Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/07/2019

Cưỡng chế đất Thủ Thiêm : cứ lèn èn câu giờ truy tìm thủ phạm

Nhiều tác giả

Thanh tra Thủ Thiêm : Lãnh đạo thêm củi, quản lý thêm tiền, ông chủ trắng tay, sắm dép

Gió Bấc, RFA, 05/07/2019

Sau nhiều tháng dài chờ đợi, kết luận thanh tra Thủ Thiêm được công bố làm dư luận xã hội thậm chí báo chí lề phải cũng thể hiện sự thất vọng phẫn nộ. Bản kết luận né tránh sai phạm cơ bản nhất là cưỡng chiếm đất hàng trăm ha và kiến nghị xử lý như làm giá với những kẻ đáng xem là tập đoàn tội ác.

thuthiem1

Khu đô thị mới Thủ Thiêm nhìn từ trên cao - Photo : RFA

Nhiều năm tháng qua, mỗi lần tiếp dân, các quan chức lại hứa hẹn với dân oan Thủ Thiêm sẽ thanh tra, xử lý và có giải pháp. Người dân chờ đợi với nhiều cột mốc thời gian bị di dời, 15.000 hộ dân Thủ Thiêm bị giải tỏa và người dân cả nước nói chung chờ đợi kết luận thanh tra như người dân Do Thái mấy ngàn năm chờ đợi miền đất hứa (1).

Bỏ qua sai phạm cướp hàng trăm ha đất ngoài ranh dự án

Ngày 26/6, kết quả thanh tra được công bố. Bản báo cáo hơn 10 trang giấy, nêu lên những con số tiền vi phạm khủng khiếp như trên 26.000 tỉ đồng tạm ứng sai quy định, Chỉ riêng với Dự án BT Cầu Thủ Thiêm 2 : "qua thanh tra phát hiện một số khoản chi phí không đúng quy định với tổng giá trị 252.891,830 triệu đồng"… (2). Nói chung là người yếu tim thì không nên đọc báo cáo này vì sẽ không bảo đảm an toàn cho sức khỏe trái tim về con số tiền của mà quan chức đã vung tay quá trán ném tiền qua cửa sổ ở Thủ Thiêm.

Tuy nhiên điều đáng tiếc lá hơn 10 trang báo cáo với những sai phạm đậm đặc ấy không thấy một chữ dân nào, trong khi hơn 15.000 hộ dân, trong đó có hơn 4.000 hộ đang khiếu nại tố cáo là chủ của hơn 200 ha đất Thủ Thiêm, khiếu nại tố cáo của họ là tác nhân chủ yếu của cuộc thanh tra.

Ngay trên báo chí lề phải, dù đã được tổng biên tập Võ Văn Thưởng ràng buộc phải nói tốt nhiều hơn xấu, báo Tiền Phong có ngay bài viết ghi nhận ý kiến của các nạn nhân Thủ Thiêm về báo cáo kết luận Thanh tra.

Chị Nguyễn Thị Hà (khu phố 1, phường Bình An, quận 2) cho biết : Diện tích đất của gia đình chị đã xác định nằm trong khu vực 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm nhưng đến nay chị vẫn phải sống tạm bợ…

Căn nhà của chị Hà bị đập phần phía trước. Bức tường bị phá dở vẫn còn nham nhở, gắn liền với phần nhà còn lại. Nhiều vết nứt toác kéo dài từ trên mái xuống nền khiến ai nhìn cũng phải sợ. Thế nhưng, chị Hà vẫn cố bám trụ ở ngôi nhà bao năm để đòi công bằng.

thuthiem2

Khu tạm cư của người dân Thủ Thiêm Photo : RFA

Sau khi Thanh tra chính phủ công bố kết luận thanh tra Khu đô thị mới Thủ Thiêm, chị Hà vẫn chưa hài lòng bởi theo chị còn nhiều vấn đề chưa được nhắc đến trong kết luận.

"Trong kết luận này chưa trả lời những yêu cầu của người dân như 3 phường 5 khu phố nằm ngoài ranh Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đồng thời, những hành vi đập phá, cưỡng chiếm nhà đất của người dân cũng không thấy nhắc đến", chị Hà nêu.

Chị Hà cho rằng, những gì còn thiếu trong bản kết luận, Thanh tra chính phủ cần phải tiếp tục để làm rõ vấn đề. "Yêu cầu của người dân là phải làm rõ ranh giới 3 phường 5 khu phố gồm khu phố 1 phường Bình An, khu phố 1, 2 phường Bình Khánh, khu phố 5, 6 phường An Khánh. Đồng thời, vấn đề bồi thường nhà cửa cho người dân như thế nào để ổn định cuộc sống", chị Hà nói.

