Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/06/2019

Formosa : Các nạn nhân kiện đòi 4 triệu đôla tại Đài Loan

Cindy Sui

Một nhóm đại diện cho gần 8.000 nạn nhân Việt Nam bởi một vụ tràn hóa chất khổng lồ làm hư hại khoảng 200 km bờ biển của Việt Nam và hủy hoại sinh kế của nhiều người dân vào năm 2016 đã đệ đơn kiện tại Đài Bắc chống lại các thành viên hội đồng quản trị và cổ đông của Tập đoàn Formosa Plastics của Đài Loan (FPG).

formosa1

Vụ công ty Formosa của Đài Loan gây ô nhiễm môi trường biển ở miền Trung Việt Nam đã gây nhiều chú ý trong dư luận suốt ba năm qua

Đơn kiện là của nhóm Công lý cho Nạn nhân Formosa nộp cho văn phòng công tố quận Đài Bắc.

Họ muốn có bồi thường 4 triệu đôla Mỹ cho 7.875 nạn nhân.

Tổng cộng 24 đối tượng bị kiện được ghi trong đơn, gồm Công ty trách nhiệm hữu hạn gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, công ty mẹ là tập đoàn Formosa Plastics Group, các công ty khác có đầu tư vào Hà Tĩnh, cùng các thành viên ủy ban quản trị và cổ đông của các công ty này.

Các nguyên đơn chủ yếu là ngư dân, chủ tàu đánh cá, và các nhà điều hành kinh doanh ngành công nghiệp liên quan đến đánh cá hoặc công nhân.

Vụ kiện cáo buộc các quan chức của công ty Đài Loan bồi thường thỏa đáng cho nạn nhân, khôi phục lại khu vực ven biển và trả lại sinh kế cho người dân địa phương.

Làm hỏng hệ sinh thái

formosa2

Giới hoạt động yêu cầu Formosa phải có trách nhiệm với các nạn nhân của thảm họa môi trường biển 3 năm trước

Trong một trong những thảm họa môi trường tồi tệ nhất mà Việt Nam đã thấy, nước thải từ nhà máy thép do Đài Loan đầu tư được chính phủ Việt Nam xác định thải ra biển bắt đầu từ tháng 4/2016, làm hỏng hệ sinh thái và gây ra một lượng lớn hải sản chết dọc theo bờ biển trải dài khoảng 200 km tại các tỉnh miền trung Việt Nam là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế, ảnh hưởng đến sinh kế của nhiều ngư dân và những người khác.

Công ty đã trả 500 triệu đô la cho chính phủ Việt Nam để giải quyết vấn đề này, nhưng các nhóm vận động cho các quyền, giới hoạt động và nạn nhân nói rằng nhiều nạn nhân đã không nhận được bất kỳ khoản tiền nào, những người đã nhận thì nhận được quá ít để phục hồi từ những mất mát của họ và môi trường vẫn còn chưa được dọn dẹp sạch sẽ, khiến người dân trong vùng không thể kiếm sống.

Phát biểu sau cuộc họp báo diễn ra dưới mưa ngoài khách sạn nơi Formosa Plastics Group đang tổ chức đại hội cổ đông ở Đài Bắc, một nạn nhân 32 tuổi, người đề nghị chỉ nêu danh tính là họ Nguyễn để tránh bị trả thù từ chính phủ Việt Nam, cho biết ông phải rời khỏi làng vào tháng 7/2016 để lại vợ và ba con, để làm công nhân nhập cư ở Đài Loan vì ô nhiễm đã phá hủy sinh kế của ông.

"Vụ ô nhiễm gây ra một tác động lớn đến tôi và gia đình tôi", ông Nguyễn nói với BBC. "Trước đây, tôi có một chiếc thuyền và đánh cá kiếm sống, nhưng nước bị nhiễm độc và cá chết hết. Ngay cả sau một thời gian dài trôi qua, nước vẫn không an toàn, vẫn có ít cá và ngay cả khi dân làng có thể đánh cá và đề nghị bán với giá rẻ, không ai dám mua".

