Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

15/08/2019

Nói dóc vượt chỉ tiêu

Phạm Trần

Sau 70 năm, nhìn lại không thể gọi biến cố đó là Cách mạng tháng Tám. Gọi vậy là "ngoa ngôn", là "đại ngôn", vì "cách mạng" là phải thay đổi hẳn chế độ cai trị, đổi mới hoàn toàn bản chất chế độ, đem lại dân chủ, tự do cho mọi công dân, quyền tự do bình đẳng trong kinh doanh, cốt lõi là tự do ngôn luận, tự do báo chí. 

Ông lý luận nguyên văn như sau :

Gọi là cách mạng trước hết là không chính xác. Cách mạng là một cuộc thay đổi chế độ trong đấu tranh quyết liệt, thường có bạo lực chống đối, giằng co nhau, có đổ máu, như cách mạng ở Pháp, ở Hoa Kỳ mà ông Hồ chí Minh đã dẫn ra trong bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945.

Biến cố gọi là Cách mạng tháng Tám 1945 ở Việt Nam hoàn toàn không đổ máu, không có đấu tranh giằng co bằng bạo lực quyết liệt. Chính quyền thực dân Pháp đã bị phát xít Nhật lật đổ ngày 9/3/1945 trong một cuộc đảo chính nhẹ nhàng. Trước đó cả Đông dương thuộc Pháp đã đầu hàng phát xít Đức, Việt Nam trở thành thuộc địa của nước Pháp thua trận đã đầu hàng phát xít, cho nên bị khối Đồng minh xếp vào loại bị quân Đồng minh là quân đội Anh và quân đội Trung Hoa Dân quốc chiếm đóng để giải giáp quân đội Nhật đã đầu hàng Đồng minh. Quân đội Trung Hoa vào miền Bắc, quân Anh vào miền Nam.

Việt Nam trở thành đất trống về quyền lực cai trị, chính phủ Trần Trọng Kim vừa thành lập được 6 tháng còn non yếu, tuy về danh nghĩa đã giành được nền độc lập từ tay phát xít Nhật đã buông súng đầu hàng Đồng minh. Do sức ép của quần chúng xuống đường theo lời hiệu triệu của Mặt Trận Việt Minh do đảng CS Đông Dương tổ chức ra. Vua Bảo Đại thoái vị nhanh chóng, bày tỏ niềm vui "từ bỏ ngai vàng để trở thành một công dân tự do".

Ông Bùi Tín (29/12/1927 – 11/08/2018) là nguyên Phó tổng biên tập báo Nhân dân, kiêm Tổng biên tập tuần báo Nhân dân Chủ Nhật, đã xin tị nạn chính trị ở Pháp tháng 09/1990 nhân khi sang Pháp dự hội hàng năm của báo L'Humanité (Nhân Đạo), báo của Đảng cộng sản Pháp.

Thân phụ ông là cụ Bùi Bằng Đoàn, nguyên Thượng thư Bộ Hình của triều đình Huế và nguyên Chủ tịch Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Cướp giữa ban ngày

Vậy việc ông Hồ Chí Minh và đảng cộng sản Việt Nam đã thay Vua Bảo Đại và Chính phủ Trần Trọng Kim để đưa đất nước vào vòng loạn ly trong 30 năm (1945-1975) đã xẩy ra trong trường hợp nào ?

Trước hết nên biết, chính phủ Đế quốc Việt Nam, còn được gọi là Nội các Trần Trọng Kim, hay Chính phủ Trần Trọng Kim, do phát xít Nhật dựng lên ở Việt Nam năm 1945, do học giả Trần Trọng Kim thành lập ngày 17 tháng 4 năm 1945, ra mắt ngày 19/04/1945. Danh sách nội các được trình vua Bảo Đại phê chuẩn, sau Tuyên cáo Việt Nam độc lập vào ngày 11/03/1945 (Theo Bách khoa toàn thư mở).

Để hậu thuẫn chính trị cho Chính phủ cụ Trần Trọng Kim và mừng độc lập hoàn toàn, thâu hồi toàn vẹn lãnh thổ, Tổng hội Công chức đã tổ chức cuộc biểu tình chiều ngày 17/08/1945.