Càng ngụy biện hơn nữa khi kết quả thanh tra cho thấy hơn 20 năm qua, các thế hệ đảng, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã xổ toẹt lên lợi ích chung của đất nước, ngồi xổm lên pháp luật để rút rỉa ngân sách hàng chục ngàn tỉ đồng vi phạm. Chính quyền đã chia chác đất Thủ Thiêm phi pháp theo lợi ích nhóm, hạ thấp giá đất dưới 26 triệu đồng/m2 và móc ngoặc, trao tay cho các nhà đầu tư thân hữu mà không hề đấu thầu công khai, đăng báo theo quy định. Một con số mà thanh tra né tránh không nói đến là giá cả đất đai thực tế của Thủ Thiêm hiện đã lên tới 200 đến 300 triệu đồng/m2. Số tiền mà chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và các nhóm lợi ích đã chiếm đoạt của ngân sách và người dân Thủ Thiêm khó có thể thống kê.

Vì sao Thanh Tra chính phủ lại ra bản kết luận trái lòng dân, gây phẫn nộ với xã hội như vây ? Chắc chắn là họ không ngờ nghệch, non tay, chắc chắn là họ không thiếu thông tin vì số lượng đơn thư của người dân gửi trực tiếp cho Thanh Tra hay qua các kênh tiếp dân khác phải tính bằng đơn vị tấn. Mục đích cuộc thanh tra này ẩn chứa nhiều điều thú vị.

Thanh tra theo ý chúa

Họ mặc kệ dân vì họ là công bộc của chính phủ, họ làm theo lợi ích, mục tiêu của chính phủ và cấp trên chính phủ, việc quái gì phải lưu tâm đến lòng dân, dư luận xã hội. Việc ấy đã có công an của anh Tô Lâm phụ trách, ai dám mích lòng đảng thì hốt hết. Ăn cơm chúa, họ múa theo ý chúa và theo cái túi riêng của mình.

Ngay với dự án Thủ Thiêm này, Thanh tra đã từng vào cuộc và từng thỏa thuận với chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh dừng thanh tra, quyết định xếp hồ sơ và đóng dấu mật.

Nhà báo Trương Châu Hữu Danh đã tóm tắt khôi hài sự việc này trên fb cùng với hình ảnh các văn bản có liên quan "Mật cang, gan Khánh'.

"Lẽ ra nước mắt dân không rơi lầy đất Thủ Thiêm từ năm 2015 - khi Thanh tra chính phủ phát hiện sai phạm động trời. Những sai phạm này đủ để đưa cả một bộ sậu đương chức thời điểm đó vào lò.

Nhưng công sức tập thể đã bị bỏ qua khi Phó Tổng Thanh tra chính phủ Ngô văn Khánh ký ngay văn bản "mật" dừng thanh tra theo nguyện vọng của Thành phố Hồ Chí Minh.

Văn bản mật này đã giúp Cang và đồng bọn qua mặt Thủ tướng, nhất là chuyện Tất Thành Cang ký hợp đồng mật với Khoa khàn, và hàng loạt sai phạm động trời khác. 

Lẽ ra tụi thằng Cang, thằng Hải đã phải vào tù trước cả ông Đinh La Thăng thì văn bản mật của Khánh đã phủ thêm một lớp mật thì xem như hồ sơ bảo mật vĩnh viễn. 

Tất cả các cuộc thanh tra khác khi tạm hoãn đều xin ý kiến và báo cáo Thủ Tướng chính phủ - trừ vụ này". 

Dòng trạng thái này có 2300 like, 214 bình luận và 265 lượt chia sẻ (4).

Cái gì cũng có giá của nó, giá của Thanh Tra Bộ Xây dựng ở dự án cấp xã Vĩnh Phúc đã lên đến trên 500 triệu thì giá dừng thanh tra Thủ Thiêm chắc hẳn phải là cấp số nhân.

Cướp hàng trăm ha ngoài ranh chỉ thừa nhận 4,3 ha

Về kỹ thuật pháp lý họ rất cao tay với tên gọi và chủ đề của cuộc thanh tra lần này là "thanh tra công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai đối với Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh" (5).

