Khi cuộc khủng hoảng Hồng Kông và chiến tranh thương mại leo thang, các vết rạn nứt khác trong lòng chế độ cộng sản Trung Quốc tiếp tục kéo dài và mở rộng
Những người biểu tình tham gia tuần hành trong một cuộc biểu tình ở Hồng Kông, ngày 3 tháng 8 năm 2019. (Anthony Kwan / Getty Images)
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại leo thang với Hoa Kỳ, nền kinh tế đi xuống, giá cả lương thực leo thang, phản ứng toàn cầu chống lại chương trình "Chế tạo tại Trung Quốc, năm 2025" (một chương trình mà ngay từ đầu đã nhuốm màu thất bại) và các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, Đảng cộng sản Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức nội bộ kiểu Liên-xô ngày xưa, những thách thức này nảy nòi ra là do tệ nạn tham nhũng không kiểm soát được và sự quản lý sai lầm đến cực đoan trong chính nội bộ Đảng cộng sản Trung Quốc.
Ví dụ, một thực tế mang tính quốc gia của Trung Quốc về việc cướp đoạt ruộng đất nông nghiệp, các sông, hồ và biển ở quy mô công nghiệp, vượt quá cả mức độ độc ác của Liên-xô cũ, đã diễn ra từ những năm 1950 và vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Do đó, nạn sa mạc hóa trên quy mô lớn và năng lực sản xuất lương thực sút giảm đã khiến cho Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu thực phẩm kể từ năm 2007, với việc Hoa Kỳ cung cấp phần lớn nhập khẩu nông sản và thực phẩm cho Trung Quốc. Tất cả những điều này đã diễn ra trong một thời gian dài trước khi Tập Cận Bình lên nắm quyền.
Đẩy nhanh sự suy tàn của một đế chế
Đế chế cộng sản Trung Quốc, và đó là phương cách chính xác nhất để nhìn nhận Trung Quốc ngày nay, đang phải chịu đựng những khiếm khuyết nghiêm trọng đi kèm với các chính sách dài hạn vốn trái ngược với một nền kinh tế bền vững, ấy là chưa nói gì đến một đời sống chính trị và xã hội lành mạnh. Chính Đảng cộng sản Trung Quốc đang đẩy nhanh quá trình suy thoái này.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc, các điều kiện ở Trung Quốc đã trở nên tồi tệ hơn, không thể nói rằng tốt hơn. Chênh lệch thu nhập gia tăng hơn bao giờ hết và các trung tâm đô thị lớn, mà hiện chiếm tới hơn 50% dân số, phải đối mặt với các dịch vụ xã hội thiếu thốn và sự tức giận của hàng triệu công nhân làm việc trong các nhà máy không được trả lương. Điều kiện ở khu vực nông thôn cũng xấu đi, dẫn đến việc di cư ra thành thị nhiều hơn. Ngoài ra, sự gia tăng những căng thẳng sắc tộc từ dân số Hồi giáo, cũng như ở Tây Tạng và các khu vực khác, đã trở nên tồi tệ hơn do những chính sách kinh tế thất bại của Đảng cộng sản Trung Quốc và sự đàn áp trên quy mô lớn đối với những biểu hiện bất đồng chính kiến và tôn giáo.
Đối ngoại, cung cách hành xử hung hăng của Đảng cộng sản Trung Quốc đã dẫn đến những căng thẳng chưa từng có với phương Tây và sự phẫn nộ bài Hoa trên khắp thế giới. Phản ứng dội ngược này là một trở ngại lớn đối với việc tiếp cận vốn rất cần thiết của Trung Quốc đối với các thị trường nước ngoài và các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Kết quả là, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đã giảm đáng kể, từ 10% xuống còn 6%, thậm chí có thể còn thấp hơn. Thu nhập tuyệt đối cũng giảm, trong khi các sự cố bất ổn dân sự và các cuộc đình công lao động đang gia tăng, đánh vào chính trái tim của những ủng hộ viên của Đảng cộng sản Trung Quốc. Đảng cộng sản Trung Quốc lo sợ điều này, như nó phải lo sợ.
Các chính sách của Đảng cộng sản Trung Quốc không đưa ra được giải pháp
Vấn đề lớn là, đối với Tập Cận Bình, cách duy nhất để tiến lên là, về mặt đối nội, đàn áp nhiều hơn, và, về mặt đối ngoại, gây hấn nhiều hơn. Tập Cận Bình đặt cược sinh mệnh chính trị của mình vào đó và ông ta không thể thay đổi hệ thống của Trung Quốc vì ông ta là một sản phẩm của nó. Do đó, việc mở cửa thị trường Trung Quốc cho phương Tây, và các hình thức mở cửa khác là không tưởng. Sự sụp đổ của Liên-xô vào năm 1991 đã ngăn chặn mọi suy nghĩ về cải cách Đảng cộng sản Trung Quốc hoặc đất nước Trung Quốc. (Bởi vì) làm như vậy sẽ nới lỏng sự kìm kẹp toàn trị của Đảng cộng sản Trung Quốc đối với quyền lực và giải phóng các lực lượng không thể ngăn chặn mà giờ đây đang xuất hiện tại Hồng Kông.
