Từ chuyện GateWay và người đàn bà quậy phá ở sân bay, nghĩ về dân chủ
Viết từ Sài Gòn, 24/08/2019
Phản ứng trước cái xấu, cái ác là tối cần thiết cho tiến trình hoàn thiện của con người. Nhưng phản ứng đến độ cực đoan và không còn nhận dạng được đâu là cái xấu, cái ác, tạo ra sự nhập nhằng trong cái xấu cái ác của chính những người phản ứng với đối tượng thì… Vô hình trung, sự phản ứng thái quá sẽ dẫn đến những chuỗi cái ác, cái xấu phát sinh. Thời gian gần đây, từ vụ GateWay cho đến vụ cô Hiền công an quậy ở sân bay Tân Sơn Nhất, Sài Gòn đều cho thấy bên cạnh những phản ứng cần thiết trong khuôn mẫu đạo đức xã hội, có những phản ứng vượt ngưỡng và tạo ra phản ứng phụ, thậm chí đi ngược với đạo đức, nhân phẩm.
Phản ứng từ vụ GateWay cho đến vụ cô Hiền công an quậy ở sân bay Tân Sơn Nhất đi ngược với đạo đức, nhân phẩm con ngường Việt Nam.
Ở vụ trường GateWay, blogger Nguyễn Văn Hải đã bàn khá kĩ trong "Team Pháp sư trong vụ Gateway - căn cốt đặc tính dân Việt" về những phản ứng phát sinh, từ việc một nhóm người mang vòng hoa đến đặt ở cổng trường gọi là tưởng niệm, chia buồn cùng gia đình cháu bé và gióng lên tiếng nói xã hội nhưng gương mặt của họ khi đặt vòng hoa chia buồn hay tưởng nhớ lại rất tươi tắn, vui vẻ, cảm giác như họ đang thực hiện xong một trách vụ hay phi vụ nào đó thành công hơn là đi chia buồn, thương xót. Bên cạnh đó, một trang facebook tên "Chia sẻ yêu thương về bé Lê Hoàng Long" cũng được hình thành cũng với mục đích được cho biết là gióng lên tiếng chuông lương tri, cảnh báo xã hội… Nhưng trong sâu xa của những hoạt động này, dường như sự chia sẻ, bảo vệ và đòi hỏi tiếng nói công tâm cho các cháu bé, đặc biệt là cháu bé không may trong vụ GateWay thì ít mà mục tiêu tìm những nhóm lợi ích đằng sau vụ này thì lại rất rõ.
Vụ gần đây nhất là nữ đại úy công an Lê Thị Hiền đã gây rối, la hét, dùng lời lẽ thô tục để sỉ vả cô nhân viên kiểm vé của hãng bay Vietnam Airline và sau đó bị các nhân viên an ninh còng tay, đưa vào phòng giải quyết. Chuyện xảy ra vào ngày 11 tháng 8 năm 2019 nhưng đến ngày 20 tháng 8 năm 2019, đoạn video clip này được phát tán trên mạng xã hội (đúng 10 ngày sau vụ việc) và tạo ra hàng chuỗi phản ứng. Trong đó, mọi phản ứng và cả những lời sỉ vả, mạ lị, có nhiều status còn truy cả số điện thoại của cô Hiền để công khai trên mạng. Và đã ba ngày trôi qua, dường như mọi lời sỉ vả nhắm vào người đàn bà tên Hiền này vẫn chưa ngưng.
Ở đây có hai vấn đề : Đoạn video chỉ phát lúc cô Hiền phản ứng, chửi bới nhưng lại không cho thấy trước đó diễn ra như thế nào ; Và mọi phản ứng trở nên gay gắt bởi vì cô Hiền là đại úy công an, là người Bắc. Những lời mạ lị có chứa yếu tố kì thị Nam – Bắc xuất hiện với tầng suất không hề nhỏ, những câu nhận định, bực tức và phẫn uất trước người đàn bà quậy phá này bởi vì gốc gác công an giao thông của cô ta xuất hiện dày đặc. Rõ ràng, ở đây, nếu xét về mặt công tâm, có điều gì đó bất thường. Nhưng vì sao lại như vậy ?
