Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

24/03/2017

Tài trợ phát triển và lạm dụng dân nghèo

Nguyễn Xuân Nghĩa

Ngân hàng Thế giới World Bank và chi nhánh là Công ty Tài trợ Quốc tế IFC đã gián tiếp gây ô nhiễm môi sinh, nạn tận thu và cưỡng chế đất đai nhà cửa ở khu vực Đông Nam Á. Trên đây là lời cáo buộc do Tổ chức Inclusive Development International (IDI) nêu ra trong phúc trình vừa công bố hôm 17 Tháng Ba. Được thành lập như một định chế tài trợ phát triển cho các nước nghèo, vì sao Ngân hàng Thế giới lại có thể gây hậu quả đó ?

taitro1

Đôi bàn tay của một cậu bé làm việc trong xưởng đóng tàu ở Bangladesh chụp hôm 18/2/2016. AFP photo

Giúp nước nghèo

Nguyên Lam : Thưa ông, tuần qua thì một tổ chức vô vụ lợi thành lập tại Hoa Kỳ là Inclusive Development International, mà ta có thể dịch là "Hỗ tương Bao hàm trong Phát triển Quốc tế", đã gây chấn động trong dư luận quan tâm đến việc phát triển các nước nghèo khi phê phán Ngân hàng Thế giới và bộ phận tài trợ tư doanh là Công ty Tài trợ Quốc tế IFC gián tiếp gây ô nhiễm môi sinh và nhiều tệ nạn khác trên thế giới, tại Đông Nam Á và cả Việt Nam.

Họ còn nói rằng trong sáu tháng tới sẽ tiếp tục công bố kết quả kiểm tra từ nhiều năm qua để yêu cầu Ngân hàng Thế giới cùng Công ty IFC thay đổi chính sách tài trợ nhằm thực sự cứu dân nghèo thay vì gây thêm tai họa cho các nước. Từng được Ngân hàng Thế giới huấn luyện từ ngày xưa và là tư vấn kinh tế cho các nước nghèo, ông nghĩ sao về lời cáo buộc này ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi có để ý đến lời cáo buộc ấy và cả sự chống chế mà thiếu cải tiến của cơ quan IFC lẫn Ngân hàng Thế giới khi bị các tổ chức phi chính phủ đả kích từ nhiều năm qua và chúng ta sẽ còn phải theo dõi những phát giác kế tiếp của tổ chức Inclusive Development International. Phần mình, từ môi trường sinh hoạt ấy mà ra, tôi nghĩ rằng vấn đề nó sâu xa nghiêm trọng gấp bội nên xin đề nghị là chúng ta cùng kiên nhẫn tìm hiểu vì nếu không cải sửa thì những hậu quả tai hại vẫn chưa hết đâu. Trước hết, về Ngân hàng Thế giới thì ta cần trở về mối họa từ đầu nguồn, khi định chế này ra đời hơn 70 năm trước.

Cuối Đệ nhị Thế chiến, vào năm 1944, Hoa Kỳ cùng các nước dân chủ Tây phương chuẩn bị dựng lại kiến trúc tài chính toàn cầu để tránh vụ Tổng khủng hoảng xảy ra từ 1929-1933 và là một trong nhiều nguyên nhân của đại chiến. Trong Chính quyền Mỹ khi đó có kinh tế gia Harry Dexter White nổi tiếng tương tự như ông John Maynard Keynes người Anh. Là công trình sư soạn thảo văn kiện thành lập Ngân hàng Thế giới với chủ trương sau này là Điều IV, Khoản 10, ông White viết rằng "Ngân hàng Thế giới và nhân viên không nên xen vào nội bộ chính trị của các nước hội viên…" tức là không bị chi phối bởi đặc tính chính trị của các nước mà chỉ nên quan tâm để yếu tố kinh tế.

Nguyên Lam : Nguyên Lam và quý thính giả của chúng ta đã quen dần với cách nhìn của chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa khi ông trở về bối cảnh sâu xa của những biến cố hiện đại. Nhưng vì sao ông lại trở ngược đến tận năm 1944 để nói về một vấn đề của năm 2017 ?

INDONESIA-SOCIETY-POVERTY-RATE

Người nghèo trong khu vực tồi tàn ở Jakarta chụp hôm 3 tháng 1 năm 2017. AFP photo

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Có lẽ tôi cần trở ngược sâu xa hơn vậy nữa ! Ngay từ năm 1941, ông White đã bày tỏ sự khâm phục thành tựu kinh tế của Liên bang Xô viết. Khi ấy, người ta tưởng đấy chỉ là một nhận thức cá nhân của ông ta, như của nhiều chuyên gia trí thức ngây dại khác. Vả lại trong Thế chiến II, khi Đức Quốc Xã hủy bỏ hiệp ước bất tương xâm với Liên Xô mà tấn công nước Nga thì phe Tây phương cần hợp tác với Liên Xổ để chống kẻ thù chung. Khi ông White chủ trương là Ngân hàng Thế giới không nên quan tâm đến thể chế chính trị thì cũng để mong định chế này sẽ có Liên Xô là hội viên.

