Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

24/03/2017

Tỷ phú đô la và các doanh nhân từng du học Liên Xô

Trần Quốc Quân

Trước năm 1991, khi quan hệ còn mặn nồng, mỗi năm Việt Nam cử hàng ngàn du học sinh đến Liên Xô và các nước Đông Âu xã hội chủ nghĩa học tập, nghiên cứu.

typhu1

Tạp chí Forbes ra danh sách những người giàu nhất hành tinh 2017, trong đó có ông Phạm Nhật Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo (hàng trên, ở giữa)

Thời đó du học sinh được tuyển chọn kĩ càng từ đội ngũ sinh viên có điểm thi đại học cao nhất, nghiên cứu sinh giỏi nhất của đất nước, có lý lịch được coi là trong sạch nhất của chế độ. Vì vậy có thể nói, họ thuộc thành phần ưu tú của xã hội Việt Nam.

'Soái' Việt Nam ở Đông Âu

Sau biến cố 1975, giới tinh hoa của miền Bắc xã hội chủ nghĩa mới chịu ảnh hưởng chủ nghĩa hưởng thụ vật chất từ miền Nam, lại phải trải qua thời kì bao cấp kéo dài và chiến tranh liên miên, nên đi nước ngoài là cơ hội vàng cho họ cải thiện đời sống bản thân và gia đình. Từ giữa thập niên 1980, du học sinh Việt Nam tại Liên Xô và Đông Âu ngoài học tập bắt đầu tham gia buôn bán kiếm tiền.

Thời kì 1985-1994, do vị trí địa lí, do chuyển đổi thể chế và chuyển sang kinh tế thị trường sớm hơn, Ba Lan trở thành thị trường trung chuyển chính cung cấp hàng tiêu dùng và hàng công nghệ cao cho Liên Xô (Nga) đang bị phương Tây cấm vận. Những năm này tên tuổi một số doanh nhân (soái) xuất thân du học sinh Việt Nam tại Ba Lan nổi lên đình đám.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, việc Nga chuyển đổi thể chế và chuyển nền kinh tế từ kế hoạch hóa sang thị trường tạo nên cơ hội làm giàu cho tất cả mọi người trong đó có du học sinh Việt Nam. Nước Nga với hơn 140 triệu dân trở thành thị trường khổng lồ, là bệ phóng đưa các doanh nhân Việt Nam ở Nga và Ba Lan cất cánh, giàu lên nhanh chóng.

Du học sinh Việt Nam tại Liên Xô những năm đó chủ yếu làm dịch vụ nhận và bán hàng (đồng hồ điện tử, máy tính, máy fax, quần áo bò…) cho bạn bè bên Ba Lan rồi đổi đô la, mua vàng chuyển ngược sang. Do đó, trước năm 1994, soái Nga chưa thể so với soái Ba Lan.

Kí túc xá dành cho nghiên cứu sinh nước ngoài của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô là Dom 5 phố Dmitria Ulianova, Moskva chuyển dần thành nơi buôn bán. Chẳng mấy chốc, "Dom 5 cũ" trở nên chật hẹp.

Năm 1991 một nghiên cứu sinh thuê Dom 5, Dom 11 phố Aminiev làm chợ, một dạng trung tâm thương mại bán buôn. Thời kì này, soái Liên Xô tăng mạnh cả lượng lẫn chất. Nhiều sinh viên từ đây, với hai bàn tay trắng bắt đầu đi lên bằng tri thức và sức lao động.

Ngày 19/5/1994, lực lượng đặc nhiệm Omon của Nga bất ngờ ập vào Dom 5, Dom 11 phố Aminiev, phong tỏa và tịch thu (không biên lai, không trả lại) số tiền, vàng và hàng hóa trị giá ước tính khoảng 40 triệu đô la. Sự kiện này đã tạo ra bước ngoặt thay đổi cơ bản hình thức kinh doanh của người Việt Nam tại Nga và Ba Lan.

Do mất rất nhiều tiền trong vụ bị "cướp trắng" này, và do điều kiện vươn sang thị trường Nga khó khăn hơn, các soái Việt Nam tại Ba Lan phải co về khai thác thị trường nội địa 38 triệu dân.