Với chủ đích thanh tra như vậy họ loại trừ việc xem xét các vi phạm trong hoạt động giải tỏa thu hồi đất, chiếm đất ngoài quy hoạch hàng trăm ha, cưỡng chế cướp đất của người dân bằng nhiều biện pháp thô bạo thậm chí có cả những nghi án giết người, có nhiều người chết vì bị đàn áp, đánh đập…

Việc hợp thức hóa, ém nhẹm những sai phạm nghiêm trọng của chính quyền Thành Hồ và quận 2 được tình toán kỹ bằng một cuộc kiểm tra trước đó là "Về quy hoạch và công tác bồi thường, thu hồi đất, hỗ trợ, bố trí tái định cư đã được kết luận tại Thông báo số 1483/TB-Thanh tra chính phủ ngày 04/9/2018 của Thanh tra chính phủ" (5).

thuthiem3

Người dân Thủ Thiêm ra khiếu kiện ở Hà Nội Courtesy of FB

Theo thông báo số 1483 này thì Thủ Thiêm chỉ giải tỏa lố 4,3 ha và UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã dựa vào kết quả này để vận động người dân đồng thuận với kế hoạch đền bù mới nhưng kế hoạch này đã bị dân phản ứng dữ dội. Người dân đã trưng ra bằng chứng giải tỏa lố không chỉ 4,3 ha như Thanh tra kết luận mà lên đến hàng trăm ha. Người dân đòi hỏi phải làm rõ ràng đất trong và ngoài dự án, phải có cuộc thanh tra toàn diện làm rõ mọi vấn đề và một lần nữa chính quyền từ Thành phố đến Trung ương đã hứa hẹn. Báo Thanh Niên đã tường thuật một trong những cuộc tiếp dân ấy như sau :

"Sẽ tái bồi thường, hỗ trợ khoảng 2.000 hộ dân Thủ Thiêm

Thông tin trên được Tổ công tác về chính sách bồi thường Thủ Thiêm công bố hôm qua 7/11, tại buổi tiếp dân phường Bình Khánh và phường Bình An (quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh) có nhà đất bị giải tỏa để triển khai dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Dự buổi tiếp có Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, Trưởng ban Tiếp công dân trung ương Nguyễn Hồng Điệp cùng lãnh đạo các sở ngành Thành phố Hồ Chí Minh" (3).

Kết luận kiểm tra 1483 : cái khiên che chắn cho tội ác

Liên quan đến Kết luận kiểm tra 1483 của Thanh tra chính phủ công bố ngày 7/9 vừa qua, đại diện các hộ dân cho rằng chưa thật sự đầy đủ, bởi lẽ nội dung kết luận này chỉ xác định 4,3 ha đất thuộc Khu phố 1 (phường Bình An) nằm ngoài ranh quy hoạch ; trong khi đó thực tế nhiều trường hợp người dân khiếu nại trong suốt nhiều năm qua còn ở một số khu phố khác "không nằm trong ranh quy hoạch Thủ Thiêm như Khu phố 5, Khu phố 6 thuộc phường An Khánh ; Khu phố 1, Khu phố 2 thuộc phường Bình Khánh…". Do vậy, người dân đề nghị phải thanh tra, kiểm tra toàn diện nhằm kết luận rõ ràng tất cả các nội dung khiếu nại ; có phương án giải quyết căn cơ, nếu không thì vấn đề khiếu nại Thủ Thiêm không có điểm dừng.

Về ranh quy hoạch, đại diện các hộ dân đề nghị Thành phố cung cấp tất cả các bản đồ liên quan đến Thủ Thiêm. Bên cạnh đó, phải có giải thích thỏa đáng, cung cấp danh sách các dự án mà Thành phố lấy đất tái định cư để giao. Đặc biệt, những ai làm sai thì phải bị xem xét trách nhiệm hình sự. "Những khiếu nại của chúng tôi cần có kiểm tra, kết luận rõ ràng hơn. Đừng để tàn dư của nhóm lợi ích tồn tại ở Thủ Thiêm, bởi nếu còn tồn tại thì không thể giải quyết được vấn đề người dân khiếu nại. Nếu thực tâm giải quyết, người dân chúng tôi sẽ hiến kế giải quyết có thể xong trong 1 tháng", một hộ dân nói.

thuthiem4

Bản đồ Thủ Thiêm Photo : RFA

Trả lời ý kiến của các hộ dân, ông Nguyễn Hồng Điệp khẳng định mục đích của buổi tiếp dân là để lắng nghe tất cả các ý kiến liên quan đến nội dung kết luận, kể cả các nội dung bên ngoài kết luận mà Thanh tra chính phủ công bố. Trên cơ sở đó, sẽ xem xét giải quyết thấu đáo vấn đề người dân nêu ra. Ông Điệp cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình và Chính phủ rất quan tâm, có nhiều chỉ đạo về vấn đề Thủ Thiêm. Đơn khiếu nại của người dân gửi đến đều được Thanh tra chính phủ xem xét. Vì vậy, để có thể sớm giải quyết rốt ráo, rất mong có sự hợp tác, chia sẻ, đồng thuận từ phía người dân" (5).

