Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/08/2019

Những dự án công ích xây xong rồi "đắp chiếu"

Thanh Trúc

Việt Nam có những dự án công ích và phát triển, đã xây lên rồi "đắp chiếu" để đó, là sự lãng phí tiền tỉ chưa thể thống kê chính xác.

dapchieu1

Được đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 230 tỷ đồng, nhưng Nhà máy nước Phước Nam (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) đã bị bỏ hoang từ khi khánh thành đến nay. Courtesy of cafef.vn

Điển hình như nhà máy nước Phước Nam ở tỉnh Ninh Thuận, một tỉnh khô hạn với lượng mưa ít nhất cả nước, nơi thường xuyên thiếu nước của khu vực miền Trung, đã đắp chiếu kỹ nhất mà báo Văn Hóa vừa nhắc đến trong những ngày qua.

Chờ nước cho vùng đất khát

Đây là nhà máy nước của chính phủ có nguồn vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng, xây xong hơn 10 năm trước tại xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Mục đích bàn đầu được hứa hẹn là dẫn nước từ sông Dinh về xử lý thành nước sạch để cung cấp cho người dân các xã trong huyện Ninh Phước, đồng thời cung cấp nước thô cho Khu công nghiệp Phước Nam thuộc xã Phước Nam, cùng lúc cho cả khu vực Dốc Hầm-Cà Ná, xã Cà Ná huyện Thuận Nam.

Thế nhưng sau khi cắt băng khánh thành, nhà máy nước Phước Nam không có lấy một ngày hoạt động. Tin trên báo Văn Hóa cho thấy, sau hơn 10 năm không hoạt động, nhà máy nước Phước Nam đã xuống cấp trầm trọng trong khi dân sống xung quanh khu vực đó phải đi mua nước sinh hoạt từ một nhà máy khác.

Cư dân huyện Thuận Nam còn cho hay tuy không vận hành nhưng đường ống dẫn nước dài khoảng 7 cây số của nhà máy Phước Nam lại cho một đơn vị khác sử dụng miễn phí.

Đường dây viễn liên của RFA nối về máy của nhà chức trách Ninh Thuận nhưng lãnh đạo địa phương từ chối trả lời.

Đáng nói ở đây vì Ninh Thuận là vùng khô hanh nhất của Trung Bộ Việt Nam, nơi mà nhu cầu nước sinh hoạt và nước tiêu tưới lúc nào cũng cấp thiết. Chuyên gia về nước của Việt Nam, thạc sĩ Hồ Long Phi, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Nước và biến đổi khí hậu, xác nhận Ninh Thuận là địa phương có lượng mưa hàng năm ít nhất, thấp nhất so với cả nước :

Ninh Thuận có lượng mưa hàng năm chỉ tầm 500 hay 600 milimét, nghĩa là khoảng 1/3 so với thành phố Hồ Chí Minh thôi, thành ra nhu cầu về nước sạch rõ ràng là rất bức xúc. Nguồn nước cung cấp cũng không đơn giản vì lượng mưa ít, lượng bổ cập cũng không có nhiều. Thành ra nếu chọn trạm bơm mà không khéo thì có thể không đủ nước để khai thác. Nếu khai thác từ sông chẳng hạn mà sông suối bị cạn thì nhà máy cũng không có nguồn để cấp.

Giải thích nguyên nhân khả dĩ của sự đắp chiếu, thạc sĩ Hồ Long Phi cho rằng giai đoạn khảo sát và thiết kế không được thực hiện chu đáo :

Nói chung vấn đề ở đây liên quan đến kỹ thuật của giai đoạn khảo sát và thiết kế không được chu đáo cho lắm, tức là không có nước để bơm hoặc là nó có vấn đề gì về chất lượng, hoặc là sông Dinh bản thân nó có những biến động trên thượng nguồn khiến nước không về, thí dụ người ta trữ lại làm nguồn nước cạn. Nếu như không vận hành được thì chắc chắn là do nguồn nước không đủ để bơm.

Theo ông Đinh Viết Sơn, phó giám đốc Công ty cổ phần Cấp Nước tỉnh Ninh Thuận, thừa nhận với báo chí rằng từ khi được bàn giao nhà máy nước Phước Nam đến giờ, Công ty cổ phần Cấp Nước Ninh Thuận chỉ có mỗi việc bảo vệ bão dưỡng chứ không hề vận hành nhà máy này để cung cấp nước cho dân.

dapchieu2

Nắp bồn chứa nước nhà máy nước Phước Nam ở tỉnh Ninh Thuận bị rỉ sét Courtesy of cafef.vn

Ông Đinh Viết Sơn cũng công nhận là hiện nhà máy nước Phước Dân của công ty ông đang mượn tạm đường ống dẫn nước của nhà máy nước Phước Nam để bơm nước cung cấp cho người dân trong khu vực này. Vẫn theo lời ông, được báo trích dẫn nguyên văn, là "chỉ nhận bàn giao nhà máy từ chủ đầu tư, còn việc cấp nước cho ai thì phụ thuộc chính quyền địa phương, vì thế mới có câu chuyện như báo chí phản ảnh".