Cái khó ló cái khôn

Sau khi tích lũy được số vốn khá lớn, không dừng lại ở kiểu làm ăn buôn bán chụp giật đầy rủi ro bất trắc, ông Đặng Khắc Vỹ hiện là chủ tịch Vietnam International Bank (VIB) chuyển sang mô hình kinh doanh có tính bài bản, hệ thống. Với tầm nhìn xa trông rộng, nhận thấy thị trường thực phẩm Nga đầy triển vọng, ông Vỹ quyết định đầu tư kinh doanh mì ăn liền. Thời kì cực thịnh, công ty MFH của ông Vỹ đạt doanh thu trên 500 triệu đô la/năm.

typhu2

Ông Phạm Nhật Vượng trên bìa tạp chí Forbes

Ông Phạm Nhật Vượng cựu sinh viên trường Đại học Địa chất Moskva khởi nghiệp thành công từ việc mở chợ Kharkov, Ukraine sau đó phát triển sang lĩnh vực sản xuất mì ăn liền. Thời kỳ đỉnh điểm công ty Technocom với thương hiệu Mivina của Phạm Nhật Vượng ở Ukraine có 7 nhà máy, hơn 5 nghìn công nhân, sản xuất mì, bao bì, túi folie, gia vị… Năm 2010, Technocom được tập đoàn Nestle S.A của Thụy Sĩ mua lại với giá 150 triệu đô la.

Cùng thời với ông Vỹ, ông Vượng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo cựu sinh viên trường Đại học Kinh tế Plekhanov, Moskva khởi nghiệp từ rất sớm. Năm 21 tuổi bà đã có triệu đô la đầu tiên từ buôn đồng hồ điện tử, máy tính… nhập từ Ba Lan và kinh doanh tài chính. Cuối những năm 90 bà Thảo chuyển sang xuất khẩu ô tô, máy móc thiết bị, thép xây dựng… từ Nga về Việt Nam.

Bài học quý báu

Lập nghiệp đúng thời kỳ nước Nga chuyển đổi thể chế và nền kinh tế, các doanh nhân xuất thân du học sinh Việt Nam đã học được nhiều bài học quý báu từ quá trình tư nhân hóa, chuyển tài sản nhà nước thành tài sản cá nhân. Họ đúc rút được nhiều kinh nghiệm đắt giá từ quá trình kinh doanh thành công và làm giàu nhanh chóng của các tỉ phú Nga, nhất là trong lĩnh vực đầu tư tài chính, bất động sản, tài nguyên khoáng sản.

Khởi đầu kinh doanh mì ăn liền rất thành công tại Nga, nhưng với tầm nhìn vượt thời gian, ông Vỹ nung nấu ý định đầu tư tài chính, mô hình kinh doanh rất hiệu quả của nhiều tỉ phú Nga. Năm 1996 cùng nhóm bạn du học sinh Nga và Đông Âu, ông Vỹ quyết định thành lập VIB và trở thành cổ đông lớn nhất.

Không chỉ ông Đặng Khắc Vỹ, ông Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, nhiều doanh nhân xuất thân du học sinh ở Nga, Ukraine, Ba Lan… mặc dù đang kinh doanh rất tốt tại nước sở tại đã nhìn ra cơ hội nhân bội tài sản lên tại Việt Nam khi quá trình mở cửa, hội nhập và xóa bỏ bao cấp trong nước đang phát huy hiệu quả. Đem những bài học đắt giá, những kinh nghiệm quí báu học được họ áp dụng rất thành công vào hoạt động kinh doanh phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam.

Thành công ở Việt Nam

Trong khi đang kinh doanh thực phẩm rất thành công tại Ukraine, ông Phạm Nhật Vượng đã chuyển tiền về Việt Nam đầu tư vào bất động sản. Bằng tài năng, nỗ lực cá nhân và sự nhanh nhạy, tỉ phú Phạm Nhật Vượng xây dựng Vingroup trở thành thương hiệu bất động sản uy tín bậc nhất. Không thể phủ nhận tập đoàn Vingroup của tỉ phú đô la Phạm Nhật Vượng góp phần thay đổi diện mạo đô thị tại nhiều thành phố lớn với các khu nhà ở, siêu thị, bãi đỗ xe, trường học, bệnh viện hiện đại ; xây dựng nên các tổ hợp resort, khu du lịch vui chơi giải trí cao cấp.

