Campuchia là đất nước có nhiều người Việt sang lập cư từ trước và sau chiến tranh, ba bốn thế hệ nối tiếp nhau sinh ra và lớn lên nhưng không giấy tờ tùy thân và cũng không bao giờ được công nhận là người bản xứ.
Học sinh Việt tại lớp học của Vì Dân Foundation ở tỉnh Kompong Chnang. Hình do Vì Dân Foundation cung cấp.
Lênh đênh vô định
Ông Butmao Sourn, giám đốc MIRO, một tổ chức thiện nguyện nước ngoài ở Campuchia, chuyên giúp đỡ những di dân không có giấy tờ và không có được nơi định cư bền vững, cho biết :
Cuộc sống của người Việt tại Campuchia phần lớn chưa có dấu hiệu ổn định, dễ gặp nguy hiểm. Vì không có giấy tờ hợp pháp nên họ khó hội nhập. Có người sống lâu năm ở đây khi về Việt Nam cũng không được chính quyền bên ấy công nhận.
Một người Việt sống trên vùng Biển Hồ ven tỉnh Pursat kể lại hoàn cảnh bấp bênh, gạo chợ nước sông của người Việt nơi đây :
Tôi Huỳnh Văn Đàn, ở tỉnh Pursat lâu rồi, bà con ở đây làm nghề cá không, giăng lưới giăng câu, giăng được thì đủ ăn, có bữa không đủ ăn. Ở dưới biển chứ có đất có cát gì đâu mà trồng trọt, chỉ giăng lưới giăng câu vậy thôi, coi như nghèo hết 90% rồi. Con thì cũng có một số đi học một số không bởi vì quá nghèo không xuống không ghe không đi học được. Trường đó là trường ở dưới nước, kêu bằng trường nổi, học sinh bơi xuồng lại đó học.
Phải ở trên bờ còn có tương lai, ở dưới nước thì đâu có tương lai. Ở bờ thì thường có đoàn lại giúp, các nhà hảo tâm, các nhà từ thiện có nhiều, còn ở dưới nước ít đoàn lại lắm.
Cơ cực như vậy nên nhiều người cũng rất muốn về dưới, tức là về Việt Nam theo cách nói của họ. Ngặt nỗi không có giấy tờ tiền bạc để về, ở lại thì phải chịu cảnh o ép của chính quyền địa phương :
Cũng muốn về dưới ở mà không đất không cát, không giấy tờ hợp lệ, không tiền mua đất thì cũng khổ lắm. Đây chắc không có tương lai đâu, sống ở ngoài Biển Hồ thấy cái nhà nó càng ngày càng hư thêm, quan quyền nó gò bó. Tới nay xóm này ra làm nghề bị bắt bỏ tù hết mấy chục người. Nhà nước bây giờ nó bó buộc dân mình, đuổi thì không đuổi mà gò bó như là muốn đuổi khéo.
Ông Ngô Văn Ly, sinh ra và lớn lên ở tỉnh Pursat, từng chạy về Việt Nam những năm sau 1975 để lánh nạn, đến 1981 thì trở qua Campuchia vì không có đường làm ăn ở quê nhà, nói rằng người Việt ở Biển Hồ đôi khi gần như cô lập bởi con nước lớn hay con nước cạn :
Việt Nam tại tỉnh Pursat này là 1.700 hộ, nhưng mà tính theo vùng biển thì cở 3.000 hộ lận. Bà con chỉ sống dưới mặt biển chứ không có bờ đâu. Mùa này thì cứ theo mực nước mà đi ra giăng lưới giăng câu để kiếm sống. Mần được ngày nào thì mua gạo ngày nấy, còn muốn đi chợ thì chạy máy hai tiếng đồng hồ mới tới bến chợ. Anh em giăng lưới giăng câu ngày hên thì mua đủ năm ba ký gạo, mần được nhiêu mua nhiêu, còn thất thì lỗ tiến xăng đi về luôn.