Kết luận kiểm tra 1483 và con số 4,3 ha giải tỏa lố chỉ là tấm khiên che chắn cho hàng trăm ha giải tỏa lố ở Thủ Thiêm mà người dân đã vạch mặt trước chủ tịch Phong, ông Nguyễn Hồng Điệp không chỉ trong cuộc họp này và nhiều cuôc họp khác. Tất cả đều lắng nghe, tiếp nhận, đều hứa hẹn sẽ có thanh tra, sẽ thanh tra tiếp tục toàn diện nhưng rồi cuộc thanh tra mới lại không hề xem xét đến những vấn đề đó. Mặc định thừa nhận Kết luận kiểm tra 1483 tức là tiếp tục bao che sai phạm lớn nhất của tập đoàn tội ác Thủ Thiêm.

Gom củi cho lò phục vụ đại hội

Như vậy, không phải chỉ đối tượng bị thanh tra mà ngay cả đoàn thanh tra cũng ngồi xổm trên vai pháp luật mà cả quốc hội lẫn Ủy Ban kiểm tra đảng, Bộ chính trị chẳng ai động đến cọng lộng chân của họ vì những cấp trên ấy luôn cần thanh tra phục vụ cho lợi ích chính mình.

Cuộc thanh lần này có lợi cho ai ? Trước hết là gom củi cho lò cụ Tổng. Phần kiến nghị về xử lý trách nhiệm.

Ghi nhận "Thanh tra chính phủ chuyển Kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm được nêu trong Kết luận thanh tra này".

Với những sai phạm về chủ trương giảm giá đất, giao thầu chỉ định, thay đổi chức năng dự án không báo cáo chính phủ… hoàn toàn thuộc về ỦBND Thành phố Hồ Chí Minh qua các thời kỳ. Tiếng chuông nguyện hồn ai với Lê Thanh Hải, Nguyễn Văn Đua, Lê Hoàng Quân lần này đã vang sát màn tai của những hung thần Thủ Thiêm, hùm xám Sài Gòn.

Ủy ban Kiểm tra đã có đủ hồ sơ thần chết để cân đong, đo đếm ai tha ai giết. Lò sẽ bừng lửa những thanh củi gộc.

Nhưng đừng ai ảo tưởng rằng đây là cuộc chống tham nhũng vì nước, vì dân đúng nghĩa. Như đã nói ở phần trên, nếu thật sự vì dân thì không thể bỏ qua sai phạm nghiêm trọng hơn của tập đoàn tội ác này là cướp đất của dân từ những hộ bên trong quy hoạch đến những hộ bên ngoài quy hoạch. Nếu thật sự vì dân thì phải tập trung mổ xe sai phạm này. Phải xác định ranh đất chiếm sai, hoàn trả đất cho dân, tính lại giá trị đền bù và nguồn đất tái đinh cư cho người dân trọng dự án. Chỉ tập trung bắt sâu trong sai phạm tài chính sau giải tỏa cho thấy Tổng chủ cũng đồng tình chủ trương cướp đất. Đốt lò chẳng qua là để sắp xếp lại nhân sự, bè phái nhằm phục vụ cho ngai vàng thêm một nhiệm kỳ ở đại hội 13 mà thôi.

Chia chác miếng bánh Thủ Thiêm cho các phe nhóm mới

Nhũng kiến nghị của thanh tra lần này không dựa trên cơ sở pháp lý nào mà như xã hội đen bóp cổ ói ra tiền. Những sai phạm tài chính hàng chục ngàn tỉ đồng của dự án Thủ Thiêm là hành vi sai phạm đã hoàn thành cả về nội dung lẫn hình thức dù là tham nhũng, cố ý làm trái hay gì khác nữa thì tiền đã trao, vật đã trao phải khởi tố điều tra xét xử chứ sao có chuyện ra kỳ hạn giải quyết hậu quả "Trong quá trình xử lý về trách nhiệm và kinh tế sau thanh tra, nếu không khắc phục được hoặc khắc phục không triệt để các vi phạm về kinh tế gây thiệt hại tài sản nhà nước trước ngày 31/12/2019 thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật". Theo luật việc khắc phục hậu quả vi phạm chỉ là tình tiết giảm nhẹ hình phạt không thể xem là không phạm tội.

Một nền hành chính chiều chuộng cho quan chức sai phạm như vậy sẽ đưa đất nước đi đâu và cần nhớ rằng bản báo cáo này đã được chính phủ thông qua, vì vậy những quan điểm đúng sai của nó cũng là quan điểm của chính phủ.