Điều không ngờ mà người ta chỉ biết về sau là kinh tế gia Harry Dexter White cộng tác với tình báo Xô viết từ lâu mà các chính quyền Franklin Roosevelt và Harry Truman không biết, hoặc không tin. Mãi sau này, nhờ một dự án tối mật của hệ thống quân báo Hoa Kỳ người ta mới biết sự thật và năm 1997, là 20 năm trước, "Dự án Venona" này được công khai hóa với vai trò nghiêm trọng của ông White cùng nhiều viên chức cao cấp khác của Hoa Kỳ.

Nhưng cái mầm họa bị cấy trong định chế tài trợ phát triển lại còn nguyên vì vậy chẳng ai ngạc nhiên khi Ngân hàng Thế giới tài trợ các chính quyền độc tài tham nhũng hoặc nhiều dự án phát triển của Trung Quốc đã gây ô nhiễm môi sinh mà ít ai nói tới vì sợ mất phần ăn với Tầu. Đấy là lẽ cái thứ nhất mà chương trình của chúng ta có đề cập tới khi nêu vấn đề vì sao mầm dân chủ khó mọc tại Đông Á là nơi có nhiều thành tựu kinh tế được các định chế quốc tế ngợi ca.

Nguyên Lam : Ông vừa nói rằng "đấy là cái lẽ thứ nhất", nghĩa là ông cho rằng còn có nhiều lẽ khác nữa hay sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Một sai lầm của các định chế quốc tế lẫn nhiều chuyên gia kinh tế là cố tình tránh né yếu tố chính trị. Thành phần chuyên gia thư lại ấy được trả lương cao và còn miễn thuế để gọi là giúp nước nghèo mà họ không được nhắc đến chính trị trong phúc trình chuyên môn của họ. Đa số thì chỉ muốn làm xong việc rồi đi nơi khác chứ sợ bị chế độ độc tài làm phiền. Thành ra đôi bên ở trên đều báo cáo tốt đẹp chứ sự thật bên dưới chẳng như vậy. Sự thật bên dưới là dân nghèo bị đuổi khỏi vùng đất sống của họ để "giải phóng mặt bằng" mà không được đền bù tương xứng nhằm thực hiện các công trình dự án do quốc tế tài trợ với sự chỉ đạo kỹ thuật của các chuyên gia.

Sự thật là nhiều dự án xâm hại môi trường sinh sống của dân cư sở tại mà các chuyên gia bất cần. Khi bị nạn thì kỹ sư quốc tế lại được mời qua cải sửa với thù lao rất cao tính vào ngân khoản viện trợ ! Mọi người đều vui với thành quả ấy, trừ đám dân nghèo. Hàng năm, giới chuyên gia quý tộc ấy vẫn họp hành trong khung cảnh sang trọng để nói về thành tựu của họ mà sau cùng lại ngẩn ngơ khi khủng hoảng bùng nổ ở nơi này nơi khác. Vấn đề không chỉ là đặc tính "phi chính trị" của hệ thống tài trợ phát triển mà là "phi nhân quyền" và "phi nhân phẩm" ! Đấy là cái lẽ thứ hai….

Chuyện Việt Nam

Nguyên Lam : Khi nhìn vào một số dự án có vấn đề hiện nay tại Việt Nam thì có lẽ thính giả của chúng ta hiểu ra một thực tế tiêu cực ở bên ngoài, hay bên dưới mà ông vừa nêu ra, thưa ông, có phải như vậy không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Một tổ chức tài trợ tư doanh như Công ty IFC có thể chủ trương việc rất ư phải đạo là "phát triển tư doanh". Nhưng các chuyên gia và tư vấn tài chính kinh tế được họ gửi vào các nước nghèo và độc tài thì không thể không biết rằng dự án tài trợ, thí dụ như ngân hàng này ngân hàng nọ, chỉ là một trong nhiều chi nhánh của một tập đoàn kinh tế nhà nước do một nhân vật lãnh đạo nào đó thật sự điều khiển qua tay chân và thân tộc trong mạng lưới làm ăn của ông ta. Các chuyên gia ngoại quốc ấy chẳng dại gì nêu vấn đề vì bị thiệt hại hoặc phiền nhiễu nên chỉ làm cho xong. Rồi quốc tế bèn khen rằng Việt Nam hay xứ nọ đã có thêm một số "ngân hàng tư nhân" dù tư doanh thật thì vẫn khó tìm ra tín dụng để làm ăn.

Sau đó, nếu ngân hàng do Công ty IFC yểm trợ để thành hình mà cung cấp tín dụng cho loại dự án vô giá trị về kinh tế hoặc xâm nhiễm môi trường sinh sống của người dân thì đấy là trách nhiệm của các nước nghèo đã được viện trợ ! Đâm ra mục tiêu viện trợ có đặc tính phi chính trị lại xâm phạm nhân quyền, nhân phẩm của người dân đáng lẽ ra là đối tượng cần ưu tiên giúp đỡ.

