Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/08/2019

Con cá đồng ngóng mùa nước nổi

Nguyễn Hồng Phúc

Nhiều người cho rằng ‘ngóng cái nổi gì’ khi mùa nước nổi, những ao bè nuôi cá thường bị ngập nước, cá tra nhờ vậy mà "tẩu thoát" vùng vẫy ra sông…

cadong1

Nuôi cá trên ruộng lúa trong mùa lũ - Ảnh minh họa

Cựu chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Minh Nhị, một người có thể nói rằng hiểu lũ Châu thổ này như lòng bàn tay, trầm tư : "Dân dã quê tui có câu ‘tháng 7 nước nhảy lên bờ’. Nhưng đến giờ mực nước vẫn còn giật xa bờ sông thì đáng lo quá, làm sao lên ruộng được. Năm nay vựa lúa miền Tây mà không có lũ từ nước ngọt thượng nguồn đổ về thì căng lắm".

Dân miệt ruộng thì chắt lưỡi, nếu có con nước về thì họ lại bao bờ, quây lưới nuôi cá ruộng mùa nước nổi ở miền Tây. Nói con cá đồng ngóng mùa nước nổi là vậy.

Nhóm phóng viên truyền hình của trang Việt Nam Thời Báo đang tham gia cuộc thi làm clip về con cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long (1) chia sẻ rằng sau vụ lúa, người miền Tây đang đầu tư nuôi cá tra như thứ đặc sản của miệt đồng bằng, do đó họ ngóng chờ mùa nước nổi về để thêm cơ hội phát triển nghề cá đồng ở ruộng lúa.

Nuôi cá trên ruộng lúa trong mùa lũ, mùa nước nổi được nhiều nông dân trong tỉnh Hậu Giang thực hiện, bởi mô hình này không chỉ mang thu nhập khá, nhẹ công chăm sóc mà còn bổ sung nguồn dinh dưỡng có lợi cho ruộng ở vụ sau.

Tại xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, nhiều bà con nông dân kể hồi mấy năm mùa nước nổi bắt đầu về từ tháng bảy âm lịch, thì không khí thả nuôi của người dân rất sôi nổi, khi thay vì bỏ công sức tiền bạc vào làm lúa vụ ba, giờ chỉ cần quay sang thả nuôi cá ruộng. 

Ông Nguyễn Trung Trị là một trong số nhiều hộ mới thả nuôi cá ruộng ở ấp Mỹ Thuận 1, xã Phụng Hiệp mấy mùa gần đây. Ông Trị thả nuôi 30 kg cá giống, gồm cá mè vinh, mè trắng và cá rô phi trên diện tích hơn 2 ha. Cũng ở cùng ấp, ông Mai Hùng Chiến đã có nhiều năm làm lúa vụ 3 và qua vài mùa nuôi cá cho biết : "Lợi nhuận khi nuôi cá có khi còn cao hơn làm lúa. Trong khi nuôi cá, gia đình còn có thời gian rảnh để trồng rau màu, hoặc làm công việc khác kiếm thêm thu nhập".

Theo ông Giang, nuôi cá ruộng không tốn chi phí nhiều cho thức ăn vì tận dụng được lúa chét, rong tảo, sinh vật phù du có sẵn trên ruộng. Đầu vụ, ông cũng như nhiều gia đình nuôi xung quanh phải đặt hàng trước 1 - 2 tuần mới có con giống mang về. Năm ngoái còn có tình trạng thiếu hụt con giống, nhất là các loại giống được mua thả nhiều như cá chép, mè hoa, mè vinh, rô phi…

Năm 2018, diện tích nuôi cá ruộng ở huyện Phụng Hiệp tăng nhanh so năm 2017 do nước lũ về sớm và nhiều, chính điều này nên bước vào mùa chờ nước nổi hiện nay, người dân xứ Hậu Giang đang buồn bã nói rằng tháng bảy rồi mà nước chưa đủ sức để nhảy bờ, thì có đâu mà tràn đồng để nuôi cá…

"Cái lợi của nuôi cá trên đồng ruộng mùa nước nổi là cho đất nghỉ sau hai vụ sản xuất Đông Xuân và Hè Thu, vừa khai mở đồng lấy nguồn phù sa bồi bổ độ màu mỡ, diệt trừ mầm bệnh trên đồng ruộng, vừa giúp nông dân có thêm nguồn thu nhập từ nguồn lợi cá nuôi. Hơn nữa, gieo trồng vụ lúa Đông Xuân sau đó, giảm chi phí sản xuất do giảm lượng phân bón, lúa giống, thuốc trừ sâu nhưng lúa sinh trưởng, phát triển tốt và trúng mùa". Ông Lê Văn Trường, một nông dân ở Lấp Vò, Đồng Tháp, nhận xét.

Ông Trường kể, chục năm về trước, cứ mùa lũ lớn là các hầm nuôi cá tra (giờ dùng từ ao nuôi cá tra), do chưa lường hết được nước dâng cao nên thiệt hại khá lớn. Về sau, để tránh chuyện ‘treo hầm’ ở mùa lũ lớn, nông dân đăng lưới bao quanh thật cao, rồi đưa những chiếc xuồng chở đầy thức ăn công nghiệp tung lên và đàn cá háo ăn tung vảy đôi trắng xóa cả đầm, ao nuôi.

Đó là những câu chuyện thuộc dạng ‘nhắc kể - nhớ về’. Hiện tại, ghi nhận từ nhóm phóng viên truyền hình trang Việt Nam Thời Báo, xuôi Long An, Tiền Giang rồi về Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang... những ngày đợi lũ, đi đến đâu cũng nghe trăn trở chuyện con nước lớn - ròng. Nhà khoa học lý giải theo tính toán khoa học, nhưng nông dân thì bấm đốt ngón tay tính toán theo kinh nghiệm truyền đời...

Các nhà khoa học ở trường Đại học Cần Thơ dự báo thời gian xuất hiện đỉnh lũ ở miền Tây khả năng vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 và tháng 11, 12/2019.

Đành chờ vậy, mùa nước nổi ơi !

Nguyễn Hồng Phúc

Nguồn : VNTB, 02/08/2019

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Hồng Phúc
Read 905 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)