Cô Hiền là người miền Bắc. Thực ra, người miền Bắc có xấu xa, có tệ hại đến mức hai chữ "dân Bắc" trở thành một thứ gì đó mang chất xúc tác kì thị như vậy hay không ? Không, người Bắc hay người Nam gì cũng đều có người tốt, kẻ xấu, tỉ lệ trộm cắp giữa thành phố Sài Gòn và thành phố Hà Nội , nếu mang ra so sánh thì có khi Sài Gòn nhiều hơn. Và cũng đừng nói rằng tất cả những kẻ đầu trộm đuôi cướp ở Sài Gòn là dân Bắc dạt vào. Như vậy những băng nhóm trộm cướp ở Sài Gòn trước 1975 thì sao ? !
Người miền Nam hào sảng, vui vẻ thì người miền Bắc sâu sắc, trầm tĩnh ; Người miền Nam có thói quen uống cà phê sáng để kích hoạt năng lượng cho ngày mới thì người miền Bắc thích uống trà, đón nhận ngày mới một cách tỉnh táo ; Người miền Nam sẵn sàng mời khách ăn uống, mời đến đồng cuối cùng nhưng không nhiệt tình mời khách ngủ lại nhà thì người miền Bắc sẵn sàng mời khách tá túc cả tuần nhưng lại ít nhiệt tình mời ăn… Không thể nói người Nam coi chỗ ở quí hơn miếng ăn hay nói người miền Bắc coi miếng ăn quí hơn chỗ ở. Vì điều này thuộc về căn tính văn hóa của vùng miền, nó hình thành bởi điều kiện sống, điều kiện thổ nhưỡng và quá trình tồn tại lâu dài đã huông đúc nên nó. Không thể nói cái nào tốt hơn cái nào.
Sự phản ứng, mạ lị bởi cô Hiền là người Bắc không hẳn vì người Bắc xấu mà vì chính những cán bộ Cộng sản từ ngoài Bắc vào chiếm miền Nam sau 1975, họ thỏa sức trưng thu, cướp bóc, trong đó nổi bậc phải nói tới Đỗ Mười, họ hành xử không xem miền Nam như một thành phố của con người mà dần biến miền Nam thành một trại súc vật. Điều này tạo ra vết thương đau đớn dai dẳng cho người miền Nam. Không dừng ở đó, thái độ cửa quyền, hách dịch và hỗn láo của các lớp cán bộ gốc Bắc sau này cũng tạo thêm lằn ranh giữa người Nam với người Bắc, đặc biệt, tạo ra cả lằn ranh giữa người Bắc với người Bắc tại miền Nam (Bắc di cư 1954 với Bắc 1975). Và cho đến bây giờ, vô hình trung, người Nam mặc định người Bắc là xấu xa mặc dù ngoài các cán bộ và dân trôi dạt từ Bắc vào (vì hết đất sống trên quê hương), những người Bắc gốc, Bắc quê kiểng, Bắc sống giữ lề thói vẫn còn rất xa lạ với người Nam.
Và chuyện cô Hiền là công an càng tạo thêm phản ứng gay gắt. Nếu cô ta không phải người Bắc, không phải công an thì mọi chuyện có lẽ sẽ khác, người ta sẽ đặt mối tương quan giữa một người mẹ bảo vệ con với một nhóm đông các nhân viên an ninh sân bay hùng hổ chẳng kém. Sâu xa hơn, người ta sẽ hỏi tại sao không có các nhân viên an ninh nữ ra thu xếp vụ việc. Nhưng không, mọi lời nguyền rủa, lăng mạ đều dồn vào cô Hiền. Điều này dễ hiểu, chính hình ảnh xấu xí của số quá đông cảnh sát giao thông, thói vòi vĩnh, thói làm khó người khác, thói xin bánh mì đểu của cảnh sát giao thông đã giết chết họ trong lòng nhân dân. Nhân dân nhìn họ như một loại quái vật gây phiền toái, loại ăn hại nhiều hơn là người điều tiết và giữ trật tự an toàn giao thông.