VIETNAM-WORLD BANK-ECONOMY-REPORT

Chủ tịch Tập đoàn Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim (phải) và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hà Nội ngày 23 tháng 2 năm 2016. AFP photo

Nhiều người Mỹ qua Việt Nam làm ăn cứ hỏi tôi vì sao Việt Nam có quá nhiều người giầu như vậy. Câu trả lời có thể là Việt Nam đang công nghiệp hóa, nay có 90 triệu dân thay vì chỉ có 22 triệu tại miền Bắc và 24 triệu tại Việt Nam cuối thời chiến tranh ! Nhưng câu trả lời thực tế nhất vẫn là "chủ nghĩa tư bản thân tộc" và quy định quái đản về đất đai, vốn "thuộc quyền sở hữu của toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lý" mà lại do tay chân của đảng và nhà nước toàn quyền phân phối.

Những người Mỹ ấy không biết đến các dự án thủy điện hay công nghiệp làm trăm ngàn người khốn khổ, trong khi báo chí chỉ nói tới các đại gia chẳng còn có vẻ gì là cộng sản và cho rằng chủ nghĩa tư bản đã cám hóa họ. Chế độ là sự cộng sinh giữa độc tài và tham nhũng mà chuyên gia quốc tế chẳng cần biết nên là đồng lõa cho cái xấu mà có lẽ cũng bất cần.

Nguyên Lam : Ông đã hai lần nhắc tới tình trạng ông gọi là phi nhân phẩm hay xâm phạm nhân quyền. Phải chăng đấy là một nguyên nhân sâu xa khiến việc tài trợ phát triển lại không được dân nghèo hưởng ứng hay ủng hộ ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi cho là dân đen còn oán các tổ chức quốc tế khi mờ sáng thấy đoàn xe ủi đất lững lững đi vào, có khi được công an bảo vệ, để san bằng ruộng vườn. Sau đó họ mới thấy dựng lên vài tấm bảng giới thiệu một công trình kỹ nghệ sẽ được thực hiện trên vùng đất của ông bà tổ tiên, mà lợi ích kinh tế tài chính lại chảy vào túi của ai khác trên thành phố. Nhà báo ngây ngô được vào đó chụp hình một dự án hiện đại hóa cái xứ nghèo nàn này trong khuôn khổ của chương trình viện trợ để cứu đói giảm nghèo ? Chuyện như vậy xảy ra quá nhiều nên không là một tai nạn đơn lẻ mà là một trào lưu đáng ngại cho các nước Á Phi.

Nếu xứ sở có thể chế dân chủ và luật pháp nghiêm minh thì người dân được quyền biết và lên tiếng về các dự án sẽ thực hiện tại địa phương và vấn đề hay đề nghị mà họ nêu ra phải được chuyên gia ghi vào phúc trình nghiên cứu tính chất khả thi của dự án. Rốt cuộc thì người ta phải quan niệm lại vai trò của viện trợ cho các nước nghèo lẫn trách nhiệm của các chuyên gia.

Nguyên Lam : Như vậy, ông đang dẫn chúng ta đến phần kết luận của câu chuyện phức tạp này. Thưa ông, kết luận ấy là gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trong bảy thập niên, giới chuyên gia kinh tế tranh luận từ hai giác độ tả hữu về việc tạo ra thịnh vượng, với một kẻ tốt nghiệp Đại học Harvard như ông White mà còn u mê tin rằng hệ thống kinh tế kế hoạch tập trung sẽ đẩy lui sự nghèo đói ! Kết cuộc thì chủ nghĩa cộng sản tự phá sản và ta thấy kinh tế thị trường mới có ưu thế nên các chế độ cộng sản như tại Trung Quốc và Việt Nam bèn cải cách hay đổi mới, mà vẫn sai ! Cái sai đầu tiên là từ kẻ sùng chuộng tư bản chủ nghĩa vì cho rằng thịnh vượng kinh tế sẽ thay đổi chế độ chính trị, chẳng khác gì lý luận duy vật Mác-xít. Cái sai kế đó là từ đám chuyên gia Tây phương khi tưởng là việc xóa đói giảm nghèo qua các kế hoạch, chương trình hay dự án từ trên ban xuống sẽ đem lại thịnh vượng.

Họ sai vì các chế độ độc tài theo đúng phép đó, dùng chuyên gia kinh tế làm công cụ để nói tới xóa đói giảm nghèo mà làm giàu cho bọn có quyền qua tham nhũng và phá hủy môi sinh lẫn nhân phẩm. Thành thử, vấn đề không là số liệu về lợi tức mà quốc tế cứ tung hứng và báo chí loan truyền. Vấn đề là quyền lên tiếng của dân nghèo, là nhân quyền, dân quyền và nhân phẩm của người nghèo trước sự toa rập của bọn chuyên gia quốc tế và các chế độ côn đồ. Thế giới đang dần dần thấy ra thực tế phũ phàng đó và sẽ phải đổi thay nữa.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ ông về cuộc phỏng vấn này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 22/03/2017

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Xuân Nghĩa
Read 627 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)