typhu3

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, cổ đông chính tập đoàn Sovico công ty mẹ của hãng hàng không Vietjet Air và HD Bank

Trở về Việt Nam kinh doanh thành công trong lĩnh vực tài chính và khu nghỉ dưỡng, năm 2011 bà Nguyễn Thị Phương Thảo bất ngờ đầu tư sang lĩnh vực hàng không. Sau 5 năm, dưới sự lãnh đạo của bà, hãng hàng không Vietjet Air đã chiếm hơn 40% thị phần bay trong nước với doanh thu 1,2 tỷ USD. Vietjet Air là thương hiệu uy tín, đang trên đà phát triển mạnh mẽ, tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh và lựa chọn bình đẳng cho hành khách có nhu cầu bay máy bay.

Theo đánh giá mới nhất của tạp chí Forbes, Việt Nam hiện có hai tỷ phú đô la. Một là ông Phạm Nhật Vượng chủ tịch tập đoàn bất động sản Vingroup, có tài sản được định giá 2,4 tỷ đôla, đứng thứ 867 thế giới. Hai là bà Nguyễn Thị Phương Thảo cổ đông chính tập đoàn Sovico công ty mẹ của hãng hàng không Vietjet Air và HD Bank, có tài sản được định giá 1,2 tỷ đôla, đứng thứ 1.678 thế giới.

Ngoài hai tỷ phú đô la, trong danh sách các doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam có tên rất nhiều du học sinh Việt Nam tại Liên Xô cũ. Có thể kể những cái tên : Nguyễn Đăng Quang chủ tịch tập đoàn thực phẩm Masan, Đặng Khắc Vỹ chủ tịch VIBank, Ngô Chí Dũng chủ tịch VPBank, Hồ Hùng Anh chủ tịch TechcomBank, Trần Anh Tuấn chủ tịch MaritimeBank…

Phẩm chất đặc biệt

Doanh nhân thành đạt có những phẩm chất rất đặc biệt. Ngoài thông minh, tài năng, giỏi giang, họ có ý chí làm giàu quyết liệt và luôn biết thích ứng với hoàn cảnh.

Nền tư pháp tranh tối tranh sáng, kỉ cương phép nước nhũng loạn, cán bộ quản lí tha hóa ở Việt Nam là cơ hội làm giàu cho những ai biết tận dụng các kẽ hở của cơ chế để lách luật. Hầu hết các doanh nhân thành đạt ngoài năng lực cá nhân phải biết thiết lập các mối quan hệ thân cận gần gũi với lãnh đạo các cấp từ trung ương tới địa phương, tranh thủ hỗ trợ và ưu đãi trong cấp đất đai, duyệt dự án của chính quyền.

Muốn phát triển doanh nghiệp và tăng cổ phần theo cấp số nhân, doanh nhân tài giỏi phải biết thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với các định chế tài chính nhằm huy động được nguồn tiền khổng lồ từ ngân hàng và xã hội.

Doanh nhân biết tận dụng cơ hội để làm giàu không có lỗi, bởi không có người này sẽ nảy sinh người khác. Lỗi tại cơ chế và các quan chức cố tạo ra tình trạng nhũng lạm để vơ vét làm giàu.

Sau một thời gian ngắn với sự năng động và thích ứng cao, một số doanh nhân xuất thân du học sinh Liên Xô cũ đã nhanh chóng tích tụ và tập trung được lượng tư bản lớn, hình thành nên các tập đoàn kinh tế mạnh cùng với kinh nghiệm kinh doanh, và khả năng điều hành tốt.

Trở thành tỉ phú đô la và có mặt trong top giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam, họ đóng góp phần nào vào tăng cường khả năng cạnh tranh, thúc đẩy kinh tế phát triển và thay đổi bộ mặt xã hội.

Trần Quốc Quân (Ba Lan)

Nguồn : BBC, 24/03/2017

Trần Quốc Quân là tác giả tiểu thuyết Tuyết hoang (2014), nói về cuộc đời những nghiên cứu sinh Việt Nam đổ qua Đông Âu thời cuối thập niên 1980.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Quốc Quân
Read 775 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)