Cô Hiền cũng chỉ là một trường hợp trong nhiều trường hợp cảnh sát giao thông bị cộng đồng ghét. Trước đây, video một cảnh sát giao thông bị xe đâm chết, cư dân mạng cũng phản ứng chẳng những không chia sẻ trước cái chết mà họ còn tỏ ra vui mừng. Sự vui mừng này không chỉ cho thấy nhân tâm con người đang xuống cấp mà nó cho thấy rằng ngành công an nói chung, ngành cảnh sát giao thông nói riêng đang tự đẩy họ vào vị trí tệ hại nhất, họ đã đánh mất trách vụ và sứ mệnh nghề nghiệp, đánh mất lương tri đến độ họ không còn tồn tại trong mảnh đất tình cảm của người dân nữa.
Và, khi phản ứng của số đông, phản ứng của xã hội rơi vào tình trạng vỡ bờ, lúc đó rất khó để phân biệt rạch ròi, đâu là trắng đâu là đen. Cộng thêm những nhóm biết tranh thủ té nước theo mưa, dẫn dắt dư luận xã hội để đạt được mục đích nào đó của họ thì câu chuyện càng trở nên tệ hại hơn. Vì hiện tại, dù nói như thế nào đi nữa thì Việt Nam cũng cần phải có một nền dân chủ đích thực, cần tiến bộ và cần phải thoát khỏi ách độc tài Cộng sản. Chỉ đạt được mục đích dân chủ, tự do thì đất nước mới phát triển, tiến bộ. Nhưng, với xu hướng hiệu ứng đám đông xô dạt mọi thứ đúng – sai, đen – trắng ; Thói quen nhắm vào lý lịch để phán xét mà bỏ qua yếu tố con người đã ngấm vào chân tơ kẽ tóc của người Việt, thì e rằng mọi chuyện đang phát triển theo chiều hướng xấu đi !
Một quốc gia, dân tộc, nếu tiêu trừ tội ác cũng như quyền lực nhóm của một nhóm, một tập đoàn hay một đảng độc tài bằng cách dùng tội ác khắc chế tội ác, dùng nhóm khắc chế nhóm và dùng thủ đoạn để đánh thủ đoạn thì e rằng, khái niệm dân chủ, nhân quyền hay tự do chỉ là những khẩu hiệu mà các nhóm, các tổ chức, đảng phái đã biết tranh thủ, biết lợi dụng để đạt mục đích của mình. Đất nước không thể tự do bằng việc thay bỏ đi một nhóm độc tài này để rồi thay thế bằng một kiểu độc tài khác.
Sự thiếu rạch ròi và tức nước vỡ bờ trong nhân dân vô hình trung trở thành mảnh đất mang yếu tố lịch sử lặp lại. Vì trước đây nhân dân không chịu nổi phong kiến, nhân dân chấp nhận theo Pháp, và khi bị Pháp bóc lột, nhân dân lại vịn vào chiếc phao Cộng sản. Giờ, Cộng sản độc tài, nhân dân lại tìm một chiếc phao mới nào đó. Trong khi đó, không có chiếc phao nào là đáng tin cậy, giữa dòng chảy lịch sử. Nhân dân phải tự trang bị kĩ năng bơi lội, kĩ năng chống chết sặc và kĩ năng dưỡng sức để vào bờ. Bến bờ tự do không bao giờ là chiếc phao mà là khả năng tự thân.
Nói như vậy để thấy rằng mọi phản ứng trên mạng xã hội giống như thước đo, biểu kế về đạo đức xã hội, về tình cảm cũng như lý trí xã hội đang ở đâu. Và dân chủ, tiến bộ chỉ đến khi con người có đầy đủ khả năng tự thân, có đầy đủ tư duy phán đoán, sự công bằng, sòng phẵng và cả lòng lân mẫn, tiết chế. Người đàn bà hung hăng, hỗn xược như cô Hiền thì không thể thương cảm hay bênh vực được. Nhưng ném đá chưa đủ mà mạ lị, bóp méo hình dạng của đối tượng để hả hê thì phải nên xem lại tư cách của người ném đá.