Tin còn cho biết dân cư địa phương lấy làm thắc mắc về sự đắp chiếu và xuống cấp của nhà máy nước Phước Nam, rằng có điều khuất tất trong các hạng mục xây dựng mà cơ quan chức năng cần phải làm rõ.

Cung-cầu không hợp lý

Kỹ sư Trần Bang, người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành xây dựng, từng đứng thi công nhiều dự án xây dựng công trong nước, trình bày nhận xét của ông về nhà máy nước Phước Nam ở Ninh Thuận :

Nếu vận hành thì giá thành nó qúa cao chẳng hạn, người dân không chịu nổi phải mua nước ở nguồn khác rẻ hơn, đấy là một giả thiết. Tôi nghĩ công trình đó thất bại từ thiết kế, tức là từ chuẩn bị tiền khả thi đến khả thi đến đấu thầu, nghĩa là thất cách một cái gì đấy chẳng hạn xa nguồn quá, xa chỗ cung cấp quá rồi lại đường ống đầu tư quá dài.

Xây nhà máy nước rồi thì còn phải tốn tiến đặt ống và lắp đồng hồ, thế mà xây ở vị trí quá xa thì việc kéo đến khu dân cư để bán là vô cùng khó khăn và tốn kém quá. Chẳng hạn đầu tư nhà máy 200 tỷ nhưng phải đầu tư mất 300 tỷ nữa mới kéo được nước đến từng nhà dân, mà khâu sau không ai đầu tư nữa là thua. Đây cũng là những giả thiết.

Trường hợp đắp chiếu của nhà máy nước Phước Nam ở Ninh Thuận không phải là duy nhất. Theo kỹ sư Trần Bang, còn có những công trình ngàn tỷ vốn đầu tư cũng không vận hành, thậm chí hiệu quả cũng không mang lại như mong đợi :

Không phải riêng cái cấp nước hàng trăm tỷ đâu mà còn nhiều thứ lắm, ví dụ Quốc Lộ 13 và 14 nối đến Thủ Đức thì rất to đẹp, nhưng từ ngã tư Bình Phước về đến Sài Gòn thì không đầu tư, dẫn đến chuyện lãng phí toàn bộ tuyến đường từ ngã tư Bình Phước trở ra.

Và bây giờ rất nhiều đường cao tốc ở phía Bắc mà lưu lượng xe ít, người ta còn ngồi đánh bài và nhậu trên cao tốc Hà Nội-Lào Cai, trong khi đó Sài Gòn cao tốc Trung Lương thì tắc tị rồi. Thế là đầu tư không đồng bộ và không theo nhu cầu. Đường đi nhiều nhất là Quốc Lộ 5 thì đầu tư không tương xứng, dẫn đến chuyện quá kẹt xe, quá tải dẫn đến tai nạn tại Hải Dương chẳng hạn, chỉ có 4 cây số đi qua tỉnh Hải Dương mà 38 tai nạn trong vòng 6 tháng đầu năm.

dapchieu3

Nhiều đường cao tốc ở phía Bắc mà lưu lượng xe ít, người ta còn ngồi đánh bài và nhậu trên cao tốc Hà Nội-Lào Cai,

Không đồng bộ, không căn cứ vào nhu cầu mà cứ nhắm mắt vẽ dự án để được giải ngân là lý do chính dẫn đến những công trình bị đắp chiếu và bị thua lỗ, là phân tích của kỹ sư Trần Bang :

Không phải riêng cái cấp nước đâu mà nhiều thứ lắm, tôi có thể ngồi một tí là tôi vạch ra hàng trăm cái dự án lãng phí và bất cập. Dự án ở Việt Nam không căn cứ vào vấn đề nhu cầu mà căn cứ vào vấn đề giải ngân. Dự án là lý do để được giải ngân, lấy được công trình, thi công được công trình là có cái để rút tiền trong ngân sách ra và cấp lãnh đạo tại thời điểm ấy là có phần trăm ăn. Tức là không đồng bộ, không căn cứ vào nhu cầu, không khảo sát thiết kế kỹ mà cứ vẽ dự án cho bằng được.

Chẳng riêng gì Nhà nước mà tư doanh cũng thua lỗ. Thế nhưng cá nhân mình thua lỗ thì mình chịu thôi, nhưng Nhà nước thua lỗ thì các ông quan giàu lên. Ông lấy tiền Nhà nước ông kinh doanh, thua lỗ phần nhiều là do phần trăm đút túi. Lời thì quan chức ăn, lỗ thì quan chức cũng ăn và dân chịu.

Nói đến những dự án nghìn tỷ thì trên Tuổi Trẻ Online cho thấy ngành công thương Việt Nam có 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ, trong đó Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam có 5 nhà máy nhiên liệu sinh học bị thua lỗ...

Đứng thứ nhì là Tập Đoàn Hóa Chất Việt Nam Vinachem có 4 dự án phải nhờ chính phủ đứng ra trả nợ thay 125 triệu USD vốn vay từ Eximbank của Trung Quốc.

Đây là 12 dự án khởi đầu với số vốn khổng lồ gần 3.000 tỷ mà đến giờ một số thua lỗ nặng, một số ngừng thi công và một số dừng hoạt động vĩnh viễn.

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 01/08/2019

Quay lại trang chủ
Read 434 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)