Nhà nước Campuchia giờ mình không hiểu cái luật của ảnh, giờ tới mùa lưới ảnh xuống anh dẹp. Xóm của tôi bị bắt hết 13 người mà không có tiền để chuộc ra.. Đôi lúc đột xuất quá, sợ bị bắt bị buộc thì cũng có người trốn về dưới bảy tám chục gia đình rời.
Đi không xong ở cũng không xong
Vì không có giấy tờ hợp lệ, trẻ con người Việt ở Biển Hồ không được đi học. Là người trông coi một lớp dạy chữ Việt và chữ Khmer cho con em người Việt mà khởi đầu do người Việt Nam ở nước ngoài tài trợ, ông Ly cho biết thêm :
Chỗ tôi ở rặt Việt Nam không, Campuchia chỉ có ba bốn gia đình, có phái đoàn của Anh, của Mỹ và Canada cho được cái trường bề ngang 6 thước, bề dài 12 thước, dạy được vài chục đứa thôi, nhưng bây giờ số học sinh lên 130 đứa rồi.
Ngôi trường này ở Biển Hồ bây giờ đang được Hiệp Hội Thiện Nguyện Vì Dân, tổ chức bất vụ lợi ở Mỹ thường xuyên giúp đỡ. Từ Campuchia trở về Mỹ sau chuyến thăm và cứu trợ đồng bào Việt nghèo khó ở Biển Hồ, ông Nguyễn Công Bằng thổ lộ việc giúp đỡ đồng bào nghèo ở Campuchia thường cũng không mấy dễ dàng :
Hiệp Hội Thiện Nguyện Vì Dân bắt đầu làm việc ở Campuchia từ năm 2013, đầu tiên là một chương trình dạy học cho 45 em ở Seam Reap, sau đó qua Kampong Chnang và Prey Veng và gần đây nhất là mở rộng chương trình đến tỉnh Pursat. Hiện tại chúng tôi đang bảo trợ nói chung hơn 500 trẻ em gốc Việt Nam ở Campuchia có điều kiện đi học Việt ngữ và tiếng Khmer.
Một lớp học nổi (trên thuyền). Hình do Vì Dân Foundation cung cấp.
Chương trình giáo dục đầu tiên ở tỉnh Seam Reap hồi năm 2013 là trường Tín Nhân Quốc Tế chuyên dạy Việt Ngữ, Khmer ngữ và Anh ngữ vỡ lòng cho trẻ Việt đủ mọi lừa tuổi ở Seam Reap. Trường được hình thành bằng sự giúp đỡ của một viên chức chính phủ, một số luật sư ở vùng Battambang cùng với sự yểm trợ tinh thần lẫn vật chất của ông Nguyễn Công Bằng và Hiệp Hội Thiện Nguyện Vì Dân ở Hoa Kỳ :
Sau này, vì những lý do khá tế nhị, Hiệp Hội Thiện Nguyện Vì Dân chuyển sang 3 tỉnh khác dọc Biển Hồ là Kampong Chnang, Prey Veng và Pursat với các xóm chài người Việt nổi trôi trên Biển Hồ :
Người Việt ở Campuchia là một tập thể đồng bào bất hạnh nhất. Dù rằng họ sống rất gần đất nước Việt Nam nhưng họ không được xem là người Việt Nam, cũng không được xem là người Campuchia, họ cũng không được điều kiện đi ra nước ngoài.
Theo sự hiểu biết của chúng tôi trong thời gian sinh hoạt bên đó thì các hiệp hội quốc tế gọi đồng bào mình ở đó là những thành phần stateless những người không quốc gia. Tại vì từ thế hệ thứ hai trở đi họ sinh ra mà không có khai sinh, không có căn cước, không có quốc tịch Campuchia. Và tất nhiên sinh ra ở Campuchia thì họ hoàn toàn không có giấy tờ Việt Nam. Lớn lên họ không được đi học và bây giờ thì con cháu của họ cũng vậy.