Bên cạnh đó các kiến nghị khác về thúc đẩy các nhà đầu tư, đấu thầu dự án là những chỉ dấu cho thấy một cuộc chia phần mới. Đại Quang Minh, Vinaconex đã được gọi tên. Trên mạng xã hội đã lưu truyền câu thơ nhại ca dao dự báo "Gió đưa Khoa khản về trời. Hải, Cang ở lại chịu đời đắng cay"

Trên 40 chủ đầu tư các dự án được chỉ định thầu chắc hẳn không thể ăn ngon, ăn trọn miếng bánh đã cầm trên tay. Chủ nhân thật sự của các dự án sân sau này hoặc phải thỏa hiệp với nhóm lợi ích mới của nhiệm kỳ đương nhiệm hoặc phải nếm trái đắng xếp vào đội hình Junventus.

Bỏ phiếu tin nhiệm bằng dép

thuthiem5

Cuộc họp của lãnh đạo thành phố gặp người dân Thủ Thiêm năm 2018 và chiếc dép được ném lên từ phía người dân Courtesy of FB, RFA edit

Người dân sẽ được gì và phải làm gì ? Thêm một lần vỡ mộng vì những lời hứa hão và trông chờ sự công minh của các Bao Thanh Thiên thời cộng sản. Thêm những chồng đơn gởi đi không lời hồi đáp. Thêm những tháng ngày ăn chực nằm chờ trước các cơ sở tiếp dân từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh. Thêm những tháng ngày vật vạ lang thang trên đường phố. Một lần nữa cần nhắc lại Kết Luận Thanh Tra lần này đã được Chính phủ thông qua : "Ngày 03/4/2019, tại Trụ sở Chính phủ, Lãnh đạo Thanh tra chính phủ đã báo cáo Dự thảo Kết luận thanh tra với Thường trực Chính phủ và ngày 16/4/2019, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 68/TB-VPCP thông báo ý kiến kết luận của Thường trực Chính phủ về Dự thảo Kết luận thanh tra của Thanh tra chính phủ liên quan đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm" (6). Vì vậy, người dân đừng hy vọng hão huyền là đây chỉ là sai sót của cấp dưới, trung ương sẽ công tâm công bàng xem xét.

Một sáng kiến ấn tượng của người Sài Gòn đã thực hiện là bỏ phiếu tín nhiệm bằng dép đến một nữ hồng phúc của dân tộc Nguyễn Thị Quyết Tâm. Có lẽ một chiếc dép chưa đủ thể hiện sự tín nhiệm cao với các cán bộ đóng vai đại biểu dân cử và các cán bộ công quyền. Cần quyên góp dép đủ tức số quá bán số cử tri cả nước để bỏ phiếu cho bộ máy nhà nước do dân, vì dân này. Các nhà sản xuất dép cần tăng công suất để đáp ứng nhu cầu của người dân. Cử tri Việt Nam từ nay đã hình thành nhu cầu mới không dùng dép để đi mà còn dùng dép để bỏ phiều tín nhiêm quan chức.

Gió Bấc

Nguồn : RFA, 03/07/2019

(1) https://www.facebook.com/huudanh.truong.5?__tn__=%2CdC-R-R&eid=ARDytdbFsD5Ws183BKjNt-sI7K5ACUjFiPjPql5yk0zANeXbDkFzWidEII0mVw0aC-shiBlWrbbUv1yj&hc_ref=ARQiQ77Qr82MEYFTaHh-bX7RO6OCrbCDr6GA3LmjLNQ27nrYmk34d_AvzxDQXXJEYkg&fref=nf

(2) http://thanhtra.com.vn/thanh-tra/ket-luan/thanh-tra-chinh-phu-cong-bo-ket-luan-ve-quy-hoach-xay-dung-dat-dai-tai-khu-do-thi-moi-thu-thiem_t238c1002n150444

(3) https://thanhnien.vn/thoi-su/se-tai-boi-thuong-ho-tro-khoang-2000-ho-dan-thu-thiem-1021158.html

(4) https://www.facebook.com/huudanh.truong.5?__tn__=%2CdC-R-R&eid=ARDytdbFsD5Ws183BKjNt-sI7K5ACUjFiPjPql5yk0zANeXbDkFzWidEII0mVw0aC-shiBlWrbbUv1yj&hc_ref=ARQiQ77Qr82MEYFTaHh-bX7RO6OCrbCDr6GA3LmjLNQ27nrYmk34d_AvzxDQXXJEYkg&fref=nf

5. http://thanhtra.com.vn/thanh-tra/ket-luan/thanh-tra-chinh-phu-cong-bo-ket-luan-ve-quy-hoach-xay-dung-dat-dai-tai-khu-do-thi-moi-thu-thiem_t238c1002n150444

6. http://thanhtra.com.vn/thanh-tra/ket-luan/thanh-tra-chinh-phu-cong-bo-ket-luan-ve-quy-hoach-xay-dung-dat-dai-tai-khu-do-thi-moi-thu-thiem_t238c1002n150444

************************

Thủ Thiêm : Những quan chức ăn đất nào đáng lên giá treo cổ ?