Nói như vậy để thấy rằng, khát khao dân chủ, khát khao tự do và công bằng cũng như các giá trị dân chủ, công bằng, tự do chỉ đến với con người khi họ biết công bằng với chính mình và người khác, biết suy nghĩ tự do và tư duy độc lập, không bị đám đông lôi kéo, không bị những "hải đăng thông tin" dắt mũi. Hi vọng rằng điều ấy sẽ đến với chúng ta ! Vì, sức mạnh của một dân tộc, quốc gia nằm ở sự đoàn kết, tình yêu thương của con người với con người, của mọi miền đất nước dành cho nhau. Hiện tại, kẻ thù phương Bắc đang lăm le ngoài biển, dã tâm xâm lược của chúng hiện rõ dần, nếu chúng ta tiếp tục phân li Nam – Bắc, nếu chúng ta tiếp tục chia rẽ vì lý lịch… Thì có gì may mắn cho kẻ ngoại xâm hơn điều này ? ! Đã đến lúc người Việt tự hỏi về lòng yêu thương của mình, hơn bao giờ hết !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 24/08/2010 (VietTuSaiGon's blog)
****************
Đại úy Lê Thị Hiền đại náo Tân Sơn Nhất
Thiên Hạ Luận, VOA, 23/08/2019
Cả mạng xã hội lẫn hệ thống truyền thông chính thức cùng sôi sùng sục sau khi video clip ghi lại sự kiện một phụ nữ trạc 40 "đại náo" phi trường Tân Sơn Nhất. Chuyện xảy ra hôm 11 tháng 8, chừng mười ngày sau video clip ghi lại sự kiện mới được đưa lên Internet nhưng không vì thế mà bớt nóng.
Một phụ nữ trạc 40 "đại náo" phi trường Tân Sơn Nhất. Hình trích xuất từ báo Tuổi Trẻ.
Trong video clip ấy, người phụ nữ đẫy đà, mặc áo thun đen, quần rất ngắn, liên tục chỉ mặt các nhân viên dịch vụ mặt đất của Vietnam Airlines, gào lên, đại loại : Mày vừa xấu, vừa ngu ! Sẽ chi năm triệu cho facebook để chạy quảng cáo, chửi… con này ! Mày đ… có chồng thì ế ! Có con thì con bị… dị tật ! Bị lăng mạ, cô nhân viên của Vietnam Airlines ứa nước mắt nhưng người phụ nữ vẫn không ngưng mà chửi tiếp : Mày chảy nước đái thì lấy bỉm (tã) con tao mà đắp vào mặt !
Một số nhân viên hàng không và an ninh phi trường xúm vào can ngăn, đề nghị người phụ nữ đừng gào lên, gây mất trật tự ở nơi công cộng nhưng người phụ nữ gào còn to hơn : Tao quen… ăn to, nói lớn !
Khi video clip vừa kể đổi cảnh, lúc người phụ nữ đối diện với những nhân viên an ninh phi trường ở một chỗ khác. Người xem thấy người phụ nữ tiếp tục vừa đ…, vừa xông vào họ, xô đẩy, vừa la lớn, tố cáo bị… đánh, bị… cướp và dọa những người ngăn cản đại úy đi vào bên trong sẽ phải trả giá (1).
***
Sau khi video clip vừa kể được đưa lên mạng xã hội, công chúng đã tìm ra - xác định người phụ nữ có lối ứng xử khó có thể tìm từ để diễn đạt đúng tư chất ấy là Lê Thị Hiền, 36 tuổi, đại úy công an, đang đảm nhận vai trò cán bộ xử lý hành chính thuộc Đội cảnh sát Giao thông - Trật tự công quận Đống Đa, thành phố Hà Nội !
Nguyên nhân khiến đại úy Hiền "đại náo" phi trường Tân Sơn Nhất cũng đã được xác định : Lúc làm thủ tục đi từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội bằng chuyến bay VN248, đại úy muốn gửi thêm một valise – dạng hành lý xách tay nhưng nhân viên Vietnam Airlines từ chối vì đại úy đã ký gửi đủ bốn kiện hành lý dạng miễn phí. Chỉ thế thôi !