Được đi làm trong các hãng xưởng là ước mơ cao nhất của những đứa trẻ Việt lớn lên trong các xóm chài trôi nổi trên Biển Hồ này. Chính vì thế, ngoài cái ăn thì việc mang lại chữ nghĩa và kiến thức cho con em Việt ở Campuchia là điều vô cùng quan trọng :
Ngoại trừ một số gia đình may mắn, những đứa trẻ bên đó không có điều kiện để lên trung học, cũng không có điều kiện đi làm các hãng xưởng lớn. Không có điều kiện tiến thân, không có giấy tờ di trú hợp pháp nên nói chung họ không được hưởng phúc lợi công cộng như người bản xứ hay ngay cả người ngoại quốc mà có giấy tờ hợp lệ bên đó. Vì không được đi học nên họ bị những người thiểu số khác ở Campuchia coi thường chứ đừng nói chi đến người Campuchia.
Người Việt Nam mình ở đó quơ cào làm bất cứ điều gì có thể làm được để kiếm sống qua ngày. Những đứa trẻ sống trong các nhà nổi như chiếc bè trên Biển Hồ đa số cũng theo cha mẹ đi đánh cá, rất nhiều đưa trẻ mới năm bảy tuổi, chín mười tuổi cũng theo cha mẹ đi giăng lưới, đi giăng câu, đi bắt cá vì không có điều kiện nào khác hơn.
Ngoài Seam Reap, tại Kampong Chnang, Prey Veng và Pursat người ta cũng dễ dàng nhận ra những đứa trẻ Việt theo cha mẹ lên bờ đi làm thuê làm mướn :
Đi lượm ve chai hầu hết là trẻ em Việt Nam chúng ta. Có đứa đi bán bong bóng, đứa lớn hơn đi làm phụ hồ, khiêng gạch khiêng đá, nói chung là quơ cào làm những nghề mà người bản xứ chê không làm. Nếu không có gì thay đổi thì thế hệ kế tiếp, con của những đứa trẻ mà chúng ta gặp ngày hôm nay, cũng sẽ nối tiếp đi làm mướn làm công, cũng đi ăn xin đi lượm ve chai. Đó là lý do tại sao chúng tôi cố gắng mở những lớp học cho các em. Dù rằng một ít chữ Việt hay một ít chữ Khmer cũng chưa hẳn có thể kiếm việc nhưng ít nhất có thể cho em niềm tin và hy vọng có thể đi học nghề, thoát mặc cảm dốt chữ đi làm công làm mướn.
Hội đoàn giúp đỡ
Học sinh Việt tại tỉnh Pursat trên Biển Hồ. Hình do Vì Dân Foundation cung cấp.
Tại Kampong Chnang có khoảng 280 gia đình người Việt thì hơn 100 trẻ Việt Nam được sự trợ giúp về mặt giáo dục của Hiệp Hội Thiện Nguyện Vì Dân :
Kampong Chnang có một trường do cộng đồng người Việt ở Úc xây dựng và tặng lại cho địa phương ở đó. Khi chúng tôi đến đó thì chúng tôi được hội MIRO mà chúng tôi cộng tác cho mượn trường đó để dạy các em từ Lớp Một tới Lớp Ba.
Nhưng bắt đầu từ năm ngoái khi chính quyền Campuchia di dời nguyên cái làng nổi của người Việt Nam lên năm sáu cây số ở phía trên một vùng hẻo lánh thì một số em không còn đi học nữa vì quá xa, đi bằng xuồng bằng ghe thì không có ai đưa đón nên một số nhỏ đến trường được mà thôi còn một số lớn thì chờ ở địa điểm mới chúng tôi có thể mở một ngôi trường mới.
Ở Prey Veng chúng tôi có điều kiện lo cho gần 300 em ở 4 địa điểm khác nhau tại vùng mà Việt Nam mình gọi là Hố Lương thuộc tỉnh Prey Veng đó.
Riêng tại vùng Pursat ở phía Tây Biển Hồ thì gần 200 em được đi học ở hai địa điểm khác nhau :
Đây là vùng xa xôi hẻo lánh, đi từ Kampong Leung là một bến đò mà đến làng đầu tiên phải mất gần 2 tiếng đồng hồ chạy xuyên qua mặt Biển Hồ. Đó là vùng gần như cách biệt với thế giới bên ngoài cho nên các em ở đó sống cô lập không tiếp xúc với văn minh bên ngoài, nhiều em chưa bao giờ bước ra xã hội bên ngoài, cho nên điều kiện phát triển gần như không có.