Do đó, sự đàn áp khủng khiếp của Trung Quốc đối với các nguồn nhân lực quý giá vẫn tiếp tục, cũng như sự tham nhũng phân tầng đặc hữu và những sự bóp méo thị trường. Thật không may, với một tiềm lực khá đủ, sự thờ ơ mang tính di căn đối với sinh mệnh con người, và điều quan trọng nhất là đối với nguồn vốn và công nghệ khổng lồ từ phương Tây, những điều kiện tiêu cực này có thể sẽ còn tồn tại trong một thời gian dài khủng khiếp.
Hiển nhiên là, Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc, qua nhiều thập kỷ, đã chất chứa, tích tụ tất cả các mầm mống, các điều kiện cần và đủ, cho căn bệnh này. Và giờ đây, ngay cả khi có được sự kiểm soát toàn trị đối với tất cả các hình thức truyền thông, sản xuất chế tạo và tài chính, và hơn hết, là đối với chính các công dân của mình, Trung Quốc vẫn đang phải vùng vẫy chống lại sức ép của những mâu thuẫn chính sách và hậu quả của những chính sách ấy.
Vấn đề cốt tử thật là khắc nghiệt : Đảng cộng sản Trung Quốc không thể làm gì khác, ngoài thất bại trong nỗ lực đảo ngược các xu hướng này.
Sự lừa dối không thể kéo dài mãi mãi
Lý do rất dễ hiểu, nhưng khó có thể nắm bắt vấn đề nếu quý vị là đảng viên của Đảng cộng sản Trung Quốc. Dập tắt tiếng nói bất đồng chính kiến, bỏ tù những người biểu tình, đàn áp các biểu hiện tôn giáo và kiểm duyệt những tin tức xấu, tất cả những điều đó không làm cho các vấn đề trên đây biến mất. Giống như việc phát hành các báo cáo GDP giả tưởng đẹp sau nhiều thập kỷ, việc tài trợ cho các dự án xây dựng dư thừa với lợi nhuận âm thông qua việc bơm tiền vô tội vạ chỉ cốt duy trì công ăn việc làm ở mức độ cần thiết về mặt chính trị (sao cho) tương đương với hoạt động kinh tế.
Phá giá đồng nhân dân tệ cũng không phải là câu trả lời. Nó sẽ gia tăng việc tư bản chạy ra nước ngoài và tăng chi phí nhập khẩu. Kết quả là làm giảm sức mua và làm tăng các khoản thanh toán lãi cho các khoản nợ bằng đô la. Những bất lợi đó có thể sẽ lớn hơn các lợi ích của hàng hóa rẻ hơn của Trung Quốc trên thị trường thế giới, đặc biệt là với nhu cầu thấp hơn từ cơn suy trầm kinh tế ở Châu Âu.
Tất cả những hành động và sự kiện này che khuất một sự thật lớn hơn, về cơ bản, gây tổn hại hơn nhiều cho khả năng của Đảng cộng sản Trung Quốc trong việc mang lại sự giàu có thực sự, bền vững cho Trung Quốc : Đánh mất các hiệp định thương mại một chiều hào phóng, đánh mất các dự án đầu tư lớn của nước ngoài ; trộm cắp tài sản trí tuệ và công nghệ từ đó phương Tây ; và, một lần nữa, Trung Quốc cộng sản lại đứng bên bờ vực sụp đổ, giống như hồi năm 1979.
Hồng Kông là cuộc khủng hoảng của Đảng cộng sản Trung Quốc
Không có gì là bí mật khi nói rằng các cuộc biểu tình ở Hồng Kông đã được châm ngòi bởi dự luật dẫn độ của ban lãnh đạo thân Bắc Kinh tại Hồng Kông – một dự luật mà trong đó chế độ Trung Quốc cộng sản đã đánh giá sai trình độ nhận thức của dân chúng Hồng Kông và đưa ra không đúng lúc. Nếu dự luật này không bị hối thúc một cách quá vội vã và quá vụng về, thì nói chung, các cuộc biểu tình ở Hồng Kông đã không xảy ra.
