Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/07/2019

Quan hệ kinh tế Venezuela - Nga căng thẳng

Anatoly Kurmanaev

Trong những thời khắc khó khăn nhất, Tổng thống Nicolás Maduro của Venezuela đã quay sang Nga với hy vọng nhận được sự hậu thuẫn.

venezuela1

Tổng thống Nicolás Maduro của Venezuela gặp gỡ với Tổng thống Vladimir V. Putin của Nga

Hồi tháng Một, khi Hoa Kỳ áp đặt lệnh trừng phạt đối với ngành công nghiệp năng lượng của Venezuela, công ty dầu mỏ Rosneft của Nga đã giúp chuyển hướng xuất khẩu dầu mỏ của Venezuela sang Châu Á. Và tháng 3, khi những tin đồn về khả năng can thiệp quân sự của Mỹ vào Venezuela gây sốt, thì hai máy bay với các kỹ thuật viên quân sự của Nga đã hạ cánh xuống Caracas - một lời nhắc nhở rằng Nga đứng về phía Venezuela.

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy rằng, ngoài những cử chỉ đao to búa lớn này với hiệu quả hạn chế cho dân chúng, mối quan hệ kinh tế Venezuela và Nga đang ngày càng trở nên căng thẳng. Ngân hàng Nga, các nhà xuất khẩu ngũ cốc, thậm chí các nhà sản xuất vũ khí đều đã ngừng các hoạt động kinh doanh với Venezuela, họ đang muốn tránh xa một sự sụp đổ kinh tế mà họ vốn dự định là sẽ giúp cho đồng minh của Nga tại Nam Mỹ trụ lại được.

Maxim Nga Hess, một thành viên tại Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại ở London cho biết rằng "quan hệ kinh tế với Venezuela thật ra đã đình trệ trong vài năm qua. Chính sách ngày nay có chi phí rất thấp, nhưng lại đóng một vai trò địa chính trị lớn hơn".

Sự hậu thuẫn công khai của Nga xuất hiện vào một số thời điểm quan trọng kể từ khi lãnh đạo phe đối lập, ông Juan Guaidó, hồi tháng 1 (2019), tự xưng là tổng thống lâm thời của Venezuela, thách thức sự tiếp tục bám lấy quyền lực của ông Maduro và đẩy Venezuela vào ngập sâu vào khủng hoảng chính trị. Sự hậu thuẫn của Nga cho phép ông Maduro khẳng định sự ủng hộ của một đồng minh hùng mạnh và duy trì sự hỗ trợ quan trọng trong quân đội và trong đảng cầm quyền.

Nhưng về kinh tế, các công ty nhà nước Nga đang cắt giảm các hoạt động kinh doanh mà họ đang tiến hành đối với quốc gia đang phá sản này để bảo vệ các lợi nhuận, điều này cho thấy giới hạn của chiến lược của Tổng thống Vladimir V. Putin trong việc chống lưng cho một đồng minh và chống lại chính quyền Trump. Chính quyền Nga đã không làm gì để chống lại một sự cắt giảm các hoạt động kinh doanh này, trong khi đó lại từ chối cung cấp hạn mức tín dụng mới cho Venezuela, tù chối cam kết đầu tư mới hoặc thậm chí không cung cấp các khoản cứu trợ đối với các khoản nợ hiện tồn để giúp ông Maduro trong cuộc chiến với phe đối lập.

Ưu tiên hỗ trợ mang tính biểu tượng của điện Cẩm-linh thay vì các khoản đầu tư dài hạn ở Venezuela một phần có liên quan tới những tai ách kinh tế của Liên bang Nga. Theo các cuộc thăm dò của Nga, sự trì trệ kéo dài đã năm năm của Nga đã dẫn đến sự bùng nổ các cuộc biểu tình lớn nhất kể từ năm 2013, và cũng đã dẫn đến sự sụt giảm đáng kể về chỉ số niềm tin của ông Putin và làm gia tăng ác cảm đối với các hoạt động phiêu lưu ở nước ngoài đầy tốn kém.

Theo số liệu của hải quan Nga, trong bốn tháng đầu năm nay, Nga chỉ xuất khẩu 36 triệu đô la hàng hóa sang Venezuela, chưa bằng một nửa tổng số hàng hóa mà họ đã xuất khẩu ba năm trước đó.

Các dữ liệu hải quan của Nga cho thấy rằng trong mùa xuất khẩu nông sản của Nga, kết thúc vào tháng 4, các thương vụ bán lúa mì của Nga cho Venezuela, mà ông Maduro quảng cáo là sản phẩm thay thế ngũ cốc của Mỹ, đã giảm mạnh tới 60%, xuống chỉ còn 187.000 tấn, so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng lúa mì này chỉ đáp ứng được một phần mười nhu cầu lúa mì hàng năm của Venezuela.

Theo hai người am hiểu vấn đề này, với điều kiện giấu tên vì họ không được phép nói chuyện với báo chí, thì hai ngân hàng lớn nhất của Moscow đã tránh xa các nỗ lực của ông Maduro trong việc chuyển các tài khoản của chính phủ Venezuela sang Nga để tránh né lệnh trừng phạt của Mỹ. Việc sử dụng rộng rãi đồng đô la trong hệ thống tài chính Nga có nghĩa là nguy cơ trừng phạt của Mỹ lớn hơn nhiều so với thu nhập tiềm năng từ các hoạt động kinh doanh mới của Nga với Venezuela.

Không một ngân hàng nào trong số 15 ngân hàng hàng đầu của Nga cho Venezulea vay khoản nào đáng kể từ tháng Tư (2019). Từ tháng Tư, Gazprombank do nhà nước Nga kiểm soát, vốn từng là một trong những chủ ngân hàng Châu Âu chính của công ty dầu khí quốc gia Venezuela, Pdvsa, đã xóa bỏ gần như toàn bộ danh mục tín dụng của Venezuela sau khi Gazprombank rời khỏi liên doanh ngân hàng với chính quyền của ông Maduro.