Sau này chúng tôi tập trung phát gạo bên đó, mở trường, sửa trường. Có những lớp mà các em ngồi dưới sàn của nhà nổi để học nên vừa rồi chúng tôi mua 45 bộ bàn ghế, sửa lại một trường nổi đã suy sụp và sắp chìm để các em có chỗ học. Ở đó tất cả mọi sinh hoạt đều trên nhà nổi \ hết.
Tại Pursat tùy theo hoàn cảnh có nơi chúng tôi bảo trợ hoàn toàn cả tiền thầy giáo, tiền ăn học, tiền sách vở, có nơi phải sắm bàn sắm ghế, có nơi phải sửa trường học. Tùy theo nhu cầu của từng địa phương mà chúng tôi có chương trình trợ giúp khác nhau nhưng đa số tập trung vào mặt giáo dục là chính.
Cuối năm 2016 vừa qua, Hiệp Hội Thiện Nguyện Vì Dân, với sự trợ giúp của một số mạnh thường quân ở Hoa Kỳ, đã mua và phát một tấn rưỡi gạo cho bà con người Việt ở tỉnh Kampong Chnang.
Bước sang tháng Giêng 2017, thêm 6 tấn gạo được phát ra cho bà con ở vùng nghèo nhất là Pursat phía Tây Biển Hồ. Ông Nguyễn Công Bằng :
Cộng đồng gốc Việt ở Campuchia trên dưới bảy tám trăm ngàn, trong đó hơn một phần tư là người nghèo khổ nhất. Với khả năng của một hội thiện nguyện nhỏ bé như chúng tôi mỗi năm chỉ năm bảy chục ngàn thì không giúp được bao nhiêu đâu. Chúng tôi qua đó chỉ gặp một hai hội của người Việt Nam, trong đó có một hội Công giáo, một hai nhóm Tin Lành và những hội khác nếu có sang cũng chỉ phát gạo mà thôi.
Khi sang Campuchia nhìn thấy các em thiếu thốn đủ thứ mà cái thiếu lớn nhất là thiếu chữ. Tiếc rằng đến giờ phút này khả năng của hội chỉ chăm lo được trên dưới 500 em là con số rất nhỏ so với sỉ số các em đang cần được học chữ. Nhưng mà chúng tôi vẫn cố làm.
MIRO, chữ viết tắt của một tổ chức ở Châu Âu chuyên giúp đỡ những di dân không có giấy tờ hợp lệ tại một đất nước mà họ chạy đến. MIRO đã giúp được cho người Việt như thế nào ? Nhà báo Danh Hồng, một người Việt gốc Khmer Krom ở Phnom Penh :
MIRO có hẳn một quĩ để giúp đỡ những người không có quốc gia nhưng MIRO chỉ làm một số công việc là đi giáo dục những người không quốc gia về cái lợi ích khi nhập quốc tịch nhưng họ không có hành động gì, họ chỉ tuyên truyền thôi.
Thí dụ tôi là người Việt muốn vào quốc tịch Campuchia nhưng thủ tục từ A đến Z và ai làm thì MIRO không có, MIRO chỉ lại tuyên truyền thôi. Công việc của MIRO chỉ vậy thôi. Nói chung làm cho người Việt hội nhập có quốc tịch có giấy tờ hợp pháp thì cần có sự hỗ trợ pháp lý mới được.
Và cũng rất thực tế là chỉ chính phủ bản địa mới có quyền hỗ trợ pháp lý nhằm hợp thức hóa người Việt bất hợp pháp trên đất nước của họ. Thiết tưởng đây cũng là một gánh nặng đối với Phnom Penh, trong lúc Hà Nội, đặc biệt đại sứ quán Việt Nam ở Phnom Penh, không có động thái nào đáng kể.
Thanh Trúc, phóng viên RFA
Nguồn : RFA, 23/03/2017