Nhà văn, nhà biên khảo Đoàn Thêm, một công chức cao cấp thời bấy giờ đã tham dự cuộc biểu tình. Ông viết lại trong hồi ký "Những ngày chưa quên" như sau :

"Trước Nhà Hát Lớn, 15 giờ ngày 17/8, trời kéo cơn mưa, nhưng hàng vạn công chức đã sắp thành đoàn đứng chặt đường Paul Bert, kéo dài suốt Hàng Trống. Dân chúng tới xem, chen chúc trên các ngả phụ cận, Bobillot, Amiral Courbet.

Trên bao-lan Nhà Hát, cờ ba vạch gãy Quẻ Ly được từ từ đưa lên, trong tiếng đồng ca vang dội Tiếng gọi Thanh-Niên... Mây xám giãn dần ; chợt thấy giọng ai như của L. béo ngập ngừng qua ống phóng thanh : "mặt trời tỏ, một điềm vui… Hôm nay chúng ta họp mặt tại đây để `mừng cho chủ-quyền đã thâu hồi toàn-vẹn, và hoan hô Chánh-phủ Trần-Trọng-Kim…".

Hoan-hô ! V.N. độc-lập muôn năm !

Hoan-hô Việt Minh ! (Việt Minh)

Những tiếng sau là của kẻ nào lén vào hàng ngũ công-chức. Những người quanh đó sửng-sốt ngơ-ngác… Còn đa-số vẫn mải reo to : Hoan hô V.N. muôn năm".

Tác giả Đoàn Thêm viết tiếp : "Rồi đoàn biểu-tình được lịnh chuyển bước tuần-hành qua nhiều đường lớn, nhưng mỗi lúc những tiếng lạ tai khi nãy lại được gào thét nhiều hơn. Tới ngã sáu Cửa-Nam, vài anh áo cộc quần đen, chắc chắn không phải là công-chức, vừa chạy vừa phất là cờ đỏ giữa có ngôi sao vàng, anh khác giơ một vật ít thấy có cỏ thời đó là khẩu súng lục, bắn vài phát chỉ-thiên như để thị-uy : anh em hãy cùng chúng tôi hô Mặt Trận Giải Phóng muôn năm !

Vài công-chức, có lẽ hoảng sợ quá, đành "muôn năm" theo một các gượng-gạo và máy-móc. Mấy cảnh binh đứng cạnh dọc đường lấm lét hỏi nhau với vẻ kinh ngạc, nhưng không can thiệp, tuy nhiều đám người khác trên các vỉa hè cũng nắm tay giơ chào như Phát-xít Ý, và hoan hô một đoàn-thể mà nhân-viên công-lực cũng không biết là gì.

Nhưng cần chi biết ? Hàng chục, hàng trăm, rồi hàng ngàn người cứ việc "muôn năm" mãi cho tới khi giải-tán, vào khoảng sáu bảy giờ chiều.

Ông tham Đ dừng lại hỏi ông phán N : tưởng là bìểu-tình hoan-hô Trần-Trọng-Kim, mà chẳng thấy ai kêu cụ Trần cả ? V.N. chứ sao lại mặt-trận Việt Minh ? Một số ông nữa xen vào câu chuyện : ai bảo hoan-hô như thế, bây giờ còn băn khoăn ? Người ta hô, thì làm sao khác được ? – Thôi, nó bắn, ông mất hết vía rồi ! 

Mất vía còn ít. Như thế này thì mất cả những gì đáng quí hơn tâm hồn tham phán. Đó là cảm-tưởng sám ngắt như trời mây phủ, nó theo đuổi tôi trên lối về nhà. Đêm hôm ấy, tôi trằn trọc khó ngủ, vi đầu óc rối ren như cảnh đã mục-kích ban trưa, và như cảnh hỗn độn mà tôi ngại cho những ngày sắp tới".

(theo Phạm Cao Dương trong "Việt Minh Cướp Chính Quyền, 73 Năm Nhìn Lại").

"Lúc đó, hàng vạn người đứng đầy đường Paul Bert (nay là phố Tràng Tiền), người đi xem rất đông, công chức thì mặc áo trắng. Tôi còn nhỏ mới 13 tuổi, hôm đó tôi mặc áo đen nhưng cũng len vào xem thế nào, thì thấy không khí rất nhốn nháo, vì mọi người đã có kế hoạch là phá cuộc mít tinh này.

Các đội viên đội Tuyên truyền Giải phóng quân cũng giương cờ đỏ sao vàng và hô to "Ủng hộ Việt Minh". Họ tạo ra một sự hỗn loạn cực độ phá vỡ chương trình tổ chức. Ban tổ chức cố gắng lập lại trật tự nhưng không thể nào kiểm soát nổi tình hình".