Nói cách khác, nữ đại úy "nộ khí xung thiên" chỉ vì nhân viên Vietnam Airlines không… thông cảm, khiến nữ đại úy phải mang theo valise nặng… tám ký ! Chuyện chưa ngừng ở đó. Lúc vào bên trong, không rõ vì sao nữ đại úy lại làm mất thẻ lên máy bay (boarding pass) của mình và hai người đi cùng, do An ninh hàng không dám cản lại và đề nghị quay ra xin lại boarding pass, nữ đại úy tiếp tục "đại náo" phi trường thêm một lần nữa !
***
Qua báo chí, những viên chức hữu trách ở phi trường Tân Sơn Nhất cho biết, do đại úy Hiền mất bình tĩnh, có thể ảnh hưởng đến an toàn phi hành, họ đã giữ đại úy lại để đại úy đi chuyến bay sau. Mãi tới gần đây, khi video clip ghi lại thái độ, hành động hung hãn của đại úy Hiền khuấy động dư luận, Đồn Công an phi trường Tân Sơn Nhất mới ra quyết định phạt nguội, buộc đại úy nộp… 200.000 đồng !
Khi tin đó được tờ Tuổi Trẻ loan báo, rất nhiều độc giả bày tỏ sự bất bình về cách xử lý, vì rõ ràng đại úy Hiền đã "làm nhục người khác", "gây rối trật tự công cộng", "chống người thi hành công vụ". Có độc giả như Dan bảo rằng : Chẳng thà… nhắc nhở, cảnh cáo rồi thôi, còn hơn phạt 200.000. Có độc giả như Loc thì nửa đùa, nửa thật : 200.000 quá rẻ : Chắc hôm nào ra sân bay làm một "cú" như vậy để mọi người biết đến mình. Có ai muốn đi chung không (2) ?...
Phản ứng của công chúng trên mạng xã hội dữ dội hơn. Chẳng hạn Nguyễn Thiện bình luận : Xem video clip ghi cảnh nữ đại úy công an nhân dân "Lê Thị Hung Dữ" mạt sát nhân viên hàng không thấy muốn chửi thề , đến khi đọc mức phạt còn muốn chửi thề hơn. Đ.M cái quy định phạt ! Pham Minh Hiep - một thân hữu của Nguyễn Thiện bình thêm : Cứ đụng đến "coca" là phạt 200.000. "Phụ khoa" nhà chúng nó ! Theo Tiger Chang, sở dĩ đại úy Hiền chỉ bị phạt 200.000 vì là… công an. Công an phải che chở… công an giống như chiến tranh nhân dân là nhân dân che bộ đội, nhân dân vây quân thù. Nếu bà Hiền không phải công an mà là thường dân thì công an đã đánh nhừ tử (3) !
Không chỉ người sử dụng mạng xã hội đòi hệ thống công quyền phải truy cứu trách nhiệm hình sự đại úy Hiền, đòi ngành công an phải tống cổ bà Hiền ra khỏi ngành, đòi Cục Hàng không Việt Nam cấm đại úy Hiền lên máy bay, hệ thống truyền thông chính thức cũng phẫn nộ. Ví dụ tờ Lao Động đăng một bài viết của Lê Thanh Phong, nhấn mạnh : Không ai có thể tưởng tượng được lại có phụ nữ hung dữ đến như vậy. Giữa chốn đông người, chung quanh toàn là nhân viên hàng không làm việc và ứng xử tử tế, chỉ có một mình bà Hiền nhảy nhót, la lối, chửi bới người khác thậm tệ với những lời lẽ quá độc địa, quá tục tằn. Bà Hiền vừa hung dữ, vừa ác độc khi vu vạ nhân viên hàng không đánh bà, đánh con bà trong khi người ta chỉ thấy bà xông vào, cố tình va chạm.
Theo Phong, nạn nhân của bà Hiền chính là con của bà. Đứa bé gái chừng sáu tuổi hoảng sợ khi chứng kiến sự hung dữ của mẹ. Đứa trẻ này sẽ trở thành người như thế nào khi có một người mẹ như bà Hiền ? Trường học nào dạy nổi con của một người như bà Lê Thị Hiền ? Phong cho rằng, tuy bình tĩnh, lịch sự, cư xử nhã nhặn nhưng nhân viên hàng không chưa làm hết trách nhiệm. Đúng ra, phải khống chế bà Hiền theo quy định để bảo đảm an ninh, an toàn cho sân bay (5).
