Hệ quả của đợt "cải cách ruộng đất" thập niên 50 của thế kỷ trước, tới bây giờ miền Bắc có nhiều cái vĩnh viễn không thể xây dựng, hay tạo dựng lại được. Thời đó "quần chúng" ủng hộ ghê lắm. Quần chúng là ai ? là dân, mà dân như cỏ. Gió thổi đâu là cỏ xuôi theo hướng đó. Cán bộ đốc thúc, xúi giục... con tố cha, vợ tố chồng, anh em tố cáo lẫn nhau. Hàng xóm nhìn nhau nghi kỵ. Rốt cục nhìn lại tay ai cũng "dính máu". Không máu người thân thì cũng máu me bạn bè hàng xóm. Ông Hồ cuối cùng phải "nhỏ lệ" sửa sai. Nhiều "án văn thơ" đã được sáng tác trong dịp này, mục đích xúi giục dân phạm tội ác. Con cháu của các tác giả đến nay nhiều người vẫn còn xấu hổ.
Nhiều người thấy vui khi thấy ông Phó chủ tịch quận 1 Đoàn Ngọc Hải trực tiếp xuống đường chỉ đạo giành lại vỉa hè
Giống như bây giờ, "quần chúng" cũng ủng hộ ông phó Hải ghê lắm. Ông phó Hải được thế lên như "diều gặp gió". "Đập, đập nữa... bàn tay không phút nghỉ...". Nhiều "nhà báo" cũng "lên đồng", kiểu Tố Hữu thời xưa, lên "fây" ra giọng thầy đời "mắng mỏ" những người chống đối.
Ngày xưa "trí thức" là một cái tội. Bây giờ, nhà mặt tiền quận một, tức nhà giàu, là "một cái tội".
Ba thập niên đổi mới con người vẫn chưa lấy lại được tư duy "bình thường". Hình như "lòng căm thù bọn địa chủ, tư sản bóc lột" đã trở thành tập quán của con người Việt hôm nay.
Ngày xưa "đấu" địa chủ người nông dân chắc cảm thấy hả dạ ghê lắm. Bây giờ nhà ai bị đập, bị "cẩu xe"... thì người dân cũng mát ruột như vậy.
Lòng ganh tị làm người ta mờ mắt. Những người dân buôn bán nhờ vào vỉa hè, đồng tiền họ làm ra là mồ hôi nước mắt, sức lao động của họ. Điều đáng sợ là có nhiều người cảm thấy hả dạ khi thấy lớp người buôn bán tảo tần này bị tách khỏi hè phố.
Muốn đất nước giàu mạnh mà thù ghét, ganh tị với người có tiền hơn mình, thì bao giờ đất nước này khá hơn ?
Thôi thì ngồi nhìn cơn "lên đồng" của ông phó Hải và "quần chúng". Chớ biết làm gì bây giờ !
Trương Nhân Tuấn
Nguồn : facebook.com/nhantuan.truong
Những hình ảnh ấn tượng của chiến dịch giành lại vỉa hè