Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

30/07/2019

Thiếu quy định ‘Made in Viet Nam’ : Lỗ hổng của Bộ Công thương

Gió Bấc

Chậm chạp, thiếu tầm nhìn và quản trị kém lá căn bệnh muôn thủa của nền hành chính Việt Nam. Cuộc chiến thương mại Mỹ Trung kéo dài gần một năm.

made1

Thiếu quy định ‘Made in Viet Nam’ - Ảnh minh họa

Việc hàng hóa Trung Quốc tràn sang Việt Nam núp bóng trốn thuế đã đươc dư luận báo chí trong ngoài nước dự báo rất lâu nhưng Bộ Công thương không hề có phản ứng. Mãi đến khi chính phủ Mỹ áp thuế tỉ suất trên 500% lên mặt hàng Thép và có nguy cơ mở rộng ra nhiều mặt hàng khác, Thủ tướng lên tiếng thúc giục thì Bộ Công Thương và 10 Bộ ngành khác mới đủng đình vào cuộc điều tra ngăn chặn hàng hóa Trung Quốc núp bóng nhàn mác xuất xứ hàng hóa Việt Nam. Kết quả điều tra chưa đến đâu thì vô tình xuất hiện lỗ hổng mới là chưa có quy định về xuất xứ hàng hóa made in Viêt Nam đối với hàng tiêu thụ nội địa. Từ một phóng sự điều tra dài kỳ trên báo Tuổi trẻ về việc doanh nghiệp Asanzo bị quy kết là "nhập hàng Tàu lắp ráp và gắn mác Việt Nam. Tình trạng này đang rất phổ biến, nếu xem đây là phạm pháp, nhiều thương hiệu Việt Nam có nguy cơ bị quy kế tương tự. Hàng Việt Nam sẽ vỡ trận ngay trên đất nước mình.

Một doanh nghiệp đình đám bị "đánh" ngất ngư

Asanzo là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các mặt hàng điện tử, điện gia dụng khá nổi tiếng ở Việt Nam có hàng ngàn công nhân và đang phát triển rất nhanh, được tặng danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao, từng được báo chí trong nước biều dương khen ngợi trong đó có báo Tuổi Trẻ.

Thế nhưng, hơn một tháng qua, dư luận sôi nổi theo dõi phóng sự của báo Tuổi Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh điều tra về hoạt động của công ty Asanzo với những cáo buộc rất nặng nề là thay đổi xuất xứ hàng hóa ; lừa dối người tiêu dùng ; qua mặt cơ quan quản lý ; không sản xuất gì ngoài tivi ; lập công ty ma.

Một số báo và các trang mạng xã hội đã đăng lại bài của báo Tuổi Trẻ tạo thành một làn sóng truyền thông mạnh mẽ.

Các bài phóng sự trên báo viết cùng với các clip vidéo trên báo Tuổi Trẻ online rất sinh động ra đời cùng dịp làn sóng bài Trung đang dâng cao khi Trung Quốc đưa tàu thăm dò khoáng sản xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã như một vết chém bất thần bén ngọt chặt đứt lìa cơ thể sống của doanh nghiệp này. Nhiều hiệu ứng xã hội đã phát sinh tức thì. Tổ chức Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao ra quyết định thu hồi danh hiệu đã trao cho Asanzo. Nhiều nhà phân phối e ngại tiếp nhận và kinh doanh sản phẩm Asanzo. Ngày 24-7 Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin và báo cáo kết quả trước ngày 30/7/2019 (1).

Lãnh đạo Asanzo đã lên tiếng phản hồi nhưng hiếm có tờ báo nào dám lội ngược dòng với báo Tuổi Trẻ vốn có lượng phát hành lớn, có nhiều người đọc và đặc biệt là với đám đông người Việt đang cuồng nhiệt bài Trung.

Trong suốt gần một tháng trời từ ngày báo khởi đăng 21-6, dư luận xã hội như mặc định theo một chiều duy nhất là nguồn thông tin từ Tuổi Trẻ là Asanzo gian dối, phạm pháp luật lắp ráp linh kiện Trung Quốc dán thương hiệu Việt Nam lại còn cả gan quảng cáo với slogan đỉnh cao công nghệ Nhật Bản.

Chưa quy định thì phạm vào đâu ?

Nhưng hóa ra sự việc không đơn giản như vậy. Mãi gần một tháng sau chuỗi thông tin liên tục cáo buộc các sai phạm của Asanzo thì mới có thông tin phản biện.