Minh Quân, VNTB, 05/07/2019

Tháng 6 năm 2019, ngay sau khi Thanh tra chính phủ có kết luận thanh tra về vụ khiếu tố khổng lồ ở Thủ Thiêm, quan chức Lê Thanh Hải, cựu bí thư thành ủy, cựu chủ tịch thành phố Hồ Chí Minh, cùng cơ quan Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã công khai thách thức công luận và lương tâm xã hội.

thuthiem6

Những quan chức ăn đất nào đáng lên giá treo cổ ? Lê Thanh Hải, Nguyễn Van Đua và Tất Thành Cang - Ảnh minh họa

Trong phát biểu tại "Hội Thảo Khoa Học 50 năm thực hiện di chúc thiêng liêng của chủ tịch Hồ Chí Minh" do Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, Lê Thanh Hải thậm chí còn ‘lên lớp’ : ‘còn có một bộ phận cán bộ đảng, đảng viên dao động về phẩm chất chính trị, "tự diển biến", "tự chuyển hóa ", suy thoái, sa sút về phẩm chất đạo đức…"

Dư luận phải chua chát mỉa mai : "Ngược đời chuyện người sai phạm công khai ‘lên lớp’ về đạo đức đảng viên !".

Ở Sài Gòn, cái tên Lê Thanh Hải bị người dân và cả một số công chức gọi là "Hải Heo", là một trong những kẻ bị dư luận xã hội căm ghét nhất và lên án nhiều nhất.

Vào thời còn là chủ tịch thành phố, Lê Thanh Hải đã "dọn đường" cho việc thay đổi quy hoạch Thủ Thiêm giải tỏa lố sang 160 hécta đất mà trước đó dùng làm khu vực tái định cư cho dân, đẩy đuổi thêm nhiều ngàn người dân Thủ Thiêm khỏi nơi ở và cũng là chỗ sinh nhai duy nhất của họ.

Tiếp đến là Nguyễn Văn Đua – cựu phó chủ tịch ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi từ Phó chủ tịch thành phố trở thành Phó bí thư thường trực thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh vào thời Lê Thanh Hải làm bí thư, Nguyễn Văn Đua đã nắm khối an ninh nội chính và mau chóng trở thành một "sát thủ" đối với giới hoạt động dân chủ nhân quyền ở Sài Gòn. Nguyễn Văn Đua bị "tố" là đã ký một quyết định về quy hoạch Thủ Thiêm mà đã vượt quyền khi phủ nhận cả quyết định trước đó của thủ tướng chính phủ.

Tiếp đến là Tất Thành Cang – người được xem là "đệ ruột" của anh Hai (Lê Thanh Hải), bị người dân tố cáo là có công giúp Lê Thanh Hải cướp đất Thủ Thiêm và đàn áp dã man dân oan nơi đây. Sau khi Lê Thanh Hải về hưu, Tất Thành Cang trở thành phó bí thư thường trực Thành phố Hồ Chí Minh và lại dính đậm ở một vụ "ăn đất" khác : Cang là người chỉ đạo vụ công ty Tân Thuận của thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh bán trái phép với giá bèo 32 hécta đất Nhà Bè cho tư nhân.

Gần đây đã xuất hiện trên mạng xã hội một số bức ảnh được chụp từ cự ly gần về những "lều đày tớ" quá đồ sộ và hoàng tráng của Tất Thành Cang và Nguyễn Văn Đua, hay cảnh Sáu Cang ăn nhậu với một số quan chức và báo chí cánh hẩu ngay trong nhà khách thành ủy… Chỉ có người trong nội bộ "‘đảng ta" mới có thể chụp gần như vậy.

Trong khi đó, Lê Thanh Hải kín đáo tung tích hơn. Nhưng rất nhiều người dân và công chức ở Sài Gòn cho rằng đây mới là "chuột cống" với vô số nhà cửa và đất đai tích góp được qua 15 năm làm chủ tịch thành phố và bí thư thành ủy. Nhiều tờ báo đã bắt đầu nêu đích danh trách nhiệm Lê Thanh Hải trong vụ Thủ Thiêm.

