Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

24/07/2019

Cạm bẫy thôn tính : Tại sao đế quốc Trung Hoa xâm nhập Châu Phi ?

Akol Nyok Akol Dok, Bradley A. Thayer

Sự hiện diện của Trung Quốc ở Châu Phi không phải để truyền bá chủ nghĩa Mao, mà là để kiểm soát tài nguyên, con người và tiềm năng ở đó.

africa1

Tập Cận Bình trong một chuyến viếng thăm Châu Phi - Ảnh minh họa

Châu Phi đang trên đỉnh điểm của một thời kỳ mới trong lịch sử của nó, sự phục hưng của Châu Phi. Được giải phóng sau nhiều thế kỷ của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc mới, Châu Phi có cơ hội trở thành một trung tâm sức mạnh kinh tế để mang lại sự thịnh vượng cho dân số ngày càng tăng của lục địa này. Tuy nhiên, hiện tại, thật không may, Châu Phi đang phải đối mặt với một mối nguy hiểm mới : chủ nghĩa đế quốc của Trung quốc cộng sản, nguy cơ rơi vào sự kiểm soát của Trung cộng chủ yếu thông qua đầu tư kinh tế và các khoản vay của Trung Quốc. Kể từ khi Đảng cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền vào năm 1949, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ngay từ ngày đó đã ủng hộ các quốc gia Châu Phi. Dưới thời Mao, Trung Quốc ủng hộ các phong trào giải phóng Châu Phi trong nỗ lực thúc đẩy chủ nghĩa Mao và tạo một đối trọng đối với ảnh hưởng của Liên Xô và Mỹ. Ở phần lớn Châu Phi ngày nay, Trung Quốc là cường quốc đế quốc.

Trung cộng hiện diện ở Châu Phi không phải để thúc đẩy chủ nghĩa Mao, mà là để kiểm soát tài nguyên, con người và tiềm năng của nó. Từ việc xây dựng các tuyến đường sắt ở Kenya và các con đường ở vùng nông thôn Ethiopia cho đến việc khai thác các loại khoáng sản ở Congo, Trung Quốc đã thay đổi mạnh mẽ bức tranh toàn cảnh kinh tế Châu Phi trong thế kỷ XX. Trung Quốc đã cho Châu Phi vay gần 125 tỷ đô la trong các năm từ 2000 đến 2006 và gần đây, tại Diễn đàn 2018 về Hợp tác Trung Quốc-Châu Phi, đã cam kết 60 tỷ đô la. Nhìn bề ngoài, Trung Quốc dường như đang duy trì mối quan hệ cùng có lợi với Châu Phi bằng cách cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các nhu cầu phát triển cấp bách của Châu Phi. Thương mại giữa Trung Quốc và Châu Phi đã tăng từ 10 tỷ đô la năm 2000 lên 190 tỷ đô la vào năm 2017. Ước tính 12% sản lượng công nghiệp Châu Phi, tương đương 500 tỷ đô la hàng năm, gần một nửa thị trường xây dựng hợp đồng quốc tế của Châu Phi được thực hiện bởi các công ty Trung Quốc.

Các hoạt động của Trung Quốc tại lục địa Châu Phi cho đến nay vẫn chưa nhận được sự quan tâm chú ý xứng đáng từ các quốc gia phương Tây. Hoạt động của Trung Quốc ở Châu Phi rất đáng lưu tâm vì ba lý do chính yếu. Thứ nhất, Trung Quốc là nguồn vốn đầu tư đáng kể kết hợp với năng lực phi thường để tạo dựng cơ sở hạ tầng, cả hai đều cần thiết cho nhiều quốc gia Châu Phi. Thứ hai, hoạt động của Trung Quốc tại Châu Phi cung cấp cho phần còn lại của thế giới cái nhìn sâu sắc về cách hành xử của họ đối với các quốc gia khác, đặc biệt là đối với các quốc gia ở Nam bán cầu, khi quốc gia này trở nên ngang hàng với Hoa Kỳ về quyền lực. Thứ ba, những gì Trung Quốc đang tiến hành ở Châu Phi không hề mang lại kết quả tốt đẹp cho phần còn lại của thế giới. Các hoạt động và hành vi của Trung Quốc tại Châu Phi chỉ có thể được mô tả là mang tính chất thuộc địa mới và bóc lột đối với các dân tộc và môi trường Châu Phi.

Hành vi lạm dụng của Trung Quốc đối với các quốc gia Châu Phi đã diễn ra trong nhiều thập kỷ. Năm 2007, Guy Scott, cựu bộ trưởng nông nghiệp trong chính phủ Zambian đã nói với phóng viên tờ The Guardian rằng "trước đây, chúng tôi đã phải chịu đựng những người xấu xa. Người da trắng thì tệ hại, người Ấn Độ thì tệ hại hơn, còn người Trung Quốc thì tệ hại hơn tất cả".

Có quá nhiều những ví dụ về những hậu quả tiêu cực của chủ nghĩa đế quốc Trung quốc cộng sản. Một trường hợp điển hình là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc, công ty dầu khí nhà nước, vốn là nhà đầu tư lớn hoạt động trong các mỏ dầu của Nam Sudan. Người Trung Quốc gây ô nhiễm môi trường mà không hề bị trừng phạt, dẫn đến hậu quả là nhiều trẻ em sinh ra bị dị tật, đầu độc các đàn gia súc, phá hủy những miền đất đai màu mỡ và gây ô nhiễm cho các dòng sông. Ngoài ra, Trung cộng còn gây ra sự hủy hoại môi trường đối với các quốc gia vùng thượng lưu miến bắc sông Nile và Ruweng ảnh hưởng đến các cộng đồng người Dinka Padang bản địa ở miền nam Sudan. Người Trung Quốc giúp khai thác dầu tạo ra doanh thu và cơ hội kinh tế nhưng không bị ràng buộc với các tiêu chuẩn môi trường.

