Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

07/06/2019

Phạm Bình Minh đi Mỹ tiền trạm : ‘Giãn Trung’ đang rõ dần ?

Phạm Chí Dũng

Sau lần phải đọc báo cáo về chuyên đề dân số tại Hội nghị Trung ương 6 vào tháng Mười, năm 2017 bất chấp thân là ngoại trưởng, có những biểu hiện cho thấy Phạm Bình Minh đã "ngoan hiền dễ bảo" hơn với Nguyễn Phú Trọng.

dimy1

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Patrick Shanahan và Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đại diện cho Quốc ca tại Lầu năm góc ở Washington, DC, vào ngày 23 tháng 5 năm 2019. (Ảnh của Andrew CABALLERO-REYNOLDS / AFP)

Vào đầu năm 2019, Phạm Bình Minh đã đạt được thành tựu tối thiểu khi đặt chân đến Berlin lần đầu tiên kể từ khi cơn khủng hoảng mang tên Trịnh Xuân Thanh nổ ra. Khi đó, Minh đã thuyết phục được nhà nước Đức cử Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Peter Altmaier đến Hà Nội để tiếp tục đàm phán về tương lai phục hồi "Quan hệ đối tác chiến lược Việt-Đức" – một thứ nhân tai kiêm nhân quả khiến người Đức đã thẳng tay "treo giò" vào tháng Chín, 2017, bởi vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

Và dù tới nay việc nối lại mối quan hệ đối tác chiến lược đó vẫn chẳng đâu vào đâu và còn quá ít hứa hẹn, chỉ riêng việc Peter Altmaier có mặt ở Việt Nam có thể đã là một cú ghi điểm của Phạm Bình Minh với "Tổng tịch" Nguyễn Phú Trọng, bất chấp việc mà rất có thể Minh đã "trốn biệt" để khỏi phải hiện ra cùng với bộ trưởng Kinh Tế và Năng Lượng Đức trong sự kiện khánh thành "Ngôi nhà Đức" ở Sài Gòn, dù thư mời gửi đi vài tuần trước đó đã ghi rõ sẽ có sự đồng chủ trì của bộ trưởng ngoại giao Việt Nam.

Thành tích trên, cùng những biến đổi vừa kín đáo vừa lộ liễu của Phạm Bình Minh có thể đã mang lại kết quả là ông ta được Trọng chọn làm người tiền trạm Hoa Kỳ vào tháng Năm, 2019, thay cho chuyến dọn đường ở Mỹ một tháng trước đó của Bộ trưởng Công An Tô Lâm mà có thể đã chẳng làm nên công cán gì.

Từ "can đảm bám Mỹ" đến "giãn Trung"

Sau chuyến đi Cuba như một hành động cố gắng không làm mích lòng người anh em chủ nghĩa xã hội mà đã cùng nguyện thề "cùng thức canh giữ hòa bình thế giới", Phạm Bình Minh đã đến Mỹ và lần lượt có những cuộc gặp tương đối quan trọng với bộ trưởng Thương Mại, bộ trưởng Tài Chính, quyền bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ ; trao đổi với Dân biểu-Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ Viện Eliot Engel.

Điểm quan trọng nhất có lẽ là cuộc gặp của Phạm Bình Minh với Quyền Bộ trưởng Quốc Phòng Patrick Shanahan, trong đó dự án tẩy độc phi trường Biên Hòa chỉ là cái cớ, còn "làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác toàn diện về quốc phòng" mới là mục đích chính yếu.

Không hoài nghi rằng chuyến đi Mỹ sắp tới của Nguyễn Phú Trọng sẽ bàn sâu về một trong những nội dung trọng tâm là "làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác quốc phòng" và làm thế nào để Mỹ-Việt cùng khai thác triệt để mỏ Cá Voi Xanh mà không để "kẻ cướp" Trung Quốc dây phần.

dimy2

Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, hôm 5 tháng Ba 2018, đưa quan hệ quân sự Việt-Mỹ "nồng ấm" hơn, "giãn" bớt tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. (Hình : Getty Images)

Tình hình "trục Hà Nội-Washington" cho tới nay là rất logic với bầu không khí từ "cầu viện" biến thành nồng ấm hơn trong quan hệ Việt-Mỹ kể từ tháng Bảy, 2017, khi Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch vội vã sang Hoa Kỳ, ngay sau vụ Trung Quốc đe dọa tấn công mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ – liên doanh giữa Việt Nam với hãng dầu khí Tây Ban Nha là Repsol và khiến Repsol phải "bỏ của chạy lấy người", cùng đe dọa mỏ Lan Đỏ – một liên doanh khai thác dầu khí giữa Việt Nam với Tập Ðoàn Rosneft của Nga.

Sau đó Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis đã lần đầu tiên điều động hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson đến hiện diện tại cảng Đà Nẵng vào tháng Ba, năm 2018.

Việc làm này phục vụ cho một nhu cầu cần thiết với Mỹ và tối cần thiết với Bộ Chính Trị Việt Nam : dự án khai thác mỏ dầu khí Cá Voi Xanh ở vùng biển Quảng Nam, Quảng Ngãi, có trữ lượng đến 150 tỷ mét khối và có giá trị đến $60 tỷ, được liên doanh giữa Tập Đoàn Dầu Khí ExxonMobil của Mỹ với Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam.