Thế nhưng bản kết luận thanh tra vụ Thủ Thiêm của Thanh tra chính phủ vào tháng 6 năm 2019 chỉ quy trách nhiệm của các tổ chức cá nhân trong việc quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm, làm thất thoát ngân sách nhà nước, phá vỡ quy hoạch chung theo Quyết định 367, thu hồi tiền của các dự án về cho nhà nước… mà không nêu một cái tên cụ thể nào phải chịu trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự.

Phải chăng ý đồ của Nguyễn Phú Trọng và ‘đảng ta’ là chỉ muốn bắt các quan tham phải ‘ói ra’ nhằm ‘thu hồi tà sản tham nhũng’, rồi sau đó cho những kẻ ‘ăn đất’ này hạ cánh an toàn ?

Trong khi đó, rất nhiều người dân Thủ Thiêm lẫn dư luận xã hội đã dậy lên phản ứng đối với cơ quan này nói riêng và với đảng cầm quyền nói chung bởi bản kết luận thanh tra vụ Thủ Thiêm của Thanh tra chính phủ đã không nói gì đến thân phận của hàng ngàn dân oan đất đai và việc bồi thường cho họ.

Đặc biệt trong Kết luận thanh tra trên không nói gì về 115 người dân đang khiếu kiện ở Hà Nội nằm ở 5 khu phố ở 3 phường ngoài ranh theo Quyết định 367. Kết luận này cũng không trả lời được nhữngcâu hỏi như "Cơ sở nào kết luận 4,3 ha của phường Bình An nằm ngoài ranh ?", "160 ha tái định cưbiến đi đâu và rơi vào túi nhũng kẻ nào ?", "Tấm bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm biến đi đằng nào ?"…

Minh Quân

Nguồn : VNTB, 06/07/2019

*******************

Ông Hải cao giọng "đạo làm quan" thì có gì là lạ ?

An Viên, VNTB, 05/07/2019

Ông Lê Thanh Hải, cựu Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, cựu Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh đã có bài phát biểu trước đội ngũ cán bộ trung và cao cấp của thành phố, trong đó ông nhấn mạnh, có một bộ phận cán bộ, Đảng viên bị suy thoái phẩm chất đạo đức.

thuthiem7

Khi được hỏi về kết luận thanh tra Thủ Thiêm, nguyên bí thư Lê Thanh Hải nói : Tôi giờ hưu rồi, làm được gì nữa mà trả lời ! (Ảnh Tuổi Trẻ)

Lần "cao giọng" này đã bị cư dân mạng xã hội phản ứng mạnh, cho đây là sự "lên lớp" trơ trẽn, bởi chính ông Lê Thanh Hải đang bị cho là có liên quan đến sự kiện Thủ Thiêm. Một sự kiện chứa đầy sự căm phẫn xã hội lẫn lợi ích nhóm, và hệ thống tham nhũng đặc thù cơ chế.

Nhưng, ông Hải hay kể cả những "đồng chí cách mạng" khác cao giọng "đạo làm quan" thì có gì là lạ ?

Cựu bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông và vận tải Đinh La Thăng từng cao giọng về đạo đức cách mạng và tiêu chí "vì dân hành động" đã bị bắt giam, khởi tố vì tội tham nhũng.

Cựu Bí thư tỉnh Hà Giang, Triệu Tài Vinh, người mới đây được điều về Phó Ban Kinh tế Trung ương không ít lần nhấn nhá trước cán bộ về chống tham nhũng, lợi ích nhóm,… nhưng ông lại bị nghi ngờ tác động nâng điểm cho con gái cưng của mình. Ông Vinh và người cha của ông cũng được cho là sắp xếp dòng họ vào các chức vụ chủ chốt tại tỉnh Hà Giang, thiết lập ngang nhiên gia đình trị trong bộ máy chính quyền.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, hai người từng hùng hồn tuyên bố về đạo đức cách mạng, chống tham nhũng, chống suy thoái đạo đức, chống vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Nhưng sau đó, bản thân hai ông bị khởi tố và bắt giam vì liên quan đến vụ Mobifone-AVG gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng ngân sách.

Ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Việt Nam từng tuyên bố, "Việt Nam là một nước dân chủ và chúng tôi lên án chế độ độc tài", bối cảnh, ông là người đứng đầu một quốc gia độc đảng, nơi mà các quyền tự do lập hội, tự do biểu đạt, tự do báo chí đã bị từ chối trong hàng thập niên qua.

Hàng chục vị quan từng tuyên bố, lên tiếng, hay chỉ đạo về "học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" cũng bị bắt giam, khởi tố, một số khác thì tìm cách hạ cánh an toàn và sống trong nỗi ô nhục do người đời khinh bỉ.