Trước phản ứng dữ dội của cả dư luận lẫn công luận, lãnh đạo Công an quận Đống Đa, thành phố Hà Nội đã nhờ báo giới nhắn với công chúng rằng, họ vừa quyết định "tạm đình chỉ công tác" của đại úy Hiền để "kiểm điểm, xác minh" vụ đại úy Hiền "đại náo" phi trường Tân Sơn Nhất. Viên đại tá, Trưởng Công an quận Đống Đa nói thêm, căn cứ báo cáo của đại úy Hiền và "Quy tắc Ứng xử của công an nhân dân", bước đầu xác định thái độ, lời nói, cử chỉ của đại úy Hiền trong các đoạn video đang được người Việt chuyển cho nhau tham khảo, đã vi phạm quy định về "ứng xử nơi công cộng của cán bộ chiến sĩ công an nhân dân" (6).
***
Trước nay, công an nhân dân luôn là lực lượng đi đầu, đạt thành tích cao nhất trong tất cả các đợt "học tập, làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Công an nhân dân cũng là lực lượng trưng bày, giới thiệu rộng rãi nhất nỗ lực thực hiện "Sáu điều Bác Hồ dạy", "Năm lời thề", "Mười điều kỷ luật". Năm ngoái, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền còn tổ chức một… Hội thảo Khoa học cấp… quốc gia về chủ đề "70 năm Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy" (7). Thành ra rất đáng ngạc nhiên khi càng ngày, nhân dân càng thù ghét, khinh miệt công an, cho dù Công an nhân dân là lực lượng đầu tiên soạn - quảng bá "Quy tắc Ứng xử" ?
Chưa biết công an nhân dân sẽ xử lý đại úy Hiền thế nào nhưng có một vấn đề cần làm rõ là tại sao đại úy Hiền nói riêng và nhiều thành viên khác của lực lượng công an nhân dân lại nói năng, hành xử trịch thượng với đối tượng mà "bác" dạy "phải kính trọng, lễ phép" như vậy ? Có phải do quá tự tin vào vị thế đặc biệt của công an nhân dân trong nỗ lực duy trì đặc quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của đảng ta hay không ?
Có một điểm cần phải lưu ý nhưng không nhiều người nhận ra, đó là bất kể bị dư luận và công luận chỉ trích kịch liệt, đại úy Hiền vẫn hết sức tự tin. Trong một cuộc trao đổi với Tri Thức Trẻ, đại úy Hiền tuyên bố, vì có rất nhiều thông tin… sai sự thật, bôi nhọ, gây ảnh hưởng đến đại úy trên mạng xã hội nên đại úy sẽ có ý kiến, nhờ cơ quan chức năng vào cuộc. Đồng thời, sẽ có tường trình gửi đến cơ quan về sự việc liên quan đến đoạn video clip (8) !
Cũng bình luận về trường hợp đại úy Hiền, facebooker Chanh Tam cho rằng, bà ngoại của facebooker này sẽ chửi lối xử sự hung hãn, lấn lướt, điêu ngoa, kích động người khác ấy là đồ vô học ! Khác với thất học là không được giáo dục, vô học trong cách chửi của bà ngoại Chanh Tam là thứ vô phương giáo dục. Trong cuộc sống, rất khó tìm ra loại vô phương giáo dục. Chanh Tam dẫn đúc kết của ông Hồ Chí Minh : Lành dữ phải đâu là tính sẵn. Phần nhiều do giáo dục mà nên… kèm thắc mắc : Để được đề bạt, một đại úy phải trải qua qui trình nghiêm nhặt về tuyển dụng, phải rèn luyện thường xuyên. Ngành công an đã đào tạo, hỗ trợ tu dưỡng thế nào để ra nông nỗi này, với một Lê Thị Hiền vô học đến như vậy (9) ?