Ông là một trong những nguyên đơn có tên trong vụ kiện ; hầu hết các nguyên đơn đều ở Việt Nam nhưng một số hiện đang là công nhân nhập cư ở Đài Loan và các nơi khác.

'Họ toàn khất lần'

formosa3

Các nhà hoạt động đấu tranh tại Đài Loan đòi quyền lợi cho các nạn nhân Formosa ở Việt Nam

Ông Nguyễn nói rằng nhiều người trong làng của ông đã bỏ lại gia đình để ra đi kiếm sống và chỉ một nửa số người mà ông biết nhận được bồi thường từ chính phủ. Ông nói rằng ông chưa nhận được bất kỳ khoản bồi thường nào.

"Gia đình tôi đã hỏi nhiều lần, nhưng họ toàn khất lần", ông Nguyễn nói.

Nhóm đệ đơn kiện, Công lý cho Nạn nhân Formosa (Justice For Formosa Victims - JFFV), được thành lập tại Mỹ sau khi Giám mục Nguyễn Thái Hợp, quản nhiệm Giáo phận Hà Tĩnh, tìm kiếm sự giúp đỡ từ người Việt Nam ở Mỹ. Một số nhóm bảo vệ môi trường và nhân quyền của Đài Loan đã hỗ trợ JFFV.

Các nhóm nói rằng vấn đề là không có sự minh bạch - không rõ liệu Formosa Hà Tĩnh có trả 500 triệu đô la hay không và nếu có thì chính phủ Việt Nam đang sử dụng số tiền như thế nào. Những người được trả tiền, chỉ nhận được 80.000 TWD (Đài tệ), khoảng 2.500 USD, họ nói.

"Hy vọng rằng ngoài việc trả đủ tiền bồi thường để bù đắp cho những tổn thất, Formosa Plastics Group của Đài Loan không nên hy sinh môi trường sống của các nạn nhân. Cần chấm dứt ngay hành vi gây ô nhiễm, công bố thông tin liên quan như dữ liệu giám sát môi trường và có một tổ chức thuộc bên thứ ba có tính chất công bằng để tham gia".

"Cũng cần phải giải thích và thảo luận với người dân Việt Nam để xây dựng kế hoạch và lên lịch trình khôi phục môi trường biển", các nhóm cho biết trong một tuyên bố chung do Quỹ Quyền môi trường có trụ sở tại Đài Loan đưa ra.

'Không thể phủi tay'

Trong khi đó, FPG đã đưa ra một tuyên bố thay mặt Formosa Hà Tĩnh nhấn mạnh rằng họ đã thực hiện nghĩa vụ của mình bằng cách làm theo hướng dẫn của chính phủ Việt Nam và trả số tiền một lần cho chính phủ vào tháng 8/2016 để bồi thường cho ngư dân ở bốn tỉnh miền trung, theo chỉ thị của chính phủ rằng chính phủ sẽ xử lí việc phân phối tiền.

"Trong hai năm kể từ khi Ha Tĩnh Steel Corp chính thức đầu tư và sản xuất, tất cả nước thải và khí thải thải đều đáp ứng luật pháp của chính phủ Việt Nam về tiêu chuẩn khí thải", tuyên bố viết.

Nhưng các nhóm lập luận rằng Formosa Hà Tĩnh và FPG không thể đơn giản phủi tay trước vấn đề bằng cách trả tiền cho chính phủ.

"Các nạn nhân Việt Nam đã không nhận được bồi thường mà lẽ ra họ phải được nhận. Và tại sao chính phủ Việt Nam có thể đứng ra yêu cầu bồi thường thay cho các nạn nhân ? Nếu thảm họa xảy ra ở Đài Loan, thật khó có thể tưởng tượng rằng chính phủ có thể yêu cầu bồi thường thay mặt cho các nạn nhân theo ý muốn, và sau khi yêu cầu, nó không cung cấp đầy đủ (bồi thường) cho các nạn nhân", theo tuyên bố của các nhóm.