Khi ban tổ chức cuộc mít tinh nói trên mới tuyên bố lý do, người của Việt Minh xông lên giành micro. Hai phụ nữ là Kiều Trang (Từ Trang Anh, thành viên đội cứu quốc thành Hoàng Diệu) và Nguyễn Khoa Diệu Hồng (thành viên Đảng Dân chủ) lên sân khấu thông báo Nhật đã đầu hàng, kêu gọi đồng bào ủng hộ Việt Minh cướp chính quyền, giành độc lập.

Tiếp theo, nhiều đội viên đội danh dự của Việt Minh xông lên khán đài, cầm súng ngắn trong tay dồn các viên chức Đế quốc Việt Nam (chính phủ bù nhìn do Nhật dựng lên) vào một góc, hạ cờ Đế quốc Việt Nam xuống, giương cờ đỏ sao vàng lên. Từ trên tầng hai Nhà hát Lớn, lá cờ đỏ sao vàng to, rộng được buông xuống.

Sau đó, ông Nguyễn Khang – Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ phát biểu kêu gọi nhân dân ủng hộ Việt Minh, đồng thời kết tội Chính phủ Trần Trọng Kim của Đế quốc Việt Nam phục vụ quyền lợi nước ngoài và kêu gọi dân chúng ủng hộ Việt Minh đánh đổ chính quyền tay sai, đấu tranh cho độc lập dân tộc.

"Ngay sau đó, một thành viên trong đội danh dự đã lấy từ trong người ra lá cờ đỏ sao vàng to, có cán, quay đầu hô "tiến lên", do tôi đứng ở cuối đoàn nên khi quay đầu trở thành người dẫn đường. Hàng vạn người tham dự mít tinh cũng xoay người theo. Cả đoàn đi về hướng Tràng Tiền. Đi đến đâu, người dân từ hai bên đường gia nhập đến đó. Vừa đi, mọi người vừa hô "Ủng hộ Việt Minh, ủng hộ Việt Minh, Việt Nam độc lập…".

"Sáng ngày 18/8, Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội chuyển trụ sở về số nhà 101 Gambetta (nay là phố Trần Hưng Đạo). Các ủy viên tích cực chuẩn bị cho công việc sáng hôm sau. Cuộc mít tinh của Chính phủ Trần Trọng Kim đã nhanh chóng biến thành biểu tình, tuần hành của quần chúng cách mạng. Hội nghị của Thành ủy và Ủy ban Quân sự cách mạng mở rộng được triệu tập, ngay sau đó quyết định khởi nghĩa vào ngày 19/8.

Sáng 19/8/1945, cuộc mít tinh lớn ở quảng trường Nhà hát lớn (Hà Nội) do Việt Minh tổ chức đã nhanh chóng chuyển thành cuộc biểu tình do các đơn vị chiến đấu đi đầu, đánh chiếm phủ Khâm sai, Tòa Thị chính, Sở Cảnh sát… Cuộc khởi nghĩa Hà Nội thắng lợi hoàn toàn trong ngày 19/8/1945".

Như vậy thì có cướp hay không cướp ? Khởi nghĩa hay cách mạng gì mà không có tiếng súng và máu đổ, bất chiến tự nhiên thành thì có phải là "ăn may" hay"phỗng tay trên" quyền bính của một chính quyền hợp pháp không ?

Bằng chứng "cướp" của Việt Minh-Hồ Chí Minh còn được Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cống, nhà giáo tại Đại học Xây dựng đã nghỉ hưu kể lại :