Hơn nữa, Bắc Kinh sẽ không lọt vào tầm ngắm của thế giới như một kẻ xâm lược khổng lồ đang chuẩn bị đối phó bằng sức mạnh quân sự áp đảo với những người biểu tình ôn hòa. Sẽ không có những so sánh với Quảng trường Thiên An Môn, như giờ đây dư luận thế giới vẫn thường nhắc đến, và thanh danh vốn đã bị hoen ố của Trung Quốc cộng sản sẽ không bị hoen ố hơn.
Nhưng cho dù cuộc khủng hoảng có được giải quyết như thế nào đi nữa, thì mối đe đang hiện hình của sự thống trị vô luật pháp của Bắc Kinh đã tạo ra một khoảng tối đối với tương lai của thành phố- nhà nước (Hồng Kông) với tư cách là một trung tâm tài chính an toàn và đáng tin cậy đối với cả thế giới. Giờ đây, khi cả thế giới đã nhìn thấy mối đe dọa liên tục của Trung Quốc cộng sản đối với Hồng Kông, an ninh của thành phố-nhà nước (Hồng Kông) với tư cách là một trung tâm giao thương sẽ luôn luôn bị nghi ngờ.
Cuộc khủng hoảng Hồng Kông đơn giản là triệu chứng rõ ràng nhất của sự bất ổn mang tính hệ thống và bệnh lý ký sinh trùng của Trung Quốc cộng sản dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc.
Một sự sụp đổ theo cách thức Xô-viết ?
Những so sánh lịch sử không phải lúc nào cũng đúng, nhưng những so sánh ấy không phải lúc nào cũng là sai. Hồng Kông có thể trở thành phiên bản Bắc Kinh của phong trào Công đoàn Đoàn kết Ba Lan nhỏ bé vào những năm 1980, khi mà người Nga có thể bóp chết, nghiền nát, nhưng đã không dám thực hiện. Người Nga sợ rằng nếu họ làm như vậy thì sẽ có những cuộc nổi dậy ở nhiều những nơi khác, cũng như sẽ bị nếm thêm các đòn trừng phạt về kinh tế từ phương Tây. Liên-xô thời đó bị tê liệt bởi nhiều thách thức tương tự mà Trung Quốc cộng sản giờ đây đang phải đối mặt.
Cuối cùng, phong trào Công đoàn Đoàn kết đã dẫn đến sự sụp đổ nhanh chóng của Liên-xô. Có thể lập luận một cách thuyết phục rằng phong trào Công đoàn Đoàn kết là một điểm ngoặt của Liên-xô, và cho dù họ có chọn cách nào để xử lý nó đi chăng nữa, thì kết quả cũng sẽ vẫn giống nhau.
Tất cả những gì bị đè nén sẽ bật ngược trở lại
Ngày nay, thậm chí ngay cả với tất cả sự phát triển và tăng trưởng kinh tế ngoạn mục trong bốn thập kỷ qua, Trung Quốc cộng sản vẫn cho thấy chính nó đang mắc một căn bệnh trầm kha mang màu sắc Xô-viết. Bệnh trạng "Xô-viết hóa" của nó không nhất thiết là đồng nhất với cựu đế quốc Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết, nhưng nó đồng nhất ở một khía cạnh quan trọng : căn bệnh này không thể chữa trị, chừng nào đảng cộng sản Trung Quốc còn nắm quyền lực chính trị.
Và điều quan trọng nhất, sự đàn áp độc đoán của Đảng cộng sản Trung Quốc không phải là câu trả lời, nhưng nó có thể dẫn đến câu trả lời. Sigmund Freud, nhà tâm lý học nổi tiếng của thế kỷ 20, lưu ý rằng hình thức hay thời gian đè nén, áp bức không phải là vấn đề, mà vấn đề là sự đè nén, áp bức luôn luôn bật ngược trở lại. Sự thật cơ bản này cũng đúng với việc đè nén, áp bức con người và với những quy luật kinh tế. Nói theo cách nói quen thuộc của người Trung Quốc, thì khi mọi thứ đạt đến cực điểm, chúng sẽ vận động theo hướng ngược lại. Cụ thể là : "Vật cực tất phản", "Vật cùng tắc biến" ="Dịch cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu" = 易 窮 則 變,變 則 通,通 則 久 = Sự vật phát triển tới cực điểm, khi cùng tận, thì tất phải biến hóa, sau khi biến hóa liền thông đạt, nhờ thông đạt mà được trường cửu, dài lâu.
Sự áp bức của Đảng cộng sản Trung Quốc đối với tự do, phúc lợi kinh tế, và sự thực là, đối với chính mỗi con người của dân tộc Trung Hoa sẽ không thể nào kéo dài mãi mãi. Con người bị áp bức sẽ một ngày kia đứng lên quật khởi.
James Gorrie
Nguyên tác : China’s "Soviet Disease", The Epoch Times,18/08/2019
Mai Hưng dịch
Nguồn : VNTB, 19/08/2019