Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

21/07/2019

EVFTA : Đây mới là những nguy hiểm đang chờ đón Thủ tướng Phúc

Minh Quân

Cứ cho là Nguyễn Xuân Phúc đã ‘tự sướng’ bằng ví von EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Châu Âu - Việt Nam) là ‘cao tốc nối liền Việt Nam với thế giới’ sau khi hiệp định này được ký kết giữa EU (Liên Hiệp Châu Âu) và Việt Nam vào cuối tháng 6 năm 2019 tại Hà Nội, nhưng liệu ông ta có tự hỏi vì sao EU, dù đã chấp nhận mở ‘đường cao tốc’ cho Việt Nam, thì quá trình xóa bỏ ‘thẻ vàng’ thủy sản của EU cho nước này vẫn chậm như rùa bò, hoặc chẳng có gì nhúc nhích ?

evfta1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ‘tự sướng’ bằng ví von EVFTA là ‘cao tốc nối liền Việt Nam với thế giới’

Thật vậy, kết quả vận động của giới chóp bu Việt Nam đối với EU để bỏ ‘thẻ vàng’ thủy sản suốt từ năm 2018 đến nay đã hầu như bằng 0.

Có bốn lý do dẫn đến việc EU tiếp tục cảnh báo thẻ vàng với hải sản Việt Nam. Đó là việc truy xuất nguồn gốc hải sản xuất khẩu vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ; Tái diễn tình trạng tàu cá Việt Nam đánh bắt trái phép tại vùng biển các nước Đông Nam Á (Thái Lan, Malaysia, Indonesia) ; Hệ thống giám sát tàu cá chưa đầy đủ ; Cần tăng nặng chế tài xử lý vi phạm khi xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật thủy sản.

Mặc dù hoạt động "đánh bắt xa bờ" – mà thực chất là đánh bắt hải sản trái phép trên vùng biển các nước khác như Malaysia và Indonesia – của ngư dân Việt Nam đã diễn ra từ nhiều năm qua và đã bị EU nghiêm túc đặt ra với giới chức Việt Nam từ năm 2012, nhưng chỉ đến tháng Mười năm 2017, EU mới lần đầu tiên "rút thẻ vàng". 

Vào tháng Năm năm 2018, khi đoàn thanh tra của Ủy ban Châu Âu (EC) thuộc EU đến làm việc với các cơ quan chức năng Việt Nam về việc xem xét thẻ vàng hải sản, giới tuyên giáo nhà nước – với một não trạng đã trở thành ‘ung thư di căn’ – đã vội vã dự đoán rằng EU sẽ mau chóng gỡ bỏ hình phạt thẻ vàng này.

Tuy vậy chẳng bao lâu sau đó, chính Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phải thừa nhận rằng đoàn thanh tra của Ủy ban Châu Âu đã chính thức kéo dài cảnh báo thẻ vàng hải sản thêm 6 tháng, tức tới tháng 1/2019, nhưng sau đó không phải sẽ gỡ thẻ vàng, mà sẽ đánh giá lại sau đó để quyết định rút hay tiếp tục cảnh báo.

Theo nguyên tắc của EU, sau "thẻ vàng", nước bị cảnh cáo sẽ có thời gian 6 tháng để sửa chữa sai lầm và tìm ra giải pháp khắc phục. Nhưng nếu không khắc phục được, nước đó có thể bị thẻ đỏ" kèm theo một loạt biện pháp trừng phạt, bao gồm lệnh cấm thương mại đối với các mặt hàng hải sản của quốc gia đó.

EU và Mỹ là 2 thị trường nhập khẩu thủy hải sản hàng đầu thế giới với quy mô hàng chục tỉ USD. Đây cũng là 2 thị trường xuất khẩu thủy hải sản chính của Việt Nam khi trung bình mỗi năm Việt Nam xuất khẩu hải sản từ 1,9 – 2,2 tỉ USD, trong đó EU và Mỹ mỗi thị trường chiếm khoảng 16 – 17% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam với con số tương đương 350 – 400 triệu USD.

Cho ký EVFTA và EVIPA nhưng vẫn không bỏ ‘thẻ vàng’ thủy sản - đó là một mâu thuẫn rất có chủ ý trong cư xử của EU với Việt Nam, mà chỉ có thể lý giải mâu thuẫn đó theo cách nếu trong thời gian tới giới quản lý điều hành ở Việt Nam không làm nổi cái điều tối thiểu về cải cách thể chế kinh tế, chuyển từ ‘made in Vietnam’ sang made by Vietnam’ và kết thúc toàn bộ câu chuyện gian lận nhập thép từ Trung Quốc, Đài Lan và Hàn Quốc và dán nhãn Việt để xuất khẩu vào các thị trường Mỹ và EU…, sẽ không có thuận lợi đáng kể nào mà EU dành cho Việt Nam trong quá trình triển khai EVFTA.

Cũng không có gì bảo đảm là EVFTA và EVIPA sẽ không đánh ngược lại những mặt hàng gian lận thương mại của Việt Nam, theo cái cách mà Bộ Thương mại Mỹ đã áp thuế đến hơn 500% đối với thép ‘made in Vietnam’ nhưng lại có nguồn gốc từ Trung Quốc, và hơn 430% đối với thép Việt có nguồn gốc từ Hàn Quốc và Đài Loan. 

Minh Quân

Nguồn : VNTB, 21/07/2019

Quay lại trang chủ
Read 547 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)