏ cuộc thảm sát Thiên An Môn ra khỏi sách vở lịch sử. Bất kỳ một đề cập nào đến cuộc thảm sát Thiên An Môn trên các phương tiện truyền thông xã hội đều bị coi là nhằm mục đích lật đổ. Tuy nhiên, tôi vẫn cố gắng tiếp cận với giới trẻ, chia sẻ kinh nghiệm của tôi và lưu giữ để những kỷ niệm đó được sống mãi.

Giới trẻ Trung Quốc ngày nay, gần như tất cả đều là con một, thực dụng hơn chúng tôi vào những năm 1980. Và mặc dù bị chính phủ tẩy não, họ vẫn biết cách sử dụng công nghệ và thu thập thông tin từ bên ngoài. Họ hiểu nhiều về phương Tây hơn chúng tôi. Không giống như những học sinh sinh viên thuộc thế hệ của tôi ấp ủ những hy vọng sai lầm đối với đảng cộng sản Trung Quốc, giới trẻ Trung Quốc ngày nay thờ ơ hơn, ích kỷ hơn, và thực tế hơn. Một khi có cơ hội, họ sẽ vươn lên như chúng tôi đã làm cách đây 30 năm.

Khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung diễn ra, tôi nhận thấy có một cơ hội to lớn để lồng cải cách chính trị vào các cuộc đàm phán. Vào những năm 1990, khi Washington liên kết việc trao cho Trung Quốc quy chế tối huệ quốc với các vấn đề về nhân quyền, chính quyền Trung Quốc đã chịu áp lực buộc phải nới lỏng sự kiểm soát chính trị và thả tôi và một số nhà bất đồng chính kiến ​​khác. Nhưng một khi thương mại và nhân quyền không còn bị ràng buộc, với nhau nữa, thì tình hình ở đó lại xấu đi một cách nghiêm trọng.

Ngày nay, những người bất đồng chính kiến đang bị cầm tù và bị buộc phải thú tội trên truyền hình quốc gia. Chính quyền Trung Quốc theo dõi và kiểm duyệt quan điểm chính trị của những sinh viên đang theo học ở nước ngoài.

Lập trường cứng rắn chống lại Bắc Kinh của Tổng thống Trump dù không thể đoán trước được, trái lại đang tỏ ra có hiệu quả. Thông qua cuộc thương chiến này, tôi hy vọng rằng Washington sẽ cho lãnh đạo Trung Quốc thấy rằng phương Tây sẽ không dung thứ cho việc sử dụng công nghệ để làm gián điệp và kiểm soát những công dân bình thường.

Ba mươi năm trước, một phong trào ngắn ngủi đã đưa tôi ra mắt công chúng, biến tôi từ một sinh viên khoa sử nhút nhát thành một nhà lãnh đạo đam mê và lý tưởng của vài triệu người biểu tình. Tôi đã trả một cái giá quá đắt cho điều đó. Ngoài việc một thời tuổi trẻ sung sức của tôi trải qua trong tù ngục, tôi còn không được phép trở về quê hương, nơi cha mẹ ốm yếu của tôi đang sống. Tuy nhiên, cho dù là có đau đến như vậy, tôi vẫn không hối tiếc về những lựa chọn của mình.

Wang Dan

Nguồn What I Learned Leading the Tiananmen Protests, The New York Times, 01/06/2019

Mai hưng dịch

Nguồn : VNTB, 09/06/2019

Quay lại trang chủ
Read 528 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)