Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/09/2019

Công nghệ nhận diện khuôn mặt : khi khoa học là công cụ phục vụ chính trị

Trúc Giang

56% người Mỹ thực sự tin tưởng khi giới thực thi pháp luật sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Trong khi đó thì dân Trung Quốc tuy lo ngại công nghệ nhận diện khuôn mặt, nhưng lại cam chịu.

bigbrother1

Dân Trung Quốc tuy lo ngại công nghệ nhận diện khuôn mặt, nhưng lại cam chịu.

Tờ Beijing News (Tin tức Bắc Kinh) đã đăng một bài viết có đoạn : "Tương lai đã tới, trí tuệ nhân tạo không chỉ là bài kiểm tra với phát triển công nghệ mà còn là bài kiểm tra cho công tác quản lý. Ngay bây giờ, rất khó để xác định xem ứng dụng này thu thập dữ liệu mặt người có ý đồ gì xấu không, nhưng lo ngại của công dân mạng là có thể hiểu được" (1).

Dân Mỹ thì không mấy lo ngại như dân Trung Quốc. Thông tin trên Pew Research cho biết 56% người Mỹ thực sự tin tưởng khi giới thực thi pháp luật sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Cụ thể, 59% người được hỏi cho biết việc cảnh sát dùng công nghệ để đánh giá các mối đe dọa an ninh nơi công cộng là ổn (2).

Vì sao có sự khác biệt đó ? 

Tại Trung Quốc, chính phủ thường để các công ty xây dựng, phát triển sản phẩm mới rồi mới đưa ra quy định quản lý. Mặt khác, sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt ở Trung Quốc đa phần được hiểu là có yếu tố chính trị. Đơn cử, Hikvision, công ty sản xuất thiết bị giám sát thuộc sở hữu nhà nước, có trụ sở ở thành phố Hàng Châu, Trung Quốc, đang bị cáo buộc đã hỗ trợ chính quyền Trung Quốc thực hiện các hoạt động giám sát với cộng đồng người thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Ở các nước khác, quy trình này không như vậy. Một số thành phố lớn ở Mỹ đã cấm dùng công nghệ nhận diện khuôn mặt. Hồi tháng 3, Missouri đã đưa ra Đạo luật Riêng tư Nhận diện khuôn mặt thương mại 2019. Động thái này được một số người coi là dấu hiệu cho thấy Chính phủ Mỹ sẵn sàng cân nhắc cấm toàn quốc công nghệ nhận diện khuôn mặt.

Lo ngại và thái độ cam chịu tương tự như người dân Trung Quốc cũng là một ghi nhận tại Việt Nam. 

Một năm trước, vào trung tuần tháng 9, Cục Đối ngoại (Bộ Công an Việt Nam) và Văn phòng sĩ quan liên lạc Cảnh sát Trung Quốc tại Việt Nam đã tổ chức khánh thành Phòng LAB do Bộ Công an Trung Quốc viện trợ Bộ Công an Việt Nam.

Công ty công nghệ thông tin Lý Á (Trung Quốc) là nhà cung cấp thiết bị cho Phòng LAB đặt tại TP.HCM đó. Theo thông cáo báo chí thì hệ thống bao gồm các thiết bị thu thập, khôi phục chứng cứ dữ liệu điện tử nhằm phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Lý Á là ai, công nghệ của họ là gì ? Hiện tại rất khó tìm kiếm thông tin về doanh nghiệp ấy của Trung Quốc. Báo chí Việt Nam cũng không được quyền khai thác chi tiết, mà chỉ đăng tải mỗi thông tin từ thông cáo báo chí của Bộ Công an về ‘món quà’ Phòng LAB do Bộ Công an Trung Quốc viện trợ Bộ Công an Việt Nam.

Liệu dữ liệu từ các camera trên đường phố, ngõ hẻm và cả trước cổng nhà các cá nhân hoạt động xã hội dân sự tại Sài Gòn, phải chăng đều được thu thập và xử lý từ Phòng LAB viện trợ của Bộ Công an Trung Quốc ?

Những trang tin, mạng xã hội ở Trung Quốc tuy cũng bày tỏ sự bất an về công nghệ nhận diện khuôn mặt, nhưng tất cả đều không hề đả động đến vấn đề chính phủ nắm mọi thông tin cá nhân của người dân. Báo chí Việt Nam cũng vậy.

Trong lúc đó thì giới buôn bán các thiết bị camera an ninh gia dụng tại Sài Gòn nói rằng, họ đang ngại cả sự riêng tư của khách hàng sử dụng camera bị kiểm soát bởi chính nhà sản xuất thiết bị của Trung Quốc ; đặc biệt là mối liên quan nghi vấn với hệ thống với trang thiết bị kỹ thuật chuyên dụng đặt tại Phòng LAB do Bộ Công an Trung Quốc viện trợ, đặt tại TP.HCM.

Camera Hikvision là sản phẩm được đánh giá ‘hàng cao cấp’ cho tư vấn các lựa chọn trong lắp đặt hệ thống camera dân dụng hiện nay tại Sài Gòn. Các thương hiệu camera và công nghệ nhận diện khuôn mặt khác như Yitu, Megvii, SenseTime cũng được tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Đây là mối nguy về việc Trung Quốc đang kiểm soát gần như hầu hết các hoạt động tại Việt Nam, thông qua những nhà cung cấp thiết bị này.

Một ghi nhận tại Nha Trang và Đà Nẵng, từ đầu tháng 7-2019, hệ thống thanh toán bằng nhận diện khuôn mặt của Alipay có thêm tính năng làm đẹp để thu hút khách về tâm lý. Điện thoại di động thương hiệu Xiaomi tại thị trường Việt Nam hiện đã tích hợp tiện ích này cho việc mua sắm trực tuyến thanh toán qua Alipay và Wechat Pay.

Những lo ngại về những ‘con ngựa thành Troy’ qua hệ thống camera do Trung Quốc sản xuất, cùng với kiểu viện trợ Phòng LAB của Bộ Công an Trung Quốc, đưa đến cảm giác người Sài Gòn đi đâu cũng đang chịu sự dòm ngó của không chỉ công an Việt Nam, mà còn có cả ‘giặc phương Bắc’ Trung Quốc.

Trúc Giang

Nguồn : VNTB, 09/09/2019

(1) https://www.beijingnews.net/news/262285625/viral-chinese-face-swapping-zao-app-sparks-privacy-concern

(2) https://www.pewinternet.org/2019/09/05/more-than-half-of-u-s-adults-trust-law-enforcement-to-use-facial-recognition-responsibly/

Quay lại trang chủ
Read 468 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)