Họ cũng yêu cầu Formosa Hà Tĩnh tiết lộ thông tin giám sát ô nhiễm và không được để cho cư dân địa phương không biết gì về chủng loại và số lượng chất ô nhiễm mà nó thải ra môi trường.

Các tổ chức phi chính phủ tại Đài Loan cũng thúc giục FPG, một hãng có lịch sử vi phạm ô nhiễm lâu dài ở Đài Loan và gần đây ở nước ngoài, kể cả ở bang Delwar, Hoa Kỳ, kiểm tra kỹ lưỡng các biện pháp kiểm soát ô nhiễm và xử lý nghiêm các vấn đề mà các nhà máy của họ gây ra. Họ cũng kêu gọi chính phủ Đài Loan buộc các công ty của Đài Loan như FPG đầu tư ra nước ngoài phải chịu trách nhiệm cho các vi phạm về an toàn môi trường và nhân quyền.

"Vụ việc này thực sự là một điều xấu hổ đối với Đài Loan", Yu Yi-chia, một nhà vận động từ Hiệp hội Nhân quyền Đài Loan nói.

formosa4

Mặt hàng hải sản khô vẫn chưa được đền bù, theo nhiều người dân

"Mỗi quốc gia đều có trách nhiệm giám sát các đầu tư của các công ty của mình ở nước ngoài", Chen Jing-jie, một nhà vận động cho Covenants Watch nói.

Nạn nhân, ông Nguyễn, nói mặc dù ông có việc làm ở Đài Loan, nhưng ông gặp nhiều khó khăn vì phải rời khỏi Việt Nam để kiếm sống và ông cũng phải phụng dưỡng cha mẹ, những người không thể đánh cá như họ đã từng làm .

"Chúng tôi muốn công lý. Tôi không biết chúng tôi sẽ thắng kiện vụ này hay không, nhưng tôi nghĩ nếu tất cả chúng tôi nỗ lực hết mình, chúng tôi sẽ đạt được kết quả, ông Nguyễn nói.

Được biết, các tổ chức Phi chính phủ đã khẳng định khoản tiền đòi công lý trong vụ kiện là 4 triệu đôla Mỹ, nhưng số tiền này luôn có thể được tăng lên sau đó.

Tuy nhiên, hạn chót để các nguyên đơn khác tham gia vụ kiện là ngày 30/6/2019, vì pháp luật Việt Nam đặt ra thời hạn ba năm kể từ thời điểm thừa nhận sai phạm, và ngày 30/6/2016 là ngày Công ty trách nhiệm hữu hạn gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh của Đài Loan đưa ra lời xin lỗi công khai.

Cindy Sui

Nguồn : BBC, 11/06/2019

**********************

Ngư dân Việt Nam và hội đoàn kiện công ty Formosa ở Đài Loan

BBC, 11/06/2019

Hàng nghìn người dân miền Trung Việt Nam với sự hỗ trợ của nhiều hội đoàn nộp đơn chính thức kiện Formosa ở Đài Loan hôm 11/6.

formosa5

Hàng nghìn ngư dân Việt Nam kiện Formosa ra công tố viện ở Đài Bắc

Đơn kiện là của nhóm Công lý cho Nạn nhân Formosa nộp cho văn phòng công tố quận Đài Bắc.

Họ muốn có bồi thường 4 triệu đôla Mỹ cho 7.875 nạn nhân.

Tổng cộng 24 người bị kiện được ghi trong đơn, gồm Công ty trách nhiệm hữu hạn gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, công ty mẹ là tập đoàn Formosa Plastics Group, các công ty khác có đầu tư vào Hà Tĩnh, cùng các thành viên ủy ban quản trị và cổ đông của các công ty này.

Biểu tình ôn hòa

"Đoàn Việt Nam khoảng 50 người vừa có cuộc biểu tình rất ôn hòa trước Trụ Sở chính của Tập đoàn Formosa. Có sắc áo dày đặc của cảnh sát Đài Loan nhưng họ không gây trở ngại gì mà rất lịch sự".