Ảnh hưởng của Trung Quốc tại Nam Sudan cũng bắt nguồn từ việc xây dựng đường xá và phát triển cơ sở hạ tầng. Nam Sudan sẽ cung cấp ba mươi nghìn thùng dầu thô mỗi ngày cho Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc để tài trợ cho việc xây dựng đường xá và phát triển cơ sở hạ tầng. Điều này bao gồm việc xây dựng một con đường dài 392 km từ Juba đến Rumbek và từ Juba đến Nadapal ở biên giới Kenya, được xây dựng bởi một công ty Trung Quốc sử dụng công nghệ và nhân lực của Trung Quốc.

Các quốc gia láng giềng của Nam Sudan, như Nigeria và Kenya, đã nhận được các khoản vay dành cho các dự án cơ sở hạ tầng từ phía Trung Quốc. Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc đã giới thiệu các dự án cơ sở hạ tầng năng động như Đường sắt Khổ rộng Tiêu chuẩn. Tuyến đường sắt này kết nối Djibouti, Ethiopia và Kenya. Tuyến đường sắt này là tuyến đường sắt đầu tiên của Ethiopia trong hơn một thế kỷ và là tuyến đường đầu tiên của Châu Phi được điện khí hóa hoàn toàn. Những tuyến đường sắt này đã cắt giảm thời gian di chuyển từ thủ đô Addis Ababa đến Djibouti từ hai ngày bằng đường bộ xuống còn mười hai giờ.

Tuyến Đường sắt khổ rộng Tiêu chuẩn này dường như đang cung cấp một cơ sở hạ tầng mang tính cách mạng để kích thích tăng trưởng kinh tế, nhưng các chi tiết đòi hỏi một sự xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng. Dự án này trị giá gần 4,5 tỷ USD, một phần được tài trợ bởi Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc. Tuyến đường sắt này sẽ sử dụng các toa tàu Trung Quốc, các công ty xây dựng của Trung Quốc, các tiêu chuẩn và thông số kỹ thuật của Trung Quốc và được vận hành bởi Tập đoàn Đường sắt Hữu hạn TQ (CREC) và Tập đoàn Xây dựng Kỹ thuật Dân sự Trung Quốc.

Như có thể kỳ vọng từ dự án của đế quốc Trung quốc cộng sản này, tuyến đường sắt đã gặp phải những thách thức về tài chính và kỹ thuật, điều này đặt ra câu hỏi về sự phụ thuộc của Ethiopia vào công nghệ và bẫy nợ tài chính của Trung Quốc. Quốc gia Châu Phi này đang vật lộn để trả nợ cho Trung Quốc và gặt hái những lợi ích của dự án cơ sở hạ tầng năng động này. Năm 2018, Addis Ababa đã đàm phán với Trung Quốc và cấu trúc các điều khoản cho vay từ mười lăm đến ba mươi năm. Tại quốc gia Kenya láng giềng, bắt nguồn từ việc chính quyền chấp nhận vay nặng lãi, cho nên Trung cộng có thể sẽ thâu đoạt hải cảng Mombasa. Theo tờ báo Kenya Daily Nation, các điều khoản vay là hết sức nặng nề, khắc nghiệt và được nói rõ rằng "cả người đi vay [tức chính quyền Kenya] lẫn bất kỳ một tài sản nào của họ đều không có quyền miễn trừ dựa trên các nền tảng chủ quyền, đối với các nghĩa vụ của mình".

Ngoài những lạm dụng này, sự hiện diện của Trung cộng tại Châu Phi còn được xem là sự cô lập có chủ đích đối với người dân bản địa. Các công ty Trung Quốc mang theo tài xế, công nhân xây dựng và nhân viên hỗ trợ, từ chối cung cấp những cơ hội việc làm này cho người Châu Phi đồng thời họ thường sống tách biệt khỏi xã hội Châu Phi nơi họ đang cư trú.

Những hoạt động này chỉ là một ví dụ về hành vi lạm dụng của Trung Quốc tại Châu Phi. Châu Phi chịu đựng chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc mới trong hàng trăm năm. Giống như Châu Phi đã tự giải phóng mình khỏi những gánh nặng đó, họ cần phải hợp tác với phương Tây và các quốc gia khác để cung cấp các lựa chọn thay thế cho tiền bạc và cơ sở hạ tầng của Trung cộng. Mối đe dọa lớn nhất mà Châu Phi đang phải đối mặt ngày nay là chủ nghĩa đế quốc Trung quốc cộng sản. Giờ đây Châu Phi đang có nguy cơ bị kìm giữ bởi chủ nghĩa đế quốc Trung quốc cộng sản cực kỳ nham hiểm, nguy cơ này sẽ ngăn cản Châu Phi tiến vào thời kỳ phục hưng của mình.

Akol Nyok Akol Dok & Bradley A. Thayer

Nguyên tác : Takeover Trap : Why Imperialist China Is Invading Africa, The National Interest, 10/07/2019

Mai Hưng dịch

Nguồn : VNTB, 24/07/2019

Quay lại trang chủ
Read 705 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)