Theo bà Vũ Thị Kim Hạnh - Chief executive officer tại Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp - BSA viết trên fb thì sáng ngày 18/7/2019, Ban chấp hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã họp phiên thường kỳ (6 tháng/lần) tại trụ sở VCCI, Hà Nội. Hội nghị dành nhiều thời gian thảo luận về "nhu cầu cấp bách của việc thay đổi thể chế, các văn bản pháp luật hiện đang gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp". Trong các trường hợp được phân tích, vấn đề Asanzo đã làm nóng hội trường. Thông tin quan trọng nhất trong cuộc họp này là : "Nhiều qui định của luật pháp chế định hoạt động doanh nghiệp lại chưa hoàn thiện khiến cho doanh nghiệp gặp khó khăn trong áp dụng. Ví dụ vấn đề ghi xuất xứ hàng hóa cho sản phẩm lưu hành trên thị trường nội địa. Theo Bộ Công Thương, hàng xuất thì chúng ta có những qui định khá rõ và chặt chẽ rồi nhưng hàng lưu hành trên thi trường nội địa thì còn chưa chặt chẽ. Theo Nghị định 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018, Asanzo đã lắp ráp từ nhiều linh kiện và cũng làm chủ thương hiệu, tự thiết kế ý tưởng thay đổi sản phẩm theo nhu cầu người tiêu dùng thì ghi nhãn made in Viet Nam là đúng với nghị định này. Nhưng báo chí lại kết luận khác và kết quả là, dù cơ quan chức năng chưa chính thức kết luận thì thương hiệu này cũng sập đến nơi, hàng hóa bị trả về, 2000 gia đình mất việc và các thương hiệu Thái Lan, Trung Quốc đang mở nhà máy mới, mở rộng thị trường, hưởng lợi quá hậu hỉ" (2).

Cũng trong ngày 18-7, Báo điện tử Việt Nam Net có bài viết "Thế nào là ‘Made in Viet Nam’ ?" thông tin chi tiết hơn về thực trạng quy định này.

Theo bài báo, hơn 10 năm trước, câu hỏi thế nào là hàng "made in Viet Nam" từng được các chuyên gia đặt ra, và họ cho rằng, để được gọi là hàng Việt Nam, cần phải đạt các tiêu chí như phải được sản xuất trong nước (có nhà máy trong nước) ; và có phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước đạt tỷ lệ nhất định do cơ quan thẩm quyền của Việt Nam quy định tùy theo từng chủng loại và điều kiện cụ thể. Nhưng những gợi ý này mới chỉ dừng lại ý tưởng của các chuyên gia mà chưa phải là văn bản pháp lý.

Bài báo cũng dẫn ý kiến ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết "năm 2017, khi Nghị định 43 về nhãn hàng hóa được ban hành, các quy chuẩn, tiêu chí vẫn không được làm rõ. : "Hiện nay chưa có quy định cụ thể nào về việc thế nào là hàng hóa sản phẩm của Việt Nam, thế nào là hàng hóa sản phẩm sản xuất tại Việt Nam".

Trong khi đó, bối cảnh toàn cầu hóa sâu sắc đã mang đến những thay đổi chưa từng có về chuỗi sản xuất, về cung ứng phụ tùng và nguyên liệu và dịch chuyển giá trị trong các sản phẩm và dịch vụ. Một chiếc iphone, đôi giầy Adidas, một chiếc TV Samsung, mà nguyên liệu và linh kiện làm nên chúng có xuất xứ từ nhiều quốc gia, thì được coi là "made" ở đâu ?

Ngay trong hiệp định thương mại tự do ASEAN, mà Việt Nam là thành viên, có các quy định về hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan nhưng lại chưa có quy định áp dụng với nhãn hàng tại thị trường nội địa. Ví dụ, để cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D lưu hành trong thị trường ASEAN thì hàng hóa phải đáp ứng tỷ lệ 40% hàng hóa được sản xuất trong ASEAN chứ không phải sản xuất trong Việt Nam.

Bài báo còn dẫn ý kiến Luật sư Trần Ngọc Trung, Công ty Luật Baker & McKenzie, bổ sung : Nếu căn cứ theo Hiệp định Asean - Trung Quốc thì Asanzo được ghi xuất xứ Việt Nam vì theo cam kết trong Hiệp định này, nguyên liệu nhập từ Trung Quốc, nhưng sản phẩm cuối cùng sản xuất ở Việt Nam vẫn có thể được phép ghi "Made in Vietnam". Asanzo có thể áp dụng quy tắc về xuất xứ theo căn cứ Hiệp định Asean Trung Quốc để ghi "Made in Vietnam" là điều có thể được phép và không hề sai (3).