"Trước đó, buổi họp báo trước tòa án Đài Loan cũng thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế. Các hãng thông tấn lớn trên thế giới như AP, Reuters, NHK đều có mặt để đưa tin, phỏng vấn", bà Nancy Bùi, đại diện Hội Công lý cho Nạn nhân Formosa nói với BBC News Tiếng Việt từ Đài Loan hôm 11/6.

"10.000 nạn nhân Formosa khởi kiện hôm nay chỉ là những người chúng tôi tiếp cận được để phỏng vấn. Con số còn lại lớn hơn rất nhiều".

"Đài Loan chỉ là một trong ba nơi chúng tôi sẽ gửi đơn kiện Formosa. Trước đó, chúng tôi đã đưa vụ việc ra Liên Hiệp Quốc. Ngày 12/6, chúng tôi sẽ gửi đơn kiện tới tòa án tại New Jersy, Mỹ, nơi Formosa đóng đại bản doanh".

Trả lời câu hỏi vì sao vụ việc này lại được thực hiện quyết liệt đến vậy, bà Nancy Bùi nói :

"Bởi vì trong suốt ba năm qua, Formosa đã phủi tay, không chi trả đúng mức cho các nạn nhân, trong khi mức độ tàn phá đối với môi trường và con người rất thảm khốc. Chúng ta không thể im lặng".

"Ngay sau cuộc biểu tình chiều 11/6, một nhân viên của Formosa đã xuất hiện và đưa cho chúng tôi một văn bản, trình bày ba điểm chính của họ. Thứ nhất, họ nói đã đền bù 500 triệu USD, như thế là đủ rồi. Thứ hai, họ cho rằng họ làm mọi việc theo pháp luật Việt Nam. Thứ ba, họ có đường dây nóng và nếu có gì sai được phản ánh thì đã giải quyết ngay".

formosa6

Có vẻ như vụ kiện Formosa tại Đài Loan thành một phong trào

"Những điều này là rất sai. Mới đây thôi, Công an Hà Tĩnh đã có công văn cho hay Formosa đang tồn đọng hàng triệu tấn chất thải độc hại và hoạt động xả thải của họ còn rất nhiều lỗ hổng. Nhiều ngư dân mất nghề, phải lang bạt khắp nơi kiếm sống trong khi Formosa thì phủi tay, nhiều người phản đối Formosa bị bắt bớ, cầm tù... " bà Nancy nói với BBC News Tiếng Việt tại Bangkok.

Từ Việt Nam, ông A, 42 tuổi, một nạn nhân Formosa có tên trong vụ kiện, xin được ẩn danh, nói với BBC :

"Tui cũng suy nghĩ lung lắm, và bàn với gia đình hoài rồi mới dám đứng tên hồ sơ. Người ta nói mình nó giống như con kiến đi kiện củ khoai, nắm chắc không được kết quả gì đâu. Nhưng tụi tui mất hết, không còn đường sống, thôi thì, bỏ tên vào cho mình nuôi chút hy vọng. Người ta cũng nói chờ chắc cũng phải mấy năm".Ông A cho biết từ ngày mất nghề đánh cá, ông làm thuê cho người ta để kiếm sống. "Thì người ta muớn gì mình làm nấy, làm sống qua ngày".

Về thủ tục tố tụng, bà Nancy cho biết, đây là một tiến trình rất dài :

"Theo luật Đài Loan, trong vòng 1 - 2 tháng tới tòa Đài Loan sẽ thông báo họ có thụ lý vụ kiện hay không. Nếu không, chúng tôi có vụ khiếu kiện thứ hai tại tòa ở tiểu bang New Jersey, Mỹ. Nếu có, tòa Đài Loan sẽ thực hiện các giai đoạn như điều tra, trao đổi hồ sơ ; điều đình giữ hai bên ; trong trường hợp không điều đình được thì sẽ ra tòa".

"Nếu thực hiện đầy đủ các trình tự này và qua cả ba phiên tòa sơ thẩm, thượng thẩm và tối cao viện thì thời gian có thể kéo dài 3 - 5 năm".