Thiên Hạ Luận
Nhuồn : VOA, 23/08/2019
Chú thích
(1) https://www.youtube.com/watch ?v=QrEaY77vd0g
(3) https://www.facebook.com/nguyenthien.haihuoctutrao/posts/10215271500200874
(4) https://www.facebook.com/nguyenthien.haihuoctutrao/posts/10215271500200874
(9) https://www.facebook.com/chanh.tam.33/posts/2091594694280120
********************
Văn hóa công an
Cánh Cò, RFA, 22/08/2019
Công an Việt Nam bị cho không thân thiện với người dân khi ngày càng nhiều vụ án oan sai, người chết trong đồn lúc bị bắt, hành hung sách nhiễu vô cớ người dân, hối mại quyền thế, phạt vạ bất công ngoài đường phố hay tảng lờ để côn đồ hành hung dân chúng trong các vụ án mang hình thái chính trị... Đó là những vết nhơ không thể tẩy sạch trong một sớm một chiều.
Bà Lê Thị Hiền, Đại úy công an Hà Nội, có hành vi bất nhã đối với nhân viên phục vụ tại sân bay
Bên cạnh đó là hình ảnh xấu xí của cán bộ viên chức ngành công an khi hành xử giữa chốn đông người bị người dân thu video tung lên mạng ngày một nhiều góp phần tô điểm lên bộ mặt của người công an càng thêm khó coi và đôi lúc thảm hại, trơ trẽn.
Vụ mới nhất vừa xảy ra tại phi trường Tân Sơn Nhất được báo Thanh Niên Online loan tải lại theo một video clip của người dân quay được toàn cảnh một phụ nữ có hành vi bất nhã đối với nhân viên phục vụ tại sân bay. Người phụ nữ này là bà Lê Thị Hiền trú tại Hà Nội đi cùng với Ngô Tiến Dũng và Lê Bảo An đến quầy làm thủ tục của Vietnam Airline hôm 11 tháng 8.
Bà Hiền ký gửi 4 kiện hành lý và yêu cầu được ký gửi tiếp kiện thứ 5 nhưng nhân viên check in không đồng ý vì thủ tục hàng không quy định. Sau một lúc đôi co bà Hiền lớn tiếng thóa mạ người nữ nhân viên này bằng những ngôn từ hạ cấp nhất của tiếng Việt. Hành khách lên tiếng bênh vực cho người nữ nhân viên hàng không cũng bị bà Hiền chửi luôn. Đại diện Vietnam Airlines đã quyết định hủy chuyến với bà Lê Thị Hiền để giữ an ninh, an toàn. Trong lúc hướng dẫn bà Hiền liên hệ với Cảng vụ hàng không miền Nam để giải quyết vụ việc, bà Hiền tiếp tục có hành vi to tiếng, chống người thi hành công vụ. Cụ thể, bà Hiền dùng tay đánh vào người, nhân viên an ninh hàng không, gây mất an ninh trật tự công cộng.
Cuối cùng thì người ta được biết bà Lê Thị Hiền là cán bộ công an Quận Đống Đa Hà Nội, với cấp hàm Đại uý. Có lẽ vì cấp hàm này mà an ninh phi trường Tân Sơn Nhất chỉ phạt bà Hiền 200 ngàn tội vi phạm an ninh công cộng và chống người thi hành công vụ.
Có thấy hình ảnh rủa sả người khác của bà Hiền mới nhận ra được chiều sâu của vấn đề. Chửi thì người dân nào cũng chửi nhau trong cuộc đời mình nhưng thóa mạ người khác tại một nơi công cộng như phi trường Tân Sơn Nhất thì hiếm có người dân nào dám công khai làm việc đó. Họ bị chế tài bởi luật pháp một phần, một phần khác lớn hơn con người ít nhiều tự trọng không cho phép họ mở máy "chửi" trước hàng ngàn đôi mắt của hành khách. Phi trường vốn là nơi khác rất xa bến xe đò, hành khách của nó lịch sự tối thiểu là không ăn to nói lớn, không có hành vi côn đồ, không ăn mặc nhếch nhác và nhất là không được bất nhã với nhân viên hàng không. Những khuôn phép bất thành văn ấy hành khách của hàng không phải hiểu biết và tuân thủ nếu không sẽ nhận được những ánh mắt khinh bỉ của người bên cạnh và trong nhiều trường hợp, nhân viên an ninh sẵn sàng cách ly kẻ vi phạm và cấm bay trong một thời gian nhất định cũng như các biện pháp phạt vạ khác sẽ được áp dụng.