Thời báo Kinh Tế Sài Gòn cũng có bài viết "Lúng túng đánh giá đúng-sai chuyện Asanzo ghi "Made in Vietnam" với thông tin pháp lý tương tư. Pháp luật Việt Nam hiện hành chưa có quy định cụ thể về tiêu chí hàng hóa Made in Việt Nam và Việt Nam hiện tham gia cả hai hiệp định thương mại tự do là Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA).

Trong trường hợp một doanh nghiệp nhập toàn bộ hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam chỉ lắp ráp đơn giản, chiếu theo quy định của ATIGA có thể doanh nghiệp đó không được dán nhãn "Made in Vietnam".

Tuy nhiên, nếu xét theo quy định tại ACFTA, hàng hoá đó vẫn có thể được coi sản xuất tại Việt Nam. Bởi, quy định tại thỏa thuận thương mại này cho phép tất cả nguyên liệu nhập khẩu từ các nước thành viên, trong đó Trung Quốc, có thể được coi là sản phẩm của Việt Nam khi quy trình sản xuất cuối cùng được thực hiện tại Việt Nam.

Theo bà Bùi Kim Thùy, chuyên gia trong lĩnh vực xuất xứ hàng hóa, trong khi cơ quan quản lý đang nợ một văn bản pháp lý thế nào là "Made in Vietnam", doanh nghiệp có dây chuyền sản xuất hàng hóa và ghi nhãn "Made in Vietnam" không vi phạm quy định pháp luật. "Điều cần quan tâm là người tiêu dùng đánh giá chất lượng hàng hóa đó như thế nào", bà Thùy nói.

Diễn biến mới nhất của sự kiên này là một doanh nghiệp có liên hệ với asanzo dã bị khởi tố vì hành vi nhập thiết bị Trung Quốc ghi nhản hiệu Việt Nam. Ngược lại, Asanzo đã chính thức nộp đơn kiện báo Tuổi Trẻ yêu cầu bồi thường ngoài hợp đồng.

Dù kết quả sự cố này có nghiên về bên nào thì thiệt hại cho nền kinh tế và cho xã hội nói chung sẽ rất lớn. Nhà nước mất nguồn thu đáng kể từ do doanh số, lợi nhuận doanh nghiệp sụt giảm. Ansanzo cho dù có thắng kiện (khả năng rất thấp) thì khó lòng phục hồi doanh số, sự phát triển trong thời gian ngắn, khả năng phá sản, tàn lụi khá hay so với điều kiện cạnh tranh ác liệt hiên nay, không phá sản là quá lớn. Liệu có ai trong Bộ phải chịu với doanh nghiệp ?

Mục tiêu của quản lý nhà nước trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh là phải hổ trợ, tạo điều kiện và nhất là xây dựng hành lang pháp lý an toàn để bảo đảm hài hòa lợi ích nhà nước (qua thuế) lợi ích doanh nghiệp (phát triển quy mô, tăng trưởng lợi nhuận và người tiêu dùng (qua chất lượng, giá cả hàng hóa). Thế nhưng Bộ Công Thương của chính phủ kiến tạo hàng chục năm qua lại bỏ quên một quy định hết sức quan trọng là tiêu chí xuất xứ hàng hóa Made in Việt Nam để xảy ra sự cố. Trong điều kiện kinh tế cạnh tranh hiện nay, nếu không có Asanzo thì chắc hẳn doanh nghiệp khác cũng trở thành vật tế thần cho thiếu sót này.

Thân phận, số phận doanh nghiệp trong vòng tay lỏng lẻo của Bộ Công Thương trở nên mong manh đến mức thảm hại, đã có nguy cơ sẽ càng nhiều nguy cơ.

Gió Bấc

Nguồn : RFA, 29/07/2019 (Gió Bấc's blog)

1. https://baomoi.com/vu-asanzo-thu-tuong-yeu-cau-kiem-tra-toan-dien/c/31240134.epi

2. https://www.facebook.com/vu.k.hanh.52/posts/10157734281386122

3. https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/the-nao-la-made-in-viet-nam-551515....

4. https://www.thesaigontimes.vn/291600/Lung-tung-danh-gia-dung-sai-chuyen-Asanzo-ghi-%22Made-in-Vietnam%22.html

Quay lại trang chủ
Read 639 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)