"Tòa tại Mỹ thủ tục cũng gần như vậy nhưng luật môi trường Mỹ ngặt nghèo hơn nhiều. Chừng 10.000 nạn nhân Việt Nam yêu cầu Formosa phải bồi thường hơn 600 triệu đôla, theo luật Đài Loan, nhưng nếu mang sang phiên tòa ở Mỹ thì mức này sẽ lên tới vài tỷ đô la". Bà Nancy Bùi cho biết.

'Không kiện được ở Việt Nam'

Phái đoàn từ Việt Nam gồm Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh, và một số linh mục đại diện cho các nạn nhân đến từ 2 giáo phận Vinh và Hà Tĩnh sẽ có mặt tại phiên tòa được cho là 'lịch sử' này.

Trả lời phỏng vấn truyền thông trước buổi họp báo tại Đài Loan hôm 11/6, Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh nói :

"Formosa đã gây ô nhiễm, gây ung thư từ lâu rồi, đây là dịp thuận tiện để chính quyền Đài Loan phải lên tiếng giải quyết vấn đề không chỉ cho Việt Nam mà cho chính Đài Loan".

"Đầu tiên chúng tôi đòi hỏi Formosa phải giải quyết công bằng cho người dân bị thiệt hại. Formosa không được tiếp tục xả thải và phải tẩy trừ biển".

"Tôi hi vọng chính phủ Đài Loan sẽ thấy vấn đề, và cũng tùy thuộc chính chúng ta và phương tiện truyền thông trên thế giới thúc đẩy chính quyền Đài Loan giải quyết vấn đề. Nếu không chúng tôi sẽ tiếp tục kiện lên các tòa án khác".

Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh cũng nói thêm : "Tôi không lo gì cả vì tôi nói sự thật, tôi đòi công lý và với tình yêu thương của tôi. Đây là hành động yêu nước của tôi".

Ông John Hoàng Nguyễn, Hội trưởng Hội Công lý cho Nạn nhân Formosa - tổ chức đứng ra hỗ trợ các ngư dân Việt Nam trong vụ kiện này - nói ông mong muốn được thấy các nạn nhân Formosa "trở lại cuộc sống bình thường".

"Khi người dân Việt Nam muốn kiện thì bị nhà nước chặn, bác hồ sơ, nên họ phải chuyển sang nước khác để kiện. 8000 hồ sơ bằng tiếng Việt chuyển sang tiếng Hoa thì người dân lấy đâu ra tiền ? Riêng án phí cho phiên tòa này tại Đài Loan đã tốn 30.000 ngàn đôla. Do đó, chúng tôi đã gây quỹ để giúp các nạn nhân có thể gióng lên tiếng nói của mình qua hệ thống pháp luật ở Đài Loan".

Ông John Hoàng Nguyễn cho rằng khó khăn đối với các nạn nhân Formosa Việt Nam là "đồng hương không hiểu chuyện", do đó nhiều người cho rằng Formosa đền 500 triệu đôla là đủ rồi.

"Nhưng số tiền đó chia cho bốn tỉnh với 500.000 người làm sao đủ", ông John Hoàng Nguyễn nói với báo giới bên ngoài buổi họp báo tại Đài Bắc hôm 10/6.

"Hội Công lý cho Nạn nhân Formosa từ 10 nước trên thế giới bàn cách giúp người Việt Nam. Lần đầu tiên, người Việt Nam đứng ra kiện Formosa tại quê hương của Formosa".

"Mong muốn của chúng tôi là thấy người dân trở lại cuộc sống bình thương. Formosa phải đền để họ đủ tiền sống. Phải kiếm nghề khác cho họ làm nếu biển không sạch. Và phải làm sạch biển vì chất độc nằm dưới biển... Phải đòi hỏi Formosa làm những việc cần thiết, xứng đáng, để tôm cá Việt Nam được an toàn".

Được biết có tới 10.000 ngư dân miền Trung Việt Nam đã tìm đến năm nhóm luật sư trợ giúp về pháp lý để chính thức khởi kiện công ty Formosa Hà Tĩnh (FHS) và 18 công ty liên đới chịu trách nhiệm trước tòa án Đài Loan tại Đài Bắc vào 11/6/2019.