Bà Hiền cho rằng mình không phải là một công dân bình thường như mọi công dân khác. Bà biết rõ sự quan trọng của màu áo cán bộ mà mình đang mặc và bà có quyền hành xử như trong một đồn công an nơi bà công tác. Tư duy ấy giúp bà Hiền vượt qua những đôi mắt soi mói nhìn bà khi bà lên cơn cào ấu đồng loại bằng thứ ngôn ngữ hạ tiện lưu manh của bọn móc túi và kiếm sống tại các bến xe hay chợ búa. Bà Hiền luôn đội chiếc nón công an trong tiềm thức và bà ta tin rằng dù có làm gì cũng không ai dám động vào bà vì động vào công an là động vào đảng, mà động vào đảng thì chỉ có con đường duy nhất là vào tù.
Bà nghĩ như vậy và An ninh Cảng vụ Hàng không Tân Sơn Nhất cũng nghĩ như vậy nên mức phạt dành cho bà cũng ưu tiên như khi phạt công an : 200 ngàn. Mức phạt ấy không lạ, nó đã có tiêu chuẩn từ nhiều năm nay đã áp dụng vào nhiều vụ và vụ ấu dâm của Linh nựng là một điển hình.
Bà Hiền không phải là tất cả công an Việt Nam nhưng mức phạt cho thấy sự đồng nhất của công lý đối với công an là có thật và người dân buộc lòng phải nghĩ nhiều hơn về tất cả những gì mà nhà nước đã và đang hô hào người dân về hiến pháp và pháp luật.
Bên cạnh pháp luật bị coi thường, người dân thấy ra được văn hóa của một bộ phận đang làm mưa làm gió tại Việt Nam : văn hóa công an.
Chỉ có công an mới xem thường người dân đến thế và cũng chỉ có công an mới dám lộng quyền xem luật pháp là của họ. Họ có quyền chà đạp bất cứ ai và bất cứ nơi nào lúc nào. Người dân hèn mọn và yếu đuối đến nỗi chỉ biết khóc như cô gái nhân viên hãng hàng không Air Vietnam trong câu chuyện, còn nhân dân khác cũng tỏ ra sợ hãi khi bà Hiền lộ vẻ công an trong cách nói năng, đi đứng, vì vậy họ đành im lặng không hề dám một lời nào chống lại sự thô bỉ của đương sự.
Chì có công an mới tấn công cả nhân viên an ninh của sân bay và đây là dấu hiệu đáng suy gẫm nhất trong cái văn hóa công an ấy. Họ không những xem thường dân mà còn xem thường phép nước, xem thường tất cả mọi lực lượng vũ trang khác không cùng màu áo như họ bởi vì họ là con cưng của chế độ, là thanh kiếm giữ đảng và vì vậy họ trở thành kiêu binh đỏ.
Trong lúc bà Hiền lên tay lên chân với cô gái ngồi trong quầy vé thì đứa con gái của bà lẩn quẩn kế bên không biết mẹ đang làm gì với người lạ. Dù tuổi còn rất nhỏ khoảng 8 hay 9 tuổi nhưng không may cho cô bé ấy là trong tiềm thức của cô thì mẹ cô luôn luôn đúng và lớn lên cái suy nghĩ ấy không dễ gì thoát ra khỏi cái đầu đã bị in ấn hình ảnh rất "công an" từ lúc ấu thơ sẽ dẫn cô bé tới một mảnh đất khác xa hẳn vùng đất mà người dân bình thường đang sống.
Bà Hiền rồi đây có bị kỷ luật hay không không quan trọng đối với người xem được hình ảnh của bà ta trên báo chí. Quan trọng là sau bà ta chắc chắn sẽ còn rất nhiều câu chuyện tương tự do công an thủ diễn bởi nhận thức của đa số người khoác áo công an đều nghĩ rằng không có vùng cấm trong nhân dân dành cho công an.
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 22/08/2019 (canhco's blog)