Mới đây, nhà báo – Facebooker Trương Châu Hữu Danh đã phát lộ về khối lợi ích mang tên "Lan Anh", một cái tên gợi nhớ đến ông "Sáu Dân – Võ Văn Kiệt", người được đánh giá là thanh liêm, vì nước và vì dân. Nhưng những lợi ích đất đai mà "Lan Anh" được hưởng, cũng được diễn ra ngay dưới thời ông Kiệt làm Thủ tướng, ông Kiệt có biết không, chắc hẳn đó là câu hỏi không hề dễ dàng để trả lời. Nhưng nếu "Lan Anh" sau này vào lò, thì hẳn ông Kiệt cũng liên đới không ít vì dung túng con cái làm sai.

Ông Kiệt, hay thậm chí Nguyễn Bá Thanh ; ông Hải hay Triệu Tài Vinh ; ông Son hay ông Tuấn,… và hàng trăm đội ngũ quan chức trung cao cấp khác tiếp tục bị phát lộ là không có nhiều đạo đức cách mạng, khi mà tính "cần – kiệm – liêm – chính" được nhấn mạnh từ thời ông Hồ Chí Minh còn sống đã không còn quá nhiều ý nghĩa với họ. Thậm chí, điểm chung của tất cả sự phát lộ không phải chính từ bộ máy thanh kiểm tra thuộc nhà nước, mà bởi chính người dân, những nhà báo có lương tâm, với sự hỗ trợ của mạng xã hội Facebook.

Khi đạo đức cách mạng không còn thì quan điểm "quan nhất thời, dân vạn đại" chỉ là thứ phế phẩm trong cơ chế hiện tại. Quan bằng cách này hay cách khác, tìm cách bòn vét những đồng xu cắc bạc trong dân, qua nhiều hình thức và thủ đoạn khác nhau. Thế nên tìm thấy một người có đủ thanh danh "liêm chính" ở Việt Nam còn khó hơn cả trúng vé số, chỉ là họ chưa bị phát lộ, hoặc họ buộc phải chết để giữ gìn thanh danh.

Thế nên, ông Hải cao giọng "đạo làm quan" thì có gì là lạ, thậm chí không lạ khi mà trong lúc người bố miệt mài rao giảng đạo đức cách mạng, thì người con (Lê Trương Hải Hiếu) được dân oan "vinh danh" bằng băng rôn, trong đó tố cáo ông Hiếu "cướp đất" thông qua quyết định chính sách.

Thể chế nào thì cá nhân đó, người dân phê phán ông Hải là "mặt thớt" (vì ông rao giảng cái mà ông còn chưa đáp ứng được) thì người dân càng phê phán thể chế đã tạo điều kiện cho những "hồng phúc" đó lên nắm quyền và hại dân. Thế nhưng, đến nay, vẫn chưa thấy một chính quyền nào thừa nhận đã sai, ở thành phố cấp trung ương điều này càng hiếm hoi. Sự kiện Thủ Thiêm luôn được đề ra đáp án đổ lỗi là doanh nghiệp và người dân, trong khi đội ngũ cán bộ làm sai thì vẫn chật vật trong "kết luận tội trạng".

Trong cuộc tiếp xúc gần đây liên quan đến câu chuyện Thủ Thiêm, theo nhà báo Trương Châu Hữu Danh chia sẻ trên Facebook cá nhân của mình, ông Võ Văn Hoan đề cập đến cái sai của doanh nghiệp nhưng lại bỏ lửng cái sai của phía chính quyền thành phố, thậm chí là không đoái hoài đến sự tiếp tay của một bộ phận không nhỏ cán bộ cao cấp thành phố đã tạo bức tường cho phía doanh nghiệp dựa vào làm bậy, đẩy người dân vào cảnh khốn cùng.

Thể chế này sẽ tiếp tục sản sinh ra những vụ tham nhũng mới, thủ đoạn tinh vi hơn, và khi chưa có cơ chế được thiết lập dựa trên nền tảng độc lập (tam quyền phân lập) và cộng đồng (xã hội dân sự) thì một cán bộ nay còn rao giảng đạo đức, nhưng mai bị bắt giam – khởi tố trước thềm đại hội cũng không có gì là lạ.

Cái lạ là nhiều người vẫn một niềm tin trong suốt với lý tưởng "đánh chuột nhưng không vỡ bình", trong khi nguyên tắc "dân sai thì bị trừng trị, cán bộ sai thì bị kỷ luật" vẫn tồn tại một cách đương nhiên.

An Viên

Nguồn : VNTB, 05/07/2019

Quay lại trang chủ
Read 735 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)