Mục đích khởi kiện là yêu cầu Tập Đoàn FHS phải bồi thường thỏa đáng cho nạn nhân và làm sạch vùng biển bị ô nhiễm chất độc do công ty FHS gây nên, theo thông cáo báo chí của Hội Công lý cho Nạn nhân Formosa.

Trong danh sách 18 công ty bị kiện lần này, ngoài FHS, số đông công ty khác có trụ sở tại Đài Loan, một số khác có cơ sở tại một số quốc gia trên thế giới như tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore, Cayman ; một hòn đảo thuộc phần đất của Anh Quốc.

Quyền Môi Trường (Earth Rights International -ERI) tại New Jersey, Hoa Kỳ sẽ đại diện cho các nạn nhân và Hội Công Lý Cho Nạn Nhân Formosa nộp một đơn kiện khác tại tòa án Liên Bang về môi trường tại tiểu bang New Jersey, nơi có bản doanh của Công ty Formosa USA. Đây là công ty có cổ phần lớn cũng như đóng vai trò quan trọng trong việc điều hành Công Ty Hưng Nghiệp Gang Thép Formosa Hà Tĩnh.

Thảm họa môi trường Formosa

4/2016 : Công ty thép Formosa Hà Tĩnh xả thải chất độc hại không qua xử lý ra biển. Cá chết nhiều tại Vũng Áng, Hà Tĩnh, sau đó lan ra các vùng biển Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

30/6/2016 : Chính phủ Việt Nam họp báo, công bố nguyên nhân cá chết là do Formosa Hà Tĩnh xả thải vượt quá nồng độ cho phép. Đồng thời khẳng định Formosa Hà Tĩnh cam kết chi trả ngay số tiền bồi thường 500 triệu đô la.

2017 : Formosa Hà Tĩnh được hoạt động trở lại. Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường, ông Nguyễn Ngọc Linh thời điểm đó cho hay Formosa đã đáp ứng các yêu cầu trong buổi chạy thử.

Ông Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, nói sẽ giám sát chặt chẽ hoạt động của Formosa 24/24, và rằng Formosa Hà Tĩnh đã đáp ứng được 52 chỉ tiêu trong số 53 chỉ tiêu được yêu cầu.

Từ 2016-2017 : Nhiều cuộc biểu tình phản đối Formosa diễn ra tại nhiều địa phương khắp Việt Nam. Một số người tham gia biểu tình bị bỏ tù.

17/5/2018 : Tại TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, Bộ Y tế khẳng định đến thời điểm hiện tại, chất lượng thủy hải sản, bao gồm cả hải sản tầng đáy đã đảm bảo an toàn. Sau đó truyền thông Việt Nam đăng các hình ảnh một số quan chức đi tắm biển miền Trung và ăn cá đánh bắt tại đây.

4/2018 : Lại có một số tin trên mạng xã hội về tình trạng cá chết ở biển miền Trung. Nhưng không thấy báo chính thống đăng những tin này.

4/5/2019 : Công an Hà Tĩnh có công văn gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh và Bộ Tài nguyên Môi trường, cho hay Formosa đang tồn đọng khoảng 900.000 tấn phế thải độc hại, và mỗi năm phát sinh hơn 3 triệu tấn chất thải rắn.

5/2019 : Tiếp tục có tin cá chết ở miền Trung

11/6/2019 : 10.000 ngư dân miền Trung khởi kiện Formosa ra tòa án tối cao Đài Loan

Quay lại trang chủ
Read 612 times

1 comment

  • Comment Link Choi Song Djong mardi, 11 juin 2019 19:52 posted by Choi Song Djong

    Người đài loan không thích người ta gọi họ là chinese vì họ cảm thấy nhục, hết thảy họ muốn được gọi là taiwanese. Không hiểu sao công ty này đã nhiều lần bị phạt vạ vì gây ô nhiễm môi trường nhưng nó vẫn được phép hoạt động. Nên gọi chúng là chinese để đánh thức lòng tự trọng của chúng nếu chúng còn biết xấu hổ.

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)