Ngay cả việc giao dịch vũ khí của Nga với Venezuela, nền tảng quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia, cũng đã bị ảnh hưởng do những rắc rối tài chính của ông Maduro.

Theo hai người có quan hệ gần gũi với Rostec tham gia thảo luận về các vấn đề an ninh quốc gia với điều kiện giấu tên, thì Rostec, tập đoàn công nghiệp Nga, vốn chiếm phần lớn trong xuất khẩu quốc phòng của Nga, đã giảm giảm rủi ro với Venezuela vì các hóa đơn chưa thanh toán. Rostec đã lựa chọn việc không gia hạn một số hợp đồng bảo trì vũ khí và đóng băng nhiều dự án khác.

Việc này bao gồm cả nhà máy sản xuất súng máy Kalashnikov ở trung tâm thành phố Maracay mà hiện vẫn còn dang dở sau 12 năm kể từ khi bắt đầu xây dựng.

Buôn bán vũ khí có thể là hoạt động kinh doanh bị chính trị hóa, nhưng nó vẫn là một hoạt động kinh doanh, và phải có ý nghĩa kinh tế, một trong những người có quan hệ gần gũi với Rostec đã nói như vậy.

Còn một phát ngôn viên khác của Rostec thì cho biết rằng nhân viên của tập đoàn Rostec tại Venezuela vẫn không thay đổi trong những năm gần đây và các kỹ thuật viên của tập đoàn vẫn đến và đi theo các nhu cầu của dự án này.

Các thỏa thuận vũ khí trị giá hàng tỷ đô la do Hugo Chávez ký kết đã bị ngưng từ lâu. Theo hải quan Nga, trong hai năm qua, Nga đã xuất khẩu hàng hóa trị giá 1 triệu đô la sang Venezuela dưới mã hải quan "bí mật", bao gồm các thiết bị quân sự và an ninh.

Hồi tuần trước, ông Putin nói với các phóng viên rằng "Chúng tôi có chắc chắn chính thức bán vũ khí cho Venezuela. Nhưng đã từ lâu rồi, chúng tôi đã không còn bán nữa".

Mặc dù là hạn chế, nhưng sự giúp đỡ kinh tế của Nga đã cho phép ông Maduro duy trì một số nguồn thu nhập trong khi lệnh trừng phạt của Mỹ ngày càng xiết chặt. Ngân hàng Eurofinance Mosnarbank có trụ sở tại Moscow, thuộc sở hữu chung của hai chính phủ Nga và Venezuela và hiện đang chịu sự trừng phạt của Hoa Kỳ, vẫn tiếp tục xử lý các khoản thanh toán cho Pdvsa, theo biên lai ngân hàng mà bản báo New York Times hiện đang có trong tay.

Hồi tháng Ba, chính quyền Nga đã đáp trả lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ngân hàng này bằng cách kiểm soát người cho vay.

Tháng Ba (2019), sau khi hai máy bay quân sự Nga đã hạ cánh xuống Venezuela, Vladimir Zaemsky, Đại sứ của Moscow tại Venezuela, cho biết rằng "Quan hệ của chúng tôi với Venezuela có bản chất chiến lược. Như thường lệ, chúng tôi đang chuẩn bị cung cấp một sự hỗ trợ đầy đủ cho chính phủ hợp pháp của Venezuela và cho người dân Venezuela".

Lễ khai trương một trung tâm huấn luyện máy bay trực thăng của Rostec ở Venezuela vào cuối tháng 3 đã khuyếch trương quan hệ công chúng quan trọng cho ông Maduro.

Đặc biệt là Rosneft đã giúp Pdvsa chuyển hướng một số hoạt động xuất khẩu dầu hiện bị lệnh trừng phạt của Mỹ sang Châu Á. Theo dữ liệu của Pdvsa, công ty của Nga này đã mua dầu của năm trong số bảy chiếc tàu chở dầu của Venezuela trong nửa đầu tháng 5.

Rosneft, người đã đảm nhận vai trò rủi ro nhưng béo bở của đối tác Pdvsa trong trường hợp xấu nhất, cho biết rằng các hoạt động của họ ở Venezuela hoàn toàn mang tính thương mại và tuân thủ các lệnh trừng phạt của Mỹ. Thậm chí Rosneft đã không bơm thêm những khoản tiền mới vào Venezuela. Theo báo cáo tài chính của công ty này, trong năm qua, các khoản cho vay chưa thanh toán của Pdvsa đã giảm hơn một nửa, xuống chỉ còn 1,8 tỷ đô la.

Việc tiếp máu của Rosneft cho Venezuela vẫn không đủ để ngăn chặn sự sụp đổ của ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela vốn đang vật lộn với những khó khăn. Sản lượng dầu đã giảm mạnh, tới 35%, kể từ có các lệnh trừng phạt của Mỹ từ hồi tháng Một, một trong những sự cắt giảm sản xuất mạnh nhất trong lịch sử hiện đại, theo ước tính của Viện Tài chính Quốc tế.

Bà Hess phát biểu rằng "Nếu tôi là một vị tướng người Venezuela đang chiến đấu cho tương lai của tôi, thì tôi sẽ không đặt hy vọng vào việc người Nga sẽ đến giải cứu cho chúng tôi".

Anatoly Kurmanaev

Nguồn : Venezuela’s Collapse Frays Its Economic Ties With Russia, New York Times, 17/06/2019

Mai Hưng dịch

Nguồn : VNTB, 09/07/2019

Quay lại trang chủ
Read 561 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)