"Đêm 9/3/1945 Nhật đảo chính Pháp. Trên đất Việt Nam không còn người Pháp cai trị. Ngày 11/3 vua Bảo Đại tuyên bố Việt Nam độc lập, xóa bỏ mọi hiệp ước đã ký với Pháp. tháng 4/1945 giải tán triều đình phong kiến với các Thượng thư, lập Chính phủ do Thủ tướng Trần Trọng Kim đứng đầu và các Bộ trưởng. Ngày 15/8 Nhật đầu hàng Đồng minh. Ngày 17/8 Chính quyền Hà nội tổ chức mit tinh, treo cờ Quẻ Ly để chào mừng nước Việt Nam độc lập. Cuộc mit tinh này đã bị người của Việt Minh (Việt Minh) "cướp" đoạt, hạ cờ Quẻ Ly xuống, giương cờ đỏ sao vàng lên và kêu gọi đi theo Việt Minh. Từ trước ngày 17/8 thủ tướng Trần Trọng Kim, Bộ trưởng Hoàng Xuân Hãn đã 5 lần tiếp xúc, hội đàm với đại diện của Việt Minh tại Hà nội (Lê Trọng Nghĩa, Nguyễn Khang) với đề nghị mời người của Việt Minh tham gia Chính phủ hoặc hợp tác lập Chính phủ liên hiệp để chuẩn bị đón tiếp quân Đồng minh, nhường quyền kiểm soát phần lớn đất nước cho Việt Minh một cách hòa bình. Nhưng cả 5 lần đều bị đại diện Việt Minh từ chối với tuyên bố là Việt Minh đủ lực lượng để "cướp" toàn bộ chính quyền mà không cần sự hợp tác nào hết, chỉ có đấu tranh một mất một còn. Để tỏ rõ thiện chí không dùng bạo lực, chính phủ ông Kim và Bảo Đại không thành lập quân đội, không có Bộ Quốc phòng.

Ngày 19/8 Việt Minh "cướp" chính quyền ở Hà nội. Sau đó việc "cướp" chính quyền lan rộng ra toàn quốc. Việc "cướp" này diễn ra dễ dàng, nhanh chóng vì không gặp phải sự chống đối. Ngày 25/8 vua Bảo Đại thoái vị".

(Trích Bauxite Việt Nam, ngày 18/08/2016)

Giáo sư Cống, 82 tuổi, quê Quảng Bình (sinh ngày 12/12/1937) tuy là người đã công tác nhiều năm trong hệ thống giáo dục nhà nước cộng sản Việt Nam, nhưng sau khi về hưu, ông đã viết nhiều bài chỉ trích chính sách cai trị của đảng và lên án những sai lầm của Chủ nghĩa Mác-Lênin. Ông còn công khai ũng hộ đa nguyên đa đảng.

Ông thông báo từ bỏ Đảng cộng sản Việt Nam từ ngày 03 tháng 02 năm 2016.

Giáo sư, Tiến sĩ Sử học Phạm Cao Dương bổ túc thêm :

"Trong năm lần gặp gỡ kể trên, ngoại trừ cuộc gặp gỡ lần thứ năm, bốn lần đầu lần nào phía chính phủ cũng đưa ra những đề nghị mời Việt Minh vào chính phủ làm việc để cứu nước nhưng tất cả đều bị từ chối. Lý do là Việt Minh với Đảng Cộng Sản đứng đằng sau đã chủ trương cướp chính quyền từ đó một mình lãnh đạo đất để thực hiện cuộc cách mạng riêng của mình bất chấp mọi nguy hiểm có thể xảy ra cho dân tộc, phản ảnh qua những câu trả lời của người đại diện Việt Minh cho những câu hỏi do chính Thủ Tướng Trần Trọng Kim đặt ra và kể lại. Biến cố 19 tháng 8 do đó đã xảy ra".

(Trích "Trước khi bão lụt tràn tới - Bảo Đại, Trần Trọng Kim và Đế quốc Việt Nam (9/3/1945 - 30/8/1945)", Phạm Cao Dương, Nhà xuất bản Truyền Thống Việt 2017)" 

Như vậy thì còn chối vào đâu được nữa mà Tuyên giáo Đảng cứ ồn ào để đổi trắng thay đen mãi ?

Nhưng cũng thật khôi hài, trong chỉ thị tuyên truyền Cách mạng tháng Tám lần thứ 74 năm nay 2019, Tuyên giáo đã yêu cầu :

"Tuyên truyền khẳng định giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại của Cách mạng tháng Tám, trong đó có các vấn đề "nắm bắt thời cơ", "chuẩn bị lực lượng", và "sẵn sàng chớp thời cơ" làm nên thành công của Cách mạng tháng Tám".

Như vậy rõ ràng thì từ "nắm bắt" đến" chuẩn bị" để "chớp thời cơ" đã phản ảnh đúng diễn tiến mà đảng cộng sản Việt Nam đã thực hiện để "cướp chính quyền Trần Trọng Kim" trong cuộc biểu tình của Công chức ngày 17/08/1945.

Chữ nghĩa vì vậy đôi khi cũng vận vào người như một định mệnh của những kẻ nói phét.

Phạm Trần

(15/08/2019)

Quay lại trang chủ
Read 756 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)