Dự án sẽ được "Mỹ sẽ hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông dù có Trung Quốc hay không" – như một tuyên bố của Cố Vấn An Ninh Mỹ John Bolton vào tháng Mười Một, năm 2018, chứ không còn phải tim đập thình thịch và mắt trước mắt sau trước thói đe nẹt của "đồng chí bốn tốt".

Chủ thuyết "can đảm bám Mỹ khai thác dầu khí" mà có thể được hiểu là bắt đầu "giãn Trung" trên cũng dần lộ rõ và logic với loạt hành động mà Bộ ngoại giao Việt Nam đầy dũng khí giang tay tuyên bố "tàu Mỹ đi qua vô hại ở Biển Đông" khá nhiều lần từ đầu năm 2016 đến nay.

"Tôn trọng quyền tự do hàng không" vào đầu năm 2019 như một thông điệp mở đường cho máy bay chiến lược B52 của Hoa Kỳ xâm nhập vào vùng Biển Đông, và đặc biệt là việc Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo hệ thống tuyên giáo và báo chí Việt Nam "tố cáo giặc Trung Quốc xâm lược" vào ngày 17 tháng Hai, 2019, như một cách kỷ niệm ngày "Chiến tranh biên giới phía Bắc".

Nếu sau cuộc cuộc gặp Trump-Trọng sắp tới tại Washington DC hiện ra một văn bản được ký giữa hai bên như kiểu "Hiệp ước tương trợ quốc phòng" mà Mỹ đã ký với Philippines, hoặc ít ra cũng là một bản ghi nhớ về việc sẽ tiến hành chuyện đó, và hơn nữa là sự chuẩn bị cho "quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Mỹ-Việt" và cụ thể hóa hơn chương trình một hàng không mẫu hạm của Hải Quân Hoa Kỳ sẽ lồ lộ ở quân cảng Cam Ranh vào nửa cuối năm 2019, thì Bộ Chính Trị ở Hà Nội sẽ có thể như "sống lại" để nhảy vào khai thác mỏ Cá Voi Xanh mà không còn phải mắt trước mắt sau trước thói đe nẹt của "đồng chí bốn tốt". Điều này đáp ứng mục tiêu ngay trước mắt là cứu vãn nền ngân sách hộc rỗng và thiếu hụt ngoại tệ trầm trọng để trả nợ nước ngoài.

Vì chuyến tiền trạm của Phạm Bình Minh diễn ra vào tháng Năm, 2019, chuyến công du của Nguyễn Phú Trọng đến Washington DC có thể xảy ra trong tháng Bảy hoặc tháng Tám cùng năm, nếu đến khi đó Trọng kịp thoát hẳn khỏi cơn tai biến mà đã suýt quật đổ ông ta tại Kiên Giang "nhà Ba Dũng" vào tháng Tư, năm 2019.

Cơ hội Phạm Bình Minh

Bằng vào chuyến tiền trạm Hoa Kỳ lần này và đặc biệt có được cuộc gặp trao đổi với Bộ Quốc phòng Mỹ, Phạm Bình Minh dường như đã lặp lại "thành tích" của Trần Đại Quang vào năm 2015.

Vào năm 2015 còn là bộ trưởng Công An, Trần Đại Quang cũng đã có một chuyến đi tiền trạm Hoa Kỳ cho Trọng vào tháng Ba, 2015, trong đó có những cuộc gặp không chỉ giới giới chức an ninh mà cả với Bộ Quốc phòng Mỹ. Bốn tháng sau, Nguyễn Phú Trọng được Tổng thống Obama tiếp tại Washington và được báo đảng Việt Nam ca ngợi như "một thắng lợi ngoại giao chưa từng có".

Nhưng 3 năm sau đó, Quang bỗng lăn ra chết.

Tuy thế, có một nét khác biệt không quá mờ nhạt giữa Trần Đại Quang và Phạm Bình Minh : trong khi Quang chưa có biểu hiện rõ rệt nào về quan điểm giãn dần khỏi quỹ đạo của Trung Quốc, thì Minh từ lâu đã được giới quan sát quốc tế và Việt Nam xem là nhân vật không ưa thích Bắc Kinh. Việc lựa chọn Phạm Bình Minh đi Mỹ tiền trạm cho mình cũng bởi thế có thể phản ánh thêm một cơ sở cho quan điểm "giãn Trung" của Nguyễn Phú Trọng.

Và khi được chọn lựa một cách đặc biệt và đầy ẩn ý như thế, Phạm Bình Minh đang có thêm một bước đệm quan trọng trong cuộc đua "toàn đảng lập thành tích chào mừng Đại Hội 13" khi ông ta bắt đầu lấp ló vai trò ứng cử viên cho cái ghế thủ tướng vào năm 2021 – cạnh tranh trực tiếp với một phó thủ tướng khác là Vương Đình Huệ và trong trường hợp Nguyễn Xuân Phúc sẽ soán ghế tổng bí thư hoặc phải về vườn sớm vì không nằm trong diện "người Bắc có lý luận" mà chỉ là nhân tố "cờ lờ mờ vờ".

Phạm Chí Dũng

Nguồn : Người Việt, 07/06/2019

Quay lại trang chủ
Read 703 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)